Bản án 180/2020/DS-PT ngày 30/11/2020 về tranh chấp di sản thừa kế và tranh chấp quyền sử dụng đất 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 180/2020/DS-PT NGÀY 30/11/2020 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ VÀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Trong các ngày 18 tháng 11, ngày 25 tháng 11 và tuyên án vào ngày 30 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 166/2020/TLPT-DS ngày 07 tháng 10 năm 2020 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế và tranh chấp quyền sử dụng đất. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31/07/2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 182/2020/QĐ-PT ngày 12 tháng 10 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1 Ông L, sinh năm: 1940 (chết).

Địa chỉ: xã TH, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông L:

1.1.1. Bà H1, sinh năm: 1944; Vắng mặt. Địa chỉ: xã TH, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

1.1.2. Anh N1, sinh năm: 1969; Vắng mặt. Địa chỉ: xã TB, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

1.1.3. Anh N2, sinh năm: 1970; Vắng mặt.

Địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

1.1.4. Chị M, sinh năm: 1972; Vắng mặt.

1.1.5. Anh T1, sinh năm: 1973; Vắng mặt.

1.1.6. Chị T2, sinh năm: 1976; Vắng mặt.

1.1.7. Chị G1, sinh năm: 1979; Vắng mặt.

1.1.8. Anh S1, sinh năm: 1984; Vắng mặt.

Cùng địa chỉ: xã TH, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông L là anh T1, sinh năm: 1973; Có mặt.

1.2. Bà T3, sinh năm: 1950; Có mặt.

Địa chỉ: xã TH1, huyện TH2, tỉnh Kiên Giang.

1.3. Ông C1, sinh năm: 1950; Có mặt.

Địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh N2, anh T1, bà T3, ông C1:

Luật sư V - Văn phòng Luật sư V thuộc đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang. Có mặt.

2. Bị đơn: Ông N3, sinh năm: 1960; Có mặt. Địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông N3: Luật sư A1 - Văn phòng Luật sư A1 thuộc đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà K1 sinh năm: 1944 (chết).

Địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà K1:

3.1.1. Chị N4, sinh năm: 1969; Có đơn xin vắng mặt. Địa chỉ: xã Ngọc Hòa, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.1.2. Chị S2, sinh năm: 1967; Có đơn xin vắng mặt.

Địa chỉ: xã TH, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.1.3. Anh S3, sinh năm: 1965; Có mặt.

3.1.4. Chị P1, sinh năm: 1976; Có đơn xin vắng mặt.

Cùng địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.2. Bà H2, sinh năm: 1958; Có mặt.

3.3. Bà P2, sinh năm: 1960; Có đơn xin vắng mặt.

Cùng địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.4. Ông N5, sinh năm: 1982; Có đơn xin vắng mặt 3.5. Chị L, sinh năm: 1986; Có đơn xin vắng mặt.

Cùng địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.6. Ông C2, sinh năm: 1985; Có đơn xin vắng mặt.

Địa chi: xã TH, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.7. Anh N2, sinh năm: 1970; Có mặt.

3.8. Chị T4, sinh năm: 1979; Vắng mặt.

Cùng địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh N2: Luật sư V - Văn phòng Luật sư V thuộc đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang. Có mặt.

3.9. Cháu K2, sinh năm: 2000; Vắng mặt.

3.10. Cháu A2, sinh năm: 2002; Vắng mặt.

Cùng địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của chị T4, cháu K2, cháu A2: Anh N2, sinh năm: 1970; Có mặt.

3.11. Anh S4, sinh năm: 1972; Vắng mặt.

3.12. Chị G1, sinh năm 1979; Vắng mặt.

Cùng địa chỉ: xã TH, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.13. Anh T1, sinh năm: 1981; Có mặt.

3.14. Chị H3, sinh năm: 1983; Có đơn xin vắng mặt.

Cùng địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

3.15. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện G; Vắng mặt. Địa chỉ: thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông N3.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn bà T3, ông C1 và ông L (đã chết) trình bày:

Cha các ông bà là cụ ông D chết năm 1989 và mẹ là cụ bà: C3 chết năm 2009, quá trình chung sống hai cụ có 06 người con chung, không có con riêng.

1. Bà K1 có chồng là ông B1 và ông B2 (đều đã chết), bà có 04 người con: Chị N4, chị S2, anh S3, chị P1.

2. Ông L, sinh năm 1940 (đã chết) có vợ là bà H1, ông bà có 07 người con chung là: N1, N2, M, T1, T2, G1, S1.

3. Bà T3, sinh năm 1950.

4. Ông C1, sinh năm 1950.

5. Bà H2, sinh năm 1958.

6. Ông N3, sinh năm 1960.

Cụ ông D chết năm 1989 và cụ bà C3 chết năm 2009, hai cụ chết không để lại di chúc. Quá trình chung sống hai cụ tạo dựng tài sản là đất gồm các thửa:

1. Thửa đất số 165, tờ bản đồ số 03, diện tích 2.650m2;

2. Thửa đất số 906, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.209,4m2;

3. Thửa đất số 924, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.319m2.

Cùng tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang. Đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23 tháng 11 năm 1999 cho cụ bà C3, đến ngày 15 tháng 12 năm 2011 ông N3 nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo văn bản phân chia tài sản được Ủy ban nhân dân thị trấn G xác nhận ngày 09 tháng 11 năm 2011 ông N3 đứng tên quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng hết số đất này.

Các nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết: Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử sụng đất (được cấp mới) các thửa số 924, 1062 cùng tờ bản đố số 3. Cùng tọa lạc thị trấn G, huyện G do ông N3 đứng tên quyền sử dụng đất để chia thừa kế và sang tên cho ông C1, bà T3 và anh T1, cụ thể như sau:

+ Thửa 924 được trừ ra phần 03 mét sang cho ông M1, phần còn lại chia đều cho bà T3 và những người kế thừa của ông L, cụ thể các đương sự tự chia.

+ Thửa 1062 chia cho ông C1 13,8 mét và ông N3 7,8 mét (theo chiều ngang). Lý do ông N3 còn 7,8 mét là trừ ra 03 mét ông N3 đã chuyển nhượng cho ông M1 đã hòa giải thành.

Thửa đất 165 diện tích 2.650m2 sau khi trừ diện tích đất của anh N2 đang ở còn lại bao nhiêu giao cho ông N3 sử dụng.

* Bị đơn ông N3 trình bày:

Cha của ông là cụ ông D chết năm 1989 và mẹ là cụ bà C3 chết năm 2009. Quá trình chung sống hai cụ có 06 người con: Bà K1 (đã chết), ông L (đã chết), bà T3, ông C1, bà H2, ông N3. Hai cụ chết không để lại di chúc, quá trình chung sống hai cụ tạo dựng tài sản là đất gồm các thửa:

1. Thửa đất số 165, tờ bản đồ số 03, diện tích 2.650m2;

2. Thửa đất số 906, tờ bản đồ số 03 diện tích 1.209,4m2;

3. Thửa đất số 924, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.319m2.

Tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang. Đã được Ủy ban nhân dân huyện G cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23 tháng 11 ăm 1999 cho cụ bà C3.

Đến ngày 15 tháng 12 năm 2011, ông nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo văn bản phân chia tài sản được Ủy ban nhân dân thị trấn G xác nhận ngày 09 tháng 11 năm 2011 ông đứng tên quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng hết số đất này. Trước khi lập thủ tục sang tên ông có hỏi anh em thì tất cả các anh em đều đồng ý ký giao cho ông toàn bộ số đất trên, trừ bà T3 chưa ký tên.

Ông trình bày khi ông đứng tên các thửa đất này thì phần thửa đất 165 trước kia là đất lung (hoang) diện tích 1.990m2, ông có trao đổi đất với ông Đ, khi đổi đất mẹ ông vẫn còn sống. Sau đó, ông mới bồi đắp phần đất này rồi mẹ ông có kêu sang đất để cất nhà và ông có trao đổi với ông C1, ông C1 nói rằng đất đó của cha mẹ, em nuôi cha mẹ thì là quyền của em. Các anh chị đã có đất, có chỗ ở nên không có ý kiến gì.

Khoảng năm 2011 - 2012, giữa ông và ông N6 có tranh chấp ranh đất và các anh chị em đều ký tên hợp thức hóa cho ông đứng tên quyền sử dụng đất tại UBND thị trấn G (riêng bà T3 không có ký tên).

Do đó, ông không đồng ý việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia thừa kế của các nguyên đơn, ông chỉ đồng ý chia cho bà T3 một suất bằng 200.000.000đ theo yêu cầu của bà khi gửi đơn khởi kiện.

Ngày 28 tháng 01 năm 2019, ông N3 có đơn khởi kiện đối với anh N2, chị T4, các cháu K2 và A2, ông yêu cầu như sau:

Cha ông là D, mẹ là C3 (đều chết) cha mẹ ông để lại thửa đất 165, diện tích 2.560m2, ông ở chung với cha mẹ và cất nhà trên phần đất này và được nhận thừa kế năm 2011, trong thời gian sống chung cha mẹ ông có cho anh N2 cất nhà ở đậu vào năm 2003, có diện tích ngang 05m x dài 27,3m. Do lúc này N2 không có chỗ ở xin cất nhờ cho con đi học nên ông đồng ý và ông có nói năm 2020 lúc con của N2 ra trường thì phải trả lại phần đất này cho ông. Gần đến thời gian di dời thì N2 gửi đơn yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông và yêu cầu phải tách bằng khoán cho N2. Vì vậy, ông không đồng ý theo yêu cầu của N2 và yêu cầu N2 cùng vợ con phải di dời nhà trả lại phần đất cho ông.

Ông N6 tranh chấp ranh đất đã thỏa thuận được với ông N3 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên đã tách ra thành vụ án khác và đã đình chỉ vụ án, lý do ông N6 có đơn rút đơn khởi kiện.

Ông M1 bà P3 có chuyển nhượng của ông N3 03m đất ngang x dài hết hậu, đã được tách vụ án và các đương sự đã tự nguyện thỏa thuận được với nhau nên Tòa án đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh N2 và chị T4 trình bày:

Vào năm 2000, bà nội là cụ bà C3 có cho vợ chồng anh một mảnh đất cất nhà ngang 05m x dài 50m, anh đã bơm cát vào năm 2003 và cất nhà ở, khi cho không có làm giấy nhưng bà con trong gia đình ai cũng biết. Đến năm 2009 bà nội mất, năm 2015 xảy ra tranh chấp giữa cha anh và các cô chú với ông N3. Do tranh chấp nên ông N3 đã yêu cầu vợ chồng anh tháo dỡ căn nhà trả lại đất cho ông do ông đã đứng tên quyền sử dụng đất. Nay anh có yêu cầu độc lập yêu cầu ông N3 thực hiện thủ tục tách quyền sử dụng đất cho anh theo thẩm định thực tế, thuộc thửa đất số 165, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại thị trấn G, huyện G. Không yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không đồng ý theo yêu cầu của ông N3 trả đất cho ông trong vòng 01 năm.

Không yêu cầu bồi thường công sức bồi đắp trong trường hợp phải giao đất cho ông N3 sử dụng.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh N5 và chị L trình bày:

Vào năm 2015, anh chị có thỏa thuận thuê mặt bằng với ông N3, thời hạn thuê là 05 năm, đến năm 2020 là hết hợp đồng. Trường hợp đất thuộc quyền sử dụng ông N3, thì anh chị thỏa thuận với ông N3, trường hợp đất thuộc quyền sử dụng người khác thì anh chị thỏa thuận lại với ông N3, không thỏa thuận được sẽ khởi kiện thành vụ kiện khác. Không có yêu cầu độc lập trong vụ kiện này.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh C2 trình bày:

Anh có thuê đất của ông N3 thời hạn thuê là 07 năm, đến năm 2022 hết hạn hợp đồng. Trường hợp đất thuộc ông N3 thì anh không có ý kiến gì, trường hợp đất thuộc anh em ông N3 thì anh và ông N3 sẽ thỏa thuận lại với nhau, nếu phù hợp thì không khởi kiện, không thì sẽ kiện thành vụ kiện khác. Không có yêu cầu độc lập trong vụ kiện này.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà H2, anh S3, chị P1, chị N4 và chị S2 trình bày:

Trước đây có thỏa thuận phần đất của cha mẹ để lại và anh chị em (trong đó có mẹ của các anh chị là bà Kía) đã thống nhất giao cho ông N3 toàn quyền sử dụng và có công chứng tại UBND thị trấn G nên thỏa thuận trước đây giữ nguyên và không yêu cầu gì khác. Khẳng định không có yêu cầu chia thừa kế.

* Những người làm chứng:

Ông P4 khai: Ông có nhà gần nhà anh N2, N2 là cháu nội cụ bà C3, kêu ông N3 bằng chú, khi cụ C3 còn sống anh N2 có cất nhà ở trên đất từ năm 2000 đến nay, được cụ C3 cho hay bán thì ông không biết.

Ông H4 khai: Ông ở cùng xóm với anh N2 và ông N3, anh N2 là cháu nội cụ C3. Vào năm 2000, ông thấy anh N2 bơm cát cất nhà, qua giao tiếp được biết cụ C3 có cho vợ chồng N2 cất nhà trên phần đất của cụ, ông chỉ nghe N2 nói bà Nội cho cất nhà ở nhưng không được sang, còn cho luôn cho mượn hay bán thì không biết.

Bà K3 khai: Bà sống cùng xóm với anh N2 và ông N3, trước đây không nhớ thời gian nào bà C3 (bà nội của N2) có cho vợ chồng N2 ở trên phần đất của bà, cho ở nhờ hay cho luôn thì bà không biết.

Ông T5 khai: Ông là người cùng xóm với anh N2 và ông N3, vào khoảng năm 1990 bà C3 có cho vợ chồng N2 cất nhà ở trên phần đất của bà cho đến nay. Theo ông biết là cho luôn, còn việc cho đất có giấy tờ gì không thì ông không biết.

Ông Lý Minh Chiến khai: Ông là người cùng xóm anh N2 và ông N3. Theo ông biết vào năm 1980 - 1981, bà C3 có cho con trai là ông L phần đất phía sau, sau đó các con ông L có ở phần đất này để đi học nên việc ông L cho phần đất này cho anh N2 là con của ông là lẽ đương nhiên. Vì phần đất anh N2 đang ở là do bà nội N2 cho cha N2 nên N2 vào ở đến nay là phù hợp.

* Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang quyết định:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của đồng nguyên đơn: Bà T3, ông C1 và đại diện kế thừa quyền nghĩa vụ ông L bà H1.

Chia cho bà T3 và bà H1 (người kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ của ông L) mỗi người được hưởng 1/2 diện tích đất 970,6 m2 thuộc thửa 924, tờ bản đồ số 3 còn lại theo tờ trích đo địa chính thửa đất số: TĐ 177 - 2018 (924-09) ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G.

Bà T3 và bà H1 (người kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ của ông L), mỗi người được hưởng kỷ phần ½ diện tích là 485,3 m2 phần cụ thể các đương sự tự chia theo nguyên tắc có tiền có hậu.

Chia cho ông C1 và ông N3 diện tích đất 1.119,4 m2 thuộc thửa 1062, tờ bản đồ số 3, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 894415 do Ủy ban nhân dân huyện G cấp ngày 02/10/2012.

Chia cho ông C1 diện tích 581,8m2 trong thửa đất 1062 có các cạnh (mặt tiền giáp đường HV 12,3m; mặt hậu giáp L1 6,2m; chiều dài giáp phần của ông N3 được chia dài 82,3m; chiều dài giáp L1, M2, P4 dài 78,73 mét) lấy từ hướng giáp ranh đất ông P4, bà L1 và ông M2 đo qua.

Chia cho ông N3 diện tích 537,6 m2 (có mặt tiền giáp đường HV dài 9,3m; mặt hậu giáp L1 dài 6,2m; chiều dài giáp ông C1 dài 82,3m; chiều dài giáp ông H4 dài 86,15m) phần còn lại của thửa đất 1062, do các đương sự thống nhất lấy số đo khi tách thửa 1062 không đo lại thực tế nên khi giao đất cho ông C1 đủ diện tích đất như trên còn lại bao nhiêu giao hết thửa đất này cho ông N3.

Bác yêu cầu độc lập của ông N3 về việc đòi lại quyền sử dụng đất đối với anh N2, chị T4, cháu K2 và cháu A2 (một phần trong thửa 165, tờ bản đồ số 3 diện tích 128.50m2).

Công nhận cho anh N2, chị T4 diện tích đất 128,5m2 là một phần trong thửa 165, tờ bản đồ số 3, theo tờ trích đo địa chính số: TĐ 165-2018 ngày 09/8/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G.

Bà T3, ông C1, bà Hai (người kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ của ông L), anh N2 và chị T4 có quyền và nghĩa vụ đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng đất diện tích đất theo trích đo, tứ cạnh như trên theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và thông báo quyền kháng cáo theo quy định.

* Ngày 06/8/2020, bị đơn ông N3 kháng cáo với nội dung:

Không chấp nhận yêu cầu khởi của nguyên đơn ông L và ông C1; chấp nhận chia cho bà T3 một phần đất có chiều ngang 5m tính từ lộ 963 đến kênh Thủy Lợi; không chấp nhận yêu cầu của anh N2 và chị T4 diện tích đất 128,5m2; buộc anh N2 và chị T4 giao trả diện tích đất 128,5m2.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông N3, cũng như ý kiến của bị đơn ông N3 thống nhất giữ nguyên nội dung kháng cáo, không chấp nhận yêu cầu khởi của nguyên đơn ông L và ông C1; chấp nhận chia cho bà T3 một phần của thửa đất số 924 chiều ngang 5m tính từ lộ 963 đến kênh Thủy Lợi; không chấp nhận yêu cầu của anh N2 và chị T4 diện tích đất 128,5m2; buộc anh N2 và chị T4 giao trả cho ông diện tích đất 128,5m2.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1; nguyên đơn bà T3 và ông C1 yêu cầu Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh N2, cũng như ý kiến của anh N2 thống nhất đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà H2, anh S3 và anh T1 đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3, sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

- Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa:

Về việc tuân theo tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử ở giai đoạn phúc thẩm là đúng quy định pháp luật.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3. Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và công bố công khai tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và phát biểu của vị đại viện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Căn cứ vào Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định xét xử theo quy định.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông L và ông C1; tự nguyện chia cho bà T3 một phần của thửa đất số 924 chiều ngang 5m tính từ lộ 963 đến kênh Thủy Lợi.

Hội đồng xét xử xét thấy, các bên đương sự đều xác định nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ ông D chết năm 1989 và cụ bà C3 chết năm 2009 không để lại di chúc. Hai cụ có 06 người con chung gồm: Bà K1 (chết), ông L (chết), ông C1, bà T3, bà H2 và ông N3. Sinh thời hai cụ tạo lập được các thửa đất sau: Thửa đất số 165, tờ bản đồ số 03, diện tích 2.650m2; thửa đất số 924, tờ bản đồ số 03, diện tích 1.319m2; thửa đất số 196, đổi thành thửa 906, tờ bản đồ số 03 diện tích 1.209,4m2. Sau khi cụ bà C3 chết, toàn bộ phần đất của cụ do ông N3 quản lý sử dụng. Ngày 15/8/2011, các anh chị em của ông N3 gồm K1, L, C1, H2 và N3 lập tờ họp mặt và cùng ký tên giao toàn bộ diện tích đất do cụ D và cụ C3 để lại cho ông N3 được toàn quyền sử dụng có xác nhận của UBND thị trấn G, chỉ có bà T3 không trực tiếp tham gia họp mặt và không có ký tên vào tờ họp mặt (BL 43). Nhưng ông N3 và bà H2 thì cho rằng trước khi lập tờ họp mặt thì có bàn bạc trong tất cả anh chị em, trong đó có bà T3 biết, do bà T3 ở xa và do công việc nên bà T3 không về tham gia được, nhưng bà T3 cũng đồng ý theo nội dung của tờ họp mặt nêu trên. Sau khi lập tờ họp mặt, ông N3 liên hệ cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục đứng tên toàn bộ quyền sử dụng đất mà các bên đang tranh chấp thì cũng chính bản thân các anh chị em của ông N3 gồm K1, L, C1, H2 và N3 cùng ký tên vào các văn bản phân chia tài sản theo quy định có công chứng, điều này thể hiện ý chí tự nguyện của các anh chị em trong việc giao quyền sử dụng đất đang tranh chấp cho ông N3 từ thời điểm xác lập tờ họp mặt ngày 15/8/2011 (BL 43). Trên cơ sở lập tờ họp mặt ngày 15/8/2011 và văn bản phân chia tài sản theo quy định có công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai huyện G đánh biến động chuyển toàn bộ số đất này cho ông N3 đứng tên sử dụng theo dạng thừa kế tài sản là có sai sót, do tờ họp mặt ngày 15/8/2011 và văn bản phân chia tài sản trong thủ tục đánh biến động sang tên từ cụ C3 cho ông N3 không có bà T3 ký vào các văn bản này thì Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phải có văn bản thông báo cho bà T3 biết việc ông N3 lập thủ tục đánh biến động chuyển toàn bộ số đất này cho ông N3 đứng tên sử dụng theo dạng thừa kế tài sản để làm căn cứ đánh biến động sang tên cho ông N3 mới phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, về trình tự thủ tục đánh biến động sang tên toàn bộ quyền sử dụng đất đang tranh chấp giữa các đương sự là có thiếu sót, nhưng sau khi ông N3 được đánh biến động sang tên, thì các anh chị em của ông N3, trong đó có bà T3 đều biết toàn bộ quyền sử dụng đất là di sản của cụ C3 để lại đã đứng tên ông N3 nhưng không ai có tranh chấp hay khiếu nại gì về việc ông N3 được đứng tên quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất các bên đang tranh chấp cho đến khi khởi kiện yêu cầu chia thừa kế và thực tế từ khi lập tờ họp mặt, ông N3 được đứng tên toàn bộ quyền sử dụng đất, trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm cũng không ai có yêu cầu tuyên bố văn bản là tờ họp mặt ngày 15/8/2011 vô hiệu.

Xét thấy, cấp sơ thẩm xác định biên bản họp gia đình trên vô hiệu, do biên bản họp gia đình vô hiệu nên toàn bộ số đất trên là di sản của cụ bà C3 và cho rằng các đồng nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế là không phù hợp theo quy định tại các Điều 223 về định đoạt tài sản chung và Điều 226 về chấm dứt sở hữu chung của Bộ luật dân sự 2005 (tương ứng với các Điều 218 và Điều 220 Bộ luật Dân sự năm 2015) và vận dụng tinh thần của Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân.

Cụ thể, diện tích đất đang tranh chấp có nguồn gốc là tài sản chung của cụ D chết năm 1989 và cụ C3 đã chết năm 2009, sau khi cụ D chết cụ C3 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/11/1999 đối với toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp nêu trên. Sau khi cụ C3 chết, đến ngày 15/8/2011 các con của cụ D và cụ C3 gồm bà K1 (chết), ông L (chết), ông C1, bà H2 và ông N3 lập tờ họp mặt họp và văn bản phân chia tài sản, trên cơ sở đó ông N3 đã được quản lý sử dụng đất, đã được thực hiện trên thực tế và được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ theo quy định của Luật đất đai, nên diện tích đất nêu trên đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân ông N3. Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn bà Trần Kim Tính, ông L, ông C1 thống nhất trình bày, ngày 15/8/2011, các anh em hop mặt thỏa thuận về 03 thửa đất trên, trong ngày họp mặt có ông Trần Văn Kía, ông L, ông C1, bà H2 và ông N3, các anh chị lên nhà họp mặt và đồng thống nhất để lại 03 thửa đất do cha mẹ mất để lại cho ông N3 được hưởng toàn quyền sử dụng. Văn bản họp mặt thể hiện rõ ý chí tự nguyện của các anh chị em có mặt với nội dung “Các anh chị xét thấy em tôi đã sống chung cha mẹ tôi và chăm sóc cha mẹ tôi khi già yếu đến khi mất, thì số tài sản đó để cho em tôi hưởng là chính đáng, khi thờ phụng cha mẹ”. Sau khi ông N3 được đứng tên quyền sử dụng diện tích đất nêu trên, ông N3 đã bỏ ra nhiều công sức và chi phí bồi đắp, bơm cát, giữ gìn, canh tác sử dụng ổn định, các anh chị em trong đó có bà T3 không ai tranh chấp hay phản đối gì. Đối với bà T3, dù bà T3 không có mặt tham gia và ký tên vào tờ họp mặt và văn bản phân chia tài sản, nhưng bà T3 cũng biết và cũng không có phản đối gì, sau khi ông N3 được đánh biến động sang tên ông N3 đứng tên quyền sử dụng đất các anh chị em trong đó có bà T3 về giỗ, tết cùng vui vẻ trong gia đình, không ai phản đối hay tranh chấp gì.

Trong suốt quá trình sử dụng đất ông N3 nhiều lần cấp đổi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông N3 đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa lên đất ở như hiện nay cũng không ai tranh chấp hay phản đối gì cho đến khi phát sinh tranh chấp thừa kế. Cụ thể, trong quá trình sử dụng đất ông N3 đã tách thửa 906 thành 03 thửa đất: Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 894415 cấp ngày 02 tháng 10 năm 2015 là thửa đất 906 có diện tích 50m2 loại đất ở đô thị, thửa đất 1061 có diện tích 40m2 loại đất ở đô thị và thửa đất 1062 có diện tích 1.119,4m2 loại đất chuyên trồng lúa nước. Có đủ căn cứ xác định ông N3 được sử dụng hợp pháp, đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai, các anh chị em của ông N3 đồng thống nhất trước khi phát sinh tranh chấp, không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, diện tích đất đang tranh chấp không còn là di sản thừa kế của cụ D và cụ C3, mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của cá nhân ông N3. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1; nguyên đơn bà T3 và ông C1 là không có căn cứ, không phù hợp theo quy định tại các Điều 223 về định đoạt tài sản chung và Điều 226 về chấm dứt sở hữu chung của Bộ luật dân sự 2005 (tương ứng với các Điều 218 và Điều 220 Bộ luật Dân sự năm 2015) và vận dụng tinh thần của án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân.

Mặc khác, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn là chỉ tranh chấp yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất số 1062 có giá trị là 11.796.487.600 đồng và thửa đất số 924 có giá trị là 11.185.589.200 đồng theo yêu cầu của đương sự là quyền định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự. Trường hợp, nếu xác định đây là di sản thừa kế thì phải xác định 7 kỷ phần thừa kế trong đó 6 kỷ phần thuộc về hàng thừa kế và một kỷ phần của người quản lý di sản thừa kế, trong khi bà H2 và các con của ông K1 đều có ý kiến giao cho ông N3 được hưởng phần thừa kế của mình, nhưng cấp sơ thẩm không xem xét mà chia thừa kế làm 4 phần là không phù hợp quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các thừa kế, nếu có căn cứ chia di sản thừa kế.

Xét thấy tại phiên tòa, bị đơn ông N3 tự nguyện chia cho nguyên đơn bà T3 một phần của thửa đất số 924 chiều ngang 5m tính từ lộ 963 đến kênh Thủy Lợi có diện tích 421,5m2 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Từ những căn cứ nêu trên, trong thảo luận nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3, không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1; nguyên đơn bà T3 và ông C1. Ghi nhận sự nguyện của bị đơn ông N3 chia cho nguyên đơn bà T3 một phần của thửa đất số 924 chiều ngang 5m tính từ lộ 963 đến kênh Thủy Lợi có diện tích 421,5m2 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

[3] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3, không chấp nhận yêu cầu của ông N2 và chị T4 diện tích đất 128,5m2; buộc ông N2 và bà Trinh giao trả cho ông N3 diện tích đất 128,5m2.

Hội đồng xét xử xét thấy, trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm các bên đương sự đều thống nhất xác định căn nhà của anh N2 nằm trên thửa đất 165, tờ bản đồ số 3, diện tích 128,5m2 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang có nguồn gốc là của cụ D và cụ C3, hiện tại do ông N3 đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh N2 là con của ông L và là cháu nội của cụ D và cụ C3. Diện tích đất đang tranh chấp giữa ông N3 với anh N2 thực tế vào năm 2000, khi cụ C3 còn sống đã cho vợ chồng anh N2 cất nhà, khi cho không có làm giấy, nhưng thực tế trong gia đình ai cũng biết và khi còn sống cụ C3 cũng không có phản đối hay tranh chấp gì đối với anh N2. Anh N2 đã đầu tư, cải tạo, cất nhà ở ổn định từ khi cụ C3 còn sống và đứng tên quyền sử dụng đất không ai tranh chấp hay phản đối gì, điều này thể hiện ý chí của cụ C3 cũng như các anh chị em của ông N3, cũng như bản thân của ông N3 cũng mặc nhiên thừa nhận việc anh N2 sử dụng diện tích đất đang tranh chấp ngay tình, hợp pháp theo ý chí của cụ C3 cho đến năm 2015 mới phát sinh tranh chấp. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của anh N2, không chấp nhận yêu cầu của ông N3, công nhận cho anh N2 và chị T4 diện tích đất 128,5m2 một phần trong thửa 165, tờ bản đồ số 3 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang là có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật.

[3] Xét ý kiến của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm, đề nghị ghi nhận ý kiến của các đương sự không tranh chấp và đồng ý giao cho ông N3 được sử dụng thửa đất số 165, tờ bản đồ số 03 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ TT0000089 QSDĐ do UBND huyện G cấp ngày 23/11/1999 diện tích 2.650m2 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang đã đánh biến động sang tên hộ ông N3 ngày 15/12/2011 sau khi trừ diện tích đất công nhận cho anh N2 và chị T4 diện tích đất 128,5m2 trong thửa 165, tờ bản đồ số 3 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Từ những căn cứ nhận định nêu trên, trong thảo luận và nghị án Hội đồng xét xử thống nhất, chấp nhận một phần ý kiến của Kiểm sát viên, chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3, sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

[4] Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1 và anh S1; bà T3 và ông C1 phải chịu chi phí số tiền là 2.672.000 đồng theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0021694 ngày 28/8/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G, bà T3 đã nộp xong.

Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1 liên đới hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 891.000 đồng.

Buộc nguyên đơn ông C1 phải hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 891.000 đồng.

Buộc bị đơn ông N3 phải chịu lệ phí là 2.930.000 đồng theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0021533 ngày 09/8/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G, bà T3 đã nộp xong, nên buộc ông N3 có nghĩa vụ trả lại cho bà T3 số tiền 2.930.000 đồng.

[5] Chi phí định giá tài sản: Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1 và anh S1; bà T3 và ông C1 phải chịu chi phí định giá tài sản là 43.706.000 đồng theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000037 ngày 10/12/2018 của Công ty TNHH định giá tư vấn xây dựng Định Vượng, bà T3 đã nộp xong.

Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1 liên đới hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 14.569.000 đồng.

Buộc nguyên đơn ông C1 phải hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 14.569.000 đồng. [6] Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Hoàn trả cho bà T3 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002109 ngày 21/11/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G (do T1 nộp thay).

Hoàn trả cho ông C1 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002108 ngày 21/11/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G (do T1 nộp thay).

Hoàn trả người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1 số tiền tạm ứng án phí ông L đã nộp là 5.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002110 ngày 21/11/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

Hoàn trả cho anh N2 và chị T4 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002384 ngày 01/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

Buộc ông N3 phải chịu án phí 300.000 đồng, nhưng ông N3 là người cao tuổi, có đơn đề nghị miễn án phí, nên ông N3 được miễn toàn bộ án phí. Hoàn trả cho ông Trần Nấu số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0007432 ngày 29/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông N3 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng Điều 223 và Điều 226 Bộ luật dân sự 2005 (tương ứng với các Điều 218 và Điều 220 Bộ luật Dân sự năm 2015); Điều 105 và Điều 106 Luật đất đai năm 2003; Điều 168 Luật đất đai 2013; Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn ông N3.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 55/2020/DS-ST ngày 31 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1 và anh S1; bà T3 và ông C1 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế” đối với bị đơn ông N3.

2. Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn ông N3 chia cho bà T3 diện tích đất thuộc thửa 924, tờ bản đồ số 3, đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang theo tờ trích đo địa chính thửa đất số: TĐ 177 - 2018 (924-09) ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G và sơ đồ diện tích phân chia đất của Hội đồng xét xử, diện tích đất có số đo cụ thể:

Cạnh 1-2 giáp thửa số 1051 của ông H5 = 28,60m; Cạnh 2-3 giáp thửa số 172 của ông M1 = 2,80m; Cạnh 3-4 giáp thửa số 172 của ông M1 = 49,84m; Cạnh 4-5 giáp thửa số 172 của ông M1 = 14,05m; Cạnh 5-6 giáp đường HV = 5,00m;

Cạnh 6-7 giáp thửa số 924 của ông N3 = 13,97m; Cạnh 7-8 giáp thửa số 924 của ông N3 = 52,09m; Cạnh 8-9 giáp thửa số 924 của ông N3 = 2,80m; Cạnh 9-10 giáp thửa số 924 của ông N3 24,55m; Cạnh 10-1 giáp kênh Thủy Lợi = 5,00m.

Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tách thửa diện tích đất theo nội dung quyết định của bản án khi đương sự có yêu cầu theo quy định pháp luật.

3. Không chấp nhận yêu cầu của ông N3 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” đối với anh N2 chị T4, cháu K2 và cháu A2.

4. Chấp nhận yêu cầu của anh N2 và chị T4 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” đối với ông N3.

Công nhận cho anh N2 và chị T4 được quyền sử dụng diện tích đất 128,5m2 trong thửa 165, tờ bản đồ số 3, đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang theo tờ trích đo địa chính số: TĐ 165-2018 ngày 09/8/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G, có số đo cụ thể như sau:

Cạnh 7-8 giáp phần còn lại của thửa 165 = 27,3m; Cạnh 8-9 giáp phần còn lại của thửa 165 = 5,00m; Cạnh 9-10 giáp phần còn lại của thửa 165 = 27,3m; Cạnh 10-7 giáp Đường HV = 5,00m.

Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tách thửa diện tích đất theo nội dung quyết định của bản án khi đương sự có yêu cầu theo quy định pháp luật.

5. Ghi nhận ý kiến của các đương sự không tranh chấp và đồng ý giao cho ông N3 được tiếp tục sử dụng thửa đất số 165, tờ bản đồ số 03 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ TT0000089 QSDĐ do UBND huyện G cấp ngày 23/11/1999 diện tích 2.650m2 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang đã đánh biến động sang tên hộ ông N3 ngày 15/12/2011 sau khi trừ diện tích đất công nhận cho anh N2 và chị T4 diện tích đất 128,5m2 trong thửa 165, tờ bản đồ số 3 đất tọa lạc tại thị trấn G, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

6. Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ:

6.1. Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1 và anh S1; bà T3 và ông C1 phải chịu chi phí số tiền là 2.672.000 đồng theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0021694 ngày 28/8/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G, bà T3 đã nộp xong.

6.2. Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1 liên đới hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 891.000 đồng.

6.3. Buộc nguyên đơn ông C1 phải hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 891.000 đồng.

6.4. Buộc bị đơn ông N3 phải chịu lệ phí là 2.930.000 đồng theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0021533 ngày 09/8/2018 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện G, bà T3 đã nộp xong, nên buộc ông N3 có nghĩa vụ trả lại cho bà T3 số tiền 2.930.000 đồng.

7. Chi phí định giá tài sản:

7.1. Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1 và anh S1; bà T3 và ông C1 phải chịu chi phí định giá tài sản là 43.706.000 đồng theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000037 ngày 10/12/2018 của Công ty TNHH định giá tư vấn xây dựng Định Vượng, bà T3 đã nộp xong.

7.2. Buộc người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1 liên đới hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 14.569.000 đồng.

7.3. Buộc nguyên đơn ông C1 phải hoàn trả lại cho bà T3 số tiền 14.569.000 đồng.

8. Về án phí:

8.1. Án phí dân sự sơ thẩm:

8.1.1. Hoàn trả cho bà T3 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002109 ngày 21/11/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G (do T1 nộp thay).

8.1.2. Hoàn trả cho ông C1 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002108 ngày 21/11/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G (do T1 nộp thay).

8.1.3. Hoàn trả người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn ông L là bà H1, anh N1, anh N2, chị M, anh T1, chị T2, chị G1, anh S1 số tiền tạm ứng án phí ông L đã nộp là 5.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002110 ngày 21/11/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

8.1.4 Hoàn trả cho anh N2 và chị T4 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0002384 ngày 01/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

8.1.5. Buộc ông N3 phải chịu án phí 300.000 đồng, nhưng ông N3 là người cao tuổi, có đơn đề nghị miễn án phí, nên ông N3 được miễn toàn bộ án phí. Hoàn trả cho ông Trần Nấu số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0007432 ngày 29/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

8.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông N3 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

369
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 180/2020/DS-PT ngày 30/11/2020 về tranh chấp di sản thừa kế và tranh chấp quyền sử dụng đất 

Số hiệu:180/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:30/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về