Bản án 18/2020/HNGĐ-PT ngày 28/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 18/2020/HNGĐ-PT NGÀY 28/08/2020 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 28 tháng 8 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 18/2020/TLPT-HNGĐ ngày 27 tháng 4 năm 2020 về việc “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 19/2020/HNGĐ-ST ngày 23/3/2020 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 76/2020/QĐPT-HNGĐ ngày 05 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị Kim H, sinh năm 1985; Địa chỉ: thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:

Ông Trần Vũ Thanh T, ông Trịnh Hữu B - Luật sư, Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ. Có mặt.

Ông Lê Tuấn Kh - Luật sư, Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ. Vắng mặt.

Ông Nguyễn Thành C – Luật sư, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.

2. Bị đơn: Ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L, sinh năm 1987; Địa chỉ: quận Ninh K, thành phố Cần Thơ. Có mặt.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Bùi Quang M và ông Phan Đình H - Luật sư, Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ. Có mặt.

3. Người kháng cáo: bị đơn Ngô Nguyễn Phúc Bửu L Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện nguyên đơn bà Đỗ Thị Kim H trình bày và yêu cầu:

Bà và ông L đã ly hôn theo bản án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 08/2018/HN-PT ngày 16/3/2018 đã Quyết định:

Về quan hệ hôn nhân: cho bà Đỗ Thị Kim H được ly hôn với ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L.

Về con chung: Ghi nhận sự tự nguyện của bà Đỗ Thị Kim H đồng ý giao cháu Ngô Bửu L, sinh ngày 20/9/2015 cho ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L tiếp tục nuôi dưỡng. Bà H không phải cấp dưỡng nuôi con.

Ông L cùng các thành viên gia đình không được cản trở bà H trong việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung.

Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực một thời gian thì việc bà thăm con, đưa con đi chơi cũng như yêu cầu nói chuyện với con qua điện thoại để mẹ con có sự gần gũi, gắn bó thì không được ông L cũng như gia đình tạo điều kiện, cũng như xây dựng cho cháu L hình ảnh không tốt về mẹ cháu. Nếu sự việc tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến bà và con.

Do ông L hạn chế quyền thăm con và hiện nay cháu L còn nhỏ, đang ở độ tuổi định hình nhân cách sống nên rất cần sự chăm sóc và dạy dỗ bao dung của người mẹ, bà có đủ điều kiện để chăm sóc con, giáo dục con chung tốt hơn ông L nên bà yêu cầu được nuôi con chung.

- Theo các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện bị đơn ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L trình bày:

Ông là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu L từ nhỏ, cũng như được tiếp tục nuôi con theo bản án của tòa án khi vợ chồng ly hôn. Ông cũng có đầy đủ điều kiện nuôi cháu L đảm bảo một cách tốt nhất, cháu L khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Ông cùng gia đình đã tạo điều kiện tốt nhất để bà H đến thăm và chăm sóc cháu L theo luật định. Do đó, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Vụ việc được hòa giải nhưng không thành nên đưa ra xét xử. Tại bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 19/2020/HNGĐ-ST ngày 23/3/2020 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đỗ Thị Kim H về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung tên Ngô Bửu L, sinh ngày 20/9/2015 từ ông Ngô Nguyễn Phúc B sang bà Đỗ Thị Kim H là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con chung. Bà H không yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con chung nên không đặt ra xem xét, giải quyết.

Ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L có trách nhiệm giao con chung tên Ngô Bửu L cho bà Đỗ Thị Kim H ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 01/4/2020 bị đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 03/4/2020, Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều kháng nghị theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa hôm nay:

- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện. Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

- Các người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn ông L lần lượt trình bày:

+ Luật sư M: Cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử vào ngày 20/3/2020 là vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự. Bởi vì, đây là phiên xử phải tính lần đầu, luật sư H vắng mặt và bị đơn có đơn xin hoãn, việc vắng mặt này là do sự kiện bất khả kháng; ngoài ra, cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào chứng cứ do nguyên đơn cung cấp để quyết định việc thay đổi nuôi con; trong khi ông L cũng có đầy đủ điều kiện nuôi con, ông L cũng tạo điều kiện để nguyên đơn thăm nom con. Nên đề nghị hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về sơ thẩm giải quyết lại.

+ Luật sư H: Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, bị đơn có nhiều đơn khiếu nại dẫn đến thay đổi thẩm phán; Bản án sơ thẩm nhận định không phù hợp với diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm theo như kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều; cấp sơ thẩm xét xử ngày 20/3/2020 là vi phạm tố tụng, mất quyền tham gia phiên tòa, quyền trình bày tranh luận tại phiên tòa của bị đơn, quyền nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn. Đề nghị, Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm.

- Bị đơn ông L trình bày: Ông nuôi con từ nhỏ cho đến nay, có đủ điều kiện nuôi con; phiên xử ngày 20/3/2020 do tình hình dịch bệnh và luật sự bảo về cho ông vắng nên ông xin hoãn phiên tòa, việc xin hoãn là phù hợp. Ông thống nhất ý kiến của luật sư.

- Các Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn lần lượt trình bày:

+ Luật sư C: Cấp sơ thẩm đã 3 lần đưa ra xét xử nhưng luật sư bảo vệ cho ông L và ông L nhiều lần vắng mặt. Theo chỉ thị số 02/2020/CT-CA ngày 11/3/2020 có nêu “nếu vụ án đã gần hết hạn chuẩn bị xét xử thì xét xử”. Luật sư tham gia phiên tòa phải có đơn xin hoãn, và chỉ được hoãn một lần, không ai được quyền thay mặt luật sư xin hoãn. Cấp sơ thẩm xét xử là đúng quy định pháp luật.

Bà Kim H có đầy đủ khả năng nuôi con tốt nhất, bên ông L nuôi con cũng tốt nhưng nếu thay đổi sang bà H thì tốt hơn, vì tình thương của người mẹ bao la, tốt hơn. Bản án sơ thẩm nhận định là khách quan, có đủ cơ sở pháp lý nên đề nghị khong chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

+ Luật sư B: Vụ án đã được cấp sơ thẩm đưa ra xét xử 05 lần, trong đó ông L có nhiều lần xin hoãn phiên tòa, nhiều lần vắng mặt; luật sự bảo vệ cho đương sự cũng nhiều lần vắng mặt nên cấp sơ thẩm xét xử là đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa hôm nay, ông L không chứng minh được thu nhập và điều kiện nuôi con; bà H chứng minh được có nhiều tài sản, thu nhập cao để nuôi con tốt nhất; ông L ngăn cản bà Huê nuôi con nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

+ Luật sư T: vụ án thụ lý ngày 22/8/2019 nhưng đến ngày 20/3/2020 mới mở được phiên tòa xét xử, đã mở phiên tòa xét xử nhiều lần, bị đơn vắng mặt nên mở phiên tòa ngày 20/3/2020 là hợp lệ.

Việc nuôi con phải đảm bảo ai là người nuôi con tốt nhất, bà Huê có tài sản, có thu nhập cao, toàn tâm, toàn ý chăm sóc cho con. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát.

- Bà H trình bày: vì tình thương mẫu tử, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát.

- Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến tại phiên tòa:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký và các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Ông Lộc nộp đơn kháng cáo và nộp tạm ứng án phí trong thời gian luật định nên xem xét hợp lệ về mặt hình thức.

Về nội dung vụ án và kháng cáo, kháng nghị: cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là vi phạm quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, do luật sư vắng mặt có lý do và do tình hình dịch Covid19 diễn biến phức tạp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Các đương sự không có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con; bà H không chứng minh được việc ông L không còn đủ điều kiện nuôi con, không chứng minh được nếu thay đổi cho bà nuôi con thì sẽ tốt hơn. Trong khi ông L nuôi cháu L từ nhỏ cho đến nay, cháu phát triển bình thường về thể chất lẫn tinh thần, cháu L có cuộc sống ổn định, ông L có đủ điều kiện nuôi con. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu thay đổi người nuôi con.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: bị đơn kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều kháng nghị trong thời hạn luật định nên được xem xét và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Lê Tuấn Kh vắng mặt, bà H đề nghị xét xử vắng mặt luật sư Kh nên Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử.

Tại cấp sơ thẩm, Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử 05 lần, 03 lần hoãn, 01 lần không mở phiên tòa, cụ thể:

Theo Quyết định hoãn phiên tòa ngày 18/11/2019, lý do hoãn là bị đơn có đơn hoãn để thu thập chứng cứ, nguyên đơn có đơn xin hoãn để thu thập chứng cứ.

Quyết định hoãn phiên tòa ngày 16/12/2019, lý do hoãn là bị đơn có đơn xin hoãn, luật sư bị đơn vắng, chờ kết quả trả lời của Chánh án về thay đổi thẩm phán (do trước khi mở phiên tòa, ông L có đơn xin thay đổi thẩm phán).

Sau khi tiến hành thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự, ngày 31/12/2019, Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều mở lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

Quyết định hoãn phiên tòa ngày 17/01/2020, có mặt đầy đủ các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, lý do hoãn: chờ kết quả trả lời thay đổi thẩm phán.

Phiên tòa ngày 20/02/2020 không mở (do ngày 14/3/2019 có thông báo thay đổi thẩm phán).

Như vậy, việc hoãn các phiên tòa thuộc trường hợp hoãn phiên tòa do Tòa án nên tại phiên tòa được mở lại (phiên tòa ngày 20/3/2020) đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất (Án lệ số 12/2017/AL xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa) Cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn đề nghị hoãn phiên tòa ngày 20/3/2020 của Văn phòng luật sư Lâm Sơn (do Luật sư Phan Đình H là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn L) và của bị đơn L, mà vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn, bởi lẽ: Ngày 06/3/2020 tại Văn phòng luật sư Lâm Sơn, Tòa án đã tiến hành tổng đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử lúc 14 giờ ngày 20/3/2020. Sau khi nhận quyết định cùng ngày 06/3/2020, Trưởng văn phòng luật sư Lâm Sơn có đơn đề nghị hoãn phiên tòa ngày 20/3/2020 với lý do: “Luật sư H đã xuất cảnh ra nước ngoài từ chiều ngày 02/3/2020, dự kiến ngày 22/3/2020 mới trở lại Việt Nam và xin dời lại ngày khác vào cuối tháng 3/2020”. Lẽ ra, sau khi nhận được phản hồi từ phía Luật sư Lâm Sơn, cấp sơ thẩm phải tiến hành thủ tục tống đạt lại cho Luật sư H hoặc xác minh thông tin cung cấp, nhưng không thực hiện, mà cho rằng đơn xin hoãn của Văn phòng luật sư Lâm Sơn không hợp lệ, chứng tỏ mâu thuẫn với việc cấp tống đạt, việc tống đạt chưa hợp lệ.

Đối với đơn xin hoãn của ông L với 02 lý do: Do luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông L đi nước ngoài, thứ 2 do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp và theo Chỉ thị số 02/2020/CT-CA ngày 10/3/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về phòng chống dịch Covid 19; đây là lý do xin hoãn chính đáng do trở ngại khách quan.

[2] Về nội dung:

Tại Bản án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 08/2018/HN-PT ngày 16/3/2018 đã Quyết định:

Về quan hệ hôn nhân: cho bà Đỗ Thị Kim H được ly hôn với ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L.

Về con chung: Ghi nhận sự tự nguyện của bà Đỗ Thị Kim H đồng ý giao cháu Ngô Bửu L, sinh ngày 20/9/2015 cho ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L tiếp tục nuôi dưỡng. Bà H không phải cấp dưỡng nuôi con.

Ông L cùng các thành viên gia đình không được cản trở bà H trong việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung.

Theo thừa nhận của các đương sự thì từ khi ly hôn cho đến nay, ông L là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung.

Ngày 16/7/2019, bà H làm đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp muôi con, vì cho rằng: ông L và gia đình ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giáo dục con chung, tiêm nhiễm vào đầu óc cháu L về việc cháu có người mẹ rất hung dữ xấu xa, cháu L đang còn nhỏ, đang ở lứa tuổi định hình nhân cách sống, do vậy rất cần sự chăm sóc và sự dạy dỗ bao dung của người mẹ, đồng thời bà có đầy đủ điều kiện nuôi con về vật chất và lòng yêu thương của người mẹ.

Hội đồng xét xử thấy rằng:

Tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.”.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và thừa nhận của các đương sự thì ông L và bà H không có sự thỏa thuận về sự thay đổi người trực tiếp nuôi con. Cháu L chưa đủ 7 tuổi nên không cần thiết xem xét nguyện vọng của cháu L.

Xét về điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung:

Ông L là người trực tiếp nuôi con từ nhỏ và từ khi ly hôn, lúc ly hôn cháu L chỉ 30 tháng tuổi, đến nay đã gần tròn 5 tuổi.

Bà H cho rằng, ông L và gia đình ngăn cản bả trong việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung, bà có đầy đủ điều kiện về kinh tế nuôi con một cách tốt nhất, đồng thời nuôi con cần có sự dạy dỗ, bao dung của người mẹ nên yêu cầu thay đồi người trực tiếp nuôi con.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự thì “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp. Theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em cung cấp cho Thẩm phán thông tin về điều kiện, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ chồng, con của người có yêu cầu ly hôn”.

Cấp sơ thẩm cho rằng, bà H chứng minh được việc bà H có đủ điều kiện nuôi con về kinh tế, về tinh thần, như: cung cấp chứng cứ có chỗ ở ổn định, có thu nhập cao, có tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ…; còn ông L không cung cấp được chứng cứ chứng minh có tài sản, thu nhập cố định trên giấy tờ chỉ 9.000.000 đồng/tháng, ông L nuôi con hay bị bệnh…. Tuy nhiên, theo ông L, ông cũng có đầy đủ điều kiện nuôi con, cháu L phát triển bình thường, chăm ngoan, khỏe mạnh, trong môi trường gia đình có cuộc sống lành mạnh, láng giềng yêu quý, hiện nay phát triển tốt về thể chất và tinh thần, cháu được đến lớp, đến trường, không bị bỏ đói, thiếu mặc, không bị đánh đập, ngược đãi, … Nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ, cũng không yêu cầu bà H chứng minh ông L không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, cũng như không xác minh điều kiện hoàn cảnh gia đình, việc nuôi con chăm sóc giáo dục con của ông L tại địa phương, là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.

Việc ông L, bà H ly hôn cũng ảnh hưởng nhiều sự thiếu thốn tình cảm của con cái với cha, mẹ; tình yêu thương của cha mẹ với con cái không được trọn vẹn.

Đối với việc bà H cung cấp chứng cứ về việc ngăn cản khi đến thăm con:

Vi bằng số 305/2019VB-TPL ngày 21/6/2019, số 385/2019/VBB-TPL ngày 14/7/2019 và số 620/2019/VB-TPL ngày 10/11/2019. Xét thấy, nội dung các vi bằng chỉ thể hiện việc bà H đến nhà ông L để thăm con, đưa con đi chơi nhưng bị ông L đưa ra các lý do từ chối, nhưng vi bằng chỉ thông qua lời của bà H để thừa phát lại ghi nhận, chứ thừa phát lại không trực tiếp chứng kiến cuộc trao đổi giữa ông L và bà H. Trong khi ông L không thừa nhận, do vậy cũng cần thu thập thông tin tại địa phương xem ông L có hành vi cản trở, ngăn cản bà H thực hiện quyền thăm nom hay không, do đây là hành vi bạo lực gia đình, để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Từ những vi phạm tố tụng nêu trên, cần phải hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự theo như đề nghị của Luật sư Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

Trong vụ án này cũng cần nhắc cho các đương sự biết, để đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của cháu L, cũng như đảm bảo quyền của người trực tiếp nuôi con, người không trực tiếp nuôi con, ông L và bà H cần thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con sau ly hôn và nghĩa vụ, quyền của người trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 82, 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

[3] Về án phí:

Về án phí sơ thẩm: Do án sơ thẩm bị hủy nên nghĩa vụ nộp án phí được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại.

Về án phí phúc thẩm: Ông L không phải nộp án phí phúc thẩm nên được nhận lại tạm ứng án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Ngô Nguyễn Phúc Bửu L; chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân quân Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Tuyên xử:

1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2019/HNGĐ-ST ngày 23/3/2020 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị Kim H, sinh năm 1985; Địa chỉ: thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bị đơn: Ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu L, sinh năm 1987; Địa chỉ: quận N, thành phố Cần Thơ.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ để giải quyết lại vụ án.

2. Về án phí phúc thẩm: Ông L không phải chịu nên được nhận lại 300.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 002411 ngày 08/4/2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Ninh Kiều.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

618
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2020/HNGĐ-PT ngày 28/08/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:18/2020/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:28/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về