Bản án 18/2021/DS-ST ngày 07/09/2021 về tranh chấp chia di sản thừa kế

A ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN DƯƠNG, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 18/2021/DS-ST NGÀY 07/09/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 07 tháng 9 năm 2021 tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 69/2020/TLST-DS ngày 01 tháng 12 năm 2020 về Tranh chấp chia di sản thừa kế theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2021/QĐXX-DS ngày 03/8/2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 31/2021/QĐST-DS ngày 27/8/2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Hữu C sinh năm 1952; địa chỉ: Thôn K, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Anh Nguyễn Văn L sinh năm 1977; địa chỉ: Thôn 1 K, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng (Văn bản uỷ quyền chứng thực ngày 23/10/2020);

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vũ Đình D và ông Đinh Văn D - Luật sư văn phòng luật sư Bạch Đằng - Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng;

- Bị đơn: Ông Nguyễn Hữu K sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Tiến T sinh năm 1957; địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện A, Hải Phòng;

2. Bà Nguyễn Thị X sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn N, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng;

3. Bà Nguyễn Thị Chung sinh năm 1968; địa chỉ: Thôn A, xã A, huyện A, thành phố Hải Phòng;

4. Bà Nguyễn Thị D sinh năm 1971; địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Tiến T, Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị C và Nguyễn Thị D: Anh Nguyễn Văn L (Văn bản uỷ quyền chứng thực ngày 23/10/2020);

5. Bà Phạm Thị N sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện A, thành phố Hải Phòng;

6. Anh Nguyễn Hữu N sinh năm 1991; địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng;

7. Anh Nguyễn Hữu T sinh năm 1994; địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng;

8. Chị Quản Thị N sinh năm 1990; địa chỉ: Thôn D, xã T, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng;

9. Anh L, ông D, ông D có mặt; ông C, ông K, bà N, ông T, bà X, bà C, bà D, anh T, anh N, chị N vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 23/6/2020 của ông Nguyễn Hữu C và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Cụ Nguyễn Hữu N chết năm 1987, cụ Lê Thị L chết năm 1993 (các cụ chết đều không để lại di chúc) là thân sinh ông Nguyễn Hữu C. Cụ N, cụ L sinh được 7 người con gồm ông Nguyễn Hữu C, ông Nguyễn Tiến T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị D, ông Nguyễn Hữu K và ông Nguyễn Hữu T (ông T chết trẻ, không có vợ con). Cụ N và cụ L không có con nuôi, con nhận. Khi còn sống, cụ N, cụ L có tạo dựng được khối tài sản là diện tích 804m2 (đo thực tế 856,1m2 ) tại thửa đất số 171, tờ bản đồ số 10 thuộc Thôn Do Nha, xã T, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng (Sau đây viết tắt là Thửa đất số 171) và tài sản là nhà cửa, cây trồng lâu năm trên đất. Thửa đất số 171 được Ủy ban nhân dân huyện An Hải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ L năm 1994; năm 1998 được Ủy ban nhân dân huyện An Dương cấp đổi cho cụ L số giấy I744368 ngày 30/6/1998. Ông K ăn ở với bố mẹ trên thửa đất này từ nhỏ, khi kết hôn với bà N, ông K cùng bà N chung sống trên thửa đất này cùng cụ L (vì thời gian bà N về chung sống cụ N đã chết). Quá trình bà N, ông K sống trên đất, có cải tạo đất, xây dựng công trình nhà cửa để ăn ở, thay đổi cây trồng. Song do là đất của bố mẹ để lại nên các con của cụ N, cụ L muốn hòa giải để lấy một phần diện tích xây nơi thời cúng cho gia đình nhưng ông K và bà N không đồng ý. Nay ông C khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản là đất do bố mẹ chết đi để lại. Ông C có quan điểm: Đề nghị Tòa án chia bằng hiện vật cho ông C, ông T, bà X, bà Chung và bà D được sử dụng chung diện tích 400m2 để xây nhà thờ cúng và giao cho ông C đại diện quản lý. Phần diện tích đất nào được chia cho ông C, ông T, bà X, bà Chung và bà D có tài sản vật kiến trúc cây cối hoa màu của ông K bà N thì các ông bà thanh toán trị giá tài sản đó. Ông C rút yêu cầu chia thừa kế đối với toàn bộ di sản là công trình, vật kiến trúc, cây cối trên đất do hiện nay các di sản này không còn. Các tài sản là công trình, vật kiến trúc, cây cối trên đất hiện nay đều là của vợ chồng ông K, bà N tạo dựng.

Lời khai trong quá trình xét xử, bị đơn Nguyễn Hữu K trình bày: Thống nhất về bố mẹ đẻ và các con do cụ N, cụ L sinh ra cũng như di sản bố mẹ để lại như ông C, ông T, bà X, bà Chung, bà D trình bày là đúng. Cụ N và cụ L không có con nuôi, con nhận; ông T chết khi còn trẻ, không có vợ con. Trước khi chết cụ N, cụ L đều không để lại di chúc. Ông K là con gần út và ông T (bị bệnh) sống trên thửa đất cùng bố mẹ; các anh chị em khác khi trưởng thành đều xây dựng gia đình, anh em trai đều được bố mẹ tạo lập cho chỗ ở riêng. Ông K ăn ở với bố mẹ trên thửa đất này từ nhỏ, khi kết hôn với bà N, ông K cùng bà N chung sống trên thửa đất này cùng cụ L. Khi cụ L còn sống, cụ có nói cho vợ chồng ông thửa đất và có trách nhiệm trông nom, chăm sóc ông T nhưng việc cho chỉ nói bằng miệng, không giấy tờ. Quá trình sống, ông bà có thực hiện cải tạo đất, xây dựng công trình nhà cửa để ăn ở, thay đổi cây trồng. Trường hợp các anh chị muốn chia một phần diện tích để xây nơi thời cúng thì ông đồng ý nhưng chia để bán thì ông không chấp nhận.

Người đại diện hợp pháp của ông T, bà X, bà C, bà D là anh L trình bày: Ông T, bà X, bà Chung và bà D có cùng chung quan điểm và nguyện vọng phân chia như quan điểm của ông C; đề nghị Tòa án xét.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Thống nhất với trình bày và quan điểm giải quyết vụ án do anh L đề xuất. Đề nghị Tòa án động viên hòa giải để các bên có phương án phân chia hợp lý.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà N, anh N, anh T trình bày: Thống nhất với quan điểm giải quyết và cách chia như ông K trình bày ở trên.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và về việc giải quyết vụ án như sau: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân theo đúng quy định của pháp luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án; Nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đã chấp hành đúng quy định của pháp luật; bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn chưa chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 khoản 2 Điều 147, các điều 244, 266, 273 và 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS); các điều 609, 610, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 của Bộ luật Dân sự (BLDS); Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; xử: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; ông C, ông T, bà X, bà Chung, bà D mỗi người được nhận di sản thừa kế của cụ N và cụ L là 80m2; giao tổng diện tích 400m2 cho ông C làm đại diện quản lý. Ông K được nhận phần di sản thừa kế của cụ N và cụ L diện tích 456,1m2; ưu tiên cho ông K được nhận di sản ở phần đất ông K đã xây dựng công trình. Trường hợp phần diện tích 400m2 chia cho ông C, ông T, bà X, bà Chung, bà D ở bên trong sẽ mở ngõ đi chung dọc theo lối ngõ xóm nhỏ. Phần diện tích nào được chia cho ông C, ông T, bà X, bà Chung, bà D có tài sản là vật kiến trúc, cây cối, hoa màu của ông K bà N thì ông C, ông T, bà X, bà Chung, bà D có trách nhiệm thanh toán giá trị tài sản đó. Đình chỉ yêu cầu ông C về yêu cầu chia thừa kế là các công trình, tài sản, cây cối, hoa màu trên đất. Mỗi đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị tài sản được chia, được hưởng trong khối di sản thừa kế; miễn án phí cho đương sự là người cao tuổi, có đơn xin miễn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy:

[1] Về thẩm quyền: Bị đơn cư trú tại huyện An Dương nên Tòa án nhân dân huyện An Dương thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS.

[2] Về tố tụng: Ông K, bà N, anh T, anh N, chị N đã được Tòa án triệu tập đến phiên tòa hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Căn cứ khoản 2 Điều 227 của BLTTDS Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[3] Về nguồn gốc thửa đất và hiện trạng: Việc các bên thừa nhận Thửa đất số 171 là của cụ N và cụ L nên thuộc trường hợp không phải chứng minh; căn cứ vào Điều 92 của BLTTDS Tòa án công nhận đó là sự thật.

[4] Về thời hiệu khởi kiện:

[4.1] Theo quy định tại Điều 623 của BLDS thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

[4.2] Thời điểm cụ N, cụ L chết: Cụ L chết năm 1993 nên đến nay còn thời hiệu khởi kiện; cụ N chết ngày10/12/1987, đến thời điểm nguyên đơn khởi kiện (năm 2020) đã quá 30 năm. Tại Mục I Giải đáp số 01 ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao quy định: Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: Thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Do vậy phần di sản của cụ N tính đến ngày Tòa án nhận đơn khởi kiện là ngày 02/7/2020 nên vẫn còn thời hiệu.

[5] Về diện được hưởng thừa kế và kỉ phần: Việc các bên thừa nhận về các con của cụ N, cụ L gồm có 07 người; thừa nhận sự kiện ông T chết không có vợ con nên thuộc trường hợp không phải chứng minh; căn cứ vào Điều 92 của BLTTDS Tòa án công nhận đó là sự thật. Không có tài liệu chứng minh người thuộc diện thừa kế không được hưởng di sản thừa kế cũng như phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản thừa kế. Do vậy di sản của cụ N, cụ L được chia cho các đồng thừa kế và xem xét đến quyền lợi, công sức của bà N.

[6] Về xác định quyền lợi và công sức của bà N trong khối di sản: Thửa đất có được giá trị như hiện nay, bà N đã mất nhiều công sức để san lấp, cải tạo. Việc xác định công sức cho bà N phải được tính ngang bằng 1 suất của người thuộc diện được hưởng thừa kế, phải được chia bằng hiện vật và chia đều cho ông C, ông T, ông K, bà X, bà C, bà D và bà N là phù hợp.

[7] Về nội D yêu cầu của nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn: Ông C, ông T, bà X, bà C, bà D đều có nguyện vọng được chia bằng hiện vật và sử dụng chung diện tích 400m2 để làm nhà thờ, giao cho ông C đại diện quản lý; phần diện tích chênh lệch còn lại đáng lẽ được chia, chia cho ông K sử dụng; không yêu cầu ông K thanh toán trị giá chênh lệch về tài sản; tự nguyên thanh toán giá trị về tài sản cho ông K, bà N trên phần diện tích đất được chia.

[7.1] Xét yêu cầu chia diện tích 400m2 và việc tự nguyện thanh toán giá trị: Yêu cầu chia này là tự nguyện, ít hơn quyền lợi thực tế được hưởng; song việc phân chia diện tích đất cụ thể (nhiều hoặc ít hơn 400m2) cho ông C, ông T, bà X, bà C, bà D cần phải căn cứ vào hình thể thửa đất để chia diện tích phù hợp. Việc tự nguyện thanh toán giá trị về tài sản trên đất cho ông K, bà N là góp một phần chia sẻ khó khăn, bảo đảm tốt hơn lợi ích cho ông K, bà N; thuận tiện trong thi hành án sau này. Ông K, bà N không từ chối nhận nên chấp nhận quan điểm phân chia và tự nguyện thanh toán trên.

[7.2] Xét vị trí phân chia: Ông C, ông T, bà X, bà C, bà D có nguyện vọng chia để xây nơi thời cúng nên chia cho phần diện tích nằm bên trong phía sau nhà chính cấp bốn của ông K bà N đang ở, dành 1 phần diện tích mở lối đi giáp ngõ đi chung cho các đồng thừa kế ở phía ngõ xóm (phía Đông) có chiều rộng 01m, chiều sâu hết thửa đất bằng 28,6m2; diện tích đất còn lại là 827,5m2 chia cho các đồng thừa kế và bà N mỗi người được hưởng 118,21m2.

[7.3] Diện tích chia cho ông C, ông T, bà X, bà C, bà D: Xét hiện trạng thì chia cho các ông bà diện tích 365,5m2 (mỗi người hưởng 73,1m2) có tứ cận phía Bắc giáp hộ ông T, ông X; phía Nam giáp phần đất chia cho ông K, ông T; phía Đông giáp ngõ đi chung mới tạo lập, phía Tây giáp hộ ông T là phù hợp; trên đất được phân chia có các tài sản gồm nhà ở cấp 4 (trị giá 22.455.040 đồng), nhà vệ sinh (trị giá 1.548.000 đồng), chuồng trại (trị giá 1.140.000 đồng), bếp (trị giá 864.000 đồng), lán tôn (trị giá 4.212.000 đồng), tường bao 179,3m2 x 72.000 đồng/m2 (trị giá 12.909.600 đồng), cây cối gồm 21 khóm chuối (trị giá 4.200.000 đồng), 02 cây vối (trị giá 1.000.000 đồng), 01 cây bưởi (trị giá 780.000 đồng), 07 cây xoài (trị giá 4.900.000 đồng), 02 cây roi (trị giá 1.640.000 đồng), 03 cây nhãn (trị giá 3.750.000 đồng), 01 cây vú sữa (trị giá 750.000 đồng), 14 cây cau có quả (trị giá 12.600.000 đồng), 13 khóm riềng (trị giá 110.500 đồng).

[7.4] Việc giao tài sản và trách nhiệm thanh toán trị giá tài sản trên đất cho ông K, bà N: Việc các bên thỏa thuận giao cho ông Nguyễn Hữu C làm đại diện quản lý di sản được phân chia và tài sản có trên di sản như đã liệt kê ở trên là tự nguyện, phù hợp với quyền tự định đoạt của đương sự nên chấp nhận. Trường hợp ông C, ông T, bà X, bà Chung, bà D không thống nhất tự phân chia được thì có quyền yêu cầu Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Về thanh toán, theo kết quả định giá tài sản tổng giá trị tài sản của ông K, bà N nằm trên đất chia cho ông C, ông T, bà X, bà Chung, bà D là 72.859.140 đồng nên mỗi người có trách nhiệm thanh toán cho ông K, bà N số tiền 14.571.800 đồng.

[7.5] Đối với phần diện tích chênh lệch 225,55m2 (591,05m2 - 365,5m2) ông C, ông T, bà X, bà C, bà D có nguyện vọng cho ông K là tự nguyện, bù đắp thiệt thòi và công sức cho ông K nên chấp nhận.

[8] Về xác định vị trí và loại đất:

[8.1] Do thửa đất có 200m2 là đất thổ cư, diện tích còn lại là đất vườn tạp. Hai lần được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp mới và cấp đổi), Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không xác định vị trí cụ thể từng loại đất. Kết quả định giá có 2 mức giá khác nhau nên cần xác định để các bên có căn cứ thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và giải quyết nghĩa vụ về án phí trong vụ án.

[8.2] Kết quả xác minh tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, xác định được diện tích đất thổ cư là diện tích có nhà ở và công trình xây dựng, phần còn lại là đất vườn tạp. Vậy xác định phần diện tích tính cho công sức của bà N nằm ở phần đất vườn tạp; xác định trong diện tích đất đất thổ cư 200m2 có 11,4m2 dành làm lối đi chung, còn lại là của ông K được chia (118,21m2) và được các anh chị cho 70,39m2 (mi người cho 14,078m2).

[8.3] Do ông K, bà N không đồng ý chia thừa kế, không có yêu cầu xác định phần riêng từng người nên giao cho ông K, bà N quản lý sử dụng chung diện tích đất 462m2 và tài sản trên đất. Trường hợp không thống nhất tự phân chia được thì ông K, bà N có quyền yêu cầu Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

[9] Về việc rút yêu cầu chia thừa kế đối với toàn bộ di sản là công trình, vật kiến trúc, cây cối trên đất của ông C. Đây là trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, việc rút yêu cầu là tự nguyện phù hợp với quy định tại Điều 219, Điều 244 của BLTTDS nên chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu này.

[10] Về án phí: Theo kết quả định giá tài sản, đất ở (đất thổ cư) giá 6.250.000 đồng/m2; đất vườn tạp giá 4.830.000 đồng/m2. Ông Nguyễn Hữu C, Nguyễn Tiến T và bà Nguyễn Thị X có đơn xin miễn án phí do là người cao tuổi nên thuộc trường hợp được miễn án phí quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLTTDS và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bà C, bà D mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá nghạch tính trên kỷ phần và loại đất được chia là 28.518.400 đồng. Ông K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá nghạch tính trên kỷ phần được chia với mức thu là 33.552.500 đồng. Bà C, bà D, ông K mỗi người phải chịu 4.473.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá nghạch theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà bà N được hưởng (118,21m2 x 4.830.000 đồng/m2 = 570.954.000 đồng x 5% = 26.838.160 : 6). Bà Nguyễn Thị C và bà Nguyễn Thị D mỗi người phải chịu 729.000 đồng tính trên số tiền phải thanh toán cho ông Nguyễn Hữu K và bà Phạm Thị N theo quy định tại khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các điều 92, 147, 219, 244 và khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 610, 623, 649, 650, 651 và 660 của Bộ luật Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Hữu C đối với khối di sản của cụ Nguyễn Hữu N và cụ Lê Thị L. Xác định khối di sản của cụ Nguyễn Hữu N và cụ Lê Thị L để lại là diện tích đất 856,1m2 tại thửa đất số 171, tờ bản đồ số 10 thuộc Thôn Do Nha, xã T, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Diện tích đất thổ cư 200m2 nằm ở các mốc giới a,b,c,7,d,e,15,a trên sơ đồ.

2. Tạo lập lối ngõ đi chung chiều rộng 01m, kéo dọc theo chiều sâu của đường xóm có diện tích 28,6m2 có các mốc giới b,c,7,8,f,d,b trên sơ đồ). Diện tích còn lại là 827,5m2 chia cụ thể như sau:

2.1. Chia cho ông Nguyễn Hữu C, Nguyễn Tiến T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị C và bà Nguyễn Thị D được quản lý, sử dụng chung đất diện tích đất 365,5m2 (có tứ cận: Phía Bắc giáp hộ ông Tài, ông X; phía Nam giáp phần đất chia cho ông K, hộ ông T, hộ ông T; phía Đông giáp ngõ đi chung mới tạo lập, phía Tây giáp hộ ông T) và các tài sản gắn liền trên đất gồm nhà ở cấp 4, nhà vệ sinh, chuồng trại, bếp, lán tôn, tường bao 179,3m2; cây cối gồm 21 khóm chuối, 02 cây vối, 01 cây bưởi, 07 cây xoài, 02 cây roi, 03 cây nhãn, 01 cây vú sữa, 14 cây cau có quả, 13 khóm riềng. Giao cho ông Nguyễn Hữu C làm đại diện quản lý toàn bộ tài sản này (có các mốc giới 1,2,3,4,5,c,b,a,15,16,17,1 trên sơ đồ).

2.2. Chia, giao cho ông Nguyễn Hữu K và bà Phạm Thị N quản lý, sử dụng chung đất và các tài sản gắn liền trên diện tích đất 462m2 có tứ cận: Phía Bắc giáp đất chia cho ông C đại diện quản lý; phía Nam giáp đường thôn và mương nước; phía Đông giáp ngõ đi chung mới tạo lập; phía Tây giáp hộ ông Truân (có các mốc giới a,b,d,f,9,10,11,12,13,14,e,15,a trên sơ đồ).

(Có sơ đồ phân chia đất kèm theo bản án).

Các bên có trách nhiệm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2.3. Ông Nguyễn Hữu C, Nguyễn Tiến T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị C và bà Nguyễn Thị D mỗi người thanh toán giá trị về tài sản cho ông Nguyễn Hữu K và bà Phạm Thị N số tiền 14.571.800 đồng.

3. Đình chỉ xét xử yêu cầu chia thừa kế đối với đối với toàn bộ di sản là công trình, vật kiến trúc, cây cối trên đất do ông Nguyễn Hữu C đã rút.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm có giá nghạch: Miễn án phí cho ông Nguyễn Hữu C, Nguyễn Tiến T và bà Nguyễn Thị X. Ông Nguyễn Hữu K phải phải chịu 33.552.500 đồng tính trên kỷ phần được chia và 4.473.000 đồng tương ứng với giá trị phần tài sản mà bà N được hưởng; tổng số tiền ông Nguyễn Hữu K phải chịu là 38.026.000 đồng. Bà Nguyễn Thị C và bà Nguyễn Thị D mỗi người phải chịu 28.518.400 đồng tính trên kỷ phần được chia, 4.473.000 đồng tương ứng với giá trị phần tài sản mà bà N được hưởng và 729.000 đồng tính trên số tiền phải thanh toán cho ông Nguyễn Hữu K và bà Phạm Thị N; Bà Nguyễn Thị C và bà Nguyễn Thị D mỗi người phải chịu tổng số tiền là 33.720.400 đồng.

Về lãi suất chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Đương sự vắng mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án: Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

317
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2021/DS-ST ngày 07/09/2021 về tranh chấp chia di sản thừa kế

Số hiệu:18/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện An Dương - Hải Phòng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về