Bản án 18/2018/DS-PT ngày 18/07/2018 về tranh chấp di sản thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 18/2018/DS-PT NGÀY 18/07/2018 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 18 tháng 7  năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2018/DSPT ngày 05 tháng 01 năm 2018 về việc: “Tranh chấp di sản thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Toà án nhân dân thành phố Hưng Yên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2018/QĐ-PT ngày 02 tháng 04 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

- Anh Phạm Văn C, sinh năm: 1966; Trú tại: Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

- Anh Nguyễn Văn B, sinh năm: 1965; Trú tại: Đằng Châu, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Đều có mặt tại phiên tòa.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Tiến Lực - Luật sư Văn phòng luật sư Phố Hiến và cộng sự thuộc Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên. Có mặt tại phiên tòa.

2. Bị đơn: Bà Phạm Thị D, sinh năm: 1940; Trú tại: Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Đại diện theo ủy quyền: Anh Nguyễn Văn E, sinh năm: 1976; Trú tại: Số 11, ngõ 615/20, Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội (theo văn bản ủy quyền ngày 30/10/2015). Có mặt tại phiên tòa

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:

- Ông Phạm Văn Tiến, ông Nguyễn Hồng Sinh, ông Dương Đức Tâm - Luật sư Công ty luật TNHH Tiến Minh. Địa chỉ: Số 20, ngõ 30, phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Có mặt ông Tiến, ông Sinh.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- UBND Thành phố Hưng Yên; đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Tuấn X- Chủ tịch; Đại diện theo ủy quyền: ông Bùi Văn Y, Trưởng phòng tài nguyên và môi trường UBND thành phố Hưng Yên (theo văn bản ủy quyền số 2039/QĐ-UBND ngày 07/11/2017). Vắng mặt

- Ông Nguyễn Văn K, sinh năm: 1945; Chị Nguyễn Thị T, sinh năm: 1953; Đều trú tại: Đằng Châu, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Có mặt tại phiên tòa.

- Chị Nguyễn Thị V, sinh năm: 1955; Trú tại: Tổ 99, khu 6, phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt

- Chị Nguyễn Thị N, sinh năm: 1958; Trú tại: Xích Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Có mặt tại phiên tòa.

- Anh Nguyễn Văn G, sinh năm: 1962; Chị Nguyễn Thị Nh, sinh năm: 1968; Đều trú tại: Tổ 9, khu 3, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt

Ông K, chị T, chị V, chị N, anh G, chị Nh ủy quyền cho anh Nguyễn Văn B theo văn bản ủy quyền các ngày 20/4 và 23/4/2018.

- Chị Phạm Thị Kh, sinh năm: 1967; Trú tại: Cao Xá, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Vắng mặt

- Chị Phạm Thị H, sinh năm: 1975; Trú tại: Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Có mặt tại phiên tòa

Chị Kh, chị H ủy quyền cho anh Phạm Văn C theo văn bản ủy quyền ngày 10/11/2015.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn anh Nguyễn Văn B, anh Phạm Văn C và bị đơn bà Phạm Thị D.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các tài liệu bổ sung trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn anh Nguyễn Văn B, anh Phạm Văn C trình bầy:

Cụ Nguyễn Văn Đàm và Phạm Thị Sen sinh được 4 người con là Nguyễn Thị Tấn, Nguyễn Văn Bút, Nguyễn Thị Nhẫn, Nguyễn Văn Chính. Bà Nhẫn (chết năm 2015) có 4 người con là Phạm Thị Tuyết (bị bệnh tâm thần từ nhỏ, chết năm 2016, không có chồng con), Phạm Văn C, Phạm Thị Kh, Phạm Thị H.

Ông Bút hy sinh năm 1950, không có vợ con. Bà Tấn (chết năm 2003) có 7 người con là Nguyễn Văn K, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị V, Nguyễn Thị N, Nguyễn Văn G, Nguyễn Văn B, Nguyễn Thị Nh. Ông Chính (hy sinh năm 1972) có vợ là Phạm Thị D, ông Chính và bà D không có con đẻ nhưng có con nuôi là chị Nguyễn Thị N (con gái bà Tấn), ngoài ra năm 1999 bà D có nhận anh Nguyễn Văn E (con trai ông Bình - em rể bà D) làm con nuôi.

Cụ Đàm và cụ Sen có tài sản chung là diện tích 1076m2 đất tại Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, nguồn gốc là của bố mẹ cụ Đàm để lại. Năm 1945 cụ Đàm chết và không để lại di chúc, cụ Sen ở vậy nuôi các con khôn lớn. Năm 1994 cụ Sen đã lập di chúc có nội dung cho hai con gái là Tấn và Nhẫn được thừa kế 03 gian nhà lợp ngói hướng Bắc Nam trên diện tích 538m2 đất và cho bà D được thừa kế 538m2 đất của cụ Sen. Ngày 25/6/2007 cụ Sen chết. Đầu năm 2012 bà Tấn cùng các con của bà Nhẫn đề nghị bà D là người đang quản lý di sản của cụ Đàm và cụ Sen phân chia đất theo di chúc của cụ Sen nhưng bà D yêu cầu san lấp ao và sẽ cho phần ao san lấp đó. Anh C và anh B đã san lấp toàn bộ diện tích ao nhưng bà D không cho mà làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất của vợ chồng cụ Đàm cho anh E. Quá trình giải quyết tại UBND phường Lam Sơn, bà D đã xuất trình 01 bản di chúc do cụ Sen lập ngày 01/9/2004 có xác nhận UBND phường Lam Sơn, di chúc có nội dung cho bà D được thừa kế toàn bộ diện tích đất và công trình xây dựng trên đất. Qua xem xét thấy bản di chúc này không hợp pháp vì: Cụ Đàm chết không để lại di chúc, không ủy quyền cho cụ Sen định đoạt tài sản chung nhưng di chúc cụ Sen lại định đoạt cả phần di sản của cụ Đàm; diện tích đất của cụ Đàm và cụ Sen chỉ có 1076m2  nhưng trong di chúc lại khẳng định có 1186m2  cùng nhà tình nghĩa + cây lâu năm; trong di chúc có ghi tên con gái của cụ Sen là Nguyễn Thị Quỳ nhưng cụ Sen không có người con nào tên Quỳ. Chứng tỏ cụ Sen lập di chúc trong khi tinh thần không minh mẫn nên việc UBND phường Lam Sơn xác nhận là không vô tư, khách quan. Anh Nguyễn Văn B và anh Phạm Văn C khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết:

- Nếu bà D nhất trí chia theo di chúc của cụ Sen lập năm 1994 thì đề nghị chia theo di chúc này; Trường hợp bà D không đồng ý thì đề nghị chia phần di sản của cụ Sen theo quy định của pháp luật; Đối với phần là di sản của cụ Đàm, do đã hết thời hiệu chia thừa kế nên là tài sản chung, nếu bà D nhất trí thì chia, nếu không nhất trí thì bà D chỉ được sử dụng chứ không được định đoạt.

Ngày 29/9/2017 nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện đề nghị hủy Bản di chúc của cụ Phạm Thị Sen lập ngày 01/9/2004 và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL 072243 do Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên cấp ngày 29/6/2012 đối với diện tích 1185,9m2 cho bà Phạm Thị D.

Bị đơn bà Phạm Thị D và người được bà D ủy quyền - anh Nguyễn Văn E trình bầy:

Bà D nhất trí với các nguyên đơn về hàng thừa kế nhưng không thừa nhận chị Nguyễn Thị N là con nuôi của bà D, ông Chính. Khi bà kết hôn với ông Chính thì cụ Đàm đã chết, chỉ có vợ chồng bà sống cùng cụ Sen trên thửa đất tại thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Về nguồn gốc đất bà không rõ nhưng nghe cụ Sen nói là đất của cụ Sen đã được đứng tên trong sổ mục kê và bản đồ 299. Năm 1994 cụ Sen có lập di chúc, Phòng quản lý nhà đất đã xác nhận diện tích đất này là của riêng cụ Sen. Trong quá trình sử dụng đất có việc anh C và anh Ba san lấp ao. Lý do anh B đào móng xây nhà không có chỗ đổ đất nên xin bà cho đổ đất vào ao. Ngoài ra Nhà nước đã hỗ trợ cho cụ Sen 15 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, bà D có góp thêm tiền để làm nhà. Năm 2001 cụ Sen có lập Biên bản họp họ và Biên bản bàn giao tài sản, hai biên bản này có nội dung bàn giao toàn bộ tài sản của cụ Sen là nhà + đất cho bà D thừa kế. Đến năm 2004 cụ Sen đã lập di chúc cho bà D được thừa kế toàn bộ nhà + đất và cây cối của cụ Sen tại xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Di chúc có người làm chứng ký, xác nhận của trưởng thôn, cán bộ địa chính và UBND phường Lam Sơn. Đến năm 2012 bà đã được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 1185,9m2 đất được thừa kế của cụ Sen. Bà D khẳng định diện tích đất tranh chấp là của cụ Sen. Cụ Sen đã lập di chúc cho bà được thừa kế toàn bộ nhà, đất và cây cối hoa mầu nên bà bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Kết quả thẩm định và định giá tài sản tranh chấp: Thửa đất tranh chấp có diện tích 1136,8m2 (gồm đất thổ cư, đất ao, vườn). Trong đó: 699,0m2 đất ODT( thổ cư), 229,5m2 đất LNK (lâu năm), 208,3m2  đất TSN (ao) . Tổng trị giá: 4.021.100.000đ.

- Trên đất có 04 cây na, 16 cây nhãn, 01 cây mít, 01 cây bưởi, 165 cây chuối. Tổng trị giá cây cối là 66.300.000đ.

- 01 nhà cấp 4 là nhà tình nghĩa, 01 bếp, 02 bể nước, sân gạch, tường bao, nhà vệ sinh, các đương sự không yêu cầu định giá. Tổng trị giá tài sản 4.087.400.000đ.

Tại bản án số 08/2017/DS-ST ngày 21/11/2017 của TAND thành phố Hưng Yên đã quyết định: Áp dụng Điều 26, Điều 34, Điều 36, khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự;  Điều 648 Bộ luật dân sự năm 1995 và Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005; Các Điều 624, 625, 626, 627, 628, 630 Bộ luật dân sự 2015Pháp lệnh án phí, lệ phí của Tòa án năm 2009.

Xử:

1. Xác định di sản của cụ Nguyễn Văn Đàm và Phạm Thị Sen gồm 1136,8m2 đất có vị trí tại các thửa 20, 33 tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra di sản của cụ Sen còn có 01 nhà cấp 4 (do cụ Sen được hỗ trợ tiền xây nhà tình nghĩa), 01 bếp, 02 bể nước, sân gạch, nhà vệ sinh, tường bao, 04 cây na, 16 cây nhãn, 01 cây mít, 01 cây bưởi, 165 cây chuối.

2. Chấp nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn áng trích 200m2 đất thổ cư trong tổng số di sản của hai cụ để trả công sức duy trì, tôn tạo đất di sản cho cụ Sen.

3. Xác định di sản của cụ Nguyễn Văn Đàm để lại trở thành tài sản chung, có tổng diện tích là 545.6m2 đất, trong đó có 204,8m2 đất ở, 208,3m2 ao, 132,5m2 vườn tại thửa số 20,33 tờ bản đồ số 58, đất có vị trí tại xóm 5, Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

4. Xác định di sản của cụ Phạm Thị Sen để lại (bao gồm cả diện tích 200m2  được áng trích công sức) là 591,2 m2. Trong đó có 494,2m2  đất thổ cư, 97m2  đất vườn tại thửa số 20, tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Các di sản khác gồm: 01 nhà cấp 4, 01 bếp, 02 bể nước, sân gạch, tường rào, nhà vệ sinh, 04 cây na, 16 cây nhãn, 01 cây mít, 01 cây bưởi, 165 cây chuối.

5. Chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, hủy một phần bản di chúc của cụ Phạm Thị Sen lập ngày 01/9/2004 đối với phần di sản của cụ Đàm để lại trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế.

6. Bác yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Văn B và anh Phạm Văn C về việc chia di sản thừa kế của cụ Phạm Thị Sen theo pháp luật và kỷ phần của cụ Nguyễn Văn Đàm chia tài sản chung theo pháp luật.

7. Bà Phạm Thị D được thừa kế phần di sản của cụ Sen gồm 591,2m2. Trong đó có 494,2m2  đất thổ cư và 97m2  vườn tại thửa số 20, tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên và các di sản trên đất gồm 01 nhà tình nghĩa cấp 4, 01 bếp, 02 bể nước, sân gạch, tường bao, 12 cây nhãn, 04 cây na, 01 cây mít, và một số cây chuối.

8. Tạm giao bà Phạm Thị D tiếp tục quản lý, sử dụng phần tài sản chung của các đồng thừa kế là 545,6m2 đất, trong đó có 204,8m2  đất ở, 208,3m2 ao, 132,5m2 vườn tại thửa số 20,33 tờ bản đồ số 58, đất có vị trí đất tại xóm 5, Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có 04 cây nhãn, 01 cây bưởi, 01 nhà vệ sinh, một số cây chuối và tường bao là di sản của cụ Sen.

9. Hủy GCNQSDĐ số BL 072243 do UBND thành phố Hưng Yên cấp ngày 29/6/2012 cho hộ bà Phạm Thị D đối với 1185,9m2 đất tại các thửa số 20, 33, tờ bản đồ số 58, vị trí đất tại xóm 5, Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 01/12/2017 bà Phạm Thị D kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị sửa bản án sơ thẩm: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; xác định quyền sử dụng 1136,8m2  đất tại xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên là tài sản riêng của cụ Phạm Thị Sen; Bác yêu cầu hủy di chúc cụ Phạm Thị Sen lập ngày 01/09/2004 và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn.

Ngày 04/12/2017 các anh Phạm Văn C và Nguyễn Văn Ba kháng cáo đề nghị: Hủy di chúc của cụ Phạm Thị Sen viết ngày 01/09/2004; Phân chia tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Đàm cho hàng thừa kế thứ nhất là Nguyễn Thị Tấn, Nguyễn Thị Nhẫn, Nguyễn Văn Chính. Ngày 03/05/2018 bổ sung kháng cáo, đề nghị: chia di sản của cụ Đàm theo pháp luật.

Tại phiên tòa: Nguyên đơn thay đổi, bổ sung kháng cáo đề nghị xét xử lại toàn bộ bản án sơ thẩm; chia thừa kế di sản là đất ở của cụ Sen và cụ Đàm theo quy định của pháp luật; không yêu cầu giải quyết tài sản trên đất.

Bị đơn thay đổi kháng cáo một phần bản án sơ thẩm: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; xác định quyền sử dụng 1136,8m2 đất tại xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên là tài sản riêng của cụ Phạm Thị Sen; Bác yêu cầu hủy di chúc cụ Phạm Thị Sen lập ngày 01/09/2004 và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Đại diện theo ủy quyền của bị đơn, nguyên đơn và những người có quyền lợi liên quan có mặt tại phiên tòa đều xác định từ năm 2000 cụ Sen bị ốm, đau chân phải ngồi một chỗ không thể tự đi lại được.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị: Xác định toàn bộ diện tích đất 1.136,8m2 đất bà D đang sử dụng tại xóm 5, Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên có nguồn gốc là tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Đàm và cụ Phạm Thị Sen. Cụ Đàm chết năm 1945 không để lại di chúc, năm 2004 cụ Sen lập di chúc cho bà D được thừa kế toàn bộ diện tích đất trên là vi phạm pháp luật vì đã định đoạt cả phần di sản của cụ Đàm và trong khi sức khỏe yếu, trí tuệ không còn minh mẫn. Đề nghị hủy bản di chúc do cụ Sen lập ngày 01/9/2004 và chia di sản của cụ Đàm và cụ Sen theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích của bị đơn luật sư Phạm Văn Tiến, Nguyễn Hồng Sinh thể hiện: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ với các lý do:

+ Quyền sử dụng đất tại các thửa số 20, 33 tờ bản đồ số 58 xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên diện tích 1076m2 không phải là di sản thừa kế của cụ Đàm; Nhà nước đã công nhận QSDĐ tại thửa đất trên cho bà Phạm Thị D.

+ Di chúc cụ Phạm Thị Sen lập ngày 01/9/2004 trong trạng thái tinh thần được minh mẫn, chưa bị bất cứ cá nhân nào yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc bị vô hiệu nên có hiệu lực pháp luật. Nội dung di chúc để lại toàn bộ nhà đất tại thửa số 20, 33 tờ bản đồ số 58 xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên cho bà D là đúng quy định của pháp luật.

Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện hủy di chúc năm 2004 và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND Thành phố Hưng Yên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, vi phạm khoản 1 Điều 5, Khoản 1 Điều 244, Khoản 1 Điều 259 BLTTDS; Khoản 1 Điều 640 Bộ luật dân sự; Khoản 2 Điều 116 Luật tố tụng hành chính

Đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; Các đương sự chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

Về nội dung: Đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng Khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS: Chấp nhận  một phần kháng cáo của bà Phạm Thị D, chấp nhận 1 phần kháng cáo của anh Phạm Văn C và anh Nguyễn Văn B, sửa bản án sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 21/11/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hưng Yên theo hướng: Xác định cả hai bản di chúc cụ Sen lập đều không có hiệu lực, chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Đàm và cụ Sen.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ, lời trình bầy của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Cụ Nguyễn Văn Đàm và Phạm Thị Sen sinh được 4 người con là Nguyễn Thị Tấn, Nguyễn Văn Bút, Nguyễn Thị Nhẫn, Nguyễn Văn Chính. Bà Nhẫn (chết năm 2015) có 4 người con là Phạm Thị Tuyết (bị bệnh tâm thần từ nhỏ, chết năm 2016, không có chồng con), Phạm Văn C, Phạm Thị Kh, Phạm Thị H. Ông Bút hy sinh năm 1950, không có vợ con. Bà Tấn (chết năm 2003) có 7 người con là Nguyễn Văn K, Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị V, Nguyễn Thị N, Nguyễn Văn G, Nguyễn Văn B, Nguyễn Thị Nh. Ông Chính (hy sinh năm 1972) có vợ là Phạm Thị D, ông Chính và bà D không có con đẻ nhưng có con nuôi là chị Nguyễn Thị N (con gái bà Tấn).

Năm 1945 cụ Đàm chết và không để lại di chúc. Năm 1994 cụ Sen đã lập di chúc có nội dung cho hai con gái là Tấn và Nhẫn được thừa kế 03 gian nhà lợp ngói hướng Bắc Nam trên diện tích 538m2  đất và cho bà D được thừa kế 538m2  đất tại thôn Kim Đằng, Lam Sơn, Thị xã Hưng Yên (nay là Thành phố Hưng Yên). Ngày 25/6/2007 cụ Sen chết. Sau khi cụ Sen chết giữa bà Tấn, các con bà Nhẫn và bà D phát sinh tranh chấp. Anh Nguyễn Văn B, anh Phạm Văn C có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân Thành phố Hưng Yên

Xét kháng cáo của các đương sự :

[1]. Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp: Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ không có tài liệu nào thể hiện nguồn gốc thửa đất tranh chấp trước năm 1983 (trước khi lập bản đồ 299). Kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân phường Lam Sơn xác định: Nguồn gốc đất bà Phạm Thị D đang quản lý là của bố mẹ đẻ của cụ Đàm để lại. Tại sổ mục kê và bản đồ 299 thể hiện cụ Sen là người đứng tên 1076m2  đất (bao gồm đất thổ cư, đất vườn và đất ao). Tại đơn xin xác nhận quyền sở hữu nhà và quyền sở hữu đất của cụ Sen kèm theo bản di chúc cụ Sen lập năm 1994, phần nguồn gốc đất có ghi: “của cha ông để lại từ trước năm 1945”. Những tài liệu này phù hợp với lời khai của các đương sự, cụ thể: Nguyên đơn xác định nguồn gốc đất tranh chấp là của bố mẹ đẻ của cụ Đàm để lại cho vợ chồng cụ Đàm. Bà Nguyễn Thị Dũng là con cụ Giảng (em gái cụ Đàm) cũng xác định: đất là của bố mẹ cụ Đàm để lại cho cụ Đàm. Ông Phạm Văn Vinh (là cháu ruột cụ Sen) khẳng định: nguồn gốc đất là của các cụ để lại cho cụ Đàm, cụ Sen kết hôn với cụ Đàm và về ở trên đất.  Do vậy, có căn cứ xác định, toàn bộ diện tích đất bà Phạm Thị D đang sử dụng là của bố mẹ cụ Đàm để lại cho cụ Đàm quản lý, sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ Nguyễn Văn Đàm và cụ Phạm Thị Sen để lại gồm 1.136,8m2  đất bà D đang quản lý, sử dụng tại các thửa 20, 33 tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên là có căn cứ, đúng pháp luật. Bà D kháng cáo xác định toàn bộ diện tích đất tranh chấp là tài sản riêng của cụ Sen đã để lại cho bà thừa kế là không có cơ sở chấp nhận.

[2].  Xét yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của nguyên đơn:  căn cứ nội dung đơn khởi kiện và các lời khai của nguyên đơn đề nghị Tòa án xem xét giải quyết chia di sản thừa kế của cụ Đàm và cụ Sen để lại là 1.076m2 đất (theo bản đồ 299)  theo quy định của pháp luật. ½ di sản của cụ Đàm đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế nên đề nghị chia tài sản chung. Ngày 03/05/2018 nguyên đơn bổ sung kháng cáo, đề nghị: chia di sản của cụ Đàm theo pháp luật. Tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn đề nghị chia di sản thừa kế của cụ Đàm và cụ Sen để lại theo quy định của pháp luật. Do vậy để giải quyết vụ án được triệt để, cần phải xem xét toàn bộ khối di sản cụ Sen và cụ Đàm để lại.

[2.1] Về thời hiệu  khởi kiện chia thừa kế:

Cụ Đàm mất năm 1945, không để lại di chúc. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 30/8/1990  thì trong trường hợp người để lại di chúc chết trước ngày ban hành pháp lệnh thừa kế (30/8/1990) thì việc xác định thời hiệu thừa kế được tính từ ngày công bố pháp lệnh thừa kế: 10/9/1990. Đối chiếu với quy định của pháp luật nêu trên, tính đến thời điểm nguyên đơn khởi kiện, theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện  về thừa kế đối với di sản của cụ Đàm vẫn còn, nên yêu cầu khởi kiện của anh C và anh B chia thừa kế đối với phần di sản này có căn cứ chấp nhận.

Cụ Sen mất ngày 25/6/2007, để lại hai bản di chúc. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 tính đến thời điểm nguyên đơn khởi kiện ngày 06/10/2015 là còn thời hiệu khởi kiện chia thừa kế.

[2.2].  Xét bản di chúc lập ngày 19/4/1994, thấy: di chúc  được lập thành văn bản, có chứng thực của Phòng công chứng nhà nước số 2 tỉnh Hải Hưng. Về nội dung: Cụ Sen cho bà Phạm Thị D thừa kế 2 gian nhà lợp ngói hướng nam nằm trên diện tích đất 538m2; cho bà Nguyễn Thị Tấn và bà Nguyễn Thị Nhẫn thừa kế 3 gian nhà lợp ngói hướng Bắc nằm trên diện tích đất 538m2 tại thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hải Hưng (nay là thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Như đã phân tích ở trên, toàn bộ quyền sử dụng diện tích đất 1.076 m2  đất (theo di chúc) là di sản của cụ Đàm và cụ Sen. Cụ Đàm mất không để lại di chúc. Thời điểm cụ Sen  lập di chúc thì ½ diện tích đất này là di sản của cụ Đàm, cụ Sen không có quyền định đoạt. Do cụ Sen chỉ có quyền định đoạt đối với ½ khối tài sản nên theo nội dung di chúc, không thể xác định được phần tài sản cụ Sen có quyền định đoạt sẽ cho ai hưởng thừa kế. Mặt khác, vị trí và tài sản theo nội dung di chúc đến nay không còn tồn tại, nội dung di chúc không rõ ràng nên không có căn cứ để chia di sản thừa kế theo di chúc này.

Đối với bản di chúc lập ngày 01/9/2004 của cụ Phạm Thị Sen: Di chúc được lập thành văn bản, có chữ ký của hai người làm chứng là ông Phạm Văn Thuật và ông Phạm Tiến Minh, có xác nhận của trưởng thôn, cán bộ địa chính phường và đại diện UBND phường Lam Sơn.

Về hình thức: Cụ Sen là người không biết chữ. Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995: 1.Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc ..3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Điều 656 BLDS năm 1995 quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”.

Điều 658 BLDS năm 1995 quy định: “Việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã phường, thị trấn phải tuân thủ theo thủ tục sau: 1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi đã xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực ký vào bản di chúc”.

Bà D xác định: cụ Sen  nhờ  cháu viết hộ bản di chúc (nhưng không biết người viết hộ là ai). Sau khi bản di chúc được viết bà cùng cụ Sen lên UBND phường xin xác nhận (BL 374).

Bản di chúc có chữ ký 2 người làm chứng là ông Phạm Văn Thuật và ông Phạm Tiến Minh. Ông Thuật xác định không chứng kiến việc cụ Sen lập di chúc và không ra UBND phường để xác nhận vào di chúc, không biết di chúc do ai viết và viết trong hoàn cảnh nào, không có cán bộ UBND phường đến thẩm tra lại việc ký làm chứng trong bản di chúc (BL 269,378); Lời khai của ông Minh có nhiều mâu thuẫn với các đương sự khác, cụ thể tại BL 268 ông Minh xác định di chúc được lập tại UBND phường Lam Sơn có sự chứng kiến của ông, ông Thuật, ông Quang (trưởng thôn), ông Tuyến (cán bộ phụ trách địa chính); Bà Nguyễn Thị Hải, nguyên phó chủ tịch UBND phường Lam Sơn, ông Nguyễn Quang Tuyến, nguyên cán bộ địa chính phường Lam Sơn cùng xác định: cụ Sen đã lập sẵn bản di chúc mang đến UBND phường xin xác nhận, bản di chúc đã có chữ ký của những người làm chứng, người thừa kế, trưởng thôn ông Nguyễn Đức Quang.  Tại (BL 313)  bà Hải xác định: cụ Sen và bà D mang 1 bản di chúc đến UBND phường xin xác nhận, di chúc đã được điểm chỉ, bà đã về thôn Kim Đằng xác minh việc lập di chúc của cụ Sen hỏi trực tiếp những người làm chứng đã ký vào di chúc thì những người này đều xác định đã ký vào di chúc. Tại Biên bản lấy lời khai ngày 27/4/2018 bà Hải trình bày: không biết ai là người mang bản di chúc đến UBND phường. Khi đó di chúc đã được lập sẵn có chữ ký của ông Thuật, ông Minh, ông Quang và cán bộ địa chính phường. Bà đã xuống nhà cụ Sen để hỏi nguyện vọng của cụ và xuống nhà ông Quang để xác thực việc ông Quang ký vào bản di chúc. Tại UBND phường có mặt cụ Sen, bà D bà đã viết mẫu lời chứng được có sẵn vào bản di chúc; Ông Nguyễn Đức Tuyến cung cấp: Khi đến phường cụ Sen mang theo bản di chúc đã được lập sẵn, cụ Sen điểm chỉ tại UBND phường. Do di chúc đã được lập sẵn nên không biết di chúc do ai viết ( BL 376). Tại biên bản lấy lời khai ngày 27/4/2018 ông Tuyến trình bầy: Bà D trở cụ Sen đến UBND phường mang theo bản di chúc. Khi đó UBND phường có: tôi, bà Hải (Phó chủ tịch UBND phường), bà D và cụ Sen, sức khỏe cụ Sen bình thường. Di chúc khi mang đến phường đã được lập sẵn và có chữ ký của những người làm chứng, chúng tôi đã đọc lại cho cụ Sen nghe và cụ Sen đã điểm chỉ vào di chúc trước mặt chúng tôi.

Như vậy lời khai của những người làm chứng về việc cụ Sen lập di chúc là ông Thuật, ông Minh có mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của bà Hải, ông Tuyến. Thể hiện không có việc ông Thuật, ông Minh chứng kiến cụ Sen lập di chúc và điểm chỉ vào di chúc.

Lời khai của bà Hải, ông Tuyến có mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với chính lời khai của họ. Bà Hải xác định không biết ai là người mang bản di chúc đến UBND phường, khi chứng thực chỉ có mặt bà, cụ Sen và bà D; Ông Tuyến lại xác định ông và bà Hải cùng có mặt và chứng kiến cụ Sen điểm chỉ vào di chúc. Trong khi đó việc xác nhận của cán bộ địa chính và đại diện UBND phường được thực hiện ở hai thời điểm khác nhau. Xác nhận của cán bộ địa chính trong di chúc vào ngày 14/09/2004, xác nhận của UBND phường ngày 19/9/2004.

Từ lời khai của những người làm chứng có căn cứ xác định: Di chúc ngày 01/9/2004 đã được lập trước khi được mang đến UBND phường xin chứng thực (di chúc lập ngày 01/9/2004 được UBND phường xác nhận ngày 19/9/2004), không xác định được di chúc lập ở đâu, do ai viết; lời chứng thực tại bản di chúc được viết theo mẫu có sẵn. Mặt khác, tại thời điểm lập di chúc năm 2004 cụ Sen tuổi, theo ông Phạm Văn Vinh (là cháu ruột cụ Sen) xác định: Trước khi mất khoảng 10 năm tình trạng sức khỏe của cụ Sen yếu, lẩm cẩm, trí óc không còn minh mẫn phù hợp với lời khai của nguyên đơn và những người có quyền lợi liên quan.

Từ những phân tích trên, thấy di chúc ngày 01/9/2004 không tuân thủ đúng trình tự thủ tục lập di chúc của người không biết chữ; di chúc có người làm chứng cũng như việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 652, 656, 658 Bộ luật dân sự năm 1995

+ Về nội dung: Toàn bộ quyền sử dụng diện tích đất 1.168m2 đất (theo di chúc) là  tài sản chung của cụ Đàm và cụ Sen. Cụ Đàm mất không để lại di chúc.

Thời điểm cụ Sen lập di chúc thì ½ diện tích đất này là di sản của cụ Đàm, cụ Sen không có quyền định đoạt.

Do di chúc ngày 01/9/2004 không đảm bảo theo quy định của pháp luật về mặt hình thức và nội dung nên không có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 640 BLDS 2015 thì: việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc phải do người lập di chúc thực hiện. Tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định di chúc có hợp pháp hay không để từ đó xác định hiệu lực của di chúc theo quy định tại Điều 643 Bộ luật dân sự 2015. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, hủy di chúc của cụ Sen lập năm 2004 đối với diện tích đất là di sản của cụ Đàm là không chính xác. Do đó, kháng cáo của bà D liên quan đến nội dung này có căn cứ chấp nhận.

Ngoài 2 bản di chúc trên, ngày 20/05/2001 cụ Sen còn có biên bản bàn giao tài sản được hưởng thừa kế cho bà Phạm Thị D gồm 3 gian nhà tình nghĩa, toàn bộ đất thổ cư và tài sản trên đất. Biên bản có điểm chỉ của cụ Sen, chữ ký của bà D, bà Nhẫn, người làm chứng là ông Vẻ, ông Nền và xác nhận cuả UBND  phường  Lam  Sơn  đề  ngày  31/05/2001; Biên  bản  họp  họ  ngày 30/05/2001, nội dung: họp họ để đọc lại biên bản bàn giao tài sản cho bà D, có chữ ký của ông Thuật, ông Ao, ông Vinh, ông Vẻ, bà D và bà Nhẫn. Hiện bà Nhẫn, ông Ao đã chết; ông Vẻ bị tai biến không còn minh mẫn. Ông Thuật khai không nhớ nội dung cuộc họp. Ông Vinh trình bầy: có tham gia và ký vào biên bản họp họ, nhưng không được nghe biên bản bàn giao tài sản, không biết lập ở đâu và không ký tên làm chứng. Ông Nền xác định: là người viết biên bản họp họ, cuộc họp đó chủ yếu do ông Vẻ chủ trì, đọc cho ông viết biên bản, nội dung biên bản họp họ thể hiện đọc lại biên bản bàn giao tài sản cho bà D, nhưng thực tế 10 ngày sau bà D mới mang biên bản bàn giao tài sản đến nhà cho ông ký, ông không biết biên bản do ai viết, viết ở đâu. Như vậy, biên bản bàn giao tài sản ngày 20/5/2001 không biết do ai viết, không tuân thủ quy định của pháp luật về di chúc có người làm chứng nên không có giá trị.

Từ những căn cứ trên, có cơ sở xác định bản di chúc lập ngày 19/4/1994 và ngày 01/9/2004 là di chúc không hợp pháp. Do đó cần áp dụng quy định của pháp luật để chia thừa kế toàn bộ khối di sản cụ Sen và cụ Đàm để lại theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[3]. Về di sản thừa kế:

[3.1]. Về diện tích đất di sản: Theo sổ mục kê và bản đồ 299 đất di sản của cụ Phạm Thị Sen và cụ Nguyễn Văn Đàm nằm tại 3 thửa đất số 74, 97, 98 có tổng diện tích 1.076m2; theo bản đồ VLap tổng diện tích đất gia đình cụ Sen là 1.185,4m2.

Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ thể hiện: Thửa đất tranh chấp có diện tích 1.136,8 m2, trong đó có 699m2 đất thổ cư, 229,5m2 đất trồng cây lâu năm khác (vườn) và 208,3m2 đất ao. Tổng giá trị:  4.021.100.000 đồng. Trên đất có một số cây cối trị giá 66.300.000 đồng. Ngoài ra, trên đất còn có 1 ngôi nhà tình nghĩa cấp 4 và công trình phụ, các đương sự không yêu cầu định giá. Lý giải về diện tích đất có biến động UBND phường Lam Sơn  cung cấp: Nguyên nhân diện tích đất tranh chấp thực tế theo hiện trạng ít hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do địa phương mở rộng đường giao thông nông thôn đã lấn vào. Diện tích đất này gia đình  cụ Sen ở ổn định lâu dài, không tranh chấp nên thuộc diện được xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do đó, có cơ sở xác định khối tài sản chung của cụ Đàm và cụ Sen là 1.136,8m2 đất bao gồm: đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm khác (vườn) và đất ao. Các nguyên đơn tự nguyện đề nghị Tòa phân chia theo diện tích và không yêu cầu các bên phải trả chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất cho nhau là phù hợp nên có cơ sở chấp nhận.

[3.2]. Cụ Đàm mất từ năm 1945, năm 1959 bà D kết hôn với ông Chính và về sống tại đất tranh chấp cùng cụ Sen. Cụ Sen, bà D có công trông nom, tôn tạo thửa đất nên cần xem xét áng trích công sức bảo quản, trông nom, tôn tạo tài sản cho cụ Sen và bà D tương ứng với 500m2  đất. Phần diện tích đất này nên giao cho bà D được hưởng. Sau khi trừ phần áng trích công sức tôn tạo, trông nom khối di sản trên cho bà D. Di sản của cụ Đàm, cụ Sen để lại còn 636,8m2 đất, phần của cụ Đàm và cụ Sen để lại (mỗi người = ½= 318,4m2)

+ Phần di sản của cụ Đàm để lại là 318,4m2 đất: hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đàm gồm 5 người: Cụ Sen, bà Tấn, ông Bút, bà Nhẫn, ông Chính. Mỗi người sẽ được hưởng 1/5 di sản của cụ Đàm để lại bằng 63,68m2 đất

+ Ông Bút hy sinh năm 1950, không có vợ con nên cụ Sen (là mẹ đẻ) sẽ được hưởng phần di sản ông Bút để lại

+ Ông Chính hy sinh năm 1972, có vợ là bà D. Ông Chính và bà D không có con đẻ nhưng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án đã xác định: ông Chính và bà D có nhận chị Nguyễn Thị N (con của bà Tấn) làm con nuôi. Mặc dù việc nhận con nuôi không có văn bản giấy tờ do thời điểm này Luật chưa quy định việc nhận nuôi con nuôi phải thể hiện bằng văn bản. Căn cứ vào hồ sơ quân nhân ông Chính khai trước khi nhập ngũ, căn cứ vào giấy báo tử của ông Nguyễn Văn Chính, lời khai của chị N, vợ chồng bà Dùng, ông Thuật (cô ruột của ông Chính) và các nguyên đơn đều xác định khi ông Chính đi bộ đội có nhận chị N làm con nuôi, chị N ở với bà D đến khi đi lấy chồng. Do vậy có đủ căn cứ xác định chị N là con nuôi hợp pháp của ông Chính bà D. Chị N, bà D và cụ Sen mỗi người sẽ được hưởng 1/3 di sản của ông Chính để lại bằng 21,22m2 đất

+ Phần di sản của cụ Sen gồm: 318,4m2  (Phần di sản trong khối tài sản chung với cụ Đàm)  + 63,68m2  đất (phần cụ Sen được thừa kế của cụ Đàm) + 63,68m2  đất (phần cụ Sen được thừa kế của ông Bút) + 21,22 m2 (phần cụ Sen được thừa kế của ông Chính) = 466.98m2 +  Nhà tình nghĩa + Công trình phụ + cây cối. Quá trình Tòa án giải quyết đã xác định ngôi nhà tình nghĩa + Công trình phụ + cây cối là do cụ Sen và bà D thêm tiền xây dựng, trồng trọt. Do các đương sự không yêu cầu giải quyết nên cần giao toàn bộ phần tài sản này cho bà D quản lý là phù hợp. Đối với phần diện tích đất là di sản của cụ Sen sẽ chia thừa kế theo pháp luật.

Cụ Sen mất năm 2007, hàng thừa kế thứ nhất của cụ Sen gồm: bà Nhẫn, con ông Chính (được hưởng thừa kế thế vị) và các con bà Tấn (được hưởng thừa kế thế vị). Do vậy mỗi  kỷ phần được hưởng 1/3 di sản  của cụ  Sen  bằng 155.66m2

Các đương sự được hưởng thừa kế cụ thể như sau:

- Các con bà Tấn gồm: Anh K, chị T, chị V, anh G, chị N, chị Nh, anh B mỗi người được hưởng 1/7 di sản của bà Tấn được hưởng của cụ Đàm  và 1/7 được hưởng thừa kế thế vị của cụ Sen   = (63,68m2  :7 ) + (155.66m2  :7 ) = 31.33m2 đất

- Các con bà Nhẫn gồm: Anh C, chị Kh, chị H mỗi người được hưởng 1/3 di sản của bà Nhẫn = 1/3 di sản của bà  Nhẫn được hưởng của cụ Đàm và 1/3 di sản bà Nhẫn được hưởng thừa kế di sản của cụ Sen = (63,68m2 : 3 ) + (155.66m2: 3 ) = 73.1 m2 đất.

- Chị N (con nuôi ông Chính) được hưởng:  1/3 di sản của ông Chính (do được thừa kế di sản của cụ Đàm) + 1/3 di sản của cụ Sen (được thừa kế thế vị) + 1/7 di sản của bà Tấn = 21,22 m2 + 155.66m2 + 31.33m2 =  208.2 m2 đất.

- Bà D được hưởng: Phần diện tích đất áng trích công sức bằng 500 m2 + 1/3 di sản của ông Chính (do được thừa kế di sản của cụ Đàm) = 521,22 m2 đất. Giao cho bà D phần đất có diện tích đất thổ cư nhiều hơn để bảo đảm giá trị sử dụng đất cũng như quyền lợi của bà D.

Anh K, chị T, chị V, anh G, chị Nh (con bà Tấn) đều ủy quyền cho anh Nguyễn Văn B nhận di sản được chia; chị Kh, chị H (con bà Nhẫn) có giấy ủy quyền cho anh Phạm Văn C nhận di sản được chia. Bởi vậy kỷ phần thừa kế của các anh chị trên sẽ được giao chung cho người được ủy quyền nhận là đảm bảo về quyền lợi của người hưởng di sản cũng như giá trị sử dụng đất.

Về tài sản trên đất  gồm: 04 cây na, 16 cây nhãn, 01 cây mít, 01 cây bưởi, 165 cây chuối. Tổng trị giá cây cối là 66.300.000đồng. Những cây cối này xác định do bà D trồng và chăm sóc nên khi phân chia đất di sản những cây lâu năm nằm trên phần đất được chia của thừa kế nào người đó có trách nhiệm trả giá trị tài sản cho bà D; đối với 165 cây chuối do bà D trồng bà D có trách nhiệm di chuyển hoặc phá bỏ để trả lại mặt bằng đất cho các thừa kế.

Đối với 01 nhà cấp 4 là nhà tình nghĩa, 01 bếp, 02 bể nước, sân gạch (các đương sự tự nguyện không yêu cầu định giá ) hiện bà D đang sử dụng nên tiếp tục giao cho bà D quản lý sử dụng để ổn định cuộc sống; nhà vệ sinh, tường bao nằm trên phần đất được chia của thừa kế nào người đó được hưởng.

Đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL 072243 do Ủy ban nhân dân thành phố Hưng Yên cấp cho bà Phạm Thị D ngày 29/6/2012, thấy: Mặc dù, yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, nhưng yêu cầu này có liên quan trực tiếp đến quá trình giải quyết vụ án. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của  cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Do không có quy định về thời hiệu hủy quyết định cá biệt khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm hủy GCNQSDĐ số BL 072243 do UBND thành phố Hưng Yên cấp ngày 29/6/2012 cho hộ bà Phạm Thị D là có căn cứ đúng quy định của pháp luật. Bởi vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị D và đề nghị của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn.

Từ những phân tích trên có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phạm Thị D, chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Bà D, anh C, anh B không phải chịu án phí phúc thẩm. Bà D, chị N được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phạm Thị D; chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn anh Nguyễn Văn B và Phạm Văn C. Sửa bản án dân sự sơ thẩm.

Áp dụng: Điều 650, 652, 653, 656, 658 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 623, 643, 649, 650, 651, 652, 653, 658, 660 Bộ luật dân sự năm 2015.

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Nguyễn Văn B và anh Phạm Văn C.

1. Tuyên bố bản di chúc lập ngày 19/4/1994 và ngày 01/9/2004 là vô hiệu.

2. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn Đàm và cụ Phạm Thị Sen gồm: bà Nguyễn Thị Tấn, ông Nguyễn Văn Bút, bà Nguyễn Thị Nhẫn và ông Nguyễn Văn Chính.

3. Xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Đàm và cụ Phạm Thị Sen để lại gồm: 1.136,8m2 đất (trong đó có 699m2 đất thổ cư, 229,5m2 đất trồng cây lâu năm khác (vườn) và 208,3m2  đất ao). Trị giá 4.021.100.000đồng nằm tại các thửa 20, 33 tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có 01 nhà cấp 4 (do cụ Sen được hỗ trợ tiền xây nhà tình nghĩa), 01 bếp, 02 bể nước, sân gạch, nhà vệ sinh, tường bao (không định giá) và  04 cây na, 16 cây nhãn, 01 cây mít, 01 cây bưởi, 165 cây chuối trị giá 66.300.000 đồng. Chấp nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn phân chia đều đất di sản theo m2, không tính theo mục đích sử dụng đất.

4. Áng trích công sức trông nom, tôn tạo di sản cho bà Phạm Thị D bằng 500m2 đất từ di sản thừa kế của cụ Đàm, cụ Sen.

Giao cho bà Phạm Thị D quản lý, sử dụng 521,2 m2 đất (trong đó có 444 m2 đất thổ cư và 77,2 m2  đất vườn). Trị giá 2.152.400.000 đồng ( hai tỷ một trăm năm mươi hai triệu, bốn trăm ngàn đồng). Nằm tại các thửa 20, 33 tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có có 01 nhà cấp 4, 01 bếp, 02 bể nước, sân gạch, 09 cây nhãn, 01 cây mít, 03 cây na

Giao cho chị Nguyễn Thị N quản lý, sử dụng 208.2 m2 đất (trong đó có 112,7 m2 đất thổ cư, 55,5 m2 đất vườn và 40 m2 đất ao). Trị giá 698.150.000đ (sáu trăm  chín mươi tám triệu, một trăm lăm mươi ngàn đồng). Nằm tại các thửa 20, 33 tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có 01 nhà vệ sinh, 03 cây nhãn, 01 cây Na. Chị N phải trả tiền tài sản trên đất cho bà D bằng: 13.630.000đồng (mười ba triệu, sáu trăm ba mươi ngàn đồng). 

Giao cho anh Nguyễn Văn B (đại diện cho những người hưởng thừa kế của bà Nguyễn Thị Tấn gồm: Anh K, chị T, chị V, anh G,chị Nh, anh B)  quản lý, sử dụng 188,1 m2  đất. (trong đó có 65,9 m2  đất thổ cư, 48,5 đất vườn và73,7 m2 đất ao). Trị giá: 540.950.000đ (năm trăm bốn mươi  triệu, chín trăm lăm mươi ngàn đồng). Nằm tại các thửa 20, 33 tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có 01 cây nhãn. Anh K, chị T, chị V, anh G, chị Nh, anh B phải trả tiền tài sản trên đất cho bà D bằng: 4.500.000 đồng (bốn triệu năm trăm ngàn đồng).

Giao cho anh Phạm Văn C ( đại diện cho những người hưởng thừa kế của bà Nguyễn Thị Nhẫn gồm: Anh C, chị Kh, chị H)  quản lý, sử dụng 219,3 m2 đất. (trong đó có 76,4 m2 đất thổ cư;  48,3 m2   đất vườn  và  94,6 m2 đất ao). Trị giá: 629.600.000đồng ( sáu trăm hai mươi chín ngàn, sáu trăm đồng). Nằm tại các thửa 20, 33 tờ bản đồ số 58 thuộc xóm 5, thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Trên đất có 02 cây nhãn, 01 cây bưởi. Anh C, chị Kh, chị H phải trả tiền tài sản trên đất cho bà D bằng: 9.330.000 đồng (chín triệu, ba trăm ba mươi ngàn đồng).

Các thửa đất giao các đương sự quản lý, sử dụng đều có sơ đồ kèm theo

5. Hủy GCNQSDĐ số BL 072243 do UBND thành phố Hưng Yên cấp ngày 29/6/2012 cho hộ bà Phạm Thị D đối với 1.185,9m2 đất tại các thửa số 20, 33, tờ bản đồ số 58, vị trí đất tại xóm 5, Kim Đằng, Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

6. Về án phí:

Anh Nguyễn Văn B (đại diện cho những người hưởng thừa kế của bà Nguyễn Thị Tấn) phải chịu 27.272.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm, không phải chịu án phí phúc thẩm. Đối trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm anh B đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 002984 ngày 08/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Hưng Yên. Anh B còn phải nộp 26.972.500 đồng.

Anh Phạm Văn C (đại diện cho những người hưởng thừa kế của bà Nguyễn Thị Nhẫn) phải chịu 31.946.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm, không phải chịu án phí phúc thẩm. Đối trừ số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm anh C đã nộp là 4.350.000 đồng theo biên lai thu số 00240 ngày 26/10/2015 và 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 002985 ngày 8/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Hưng Yên. Anh C còn phải nộp 27.296.500 đồng.

Hoàn trả bà Phạm Thị D 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 002980 ngày 04/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Hưng Yên

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị THA hợp pháp, nếu  bên phải thi hành chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải chịu lãi suất chậm trả tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3323
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2018/DS-PT ngày 18/07/2018 về tranh chấp di sản thừa kế

Số hiệu:18/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:18/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về