Bản án 181/2017/HSPT ngày 22/09/2017 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 181/2017/HSPT NGÀY 22/09/2017 VỀ TỘI LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 126/2017/HSPT ngày 01/8/2017 đối với bị cáo Trương Phú H, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 49/2017/HSST ngày 20/6/2017 của TAND huyện H, tỉnh Thanh Hóa.

Bị cáo có kháng cáo: Trương Phú H, Sinh ngày 28/4/1999; Nơi cư trú: Thôn 6, xã H huyện H, tỉnh Thanh Hóa. Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Lớp 8/12; con ông Trương Phú H và bà Lê Thị Th; Bị cáo chưa có vợ; Tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giữ ngày 21/01/2017; Thay thế biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 25/01/2017. Bị cáo có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trương Văn Công, là Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

NHẬN THẤY

Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện H và bản án hình sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Thanh Hóa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 13 giờ ngày 20/8/2016, Trương Phú H đi bộ đến nhà anh Trương Phú T (là chú họ của H) hỏi mượn xe mô tô của anh T để đi chơi. Anh T đồng ý và giao chiếc xe hiệu Exciter, biển kiểm soát 36B2-396.16 cho H mượn. H điều khiển xe đi đến nhà Nguyễn Văn T, sinh năm 1996 ở thôn 3, xã H, huyện H chơi. Tại đây H gặp anh Lê Phú D, sinh năm 1977 ở thôn 10 xã H, huyện H. Do D nói còn thiếu 4.000.000đ để chuộc xe mô tô mà D đang cầm cố, H nói để H cầm cố chiếc xe của H lấy tiền cho D vay để chuộc xe, sau đó H đã mang chiếc xe mô tô mượn của anh T đến quán Hòa Sự của anh Nguyễn Thế D ở thôn T 1, xã H, huyện H, H nói với anh D là xe của H, giấy tờ đang để ở nhà, anh D đã đồng ý cho H cầm cố xe và cho H vay 6.000.000đ. Nhận được tiền, H cho D vay 4.000.000đ, còn lại 2.000.000đ H tiêu sài hết và bỏ trốn. Ngày 20/01/2017, H bị bắt theo Quyết định truy nã của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện H, chiếc xe mô tô bị cáo chiếm đoạt của anh T trị giá 30.000.000đ, chiếc xe đã được thu hồi và trả lại cho người bị hại đầy đủ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 49 ngày 20/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định:

Tuyên bố Trương Phú H phạm tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng khoản 1 Điều 140, điểm p, h khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69, Điều 74 của Bộ luật hình sự .

Xử phạt Trương Phú H 06 (sáu) tháng tù, được trừ 05 ngày bị tạm giữ. Thời gian chấp hành hình phạt kể từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên tiền án phí và quyền kháng cáo của các bị cáo.

Ngày 29/6/2017, Trương Phú H làm đơn kháng cáo với các nội dung:

- Bị cáo là người chưa thành niên, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chưa có tiền án, tiền sự, án sơ thẩm xử phạt bị cáo 06 tháng tù là quá nặng.

- Chiếc xe bị cáo mượn của anh T trị giá chỉ dưới 20.000.000đ, kết luận của Hội đồng định giá tài sản trị giá chiếc xe 30.000.000đ là không đúng với thực tế; xin được giảm nhẹ hình phạt.

- Bố bị cáo và anh T đã nộp 6.000.000đ cho Công an huyện Hoằng Hóa nhưng không được xem xét.

- Ngay sau khi bị cáo đem chiếc xe đi cầm cố, bị cáo đã nhận ra việc làm sai trái nên đã gọi điện cho mẹ đẻ mang tiền đến tiệm cầm cố nhận lại xe trả cho anh Thọ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và bổ sung nội dung xin được hưởng án treo.

Đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 250 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự để hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung vì có nhiều nội dung chưa được làm rõ về mục đích chiếm đoạt tài sản của bị cáo, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tình tiết ông Trương Phú H (bố của bị cáo) đã nộp 6.000.000đ tại Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả, trả lại cho anh D. Ngoài ra, bị cáo khi phạm tội còn chưa đến tuổi thành niên, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì với quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và người bào chữa,

XÉT THẤY

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã khai nhận: Khoảng 13 giờ ngày 20/8/2016, bị cáo đã đến nhà anh Trương Phú T (là chú của bị cáo) hỏi mượn chiếc xe mô tô của anh T để đi đến nhà bạn chơi, được anh T đồng ý, bị cáo đã điều khiển xe đến nhà Nguyễn Văn T là bạn ở thôn 3, xã H chơi; tại đây bị cáo gặp Lê Phú D, biết D thiếu tiền để chuộc xe máy do D cầm cố trước đó, bị cáo đã đem chiếc xe mượn của anh Thọ đến quán Hòa Sự của anh Nguyễn Thế D nói dối là xe của mình và cầm cố xe để vay của anh Nguyễn Thê D 6.000.000đ; bị cáo cho D vay 4.000.000đ, còn 2.000.000đ H ăn tiêu hết rồi bỏ ra Hà Nội làm thuê, tắt điện thoại không liên lạc lại với anh T.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào một số lời khai của bị cáo và diễn biến hành vi như trên để kết tội bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là chưa đủ cơ sở, bởi lẽ:

Tại giai đoạn điều tra, anh Nguyễn Thế D khai khi vay tiền vào ngày 20/8/2016, bị cáo hẹn đến 22/8/2016 sẽ trả (sau BL 69); một số lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm cũng thể hiện là bị cáo vay trong “vài ngày”. Cả bị cáo và anh D đều khai: Khi bị cáo cầm cố xe vay tiền bị cáo có viết giấy vay, nhưng cơ quan điều tra không thu thập giấy vay nợ này là thiếu sót, vì đây là căn cứ để xem xét thời hạn trả tiền của bị cáo. Ngày 21/8/2016, khi chưa đến hạn bị cáo trả tiền cho anh D để lấy xe thì cơ quan điều tra đã đến thu giữ chiếc xe máy.

Tại phiên tòa sơ thẩm (sau BL125), bị cáo còn khai: Ông chủ nơi bị cáo làm thuê là bác của anh D, khi biết bị cáo cầm cố xe máy để vay tiền của anh D, ông chủ đã trừ tiền lương của bị cáo và nói là lấy tiền đó để trả tiền bị cáo vay cho anh D. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai “ông chủ” tên là Văn. Vậy ông Văn đó là ai, bị cáo có làm công cho ông Văn không, ông Văn có trừ tiền lương của bị cáo để trả cho anh D không, trả vào thời điểm nào, tình tiết này chưa được làm rõ.

Trong nội dung kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai sau khi cầm cố chiếc xe máy, bị cáo đã điện thoại cho mẹ của bị cáo, nhờ mẹ mang tiền trả cho anh D để chuộc xe trả lại cho anh T. Lời khai này của bị cáo cũng phù hợp với lời khai của anh T tại giai đoạn điều tra (BL 36 và sau BL39); anh T có khai: Tối 20/8/2016, khi không thấy bị cáo trả xe, anh điện thoại cho bị cáo không được, sau đó chị Th (mẹ bị cáo) nói với anh là bị cáo đã đem xe đi cầm cố tại quán Hòa Sự rồi. Việc bị cáo có gọi điện thoại cho mẹ không, gọi vào thời điểm nào, bị cáo có nhờ mẹ trả tiền cho anh D để chuộc xe về hay không; nội dung này cần phải làm rõ để xác định mục đích chiếm đoạt tài sản của bị cáo có hay không.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo còn khai (BL124 và sau BL 125): Người bị hại là anh T (đồng thời cũng là chú của bị cáo) cùng bố của bị cáo đã nộp cho công an huyện Hoằng Hóa 8.000.000đ, trong đó 6.000.000đ là để lấy xe máy ra, còn 2.000.000đ là để nộp phạt. Anh T cũng khai nội dung này tại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, cả bị cáo và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo vẫn khẳng định bố bị cáo đã nộp khoản tiền này. Nhưng cấp sơ thẩm cũng không làm rõ có việc nộp tiền như bị cáo và anh T khai không, nộp vào thời điểm nào, nộp cho ai, nộp vì lý do gì; anh D là người cho bị cáo cầm cố xe vay tiền đã được nhận lại 6.000.000đ chưa. Tình tiết này cần phải làm rõ vì tại thời điểm này bị cáo là người chưa thành niên, bố mẹ bị cáo có quyền và trách nhiệm thực hiện việc trả nợ thay cho bị cáo.

Với những phân tích trên, thấy rằng việc điều tra ở cấp sơ thẩm còn chưa đầy đủ, chưa đủ căn cứ xác định mục đích của bị cáo là chiếm đoạt tài sản của anh T. Những nội dung này cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Do vậy nên chấp nhận đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện H giải quyết lại theo thủ tục chung.

Do vụ án bị hủy nên bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248; khoản 1, khoản 3 Điều 250 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 49/2017/HSST ngày 20/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Thanh Hóa đối với bị cáo Trương Phú H.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện H, tỉnh Thanh Hóa để giải quyết theo thủ tục chung.

Căn cứ điểm f khoản 2 Điều 23 của  Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Danh mục Án phí, lệ phí Tòa án (ban hành kèm theo Nghị quyết số 326) : Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

804
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 181/2017/HSPT ngày 22/09/2017 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:181/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về