Bản án 19/2011/HSST ngày 26/05/2011 về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH 

BẢN ÁN 19/2011/HSST NGÀY 26/05/2011 VỀ TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ QUYỀN HẠN KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Trong  các ngày 26, 27, 30 tháng 05 năm 2011, Tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa công khai theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14 ngày 14/4/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh để xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 02/2011 ngày 13/01/2011 đối với các bị cáo:

1. Trần Thế T - sinh 1953

Nơi đăng ký HKTT: Thị trấn G, huyện G – Bắc Ninh

Nghề nghiệp: Cán bộ; Học vấn 10/10

Là Đảng viên đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Con ông: Trần Thế S – đã chết; Con bà: Trần Thị H – đã chết

Gia đình có 05 anh anh em, bản thân là út

Có Vợ là Vương Thị V – sinh 1954; có hai con, lớn sinh 1978 nhỏ sinh 1982

Tiền án, tiền sự: Không

Bị bắt tạm giam từ 30/12/2009 đến ngày 29/01/2011, hiện đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên tòa

2. Nguyễn Bá L – sinh ngay 22/02/1961

Ở tại: Xã M – huyện C – Bắc Ninh

Nghề nghiệp: Cán bộ; Học vấn 10/10

Là Đảng viên, hiện đang bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Con ông: Nguyễn Bá Q – đã chết; con bà: Đoàn Thị Đ – đã chết

Gia đình có 5 anh em, bản thân là thứ 4

Có vợ là Vũ Thị V – sinh 1962; có hai con lớn sinh 1984, nhỏ sinh 1986

Tiền án, tiền sự: Không

Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa

3. Nguyễn Khắc L – Sinh 1962

Ở tại: Thị Trấn H – Huyện T – Bắc Ninh

Nghề nghiệp: Cán bộ ; Học vấn 10/10

Là Đảng viên hiện đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Con ông: Nguyễn Khắc T – sinh 1928; Con bà: Nguyễn Thị M – sinh 1929, gia đình có bảy anh chị em bản thân là thứ 4

Có vợ là Dương Thị Xuân H – sinh 1969; có ba con lớn sinh 1992, nhỏ sinh 2009

Tiền án, tiền sự: Không

Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa

4. Lương Trung H – sinh 1979

Ở tại: Thôn P – TT G – huyện G – Bắc Ninh

Nghề nghiệp: Cán bộ; Học vấn 12/12

Là Đảng viên đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Con ông: Lương Gia H – sinh 1944; Con bà: Nguyễn Thị S – sinh 1949. Gia đình có bốn anh em bản thân là thứ ba.

Có vợ là Nguyễn Thị Kim D sinh 1983; có một con sinh 2008

Tiền án, tiền sự: không

Bị bắt tạm giam từ ngày 09/10/2009 đến 13/01/2010. Hiện tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

5. Nguyễn Văn K – sinh 23/5/1958

Ở tại: thị trấn G – huyện G – Bắc Ninh

Nghề nghiệp: Cán bộ; Học vấn: 10/10

Là Đảng viên đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Con ông: Nguyễn Văn P – đã chết; Con bà: Nguyễn Thị S – đã chết

Gia đình có 05 anh chị em, bản thân là thứ 2 1987

Có vợ là Chu Thị Minh H – sinh 1961, có 02 con lớn sinh 1985, nhỏ sinh

Tiền án, tiền sự: Không

Bị bắt tạm giam từ ngày 09/10/2009 đến 13/01/2010. Hiện tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

6. Nguyễn Huy S – sinh 1971

Ở tại: Xã V – Huyện G – Bắc Ninh

Nghề nghiệp: Cán bộ; Học vấn: 10/10

Là Đảng viên đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Con ông: Nguyễn Huy M – sinh 1933 là thương binh đã nghỉ hưu; Con bà: Nguyễn Thị N – sinh 1933. Gia đình có 06 anh em, bản thân là út.

Có vợ là: Nguyễn Thị H – sinh 1971. có hai con lớn sinh 1992, nhỏ sinh 2000

Tiền án, tiền sự: Không

Bị bắt tạm giam từ ngày 09/10/2009 đến 13/01/2010. Hiện tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

7. Nguyễn Ngọc C – sinh 1969

Ở tại: Thị trấn G – Huyện G – Bắc Ninh

Nghề nghiệp: Cán bộ; Học vấn: 10/10

Là Đảng viên đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng

Con ông: Nguyễn Ngọc C – sinh 1941; Con bà: Nguyễn Thị P – sinh 1939.

Gia đình có 06 anh chị em, bản thân là thứ ba.

Có vợ là Nguyễn Thị Y – sinh 1969. Có hai con lớn sinh 1994, nhỏ sinh 2000

Tiền án, tiền sự: Chưa

Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

Người có quyền, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Văn H – sinh 1958

Ở tại: Số nhà 11, đường Lê Văn T, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh. (Vắng mặt)

2. Ông Nguyễn Kim T – sinh 1963

Ở tại: Cầu Đào – Nhân Thắng – Gia Bình – Bắc Ninh

(Phó chủ tịch UBND huyện Gia Bình) – Vắng mặt

3. Ông Nguyễn Xuân Q – sinh 1953

Ở tại: Bình Dương – Gia Bình – Bắc Ninh

(Phó chủ tịch UBND huyện Gia Bình) – Vắng mặt

4. Ông Lê Đình H – sinh 1962

Ở tại: Khu nhà ở cán bộ - TT Gia Bình – gia Bình – Bắc Ninh (có mặt)

5. Ông Nguyễn Kim T – sinh 1963

Ở tại: Cầu Đào – Nhân Thắng – Gia Bình – Bắc Ninh

(Nguyên trưởng phòng tài chính, hiện là Chủ tịch UBND huyện Gia Bình) – Vắng mặt

6. Bà Nguyễn Thị Đ – sinh 1965

Trạm trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Gia Bình – Có mặt

7. Ông Nguyễn Bá N – sinh 1954

Ở tại: Vạn Ty – Thái Bảo – Gia Bình – Bắc Ninh

(Phó bí thư thường trực huyện ủy Gia Bình) – Vắng mặt

8. Ông Hoàng Xuân M – sinh 1964

Ở tại: Thôn Kênh Phố - Cao Đức – Gia Bình – Bắc Ninh – Có mặt

(Phó chánh văn phòng huyện ủy Gia Bình)

9. Ông Nguyễn Xuân Đ – sinh 1958

Ở tại: Yên Việt – Đông Cứu – Gia Bình – Bắc Ninh

(Trưởng ban Dân vận huyện ủy Gia Bình) – Có mặt

10. Ông Phạm Đình Đ – sinh 1954

Ở tại: Đại Lộc – Xuân Lai – Gia Bình – Bắc Ninh

(Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy Gia Bình) – Vắng mặt

11. Ông Trần Danh T - sinh 1954

Ở tại: Phương Triện – Đại Lai – Gia Bình – Bắc Ninh

(Nguyên chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy Gia Bình) – Vắng mặt

12. Ông Nguyễn Thành K – sinh 1953

Ở tại: Yên Việt – Đông Cứu – Gia Bình – Bắc Ninh

(Nguyên trưởng ban tổ chức huyện ủy Gia Bình) – Vắng mặt

13. Ông Trịnh Đình Q - sinh 1961

Ở tại: Phú Ninh – TT Gia Bình – Gia Bình – Bắc Ninh

(Chánh văn phòng huyện ủy Gia Bình) – có mặt

14. Ông Nguyễn Việt C – sinh 1959

Ở tại: Cao Thọ - Vạn Ninh – Gia Bình – Bắc Ninh

(Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh) – Vắng mặt

15. Ông Trần Danh T - sinh 1959

Ở tại: Phương Triện – Đại Lai – Gia Bình – Bắc Ninh

(Chủ tịch UBND xã Đại Lai) – có mặt

16. Ông Nguyễn Xuân Q - sinh 1959

Ở tại: Kênh Phố - Cao Đức – Gia Bình – Bắc Ninh

(Chủ tịch UBND xã Cao Đức) – Có mặt

17. Ông Nguyễn Đức C – sinh 1960

Ở tại: Vạn Ty – Thái Bảo – Gia Bình – Bắc Ninh

(Chủ tịch UBND xã Thái Bảo) – Có mặt

18. Ông Nguyễn Khắc Đ – sinh 1969

Ở tại: TT Gia Bình – Gia Bình – Bắc Ninh – Có mặt

19. Nguyễn Văn P – sinh 1962

Ở tại Đại Lai – Đại Lai – Gia Bình – Bắc Ninh

*Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thế T:

1. Luật sư Đỗ Ngọc Quang – Công ty Luật TNHH Quang Minh Nam, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Có mặt

2. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Văn phòng Luật sư Đông Dương, thuộc đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An – Có mặt.

3. Luật sư Nguyễn Đức Thịnh – Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, thuộc đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh – Vắng mặt.

4. Luật sư Trần Đình Triển – Văn phòng Luật sư Vì Dân, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Có mặt.

5. Luật sư Phạm Hồng Hải – Văn phòng Luật sư Phạm Hông Hải và ccộng sự, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Có mặt.

6. Luật sư Đặng Quý Chuyên – Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Vắng mặt.

7. Luật sư Hoàng Văn Hƣớng – Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, thuộc đoàn luật sư thành phố Hà Nội – Có mặt.

* Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc C.

Luật sư Đinh Văn Ninh – Văn phòng Luật sư Đinh Văn Ninh, thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Có mặt.

Nguyên đơn dân sự:

Ủy ban nhân dân huyện G do ông: Nguyễn Bá T – sinh 1972

Chức vụ: Chánh văn phòng UBND huyện G đại diện – Có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản Cáo trạng số 01 ngày 11/01/2011, của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thì hành vi phạm tội của Trần Thế T và đồng bọn được thể hiện như sau:

Do việc đun đốt lò gạch làm ô nhiễm môi trường, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, đông người xảy ra trên địa bàn tỉnh BN và BG, ảnh hưởng đến sức khỏe và tình hình trật tự trị an cũng như tình hình sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngày 19/07/2006 HĐND tỉnh BN đã ra Nghị quyết số 55 về việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 13 ngày 26/4/2000 của HĐND tỉnh “về ban hành quy định tạm thời quản lý, khai thác đất đồi núi, đất để sản xuất gạch ngói và các sản phẩm đất nung, khai thác cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh”. Trên cơ sở Nghị quyết số 55 của HĐND tỉnh, ngày 10/08/2006 UBND tỉnh BN đã ra Quyết định số 97/2006/QĐ-UB, quy định về việc quản lý, sản xuất gạch ngói thủ công trên địa bàn tỉnh. Tại Điều 8 QĐ 97 đã quy định cụ thể: “thời gian được đun đốt lò gạch thủ công hàng năm là bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước, kết thúc có khói lò là ngày 10/03 năm sau. Riêng đối với các khu vực sản xuất gạch ngói nằm dọc theo tuyến đê Sông Cầu nơi giáp ranh với tỉnh BG, thời gian cho phép đun đốt là từ ngày 01/10 năm trước đến ngày 15/02 năm sau”. Đến ngày 30/03/2007, UBND tỉnh ra thông báo số 04/UBND – TB, thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, quy định lại thời gian cho đun đốt gạch ngói thủ công cụ thể: “Thay đổi thời gian được đốt lò gạch thủ công từ ngày 01/10 năm trước đến ngày 01/03 năm sau”.

Mặc dù, đã có Quyết định số 97/2006/QĐ – UB và thông báo kết luận số 04 của Chủ tịch UBND tỉnh những Trần Thế T với cương vị là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện G đã có động cơ cá nhân, vụ lợi, thu vén cho lợi ích cục bộ địa phương, Trần Thế T đã triệu tập và chủ trì nhiều hội nghị giao ban “hỗn hợp”, sau đó Trần Thế T đã kết luận, chỉ đạo giao cho lãnh đạo các ngành trực thuộc UBND huyện tiến hành thu tiền của các chủ lò và cho đun đốt gạch ngói thủ công trái với Quyết định 97/2006/QĐ-UB của UBND tỉnh BN, gây thiệt hại nghiêm trọng cụ thể như sau:

Năm 2008:

Sáng ngày 19/05/2008, Trần Thế T   với tư cách là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện G đã triệu tập và chủ trì Hội nghị giao ban Ban thường vụ Huyện ủy G gồm 10 người và một số lãnh đạo các phòng ban của UBND huyện. Tại cuộc họp Trần Thế T đã kết luận nhiều nội dung, trong đó có nội dung chỉ đạo việc đi thu tiền của các chủ lò gạch, mỗi khẩu lò 10.000.000đ để đưa vào quỹ giao thông nông thôn rồi cho họ được đun đốt lò, đồng thời thông báo cho các chủ lò gạch biết thời gian được đun đốt gạch từ 20/06 đến ngày 25/06/2008.

Ngay buổi chiều cùng ngày, Trần Thế T lại triệu tập và chủ trì Hội nghị với thành phần tham dự gồm: Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, và Thường trực UBND, các Ban xây dựng Đảng, các Phòng khối quản lý Nhà nước. Tại cuộc họp, sau khi nghe các ngành báo cáo, Trần Thế T đã kết luận nhiều nội dung, trong đó có nội dung thu “tiền phạt” của các chủ lò gạch, giao cho ngành Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Tài chính, Công thương tiến hành thu của mỗi khẩu lò 10.000.000đ làm quỹ giao thông nông thôn.

Ngày 02/06/2008, Trần Thế T lại triệu tập và chủ trì cuộc họp giao ban tại Huyện ủy G, thành phần dự họp gồm: Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Trưởng các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng HĐND, UBND, Mặt trận tổ quốc, Trung tâm bồi dưỡng chính trị và phòng giáo dục, Nội vụ, Thanh tra, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Tài chính và kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường, Ytế, Công chứng, UBND xã Nhân Thắng. Tại cuộc họp, Trần Thế T sau khi nghe các ngành báo cáo, Trần Thế T đã kết luận và chỉ đạo đun đốt gạch thủ công là: Cho đun đốt gạch thủ công từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 6 năm 2008 và chỉ cho đun đốt một lần.

Ngày 06/06/2008, Trần Thế T lại tiếp tục triệu tập và chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, trưởng các Ban, Ngành, trong phần liên quan đến gạch thủ công, Trần Thế T kết luận và chỉ đạo: Yêu cầu các ngành thống kê thu phạt lò gạch, giao cho phòng Tài chính kế hoạch quản lý để đưa vào quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn; phạt 10.000.000đ/1 lò. Giao cho ông Q Phó chủ tịch huyện ký phạt. Trần Thế T còn kết luận chỉ đạo cho các lò gạch đun đốt đồng loạt trước ngày 18/6/2008.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trần Thế T tại các cuộc họp nói trên, các cán bộ dưới quyền của Trần Thế T là Nguyễn Khắc L, Nguyễn Ngọc C và Nguyễn Đắc H đã về triển khai và giao cho cán bộ dưới quyền là Lương Trung H, Nguyễn Huy S và Nguyễn Văn K đi xuống 5 xã là Đại Lai, Thái Bảo, Vạn Ninh, Lãng Ngâm, Cao Đức, tiến hành thu tiền của các chủ lò với mức 10.000.000đ/1 lò và thông báo cho họ được đun đốt gạch là từ ngày 20 đến ngày 25/06/2008, các chủ lò đã nộp tiền và đồng loạt đun đốt gạch vào ngày 18/06/2008 trái với quy định của UBND tỉnh BN về thời gian cho phép đun đốt lò gạch.

Đến ngày 27/06/2008, Trần Thế T chủ trì cuộc họp giao ban gồm hầu hết các Ban, Ngành của Huyện ủy, UBND huyện. Sau khi nghe các Ban , Ngành báo cáo việc thu tiền lò gạch tại 5 xã được tổng số 3.585.000.000đ, Trần Thế T đã kết luận và quyết định hỗ trợ 10% cho các xã và hỗ trợ tiền ngoài giờ cho cán bộ trực tiếp đi thu tiền là 20.000.000đ, còn lại số tiền trên được sử dụng vào các công việc xây dựng đường giao thông của huyện.

Do việc các lò gạch đun đốt không đúng thời gian quy định nên đã làm cháy táp mạ của các hộ dân ở xã Thái Bảo và xã Đại Lai, các chủ lò gạch đã tự nguyện bồi  thường  cho  các  hộ  dân  xã  Thái  Bảo  là  20.780.000đ và xã Đại Lai là 19.650.000đ

Về hành vi của Trần Thế T và đồng bọn năm 2009.

Do việc chỉ đạo đun đốt lò gạch trái phép năm 2008 của Trần Thế T tại huyện G, nên ngay từ đầu năm 2009 Tỉnh ủy, UBND tỉnh BN đã có sự chỉ đạo tích cực để không xảy ra việc đun đốt lò gạch trong thời gian nghiêm cấm (từ 2/3 đến 30/9 hàng năm).

Mặc dù từ tháng 7/2008, Trần Thế T đã thôi giữ chức Chủ tịch UBND huyện G, song vẫn giữ chức vụ Bí thư huyện ủy G kiêm Chủ tịch HĐND huyện. Bất chấp sự chỉ đạo của UBND tỉnh BN về việc nghiêm cấm đun đốt lò gạch trong thời gian bị cấm, với cương vị Bí thư huyện ủy Trần Thế T đã triệu tập nhiều cuộc họp giao ban hỗn hợp, với sự tham dự của các cán bộ chủ chốt thuộc Huyện ủy, HĐND, UBND và các Ban, Ngành trong huyện để chỉ đạo, tổ chức thu tiền “ủng hộ” trá hình, thu tiền “phạt hành chính” trước khi vi phạm của các chủ lò, rồi cho họ đun đốt gạch thủ công trái phép, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về vật chất và tinh thần với quy mô, tính chất nghiêm trọng lớn hơn năm 2008 cụ thể:

Chiều ngày 09/06/2009, Trần Thế T với cương vị Bí thư huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện G đã triệu tập cuộc họp giao ban hỗn hợp gồm: Thường trực Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, các Ban xây dựng Đảng và một số phòng ban trực thuộc UBND huyện. Cuộc họp gồm có 17 người tham dự với nhiều nội dung, trong đó có nội dụng Trần Thế T yêu cầu phòng Công thương báo cáo số khẩu lò đun đốt gạch thủ công trên địa bàn huyện tại thời điểm hiện tại. Sau khi nghe Nguyễn Khắc Đ – Phó trưởng phòng Công thương phụ trách phòng báo cáo số khẩu lò có tại thời điểm ngày 09/06/2009, Trần Thế T đã kết luận nội dung này như sau: Duy trì việc ngừng cấp điện đối với các chủ hộ đun đốt gạch thủ công đến ngày 17/06/2009, đồng thời giao cho các ngành Công thương, Tài chính, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp triển khai việc thu tiền của các chủ lò gạch, mức thu với các khẩu lò ven đê là 20 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”, 10 triệu đồng “cam kết không vi phạm”, còn các khẩu lò ở khu vực bãi giữa thuộc hai xã Vạn Ninh và Cao Đức thu 15 triệu đồng trong đó 5 triệu là “cam kết không vi phạm” 10 triệu đồng là “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”, đồng thời thông báo cho các chủ lò gạch biệt thời gian đun đốt lò gạch là từ ngày 18/6 đến 22/06/2009 phải hết khói. Về mẫu văn bản “cam kết không vi phạm” giao cho phòng Công thương, Tài nguyên môi trường phối hợp với phòng Nông nghiệp và Văn phòng UBND huyện soạn thảo, mẫu văn bản “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”, giao cho phòng Tài chính kế hoạch soạn thảo.

Thực hiện chỉ đạo của Trần Thế T, Nguyễn Khắc L – nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện đã về triển khai và giao nhiệm vụ cho Lương Trung H; Nguyễn Khắc Đ – nguyên Phó phòng Công thương phụ trách phòng đã giao nhiệm vụ cho Nguyễn Huy S; Nguyễn Ngọc C nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường đã giao nhiệm vụ cho Nguyễn Văn K, là các cán bộ dưới quyền xuống các xã đã được phân công phụ trách, phối hợp với các xã để tiến hành thu tiền của các chủ lò gạch thủ công. Khi thu tiền H, S, K đã yêu cầu các chủ lò ký vào hai biên bản đã được soạn thảo sãn là “biên bản cam kết không vi phạm” và “đơn xin tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”, nhằm hợp thức hóa việc thu tiền của các chủ lò gạch, đồng thời thông báo cho các chủ lò gạch thời gian được đun đốt gạch từ ngày 18/06 đến ngày 22/06/2009 thì hết khói. Thực hiện chỉ đạo của L, Đ, C nên ngày 10/6/2009 H, S, K đã xuống các xã được giao phụ trách tiền hành thu tiền từ ngày 10/6 đến ngày 15/06/2009 số tiền thu được cụ thể như sau:

Tại xã Đại Lai, Lương Trung H cùng với Nguyễn Văn P – Phó chủ tịch xã thu của 78 khẩu lò được 1.560.000.000đ (một tỷ năm trăm sáu mươi triệu).

Tại xã Thái Bảo, Nguyễn Huy S phối hợp cùng UBND xã thu của 123 khẩu lò gồm (97 khẩu lò ở bãi vên đê và 26 khẩu lò ở bãi giữa) được 2.330.000.000đ (hai tỷ ba trăm ba mươi triệu đồng).

Tại xã Vạn Ninh, Nguyễn Huy S phối hợp với UBND xã thu của 51 khẩu lò được 1.020.000.000đ (một tỷ không trăm hai mươi triệu đồng)

Tại xã Cao Đức, Nguyễn Văn K, Nguyễn Khắc Đ, Nguyễn Huy S đến gặp Nguyễn Xuân Q là Chủ tịch xã  và Nguyễn Bá L cán bộ địa chính, thông báo kết luận của Trần Thế T cũng như thông báo thời gian đun đốt lò gạch. Trực tiếp K và L thu 31 khẩu lò được 620.000.000đ. Giao cho anh phạm Đăng Trường, Nguyễn Song Toàn và chị Nguyễn Thị Luấn có trách nhiệm thu tiền của những lò gạch do họ quản lý. Ngày 14/06/2009, tại phòng Tài nguyên môi trường, anh Trường đã nộp cho K 1.440.000.000đ, anh Toàn nộp cho K 510 triệu đồng, chị Luấn nộp cho K 255 triệu đồng. Tổng số tiền K thu tại xã Cao Đức là 2.825.000.000đ (hai tỷ tám trăm hai năm triệu đồng).

Như vậy, tổng số tiền mà K, S, H thu được của các chủ lò gạch tại các xã là 7.735.000.000đ (bảy tỷ bảy trăm ba năm triệu đồng).

Chiều ngày 15/06/2009, Trần Thế T tiếp tục triệu tập và chủ trì giao ban “hỗn hợp” gồm có: Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND, trưởng các Ban xây dựng Đảng và một số trường Phòng, Ban thuộc UBND huyện tổng số là 18 người. Trần Thế Th đã yêu cầu các ngành chức năng báo cáo việc thu tiền của các chủ lò gạch thủ công trên địa bàn huyện. Sau khi nghe Nguyễn Ngọc C –  nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường, Nguyễn Khắc Đ – nguyên Phó phòng Công thương phụ trách phòng báo cáo kết quả việc thu tiền của các chủ lò gạch tại bốn xã Đại Lai, Thái Bảo, Vạn Ninh, Cao Đức theo chỉ đạo của thụ về cơ bản đã hoàn thành. Trần Thế T đã kết luận và chỉ đạo: Tiếp tục triển khai và thu hết tiền của các chủ lò còn lại và thông báo cho các chủ lò biết việc đun đốt lò gạch sớm hơn một ngày, tức là đốt vào chiều ngày 17/6/2009. Tại cuộc họp Trần Thế T còn giao cho UBND huyện làm Công văn trình UBND tỉnh cho các chủ lò đốt một khói để che đậy, hợp lý hóa việc làm sai trái như đã nêu, bản thân T biết rõ UBND tỉnh không bao giờ đồng ý.

Kết thúc cuộc họp chiều ngày 15/06/2009, Nguyễn Khắc L, Nguyễn Khắc Đ, Nguyễn Ngọc C tiếp tục giao nhiệm vụ và chỉ đạo Lương Trung H, Nguyễn Huy S, Nguyễn Văn K tiếp tục xuống các xã thu nốt tiền của một số lò gạch chưa nộp và thông báo để các chủ lò biết thời gian đun đốt lò gạch sớm hơn, đồng loạt vào tối ngày 17/06/2009.

Nhằm tăng cường sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc nghiêm cấm đun đốt lò gạch trái với thời gian quy định. Sáng ngày 16/6/2009, UBND tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra do đồng chí Bùi Vĩnh K – Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, kiểm tra việc thực hiện QĐ số 97 của UBND tỉnh, về huyện G kiểm tra, đã phát hiện 11 lò gạch ở khu vực bãi giữa thuộc địa phận xã Cao Đức – huyện G đang đun đốt lò gạch, nên đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cấp của huyện Gia Bình có biện pháp tích cực để ngăn chặn việc đun đốt gạch không đúng quy định. Trước sự chỉ đạo kiên quyết của UBND tỉnh nên tối ngày 16/6/2009, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện G đã mời các đồng chí Bí thư và Chủ tịch các xã Lãng Ngâm, Đại Lai, Thái Bảo, Vạn Ninh và Cao Đức cùng một số phòng ban có liên quan đến trụ sở Huyện ủy Gia Bình họp bàn việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của đoàn kiểm tra của UBND tỉnh BN. Tại cuộc họp, Trần Thế T đã có thái độ bàng quang, bỏ mặc, giao cho ông Nguyễn Văn H – Chủ tịch UBND huyện, kết luận hội nghị về những nội dung liên quan đến việc đun đốt gạch mà T đã chỉ đạo trước đó. Ông Nguyễn Văn H đã kết luận: Giao cho các ngành chức năng phối hợp với các xã tổ chức lực lượng ngăn chặn không cho các chủ lò gạch đun đốt gạch theo sự chỉ đạo của T tại hai cuộc họp ngày 09/06 và 15/06/2009. Nhưng vì trước đó, theo chủ trương của Trần Thế T các cán bộ của phòng Công Thương, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đi thu tiền và thông báo về thời gian đun đốt lò gạch, nên lúc này các ngành chức năng cùng các xã có các biện pháp ngăn chặn cũng không còn kịp, kết quả chỉ trong vòng hai ngày 16 và 17/06/2009 trên địa bàn huyện G đã có 445 khẩu lò đồng loạt đun đốt gạch thủ công trái quy định của UBND tỉnh BN về thời gian được đun đốt.

Trước  tình  hình  đó  UBND  tỉnh  đã  có  kết  luận  số  24/KL  –  CT  ngày 19/06/2009, kết luận về việc đun đốt gạch thủ công trái phép xảy ra trên địa bán huyện G. Yêu cầu UBND huyện G, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nên ngày 19/06/2009 Chủ tịch UBND huyện G đã ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ lò gạch với mức phạt 30 triệu đồng/ 1 khẩu lò và chấm dứt hợp đồng không cho họ được đun đốt ở thời điểm còn lại từ 01/10/2009 đến 31/12/2009, yêu cầu các chủ lò phải tháo dỡ các vỏ lò trả lại mặt bằng cho địa phương trước ngày 30/9/2009. Sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND huyện G, Nguyễn Khắc L, Nguyễn Ngọc C, Nguyễn Khắc Đ đã giao cho Lương Trung H, Nguyễn Văn K, Nguyễn Huy S và Đàm Quang H xuống các xã được phân công phụ trách để lập biên bản vi phạm và thu tiền phạt. Kết quả đến ngày 07/10/2009, thu được 436 khẩu lò (mỗi khẩu lò 30 triệu đông – tính cả số tiền đã thu trước ngày 15/06/2009) với tổng số tiền mới thu được là 12.520.000.000đ (mười  hai  tỷ  năm  trăm  hai  mươi  triệu  đồng),  trong  đó  H,  S,  K  thu  được 12.120.000.000đ, còn chị Nguyễn Thị Ngoan thu được 400.000.000đ.

Sau khi sự việc xảy ra, các chủ lò gạch không những không được đun đốt gạch trong 3 tháng 10,11,12 năm 2009 theo QĐ số 97/2006/QĐ-UB của UBND tỉnh BN mà còn bị xử phạt hành chính và phải buộc phải tháo dỡ vỏ lò, nên họ đã tổ chức đông người nhiều lần đến trụ sở UBND tỉnh BN và trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh BN, trụ sở tiếp dân của Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh BN, Văn phòng Chính phủ, trụ sở tiếp công dân của Văn phòng Trung ương Đảng và Nhà nước khiếu kiện kéo dài, gây mất trật tự trị an xã hội, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý Nhà nước ở địa phương.

Do việc đun đốt lò gạch trái với quy định, nên đã gây thiệt hại về vật chất cho các hộ dân tại các thôn Trung Thành, Huề Đông xã Đại Lai, thôn Trại Than, Tân Tiến xã Cao Đức với số tiền là 17.963.000đ. Cũng với việc chỉ đạo sai trái của Trần Thế T dẫn đến các chủ lò phải buộc chấm dứt hợp đồng và tháo dỡ vỏ lò nên Chi cục thuế huyện G đã phải trả lại các chủ lò tiền thuế thu trước trong các tháng 10,11,12/2009 với số tiền là 1.547.180.000đ.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn làm rõ năm 2009 tại khu vực xã Cao Đức, Nguyễn Bá L – cán bộ địa chính xã được Chủ tịch UBND xã giao cho phối hợp cũng với Nguyễn Văn K  đi thu tiền của các chủ lò gạch trên địa bàn xã, Nguyễn Bá L biết khu bãi của anh Nguyễn Văn Trách nằm trong diện tích bãi do anh Phạm Đăng Trường đấu thầu, khi biết anh Trường chưa thu 09 khẩu lò ở khu vực bãi của anh Trách, L đã đến gặp anh Trách và thu tiền 09 khẩu lò ở khu vực bãi của anh Trách mỗi khẩu lò là 20.000.000đ (hai mươi triệu). Tổng số tiền L thu được là 180 triệu, số tiền này L không nộp về huyện. Ngoài ra Nguyễn Bá L còn khai nhận vẫn thủ đoạn như vậy trong hai năm 2007 và 2008 Lựa còn thu của anh

Trách tổng số tiền là 72.000.000đ (bảy hai triệu đồng). Như vậy trong ba năm 2007, 2008, 2009 Nguyễn Bá L đã lợi dụng chức trách được giao để chiếm đoạt 252.000.000đ (hai trăm năm hai triệu đồng).

Từ những tình tiết nêu trên tại bản Cáo trạng số 01 ngày 11/01/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã truy tố Trần Thế T, Nguyễn Bá L, Nguyễn Khắc L, Lương Trung H, Nguyễn Huy S, Nguyễn Văn K và Nguyễn Ngọc C về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự .

Tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Khắc L, Nguyễn Ngọc C khai nhận: Năm 2008 bản thân L và C là lãnh đạo phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và phòng Tài nguyên môi trường, trong năm 2008 có được tham dự hai cuộc họp giao ban hỗn hợp vào các ngày 06/06/2008 và 16/6/2008, do Trần Thế T với tư cách là

Bí thư kiêm Chủ tịch triệu tập. Tại hai cuộc họp giao ban trên Trần Thế T đều kết luận và chỉ đạo “cho các chủ lò gạch đun đốt từ ngày 20 đến 25/06/2008” sau đó lại rút thời gian đun đốt lò gạch xuống vào ngày 18/06/2008. Thực hiện kết luận và chỉ đạo của T, L và C đã chỉ đạo cho cán bộ dưới quyền là Lương Trung H và Nguyễn Văn K cùng với Nguyễn Huy S cán bộ phòng Công thương đi xuống các xã Lãng Ngâm, Đại Lai, Vạn Ninh, Cao Đức, Thái Bảo tiến hành thu tiền của các chủ lò gạch mỗi khẩu lò là 10 triệu đồng và thông báo cho các chủ lò gạch được đun đốt lò gạch trái với thời gian quy định của UBND tỉnh BN, vì vậy các chủ lò gạch đã nộp tiền và đồng loạt đun đốt gạch vào ngày 18/06/2008. Ngày 27/06/2008, Trần Thế T lại triệu tập cuộc họp giao ban và kết luận hỗ trợ các xã có lò gạch là 10% chi tiền hỗ trợ cho cán bộ đi thực hiện việc thu tiền là 20.000.000đ. Hai bị cáo cũng thừa nhận có được nhận số tiền hỗ trợ nhưng đã nộp lại cho Cơ quan điều tra. Tương tự như vậy trong năm 2009, C và L cũng được tham dự hai cuộc họp giao ban hỗn hợp do Trần Thế T lúc này đã thôi giữ chức Chủ tịch mà chỉ giữ chức Bí thư huyện ủy triệu tập. Tại cuộc họp giao ban ngày 09/06/2009 sau khi nghe báo cáo tình hình các khẩu lò có tại thời điểm ngày 09/06/2009, Trần Thế T đã kết luận “Duy trì ngừng cấp điện đối với các chủ lò gạch đến hết ngày 17/06/2009, giao cho các ngành Công thương, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và Tài chính thuộc UBND huyện triển khai việc thu tiền của các chủ lò gạch, mức thu đối với các khẩu lò ven đê là 20 triệu đồng, các khẩu lò ở khu vực bãi giữa thuộc Cao Đức và Vạn Ninh thu 15 triệu đồng, thông báo cho các chủ lò gạch được đun đốt từ ngày 18/6 đến 22/6/2009”. Thực hiện sự chỉ đạo của T.  L, C và Nguyễn Khắc Đ đã triển khai và giao nhiệm vụ cho lương Trung H, Nguyễn Huy S, Nguyễn Văn K đi xuống phối hợp với các xã thu tiền theo chỉ đạo của T tại cuộc họp ngày 09/06/2009. Chiều ngày 15/06/2009, Trần Thế T lại triệu tập cuộc họp giao ban hỗn hợp, yêu cầu các ngành báo cáo việc thu tiền của các chủ lò và tiếp tục kết luận và chỉ đạo thu hết tiền của các chủ lò gạch và thông báo thời gian đun đốt lò gạch là vào chiều ngày 17/06/2009.

Bị cáo L và C thừa nhận việc làm theo sự chỉ đạo của Trần Thế T là trái với quy định của UBND tỉnh BN, song vì là cấp dưới nên không thể không tuân lệnh, hai bị cáo thừa nhận việc làm của mình là vi phạm và mong được Hội đồng xét xử xem xét về trách nhiệm hình sự cho cả hai bị cáo.

Các bị cáo Lương Trung H, Nguyễn Huy S, Nguyễn Văn K thừa nhận những việc làm của mình như bản Cáo trạng đã quy kết, và thừa nhận những việc làm của mình là trái với quy định của pháp luật, việc Cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là đúng tội, song các bị cáo đều mong Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo chỉ là những cán bộ dưới quyền phải làm theo chỉ đạo của cấp trên nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Nguyễn Bá L khai nhận: Trong quá trình được giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ huyện để thu tiền của các chủ lò gạch do biết được khu vực lò gạch của anh Nguyễn Văn Trách nằm trong diện tích bãi do anh Phạm Đăng Trường đấu thầu chưa thu tiền Lựa đã thu của anh Trách tổng số tiền là 252 triệu cụ thể (năm 2007 thu 22 triệu, năm 2008 thu 50 triệu, năm 2009 thu 180 triệu). Số tiền này bị cáo đã không nộp về huyện, hiện bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền đó cho Cơ quan điều tra để hoàn trả. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng.

Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa hôm nay như các ông Lê Đình Hiếu, Hoàng Xuân Mạnh, Nguyễn Xuân Đoàn, Trịnh Đình Quỹ, Nguyễn Khắc Đạm và bà Nguyễn Thị Đại đều khẳng định có được tham gia các cuộc họp giao ban do Trần Thế T triệu tập năm 2008 và 2009 và đều khẳng định tại các cuộc họp 6/6/2008, 16/6/2008 và 9/6/2009, 15/6/2009 đều do Trần Thế T chủ trì và cuối cuộc họp Trần Thế T đều tự kết luận giao cho các phòng ban của Ủy ban tiến hành xuống các xã có lò gạch để phối hợp với địa phương thu tiền của các chủ lò gạch rồi buộc họ phải ký cam kết không vi phạm đồng thời kết luận dự kiến cho các chủ lò gạch được đun đốt gạch trái với thời gian quy định của UBND tỉnh. Đối với các ông Trần Danh Thuận, Nguyễn Xuân Quế, Nguyễn Đức Coóng, Nguyễn Văn Phùng, là lãnh đạo các xã Đại Lai, Cao Đức, Thái Bảo trước phiên tòa hôm nay cũng khẳng định việc cho các chủ lò gạch đun đốt vào thời điểm tháng 6 hàng năm là trái với quy định của tỉnh, song do huyện G cử cán bộ về tận địa phương thông báo kết luận của Trần Thế T cho các lò gạch được đun đốt một khói thì xã phải chấp hành và phối hợp.

Đại diện cho UBND huyện G là ông Nguyễn Bá T trước phiên tòa cho rằng khoản tiền thuế 1.547.180.000 mà Chi cục thuế G phải trả cho các chủ lò là đúng và UBND huyện G không bị xâm hại gì do vậy ông không có yêu cầu gì về vấn đề bồi thường.

Tại phiên tòa bị cáo Trần Thế T không thừa nhận hành vi phạm tội như bản Cáo trạng đã quy kết, bị cáo cũng không thừa nhận bản thân có sự chỉ đạo các phòng ban đi thu tiền và cho phép các chủ lò gạch được đun đốt trái với thời gian quy định. Bị cáo nại ra rằng tại các cuộc họp bị cáo chỉ nêu ý kiến nhận định tình hình các chủ lò gạch sẽ đốt vào những ngày nào, chứ không phải là sự chỉ đạo cho các chủ lò gạch được đun đốt. Việc tất cả những người dự họp khai bị cáo là người chủ trì và kết luận giao cho các phòng ban đi thu tiền và thông báo thời gian đun đốt, bị cáo không thừa nhận và cho rằng đó là những lời khai không đúng sự thật. Bị cáo cũng cho rằng bị cáo không hề có tư lợi hay vụ lợi cá nhân, cũng không gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và cá nhân, việc các chủ lò gạch tổ chức đông người đi khiếu kiện là họ đề nghị cho các chủ lò gạch được tiếp tục đun đốt chứ không phải dó bị cáo gây ra. Tuy nhiên, bị cáo cũng nhận thức được bản thân là người đứng đầu tại địa phương, để xảy ra việc đun đốt lò gạch trái với quy định thì bị cáo cũng có trách nhiệm, song sai phạm của bị cáo chỉ đáng xử lý hành chính  và bị cáo đã tự nguyện xin nghỉ công tác trước một số năm là phù hợp, chứ không đến mức độ phải xử lý bằng hình sự như bản Cáo trạng đã quy kết.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa, phát biểu quan điềm, một lần nữa khẳng định Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo T và các bị cáo khác ra trước Tòa án nhân dân tỉnh BN để xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho rằng việc không thừa nhận hành vi phạm tội của Trần Thế T là thể hiện sự khai báo không thành khẩn, chống đối pháp luật. Sau khi phân tích tính chất nguy hiểm do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra cũng như đánh giá về nhân thân và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo các điểm a,b,c khoản 2 BLHS và đề nghị xử phạt bị cáo Trần Thế T từ 24 đến 30 tháng tù. Nguyễn Bá L từ 18 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo Nguyễn Khắc L, Nguyễn Văn K, Nguyễn Huy S, áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với hai bị cáo Nguyễn Ngọc C và Lương Trung H.

Bào chữa cho bị cáo Trần Thế T trước phiên tòa Các Luật sư: Đỗ Ngọc Quang, Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Văn Hướng, Phạm Hồng Hải, Trần Đình Triển đều cho rằng Trần Thế T không phạm tội và bác bỏ Cáo trạng của Viện Kiểm sát với lý do hành vi của Trần Thế T không cấu thành tội phạm, không thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể, không rõ khách thể bị xâm phạm, việc T triệu tập các cuộc họp là đúng quy định, không có cơ sở để khẳng định T kết luận giao cho các phòng ban đi thu tiền và cho các chủ lò gạch được nung đốt gạch trái với thời gian quy định tại Quyết định 97, các luật sư cho rằng việc các Cơ quan pháp luật chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo và của những người liên quan khác có mặt trong cuộc họp để buộc tội với bị cáo T là không đúng, vì không thể coi đó là những chứng cứ buộc tội. Các luật sư cũng cho rằng T không hề có để lại bút tích gì chứng minh cho việc chỉ đạo của mình đối với các phòng ban nên không thể có cơ sở để buộc tội đối với các bị cáo. Các luật sư cũng viện dẫn các quy định của Quyết định 97 để cho rằng cho dù có việc Th chỉ đạo thì T cũng không phải chịu trách nhiệm vì trách nhiệm đó thuộc về UBND huyện G, vụ án không xác định được người bị hại do vậy không có cơ sở để chứng minh T có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, việc dân đốt lò gạch trái với quy định là tự ý của những người dân, sau đó người dân đi khiếu kiện để xin được tiếp tục đốt gạch không phải lỗi của bị cáo T, các luật sư còn cho rằng việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với Trần Thế T là vi phạm quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc bị cáo T nhận thấy trách nhiệm của mình đã xin về hưu trước tuổi là hình thức bị xử lý kỷ luật, do vậy nếu xử lý bị cáo bằng luật hình sự là vi phạm vì một hành vi không thể bị xử lý hai lần. Ngoài ra các luật sư cũng không đồng ý với các tình tiết định khung là có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng mà Cáo trạng đã truy tố. Đặc biệt trong bài bào chữa của mình luật sư Nguyễn Anh Tuấn còn trích dẫn quy định tại Điều 35, 36 của Điều lệ Đảng hiện hành để cho rằng “Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân không phải là Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của Đảng viên. Vì thế, Viện kiểm sát truy tố ông Trần Thế T là Đảng viên, giữ Bí thư huyện ủy là không đúng với quy định của Điều lệ Đảng”.

Luật sư Đinh Văn Ninh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc C cho rằng bị cáo C không có động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác, không phải là người trực tiếp đi thu tiền và thông báo cho các chủ lò gạch đun đốt gạch mà chỉ là người thừa hành lện của cấp trên về giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Việc bị cáo thấy sai mà vẫn làm không có ý kiến phản đối và văn bản báo cáo cấp trên là hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm. Do vậy, Luật sư Ninh đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo C.

Bị cáo Trần Thế T một lần nữa vẫn cho rằng bản thân không có tội, bị cáo không có tư lợi và cũng không vụ lợi, việc truy tố bị cáo là không công bằng, bị cáo cũng thừa nhận mình là người đứng đầu tại địa phương, cũng có trách nhiệm trong việc để dân đun, đốt gạch trái phép song trách nhiệm của bị cáo không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Nguyễn văn L xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Các bị cáo L, K, S, H, C cho rằng luận tội của đại diện viện kiểm sát đối với các bị cáo là quá nặng và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tới nhân thân và thái độ khai báo thành khẩn của các bị cáo để miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Trong phần đối đáp một lần nữa đại diện Viện kiểm sát cũng bác bỏ những quan điểm của các luật sư và khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo có đủ dấu hiệu cấu thành tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và vẫn giữ nguyên bản Cáo trạng cũng như nội dung bản luận tội trước phiên tòa.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa, cùng lời khai của các bị cáo, lời khai người liên quan cùng kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét toàn diện, đầy đủ các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sat, người liên quan và của các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa các luật sư bào chữa cho bị cáo T đưa ra những quan điểm chứng minh và cho rằng bị cáo Trần Thế Th không phạm tội là không có căn cứ. Hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư ở những vấn đề như sau:

Thứ nhất: Việc Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng thẩm quyền xử lý kỷ luật Đảng viên được quy định tại Điều 36 của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam không quy định Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân là Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của Đảng viên là đúng, vì đây là những Cơ quan tiến hành tố tụng. Song Hội đồng xét xử cho rằng Luật sư chưa hiểu hết đầy đủ quy định của Điều lệ Đảng và đặc biệt chưa hiểu được về hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng nên mới kết luận trong bài bào chữa là “vì thế, Viện kiểm sát truy tố ông Trần Thế T là Đảng viên, Bí thư huyện ủy huyện G là không đúng với quy định của Điều lệ Đảng”. Luật sư Nguyễn anh Tuấn phải hiểu rằng ngay từ khi khởi tố vụ án bị cáo Trần Thế T đã không còn là Bí thư huyện ủy huyện G và khi truy tố các bị cáo ra trước Tòa án nhân dân tỉnh BN thì các bị cáo đều đã có quyết định tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, do vậy không có việc Viện kiểm sát tỉnh BN truy tố các Đảng viên và Bí thư huyện ủy. Luật sư cần rút kinh nghiệm và thận trọng hơn trong việc dùng từ ngữ khi tham gia tranh tụng tại các phiên tòa.

Thứ hai về các chứng cứ buộc tội đối với Trần Thế T: Các luật sư cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác trong vụ án và những người có mặt trong các cuộc họp do T triệu tập cũng các quyển sổ ghi chép cá nhân của những người ngồi họp để kết tội đối với Trần Thế T là không khách quan và phiến diện, thậm chí luật sư Nguyễn Anh Tuấn còn cho rằng đây không phải là chứng cứ để chứng minh tội phạm.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Quan điểm của các luật sư về chứng cứ là chưa đúng. Bởi lẽ tại Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự thủ tục do bộ luật này quy định… Chứng cứ được xác định bằng Vật chứng, lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…”. Trong vụ án này việc thu thập chứng cứ thông qua các lời khai của các bị cáo khác, của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án cùng các quyển sổ ghi chép cá nhân của Cơ quan điều tra là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và đây chính là những gì có thật. Trong vụ án này các bị cáo khác trong vụ án và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều khẳng định Trần Thế T là người trực tiếp triệu tập các cuộc họp giao ban hổn hợp cụ thể: Ngày 15/6/2008,  với tư cách vừa là Bí thư, kiêm Chủ tịch, T triệu tập hai cuộc họp cả sáng và chiều thành phần đều có thường trực huyện ủy, thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, các Ban xây dựng Đảng, các phòng khối quản lý Nhà nước. Hai cuộc họp này T đều có kết luận “giao cho các ngành Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương tiến hành thu mỗi khẩu lò 10 triệu đồng làm quỹ giao thông nông thôn”

Ngày 02/06/2008, 06/6/2008 và chiều 16/6/2008. T tiếp tục triệu tập các cuộc họp giao ban với thành phần như trên và trực tiếp chủ trì rồi kết luận giao cho các phòng ban thu tiền phạt mỗi chủ lò 10.000.000đ đưa vào quỹ giao thông nông thôn đồng thời thông báo cho họ được đốt một khói từ ngày 20 đến 25/6/2008.

Các cuộc họp năm 2009 được thể hiện như sau; Với tư cách là Bí thư huyện ủy, chiều ngày 09/06/2009 T triệu tập cuộc họp gồm 17 người bao gồm thường trực huyện ủy, thượng trực HĐND, UBND, các Ban xây dựng Đảng, các phòng ban trực thuộc Ủy ban nhân dân. T là người chủ trì sau khi nghe báo cáo về việc nung đốt lò gạch T đã kết luận giao cho các ngành Công thương, Tài chính, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp, triển khai thu đối với các lò ven đê là 20 triệu đồng, trong đó có 10 triệu “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng”  10 triệu đồng “cam kết không vi phạm”. Đối với các lò ở khu vực bải giữa là 15 triệu đồng một lò, đồng thời thông báo cho các chủ lò gạch được nung đốt gạch từ ngày 18/6/2009 đến 22/6/2009.

Chiều ngày 15/6/2009, T lại triệu tập cuộc họp giao ban gồm 18 người, sau khi nghe các ngành báo cáo việc thu tiền của các chủ lò gạch T đã kết luận “tiếp tục triển khai thu hết tiền của các chủ lò gạch và cho đun đốt sớm hơn một ngày tức là vào ngày 17/6/2009. Đồng thời lúc này T mới có động thái giao cho UBND huyện làm Công văn trình Chủ tịch UBND tỉnh cho các chủ lò gạch đốt một khói. Thực chất việc chỉ đạo UBND huyện làm công văn 165 cũng chỉ là hình thức đối phó cho những quyết định sai trái của bị cáo T, bản thân T thừa biết sẽ không bao giờ UBND tỉnh đồng ý cho đốt, vì trước đó ngay ngày 10/06/2009 UBND tỉnh đã có chỉ thị số 06 gửi các huyện với nội dung “kiên quyết không cho các chủ lò gạch đun đốt trái với QĐ 97, nếu chủ lò gạch vi phạm thì ngoài việc bị xử lý hành chính còn phải tổ chức cưỡng chế tháo dỡ…” (BL 3693 đến 3695). Ngay tại các tài liệu do chính T giao nộp cũng có báo cáo số 36 ngày 28/4/2009 của sở Tài nguyên môi trường đã chỉ rõ “qua kết quả kiểm tra thấy đa số các lò gạch vẫn tiếp tục sản xuất vào phơ chuẩn bị đun đốt, nếu không kiểm tra ngăn chặn kịp thời thì khả năng vào thời điểm sau thu hoạch vụ chiêm 2009 sẽ xảy ra tình trạng đun đốt đồng loạt” (BL 3960 đến 3964), nên không thể nói là T không biết và không chỉ đạo. Tất cả những kết luận của bị cáo T tại các cuộc họp đều được các bị cáo C, L cũng như những người dự họp khai báo đầy đủ tại Cơ quan điều tra và phù hợp với một số quyển sổ ghi chép cá nhân của những người dự họp đã cẩn thận ghi chép lại thể hiện tại các (BL 649, 650, 694 698 702 705 706 707 727, 728, 738, 767, 768, 786, 792, 575, 592, 593).

Trước phiên tòa khi lý giải về vấn đề này T cho rằng đó là do những người dự họp nghe nhầm chỉ đạo của T và họ phải khai như vậy là do áp lực của Cơ quan điều tra và áp lực của pháp luật. Việc lý giải như vậy là không thể chấp nhận được vì khi ngồi dự họp một số người tự ghi chép kết luận của T thì không hề có bất cứ một áp lực nào đối với họ. Điều này chỉ chứng minh sự cố tình không khai báo của Trần Thế T mà thôi. Hội đồng xét xử thấy việc dùng những lời khai của các bị cáo và những người liên quan khác làm chứng cứ  chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo T là hoàn toàn khách quan và đúng pháp luật. Phải chăng theo quan điểm của các luật sư chỉ được tin vào lời khai của T mà bác bỏ hết tất cả những lời khai có thật khác mới là khách quan và không phiến diện. Hơn nữa, trong các cuộc họp, T đều kết luận và giao nhiệm vụ trực tiếp cho các phòng ban chuyên môn thực hiện, bản thân T biết rõ chỉ đạo của mình là sai trái với quy định của UBND tỉnh thì không bao giờ T cho làm thành văn bản cả. Do vậy, việc các luật sư đòi hỏi phải có các bút tích của T để làm chứng cứ chứng minh sự chỉ đạo của T là không cần thiết.

Thứ ba về chủ thể của tội phạm:  Hội đồng xét xử  khẳng định bị cáo T là người có chức vụ quyền hạn, bản thân bị cáo cũng đã thừa nhận bị cáo chính là người đứng đầu tại địa phương. Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát cũng đã phân tích, nếu T không phải là người có chức vụ quyền hạn thì bị cáo không thể triệu tập được từ Phó bí thư thường trực, Chủ tịch huyện đến họp và không thể giao nhiệm vụ cho các ngành của ủy ban phải thực hiện mà không ai dám phản đối dù biết đó là chỉ đạo sai trái. Ngay cả việc T triệu tập những cuộc hội nghị giao ban thường trực huyện ủy, đối chiếu với quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ huyện G khóa XIX ngày 11/4/2006, cũng không có chỗ nào quy định giao ban thường trực huyện ủy lại có cả thường trực HĐND, UBND. Giấy mời họp giao ban thường trực huyện ủy ngày 09/06/2009, trong thành phần không có lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Phòng Công thương, Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Tài chính, Phó văn phòng huyện ủy. Theo những người này khai khi vào họp, T tự ý cho người gọi lên họp. Đặc biệt, trong chương trình công tác năm 2009 của Ban Thường vụ Huyện ủy G không hề có nội dung bàn đến việc quản lý việc đun đốt gạch thủ công, song tại các Hội nghị giao ban ngày 09 và 15/62009 những chương trình này cũng được T tự ý đưa vào triển khai và kết luận không hề có sự bàn bạc với các Phó bí thư, hoặc thống nhất trong ban Thường vụ huyện ủy về viêc bổ sung chương trình công tác. Như vậy, Trần Thế T với cương vị Bí thư, tự cho mình đặc quyền quyết định mọi vấn đề kể cả trái với quyết định của Ban thường vụ huyện ủy. Đây chính là những cuộc giao ban thường trực   trái với quy chế của Ban chấp hành Đảng bộ huyện G, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập thể lãnh đạo của Đảng. Việc T là Chủ tịch chỉ đạo làm sai là hành vi làm trái công vụ được giao, cũng như với cương vị Bí thư Thụ trực tiếp chỉ đạo cả phần công việc thuộc quản lý của UBND thì đây chính là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ được giao. Điều đó còn thể hiện ở việc T giao cho UBND huyện làm công văn xin tỉnh cho các chủ lò gạch được đun đốt gạch thì bản thân T còn trực tiếp sửa Công văn 165 có bút tích của Th từ cụm từ “quản lý đun đốt gạch” thành “về việc quản lý và cho đun đốt gạch… từ ngày 18/6 đến 25/6/2009 (BL 531). Ngay cả Công văn của UBND huyện mà T cũng trực tiếp can thiệp sửa chữa theo ý mình thì việc T chỉ đạo kết luận buộc mọi người phải theo chủ trương sai trái của mình cũng hoàn toàn là có thật. Do vậy, yếu tố chủ thể của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoàn toàn thỏa mãn, chứ không phải như các luật sư cho rằng bị cáo là Bí thư thì không phải là người có chức vụ quyền hạn.

Thứ tư về động cơ vụ lợi: Các luật sư xoay quanh khái niệm vụ lợi theo giải thích từ ngữ của Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 để cho rằng T không  có động cơ vụ lợi, cũng như cho rằng Nghị quyết số 04 ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán chỉ là văn bản dưới luật, chỉ áp dụng cho Bộ luật hình sự năm 1985 và việc giải thích động cơ vụ lợi trong NQ 04 chỉ là áp dụng cho các tội phạm về kinh tế là một cách hiểu chưa toàn diện, chưa đầy đủ. Bởi lẽ Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tuy là văn bản dưới luật nhưng có thẩm quyền hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thi hành thống nhất các quy định của các Bộ luật hình sự, dân sự, Tố tụng hình sự, tố tụng dân sự… và các cơ quan tiến hành tố tụng đều phải tuân thủ theo văn bản dưới luật này. Việc giải thích từ ngữ ví dụ như về vụ lợi của Hội đồng Thẩm phán là cách giải thích chung nhất trong lĩnh vực hình sự chứ không thể hiểu chỉ áp dụng với BLHS năm 1985, vì Bộ luật hình sự năm 1999 cũng có các tội danh liên quan đến động cơ vụ lợi chứ không phải chỉ có tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy cần hiểu việc giải thích từ ngữ đối với động cơ vụ lợi trong Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán là cách giải thích chung nhất, áp dụng với tất cả các tội danh có yếu tố động cơ vụ lợi là bắt buộc. Nếu hiểu như luật sư Nguyễn Anh Tuấn thì phải chăng cứ mỗi điều luật có quy định động cơ vụ lợi thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lại phải có văn bản giải thích riêng biệt, nếu như vậy thì không thể có nhiều khái niệm để giải thích cho đầy đủ được. Trong vụ án này, động cơ vụ lợi của bị cáo Trần Thế T chính là việc thu vén cho lợi ích cục bộ địa phương nơi bị cáo giữ cương vị đứng đầu, điều đó đã thể hiện ở năm 2008 bị cáo chỉ đạo đưa toàn bộ số tiền phạt các lò gạch vào quỹ giao thông nông thôn của địa phương, chi hỗ trợ cho các xã có lò gạch là 10%… năm 2009 bị cáo lại tiếp tục có chủ trương cho thu mỗi lò gạch ven đê là 20 triệu trong đó biến tướng thành 10 triệu là cam kết không vi phạm, 10 triệu là tự nguyện đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở. Nếu bị cáo không chỉ đạo cho các chủ lò gạch đun đốt trái với thời gian quy định thì chắc không có chủ lò gạch nào nộp tiền theo chỉ đạo của bị cáo cả.

Việc các Luật sư cho rằng QĐ 97 cho phép được thu tiền đặt cọc và cam kết nên việc bị cáo T chỉ đạo cho thu tiền cam kết không vi phạm là không sai. Điều đó là đúng song cách hiểu và vận dụng của các Luật sư cũng không đầy đủ bởi lẽ: Trong quyết định 97 cũng có quy định đối với lò gạch nào thì thu tối thiểu 1,5 triệu đồng, đối với lò gạch loại nào thì thu tối thiểu 2 triệu đồng. Vậy T chỉ đạo thu 20 triệu bãi ven đê và 15 triệu bãi giữa là dựa vào quy định nào. Khi xử lý số tiền phạt năm 2008 T cũng chỉ đạo xử lý không đúng vì T đưa hết vào quỹ giao thông nông thôn, trong khi Điều 11 Quyết định 97 quy định chỉ được xử lý số tiền đó để giải quyết thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, hàng tre chắn sóng và các công trình hạ tầng cơ sở, trong khi việc mạ bị cháy và táp lá các chủ lò vẫn tự bỏ tiền ra để thỏa thuận đền bù chứ không phải dùng số tiển đặt cọc cam kết của các chủ lò gạch để bồi thường, trong khi T chỉ đạo đưa vào quỹ giao thông nông thôn thì cũng chưa có văn bản nào nghiệm thu để xác định sự hư hỏng của cơ sở hạ tầng. Do đó động cơ vụ lợi của bị cáo T là quá rõ ràng chứ không phải hành vi phạm tội của bị cáo là không có động cơ vụ lợi như các luật sư suy diễn.

Thứ năm về thiệt hại:

Hành vi phạm tội của bị cáo T và các bị cáo khác có gây ra thiệt hại cho Nhà nước hay không? Hội đồng xét xử khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo T và các bị cáo khác đã gây ra thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước về tinh thần là hoàn toàn có căn cứ bởi lẽ: Chính hành vi chỉ đạo sai trái của Trần Thế T cùng những hành vi tiếp tay cho T của một số cán bộ dưới quyền trong năm 2009 là nguyên nhân dẫn đến vi phạm của các chủ lò gạch và vì những vi phạm đó mà các chủ lò gạch bị chấm dứt hợp đồng buộc phải tháo dỡ các vỏ lò gạch dẫn đến việc khiếu kiện đông người từ địa phương đến Trung ương như: Từ ngày 6/7/2009 đến 16/9/2009 các chủ lò gạch đã tổ chức đông người tám lần lên UBND tỉnh và trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh BN khiếu kiện, lần đông nhất tới hơn 150 người. Ngày 4/9/2009 các chủ lò gạch gồm trên 30 người kéo đến nhà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh gây mất trật tự trị an từ 16h đến 18h cùng ngày thì lực lượng chức năng mới giải tán được. Từ ngày 31/8/2009 đến 21/9/2009, các chủ lò gạch lại tổ chức đồng người bốn lần kéo ra khiếu nại tại Văn phòng và Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng, đặc biệt ngày 7/9/2009 tổ chức tới 250 người, lực lượng cảnh sát cơ động phải cưỡng chế giải tán đám đông. Bên cạnh việc khiếu kiện đó các chủ lò gạch còn có những lá đơn khiếu nại không đúng sự thật, xúc phạm vu khống các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân gửi đi nhiều nơi tạo dư luận xấu (BL3816, 3817,3820,3821,3822,3823,3827,3829). Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Đó chính là khách thể bị xâm hại của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ chứ không phải vụ án này không có khách thể bị xâm hại như các luật sư đã bào chữa.

Tại phiên tòa các luật sư cho rằng việc đun đốt trái thời gian quy định là sự cố tình vi phạm của các chủ lò gạch không liên quan đến bị cáo T. Đánh giá như vậy là hết sức sai lầm, phải chăng các luật sư cho rằng tất cả các chủ lò gạch đều là những người cố tình vi phạm những điều cấm đoán của pháp luật, cố tình vi phạm các quy định của chính quyền nhằm thỏa mãn lợi ích của cá nhân. Hội đồng xét xử một lần nữa khẳng định đa phần các chủ lò gạch của hơn 400 lò gạch của huyện G là những người có đủ nhận thức để hiểu được nghĩa vụ của công dân, khi ký hợp đồng họ đều được phổ biến rõ về thời gian được đun đốt và họ sẽ tuân thủ nếu như không có những chỉ đạo sai trái của Trần Thế T và một số cán bộ dưới quyền, điều đó thể hiện tại tất cả các lời khai của  các chủ lò gạch họ đều khẳng định biết được các quy định của QĐ 97 về thời gian được đun đốt lò gạch, xong được cán bộ huyện bật đèn xanh, thông báo thời gian cho đốt từ 17/6 đến 23/6/2009 nên biết sai xong họ vẫn làm và các chủ lò gạch còn khẳng định việc nộp tiền là để tồn tại, còn nếu không cho đốt thì không bao giờ họ nộp tiền và không nộp tiền thì sẽ không được đun đốt, chính cách hiểu như vậy của các chủ lò gạch và hàng nghìn nhân công của các lò gạch chính là sự thiếu niềm tin của họ vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở địa phương cũng như của những người lãnh đạo của huyện G. Do vậy, Trần Thế T phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc để cho các chủ lò gạch tập trung đông người khiếu kiện vượt cấp gây mất trật tự trị an.

Từ những phân tích trên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo L, C, K, S, H, L cùng lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng như xem xét các tài liệu có trong hồ sơ thấy có đủ cơ sở để kết luận việc Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh truy tố Trần Thế T, Nguyễn Khắc L, Nguyễn Bá L, Nguyễn Văn K, Nguyễn Huy S, Lương Trung H, Nguyễn Ngọc C về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281 BLHS là đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước ở địa phương mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các Cơ quan Nhà nước nói chung và tỉnh BN nói riêng gây dư luận xấu tại địa phương. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm các bị cáo bằng luật hình để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, việc cáo trạng truy tố các bị cáo theo khoản 2 Điều 281 BLHS là chưa phù hợp bởi lẽ:

+ Thứ nhất về tình tiết có tổ chức: Cáo trạng và luận tội của Viện kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo là có tổ chức là không đúng mà đây chỉ là hình thức đồng phạm giản đơn, việc tiếp nhận ý chí chỉ đơn thuần T là người kết luận giao nhiệm vụ thì các bị cáo khác buộc phải chấp hành mặc dù biết chỉ đạo của T là sai chứ không phải có sự cấu kết chặt chẽ. Do vậy, không thể buộc các bị cáo phải chịu tình tiết định khung là phạm tội có tổ chức được

+ Thứ hai về tình tiết phạm tội nhiều lần:

Trong bản Cáo trạng cũng như luận tội của đại diện Viện kiểm sát coi hành vi của Trần Thế T và đồng bọn thực hiện năm 2008 là hành vi phạm tội để áp dụng tình tiết định khung phạm tội nhiều lần là không phù hợp. Bởi lẽ hành vi của Trần Thế T năm 2008 cũng có động cơ vụ lợi như đã phân tích, song hành vi của các bị cáo chưa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, việc các chủ lò gạch phải bồi thường cho người dân xã Thái Bảo 20.780.000đ và xã Đại Lai 19.650.000đ do khói lò làm cháy táp mạ mùa đây là thỏa thuận tự nguyện giữa những người dân và các chủ lò gạch và việc bồi thường đã xong trước khi khởi tố vụ án, người dân không có ý kiến gì về vấn đề bồi thường. Do vậy không thể coi đây là những thiệt hại về vật chất do hành vi của các bị cáo gây ra, hơn nữa cả năm 2008 cũng không hề có tình trạng khiếu kiện  xảy ra, nên hành vi của các bị cáo năm 2008 không cấu thành tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do vậy không thể áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo như đề nghị của các luật sư là phù hợp.

+ Về tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng:

Như trên đã phân tích, thì việc các chủ lò năm 2009 phải bồi thường cho người dân hai xã Đại Lai và Cao Đức số tiền là 17.963.000đ do khói lò làm cháy táp mạ, song đây cũng là sự thỏa thuận tự nguyên của các chủ lò và những người dân không cần có sự can thiệp của chính quyền hay các cơ quan pháp luật và việc bồi thường này cũng hoàn thành trước khi khởi tố vụ án, việc hoàn trả tiền thuế cho các chủ lò gạch là 1.547.000.000đ là đúng quy định chứ không phải là thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước. Việc các chủ lò gạch phải nộp phạt hành chính mỗi lò 30 triệu là do sự vi phạm của các chủ lò về thời gian đun đốt. Mặc dù, có sự chỉ đạo của Trần Thế T về thời gian đun đốt trái với quy định của pháp luật, song các chủ lò gạch biết việc cho đun đốt trái với quyết định 97 là vi phạm nhưng vẫn cố tình thực hiện theo thì đây cũng là việc làm vi phạm và đương nhiên các chủ lò gạch phải bị xử phạt hành chính, không thể coi đây là thiệt hại của các chủ lò để cáo buộc trách nhiệm của các bị cáo được. Do vậy,  hành vi phạm tội của các bị cáo chỉ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước về mặt tinh thần nhưng chưa đến mức phải áp dụng tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 281 vì bản thân các chủ lò gạch sau một thời gian khiếu kiện đông người, gây mất trật tự, sau khi được giải thích đã tự nguyện chấp nhận chấm dứt hợp đồng và tháo dỡ vỏ lò đúng quy định, chính quyền không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Hội đồng xét xử xét thấy chỉ cần xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 281 BLHS là thỏa đáng.

Xét về vai trò và nhân thân của từng bị cáo trong vụ án thì thấy, đối với Trần Thế T với cương vị là Bí thư huyện ủy Chủ tịch Hội đồng nhân dân đã cố tình triệu tập những cuộc họp giao ban hỗn hợp, để kết luận và chỉ đạo cho Nguyễn Khắc L, Nguyễn Khắc Đ, Nguyễn Ngọc C triển khai cho cán bộ dưới quyền thu tiền của các lò gạch và thông báo cho các chủ lò gạch được đun đốt trái với thời gian quy định tại Quyết định 97/2006 ngày 10/08/2006 của UBND tỉnh BN. Đặc biệt chính từ việc chỉ đạo sai trái của Trần Thế T mà các chủ lò gạch đã đun đốt gạch trái với thời gian quy định của UBND tỉnh,  vi phạm cam kết trong hợp đồng dẫn đến các chủ lò gạch phải buộc chấm dứt hợp đồng và phải tháo dỡ vỏ lò, không được đun đốt gạch trong ba tháng cuối năm 2009. Hành vi chỉ đạo sai trái của Trần Thế T và các bị cáo khác, đã dẫn đến việc các chủ lò gạch tổ chức các vụ khiếu kiện kéo dài, đông người đến các Cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương, gây mất trật tự công cộng, làm giảm uy tín và giảm lòng tin của nhân dân đối với các Cơ quan Nhà nước nói chung và ở địa phương nói riêng. Trong quá trình điều tra cũng như trước phiên tòa bị cáo vẫn có thái độ bất hợp tác, không chịu khai báo thành khẩn, không biết ăn năn hối cải, chống đối luật pháp. Do vậy, Trần Thế T không được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm P khoản 1 Điều 46 và phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án và cần phải có mức án nghiêm khắc và cần phải cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.

Tuy nhiên, xét bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bản thân trong quá trình công tác cũng đã có nhiều cống hiến cho Nhà nước đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận thông qua việc được tặng thưởng nhiều Huy chương, Bằng khen, Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Chủ tịch nước tặng thưởng Huận chương lao động hạng ba, cần coi đây là những tình tiết giảm nhẹ để xem xét cho bị cáo khi lượng hình.

Đối với Nguyễn Bá L là cán bộ địa chính xã Cao Đức đã lợi dụng chức trách được giao phối hợp với cán bộ huyện đi thu tiền của các chủ lò gạch để chiếm đoạt số tiền của anh Nguyễn Văn Trách 252 triệu đồng, không nộp cho cơ quan chức năng, hành vi phạm tội của bị cáo mang tính tư lợi gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước. Song xét bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự tự giác ra đầu thú và đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, thái độ khai báo thành khẩn, biết ăn năn hối cải. Do vậy xét thấy chưa đến mức bắt bị cáo phải cách ly xã hội mà chỉ cần cho bị cáo cải tạo tại địa phương cũng đủ điều kiện giáo dục bị cáo thành một công dân tốt.

Đối với các bị cáo Nguyễn Khắc L, Nguyễn Văn K, Nguyễn Huy S, Lương Trung H, Nguyễn Ngọc C đã có vai trò đồng phạm với bị cáo Th trong việc đi thu tiền và thông báo chủ trương sai trái của Th đến các địa phương và các chủ lò gạch. Hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Song xét các bị cáo đều là những cán bộ dưới quyền, buộc phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo T, bản thân các bị cáo đều có nhân thân tốt, cũng có nhiều thành tích trong công tác, trong quá trình điều tra cũng như trước phiên tòa luôn thể hiện sự khai báo thành khẩn, biết ăn năn hối cải, xét hành vi của các bị cáo đến thời điểm này không còn nguy hiểm cho xã hội nữa vì theo quy định hiện các lò gạch thủ công không còn được phép hoạt động. Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết phải buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự mà cần áp dụng khoản 1, 2 Điều 25 BLHS miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo là thỏa đáng.

Đối với ông Nguyễn Bá N phó bí thư thường trực, Nguyễn Văn H Chủ tịch UBND huyện năm 2009 và một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện G như Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn T, Nguyễn Thành K, Phạm Đình Đ, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Kim T, Trịnh Đình Q, Nguyễn Đắc H, Hoàng Xuân M là những người có mặt tại các cuộc họp giao ban do T chủ trì, biết được việc chỉ đạo của T là sai trái nhưng không dám thể hiện quan điểm của mình hoặc báo cáo lên cấp trên để có biện pháp ngăn chặn là thiếu tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu trong thực hiện tự phê bình và phê bình, trong sinh hoạt Đảng thấp. Song sau khi sự việc xảy ra, những người này đã tích cực, chủ động đề ra những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả, quá trình điều tra đều có sự khai báo thành khẩn, trung thực tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan điều tra giải quyết vụ án. Đặc biệt đối với Nguyễn Văn H với cương vị Chủ tịch UBND huyện, ngay từ đầu năm 2009 đã có nhiều văn bản chỉ đạo nghiêm cấm việc đun đốt lò gạch trái với thời gian quy định và ra các quyết định thành lập các tổ công tác giám sát việc đun đốt lò gạch. Song Nguyễn Văn H cũng không thể làm khác được khi chính T với tư cách Bí thư huyện ủy đã chỉ đạo trực tiếp cho các phòng ban của UBND huyện, thực hiện những quyết định sai trái của mình. Do vậy, xét không cần truy cứu tránh nhiệm hình sự là phù hợp.

Đối với Nguyễn Khắc Đ đã bị khởi tố song xét Đ cũng chỉ là cán bộ dưới quyền phải thực hiện chỉ đạo của Trần Thế T, đã tự giác đầu thú, khai báo thành khẩn nên Viện kiểm sát đã ra quyết định đình chỉ điều tra, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Đạm là thỏa đáng.

Đối với Nguyễn Đức Coóng, Nguyễn Viết Chiến, Trần Danh Thuận, Nguyễn Văn Phùng, Nguyễn Xuân Quế lãnh đạo các xã Thái Bảo, Vạn Ninh, Đại Lai, Cao Đức đã có hành vi chỉ đạo cán bộ dưới quyền phối hợp hỗ trợ cán bộ huyện Gia Bình đi thu tiền và thông báo thời gian đun đốt lò gạch. Song xét thấy những người này cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của cấp trên nên không cần xử lý về trách nhiệm hình sự đối với họ là phù hợp.

Đối với các chủ lò gạch có hành vi đun đốt lò gạch trái với quy định tại quyết định số 97 của UBND tỉnh, gây thiệt hại cho một số hộ dân, rồi sau đó lại tổ chức khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây mất trật tự trị an. Xét thấy, việc vi phạm của họ chính là do sự chỉ đạo sai trái của Trần Thế T gây ra, chứ không phải tự họ có ý thức vi phạm từ đầu. Sau khi sự việc xảy ra, họ cũng đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho các hộ dân theo sự tự thỏa thuận, bản thân các chủ lò gạch cũng đã bị xử phạt hành chính và tự nguyện tháo dỡ vỏ lò, do vậy Cơ quan điều tra không xử lý bằng hình sự đối với các chủ lò gạch là thỏa đáng.

Về tang vật của vụ án:

Số tiền 400.000.000đ mà chị Nguyễn Thị Ngoan nộp cho Cơ quan điều tra là tiền các chủ lò gạch nộp phạt theo quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND huyện G nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định trả lại cho UBND huyện G là phù hợp.

Số tiền 252.000.000đ thu của Nguyễn Bá L, đây là số tiền phải nộp về UBND huyện Gia Bình cần trả lại cho UBND huyện G giải quyết theo thẩm quyền.

Số tiền 65.000.000đ (sáu mươi lăm triệu đồng) thu của UBND xã Vạn Ninh xét đây cũng không phải là số tiền liên quan đến vụ án do vậy xét cần trả lại cho UBND xã Vạn Ninh xử lý theo thẩm quyền

Về 01 USB thu của anh Hoàng Xuân Mạnh xét không liên quan đến vụ án, cần trả lại cho anh Mạnh.

Số tiền 6.060.000đ thu của Nguyễn Khắc L, Nguyễn Văn K, Nguyễn Huy S, Lương Trung H. Xét đây là tiền hỗ trợ làm ngoài giờ của các bị cáo trong việc nghiệm thu, quản lý lò gạch năm 2007 – 2008 vào thời gian từ tháng 10/2007 đến tháng 2/2008 đây là thời gian các chủ lò gạch được phép đun đốt do vậy không liên quan đến vụ án cần trả lại cho các bị cáo.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1,2 Điều 25 Bộ luật hình sự

Miễn trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Khắc L, Nguyễn Văn K, Nguyễn Huy S, Lương Trung H, Nguyễn Ngọc C.

Tuyên bố các  bị cáo Trần Thế T và Nguyễn Bá L phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Áp dụng khoản 1 Điều 281, Điều 33, điểm s khoản 1 Điều 46 BLHS xử phạt:

Trần Thế T 24 (hai bốn) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ đi thời gian đã tạm giam từ 30/12/2009 đến 29/01/2011

Áp dụng khoản 1 Điều 281, điểm b, P khoản 1 khoản 2 Điều 46, Điều 60 BLHS xử phạt:

Nguyễn Bá L 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng. Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND nơi cư trú giám sát và giáo dục.

Về tang vật: áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.

Trả cho UBND huyện G số tiền 252.000.000đ (hai trăm năm mươi hai triệu đồng  chẵn)  thu  của  Nguyễn  Bá  L. Trả lại cho UBND xã Vạn Ninh số tiền 65.000.000đ (sáu mươi năm triệu đồng) thu của xã Vạn Ninh.

Trả lại cho anh Hoàng Xuân Mạnh một USB

Trả lại cho Nguyễn Khắc L 1.560.000đ, Nguyễn Huy S 1.500.000đ, Nguyễn Văn K 1.500.000đ, Lương Trung H 1.500.000đ (trong số tiền 6.060.000đ mà các bị cáo đã nộp). Nhưng tạm giữ để bảo đảm thi hành án. (Toàn bộ số tiền trên thể hiện trong Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử lập ngay 3/8/2010, đơn vị chuyển trả tiền là Công an tỉnh BN, đơn vị nhận tiền là Cục thi hành án tỉnh BN và tại biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 26 ngày 02/08/2010 và biên bản số 19 ngày 21/2/2011).

Về án phí: Mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ án phí sơ thẩm về hình sự

Báo cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự có mặt biết được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết quả bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1023
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2011/HSST ngày 26/05/2011 về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ

Số hiệu:19/2011/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/05/2011
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về