TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SÔNG HINH, TỈNH PHÚ YÊN
BẢN ÁN 18/2017/HSST NGÀY 08/08/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Vào lúc 08 giờ 30, ngày 08-8-2017 tại Nhà Văn hóa thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Tòa án nhân dân (TAND) huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên tiến hành xét xử lưu động sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 11/2017/TLST-HS, ngày 17-5-2017 đối với bị cáo:
Lý Văn H1, sinh năm 1971 tại Tuyên Quang; Nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: Lớp 7/10; dân tộc: Sán Dìu; con ông Lý Văn T1, chết và bà Trần Thị G, sinh năm 1940; có vợ Phùng Thị D, sinh năm 1970 và 02 con, lớn sinh năm 1990, nhỏ sinh năm 1992; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 21-7-2017. Bị cáo bị dẫn giải có mặt tại phiên tòa.
* Bị hại: Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1963; nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên; nghề nghiệp: Làm nông. Có mặt.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại Nguyễn Thị M: Ông Ngô Minh T2- Luật sư Văn phòng Luật sư số 1 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên. Có mặt.
* Người giám định: Ông Hồ Viết T3 - Giám đốc, Giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên. Có mặt.
* Người làm chứng:
- Ông Hồ Văn T4, sinh năm 1973; nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
- Ông Lưu Xuân T5, sinh năm 1956; nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
- Bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1957; nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
- Bà Nguyễn Thị R, sinh năm 1955; nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện S,tỉnh Phú Yên. Có mặt.
- Ông Nguyễn Ngọc H3, sinh năm 1966; nơi cư trú: Khu phố 8, thị trấn H, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
- Bà Phùng Thị D, sinh năm 1970; nơi cư trú: Thôn T, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2016, Lý Văn H1 thuê đất rẫy của chị Nguyễn Thị R tại thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh để trồng mì (sắn). Khoảng 14 giờ 00’ngày 03-9-2016, bà M cho rằng Lý Văn H1 trồng mì trên đất của bà M đang tranh chấp với chị R chưa được giải quyết, nên bà M đã nhổ mì của Lý Văn H1 trồng được 8 tháng tuổi trên diện tích 39,5 m2, H1 phát hiện can ngăn và yêu cầu bà M về thôn giải quyết nhưng bà M không đồng ý vẫn tiếp tục nhổ, H1 dùng tay tát bà M 02 cái, sau đó dùng tay túm tóc và áo bà M dập đầu xuống đất nhiều cái rồi quăng mạnh bà M ra khỏi rẫy làm bà M ngã xuống đường liên rẫy gây thương tích. Bà M bị thương tích được gia đình đưa đến Bệnh viện cấp cứu.
Tại bản giám định pháp y số 364/TgT ngày 04-11-2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Phú Yên kết luận: Bà Nguyễn Thị M bị tác động bởi vật có cạnh gây nên thương tích xương sọ thái dương trái vỡ lún nhiều mảnh, dơ bẩn, tụ máu ngoài màng cứng. Tỷ lệ thương tích 55% (Năm mươi lăm phần trăm).
Quá trình điều tra: Bà M khai thương tích ở vùng đầu là do Lý Văn H1 dùng rựa chém gây ra, nhưng căn cứ vào tài liệu có tại hồ sơ, xét thấy lời khai của bà M không phù hợp với dấu vết thương tích và kết luận giám định pháp y.
Tại Kết luận định giá tài sản số 11/KL-HĐĐG ngày 17-3-2017 của Hội đồng định giá tài sản huyện Sông Hinh kết luận diện tích 39,5 m2 mì 08 tháng tuổi bà M nhổ bỏ gây thiệt hại trị giá 237.000 đồng.
Cáo trạng số 13/VKS-HS, ngày 02-6-2017 của VKSND huyện Sông Hinh đã truy tố Lý Văn H1 về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2, Điều 104 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999.
Tại phiên tòa:
Bị cáo Lý Văn H1 khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như hồ sơ vụ án đã phản ánh, do bức xúc việc bà M ngang nhiên đến phá hoại hoa màu (nhổ mì đang 8 tháng tuổi) của bị cáo nên bị cáo đã dùng tay tát thì bị bà M cấu xé áo nên bị cáo tiếp tục túm tóc, áo dập đầu, quăng bà M ra đường, biết sai, nhờ Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
* Người bị hại: Bà M trình bày: Việc tranh chấp đất bà M đã kiện ra thôn nhưng không giải quyết, tức quá nên nhổ mì để các cấp giải quyết, bị cáo đã dùng rựa chém, sau khi chém không hỏi thăm gì, hiện tại sức khỏe chưa hồi phục. Đề nghị Tòa buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền 173.059.919 đồng, đã bồi thường 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng), còn phải bồi thường 168.059.919 đồng, về hình phạt đề nghị tòa xử theo pháp luật.
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại: Xin rút phần lập luận bị cáo dùng rựa chém bà M gây thương tích, nhưng việc cáo trạng cáo buộc bị cáo dùng lực tác động quăng bà M ra đường liên rẫy trúng vào đá gây thương tích 55% là không có căn cứ. Do vậy, đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
* Người giám định: Ông T2 trình bày và giải thích rõ về cơ chế hình thành thương tích 55% của bà M, việc luật sư hỏi về vật gì gây ra thương tích trong vụ án này, ông Thọ khẳng định không phải là vật sinh hoạt thường dùng hàng ngày gây ra.
* Người làm chứng:
1- Ông Hồ Văn T3 trình bày: Sáng hôm đó có việc bà Má và ông Hai cãi nhau về việc tranh chấp đất rẫy nhưng ông Thuân có góp ý chờ kết quả giải quyết, việc bà Má tự ý nhổ mì của gia đình ông Hai là không thể chấp nhận.
2- Ông Lưu Xuân T4 trình bày: Giữa bà Má và gia đình ông Hai không có chuyện tranh chấp đất rẫy, bà Má tự ý đến nhổ mì của ông Hai là sai.
3- Bà Nguyễn Thị H2 trình bày: Ông H1 đánh em bà (bà M) dã man, không hỏi han câu nào, đề nghị tòa xét xử theo quy định pháp luật.
4- Bà Nguyễn Thị R trình bày: Đất trồng mì bị bà M nhổ phá là đất của em bà Ruấn (là ông H3) cho ông H1 thuê trồng mì, không tranh chấp gì với bà Má.
5- Ông Nguyễn Ngọc H3 trình bày: Ông H3 là em bà R, đất này mua lại của ông D2, bà N ở Khu phố 4, thị trấn Hai Riêng và đang cho bà R làm, sau đó cho ông H1 thuê trồng mì thì bị bà M nhổ phá, không liên quan gì đến đất bà M.
6- Bà Phùng Thị D trình bày: Ông H1 (chồng bà D) sau khi đánh bà M, ông H1 về nhà bảo bà D ra rẫy xem bà M thế nào chở đi viện. Khi ra đến rẫy thì không còn thấy ai, gia đình bà M đã chở bà M đi viện. Sự việc tranh chấp đất giữa bà M và gia đình bà D không liên quan và cũng không có đơn kiện và ai giải quyết gì.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định truy tố như bản cáo trạng, căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân của bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố: Lý Văn H1 phạm tội “Cố ý gây thương tích”, áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm b, p, đ khoản 1 Điều 46 BLHS, phạt bị cáo Lý Văn H1 từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 21-7-2017. Về dân sự: Căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo phải bồi thường cho bà Má 111.630.000 đồng, đã bồi thường 5.000.000 đồng, còn phải bồi thường 106.630.000 đồng. Về xử lý vật chứng: Không có, không xem xét.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà. Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Sông Hinh, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sông Hinh, Kiểm sát viên, trong qúa trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; đại diện bị hại có ý kiến vì sao cơ quan cảnh sát điều tra không kịp thời điều tra nhưng vấn đề này đã giải thích, vì lý do khách quan vụ án phức tạp cần có thời gian thu thập chứng cứ. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Bị cáo Lý Văn H1 đã có hành vi dùng tay tát, túm tóc và áo bà Má dập đầu xuống đất nhiều cái rồi quăng mạnh bà Má ra khỏi rẫy làm bà Má ngã xuống đường liên rẫy gây thương tích 55% bị VKSND huyện Sông Hinh truy tố khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999. Khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 quy định: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60 % hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Như vậy, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 như cáo trạng đã truy tố.
* Về vật gây ra thương tích: Theo bà M trình bày bị cáo dùng rựa chém bà M nhưng bị cáo thì khai dùng tay tát vào mặt, dùng tay túm tóc và áo bà Má dập đầu xuống đất nhiều cái rồi quăng mạnh bà M ra khỏi rẫy làm bà M ngã xuống đường liên rẫy. Thương tích để lại theo kết luận giám định thể hiện: Thương tích lúc vào viện: Vết thương thái dương trái 05 cm, lộ xương vỡ. Xương sọ vỡ lún nhiều mảnh, dơ bẩn. Tụ máu ngoài màng cứng thái dương trái.
Cận lâm sàng và kết quả cận lâm sàng: Chưa thấy thay đổi tỷ trọng bất thường trong nhu mô não. Khuyết xương sọ vùng thái dương trái KT # (35 x 25 x 30) cm. Khám chuyên khoa: Bệnh nhân tỉnh, vẫn đau đầu, chóng mặt, liệt ½ người bên trái. Vết mổ vùng đỉnh thái dương trán trái đã liền sẹo, lõm sọ vùng trán thái dương diện # (06 x 03) cm (mất sọ hoàn toàn). Vật tác động: Vật có cạnh. Căn cứ thời điểm xảy ra xô xát, chửi bới lẫn nhau, dẫn đến gây thương tích chỉ có bị cáo và bà Má, không có ai chứng kiến hoặc nhìn thấy ai cầm vật gì và đánh như thế nào. Thương tích để lại, xương sọ vỡ lún nhiều mảnh, dơ bẩn; chỉ duy nhất vết máu ngoài đường chỗ đã lô nhô. Hơn nữa, tại phiên tòa giám định viên giải thích, không phải là vật sinh hoạt thường ngày gây ra. Do vậy, không đủ cơ sở kết luận bị cáo dùng rựa chém bà M.
* Về tỷ lệ thương tích 55%: Sau ra, vào viện 03 lần tại 02 bệnh viện (BV Bình Định đến BV Phú Yên, sau 15 ngày điều trị bác sỹ cho chuyển BV Chợ rẫy điều trị tiếp nhưng không đi; 09h 31’ ngày 29/9/2016 điều trị tiếp tại BV Phú Yên đến ngày 10/10/2016, lời dặn Bác sỹ: Ra viện, không nói gì bệnh ổn hay đề nghị chuyển viện. Do vậy, ngày 17/10/2016 bà M được tiến hành giám định. Sau đó, bà M ra, vào viện 05 lần nữa, lần cuối cùng ra viện vào ngày 10/7/2017 chẩn đoán: Rối loạn tâm thần khác do tổn thương và rối loạn chức năng não và do bệnh cơ thể, lời dặn thầy thuốc không ghi gì và cùng ngày 10/7/2017 có phiếu khám sức khỏe tâm thần có ghi phần tóm tắt bệnh sử và chẩn đoán lâm sàng ghi: Bị tai nạn lao động, chấn thương sọ não mổ tháng 9/2016, mổ ghép sọ tháng 12/2016…đã được điều trị nội trú tại bệnh viện tâm thần Trung ương 2, với chẩn đoán: Rối loạn tâm thần khác do tổn thương và rối loạn chức năng não và do bệnh cơ thể.
Phần khám lâm sàng: 1. Thái độ tiếp xúc: Được, song rất hạn chế; 2.Tri giác: Không rối loạn cảm giác, tri giác; 3. Tư duy: Không có rối loạn hoang tưởng, không có ám ảnh; 4. Tình cảm: Không có rối loạn lo âu; 5. Hành vi: Không rối loạn hành vi. Kết luận: Rối loạn tâm thần khác do tổn thương và rối loạn chức năng não và do bệnh cơ thể. Nay khám sức khỏe tâm thần xin trợ cấp.
Chứng tỏ các lần điều trị tại các bệnh viện chỉ có 01 vết thương đầu dẫn đến tỷ lệ thương tích 55%, kết luận tại phiếu khám sức khỏe tâm thần vào ngày 10/7/2017 không có căn cứ để cho rằng kết luận giám định số 364/TgT ngày 04/11/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Phú Yên là sai.
Ngoài ra, lập luận của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng phải thu thập chứng cứ là cục đá hoặc vật gì gây ra thương tích để xác định sự thật khách quan của vụ án, nhưng theo biên bản hiện trường vùng này đá lô nhô và đá tản to không thể đào bới làm công cụ phạm tội hay tang vật vụ án được, việc ghi ảnh tại hiện trường (từ bút lục 65 đến 71) đã thể hiện đầy đủ. Do vậy, không đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu của người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại về yêu cầu trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Bị cáo là người có năng lực pháp luật và hành vi, nhận thức được việc xâm phạm sức khỏe của người khác là vi phạm pháp luật, nhưng không kiềm chế được bản thân đã có hành vi gây thương tích cho bà M. Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm và phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian như kiểm sát viên đề nghị tại phiên tòa mới đủ tác dụng cải tạo và răn đe phòng ngừa tội phạm.
Tuy nhiên, xét nguyên nhân dẫn đến việc gây thương tích của bị cáo có phần lỗi của bị hại Nguyễn Thị M. Quá trình điều tra, bị cáo thật thà khai báo, chưa có tiền án tiền sự, tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại (bồi thường 5.000.000 đồng), nên xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, p, đ khoản 1 Điều 46 BLHS đối với bị cáo để lượng hình.
* Về trách nhiệm dân sự:
Theo đơn yêu cầu bồi thường và lời trình bày tại tòa. Qua xem xét các chứng từ và diễn biến vụ án có trong hồ sơ và tranh luận tại tòa HĐXX đủ cơ sở chấp nhận các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp, buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại cụ thể như sau:
1- Tiền khám, viện phí, thuốc điều trị (ra, vào viện các Bệnh viện: Bệnh viện Sông Hinh, Bệnh viện tỉnh Phú Yên, Bệnh viện tỉnh Bình Định, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP. Hồ Chí Minh)) có hóa đơn, chứng từ hợp pháp: 30.110.000 đ;
2- Tiền mất thu nhập trong thời gian điều trị (ra, vào viện từ 03/9/2016 đến 10/7/2017, trừ 03 đợt về nhà điều trị chờ tái khám): 108 ngày x 130.000đ/ngày=14.040.000 đ;
3- Tiền mất thu nhập sau khi ra viện: 90 ngày x 130.000đ/ngày=11.700.000đ;
4- Tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe trong thời gian điều trị tại các bệnh viện và điều trị tại nhà: 330 ngày (11 tháng) x 30.000đ/ngày = 9.900.000 đ;
5- Tiền xe đi lại điều trị cho người bệnh và người nuôi: 14.720.000 đ;
6- Tiền bù đắp tổn thất tinh thần: 27 tháng x 1.300.000đ/tháng (mức lương cơ sở) = 35.100.000 đ.
7- Tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh trong thời gian điều trị (ra, vào viện): 108 ngày x 130.000đ/ngày = 14.040.000 đ;
Tổng cộng: 129.610.000 đồng, đã bồi thường 5.000.000 đồng, còn phải bồi thường 124.610.000 đồng.
* Về hành vi nhổ mì phá hoại hoa màu, buộc bà Nguyễn Thị M phải bồi thường cho ông Lý Văn H1 theo kết luận định giá tài sản là 237.000 đồng.
* Về án phí: Bị cáo, bị hại phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Lý Văn H1 phạm tội “Cố ý gây thương tích” Căn cứ vào khoản 2 Điều 104; các điểm b, p, đ khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999.
Phạt: Bị cáo Lý Văn H1 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời gian tù tính từ ngày bắt tạm giam 21-7-2017.
*Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 609 BLDS năm 2005, Điều 42 BLHS năm 1999:
Buộc bị cáo Lý Văn H1 phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị M 129.610.000 đồng, đã bồi thường 5.000.000 đồng, còn phải tiếp tục bồi thường 124.610.000 đồng (Một trăm hai mươi bốn triệu sáu trăm mười nghìn đồng).
+ Buộc bà Nguyễn Thị M phải bồi thường cho ông Lý Văn H1 237.000 đồng (Hai trăm ba mươi bảy nghìn đồng) tiền thiệt hại hoa màu.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật và kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành án thì còn phải chịu thêm khoản tiền lãi phát sinh do chậm trả tiền theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
* Về án phí: Áp dụng Điều 99 BLTTHS năm 2003 và Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Buộc bị cáo Lý Văn H1 phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 6.230.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Tổng cộng bị cáo phải chịu 6.430.500 đồng (Sáu triệu bốn trăm ba mươi nghìn năm trăm đồng) án phí.
Bị hại Nguyễn Thị M phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án
Bản án 18/2017/HSST ngày 08/08/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 18/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Sông Hinh - Phú Yên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 08/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về