TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HOẰNG HÓA, TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 18/2019/HS-ST NGÀY 20/03/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Ngày 20 tháng 3 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 13/2019/TLST-HS ngày 19 tháng 02 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 26/2019/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 3 năm 2019 đối với:
Bị cáo Nguyễn Văn M; sinh ngày 22 tháng 6 năm 1989 tại Nghệ An; Nơi cư trú: xóm 1, xã H, huyện Q, tỉnh Nghệ An; Nghề nghiệp: Lái xe; Trình độ văn hóa: 09/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn X và bà Đàm Thị L; Có vợ: Phạm Thị Ngọc H và 02 con; Tiền sự, tiền án: Không; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 13/6/2018. Có mặt.
Người liên quan: Anh Nguyễn Tiến D, sinh năm 1986. Có mặt. Địa chỉ: xóm 1, xã H, huyện Q, tỉnh Nghệ An;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Hồi 17h25’ ngày 13/06/2018 Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc xe ôtô tải biển kiểm soát 36C-117.26 đi hướng Thanh Hóa - Hà Nội đang vận chuyển động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đội Kiểm lâm số 1 đã phối hợp với Công an huyện Hoằng Hóa tiến hành xác minh và phát hiện bắt Nguyễn Văn M điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 36C-117.26 đang vận chuyển 74 con tê tê đựng trong các túi cước màu xanh trên thùng xe ôtô tại khu vực Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã M, huyện H, tỉnh Thanh Hóa.
Vật chứng thu giữ gồm: 74 con tê tê, có tổng khối lượng 339 kg, 01 điện thoại di động hiệu Nokia màu đen, 01 điện thoại di động hiệu Iphone 6 màu trắng vàng đã qua sử dụng, tạm giữ 01 ôtô biển kiểm soát 36C-117.26.
Thực hiện Quyết định trưng cầu giám định số 124/CSĐT ngày 14/06/2018 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoằng Hóa. Bản kết luận giám định động vật số 495/STTNSV ngày 19/6/2018 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận:
- 73 cá thể động vật là loài Tê tê java có tên khoa học là Manis javanica thuộc lớp Thú - Mammalia, Bộ Tê tê - Pholidota, họ Tê tê - Manidae.
- 01 cá thể động vật là loài Tê tê vàng có tên khoa học Manis pentadactyla thuộc lớp Thú - Mammalia, Bộ Tê tê - Pholidota, họ Tê tê Manidae.
- Loài Tê tê java Manis javanica và loài Tê tê vàng Manis pentadactyla thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ).
- Loài Tê tê java Manis javanica và loài Tê tê vàng Manis pentadactyla thuộc Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Quá trình điều tra bị cáo khai nhận: Ngày 13/6/2018 Nguyễn Văn M lái xe ôtô biển kiểm soát 36C-117.26 của anh Nguyễn Tiến D ở xã H, huyện Q, tỉnh Nghệ An (là anh trai của M) từ Nghệ An ra tỉnh Bắc Ninh để vận chuyển đồ gỗ. Khi đi đến khu vực Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã X, huyện Q, tỉnh Nghệ An thì gặp 01 người phụ nữ không rõ tên tuổi, địa chỉ, thuê M vận chuyển động vật rừng đến khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình với giá cước vận chuyển là 2.500.000 đồng và thỏa thuận khi nào đến nơi giao hàng M sẽ nhận tiền cước do người nhận hàng trả, M đồng ý cho đưa số tê tê lên thùng xe chở đi theo Quốc lộ 1A hướng Nghệ An - Hà Nội, đến 17h25’ cùng ngày khi M điều khiển xe vận chuyển tê tê đến khu vực xã M, huyện H, tỉnh Thanh Hóa thì bị phát hiện bắt giữ.
Về vật chứng: Số 74 con tê tê có tổng khối lượng 339 kg cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoằng Hóa đã Quyết định xử lý vật chứng chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiếc xe ôtô tải biển kiểm soát 36C-117.26 nhãn hiệu Thaco, Nguyễn Văn M sử dụng làm phương tiện vận chuyển 74 cá thể tê tê, là của anh Nguyễn Tiến D ở xã H, huyện Q, tỉnh Nghệ An. Do anh D không biết việc M sử dụng để phạm tội, nên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoằng Hóa đã Quyết định xử lý vật chứng, trả lại cho chủ sở hữu. 01 điện thoại Nokia màu đen và 01 điện thoại Iphone 6 màu trắng đã qua sử dụng được chuyển đến cơ quan Thi hành án dân sự huyện Hoằng Hóa.
Bản cáo trạng số 18/CTr-VKSHH ngày 14 tháng 02 năm 2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn M về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm a khoản 3 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận:
Bị cáo thừa nhận ngày 13/6/2018 Nguyễn Văn M điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 36C-117.26 đi từ huyện Q, tỉnh Nghệ An ra tỉnh Bắc Ninh để vận chuyển đồ gỗ cho anh trai. Khi đi đến khu vực Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã X, huyện Q thì gặp một người phụ nữ thuê M vận chuyển 74 cá thể tê tê đến khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Ninh Bình sẽ có người nhận hàng và thanh toán tiền cước, đến 17h25’ cùng ngày khi M đến khu vực xã M, huyện H, tỉnh Thanh Hóa thì bị phát hiện bắt giữ cùng với vật chứng nêu trên. 74 cá thể tê tê là thuộc danh mục loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Do đó giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo về tội danh nêu trên và sau khi đánh giá tính chất vụ án, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 3 Điều 244, điểm s, t khoản 1, 2 Điều 51, Điều 38, Điều 54 của Bộ luật Hình sự và mức hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn M từ 07 năm tù đến 08 năm tù và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội đúng như Cáo trạng đã truy tố, đồng ý với luận tội của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho được hưởng mức hình phạt nhẹ nhất để được sớm trở về gia đình vì hiện nay gia đình bị cáo rất khó khăn, vợ bị cáo đã bỏ đi, bị cáo đang phải nuôi hai con nhỏ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Hoằng Hóa, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoằng Hóa, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Vào khoảng 17h25’ ngày 13/06/2018 Đội Kiểm lâm cơ động số 1 tỉnh Thanh Hóa và Công an huyện Hoằng Hóa đã bắt giữ xe ôtô biển kiểm soát 36C-117.26 do Nguyễn Văn M điều khiển vận chuyển 74 cá thể tê tê, có tổng khối lượng 339 kg tại khu vực Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã M, huyện H, tỉnh Thanh Hóa.
Bản kết luận giám định động vật số 495/STTNSV ngày 19/6/2018 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận: 73 cá thể động vật là loài Tê tê java có tên khoa học là Manis javanica thuộc lớp Thú - Mammalia, Bộ Tê tê - Pholidota, họ Tê tê - Manidae; 01 cá thể động vật là loài Tê tê vàng có tên khoa học Manis pentadactyla thuộc lớp Thú - Mammalia, Bộ Tê tê - Pholidota, họ Tê tê Manidae.
Loài Tê tê java Manis javanica và loài Tê tê vàng Manis pentadactyla thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Loài Tê tê java Manis javanica và loài Tê tê vàng Manis pentadactyla thuộc Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Hành vi vận chuyển trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp của bị cáo Nguyễn Văn M đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
[3] Xét tính chất của vụ án thì thấy: Loài Tê tê java Manis javanica và loài Tê tê vàng Manis pentadactyla thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, thuộc Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hành vi của bị cáo Nguyễn Văn M đã xâm phạm trực tiếp đến chế độ quản lý của nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, xâm phạm nghiêm trọng đến sự bền vững và ổn định của môi trường sinh thái, xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sinh thái, đời sống xã hội. Do đó cần phải xử lý nghiêm, có hình phạt phù hợp nhằm giáo dục bị cáo, giáo dục chung cho xã hội và cần thiết cách ly khỏi xã hội mới đủ điều kiện cải tạo giáo dục bị cáo.
[4] Xét về tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải và trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo đã cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng đã bắt giữ, xử lý một xe ôtô vận chuyển động vật hoang dã quý, hiếm như vậy bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm, bị cáo hiện nay gia đình khó khăn, ông nội bị cáo là Liệt sỹ. Do đó áp dụng các quy định của khoản 1, 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự để lượng giảm cho bị cáo một phần hình phạt thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta.
Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự nên có thể áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng theo Điều 54 của Bộ luật Hình sự.
[5] Về hình phạt bổ sung: Bị cáo vận chuyển chưa được hưởng lợi, gia đình khó khăn kinh tế nên không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền.
[6] Về vật chứng: Số 74 cá thể tê tê cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoằng Hóa đã Quyết định xử lý vật chứng giao cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiếc xe ôtô tải biển kiểm soát 36C-117.26 Nguyễn Văn M sử dụng làm phương tiện vận chuyển 74 cá thể tê tê, xác định chủ sở hữu là của anh Nguyễn Tiến D. Do anh D không biết việc M sử dụng để phạm tội, nên Công an huyện Hoằng Hóa đã Quyết định trả lại cho chủ sở hữu là phù hợp với quy định của pháp luật.
- 01 điện thoại Nokia màu đen và 01 điện thoại Iphone 6 thu giữ của bị cáo, bị cáo sử dụng làm phương tiện liên lạc khi phạm tội tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.
[7] Về án phí: Bị cáo là người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 244, điểm s, t khoản 1, 2 Điều 51, Điều 38, Điều 54, khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự.
Điểm a khoản 2 Điều 106, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Khoản 1 Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn M phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn M 07 (Bảy) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù kể từ ngày 13/6/2018.
Vật chứng: Tịch thu 01 điện thoại Nokia màu đen và 01 điện thoại Iphone 6 sung vào ngân sách nhà nước (Theo biên bản giao nhận vật chứng số 30/BBGN ngày 19/02/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoằng Hóa).
Về án phí: Buộc bị cáo Nguyễn Văn M chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thi người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7, và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Bản án 18/2019/HS-ST ngày 20/03/2019 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Số hiệu: | 18/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Hoằng Hóa - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về