Bản án 18/2021/HS-PT ngày 20/01/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 18/2021/HS-PT NGÀY 20/01/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 20 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 367/2020/TLPT-HS, ngày 07/12/2020 đối với các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban về tội“Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 337/2020/HS-ST ngày 28/10/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: Y A KPƠR (Tên gọi khác Ama Lê Na); sinh năm 1987; tại Đắk Lắk; nơi cư trú: Buôn K, phường TN, thành phố BMT, tỉnh Đắk Lắk; dân tộc: Ê đê; tôn giáo: Tin Lành; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn 12/12; Con ông Y C Byă, sinh năm 1954 và bà HD Kpơr, sinh năm 1957; vợ H E Byă, sinh năm 1990 và 01 con, sinh năm 2013; tiền án: Không;

Tiền sự: Tại Quyết định số 0002584/QĐ-XPVPHC ngày 12/4/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bằng hình thức “phạt tiền” về hành vi khai thác rừng trái phép và vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt phiên tòa.

2. Họ và tên: Y B ÊBAN (Tên gọi khác Ama Lich); sinh năm 1995; tại: tỉnh Đắk Lắk; nơi cư trú: Buôn K, phường TN, thành phố BMT, tỉnh Đắk Lắk; dân tộc: Ê đê; tôn giáo: Tin Lành; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 8/12; con ông Y F Buôn Yă, sinh năm 1966 và bà H G Êban, sinh năm 1974; Có vợ là H’H Niê, sinh năm 1993, có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2017, con nhỏ nhất sinh năm 2018; Tiền án: Không.

Tiền sự: Tại quyết định số 0000544/QĐ-XPVPHC ngày 12/4/2019 của Hạt Kiểm lâm huyện BĐ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bằng hình thức “phạt tiền” về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật .

Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Y A Kpơr đã bị Hạt Kiểm lâm huyện BĐ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền vào ngày 12/4/2019 về hành vi khai thác rừng trái phép và vận chuyển lâm sản trái pháp luật; Y B Êban đã bị Hạt Kiểm lâm huyện BĐ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền vào ngày 12/4/2019 về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật, nhưng Y A Kpơr và Y B Êban tiếp tục thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, cụ thể như sau:

Khoảng cuối tháng 12/2019, Y A Kpơr rủ Y B Êban và Y H Kpơr (là em ruột của Y A) đi đến rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk để tìm cây gỗ rừng cưa mang về bán lấy tiền chia nhau tiêu xài cá nhân, thì cả nhóm đồng ý. Sau đó, Y B mang theo 01 chiếc máy cưa xăng, còn Y A điều khiển chiếc xe máy cày, đầu máy nhãn hiệu CLF, màu đỏ, có kéo theo rơ mooc dài 03m không gắn biển số, chở cả nhóm đi đến khoảnh 01, tiểu khu 469 là khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Krông Na, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk, để cưa cây rừng. Tại đây, cả nhóm quan sát thấy có nhiều cây xanh thuộc chủng loại Chiêu Liêu nên Y A, Y B và Y H dùng máy cưa xăng lần lượt cưa hạ nhiều cây Chiêu Liêu có đường kính từ 15cm đến 25cm, cao từ 05m đến 07m, rồi cắt bỏ phần cành, ngọn cây và cắt khúc các thân cây được tổng cộng 28 lóng gỗ tròn, có chiều dài từ 2,5m đến 3m. Sau đó, cả nhóm bốc 28 lóng gỗ lên xe máy cày rồi vận chuyển về để tại khu vực trước nhà Y A tại Buôn K, phường TN, thành phố BMT. Đến ngày 05/02/2020, một người đàn ông tên L (chưa xác định nhân thân lai lịch) gặp Y A và hỏi mua 28 lóng gỗ Chiêu Liêu trên với giá là 3.000.000 đồng, thì Y A đồng ý. L đưa trước cho Y A số tiền 2.000.000 đồng và hẹn đến ngày 06/02/2020, khi Y A sẽ vận chuyển 28 lóng gỗ đi đến khu vực cuối đường MXT, thành phố BMT sẽ đưa số tiền 1.000.000 đồng còn lại. Sáng ngày 06/02/2020, Y A đưa cho Y H và Y B mỗi người 500.000 đồng và nhờ Y M Kpơr ( là cháu họ của Y A) bốc 28 lóng gỗ lên xe máy cày trên để vận chuyển bán cho L theo như thỏa thuận. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, khi Y A điều khiển xe máy cày cùng Y B vận chuyển 28 lóng gỗ đi đến đoạn đường TKH, phường TN, thành phố BMT, thì bị Công an thành phố Buôn Ma Thuột kiểm tra phát hiện, xử lý. Tạm giữ của Y A: 01 chiếc xe máy cày, đầu máy cày nhãn hiệu CLF, màu đỏ, có kéo theo rơ mooc dài 03m không gắn biển số; 28 lóng gỗ; Tạm giữ của Y B 01 chiếc máy cưa xăng, màu cam, không rõ nhãn hiệu.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định: Địa điểm Y A Kpơr, Y B Êban và Y H Kpơr khai thác gỗ tại khoảnh 1 tiểu khu 469 khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã KN, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk và tạm giữ 13 lát cắt của các gốc cây Chiêu Liêu do Y A, Y B và Y H khai thác còn tại hiện trường.

Tại bản Kết luận giám định ngày 24/3/2020 của Chi Cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận: 28 lóng gỗ có kích thước lần lượt: Chiều dài (m) x đường kính (cm), cụ thể gồm: 02 lóng 3x15; 02 lóng 3x18; 02 lóng 2,5x17; 03 lóng 3x16; 02 lóng 3x13;

02 lóng 2,9x15; 01 lóng 3x17; 01 lóng 3,5x20; 01 lóng 2,6x15; 01 lóng 2,9x13; 01 lóng 3,5x21; 01 lóng 2,6x20; 01 lóng 3,2x17; 01 lóng 3,1x16; 01 lóng 2,7x19; 01 lóng 3,1x18; 01 lóng 3,4x18; 01 lóng 3,2x19; 01 lóng 2,9x16; 01 lóng 2,4x16; 01 lóng 3,5x16, có tổng khối lượng gỗ tròn là 1,830m3/28 lóng. Chủng loại: Chiêu Liêu; Nhóm gỗ: VI.

Tại bản Kết luận giám định ngày 17/6/2020 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận: 13 mẫu lát cắt gỗ tròn thu giữ tại hiện trường đều là loại gỗ Chiêu Liêu, thuộc nhóm gỗ thông thường (nhóm VI).

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 189/KLĐG ngày 25/9/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thành phố Buôn Ma Thuột, kết luận:

28 lóng gỗ Chiêu Liêu (nhóm VI khác) có khối lượng quy tròn 1,83m3 trị giá:

2.379.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 337/2020/HS-ST ngày 28/10/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố: Các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Căn cứ điểm m khoản 1 Điều 232; các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Y A Kpơr (Tên gọi khác: Ama Lê Na) 01 (một) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Xử phạt: Bị cáo Y B Êban (Tên gọi khác: Ama Lich) 09 (chín) tháng tù.Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, vào ngày 04/11/2020 các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận toàn bộ hành vi mà các bị cáo đã thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ và đúng người, đúng tội. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát thất rằng mức hình phạt 01 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo Y A Kpơr và 09 tháng tù đối với bị cáo Y B Êban là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân của các bị cáo, nên không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên hình phạt của Bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo không tranh luận, bào chữa gì và chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Vào cuối tháng 12/2019 tại khoảnh 1 tiểu khu 469 khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã KN, huyện BĐ Y A Kpơr và Y B Êban đã có hành vi cưa hạ các cây gỗ, phân thành 28 lóng gỗ tròn, tổng khối lượng là 1,830m3, loại gỗ Chiêu Liêu, thuộc nhóm gỗ thông thường (nhóm VI), sau đó chở số gỗ trên đi tiêu thụ thì bị phát hiện, xử lý. Do đó, bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ pháp lý và đảm bảo đúng người, đúng tội.

[2]. Xét kháng cáo của các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban, HĐXX xét thấy: Mức hình phạt 01 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo Y A Kpơr và 09 tháng tù đối với bị cáo Y B Êban là thỏa đáng tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Trong quá trình xét xử Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét và áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà các bị cáo được hưởng theo quy định tại các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cùng ngày 12/4/2019 các bị cáo đã bị Hạt Kiểm lâm huyện BĐ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi khai thác rừng trái phép và vận chuyển lâm sản trái pháp luật đối với bị cáo Y A Kpơr và hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật đối với bị cáo Y B Êban nhưng các bị cáo không lấy đó làm bài học mà còn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới. Các bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo - Giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm.

[3]. Về án phí: Do không chấp nhận kháng cáo nên các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự - Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban - Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số số 337/2020/HS-ST ngày 28/10/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về mức hình phạt.

Áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Y A Kpơr (Tên gọi khác: Ama Lê Na) 01 (một) năm tù về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Xử phạt: Bị cáo Y B Êban (Tên gọi khác: Ama Lich) 09 (chín) tháng tù về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

[2]. Về án phí: Các bị cáo Y A Kpơr và Y B Êban mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

348
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2021/HS-PT ngày 20/01/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:18/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về