Bản án 18/2017/DSPT ngày 23/08/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 18/2018/DSPT NGÀY 23/08/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 23 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 10/2017/DSPT ngày 13 tháng 7 năm 2017 về: “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/DSST ngày 23 tháng 01 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện C bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 13/2017/QĐ-PT ngày 31 tháng 7năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Bùi Đức V; Cư trú tại: thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Hưng Yên.

Người được ủy quyền: Ông Bùi Văn K (theo văn bản ủy quyền ngày 15/08/2015)

2. Bị đơn: Ông Trần Quốc H; Địa chỉ: thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Hưng Yên. Nơi cư trú: Khu tập thể trường Đại học G - phường H - quận I - Thành phố Hà Nội

Người được ủy quyền: bà Trần Thị Thanh H (theo văn bản ủy quyền ngày 31/10/2015)

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Chị Trần Thị L; ông Trần Quốc Đ;  ông Nguyễn Như L;  ông Nguyễn Văn S; ông Nguyễn Văn T. Đều cư trú tại: thôn  A, xã B, huyện C, tỉnh Hưng Yên.

- Bà Trần Thị Thanh H. Cư trú tại: Đường K, phường L, quận M, thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà H: Luật sư Vũ Văn L và Nguyễn Thị T thuộc Công ty Luật TNHH HL – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

- Ông Trần Quốc D. Cư trú tại: Ngõ N, xã O, huyện Q - Hà Nội

- Bà Trần Thị Thúy H. Cư trú tại: Đường R, phường S, quận U, thành phố Hà Nội.

4. Người kháng cáo: Bà Trần Thị Thanh H - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo ông Bùi Văn K đại diện ủy quyền của nguyên đơn anh Bùi Đức V và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trần Thị L trình bày:

Năm 1996, ông K đứng ra mua thửa đất số 91, tờ bản đồ số 21, diện tích 246 m2 của ông Nguyễn Văn H cùng thôn A, xã B, huyện C cho vợ chồng con trai ông là Bùi Đức V và Trần Thị L. Vợ chồng anh V, chị L đã được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 612357 ngày 28/9/2004, cấp đổi thể hiện tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BO 589829 ngày 19/8/2013.

Khoảng tháng 5/2009, ông H và anh em ông H là con của cụ T cùng xóm đã xây dựng tường bao ngõ đi chung lấn sang diện tích đất của gia đình anh V, chị L. Tháng 02/2015, gia đình anh V, chị L tiến hành xây dựng nhà ở. Khi chuẩn bị tiến hành xây nhà, anh V đã đề nghị cán bộ chuyên môn cùng đại diện UBND xã về đo đạc xác định lại mốc giới có sự chứng kiến của ông H, ông Đ (là em ông H), ông H và ông Đ đều nhất trí với kết quả đo đạc mốc giới. Khi gia đình anh V tiến hành đào móng nhà thì ông H và ông Đ ra ngăn cản không cho làm, hai bên xảy ra sô xát gia đình anh V đã đến UBND xã trình báo và đề nghị giải quyết. Sau khi được UBND xã phân tích và để công trình xây dựng nhà được thực hiện đúng tiến độ nên gia đình anh V đã tự nguyện đào móng và xây dựng công trình nhưng lùi vào đất của gia đình so với ban đầu khoảng 20cm và tiếp tục tiến hành xây dựng. Ông H cho rằng gia đình anh V đã xây nhà lấn chiếm sang phần đất ngõ đi của gia đình ông H nên yêu cầu gia đình anh V phải chặt phần móng nhà để trả lại diện tích đất đã lấn chiếm. Đối chiếu với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phần diện tích anh V xây nhà là thuộc quyền sử dụng của hộ anh V, phần ông H đổ đất làm ngõ đi đã lấn sang phần đất của gia đình anh V có chiều rộng khoảng 0,2m, chiều dài là 17,52m, diện tích khoảng 3,5m2, theo kết quả thẩm định tại chỗ ngày 21/6/2016 xác định diện tích đất của gia đình anh V còn thiếu là 4,2 m2. Đề nghị Tòa buộc ông H phải trả lại vợ chồng anh V diện tích đất đã lấn chiếm 4,2 m2 tại thửa số 91, tờ bản đồ số 21 tại thôn 3, A, B, C, Hưng Yên.

Theo bà Trần Thị Thanh H là đại diện ủy quyền của bị đơn đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Quốc Đ, ông Trần Quốc D và bà Trần Thị Thúy H xác định:

Nguồn gốc diện tích đất và ngõ đi mà gia đình các ông, bà đang sử dụng là của bố, mẹ các ông bà là các cụ Trần Kim T và Chu Thị T được UBND xã B cấp đổi từ năm 1968. Tại thời điểm năm 1969 khi UBND xã cấp đổi đất cho gia đình các ông, bà là có ngõ đi riêng có chiều dài 36m, chiều rộng 04m. Gia đình các ông, bà đã xây nhà năm 1969 ở ổn định từ đó. Năm 1975, cụ Trần Kim T mất cụ Chu Thị T vẫn quản lý, sử dụng ngõ đi này. Đến năm 2007 cụ Chu Thị T qua đời. Sau khi mẹ mất, chị em các ông bà được lãnh đạo thôn A mời về để ký nhận quyền sử dụng đất thì mới biết là gia đình không có ngõ đi riêng mà ngõ đi là ngõ đi chung. Trong khi đó các hộ liền kề đều đã có lối đi riêng ra mặt đường thôn. Gia đình các ông bà đã nhiều lần có đơn đề nghị UBND xã B và Phòng tài nguyên môi trường huyện C giải quyết, nhưng do kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền chưa thoả đáng nên gia đình chưa chấp nhận. Năm 2009, gia đình các ông bà tiến hành xây tường rào thì xảy ra tranh chấp với hộ anh V. Tháng 3/2015 gia đình anh V xây nhà đã đào móng nhà lấn sang phần đất thuộc ngõ đi của gia đình các ông bà. Vì đất đang có tranh chấp chưa giải quyết xong nên các ông bà yêu cầu gia đình anh V tạm dừng việc xây dựng để giải quyết. Được UBND xã phân tích hai bên nên tại thời điểm đó hai gia đình đã thoả thuận, gia đình anh V đã xây móng nhà thì xây từ phần móng trở lại đất nhà anh V. Nhưng sau khi xây nhà đúng theo thoả thuận thì gia đình anh V lại cho thợ đào móng xây tường bao lấn ra ngõ đi với chiều rộng khoảng 30 cm, chiều dài khoảng 02 m. Các ông bà ngăn cản không cho xây nên xảy ra tranh chấp và anh V khởi kiện tại Toà án nhân dân huyện C. Các ông bà xác định ngõ đi là của gia đình các ông bà, không lấn sang đất của gia đình anh V. Đề nghị Toà án buộc gia đình anh V trả lại diện tích đã lấn sang ngõ đi của gia đình các ông bà.

Những người có quyền, lợi ích liên quan:

Ông Nguyễn Như L trình bày: Nguồn gốc nhà đất mà hiện nay gia đình ông đang sử dụng là của bố, mẹ ông để lại. Gia đình ông làm nhà và mở lối đi sang đường trục thôn. Lúc đó đường ngõ vào nhà cụ T (bố ông H), ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn Văn T vẫn là một ngõ nhỏ bờ rào duối. Thửa đất của cụ P nguồn gốc là của cụ D cùng xóm, khoảng năm 1963 Hợp tác xã thu của cụ D là 02 sào đất và cấp cho cụ P (Sau này hai con cụ P bán lại cho anh V và ông Nguyễn Văn S). Khoảng năm 1967, Đại học thương nghiệp sơ tán về học tại đây. Thời điểm này HTX cắt 02m rộng chạy dọc ngõ qua các hộ nhà ông, bố ông Nguyễn Văn T, bố ông Nguyễn Văn S và sang tới đường thôn song song với đường trục thôn bên này mà gia đình ông sử dụng. Khi trường học ở đây, ngõ này vẫn là ngõ đi chung của các hộ và cho sinh viên đi. Năm 1971, trường Đại học rút đi, HTX đã cấp diện tích đất khoảng 02 sào cho cụ T, ngõ đi vẫn là ngõ đi chung. Sau khi cụ T chết  các con cụ T vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng nhà đất này và vẫn sử dụng ngõ đi cùng các hộ ông T, ông S và gia đình ông. Quá trình sử dụng ngõ đi nhiều năm không xảy ra tranh chấp gì. Năm 2009 anh V xây nhà trên đất mua lại của con trai cụ P (ông H) thì giữa anh V và các con cụ T xảy ra tranh chấp mốc giới. Quan điểm của ông đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị T (vợ ông Nguyễn Văn S) trình bày: Gia đình bà là hộ liền kề với hộ anh V, đất của gia đình bà có phía nam giáp hộ anh V. Hộ gia đình bà mua đất này từ năm 1996 của ông Nguyễn Văn E, con cụ P. Ông K mua đất của ông H. Bà xác định khi gia đình bà mua nhà đất của ông E, trên đất đã có nhà cấp bốn, công trình phụ (chuồng lợn) cũ của gia đình ông E nằm giáp với đất hộ cụ T. Khi sử dụng gia đình bà đã phá bỏ chuồng lợn cũ đi vào xây lên công trình phụ mới. Khi đập công trình phụ cũ để xây mới, gia đình bà đã xây lùi vào trong móng cũ, phần móng công trình phụ cũ của gia đình ông E vẫn còn nằm nguyên dưới phần đất cũ và nằm ra phần ngõ mà hộ ông H sử dụng khoảng 20cm. Phần tường phía sau giáp ngõ đi cụ T sử dụng (gạch đỏ) là do gia đình ông E, bà T xây. Quá trình sử dụng bà vẫn giữ nguyên từ nhiều năm nay, sau đó gia đình bà xây nối tiếp tường bao phía sau nhà bằng gạch ba banh (xi măng cát) nối tiếp từ phần tường gạch đỏ. Bà xác định phần ngõ đi mà gia đình bà cùng sử dụng đi với hộ cụ T (hiện ông H đang quản lý), ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Như L sử dụng là ngõ đi chung của tất cả các hộ trên và ngõ đi này đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Kết quả xác minh tại UBND xã B thể hiện: UBND xã không lưu giữ các tài liệu quản lý đất đai từ năm 1986 trở về trước. Theo 1 số thông tin xã nắm được thì năm 1968 sinh viên sơ tán về học tập tại đây. UBND xã đã động viên và gia đình cụ P đã hiến khoảng 72m2  đất để làm lối đi cho sinh viên. Tại thời điểm đó chỉ có sinh viên sơ tán sử dụng ngõ đi này. Khoảng năm 1971 sinh viên chuyển đi gia đình cụ T (bố đẻ ông H, ông Đ) được UBND xã cấp đất tại đây. Gia đình cụ T và hộ gia đình ông Nguyễn Văn S cùng sử dụng ngõ đi này. UBND xã B xác định ngõ đi vào hộ gia đình cụ T là ngõ đi chung.

Lời khai của ông T (thư ký đội từ năm 1980 - 1988) xác định năm 1968 có việc địa phương mở một lối đi để sinh viên đi lại.

Tại bản dân sự sơ thẩm số 02/2017/DSST ngày 23/01/2017, Tòa án nhân dân huyện Kim Động đã quyết định:

Áp dụng điều 163; 164; 169 Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 255, 256 Bộ luật dân sự năm 2005); Điều 203 Luật đất đai; Điểm c khoản 1 điều 39 và điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự. Pháp lệnh số 10 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội qui định về án phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Bùi Đức V. Buộc ông Trần Quốc H và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là con của cụ T và cụ T có trách nhiệm giao trả cho gia đình anh V 4,2 m2  đất tính từ mép bê tông móng nhà anh V nằm trên phần ngõ đi chung của các hộ gia đình ông Nguyễn Như L, ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn Văn T và hộ gia đình cụ T tại thửa đất số: 91, tờ bản đồ số: 21 tại: thôn A - xã B - huyện C - tỉnh Hưng Yên.

Giao cho anh V được quyền quản lý và sử dụng phần đất phía sau nhà tính từ mép móng bê tông nhà anh V nằm trên phần ngõ đi chung có diện tích là 4,2 m2 trị giá: 2.100.000 đồng.  (Có sơ đồ kèm theo)

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/02/2017 bà Trần Thị Thanh H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên  xem xét: các ông bà không nhận được giấy triệu tập tham dự phiên tòa và bị Tòa án cấp sơ thẩm đã xử vắng mặt. Đề nghị: Gia đình các ông bà gìn giữ, tôn tạo, sử dụng ngõ đi từ năm 1968; Thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh Bùi Đức V; yêu cầu giám định chữ ký của cụ T ở tờ kê khai mốc giới.

Tại phiên tòa hôm nay: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Vì lý do: đại diện theo ủy quyền của bị đơn và những người có quyền lợi liên quan đứng về phía bị đơn khẳng định không nhận được quyết
định đưa vụ án ra xét xử, không được thông báo về ngày xét xử. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt các ông bà là sai quy định của pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các ông bà.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quan điểm:

Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: không tống đạt hợp lệ giấy triệu tập đến phiên tòa cho bị đơn và những người có quyền lợi liên quan dẫn đến họ không biết ngày xét xử, không được tham gia phiên tòa. Làm mất quyền được trình bầy, phân tích, cung cấp, đánh giá chứng cứ công khai tại phiên tòa; chưa thu thập chứng cứ chứng minh liên quan đến nguồn gốc đất của gia đình bà H được cấp, việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất (có bao gồm cả phần ngõ đi không). Đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến thể hiện:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, người tiến hành tố tụng, các đương sự đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm tống đạt giấy triệu tập và văn bản tố tụng cho các đương sự đều bằng dịch vụ bảo đảm bưu chính theo đúng địa chỉ của các đương sự cung cấp; tiến hành niêm yết công khai các văn bản tố tụng tại UBND xã B. Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn, người được bị đơn ủy quyền, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là đúng quy định tại điểm b khoản 2 điều 227 và khoản 3 điều 228 BLTTDS.

Về nội dung: Trên cơ sở kết quả đo đạc thực tế với bản đồ địa chính và lời khai của các đương sự, người làm chứng. Bản án sơ thẩm buộc ông H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là con cụ T và cụ T có trách nhiệm giao trả cho gia đình anh V 4,2 m2 đất là có căn cứ. Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS. Bác kháng cáo của bà H, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ lời trình bầy của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người kháng cáo, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về  thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm đã gửi quyết định đưa vụ án và xét xử, quyết định hoãn phiên tòa cho bị đơn và những người có quyền lợi liên quan qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ do các đương sự cung cấp. Việc tống đạt văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính không bằng thư bảo đảm, không có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng là vi phạm các quy định tại Điều 170, Điều 171 và khoản 2 Điều 175 Bộ luật tố tụng dân sự. Do các đương sự không biết ngày xét xử, không được tham gia phiên tòa nên không được trình bầy, cung cấp, đánh giá chứng cứ công khai tại phiên tòa. Tuy nhiên sau khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã tống đạt hợp lệ bản án cho bị đơn và những người có quyền lợi liên quan, đảm bảo họ được thực hiện quyền kháng cáo theo đúng quy định của pháp luật. Do đó việc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại là không cần thiết.

[2]. Thửa đất cụ Trần Kim T và cụ Chu Thị T quản lý, sử dụng theo bản đồ 299, tờ bản đồ số 07, thửa 105 diện tích 912m2  nằm tại xã B, huyện C, tỉnh Hưng Yên đứng tên cụ Trần Kim T. Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm bà H có xuất trình bản pho to biên bản xác định mốc giới thửa đất ngày 25/07/2001 (BL 122) và kết quả đo đạc địa chính thửa đất. Nguồn gốc của các tài liệu trên bà H trình bầy là do bà xin pho to trong hồ sơ đất đai của UBND xã B.

Tài liệu bà H xuất trình thể hiện thửa đất bà và những người có quyền lợi liên quan đang quản lý có diện tích 1087m2. Mặc dù bà H cho rằng chữ ký trong biên bản xác định mốc giới không phải của cụ T, nhưng không có tài liệu bản chính để trưng cầu giám định; kích thước của thửa đất tại biên bản xác định mốc giới được thể hiện rất chi tiết rõ ràng phù hợp với diện tích đất tại kết quả đo đạc địa chính thửa đất số 73, tờ bản đồ số 21 đăng ký tên chủ sử dụng là ông Trần Quốc H. Đối chiếu với bản đồ 299 diện tích đất đứng tên cụ T có hiện trạng lớn hơn diện tích trên bản đồ 299.

[3]. Căn cứ kết quả xác minh về nguồn gốc ngõ đi  tại chính quyền địa phương  thể hiện: Trên bản đồ 299, hoàn thành năm 1986 ngõ đi mà hộ cụ Trần Kim T (cụ T) và hộ ông Nguyễn Văn S đang sử dụng là ngõ đi chung; lời khai của những người đang cùng sử dụng ngõ đi là ông Nguyễn Như L, bà Nguyễn Thị T (vợ ông Nguyễn Văn S) đều xác định đây là ngõ đi chung. Quá trình giải quyết tranh chấp, tại biên bản làm việc ngày 28/7/2015 UBND xã B xác định ngõ đi vào gia đình cụ T (bố ông H) là ngõ đi chung. Như vậy có cơ sở xác định ngõ đi đang có tranh chấp là ngõ đi chung của các hộ gia đình ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn Như L, ông Nguyễn Văn T và hộ cụ Trần Kim T.

Về phần diện tích  đất đang có tranh chấp: Nguồn gốc đất là của cụ Nguyễn Văn P nằm tại thửa 104, tờ bản đồ số 09 diện tích theo bản đồ là 600m2. Năm 1986 cụ P chia đất cho các con trai là các ông Nguyễn Văn H và Nguyễn Văn E. Năm 1996 ông E bán nhà đất cho ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn Văn H bán nhà đất cho ông Bùi Văn K (ông K tặng cho anh V). Tại tờ bản đồ năm 2001 thể hiện thửa đất của cụ P được tách làm 2 thửa. Thửa số 91, tờ bản đồ số 21, diện tích 246m2 đứng tên anh V, thửa số 92, tờ bản đồ số 21, diện tích 285m2 đứng tên ông S. Sau khi nhận chuyển nhượng gia đình anh V và gia đình ông S sử dụng đất ổn định trên cơ sở mốc giới đã có từ trước của ông E và ông Nguyễn Văn H, các bên không xẩy ra tranh chấp. Năm 2004 thửa đất của gia đình anh V được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 246m2.

Về mốc giới: năm 1996 phần đất hồi nhà anh V phía sau giáp ngõ đi  gia đình ông H và các hộ đang sử dụng chỉ được phân định bằng hàng rào cây tóc tiên, sau đó ông H đổ đất làm ngõ nên đã phá bỏ. Kết quả thẩm định tại chỗ ngày 24/11/2016 thể hiện: tại phần ngõ đi giáp cổng nhà cụ T hiện vẫn còn tồn tại một đoạn tường bằng gạch chỉ đỏ được các đương sự và những người làm chứng xác định là tường công trình phụ của gia đình ông E, bà T xây dựng trước khi bán nhà, đất cho ông Nguyễn Văn S, bà Nguyễn Thị T; đào kiểm tra móng nhà và móng tường bao ông H xây dựng thể hiện bức tường bằng gạch đá mà ông H tự xây dựng năm 2009 đều cách tường hồi nhà anh V từ 31- 42 cm; Đối chiếu với mốc giới và diện tích đất gia đình anh V đang sử dụng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tổng diện tích đất thiếu là 8,6 m2, phần diện tích đất tính từ mép chân móng bê tông gia đình anh V còn thiếu là 4,2 m2.

Từ những căn cứ trên có cơ sở kết luận ngõ đi mà hộ cụ T (hiện các con cụ T đang sử dụng) và hộ ông S, hộ ông Nguyễn Như L và ông Nguyễn Văn T đang sử dụng là ngõ đi chung. Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông H cùng những người liên quan là con của cụ T có trách nhiệm trả lại cho gia đình anh V phần diện tích đất còn thiếu 4,2 m2 đất là phù hợp.

Do kháng cáo của bà Trần Thị Thanh H không được chấp nhận, bà H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự. Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị Thanh H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Áp dụng  Điều 163; 164; 169 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 255, 256 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 203 Luật đất đai; Pháp lệnh số 10 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội qui định về án phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Bùi Đức V. Buộc ông Trần Quốc H và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Thanh H, ông Trần Quốc Đ, ông Trần Quốc D, bà Trần Thị Thúy H (là con của cụ Trần Kim T và cụ Chu Thị T) có trách nhiệm giao trả cho gia đình anh Bùi Đức V 4,2 m2 đất tính từ mép bê tông móng nhà anh V nằm trên phần ngõ đi chung của các hộ gia đình ông Nguyễn Như L, ông Nguyễn Văn S, ông Nguyễn Văn T và hộ gia đình cụ T tại thửa đất số 91, tờ bản đồ số 21 tại thôn A - xã B - huyện C - tỉnh Hưng Yên.

Giao cho anh Bùi Đức V được quyền quản lý và sử dụng phần đất phía sau nhà tính từ mép móng bê tông nhà anh V nằm trên phần ngõ đi chung có diện tích là 4,2 m2 trị giá: 2.100.000 đồng.

Cụ thể: Từ mép bê tông móng nhà anh V phía giáp đất nhà ông Sướng kéo vuông góc ra ngõ đi chung 19cm (hồi nhà anh V kéo vuông góc ra ngõ đi chung 50cm). Từ mép bê tông móng nhà anh V phía giáp đường bê tông xóm kéo vuông góc ra ngõ đi chung 29cm (từ mép tường nối với hồi nhà anh V kéo ra ngõ đi chung 60cm) (Có sơ đồ kèm theo)

2. Về án phí: bà Trần Thị Thanh H phải chịu 300.000đ án phí phúc thẩm dân sự. Đối trừ số tiền tạm ứng án phí bà H đã nộp theo biên lai thu số 007105 ngày 06/02/2017 của Chi cục THA dân sự   huyện C. Bà H đã nộp đủ án phí phúc thẩm dân sự.

Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không giả quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

611
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2017/DSPT ngày 23/08/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:18/2017/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về