TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ TAM ĐIỆP- TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 18/2017/HSST NGÀY 25/08/2017 VỀ TỘI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP VẬT LIỆU NỔ
Ngày 25 tháng 8 năm 2017 tại Trụ Sở Tòa án nhân dân thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 18/2017/HSST ngày 04 tháng 8 năm 2017 đối với các bị cáo:
- Họ và tên: Phạm Đa Q; tên gọi khác: không; Sinh ngày: 05/9/1978 tại huyện Y, tỉnh Ninh Bình; Giới tính: Nam
Nơi cư trú: Thôn 3, xã Đ, thành phố T, tỉnh Ninh Bình; trình độ văn hóa: 5/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; dân tộc: Kinh; con ông: Phạm Đa L, sinh năm 1952 và bà: Lương Thị V, sinh năm 1950; vợ: Hoàng Thị M, sinh năm 1980; có hai con, lớn sinh năm 2003, nhỏ sinh năm 2010; tiền án, tiền sự : không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú"; hiện đang chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 30 ngày 17/4/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Tam Điệp cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
- Họ và tên: Ngô Ngọc Th; tên gọi khác: không; sinh ngày: 04/5/1971 tại huyện Th, tỉnh Thanh Hóa.
Nơi cư trú: Thôn 1, xã Đ, thành phố T, tỉnh Ninh Bình; trình độ văn hóa: 7/10; nghề nghiệp: Lao động tự do; dân tộc: Kinh; con ông: Ngô Văn Th sinh năm 1930 (đã chết) và bà Lê Thị B, sinh năm 1930; vợ: Nguyễn Thị V, sinh năm 1972; có hai con, lớn sinh năm 1999, nhỏ sinh năm 2003; tiền án, tiền sự : không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú"; hiện đang chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú số 31 ngày 17/4/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Tam Điệp cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
- Người làm chứng:
+ Ông Trần Công Đ, sinh năm 1958; trú tại: Thôn Kh, xã Y, thành phố T, Ninh Bình(vắng mặt).
+ Anh Hoành Văn D, sinh năm 1982; trú tại: Thôn Y, xã Y, thành phố T, Ninh Bình(vắng mặt).
+ Chị Hoàng Thị M, sinh năm 1980; trú tại: Thôn 3, xã Đ, thành phố T, Ninh Bình(có mặt).
+ Anh Phạm Đa T, sinh năm 1986; trú tại: Thôn 8, xã Đ, thành phố T, Ninh Bình(vắng mặt).
NHẬN THẤY
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phạm Đa Q có quen biết với anh Hoàng Văn D, sinh năm 1982, trú tại xã Y, thành phố T, tỉnh Ninh Bình; làm nghề lái máy xúc. Quá trình làm đường, do vướng đá nên ông Trần Công Đ, sinh năm 1958, ở cùng xã với anh D là chủ thầu công trình, có nhờ anh D tìm người để thuê phá đá. Khoảng 10 giờ ngày 23/3/2017, anh D gọi điện thoại cho Phạm Đa Q về việc thuê phá đá tại thôn K, xã Y để làm đường; Q đồng ý và có gọi điện rủ Ngô Ngọc Th cùng đi nhận làm phá đá; Th đồng ý. Sau đó, Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th cùng lên thôn K, xã Y, thành phố T gặp anh Hoàng Văn D dẫn đến vị trí các tảng đá cần phá rồi gặp ông Trần Công Đ để thỏa thuận về việc phá đá. Ông Đ nói với Q “Chúng tôi đang thi công tuyến đường liên thôn thì vướng mắc 03 tảng đá bên đường, các anh có phá được các tảng đá này không”; Q xem các tảng đá rồi nói với ông Đ là phá được. Q và ông Đ thỏa thuận tiền công phá đá là 6.000.000 (sáu triệu) đồng với cách thức sử dụng bột nở phá các tảng đá này và hẹn sáng 24/3/2017 sẽ lên làm. Sau khi thỏa thuận với ông Đ, trên đường về nhà, mặc dù cả Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th đều không được cấp phép quản lý và sử dụng vật liệu nổ nhưng Q đã bàn với Th là dùng thuốc nổ để phá đá cho nhanh, vì các tảng đá này đều dày và lớn, nếu dùng bột nở phá sẽ mất nhiều thời gian; Th đồng ý. Q nói với Th “sáng mai anh cứ mang máy và các dụng cụ khoan lên khoan trước đi, tôi sẽ mang thuốc nổ và kíp nổ lên sau”. Sáng ngày 24/3/2017, Th điều khiển máy ép khí tự tạo 03 bánh và 2 mũi khoan của Th, mang theo búa khoan của Phạm Đa Q (để tại nhà Th) lên chỗ phá đá ở thôn K, xã Y, thành phố T, khoan lỗ nhồi thuốc nổ trước. Khoảng 9 giờ ngày 24/3/2017, Q lấy 2,4kg thuốc nổ Anfo và 25 kíp nổ ở khu bếp của gia đình Q, bỏ vào 01 túi ni lông màu trắng và cho vào cốp xe mô tô, nhãn hiệu Wave anpha, màu đỏ, BKS 35B1-05xxx (Q mượn của em trai Phạm Đa T, sinh năm 1986, ở cùng xã) rồi đi đến vị trí phá đá. Khi lên đến nơi, Q thấy Th đã khoan được 03 lỗ nhồi thuốc nổ trên tảng đá thứ nhất có kích thước(4,2 x 3,1 x 3,7)m. Q bảo Th khoan thêm lỗ nhồi thuốc nổ trên 02 tảng đá còn lại để sử dụng hết số thuốc nổ mang theo; còn Q đi mua dây điện và pin để kích nổ. Q ra chợ Vĩnh Khương xã Y mua 20m dây điện và 04 cối pin Con Thỏ treo ở giá đèo hàng trước của xe mô tô BKS 35B1-05xxx rồi quay trở lại chỗ Th. Lúc này, Th đã khoan thêm được 02 lỗ nhồi thuốc nổ trên tảng đá thứ hai có kích thước (3,8 x 3,7 x 3,45)m và đang khoan 01 lỗ nhồi thuốc nổ thứ sáu trên tảng đá thứ 3 có kích thước (3,5 x 3,4 x 3,2)m. Thấy vậy, Q bảo Th khoan sâu thêm để tiến hành nhồi thuốc nổ rồi kích nổ thì Công an thành phố Tam Điệp đến kiểm tra, thu giữ trong cốp xe BKS 35B1-05xxx và tiến hành niêm phong theo quy định của pháp luật đối với 01 túi ni lông đựng 2,4kg hạt màu trắng và 25 vật hình trụ tròn, vỏ kim loại màu trắng, kích thước 4,75cm, một đầu được kết nối với đoạn dây điện kép màu đỏ; Q khai nhận là thuốc nổ loại Anfo và kíp nổ. Ngoài ra còn thu giữ 20m dây điện màu vàng, trên dây điện có dòng chữ "TIEN PHONG" và 04 cối pin nhãn hiệu con thỏ, hình trụ, trên pin có dòng chữ RABBIT tại giá để hàng của xe mô tô 35B1-05xxx; 01 búa khoan bằng kim loại, kích thước (50 x 36)cm; 02 mũi khoan bằng kim loại, 01 mũi dài 105cm, hình trụ, 06 cạnh và 01 mũi dài 151cm; 01 bộ máy ép khí tự tạo dài 247cm, rộng 88cm, cao 108cm, 03 bánh, 03 dây cu loa, 02 bình chứa hơi.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Tam Điệp tiến hành khám xét khẩn cấp tại nhà ở của Phạm Đa Q, thu giữ và tiến hành niêm phong theo quy định của pháp luật đối với 01 túi ni lông màu trắng bên trong đựng các hạt trắng, có trọng lượng 1,6kg; 01 túi ni lông màu hồng, bên trong có đựng các hạt màu trắng, có trọng lượng 0,2kg; 03 vật hình trụ tròn (dạng thỏi), bên ngoài bọc bao bì xác rắn, chiều dài mỗi vật 35cm, trên bao bì có in chữ NT-13, bên trong có chất dẻo màu vàng và có tổng trọng lượng 6,1kg; 01 túi ni lông màu trắng bên trong có 26 vật hình trụ tròn (dạng thỏi), chiều dài mỗi vật 25cm được bọc bằng giấy màu nâu, trên giấy có in chữ NT-13, bên trong có chất dẻo màu vàng, có tổng trọng lượng 5,5kg; 01 túi ni lông màu trắng bên trong có 07 vật hình trụ tròn (dạng thỏi), được bọc bằng giấy màu nâu, đã bị gẫy rời có chiều dài lần lượt là 09cm, 09cm, 07cm, 05cm, 04cm, 04cm, 03cm, bên trong đều có hỗn hợp chất bột màu xám trắng lẫn bột gỗ, có tổng trọng lượng 0,4kg.
Ngày 25/3/2017 và 29/3/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Tam Điệp đã tiến hành mở niêm phong số vật chứng thu được tại cốp xe và nhà ở của Phạm Đa Q, cân xác định trọng lượng như đã nêu ở trên và lấy mẫu gửi đi trưng cầu giám định các hạt màu trắng, các chất dẻo màu vàng, hỗn hợp chất bột màu xám trắng lẫn bột gỗ và vật bằng kim loại, màu trắng, hình trụ tròn, kích thước 4,75cm, một đầu được kết nối với dây điện kép màu đỏ.Tại Bản kết luận giám định số 07 ngày 31/3/2017 và số 08 ngày 10/4/2017 của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình kết luận: các hạt màu trắng là thuốc nổ Anfo, các chất dẻo màu vàng là thuốc nổ nhũ tương, hỗn hợp chất bột màu xám trắng lẫn bột gỗ là thuốc nổ Amonit, đều là thuốc nổ công nghiệp và được kích nổ bằng kíp nổ; vật bằng kim loại, màu trắng, hình trụ tròn, kích thước 4,75cm, một đầu được kết nối với đoạn dây điện kép màu đỏ là kíp nổ điện, vỏ nhôm số 8, dùng kích nổ khối thuốc nổ; toàn bộ vật liệu nổ công nghiệp trên còn sử dụng được.
Quá trình điều tra các bị cáo Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th không có ý kiến hay khiếu nại gì về kết luận giám định của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình.
Bản cáo trạng số 19/CT-VKS ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp truy tố bị cáo Phạm Đa Q về tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" và tội "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ", áp dụng Điều 232 khoản 1 của Bộ luật hình sự. Truy tố bị cáo Ngô Ngọc Th về tội “Sử dụng trái phép vật liệu nổ” áp dụng Điều 232 khoản 1 của Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa các bị cáo Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo không tranh luận với đại diện Viện kiểm sát về tội danh cũng như hình phạt và nói lời sau cùng xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố hành vi của bị cáo Phạm Đa Q đủ yếu tố cấu thành tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" và tội "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ" và bị cáo Ngô Ngọc Th đủ yếu tố cấu thành tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" .
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:
- Tuyên bố bị cáo Phạm Đa Q phạm tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" và tội "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ", bị cáo Ngô Ngọc Th phạm tội “Sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
- Áp dụng khoản 1 Điều 232; Điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Đa Q từ 13 đến 15 tháng tù về tội “Sử dụng trái phép vật liệu nổ” và từ 12 đến 15 tháng tù về tội "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ". Áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự buộc bị cáo Phạm Đa Q phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội . Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 232; Điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Ngô Ngọc Th từ 12 đến 13 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Việc xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự; điểm a, đ khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị định 26/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: tịch thu tiêu hủy 04 cối pin Con Thỏ không còn giá trị sử dụng; tịch thu sung quỹ Nhà nước 20m dây điện, 01 búa khoan bằng kim loại, 02 mũi khoan bằng kim loại, 01 bộ máy ép khí tự tạo là công cụ các bị cáo dùng vào việc phạm tội; giao cho Ban chỉ huy Quân sự thành phố Tam xử lý theo quy định của pháp luật 15653,79 gam thuốc nổ, gồm: thuốc nổ Anfo 4148,96 gam, thuốc nổ Amonit 371,5 gam, thuốc nổ nhũ tương 11133,33 gam và 25 kíp nổ.
XÉT THẤY
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an thành phố Tam Điệp, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Tam Điệp, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, phù hơp với lời khai của những người làm chứng (BL147 đến 162). Hành vi của cá bị cáo còn được chứng minh bằng biên bản sự việc ngày 24/3/2017 (BL32 đến 33), biên bản khám nghiệm hiện trường (BL35 đến 37); biên bản mở niêm phong, cân xác định khối lượng và giao nhận đối tượng giám định (BL56 đến 58), kết luận giám định số 07 ngày 31/3/2017 (BL65 đến 66) và số 08 ngày 10/4/2017 (BL69 đến 70) của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình, tang vật, các tài liệu và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đầy đủ cơ sở kết luận: Ngày 24/3/2017 tại thôn K, xã Y, thành phố T, Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th đều không có giấy phép quản lý và sử dụng vật liệu nổ, đã cùng thực hiện hành vi khoan lỗ nhồi thuốc nổ; mang theo 2,4kg Anfo và 25 kíp nổ điện để phá đá thì bị Công an thành phố Tam Điệp phát hiện, thu giữ 2,4kg thuốc nổ Anfo và 25 kíp nổ điện, vỏ nhôm số 8; 20m dây điện; 04 cối pin con thỏ và toàn bộ công cụ khoan đá. Theo quy định tại khoản 1 Điều 232 Bộ Luật Hình sự thì “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Như vậy, hành vi sử dụng vật liệu nổ là 2,4 kg Anfo và 25 kíp nổ điện để phá đá trái phép của bị cáo Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th vào ngày 24/3/2017 đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng trái phép vật liệu nổ” quy định tại khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự. Đối với Phạm Đa Q còn có hành vi cất giấu trái phép 1,8kg thuốc Anfo, 0,4kg thuốc nổ Amonit; 11,6kg thuốc nổ nhũ tương; tổng cộng là 13,8kg thuốc nổ tại nhà ở thôn 3, xã Đ, thành phố T, tỉnh Ninh Bình nhằm mục đích sử dụng bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Tam Điệp phát hiện, thu giữ ngày 24/3/2017. Hành vi của Phạm Đa Q đã phạm tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 232 khoản 1 của Bộ luật Hình sự, cụ thể: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.
[3] Hành vi phạm tội của các bị cáo là cố ý và nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với vật liệu nổ. Hành vi phạm tội của các bị cáo thể hiện sự liều lĩnh và coi thường pháp luật. Các bị cáo cùng cố ý thực hiện hành vi sử dụng trái phép vật liệu nổ nhưng chỉ là sự đồng phạm giản đơn không có sự câu kết chặt chẽ với nhau. Do vậy cần phải có hình phạt thích đáng đối với các bị cáo, buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là chính xác và đúng pháp luật, có như vậy mới có tác dụng cải tạo và giáo dục các bị cáo trở thành công dân sống có ích cho xã hội và gia đình.
[4] Xét vai trò, trách nhiệm hình sự của từng bị cáo trong vụ án:
- Đối với bị cáo Phạm Đa Q là người đã đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Khi được ông Trần Công Đ thuê phá đã làm đường thì bị cáo đã rủ bị cáo Th dùng thuốc nổ trái phép để phá đá khi bị cáo Th đồng ý thì bị cáo là người chuẩn bị vật liệu nổ và một số công cụ cùng với Th để phá đá và sau khi khám xét nhà ở của bị cáo cơ quan công an còn thu giữ 13,8kg thuốc nổ các loại. Do vậy các hành vi của bị cáo Q cần được xử lý nghiêm minh đề đảm bảo kỷ cương của pháp luật. Cần buộc bị cáo phải chịu hình phạt tù cách ly ra khỏi đời sống xã hội một thời gian tương xứng với hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Tuy nhiên khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử có xem xét đến việc bị cáo không có tình tiết tăng nặng, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, bản thân bị cáo phạm tội với mục đích vì cuộc sống khó khăn, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay bị cáo khai báo thành khẩn, bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, xác nhận của chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú trong đơn xin giảm nhẹ hình phạt được quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.
- Đối với bị cáo Ngô Ngọc Th cũng là người đã đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Khi được bị cáo Q rủ dùng thuốc nổ trái phép để phá đá cho ông Trần Công Đ thì đã đồng ý, bị cáo đã chuẩn bị công cụ phạm tội như máy ép khí, mũi khoan, búa khoan và trong khi chờ bị cáo Q đi mua một số công cụ khác thì bị cáo đã chủ động khoan các lỗ để đặt thuốc nổ. Do vậy hành vi phạm tội của bị cáo cũng cần phải được xử lý nghiêm minh, buộc bị cáo phải chịu hình phạt tù cách ly ra khởi đời sống xã hội một thời gian tương xứng với hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Tuy nhiên khi quyết định hình phạt hội đồng xét xử có xem xét đến việc bị cáo không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo khai báo thành khẩn được quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
[5] Đối với 01 xe mô tô BKS 35B1-05xxx là anh Phạm Đa T cho bị cáo Phạm Đa Q mượn nhưng anh T không biết Q mượn xe mô tô của mình để chở thuốc nổ mang đi sử dụng. Việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Tam Điệp đã trả lại 01 xe mô tô BKS 35B1-05xxx cho chủ sở hữu là anh Phạm Đa T là có căn cứ và đúng pháp luật
[6] Trong vụ án này: Ông Trần Công Đ đã thuê Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th sử dụng bột nở để phá đá; ông Đ không biết Q và Thiết sử dụng thuốc nổ để phá đá nên không có căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
[7] Bà Hoàng Thị M, là vợ của Phạm Đa Q không biết Q cất giấu trái phép thuốc nổ tại chỗ ở của gia đình nên không có căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
[8] Về nguồn gốc số thuốc nổ, kíp nổ đã thu giữ: Phạm Đa Q khai do Q mua của một người không biết tên tuổi, địa chỉ và nhặt được nhiều lần ở khu vực núi đá thuộc xã Đ trong năm 2016. Vì vậy không có cơ sở để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
[9] Việc xử lý vật chứng:
- Đối với 04 cối pin Con Thỏ mà bị cáo Quế đã mua về sử dụng vào việc phạm tội không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy
- Đối với 20m dây điện, 01 búa khoan bằng kim loại, 02 mũi khoan bằng kim loại, 01 bộ máy ép khí tự tạo là công cụ các bị cáo dùng vào việc phạm tội vẫn còn giá trị sử dụng cần tịch thu sung quỹ nhà nước.
- Đối với 15653,79 gam thuốc nổ, gồm: thuốc nổ Anfo 4148,96 gam, thuốc nổ Amonit 371,5 gam, thuốc nổ nhũ tương 11133,33 gam và 25 kíp nổ là nguồn nguy hiểm cao, do vậy cần giao cho Ban chỉ huy Quân sự thành phố Tam Điệp xử lý theo quy định của pháp luật.
Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm và có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Phạm Đa Q phạm tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" và tội "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ"; bị cáo Ngô Ngọc Th phạm tội “Sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
2. Áp dụng khoản 1 Điều 232; Điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Đa Q 14(mười bốn) tháng tù về tội“Sử dụng trái phép vật liệu nổ” và 15(mười lăm) tháng tù về tội "Tàng trữ trái phép vật liệu nổ". Áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 50 của Bộ luật Hình sự buộc bị cáo Phạm Đa Q phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 29(hai mươi chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Áp dụng khoản 1 Điều 232; Điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Ngô Ngọc Th 13(mười ba) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
3. Xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự; điểm a, đ khoản 2 Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị định 26/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: tịch thu tiêu hủy 04 cối pin Con Thỏ không còn giá trị sử dụng; tịch thu sung quỹ nhà nước 20m dây điện, 01 búa khoan bằng kim loại, 02 mũi khoan bằng kim loại, 01 bộ máy ép khí tự tạo là công cụ các bị cáo dùng vào việc phạm tội (Tình trạng vật chứng như nội dung biên bản giao, nhận vật chứng ngày 04 tháng 8 năm 2017 giữa Công an thành phố Tam Điệp và Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Điệp); giao cho Ban chỉ huy Quân sự thành phố Tam xử lý theo quy định của pháp luật 15653,79 gam thuốc nổ, gồm: thuốc nổ Anfo 4148,96 gam, thuốc nổ Amonit 371,5 gam, thuốc nổ nhũ tương 11133,33 gam và 25 kíp nổ. (Tình trạng vật chứng như nội dung biên bản giao, nhận vật chứng ngày 11 tháng 7 năm 2017 giữa Công an thành phố Tam Điệp và Ban chỉ huy Quân sự thành phố Tam Điệp).
3. Án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án buộc các bị cáo Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Án xử công khai sơ thẩm báo cho bị cáo Phạm Đa Q và Ngô Ngọc Th có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án 25 tháng 8 năm 2017.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án Dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án Dân sự.
Bản án 18/2017/HSST ngày 25/08/2017 về tội sử dụng trái phép vật liệu nổ
Số hiệu: | 18/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Tam Điệp - Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về