Bản án 181/2018/HS-ST ngày 20/07/2018 về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN NINH KIỀU, THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 181/2018/HS-ST NGÀY 20/07/2018 VỀ TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 20 tháng 7 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 136/2018/TLST-HS ngày 05 tháng 6 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 533/2018/QĐXXST-HS ngày 04 tháng 7 năm 2018, đối với bị cáo:

Phạm Thị Tuyết A, sinh năm 1971 tại Cần Thơ. Nơi cư trú: Đường T, phường C, quận N, thành phố Cần Thơ; nghề nghiệp: Mua bán; trình độ văn hóa (học vấn): Không biết chữ; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: đạo Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Văn T (chết) và bà Phạm Thị P (sống), có 01 con ngoài giá thú (sinh năm 2007); tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại; Có mặt.

Bị hại: Bà Trần Thị B, sinh năm 1950

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước đây (nơi xảy ra sự việc): Đường H, phường T, quận N, thành phố Cần Thơ.

Nơi cư trú hiện nay: Đường Q, phường A, quận B, thành phố Cần Thơ; Vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 08 giờ 30 phút ngày 21/11/2017 tại nhà đường H, phường T, quận N, thành phố Cần Thơ, bà Trần Thị B đang nhận số tiền 30.000.000 đồng là tiền bán nhà cho vợ chồng anh Lê Trung Nh và chị Nguyễn Thị Mỹ Ch. Khi bà B đang ngồi trên ghế đếm tiền và để hai cọc tiền đã buộc dây thun trên đùi (mỗi cọc 10.000.000 đồng), đang đếm cọc thứ 3 thì bất ngờ Phạm Thị Tuyết A từ ngoài cửa đi vào đến chỗ bà B lấy 2 cọc tiền với tổng số tiền 20.000.000 đồng và nói do thiếu tiền không trả nên lấy tiền coi như để trừ nợ rồi đi nhanh ra ngoài về nhà. Do bà B đã già yếu, bị bệnh không tự đi lại một mình nên chỉ kịp phản ứng la lên bị giật tiền. Lúc này có chị Trần Minh Ph đang phụ dọn nhà và chị Nguyễn Thị Mỹ Ch (đứng gần chỗ bà B) nghe được bà B la lên bị giật tiền. Sau đó, bà B đến Công an phường T trình báo sự việc.

Sau khi lấy được số tiền của bà B, Tuyết A mang về trả nợ cho bà S 10.000.000 đồng, còn lại 10.000.000 đồng cất giấu vào tủ. Tuyết A cho rằng hành vi tự ý lấy tiền của bà B trừ nợ là do bà B còn nợ 05 chỉ vàng 24k và 2.000.000 đồng từ năm 2015 đến nay chưa trả. Qua làm việc, Tuyết A đã tự nguyện giao nộp lại số tiền 20.000.000 đồng.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Tuyết A thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Bản Cáo trạng số 168/CT-VKS-NK ngày 04/6/2018 của Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều truy tố bị cáo Phạm Thị Tuyết A về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 172 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa,

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết A, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 172, các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 để kết tội và xử phạt bị cáo từ 09 tháng đến 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và không có ý kiến bào chữa. Bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo cải tạo tại cộng đồng để có điều kiện chăm lo cho mẹ già, con chưa thành niên và sửa chữa sai lầm để trở thành công dân tốt trong lời nói sau cùng.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an quận Ninh Kiều, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện hợp pháp.

[2] Bị cáo Phạm Thị Tuyết A bất ngờ từ ngoài đi vào nhà bà Trần Thị B lấy 02 cọc tiền với tổng số tiền 20.000.000 đồng đang để trên đùi của bà B khi bà B đang ngồi đếm tiền và nói do thiếu tiền không trả nên lấy tiền coi như để trừ nợ, rồi đi nhanh ra ngoài về nhà. Do bà B đã già yếu, bị bệnh không tự đi lại một mình nên chỉ chỉ kịp phản ứng la lên bị giật tiền.

Như vậy, hành vi lợi dụng sơ hở/vướng mắc của chủ sở hữu để lấy tài sản một cách công khai của bị cáo Phạm Thị Tuyết A đã phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi là Bộ luật hình sự năm 1999). Do đó, cáo trạng truy tố về hành vi phạm tội của bị cáo là có căn cứ.

Xét thấy: Bị cáo Phạm Thị Tuyết A là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi, chỉ vì cho rằng bị hại nợ tiền không trả mà bị cáo đã lợi dụng sơ hở/vướng mắc của bị hại để chiếm đoạt tài sản một cách công khai bất hợp pháp. Bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được Luật hình sự bảo vệ và xâm phạm đến an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, cần xử lý tương xứng để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, tài sản thu hồi được trả lại cho bị hại nên được xem là phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn; bị cáo lần đầu phạm vào tội có mức cao nhất của khung hình phạt tù đến 03 năm nên thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị hại xin bãi nại và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Nên Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

Riêng, đề nghị của Kiểm sát viên về việc áp dụng theo điều khoản của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi là Bộ luật hình sự năm 2015 – Bộ luật có hiệu lực tại thời điểm xét xử vụ án). Hội đồng xét xử thấy rằng: yếu tố cấu thành tội phạm và tình tiết giảm nhẹ (nêu trên) vẫn giữ nguyên, không được gọi là có lợi cho người phạm tội nên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Do đó, điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện (khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự). Và trong trường hợp cụ thể này là điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 được áp dụng như viện dẫn trên.

Nhận thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo là nhất thời, bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng. Do đó, việc không cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội cũng có thể tự cải tạo, giáo dục và cũng là tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội học tập để trở thành người có ích cho xã hội sau này.

[3] Xét thấy bị cáo nhất thời thực hiện hành vi phạm tội, đã thu hồi được số tiền chiếm đoạt và trả lại cho bị hại nên không áp dụng hình phạt bổ sung (phạt tiền).

[4] Về xử lý vật chứng và trách nhiệm dân sự:

Số tiền 20.000.000 đồng là tài sản hợp pháp của bà Trần Thị B, Cơ quan điều tra trả cho chủ sở hữu là đúng quy định pháp luật nên ghi nhận. Theo đó, bà B đã nhận lại tài sản và không có yêu cầu gì thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[5] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

 Tuyên bố : Bị cáo Phạm Thị Tuyết A phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng: khoản 1 Điều 137; điểm g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. 

 Xử phạt : Bị cáo Phạm Thị Tuyết A 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng. Thời hạn chấp hành thời gian thử thách án treo được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 20/7/2018).

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường C, quận N, thành phố Cần Thơ giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

* Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

- Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 23 Nghị quyết về án phí, lệ phí Tòa án.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết A phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án (đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật) lên Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ theo thủ tục phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

342
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 181/2018/HS-ST ngày 20/07/2018 về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:181/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Ninh Kiều - Cần Thơ
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về