Bản án 18/2019/HNGĐ-PT ngày 09/05/2019 về xin ly hôn, nuôi con chung và chia tài sản chung khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 18/2019/HNGĐ-PT NGÀY 09/05/2019 VỀ XIN LY HÔN, NUÔI CON CHUNG VÀ CHIA TÀI SẢN CHUNG KHI LY HÔN

Trong ngày 09 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 10/2019/TLPT-HNGĐ ngày 31 tháng 01 năm 2019 về việc “Xin ly hôn, nuôi con chung và chia tài sản chung khi ly hôn”.

Do bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số: 161/2018/HNGĐ-ST ngày 25/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện U bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 12/2019/QĐ-PT ngày 29 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Lê Vũ K, sinh năm 1987 (có mặt).

Địa chỉ: Ấp 3, xã K, huyện T, tỉnh Cà Mau.

- Bị đơn:Chị Nguyễn Tú Q,sinh năm 1990 (có mặt).

Địa chỉ: Ấp 12, xã Khánh L, huyện U, tỉnh Cà Mau.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Lê Anh Đ, sinh năm 1958

+ Bà Nguyễn Tuyết S, sinh năm 1959 (có mặt).

Cùng địa chỉ: Ấp 10A, xã Trần H, huyện T, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của ông Đ là bà S (văn bản ủy quyền ngày 18/4/2019).

+ Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1966 (vắng mặt).

+ Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1966 (có mặt).

Cùng địa chỉ: Ấp 12, xã Khánh L, huyện U, tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Chị Nguyễn Tú Q – Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo nguyên đơn là anh Lê Vũ K trình bày:

Về hôn nhân: Vào ngày 09/02/2009 anh kết hôn với Nguyễn Tú Q, đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Khánh L, huyện U, tỉnh Cà Mau. Trong quá trình chung sống do không hài lòng về cách chi xài, tùy ý quyết định không thông qua bàn bạc và thiếu tình cảm vợ chồng nên dẫn đến vợ chồng thường xuyên cự cãi. Đến năm 2016 Q tự ý về nhà cha mẹ ruột sinh sống cho đến nay, do hôn nhân giữa anh với chị Q không thể duy trì nên anh yêu cầu được ly hôn với chị Q.

Về con chung: Có 01 con chung tên Lê Hạnh N, sinh ngày 13/3/2010 hiện chị Q nuôi dưỡng. Sau khi ly hôn anh đồng ý giao con cho chị Q nuôi và đồng ý cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật.

Về tài sản chung: Sau khi cưới, vợ chồng được cha mẹ cho cất nhà trên đất của cha mẹ anh ở riêng. Sau khi chị Q về nhà cha mẹ ruột ở thì căn nhà này mẹ ruột anh quản lý, giá trị còn lại khoản 4.000.000 đồng, chị Q yêu cầu thì anh đồng ý giao lại 2.000.000 đồng cho chị Q.

Khi vợ chồng còn chung sống, cha mẹ anh có nhận giao khoán của ông H 01 cây xăng và phải trả tiền thuê hàng năm, vợ chồng anh trả tiền thuê cây xăng của ông H trong ba năm là 160.000.000 đồng, do đây là cây xăng nhận giao khoán và trả hàng năm cho ông H, tiền lãi kinh doanh từ cây xăng do vợ chồng chi xài sinh hoạt trong gia đình nên không còn lại bao nhiêu tiền, sau khi chị Q bỏ đi thì cha mẹ anh quản lý cây xăng. Chị Q cho rằng bỏ tiền đầu tư vào cây xăng là không có.

Việc chị Q cho rằng mẹ vợ cho lúa cho cháu ngoại là anh không biết, còn lúa hàng năm là do cố đất, vàng cố đất là của vợ chồng có sau khi cưới, cộng với bán lúa cố đất mua vàng tổng cộng được 50 chỉ vàng 24K, số vàng này hiện vẫn còn cố đất bên vợ. Số vàng này anh để lại cho chị Q nuôi con, anh không yêu cầu.

Nợ chung: Quá trình chung sống vợ chồng có hốt hụi để mua hàng hoá và xăng để bán, sau khi chị Q bỏ đi còn nợ tiền hụi chết và mẹ ruột của anh đóng hụi chết thay. Mẹ anh yêu cầu vợ chồng anh trả lại tiền hụi này anh đồng ý.

Chị Q yêu cầu chia tiền tổng cộng là 168.000.000 đồng trong đó có tiền cha mẹ vợ cho con ruột của anh và 126.000.000 đồng tiền của vợ chồng anh tạo lập đã đầu tư vào cây xăng anh không đồng ý.

Sau khi nộp đơn ly hôn anh ký giấy thỏa thuận ngày 22 tháng 5 năm 2017 là tự thỏa thuận với vợ để khi ra tòa không không tranh chấp tài sản, giấy thỏa thuận này là do bên vợ làm sẵn. Chị Q yêu cầu phần tiền này anh không đồng ý.

- Theo bị đơn là chị Nguyễn Tú Q trình bày:

Về quan hệ hôn nhân: Anh K yêu cầu ly hôn chị đồng ý.

Về con chung: Chị đồng ý nuôi con và yêu cầu anh K cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1.500.000 đồng.

Về tài sản chung: Khi chị về bên chồng sống thì cha mẹ ruột của chị có cho cháu ngoại là Hạnh N mỗi năm là 200 giạ lúa. Đến năm 2012, gia đình chồng sang cây xăng lại cho vợ chồng chị bán.

Vợ chồng đã bán lúa và bán thêm vàng của vợ chồng để đầu tư vào cây xăng, trong đó tiền bán lúa là 1.200 giạ lúa và đã đưa tiền cho mẹ chồng nhiều lần để sang cây xăng là 100.750.000 đồng và tiền bán 22 chỉ vàng được 89.000.000 đồng.

Năm 2014, chị trả cho ông H 100.000.000 đồng, năm 2015 trả thêm 100.000.000 đồng. Năm 2014 và 2015 đưa cho mẹ chồng trả cho bà T 15 chỉ vàng 24K và 60.000.000 đồng (vì khi trả tiền lần đầu cho ông H thì mẹ chồng có mượn tiền vàng của bà T nên vợ chồng chị trả lại).

Chị yêu cầu chia số tiền 176.000.000 đồng đã đầu tư vào cây xăng và yêu cầu anh K trả lại tiền lúa mà mẹ ruột cho con là 168.000.000 đồng cũng đã đầu tư vào cây xăng. Tiền hàng hóa trong cửa hàng tạp hóa là 50.000.000 đồng. Yêu cầu chia giá trị nhà và đất cha mẹ chồng cho, bên chồng đang quản lý hiện cho mướn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Q rút lại một phần yêu cầu, chỉ yêu cầu: Chia là 126.000.000 đồng là tiền của vợ chồng đầu tư vào cây xăng; yêu cầu anh K trả lại 1.200 giạ lúa bằng 168.000.000 đồng. Về nợ tiền hụi, khi chị về nhà cha mẹ ruột ở thì còn nợ tiền hụi chết của những chủ hụi như bà S trình bày, bà S yêu cầu chị trả lại tiền hụi này chị không đồng ý do sau khi chị bỏ đi thì tài sản của vợ chồng do anh K, bà S, ông Đ quản lý, tiền hốt hụi là đầu tư vào cây xăng và mua hàng hóa nên anh K và mẹ chồng quản lý phần này có trách nhiệm đóng hụi. Về căn nhà và hàng hóa trong tiệm tạp hóa chị không yêu cầu.

- Theo người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Tuyết S trình bày:

Về cây xăng vợ chồng bà nhận giao khoán tổng cộng giá trị cây xăng là 900.000.000 đồng vào năm 2012, bằng việc thế chấp đất của vợ chồng bà 200.000.000 đồng, còn lại trả hàng năm 60.000.000đồng/năm. Khi nhận giao khoán cây xăng, bà để lại cho vợ chồng K - Q đứng ra bán và đứng ra trả cho chủ doanh nghiệp mỗi năm 60.000.000 đồng. Hiện còn thiếu lại 80.000.000 đồng. Cây xăng là vợ chồng K - Q tự quản lý, chi tiêu. Khi nhận khoán của cây xăng thì vật dụng đã có sẵn nên không có đầu tư gì thêm, việc Q nói đã đầu tư vào cây xăng là không có.

Việc cho cháu mỗi năm 200 giạ lúa là thỏa thuận riêng của chị Q với cha mẹ chị Q vì sau khi cưới bà đã cho vợ chồng ra riêng nên phần này bà không biết.

Về đồ tiệm tạp hóa mà Q trình bày, trước đó bà có cho tiệm tạp hóa vợ chồng Q buôn bán. Năm 2012, vợ chồng Q chuyển ra cây xăng thì chỉ còn một ít đồ tạp hóa, cây xăng hiện bà đang quản lý. Khi Q bỏ đi hàng hóa trong của tiệm chỉ còn một ít, hiện nay không còn.

Về căn nhà trước đây bà cho vợ chồng Q, sau đó thì bên Q có sửa nhà lại, khi Q bỏ đi thì bà cho mướn lại mỗi năm 3.000.000 đồng, tiền mướn nhà đã đưa lại cho vợ chồng Q-K mỗi năm. Hiện bà còn đang quản lý 3.000.000 đồng tiền mướn nhà. Q yêu cầu chia nhà bà cũng đồng ý, vì nhà đã cho hai vợ chồng, phần đất thì chỉ cho mượn cất nhà chứ không cho.

Về tiền hụi còn thiếu, sau khi Q bỏ đi thì tiền hụi chết còn thiếu bà đã đứng ra đóng cho vợ chồng K-Q số tiền hụi chết bà đã đóng cho các chủ hụi đến khi mãn hụi gồm dây hụi 2.000.000 đồng đã đóng số tiền 2.000.000 đồng; dây hụi 1.000.000 đồng đã đóng 9.000.000 đồng, tổng cộng 29.000.000 đồng chủ hụi tên thiếm Hai X; dây hụi 2.000.000 đồng của chủ hụi tên Tr số tiền 12.000.000 đồng; chủ hụi tên C số tiền 26.200.000 đồng; tổng cộng tiền hụi đã đóng là 67.200.000 đồng. Bà yêu cầu vợ chồng K - Q trả cho bà số tiền này.

- Theo người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị N trình bày: Bà cho cháu ngoại mỗi năm 200 giạ lúa, Q có gửi vàng cho bà tổng cộng 22 chỉ vàng 24K, trong đó có 02 chỉ vàng của Q. Năm 2012, Q kêu bán 22 chỉ vàng 24K để hùn đầu tư cây xăng được số tiền khoảng 89.100.000 đồng, bà đã giao tiền cho mẹ chồng của Q. K có đưa cho bà 01 cây vàng 24K để cố đất. Bà chỉ yêu cầu K trả lại 1.200 giạ lúa cho cháu Hạnh N.

Tại tờ trình bày nguyện vọng ngày 16/11/2018 cháu Lê Hạnh N có nguyện vọng sống với mẹ sau khi cha mẹ ly hôn.

Tại bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số:161/2018/HNGĐ-ST ngày 25/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện U, quyết định:

Căn cứ: Khoản 1 Điều 28; điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a, khoản 1 Điều 39; khoản 4 Điều 147; khoản 1, 2 Điều 227; khoản 1 Điều 271; Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng các Điều 51, 56, 81, 82, 83, 110, 116 của Luật Hôn nhân và Gia đình; Áp dụng khoản 5, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Về hôn nhân: Anh Lê Vũ K và chị Nguyễn Tú Q được ly hôn.

- Về con chung: Giao con chung tên Lê Hạnh N, sinh 13/3/2010 hiện do chị Q nuôi dưỡng cho chị Q tiếp tục nuôi dưỡng.

Anh K có quyền và nghĩa vụ thăm nom con chung không ai có quyền cản trở. Về nghĩa vụ cấp dưỡng: Buộc anh Lê Vũ K có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung tên Lê Hạnh N, sinh 13/3/2010 cho chị Nguyễn Tú Q mỗi tháng 1.000.000 đồng, cấp dưỡng hàng tháng, cấp dưỡng kể từ ngày tuyên án cho đến khi con chung tròn 18 tuổi.

Kể từ ngày chị Q có đơn yêu cầu thi hành án, anh K chậm thi hành nghĩa vụ nêu trên thì còn phải chịu tiền lãi chậm trả theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Tài sản chung: Không chấp nhận yêu cầu của chị Nguyễn Tú Q đối với anh Lê Vũ K, bà Nguyễn Tuyết S, ông Lê Văn Điều về việc trả lại 126.000.000 đồng để chia và chia tài sản chung của vợ chồng.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của chị Nguyễn Tú Q về chia tài sản chung. Buộc anh Lê Vũ K giao lại cho chị Nguyễn Tú Q 84.000.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu đòi lại 1.200 giạ lúa tương đương 168.000.000 đồng đối với anh Lê Vũ K, bà Nguyễn Tuyết S, ông Lê Văn Điều là tài sản riêng.

- Nợ chung: Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Tuyết S đối với Lê Vũ K vàNguyễn Tú Q về việc trả tiền hụi thay. Buộc anh K, chị Q mỗi người trả cho bà S 33.600.000 đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định. Ngày 07/01/2019, chị Nguyễn Tú Q có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm về chia tài sản và nợ chung, cụ thể yêu cầu cấp phúc thẩm giải quyết:

1/ Phân chia số tiền 126.000.000 đồng vợ chồng đã đầu tư cây xăng, hiện nay K và cha mẹ chồng quản lý, yêu cầu phân chia theo quy định pháp luật.

2/ Buộc cha mẹ chồng (ông Đ, bà S) trả tiền công sức đóng góp trong thời gian làm dâu, số tiền cụ thể 260 triệu đồng và 15 chỉ vàng 24k. Chia theo quy định pháp luật.

3/ Bác yêu cầu trả tiền hụi của bà S đối với chị Q số tiền 33.600.000 đồng.

Tại phiên tòa:

- Chị Q vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo như trên.

- Anh K trình bày: Không đồng ý yêu cầu kháng cáo của chị Q; anh và chị Q có giao trả cho ông H tiền thuê cây xăng 160.000.000 đồng; anh chị có hốt hụi vài chục triệu đồng để đầu tư cây xăng như mua xăng để bán; bà N cho cháu 1200 giạ lúa là không có, nhưng anh lập văn bản đồng ý giao chị Q 600 giạ bằng 84.000.000 đồng là muốn giải quyết ly hôn được nhanh. 

- Bà S trình bày: Không đồng ý với toàn bộ yêu cầu kháng cáo của chị Q.

- Bà N không có ý kiến.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm; chấp nhận một phần kháng cáo của chị Q về yêu cầu chia 126.000.000 đồng và không phải trả lại tiền hụi 33.600.000 đồng cho bà S.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Xét yêu cầu kháng cáo, chị Q kháng cáo với ba nội dung sau:

[1.1]. Phân chia số tiền 126.000.000 đồng vợ chồng đã đầu tư cây xăng, hiện nay anh K và cha mẹ chồng quản lý, yêu cầu phân chia theo quy định pháp luật.

Theo như chị Q trình bày: Do kinh doanh mặt hàng xăng nên lập thủ tục chuyển nhượng gặp khó khăn, vì vậy chủ cây xăng là ông H (ông H em bà S) và cha mẹ chồng làm giấy tờ nhận khoán, nhưng thực chất là sang nhượng cây xăng và những tài sản liên quan đến cây xăng trong đó có 3.500 mặt hàng tạp hóa. Chị Q và anh K có hùn vốn cùng bà S để nhận chuyển nhượng cây xăng giá 900.000.000 đồng, đã giao trả được 700.000.000 đồng, cụ thể: Lần thứ nhất vào thời điểm nhận cây xăng năm 2012 trả 500.000.000 đồng (trong đó phần anh chị xuất ra 301.000.000 đồng, số còn lại cha mẹ chồng mượn của bà T 60.000.000 đồng và 15 chỉ vàng 24K, số nợ của bà T sau này anh chị cũng trả cho bà T); lần thứ hai năm 2014 trả 100.000.000 đồng và lần ba năm 2015 trả 100.000.000 đồng (số tiền trả hai lần sau là do kinh doanh có lợi nhuận từ cây xăng).

Lời khai của chị Q về việc có đầu tư vào cây xăng là có căn cứ, được thể hiện ở các chứng cứ: Tại biên bản hòa giải (bút lục số 57), bà S trình bày nội dung “Vợ chồng tôi chỉ đứng tên hộ trên hợp đồng giao khoán”; anh K cũng xác nhận vợ chồng anh giao trả cho ông H số tiền 160.000.000 đồng (bút lục 79, 80…); tại phiên tòa phúc thẩm anh K xác nhận vợ chồng có hốt hụi để đầu tư; mẹ ruột chị Q cho cháu ngoại 1.200 giạ lúa, quy ra tiền là 168.000.000 đồng là có thật, được anh K thừa nhận tại biên bản thỏa thuận ngày 22/5/2017 (bút lục số 42)vì anh K đồng ý giao lại cho chị Q 600 giạ lúa bằng 84.000.000 đồng.

Theo như anh K xác nhận thì anh chị có giao trả cho ông H số tiền 160.000.000 đồng. Nếu căn cứ theo hợp đồng giao khoán cây xăng thì anh K, chị Q sẽ được trả lại tính toán theo phần trăm, bởi vì trong hợp đồng giao khoán thể hiện nội dung: nếu bên nhận khoán trả phần tiền vốn thì tính theo phần trăm mà trừ lại tiền khoán.

Trên thực tế, chị Q và anh K chung sống với nhau từ tháng 02/2009 đến năm 2016, khoảng thời gian này mẹ ruột chị Q có cho lúa quy ra tiền 168.000.000 đồng và anh K thừa nhận vợ chồng có giao cho ông H 160.000.000 đồng và hốt hụi đầu tư kinh doanh cây xăng (tiền hụi anh K không nhớ chính xác). Nếu tính tổng số tiền anh chị có được khoảng gần 400.000.000 đồng. Chị Q chỉ yêu cầu chia theo quy định pháp luật số tiền 126.000.000 đồng trong khi chị phải một mình nuôi con gần 02 năm qua, như vậy yêu cầu của chị Q là có căn cứ pháp luật được quy định tại Điều 61 của Luật hôn nhân và gia đình. Chị Q được chia ½ bằng 63.000.000 đồng. Hiện cha mẹ anh K quản lý cây xăng nên buộc vợ chồng bà S, ông Đ và anh K có trách nhiệm liên đới giao cho chị Q số tiền 63.000.000 đồng.

Vì vậy, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Q về việc chia số tiền 126.000.000 đồng.

[2.2]. Yêu cầu cha mẹ chồng (ông Đ, bà S) trả tiền công sức đóng góp trong thời gian làm dâu, số tiền cụ thể 260.000.000 đồng và 15 chỉ vàng 24K, chia theo quy định pháp luật.

Trên thực tế chị Q và anh K kết hôn từ năm 2009, đến thời điểm ly thân năm 2016. Yêu cầu này của chị là chính đáng. Tuy nhiên, tại cấp sơ thẩm chị không đặt ra yêu cầu về công sức đóng góp trong thời gian làm dâu nên cấp sơ thẩm chưa thụ lý giải quyết. Vì vậy, cấp phúc thẩm không thể đặt ra xem xét.

[2.3]. Bác yêu cầu trả tiền hụi của bà S đối với chị Q số tiền 33.600.000 đồng.

Chị Q, anh K tham gia hụi và hốt hụi, khi chị Q đi thì bà S khai đã đóng hụi chết tổng số tiền 67.200.000 đồng. Cấp sơ thẩm nhận định tiền hụi chết phát sinh trong thời kỳ hôn nhân nên chị Q phải chịu trách nhiệm trả. Tuy nhiên, chị Q và anh K hốt hụi để đầu tư vào việc kinh doanh của vợ chồng. Chị Q đi vào tháng 4/2016, tại thời điểm này chị Q, anh K đã trả tiền cho việc giao khoán cây xăng 160.000.000 đồng và theo như anh K trình bày từ khi vợ chồng nhận cây xăng kinh doanh thì lợi nhuận thu được sinh hoạt gia đình, có tích lũy vàng gửi cho mẹ vợ 05 lượng vàng 24K qua đó cho thấy kinh doanh cây xăng có phát sinh lợi nhuận. Và tại phiên tòa sơ thẩm (bút lục 160) bà S trình bày sau khi Q bỏ đi tài sản ở cửa hàng vẫn còn bà bán lấy tiền trả nợ cho K, Q. Như vậỵ, khi chị Q đi, bà S và anh K quản lý cây xăng kinh doanh thì phải có nghĩa vụ đóng tiền hụi chết. Từ khi chị Q đi đến khi vợ chồng ly hôn chị Q không có thu nhập từ cây xăng, một mình phải nuôi con nhỏ hơn 02 năm qua nếu buộc chị phải trả nợ hụi chết là chưa xem xét toàn diện. Vì vậy, chấp nhận kháng cáo của chị Q về việc không thanh toán tiền nợ hụi lại cho bà S.

Tiền hụi chết bà S, anh K mỗi người có trách nhiệm thanh toán ½ . Bà S đã đóng hụi chết đủ, anh K giao trả lại cho bà S ½ bằng 33.600.000 đồng.

[2]. Từ phân tích trên, Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm số: 161/2018/HNGĐ-ST ngày 25/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện U về yêu cầu chia số tiền 126.000.000 đồng và nghĩa vụ thanh toán tiền hụi chết.

Không đặt ra xem xét đối với yêu cầu về tính công sức đóng góp trong thời gian làm dâu, số tiền 260.000.000 đồng và 15 chỉ vàng 24K.

[3]. Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tại phiên tòa có căn cứ được chấp nhận toàn bộ.

[4]. Về án phí:

[4.1]. Án phí sơ thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên án phí dân sự có giá ngạch được tính lại.

Chị Q phải chịu án phí có giá ngạch đối với phần tài sản được nhận (84.000.000 đồng +63.000.000 đồng) x 5% = 7.350.000 đồng. Không phải chịu án phí có giá ngạch đối với nợ trả.

ANH K phải chịu án phí như bản án sơ thẩm tuyên, tổng số tiền 2.280.000 đồng (án phí hôn nhân sơ thẩm 300.000 đồng; án phí cấp dưỡng 300.000 đồng và án phí trả nợ 1.680.000 đồng).

Bà S phải chịu án phí dân sự có giá ngạch: 33.600.000 đồng x 5% = 1.680.000 đồng, đã nộp tạm ứng án phí 1.880.000 đồng được đối trừ và được nhận lại 200.000 đồng.

[4.2]. Án phí dân sự phúc thẩm chị Q không phải chịu, đã dự nộp được nhận lại toàn bộ.

[5]. Cần lưu ý cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm: Bản án sơ thẩm chỉ tuyên phần lãi suất chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự đối với nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K là chưa đầy đủ. Vì bản án sơ thẩm còn buộc anh K giao tiền cho chị Q; chị Q thanh toán tiền hụi chết cho bà S.

Về án phí có giá ngạch đối với chị Q: Bản án sơ thẩm tính án phí 84.000.000 đồng - 33.600.000 đồng = 50.400.000 đồng, tổng cộng là (33.600.000 đồng + 50.400.000 đồng) x 5% = 4.200.000 đồng. Cách tính này là chưa đúng.

Do sửa bản án sơ thẩm, án phí được tính lại như trên, nên cấp phúc thẩm không sửa án sơ thẩm về phần án phí.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của chị Nguyễn Tú Q.

Sửa bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số: 161/2018/HNGĐ-ST ngày 25/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện U, tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

1. Về hôn nhân: Anh Lê Vũ K và chị Nguyễn Tú Q được ly hôn.

2. Về con chung: Giao con chung tên Lê Hạnh N, sinh 13/3/2010 hiện do chị Q nuôi dưỡng cho chị Q tiếp tục nuôi dưỡng.

Anh K có quyền và nghĩa vụ thăm nom con chung không ai có quyền cản trở. Về nghĩa vụ cấp dưỡng: Buộc anh K có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung tên Lê Hạnh N, sinh 13/3/2010 cho chị Q nhận mỗi tháng 1.000.000 đồng, cấp dưỡng hàng tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm cho đến khi cháu Nguyên tròn 18 tuổi.

3. Về tài sản:

- Chấp nhận yêu cầu của chị Nguyễn Tú Q về việc chia 1/2 số tiền 126.000.000 đồng. Buộc anh K, bà S và ông Đ có trách nhiệm liên đới giao cho chị Q số tiền 63.000.000 đồng (Sáu mươi ba triệu đồng).

- Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của chị Nguyễn Tú Q về chia tài sản chung. Buộc anh Lê Vũ K giao lại cho chị Nguyễn Tú Q 84.000.000 đồng (Tám mươi bốn triệu đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu đòi lại 1.200 giạ lúa tương đương 168.000.000 đồng đối với anh Lê Vũ K, bà Nguyễn Tuyết S, ông Lê Văn Điều là tài sản riêng.

- Không đặt ra xem xét đối với yêu cầu về tính công sức đóng góp trong thời gian làm dâu, số tiền 260.000.000 đồng và 15 chỉ vàng 24K.

4. Về nợ:

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Q về việc không thanh toán số tiền hụi 33.600.000 đồng cho bà S.

Chấp nhận một phần yêu cầu của bà S đối với K và chị Q về việc trả tiền hụi. Bà S và anh K có nghĩa vụ thanh toán nợ hụi 67.200.000 đồng, mỗi người thanh toán ½ bằng 33.600.000. Bà S đã trả đủ, buộc anh K giao trả lại cho bà S 33.600.000 đồng (Ba mươi ba triệu, sáu trăm ngàn đồng).

Trường hợp những người được thi hành án có đơn yêu cầu nếu những người có nghĩa vụ thi hành các khoản tiền nêu trên mà chậm thanh toán các khoản tiền thuộc về trách nhiệm của mình thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

5. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm:

- Chị Q phải chịu án phí có giá ngạch đối với phần tài sản được nhận bằng 7.350.000 đồng, nộp tại Chị cục Thi hành án dân sự huyện U. Không phải chịu án phí có giá ngạch đối với nợ trả.

- ANH K phải chịu án phí với tổng số tiền 2.280.000 đồng (án phí hôn nhân sơ thẩm 300.000 đồng; án phí cấp dưỡng 300.000 đồng và án phí trả nợ 1.680.000 đồng), nộp tại Chị cục Thi hành án dân sự huyện U.

- Bà S phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là 1.680.000 đồng, đã nộp tạm ứng án phí 1.880.000 đồng tại biên lai số 0011793 ngày 25/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U được đối trừ và được nhận lại 200.000 đồng.

Án phí dân sự phúc thẩm: Chị Q phải chịu 300.000 đồng, đã nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng tại biên lai số 0004164 ngày 09/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U được chuyển thu.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

472
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2019/HNGĐ-PT ngày 09/05/2019 về xin ly hôn, nuôi con chung và chia tài sản chung khi ly hôn

Số hiệu:18/2019/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:09/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về