TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ NINH BÌNH, TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 187/2020/HS-ST NGÀY 24/12/2020 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
Ngày 24 tháng 12 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Ninh Bình, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 166/2020/TL- STHS ngày 13 tháng 11 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 180/2020/QĐXXST-HS ngày 10 tháng 12 năm 2020 đối với bị cáo:
Họ và tên: Trần Huyền T sinh năm 1992 tại Ninh Bình; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số nhà T, đường THĐ, phố PT, phường TT, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; chỗ ở hiện nay: Thôn H, xã NN, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Nhân viên chi cục Thủy Lợi, Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thông tỉnh Ninh Bình; trình độ văn hóa:12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn Q và bà Hoàng Thị H; chồng: Phạm Văn K (Đã ly hôn) và 01 con; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” cho đến nay. “Có mặt”.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Đào Tuấn A sinh năm 1994; nơi cư trú: Số nhà B, đường HV, phố LL, phường NB, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. “Vắng mặt”.
2. Anh Trương Thanh B sinh năm 1992; nơi cư trú: Số nhà T, đường HV, phố LL, phường NB, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. “Vắng mặt”.
3. Anh Ngô Ngọc L sinh năm 1984; nơi cư trú: Ngõ S, đường NGT, phố TL, phường NP, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. “Vắng mặt”.
4. Anh Trần Trung O sinh năm 1984; nơi cư trú: phố CH, thị trấn TT, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. “Vắng mặt”.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trần Huyền T là nhân viên hợp đồng của Chi cục thủy lợi, Sở Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Trần Huyền T không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ cấp cho vay tín dụng hoặc hỗ trợ tài chính nhưng do muốn có tiền tiêu xài nên T đã cho những người quen biết có nhu cầu hoặc khó khăn về tài chính vay tiền mà không phải thế chấp, cầm cố tài sản với mức lãi suất vượt quá nhiều lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của pháp luật nhằm thu lợi bất chính.
Trong khoảng thời gian từ ngày 31/3/2019 đến ngày 15/7/2020, Trần Huyền T đã cho anh Đào Tuấn A sinh năm 1994 trú tại phố LL, phường NB, thành phố Ninh Bình; anh Trương Thanh B sinh năm 1992 trú tại Số nhà T, đường HV, phố LL, phường NB, thành phố Ninh Bình; anh Ngô Ngọc L sinh năm 1984 trú tại phố TL, phường NP, thành phố Ninh Bình; anh Trần Trung O sinh năm 1984 trú tại phố CH, thị trấn TT, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vay tiền với mức lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày, tương đương 109,5%/01 năm của khoản tiền vay, vượt gấp 5,475 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 01 Điều 468 của Bộ luật dân sự (20%/01 năm). Việc giao dịch cho vay lãi nặng của Trần Huyền T cụ thể như sau:
* Giao dịch giữa Trần Huyền T với anh Đào Tuấn A:
Ngày 27/3/2019, anh Tuấn A gọi điện thoại cho T hỏi vay T 40.000.000 đồng nhưng T không đủ tiền nên chỉ cho anh Tuấn A vay 20.000.000 đồng với lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày, hẹn khi nào có đủ tiền sẽ đưa tiếp cho anh Tuấn A vay, anh Tuấn A đồng ý. Do không có ở nhà nên anh Tuấn A đã nhờ vợ là chị Hoàng Như N đến gặp T lấy tiền. Khi đến nhà gặp T thì T đưa cho chị N số tiền 20.000.000 đồng và yêu cầu chị N viết giấy vay nợ thay cho anh Tuấn A.
Đến ngày 31/3/2019, anh Tuấn A tiếp tục đến vay T số tiền 20.000.000 đồng, T yêu cầu anh Tuấn A viết giấy vay nợ. T và anh Tuấn A thỏa thuận gộp với số tiền 20.000.000 đồng vay ngày 27/3/2020 thành một khoản vay là 40.000.000 đồng, lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày tính từ ngày 31/3/2019. Ngày 27/5/2019, anh Tuấn A phải trả tiền lãi cho T trong 57 ngày vay là (57 x 3.000 x 40) = 6.840.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (57 x 40.000.000 x 0,2 : 365) = 1.249.315 đồng.
Ngày 23/4/2019, anh Tuấn A đến vay T số tiền 5.000.000 đồng, T yêu cầu anh Tuấn A viết giấy vay nợ. T thỏa thuận lãi suất là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Đến ngày 27/5/2019, anh Tuấn A phải trả tiền lãi cho T trong 34 ngày vay là (34 x 3.000 x 5) = 510.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (34 x 5.000.000 x 0,2 : 365) = 93.151 đồng.
Ngày 11/5/2019, anh Tuấn A đến vay T số tiền 8.000.000 đồng, T yêu cầu anh Tuấn A viết giấy vay nợ. T thỏa thuận lãi suất là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Đến ngày 27/5/2019, anh Tuấn A phải trả tiền lãi cho T trong 16 ngày vay là (16 x 3.000 x 8) = 384.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (16 x 8.000.000 x 0,2 : 365) = 70.137 đồng.
Như vậy trong 04 lần vay trên, anh Tuấn A đã vay của T tổng số tiền 53.000.000 đồng. Đến ngày 27/5/2019, số tiền lãi anh Tuấn A phải trả cho T là (6.840.000 + 510.000 + 384.000) = 7.734.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (1.249.315 + 93.151 + 70.137) = 1.412.603 đồng. Tuy nhiên anh Tuấn A mới trả cho T 5.274.000 đồng, nợ lại 2.460.000 đồng tiền lãi. Anh Tuấn A chưa trả tiền gốc 53.000.000 đồng.
Tính từ ngày 28/5/2019 đến ngày 27/7/2019, số tiền lãi anh Tuấn A phải trả cho T trong 60 ngày vay là (60 x 3.000 x 53) = 9.540.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (60 x 53.000.000 x 0,2 : 365) = 1.742.466 đồng. Như vậy, đến ngày 27/7/2019, anh Tuấn A nợ T tiền lãi là (2.460.000 + 9.540.000) = 12.000.000 đồng. Tuy nhiên anh Tuấn A không có tiền trả nên đã thỏa thuận vay T số tiền 12.000.000 đồng tính vào tiền gốc để thanh toán hết số tiền lãi mà anh Tuấn A nợ T.
Như vậy tính từ ngày 28/7/2019 anh Tuấn A vay T 65.000.000 đồng tiền gốc. Đến ngày 11/9/2019, anh Tuấn A đã đến trả tiền lãi cho T trong 45 ngày vay là (45 x 3.000 x 65) = 8.775.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (45 x 65.000.000 x 0,2 : 365) = 1.602.740 đồng. Anh Tuấn A đã trả cho T 20.000.000 đồng tiền gốc, còn nợ lại 45.000.000 đồng tiền gốc từ ngày 12/9/2019.
Đến ngày 27/12/2019, anh Tuấn A đã đến trả tiền lãi cho T trong 106 ngày vay là (106 x 3.000 x 45) = 14.310.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (106 x 45.000.000 x 0,2 : 365) = 2.613.699 đồng. Anh Tuấn A còn nợ lại 45.000.000 đồng tiền gốc, đồng thời cũng thỏa thuận với T xin giảm lãi suất xuống còn 2.500 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày (tương đương 91.25%/01 năm của khoản tiền vay, vượt gấp 4.5625 lần mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật dân sự) kể từ ngày 28/12/2019. T đồng ý.
Như vậy, Trần Huyền T đã cho anh Đào Tuấn A vay tổng số tiền là 65.000.000 đồng đều với lãi suất 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày tương đương 109,5%/01 năm, gấp 5,475 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Trần Huyền T đã thu lợi 40.359.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp là 7.371.508 đồng, thu lợi bất chính 32.987.492 đồng. Anh Tuấn A còn nợ T 45.000.000 đồng tiền vay gốc.
* Giao dịch giữa Trần Huyền T với anh Trương Thanh B:
Ngày 12/4/2019, anh B đến vay T số tiền 10.000.000 đồng, T yêu cầu anh B viết giấy vay nợ. T thỏa thuận lãi suất là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Đến ngày 12/7/2019, anh B đến trả tiền lãi cho T trong 90 ngày vay là (90 x 3.000 x 10) = 2.700.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (90 x 10.000.000 x 0,2 : 365) = 493.151 đồng. Anh B chưa trả tiền vay gốc cho T.
Như vậy, Trần Huyền T đã cho anh B vay số tiền là 10.000.000 đồng với lãi suất 109,5%/01 năm, gấp 5,475 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Trần Huyền T đã thu lợi 2.700.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp là 493.151 đồng, thu lợi bất chính 2.206.849 đồng.
* Giao dịch giữa Trần Huyền T với anh Ngô Ngọc L:
Ngày 13/4/2019, anh L đến vay T số tiền 20.000.000 đồng, T yêu cầu anh L viết giấy vay nợ. T thỏa thuận lãi suất là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Đến ngày 13/7/2019, anh L đến trả tiền lãi cho T trong 90 ngày vay là (90 x 3.000 x 20) = 5.400.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (90 x 20.000.000 x 0,2 : 365) = 986.301 đồng. Anh L hiện đã trả hết tiền vay gốc 20.000.000 đồng cho T.
Như vậy, Trần Huyền T đã cho anh L vay số tiền là 20.000.000 đồng với lãi suất 109,5%/01 năm, gấp 5,475 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Trần Huyền T đã thu lợi 5.400.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp là 986.301 đồng, thu lợi bất chính 4.413.699 đồng.
* Giao dịch giữa Trần Huyền T với anh Trần Trung O:
Ngày 15/5/2019, anh O đến vay T số tiền 25.000.000 đồng, T yêu cầu anh O viết giấy vay nợ. T thỏa thuận lãi suất là 3.000 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày. Đến ngày 15/7/2019, anh O trả tiền lãi cho T trong 60 ngày vay là (60 x 3.000 x 25) = 4.500.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp 20%/ 01 năm là (60 x 25.000.000 x 0,2 : 365) = 821.918 đồng. Anh O chưa trả tiền vay gốc cho T.
Như vậy, Trần Huyền T đã cho anh O vay số tiền là 25.000.000 đồng với lãi suất 109,5%/01 năm, gấp 5,475 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Trần Huyền T đã thu lợi 4.500.000 đồng, trong đó khoản tiền tương ứng với lãi suất hợp pháp là 821.918 đồng, thu lợi bất chính 3.678.082 đồng.
Tổng số tiền Trần Huyền T đã cho 04 cá nhân vay là 120.000.000 đồng với lãi suất vượt gấp 5,475 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính tổng số tiền 43.286.122 đồng.
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 09/8/2020, T một mình điều khiển xe mô tô nhãn hiệu HONDA SH Biển kiểm soát 35B2-618.11 đến nhà anh Tuấn A ở phố LL, phường NB, thành phố Ninh Bình để đòi nợ, do anh Tuấn A không có tiền trả cho T nên ông Đào Sỹ S sinh năm 1964 (là bố đẻ của anh Tuấn A) đã cho anh Tuấn A số tiền 15.000.000 đồng để trả tiền lãi cho T. Khi T vừa nhận tiền và viết giấy biên nhận thì Tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đến nhà anh Tuấn A yêu cầu kiểm tra, lập biên bản vụ việc. Thu giữ số tiền 15.000.000 đồng; 04 giấy vay tiền đề ngày 27/3/2020, 31/3/2020, 23/4/2020, 11/5/2020; 01 giấy nhận tiền đề ngày 09/8/2020; 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11 màu đỏ gắn sim số 0985.433.883; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu HONDA SH Biển kiểm soát 35B2-618.11 cùng Giấy chứng nhận Đăng ký xe của Trần Huyền T.
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Huyền T, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình thu giữ tại ngăn tủ kệ tivi trong phòng khách 03 tờ giấy vay tiền đều có KT (23x15)cm và 01 quyển sổ bìa bằng da màu nâu bên trong có ghi các nội dung vay mượn tiền.
Tại bản cáo trạng số 163/CT-VKS ngày 12/11/2020, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình truy tố Trần Huyền T ra trước Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình để xét xử về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 1, khoản 3 Điều 201 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên toà, Kiểm sát viên tham gia phiên toà giữ nguyên quyết định như nội dung bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:
- Tuyên bố bị cáo Trần Huyền T phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Áp dụng khoản 1 Điều 201; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 35 của Bộ luật hình sự đề nghị xử phạt bị cáo Trần Huyền T từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
- Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự:
+ Tịch thu sung ngân sách nhà nước 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11 màu đỏ thu của Trần Huyền T;
+ Truy thu của bị cáo Trần Huyền T: Số tiền 40.000.000 đồng sung ngân sách nhà nước (số tiền gốc bị cáo Trần Huyền T đã cho anh Đào Tuấn A, Ngô Ngọc L vay và được người vay trả lại) là phương tiện phạm tội và số tiền 9.672.878 đồng là tiền lãi hợp pháp tương ứng với mức lãi suất 20%/năm là khoản tiền phát sinh từ việc phạm tội của bị cáo;
+ Truy thu sung ngân sách nhà nước số tiền gốc mà những người vay còn nợ lại chưa trả cho bị cáo là phương tiện phạm tội, cụ thể: anh Đào Tuấn A số tiền 45.000.000 đồng, anh Trương Thanh B số tiền 10.000.000 đồng, anh Trần Trung O số tiền 25.000.000 đồng;
+ Trả lại cho bị cáo Trần Huyền T số tiền 15.000.000 đồng thu của bị cáo không liên quan đến việc phạm tội nhưng tiếp tục quản lý để đảm bảo biệc thi hành án;
- Về nghĩa vụ dân sự: Áp dụng Điều 463, Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự: Buộc bị cáo Trần Huyền T phải trả lại cho anh Đào Tuấn A số tiền 32.987.492 đồng; anh Trương Thanh B số tiền 2.206.849 đồng; anh Ngô Ngọc L số tiền 4.413.699 đồng; anh Trần Trung O số tiền 3.678.082 đồng tiền lãi bị cáo thu lời bất chính (Số tiền này được trừ vào số tiền bị cáo đã nộp 43.386.000 đồng ngày 23/12/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Ninh Bình). Số tiền còn lại cần tiếp tục quản lý để đảm bảo việc thi hành án.
- Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự theo quy định của pháp luật Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã nêu. Bị cáo không có ý kiến tranh luận với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát. Trong lời nói sau cùng, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thành phố Ninh Bình, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Ninh Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên toà, bị cáo Trần Huyền T đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng đã nêu. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; biên bản sự việc, biên bản khám xét nơi ở, biên bản kiểm tra điện thoại…; vật chứng thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên toà. Như vậy, có đủ cơ sở kết luận: Trong khoảng thời gian từ ngày 31/3/2019 đến ngày 15/7/2020 tại nhà mình ở thôn H, xã NN, thành phố Ninh Bình. Trần Huyền T đã cho anh Đào Tuấn A, Trương Thanh B, Ngô Ngọc L, Trần Trung O vay tổng số tiền là 120.000.000 đồng với mức lãi suất 109,5%/01 năm của khoản tiền vay, cao gấp 5,475 lần mức lãi suất cao nhất quy định của Bộ luật dân sự đã thu lợi bất chính số tiền 43.286.122 đồng thì bị phát hiện.
Hành vi của Trần Huyền T đã phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tội phạm và hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 201 của Bộ luật hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình truy tố Trần Huyền T với tội danh và khung hình phạt nêu trên là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Hành vi của bị cáo đã xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích của công dân được pháp luật bảo vệ. Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, biết rõ hành vi cho vay lãi nặng của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện. Để bảo vệ trật tự xã hội, có tác dụng giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung thì việc truy tố, đưa ra xét xử, buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự là cần thiết.
Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không có.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất chính; trong quá trình điều tra cũng như tại phiên toà bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải những tình tiết này được xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.
Về nhân thân: Bị cáo không có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt.
Căn cứ quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Hội đồng xét xử thấy chỉ cần áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với bị cáo cũng đủ điều kiện để bị cáo tự cải tạo trở thành con người tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Về hình phạt bổ sung: Do đã áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.
[3] Về áp dụng biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ:
Quá trình điều tra cơ quan điều tra thu giữ của T: số tiền 15.000.000 đồng; 04 giấy vay tiền đề ngày 27/3/2020, 31/3/2020, 23/4/2020, 11/5/2020; 01 giấy nhận tiền đề ngày 09/8/2020; 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11 màu đỏ gắn sim số 0985.433.883; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu HONDA SH Biển kiểm soát 35B2- 618.11 cùng Giấy chứng nhận Đăng ký xe của Trần Huyền T, 03 tờ giấy vay tiền đều có KT (23x15)cm và 01 quyển sổ bìa bằng da màu nâu bên trong có ghi các nội dung vay mượn tiền; Ngày 23/12/2020 T nộp lại số tiền thu lời bất chính số tiền 43.386.000. Xét thấy:
07 tờ giấy vay tiền; 01 giấy nhận tiền đề ngày 09/8/2020 và 01 quyển sổ bìa bằng da màu nâu bên trong có ghi các nội dung vay mượn tiền của Trần Huyền T là vật chứng vụ án được chuyển theo hồ sơ vụ án là đúng quy định pháp luật;
Số tiền 15.000.000 đồng thu của bị cáo không liên quan đến hành vi phạm tội nên trả lại cho bị cáo nhưng tiếp tục quản lý số tiền này để đảm bảo việc thi hành án;
Số tiền 43.386.000 đồng ngày 23/12/2020 bị cáo nộp tại cơ quan thi hành án dân sự thành phố là khoản tiền mà bị cáo thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền;
01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11 màu đỏ thu của Trần Huyền T là công cụ, phương tiện sử dụng vào việc phạm tội, cần Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước;
01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu HONDA SH Biển kiểm soát 35B2-618.11 cùng Giấy chứng nhận Đăng ký xe thu của Trần Huyền T. Quá trình điều tra xác định đây là tài sản của T, không liên quan đến việc phạm tội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã trả lại cho T là có căn cứ, đúng quy định.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa xác định tổng số tiền bị cáo T cho vay (tiền gốc) là 120.000.000 đồng trong đó Anh Đào Tuấn A vay 65.000.000 đồng đã trả cho bị cáo T 20.000.000 đồng còn nợ 45.000.000 đồng; anh Trương Thanh B vay 10.000.000 đồng chưa trả; anh Ngô Ngọc L vay 20.000.000 đồng đã trả cho bị cáo T 20.000.000 đồng, anh Trần Trung O vay 25.000.000 đồng chưa trả. Số tiền này là phương tiện phạm tội phải bị tịch thu sung ngân sách nhà nước. Do đó, buộc bị cáo T nộp lại số tiền 40.000.000 đồng, anh Đào Tuấn A nộp lại số tiền 45.000.000 đồng, anh Trương Thanh B nộp lại số tiền 10.000.000 đồng và anh Trần Trung O nộp lại số tiền 25.000.000 đồng để sung vào ngân sách nhà nước.
Số tiền lãi 9.672.878 đồng tương ứng với mức lãi suất 20%/năm, tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự. Do đó, cần buộc bị cáo Trần Huyền T phải nộp lại số tiền trên để sung vào ngân sách nhà nước.
[4] Về trách nhiệm dân sự:
Đối với số tiền 43.286.122 đồng bị cáo thu lợi bất chính từ việc cho vay, theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì “ Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi xuất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà bị cáo thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền và được trừ vào số tiền 43.286.122 ngày 23/12/2020 bị cáo đã nộp tại cơ quan thi hành án dân sự thành phố để khắc phục hậu quả đối với khoản tiền này. Cụ thể anh Đào Tuấn A số tiền 32.987.492 đồng, anh Trương Thanh B số tiền 2.206.849 đồng, anh Ngô Ngọc L số tiền 4.413.699 đồng, anh Trần Trung O số tiền 3.678.082 đồng. nên trả lại cho anh Tuấn A, anh L, anh B, anh O. Số tiền còn lại tiếp tục quản lý để đảm bảo việc thi hành án.
[5] Các vấn đề khác:
Trong khoảng thời gian từ ngày 26/3/2019 đến ngày 30/7/2020, Trần Huyền T còn cho một số cá nhân vay tiền mà không phải cầm cố tài sản với lãi suất từ 2.000 đồng đến 2.500 đồng/1.000.000 đồng/01 ngày (tương đương từ 73%/01 năm đến 91,25%/01 năm), chưa vượt gấp 05 lần của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Vì vậy hành vi nêu trên của Trần Huyền T chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm và không đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với số tiền 15.000.000 đồng ông Đào Sỹ S đã cho anh Tuấn A để trả tiền lãi cho T. Ông S không yêu cầu anh Tuấn A phải trả lại cho ông S, ngoài ra ông S cũng không có yêu cầu, đề nghị gì khác vì vậy không đặt ra xem xét.
[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[7] Quyền kháng cáo: Bị cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ: khoản 1 Điều 201; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 35 của Bộ luật Hình sự. Tuyên bố bị cáo Trần Huyền T phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Xử phạt bị cáo Trần Huyền T 50.000.000 (Năm mươi) triệu đồng.
2. Về áp dụng biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.
- Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11 màu đỏ thu của Trần Huyền T.
- Buộc bị cáo Trần Huyền T, anh Đào Tuấn A, anh Trương Thanh B, anh Trần Trung O nộp lại số tiền gốc bị cáo Trần Huyền T sử dụng cho vay để sung vào ngân sách nhà nước cụ thể như sau:
+ Bị cáo Trần Huyền T nộp lại số tiền 40.000.000 (Bốn mươi triệu) đồng.
+ Anh Đào Tuấn A nộp lại số tiền 45.000.000 (Bốn mươi lăm triệu) đồng.
+ Anh Trương Thanh B nộp lại số tiền 10.000.000 (Mười triệu) đồng.
+ Anh Trần Trung O nộp lại số tiền 25.000.000 (Hai mươi lăm triệu) đồng.
- Buộc bị cáo Trần Huyền T nộp lại số tiền 9.672.878 đồng là tiền lãi hợp pháp tương ứng với mức lãi suất 20%/năm là khoản tiền phát sinh từ việc phạm tội của bị cáo để sung vào ngân sách nhà nước.
- Trả lại cho Trần Huyền T số tiền 15.000.000 (Mười lăm triệu) đồng không liên quan đến việc phạm tội nhưng tiếp tục quản lý để đảm bảo việc thi hành án.
(Tình trạng vật chứng như biên bản giao, nhận vật chứng ngày 16/12/2020, ủy nhiệm chi lập ngày 15/12/2020).
3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Buộc bị cáo Trần Huyền T phải trả lại cho anh Đào Tuấn A số tiền 32.987.492 (Ba mươi hai triệu chín trăm tám mươi bảy nghìn bốn trăn chín hai) đồng; anh Trương Thanh B số tiền 2.206.849 (Hai triệu hai trăm linh sáu nghìn tám trăm bốn chín) đồng; anh Ngô Ngọc L số tiền 4.413.699 (Bốn triệu bốn trăm mười ba nghìn sáu trăm chín chín) đồng; anh Trần Trung O số tiền 3.678.082 (Ba triệu sáu trăm bảy tám nghìn không trăm tám hai) đồng tiền lãi bị cáo thu lời bất chính (Số tiền này được trừ vào số tiền bị cáo T đã nộp 43.386.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2019/0000375 ngày 23/12/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Ninh Bình). Số tiền còn lại cần tiếp tục quản lý để đảm bảo việc thi hành án.
4. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng Hình sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo Trần Huyền T phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày tính từ ngày tuyên án (24/12/2020); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 187/2020/HS-ST ngày 24/12/2020 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Số hiệu: | 187/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Ninh Bình - Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/12/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về