Bản án 190/2019/DS-PT ngày 24/07/2019 về tranh chấp đòi bồi hoàn thành quả lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 190/2019/DS-PT NGÀY 24/07/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI BỒI HOÀN THÀNH QUẢ LAO ĐỘNG

Ngày 24 tháng 7 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 119/2019/TLPT-DS ngày 10 tháng 6 năm 2019 về việc tranh chấp đòi bồi hoàn thành quả lao động.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2019/DS-ST ngày 26 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 159/2019/QĐPT-DS ngày 24 tháng 6 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Ông Trần Văn T1, sinh năm 1954 (Có mặt).

2. Bà Lê Thị Hồng X, sinh năm 1961 (Có mặt).

Cùng cư trú tại: Ấp 21, xã K, huyện U, tỉnh C.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T1: Ông Nguyễn Trung Kiệt, là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau (Có mặt).

- Bị đơn: Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ.

Địa chỉ: Ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Đại diện hợp pháp theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ: Ông Trần Văn Hiếu, chức vụ Giám đốc Công ty.

Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của Giám đốc Công ty TNHH MTV U Minh Hạ: Ông Châu Quốc Văn, chức vụ: Trưởng bộ phận pháp chế của Công ty (Văn bản ủy quyền ngày 15-10-2018), (Có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị D, sinh năm 1953 (Có mặt).

Cư trú tại: Ấp 21, xã K, huyện U, tỉnh C.

- Người kháng cáo: Ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X, là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X trình bày:

Vào năm 1993, ông T1 và bà X có nhận hợp đồng giao khoán đất rừng với Lâm ngư trường Sông Trẹm (nay là Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ) phần đất kích thước ngang 79m, dài 1.000m, đã được cấp sổ giao khoán. Theo hợp đồng thỏa thuận việc khai thác cây rừng chia với Lâm ngư trường theo tỷ lệ Lâm ngư trường hưởng 80%; ông, bà hưởng 20%. Đến năm 1996, Lâm ngư trường thu hồi phần đất rừng chiều dài 500m ở phần hậu. Phần đất rừng từ kinh Cúp Líp vào 500m (mặt tiền) ông bà tiếp tục quản lý đến năm 1998 chuyển nhượng thành quả lao động lại cho bà Trần Thị D giá 09 chỉ vàng 24k, có làm giấy tay. Do đó, ông T1 và bà X khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi thường thành quả lao động trên diện tích đất lâm nghiệp đã thu hồi ngang 79m dài 500m, tương ứng số tiền 55.411.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, ông T1 và bà X thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi hoàn thành quả của phần đất rừng bị thu hồi gồm: tiền đào mương bằng 20.988.000 đồng; công quản lý rừng thời hạn 03 năm bằng 17.211.724 đồng. Tổng cộng bằng 38.199.724 đồng.

- Theo ông Châu Quốc V trình bày:

Ngày 01/9/1993, Lâm ngư trường Sông Trẹm giao khoán đất rừng cho các hộ dân, ông T1 và bà X được giao khoán phần đất rừng chiều dài 1.000m, chiều ngang không xác định (vì hiện nay hồ sơ giao khoán và sổ giao khoán đã thất lạc không còn lưu trữ), thuộc thửa số 474, khoảnh 4, tiểu khu 007. Đến năm 1996, Lâm ngư trường Sông Trẹm cắt chiều dài 500m ở phần hậu đất giao lại cho Lâm ngư trường quản lý. Tại thời điểm cắt không có phương án chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 24/12/2012 các hộ dân ấp 21, xã Khánh Thuận yêu cầu trả lại phần đất chiều dài 500m đã cắt của các hộ dân. Đến ngày 30/8/2017, Công ty trình phê duyệt phương án bồi thường thành quả lao động phần đất lâm nghiệp giao khoán bị thu hồi năm 1996 của 130 hộ giao khoán năm 1993 thuộc ấp 19, 20, 21 xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Ngày 06/9/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau có Quyết định số 1523 phê duyệt phương án bồi thường. Theo phương án, Công ty không xác định được thời điểm chuyển nhượng thành quả lao động giữa ông T1, bà X với bà D vào năm nào (Do hồ sơ lưu trữ không còn) nên Công ty lập phương án ông T1 và Xa là hộ gốc được nhận tiền thành quả lao động. Sau khi phương án được duyệt thì phát sinh tranh chấp nên Công ty đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Thới Bình yêu cầu sao y lại sổ Hợp đồng giao khoán của bà D đã được Ủy ban nhân dân xã Biển Bạch, huyện Thới Bình xác nhận ngày 01/01/1995. Do Công ty Lâm nghiệp chưa xác định thời điểm chuyển nhượng thành quả lao động giữa ông T1 và bà X với bà D nên chưa chi trả. Nếu Tòa án xem xét thành quả lao động của người nào được hưởng thì Công ty đồng ý chi trả cho người đó.

- Theo bà Trần Thị D trình bày:

Bà nhận chuyển nhượng thành quả lao động phần đất giao khoán của ông T1, bà X thuộc thửa số 474, khoảnh 4, tiểu khu 007 vào năm 1994. Sau khi nhận chuyển nhượng, bà X và ông T1 làm đơn trả lại toàn bộ diện tích rừng và bà D đến Lâm ngư trường làm thủ tục nhận khoán được Ủy ban nhân dân xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau ký xác nhận. Bà D cho rằng phần đất bị thu hồi sau khi bà nhận chuyển nhượng thành quả lao động của ông T1 và bà X nên bà là người được hưởng bồi hoàn, nhưng thành quả lao động theo phương án bồi thường của Công ty là thấp nên bà D không đồng ý nhận và yêu cầu Công ty Lâm nghiệp bồi thường sau.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2019/DS-ST ngày 26 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh quyết định:

- Bác toàn bộ yêu cầu của ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ chi trả thành quả lao động số tiền 38.199.724 đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 10/5/2019 ông Trần Văn T1, bà Lê Thị Hồng X có đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T1 và bà X, buộc Công ty TNHH MTV U Minh Hạ bồi hoàn thành quả lao động cho ông T1 và bà X số tiền 38.199.724 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trần Văn T1, bà Lê Thị Hồng X giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T1 phát biểu: Hiện nay các đương sự không cung cấp được giấy tờ thể hiện ông T1 và bà X chuyển nhượng thành quả lao động cho bà D vào năm nào; hợp đồng giao khoán giữa bà D với Lâm trường không thể hiện ngày tháng ký hợp đồng, căn cứ vào đâu mà Ủy ban nhân dân xã Biển Bạch xác nhận ngày 01/01/1995. Tại phiên tòa ông T1 và bà X có thay đổi về mức yêu cầu bồi hoàn, chỉ yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi hoàn số tiền theo phương án bồi hoàn được phê duyệt 24.154.875 đồng là có căn cứ, vì: Phần đất bị thu hồi không nằm trong diện tích giao khoán cho bà D ; theo sổ giao khoán chỉ giao cho bà D phần đất ở mặt tiền chiều dài 500m bà D không có khiếu nại gì; theo trình bày của ông Lợi (chồng bà D ) xác định không rõ diện tích chuyển nhượng là bao nhiêu. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của ông T1 và bà X, buộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi hoàn cho ông T1 và bà X số tiền 24.154.875 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà phát biểu:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án, của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn T1, bà Lê Thị Hồng X, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 15/2019/DS-ST ngày 26/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét kháng cáo của ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X, Hội đồng xét xử xét thấy:

Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Ông T1 và bà X khởi kiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đòi bồi hoàn thành quả lao động đối với phần đất bị thu hồi trong diện tích đất rừng ông bà nhận hợp đồng giao khoán năm 1993. Đây là quan hệ pháp luật tranh chấp đòi bồi hoàn thành quả lao động, nhưng cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chưa chính xác, nên cần sửa bản án sơ thẩm về quan hệ pháp luật tranh chấp là “Đòi bồi hoàn thành quả lao động”.

Về nội dung: Ông T1 và bà X cho rằng năm 1993 có nhận hợp đồng giao khoán đất rừng với Lâm ngư trường Sông Trẹm (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ) phần đất kích thước ngang 79m, dài 1000m. Đến năm 1996, Lâm ngư trường thu hồi phần đất rừng chiều dài 500m ở phần hậu; phần đất rừng từ kinh Cúp Líp vào 500m (mặt tiền) ông bà tiếp tục quản lý đến năm 1998 chuyển nhượng thành quả lao động lại cho bà Trần Thị D. Do đó, ông T1 và bà X khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi thường thành quả lao động trên diện tích đất lâm nghiệp đã thu hồi. Phía Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho rằng do Công ty chưa xác định được thời điểm chuyển nhượng thành quả lao động giữa ông T1, bà X với bà D vào năm nào (Do hồ sơ lưu trữ không còn) nên chưa chi trả. Nếu Tòa án xem xét thành quả lao động của người nào thì Công ty đồng ý chi trả cho người đó. Phía bà D cho rằng bà nhậnchuyển nhượng thành quả lao động phần đất giao khoán của ông T1, bà X vào năm 1994, phần đất bị thu hồi sau khi bà nhận chuyển nhượng thành quả lao động của ông T1 và bà X nên bà D là người được hưởng bồi hoàn.

[2] Qua các tài liệu chứng cứ thu thập có trong hồ sơ, đối chiếu lời trình bày của các bên đương sự, Hội đồng xét xử thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án, đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ xác định hồ sơ liên quan đến phần đất giao khoán cho ông T1 và bà X, cũng như liên quan đến việc chuyển nhượng thành quả lao động giữa ông T1 và bà X với bà D đối với phần đất giao khoán hiện nay không còn, không cung cấp được cho Tòa án. Ông T1 và bà X xác định phần đất bị thu hồi vào năm 1996, phần đất chuyển nhượng thành quả lao động cho bà D vào năm 1998, nhưng cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ để xác định chính xác thời điểm bị thu hồi, thời điểm chuyển nhượng. Bà D xác định nhận chuyển nhượng thành qủa lao động của ông T1 và bà X vào năm 1994 nhưng cũng không cung cấp được giấy tờ chuyển nhượng chứng minh, chứng cứ duy nhất bà D cung cấp là Sổ hợp đồng giao khoán được Ủy ban nhân dân xã Biển Bạch xác nhận đăng ký ngày 01/01/1995.

[3] Hơn nữa, đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cũng xác định Sổ hợp đồng giao khoán giữa Công ty với bà D được Ủy ban nhân dân xã Biển Bạch xác nhận ngày 01/01/1995 là văn bản có giá trị pháp lý để thực hiện hợp đồng giao khoán giữa Công ty với bà D. Tuy nhiên, qua xem xét Sổ hợp đồng giao khoán của Dân nêu trên và sơ đồ phần đất giao khoán kèm theo thể hiện: Phần đất giao khoán cho bà D chiều dài chỉ 500m, vị trí ở phần mặt tiền, không phải là vị trí ở phần hậu đất. Đồng thời, đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cũng xác định phần đất giao cho bà D chiều dài 500m ở vị trí phần mặt tiền đúng theo sơ đồ phần đất giao khoán, phần đất chiều dài 500m ở phần hậu đất Lâm trường thu hồi trước đây không có giao khoán cho bà D. Bà D cho rằng phần đất nhận chuyển nhượng thành quả lao động của ông T1 và bà X chiều dài 1.000m nhưng thực tế phấn đất giao khoán chỉ có chiều dài 500m nhưng bà D cũng không có ý kiến gì. Như vậy, có căn cứ chứng minh phần đất Lâm trường thu hồi trước đây chiều dài 500m ở phần hậu của thửa đất không nằm trong diện tích đất giao khoán cho bà D, không nằm trong diện tích đất bà D nhận chuyển nhượng thành quả lao đông của ông T1 và bà X. Do đó, ông T1 và bà X khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi hoàn thành quả lao động đối với phần đất bị thu hồi là có căn cứ.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T1 và bà X có thay đổi mức yêu cầu bồi hoàn, chỉ yêu cầu Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi hoàn theo số tiền được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phê duyệt phương án bồi hoàn bằng 24.154.875 đồng. Xét việc thay đổi mức yêu cầu bồi hoàn của ông T1 và bà X là không vượt quá phạm vi khởi kiện, phạm vi kháng cáo ban đầu nên được chấp nhận. Do đó, buộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi hoàn thành quả lao động cho ông T1 và bà X số tiền bằng 24.154.875 đồng là phù hợp.

[5] Từ phân tích trên, cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông T1 và bà X, sửa bản án sơ thẩm là có căn cứ.

[6] Án phí dân sự phúc thẩm ông T1 và bà X không phải chịu.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 15/2019/DS-ST ngày 26 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X.

-Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ bồi hoàn thành quả lao động cho ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X số tiền 24.154.875 đồng.

Kể từ ngày ông T1 và bà X có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Chi phí tố tụng: Chi phí xem xét thẩm định tại chổ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ phải chịu 600.000 đồng (đã nộp xong).

- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X không phải chịu án phí. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ phải chịu số tiền 1.207.743 đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Văn T1 và bà Lê Thị Hồng X không phải chịu.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

688
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 190/2019/DS-PT ngày 24/07/2019 về tranh chấp đòi bồi hoàn thành quả lao động

Số hiệu:190/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:24/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về