Bản án 178/2020/HS-PT ngày 23/04/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 178/2020/HS-PT NGÀY 23/04/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 23 tháng 4 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 72/2020/TLPT- HS, ngày 14/01/2020 đối với bị cáo Nguyễn Thanh T do có kháng cáo của bị cáo Đỗ Thanh T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS-ST ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo có kháng cáo:

Nguyễn Thanh T (tên gọi khác: không); Sinh ngày: 27/9/1995, tại: Thành phố Hồ Chí Minh; giới tính: nam; Hộ khẩu thường trú: 328, ấp BM, xã BK, huyện Z, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiêp: tài xế; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn C - sinh năm: 1944 và bà Trần Thị - sinh năm: 1953; Về hoàn cảnh gia đình: Bị cáo có 12 người anh, chị, em (lớn nhất sinh năm 1971, nhỏ nhất sinh năm 1992), có vợ là Đoàn Thanh V - sinh năm: 1994; và có 01 con (sinh năm 2015); Tiền án: không; Tiền sự: không.

Bị cáo tại ngoại. (Có mặt tại phiên tòa) - Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh T:

1/ Bà Nguyễn Thị Lan C, luật sư thuộc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn KMT, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; (Có mặt tại phiên tòa) 2/ Ông Lê Doãn T, luật sư thuộc Công ty luật Trách nhiệm hữu hạn Nguyễn T & Partners, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa)

- Bị hại: Ông Lê Văn S, sinh năm 1965, Thường trú: 774 ấp BM, xã BK, huyện Z, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa)

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn S: Ông Bùi Quang H, luật sư thuộc Văn Phòng Luật sư NV, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1/ Ông Trương Anh K, sinh năm: 1972; địa chỉ: 11/9, ấp 4, xã PX, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh (Vắng mặt)

2/ Ông Nguyễn Văn T, sinh năm: 1992; địa chỉ: 328 ấp BM, xã BK, huyện Z, Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt)

3/ Ông Nguyễn Văn N (tên gọi khác: M), sinh năm: 1983; địa chỉ: 328 ấp BM, xã BK, huyện Z, Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt)

4/ Ông Lê Hùng Đ, sinh năm: 1983; Địa chỉ: 196 ấp BTh, xã BK, huyện Z, Thành phố Hồ Chí Minh (Vắng mặt)

5/ Ông Hà Thái H2, sinh năm: 1980; địa chỉ: Tổ 6, ấp BL, xã BK, huyện Z, Thành phố Hồ Chí Minh (Vắng mặt).

6/ Ông Nguyễn Ngọc Q, sinh năm: 1982; địa chỉ: 624, ấp BM, xã BK, huyện Z, Thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ, ngày 26/8/2017, Nguyễn Thanh T đi làm về thì nghe tin anh ruột là Nguyễn Văn N (M) bị Nguyễn Ngọc Q đánh trước đó 02 ngày nên tức tốc chạy đến nhà Q hỏi chuyện, lúc đó Nguyễn Văn T (anh ruột T) cùng chạy theo T. Khi đến nơi, nhìn thấy Q đang ngồi uống bia cùng nhiều người gồm Huỳnh Thanh T, Võ Văn U và T cho rằng có thấy ông Lê Văn S cùng ở nhà Q. T khai khi đến dùng chân đạp Q một cái trúng vào lưng, bị Q và mọi người trong tiệc nhậu đánh lại trong đó có ông S, T bỏ chạy về nhà, thấy vậy Thanh cũng đi về. Khoảng 20 phút sau, Nguyễn Văn N (M) chạy xe về ngang nhà Q thì bị Q chặn xe lại hỏi “tại sao mày kêu hai thằng em mày đánh tao?”. Hai bên nói qua lại vài câu thì Q dùng tay đánh N (M) vài cái trúng vào mặt và ngực thì được một số người can ngăn nên N chạy xe về nhà nói cho T sự việc bị Q đánh. Nghe vậy, T chạy đến nhà Q để trả thù, N và Thanh chạy theo. Khi đến nhà Q thì không có Q ở nhà mà gặp ông Nguyễn Ngọc An (cha ruột Q) đang đứng trước nhà. N chạy tới đẩy ông A ngã xuống đường bất tỉnh. Lúc này, con ruột của ông A là bà Nguyễn Thị Mỹ H và bà Nguyễn Thị Ngọc H từ trong nhà chạy ra la lớn kêu cứu nhờ người chở ông A đi cấp cứu. Bà Hoa vào nhà gọi ông Trương Anh K và hàng xóm là ông Lê Văn S đưa ông A đi bệnh viện. Ông K vừa ra khỏi nhà thì bị đánh gây thương tích nên ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu. Khi ông S dẫn xe máy đi đến nơi ông A nằm để chở ông A đi cấp cứu thì bị Nguyễn Thanh T dùng tay đánh nhiều cái vào vùng mặt gây thương tích và T bỏ đi về. Sau đó ông Lê Văn S, ông Nguyễn Ngọc An, ông Trương Anh K, ông Nguyễn Văn N được trạm y tế xã BK chuyển đến bệnh viện Nhân dân 115 điều trị vết thương.

Ngày 27/8/2017, ông Lê Văn S, ông Nguyễn Ngọc An, ông Trương Anh K, Nguyễn Ngọc Q và Nguyễn Văn N có đơn yêu cầu giám định tỉ lệ thương tích. Kết quả như sau:

1. Ông Lê Văn S: Tại bản kết luận giám định số 913/TgT.17 ngày 06/11/2017 của Trung tâm pháp y –Tp. Hồ Chí Minh kết luận: “Dấu hiệu chính qua giám định: Chấn thương vùng mặt, mắt phải gây sưng bầm mắt phải, chảy máu khóe trong mắt phải, vỡ xoang hàm phải, vỡ xương ổ mắt phải, đã được điều trị chỉnh xương, xoang hàm phải, hiện còn: hình ảnh vỡ xương trên phim MSCT chụp sọ mặt (ảnh 1,2,3). Một sẹo nhỏ mờ kích thước 0,5x0,05 tại khóe mắt trong mắt phải (ảnh 4). Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 34%. Thương tích do vật tày tác động mạnh gây ra.” Ngày 31/01/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công A huyện Z có công văn số 37 gửi Trung tâm Pháp Y thành phố Hồ Chí Minh về việc giải thích pháp y với nội dung: “Vết thương của Lê Văn S do đối tượng dùng tay đánh hay sử dụng cây ti phuộc xe Honda đánh gây thương tích như trên”. Ngày 12/02/2018, Trung tâm pháp y thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 913/GT/TgT.17 với nội dung: “không có hung khí là cây ti nên Trung tâm không có cơ sở trả lời.” 2. Ông Nguyễn Ngọc An: Tại bản kết luận giám định số 901/TgT.17 ngày 02/11/2017 của Trung tâm Pháp Y -Tp. Hồ Chí Minh kết luận: “Dấu hiệu chính: Đa chấn thương phần mềm đã được điều trị, không còn sưng, bầm tụ máu tại vùng chẫm, ổn định, thương tích do vật tày tác động. Các vết tăng giảm sắc tố da tại sau vai trái kích thước 4x3 cm, sau khuỷu tay trái kích thước 1,2 x 0,9 cm. Các thương tích do vật tày có bề mặt nhám tác động hoặc do phần cơ thể tác động lên vật tày có bề mặt nhám gây ra. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 03%.” 3. Ông Trương Anh K: Tại bản kết luận giám định số 898/TgT.17 ngày 02/11/2017 của Trung tâm Pháp Y –Tp. Hồ Chí Minh kết luận: “Dấu hiệu chính: Đa chấn thương phần mềm đã được điều trị, hiện còn một sẹo mờ kích thước 0,9x0,15 cm tại vùng trán phía trên ngoài đuôi mày trái, thương tích do vật tày, vật tày có cạnh, vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vật có cạnh sắc gây ra; một sẹo lõm nhẹ, tăng sắc tố kích thước 0,4x0,3 cm tại mặt, cạnh phải mũi, có ảnh hưởng thẩm mỹ. Thương tích do vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vật có cạnh sắc gây ra; một sẹo tăng giảm sắc tố da phẳng kích thước 3x1 cm tại sau khủy tay trái. Thương tích do vật tày có bề mặt nhám tác động hoặc do phần cơ thể tác động vào vật tày nhám gây ra. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 09%.” 4. Ông Nguyễn Ngọc Q: Tại bản kết luận giám định số 900/TgT.17 ngày 02/11/2017 của Trung tâm Pháp Y -Tp. Hồ Chí Minh kết luận: “Dấu hiệu chính: Hiện tại không có dấu vết gì tại vùng đầu mặt, mặt ổn định. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 00%.” 5. Ông Nguyễn Văn N (M): Tại bản kết luận giám định số 992/TgT.17 ngày 01/12/2017 của Trung tâm Pháp Y - Tp. Hồ Chí Minh kết luận: “Dấu hiệu chính: Chấn thương phần mềm vùng đầu mặt hiện không còn dấu vết gì tại đầu mặt, không có bất thường trên phim chụp đầu mặt khi vào viện và khi giám định, ổn định.Chấn thương ngực kín gãy cung trước xương sườn 6 ngực phải, dập phổi phải đã được điều trị nội bảo tồn hiện không còn dấu vết gì bên ngoài, không còn hình ảnh dập phổi, chỉ còn hình ảnh gãy xương đã can trên phim MSCT ngực, ổn định. Thương tích do vật tày tác động gây ra. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 11%.” Qua quá trình điều tra, xác minh và các chứng cứ khác đã thu thập được thì xác định Nguyễn Thanh T là người gây thương tích cho ông Lê Văn S với tỷ lệ thương tích 34%.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh T đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên bị cáo không chấp nhận kết luận giám định đối với thương tích của ông S và cho rằng tỉ lệ thương tích 34% không hoàn toàn do mình gây ra.

Đối với lời khai của ông S cho rằng bị T, Thanh, N (M), N (P), Thảo cùng đánh nhưng quá trình điều tra không có đủ cơ sở chứng minh các đối tượng Thanh, N (M), N (Pháp), Thảo đã có hành vi gây thương tích cho ông S.

Đối với thương tích của ông Trương Anh K, ông Nguyễn Ngọc An không xác định được người đánh và có sử dụng hung khí gì gây ra nên chưa đủ cơ sở để xử lý vì vậy cần tách riêng để điều tra, xử lý sau. Ngoài ra, ông K trình bày, khi bị đánh thì có bị mất một sợi dây chuyền và một mặt dây chuyền vàng 18k, tổng trọng lượng 07 chỉ. Quá trình điều tra, không xác định được ông K bị mất khi nào, tại đâu và ai đã lấy nên không xem xét.

Đối với thương tích của ông Nguyễn Văn N (M) đủ căn cứ xử lý hình sự thuộc trường hợp qui định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự nhưng ngày 16/01/2018, ông N đã tự nguyện làm đơn bãi nại, không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Ngọc Q.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Thanh T có thái độ không thành khẩn, bị cáo có lời khai không thống nhất với lời khai của chính mình cũng như lời khai của Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn N (M). Người bị hại ông Lê Văn S khai bị cả 05 người đánh gồm Nguyễn Thanh T, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn N (M), Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Văn N (Pháp). Lúc đó, bị cáo T có sử dụng dao chém vào tay ông S còn Thanh, N (M), Thảo, N (Pháp) đánh bằng tay. Tuy nhiên, theo báo cáo sự việc ban đầu của ông Lê Hùng Đ, ông Hà Thái H2 là công A viên Công A xã BK cho rằng ông S chỉ bị T, Thanh, N (M) đánh bằng tay, không thấy sử dụng hung khí. Theo lời khai của những người làm chứng khác cũng không rõ ràng để xác định ông S bị T đánh bằng hung khí và cả 05 người hay 03 người đánh ông S.

Người có quyền lợi, nghĩa vu liên quan Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn N (M) không thừa nhận cùng T đánh ông S mà chỉ đến can ngăn T. Và tại phiên tòa, Nguyễn Văn N (M) thừa nhận là người đẩy ông A té và đánh ông Trương Anh K bằng tay gây thương tích 9%. Ông K không có yêu cầu gì đối với hành vi của N (M) cũng như trước đó ông A cũng không có yêu gì đối vói người gây thương tích cho mình.

* Vật chứng vụ án: 01 chiếc ghế khung sắt, đan dây nhựa do công A xã BK thu giữ. Quá trình điều tra xác định không phải vật chứng vụ án, Cơ quan điều tra đã trả lại cho chủ sở hữu là ông Nguyễn Ngọc An. Đối với hung khí theo lời khai của bị hại thì cơ quan điều tra đã không thu giữ được.

* Về phần trách nhiệm dân sự: Bị hại ông Lê Văn S yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh T bồi thường số tiền tổng cộng là 165.000.000 đồng, bao gồm: tiền xe chở đi bệnh viện: 1.500.000 đồng; Chi phí điều trị: 12.575.554 đồng; Tiền thuê người phụ giúp việc : 350.000 đồng/ngày x 150 ngày = 52.550.000đồng; Tiền 02 người con chăm sóc ông nằm viện: 300.000đồng/ngày x 60 ngày = 18.000.000 đồng; Tiền tổn thất tinh thần: 50.000.000 đồng; Chi phí ăn uống, điều trị bệnh: 30.000.000 đồng.

Cáo trạng số 50/CT-VKS-H.CG ngày 10/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Z truy tố bị cáo Nguyễn Thanh T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS-ST ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thanh T phạm tội “Cố ý gây thương tích” - Căn cứ vào Điều 38, điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự, Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh T: 07 (Bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

Căn cứ vào Điều 584, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Buộc bị cáo Nguyễn Thanh T phải bồi thường cho bị hại Lê Văn S số tiền 71.325.554 đồng.

Ngoài ra, Bản án hình sự sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 25/11/2019, bị cáo Nguyễn Thanh T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án của Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ để điều tra bổ sung làm rõ những vấn đề khách quan của vụ án, giám định lại thương tật của ông Lê Văn S và xem xét lại việc bồi thường dân sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Thanh T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và giữ nguyên lời khai như đã trình bày tại phiên tòa sơ thẩm đó là: Bị cáo yêu cầu giám định lại thương tật của ông Lê Văn S vì tỷ lệ thương tật như Kết luận giám định là không có cơ sở, đồng thời cơ quan điều tra chưa xem xét đến tình tiết bị cáo và ông S có mâu thuẫn từ trước nên khi ông S bóp cổ bị cáo thì bị cáo đánh lại ông S. Cụ thể, trước khi bị cáo gây thương tích cho ông S thì bị cáo có đến nhà Q lần thứ nhất để tìm đánh Q, lúc này có nhiều người nhậu trong đó có ông S và khi đánh nhau với Q thì ông S cũng có đánh T. Lúc ông S chạy xe ra chở ông A đi cấp cứu, ông S đã cán lên chân bị cáo và bóp cổ bị cáo nên bị cáo mới đánh ông S. Bị cáo cho rằng lời khai của bị hại, người làm chứng xác định thời điểm bị cáo T đến nhà Q lần thứ nhất thì lúc đó ông S không có mặt và đã về nhà trước là chưa đầy đủ và khách quan.

Bị hại ông Lê Văn S phát biểu: Những người đánh ông gồm Nguyễn Thanh T, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn N (M), Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Văn N (P). Lúc đó, bị cáo T có sử dụng dao chém vào tay ông S còn Thanh, N (M), Thảo, N (P ) đánh bằng tay, chứ không phải riêng Nguyễn Thanh T là người duy nhất đanh ông.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa đưa ra ý kiến phát biểu: Bị cáo kháng cáo đề nghị huỷ án do vi phạm tố tụng về giám định thương tật nhưng qua văn bản giải thích bổ sung của Trung tâm pháp y đã làm rõ quy trình giám định là đúng quy định và phản ánh đúng thương tích xảy ra trên thực tế đối với bị hại Lê Văn S. Đối với kháng cáo về bồi thường thiệt hại thì cấp sơ thẩm đã xem xét hợp lý theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật dân sự. Tại phiên toà bị cáo đã khắc phục 10 triệu đồng nhưng do đây chỉ là một phần bồi thường đối với hậu quả đã xảy ra. Sau khi xem xét tất cả lời khai, tình tiết trong hồ sơ vụ án, nhận thấy bản án sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội và mức án phù hợp với tính chất cũng như mức độ của hậu quả đã xảy ra nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Thanh T không tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát.

Luật sư Lê Doãn T bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh T phát biểu: Cơ quan điều tra và cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc. Các thủ tục tố tụng chưa được khách quan để phản ánh đúng tính chất mức độ hành vi của bị cáo. Cụ thể là:

Cơ quan điều tra tiến hành giám định nhưng việc thời gian bắt đầu tiến hành giám định là rất trễ (sau 2,5 tháng) và hồ sơ bệnh án được sử dụng để giám định còn chưa khách quan. Bởi bệnh viện 115 đã khám ban đầu nhưng không xác định thương tật ở mắt, sau đó cơ quan giám định lại chỉ định bệnh viện Tân Hưng để xét nghiệm là không phù hợp. Luật sư và bị cáo đã khiếu nại đề nghị xem xét kết quả pháp y nhưng Cơ quan điều tra không cung cấp vì cho rằng bị cáo không có thẩm quyền xem xét là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu ông S có thương tật ở mắt thì tại sao Cơ quan giám định không xác định thời điểm phát sinh vết thương này để xác định có khả năng vết thương phát sinh sau khi bị cáo T gây ra hay không. Cơ quan giám định không tính % từng thương tật mà lại tính tổng là chưa đúng quy định; Cơ quan giám định xác định cơ chế hình thành vết thương là do vật tày nhưng bị hại khai nhận do vũ khi là dao, kiếm gây nên là còn mâu thuẫn và chưa khách quan.

Do đó, Luật sư xác định việc cơ quan điều tra trưng cầu giám định và quy trình giám định là còn chưa khách quan và đề nghị huỷ bản án để trưng cầu giám định lại.

Luật sư Nguyễn Thị Lan C bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh T phát biểu:

- Động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo chưa được làm rõ vì giữa bị cáo và bị hại là có mối quan hệ thân thích và không hề có mâu thuẫn trước đó. Cơ quan điều tra dựa vào lời khai của các bạn nhậu tại nhà ông Q để xác định ông S không có mặt tại thời điểm T qua nhà Q nhưng bản thân bị cáo T có lời khai khác nhưng chưa được Cơ quan điều tra làm rõ.

- Trung tâm pháp y nêu trong văn bản giái thích pháp y về: Chính là sàn hốc mắt... là chưa phù hợp vì xương hàm là xương riêng biệt. Theo hồ sơ bệnh án tại bệnh viện 115 thì bác sĩ chuyên khoa mắt đã thăm khám và kiểm tra chi tiết không thể hiện bệnh lý vỡ hốc mắt, mà cho ông S xuất viện sau khi tình trạng của ông S đã ổn định. Tại Thông tư 47 về giám định pháp y đã quy định rõ quy trình giám định, nhưng ngày 27/10/17 khi ông S đến Trung tâm giám định thì hồ sơ có 02 bản ảnh, trong đó có bản ảnh ghi nơi chụp là bệnh viện Tân Hưng nhưng trong kết luận giám định lại chỉ xác định nguồn hồ sơ là bệnh viện 115 và hồ sơ bệnh viện 115 thì không có thương tật hốc mắt như đã nêu trên.

Nếu ông S có thương tật vỡ hốc mắt thì phải biểu hiện ra bên ngoài nhưng sau thời điểm xuất viện thì ông S vẫn sinh hoạt bình thường mặc dù không đi điều trị ở bất kỳ đâu. Do đó, kết luận giám định xác định thương tật hốc mắt đối với bị cáo là chưa khách quan và mâu thuẫn với việc quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện 115.

Bị hại ông Lê Văn S phát biểu tranh luận: Khi T đánh tôi thì còn nói là đánh cho chừa tật nhiều chuyện chứ không phải là không có lý do. Còn việc giám định thì tôi làm theo hướng dẫn và chỉ đạo của cơ quan công A cho đến khi có kết quả, luật sư nói thương tật của tôi có khuất tất là vu khống tôi.

Luật sư Bùi Quang H bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn S phát biểu: Tại phiên toà sơ thẩm thì giám định viên đã trình bày rất rõ và luật sư Tuấn cũng không còn ý kiến nào tranh luận thêm. Tại phiên tòa phúc thẩm phía Trung tâm pháp y đã có văn bản tiếp tục khẳng định nhưng luật sư tiếp tục bào chữa không đồng tình về một số vấn đề chuyên môn là chưa có cơ sở.

Về lập luận cho rằng ông S không có thương tật hốc mắt là không có cơ sở vì ảnh chụp ông S tại thời điểm đi cấp cứu cho thấy mắt ông có thương tổn (luật sư xuất trình một số bản ảnh), ngoài ra trong bệnh án còn có nêu về thương tổn tại vùng mắt chứ không phải là không có. Ngoài ra ông S không hề đi đâu điều trị thì không thể xác định ông S bị thương tật về mắt sau thời điểm điều trị ở bệnh viện 115. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp: Tại các văn bản giải thích pháp y và trình bày tại phiên toà sơ thẩm thì giám định viên đã giải thích rõ trên cơ sở ý kiến y khoa một cách độc lập. Về tài liệu có luật sư cung cấp về bệnh án của ông Lê Văn S cũng có xác định về thương tổn tại mắt nên hoàn toàn phù hợp với công văn mới nhất của Trung tâm pháp y. Về việc sử dụng hình ảnh của bệnh viện Tân Hưng thì Trung tâm pháp y đã nói rõ bệnh viện Tân Hưng có giấy phép và thẩm quyền để xét nghiệm hình ảnh nên lập luận của luật sư là không có cơ sở.

Đối với lập luận cho rằng ông S đánh bị cáo là chỉ dựa vào lời khai của bị cáo nhưng bản thân bị cáo có lời khai không thống nhất, khác nhau tại nhiều giai đoạn tố tụng nên cần xem xét thêm các chứng cứ khác. Tại giai đoạn điều tra và các phiên tòa thì bị cáo đều khai nhận bản thân có đánh ông S và không có ai khác cùng tham gia đánh ông S. Do đó, các lập luận của luật sư bào chữa là không có cơ sở để xem xét.

Qua đối đáp giữa đại diện Viện kiểm sát và các luật sư vẫn giữ nguyên qua điểm của mình và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, bị hại, luật sư, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Ngày 21/11/2019, Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ, Thanh phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm. Đến ngày 25/11/2019, bị cáo Nguyễn Thanh T có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm số 50/2019/HS-ST ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ. Đơn kháng cáo của bị cáo được lập trong trong thời hạn luật định nên hợp lệ.

[2] Căn cứ vào lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng có trong hồ sơ vụ án, kết luận giám định thương tật đối với bị hại, các công văn giải thích pháp y và lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh T tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở để xác định:

Vào ngày 26/8/2017, khi chỉ nghe tin có mâu thuẫn trước đó giữa anh ruột là Nguyễn Văn N (M) và Nguyễn Ngọc Q, bị cáo Nguyễn Thanh T mặc dù chưa tìm hiểu rõ sự việc đã đến nhà của Q dẫn đến xảy ra xô xát đánh nhau giữa T và nhóm người tại nhà của Q. Trong đó, T đã có một lần bỏ về nhưng khi nghe N bị đánh thì tiếp tục quay lại nhà Q lần thứ hai để trả thù. Mặc dù người gây gổ đánh nhau với N là Q nhưng bị cáo T đã có hành vi đánh ông Lê Văn S gây thương tích, dù tại thời điểm này ông S đang lấy xe máy đưa ông Trương Anh K đi cấp cứu (ông K bị đánh ngất xỉu nhưng chưa xác định được người đánh), hoàn toàn không có hành vi đe dọa hay gây thương tích cho bị cáo T. Tại bản kết luận giám định số 913/TgT.17 ngày 06/11/2017 của Trung tâm pháp y -Tp. Hồ Chí Minh kết luận: tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích do bị cáo T gây nên thiệt hại về sức khỏe hiện tại đối với ông Lê Văn S là 34%.

Đối với việc bị cáo cho rằng cơ quan điều tra chưa lấy lời khai làm rõ mâu thuẫn xảy ra trước đó giữa bị cáo và ông S, cụ thể là ông S đã lấy ghế đánh bị cáo. Tuy nhiên, không có lời khai của người làm chứng thể hiện tình tiết này, cũng như không có chứng cứ thể hiện ông S có mặt tại nhà của Q vào thời điểm bị cáo đến nhà Q lần thứ nhất. Mặt khác, sau khi đến nhà Q lần thứ nhất và hai bên xảy ra đánh nhau thì bị cáo đã bỏ về, đến 20 phút sau bị cáo mới tiếp tục đến nhà Q nhưng mặc dù bị cáo có đủ thời gian để làm rõ sự việc và lựa chọn cách xử lý đúng quy định pháp luật thì bị cáo đã hung hăng, vô cớ gây thương tích cho ông S, thể hiện rõ tính côn đồ trong hành vi của bị cáo.

Đối với việc bị cáo không đồng ý với kết luận giám định, ngày 23/3/2020 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị Trung tâm pháp y Sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh giải thích một số vấn đề chuyên môn liên quan đến kết luận giám định số 913/TgT.17 ngày 06/11/2017. Theo đó, Trung tâm Pháp Y đã có văn bản giải thích: “-Trong giám định pháp y, Trung tâm Pháp Y dựa vào hồ sơ bệnh án do cơ quan điều tra cung cấp, xác định các thương tích từ đó thực hiện khám, các xét nghiệm cận lâm sàng và các chuyên khoa liên quan để xác định di chứng do các thương tích gây ra;

-Cụ thế trường hợp của đương sự Lê Văn S sinh năm 1965 được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 và: Cấp giấy ra viện cho đương sự với chẩn đoán vỡ xoang hàm phải, đây chỉ là thương tích mà Bệnh viện đã có can tH2 phẩu thuật chỉnh hình xoang; Trong hồ sơ bệnh án do bệnh viện 115 cung cấp cho Trung tâm pháp y đã có ghi nhận thương tích của ông S là: sưng bầm mắt phải, chảy máu ở mắt phải và mũi, vỡ xoang hàm phải và trong kết quả chụp cắt lớp có ghi rõ “Vỡ tất cả các thành xoang hàm phải (mà thành trên xoang hàm phải là sàn hốc mắt), nghi gãy khối sàng phải (là thành trong hốc mắt). Qua chụp cắt lớp vi tính sọ mặt kiểm tra và khám chuyên khoa mắt sau đó đã xác định tổn thương xương hốc mắt, di chứng chấn thương gây đục pha lê, bỏng pha lê thể sau, giảm thị lực còn 1/10 là phù hợp;

-Việc khám giám định thực hiên các xét nghiệm cận lâm sàng tại Bệnh viện Tân Hưng do Bệnh viện có giấy phép của sở y tế Thành phố Hồ Chí Minh được khám và thực hiện các xét nghiệm về chuyên khoa mắt, do vậy không ảnh hưởng gì đến kết quả giám định;

-Với chấn thương như hồ sơ bệnh án thể hiện tại vùng mắt, mặt phải thì không có cơ sở tách riêng thương tích tại vùng mắt và vùng mặt phải.

-Tại thời điểm giám định Trung tâm pháp Y đang áp dụng Thông tư 20/2014/TT-BYT theo quy định, chưa áp dụng Thông tư 22/2019/TT-BYT như quý cơ quan nêu.” Như vậy, việc giám định tỷ lệ thương tật đối với ông Lê Văn S đã được tiến hành đầy đủ và đúng quy trình y khoa, có ý kiến chuyên môn của giám định viên và cơ quan giám định độc lập, phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nên không có cơ sở để hủy án và giám định lại theo yêu cầu của bị cáo và luật sư bào chữa.

Từ những lập luận nêu trên, với thương tật bị cáo gây ra cho bị hại là 34% và bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ, Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ xét xử bị cáo Nguyễn Thanh T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo: Trong đơn kháng cáo, bị cáo đề nghị hủy án để làm rõ thêm các vấn đề khách quan của vụ án, giám định lại thương tật của ông Lê Văn S và xem xét lại việc bồi thường dân sự. Lập luận trên đây là cơ sở để Hội đông xét xử không chấp nhận kháng cáo về việc giám định lại thương tật của ông Lê Văn S. Đối với tình tiết bị cáo và các luật sư bào chữa cho rằng bị cáo đã bị ông S dùng vũ lực trước đó nên mới gây thương tích là không có cơ sở, bởi bản thân bị cáo có lời khai mâu thuẫn và không có người làm chứng nào chứng kiến ông S có hành vi đánh bị cáo. Việc các luật sư cho rằng chiếc ghế được đưa vào làm vật chứng của vụ án nhưng cơ quan điều tra không xem xét đến thương tật của bị cáo là không có cơ sở bởi tại các lời khai ban đầu của bị cáo, thì bị cáo đều xác định không có mâu thuẫn với ông S từ trước, bị cáo khai bất nhất khi thì ông S có lấy xe máy nhưng chỉ đụng trúng bị cáo, khi thì bị cáo khai ông S có bước xuống xe đánh bị cáo nên bị cáo mới đánh lại. Do đó, lời khai của bị cáo là không có cơ sở để xem xét và đánh giá khách quan.

Đối với kháng cáo của bị cáo về phần bồi thường dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xem xét các chi phí hợp lý thực tế có phát sinh và không chấp nhận các yêu cầu không có tài liệu, chứng cứ chứng minh (như tiền thuê người phụ giúp việc; tiền cho người chăm sóc trong thời gian ông S nằm viện) và chấp nhận một phần đối với khoản chi phí ăn uống trong 01 tuần ông Sau nhập viện điều trị là có cơ sở và hợp lý.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không cung cấp thêm được chứng cứ nào mới để xem xét về yêu cầu kháng cáo xin hủy bản án sơ thẩm, mà bị cáo chỉ cung cấp thêm Biên lai nộp tiền khắc phục hậu quả số tiền 10.000.000 đồng vào Chi cục thi hành án huyện Z, do bị cáo không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nên Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo để cấn trừ vào khoản tiền bị cáo phải bồi thường.

[4] Từ những lập luận nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy toàn bộ đơn kháng cáo của bị cáo là không có cơ sở để chấp nhận.

Lập luận trên đây cũng là cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu tại phiên tòa và không chấp nhận quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo về đề nghị giám định lại thương tật đối với bị hại và hủy án bản án sơ thẩm.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo phải chịu án phí hình sự theo quy định của pháp luật.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thanh T và giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 50/2019/HS-ST ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134; Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh T 07 (Bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo thi hành án.

3. Căn cứ vào Điều 584; Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 Buộc bị cáo Nguyễn Thanh T phải bồi thường cho bị hại Lê Văn S số tiền 71.325.554 (Bảy mươi mốt triệu ba trăm hai mươi lăm ngàn năm trăm năm mươi bốn) đồng. Thực hiện tại Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo về khoản tiền 10.000.000 đồng khắc phục hậu quả đã nộp vào Chi cục thi hành án huyện Z (Theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số AG/2011/06841 ngày 06/3/2020) để trả cho ông Lê Văn S và được cấn trừ vào số tiền bị cáo phải bồi thường cho ông S là 71.325.554 (Bảy mươi mốt triệu ba trăm hai mươi lăm nghìn năm trăm năm mươi bốn) đồng, thì bị cáo Nguyễn Thanh T còn phải bồi thường tiếp cho ông Lê Văn S số tiền là 61.325.554 (Sáu mươi mốt triệu ba trăm hai mươi lăm nghìn năm trăm năm mươi bốn) đồng.

Kể từ ngày bị hại Lê Văn S có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị cáo không thực hiện nghĩa vụ nêu trên hoặc chậm thực hiện thì hàng tháng bị cáo Nguyễn Thanh T còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

4. Căn cứ Điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự và căn cứ Điều 22 và 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, cùng danh mục án phí, lệ phí toà án, Bị cáo Nguyễn Thanh T phải nộp án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

314
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 178/2020/HS-PT ngày 23/04/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:178/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/04/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về