Bản án 175/2020/HS-ST ngày 24/11/2020 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH CHÁNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 175/2020/HS-ST NGÀY 24/11/2020 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM, PHỤ GIA THỰC PHẨM

Trong ngày 24 tháng 11 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự thụ lý số 202/2020/TLST - HS ngày 12/10/2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 211/2020/QĐXXST – HS ngày 09/11/2020 đối với bị cáo:

Họ và tên: Lê Văn Th; giới tính: Nam; sinh năm 1987; nơi sinh: Tỉnh Trà Vinh; nơi ĐKHKTT: Ấp K, xã H, huyện Ch, tỉnh T; chỗ ở: Không nơi cư trú nhất định; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 5/12; nghề nghiệp: Làm thuê; họ tên cha: Lê Thanh D, sinh năm 1960; họ tên mẹ: Đặng Ngọc D, sinh năm 1966; hoàn cảnh gia đình: Bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 28/7/2020, theo Quyết định truy nã của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1977; nơi cư trú: 18/50 Đỗ Nh, phường S, quận T, Thành phố H (vắng mặt).

Nguyên đơn dân sự:

1. Công ty TNHH Quốc tế U Việt Nam.

Đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Bích V - Chức vụ: Tổng giám đốc Địa chỉ: Lô A2-3, khu công nghiệp T, xã A, huyện C, Thành phố H.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Anh D, sinh năm: 1972, Giấy ủy quyền lập ngày 01/4/2019 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Nơi cư trú: 304/122 Phạm T, Phường N, Quận T, Thành phố H.

2. Công ty A Việt Nam.

Đại diện theo pháp luật: MK.

Địa chỉ: Khu công nghiệp B1, phường A, thành phố H, tỉnh N.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Võ Nh, sinh năm: 1985 theo Giấy ủy quyền số 44/UQ-AJI-2019 lập ngày 25/11/2019 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Nơi cư trú: 294/22/41 đường T, Phường 21, quận Th, Thành phố H.

Người làm chứng:

1. Ông Nguyễn Hoài H, sinh năm 1979; nơi cư trú: Khu vực 2, Phường T, thành phố V, tỉnh Gi (vắng mặt).

2. Bà Đoàn Ngọc Nh, sinh năm 1985; nơi cư trú: Khu vực N, Phường K, thành phố V, tỉnh Gi (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 15/01/2019, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ Công an huyện H phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Công an H (PC03) và Công an xã B phối hợp tuần tra trên địa bàn ấp 1, xã B, huyện B, Thành phố H. Khi đến trước địa chỉ A27/18 ấp 1, xã B, huyện B thì phát hiện Lê Văn Th đang điều khiển xe mô tô biển số 84D1-00454 chở theo 100 bao bột giặt có dấu hiệu giả nhãn hiệu Omo loại 720g. Công an tiến hành kiểm tra, tạm giữ tang vật và đưa Thắng đi chỉ điểm nơi sản xuất hàng hóa trên do Nguyễn Hoài H thuê tại địa chỉ A28/17E1, ấp 1, xã B, huyện B, Thành phố H. Tại đây, qua khám xét, kiểm tra Cơ quan chức năng phát hiện Lê Văn Th đang có hành vi sản xuất hạt nêm Knorr, Ajinomoto và bột giặt Omo mà không có Giấy tờ liên quan. Lực lượng chức năng tiến hành thu giữ vật chứng, lập hồ sơ ban đầu chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Quá trình điều tra xác định hành vi phạm tội như sau:

Đối với Nguyễn Hoài H: Bắt đầu buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm gồm bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr và bột giặt giả nhãn hiệu Omo từ tháng 9/2018. Hận mua các hàng hóa giả nhãn hiệu nêu trên của một người đàn ông tên Hiếu (không xác định được nhân thân, lai lịch) rồi mang về bán lại cho các khách hàng xung quanh khu vực bến B, Quận H, Thành phố H. Mục đích để hưởng tiền chênh lệch, cụ thể:

Đối với bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto loại 454g, H mua lại của K với giá là 17.000đ/01 gói, bán lại giá 20.000đ/01 gói.

Đối với hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr loại 400g, H mua lại của K với giá là 18.000đ/01 gói, bán lại giá 22.000đ/01 gói; loại 1800g thì mua vào giá là 70.000đ/01 gói, bán ra với giá là 80.000đ/01 gói.

Đối với bột giặt giả nhãn hiệu Omo loại 400g thì mua của K với giá là 12.000đ/01 gói, bán ra giá là 14.000đ/01 gói; loại 720g thì mua vào 22.000đ/01 gói, bán ra 27.000đ/01 gói; loại 360g thì mua vào giá là 11.000đ/01 gói, bán ra giá là 13.000đ/01 gói.

Mua, bán hàng giả với nhau được 01 thời gian thì K nghỉ bán. Trước khi nghỉ, K đã chỉ cho H cách thức sản xuất hàng giả. Đến tháng 12/2018, Nguyễn Hoài H bắt đầu sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm và thuê Đoàn Ngọc Nh, Lê Văn Th làm công với giá 200.000đ/ 01 ngày. Để thuận tiện cho hoạt động sản xuất hàng giả Hận thuê phòng trọ tại địa chỉ A28/17E1 ấp 1, xã B, huyện H vừa để ở vừa làm nơi thực hiện hành vi sản xuất hàng giả với quy trình như sau:

Đối với hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr lại 400g, 900g và 1800g: H sử dụng nguyên liệu là hạt nêm “Vị ngon” loại 10kg/01 bao, dùng ca nhựa lấy hạt nêm bỏ vào bao bì giả nhãn hiệu Knorr sau đó cân đủ trọng lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép để ép miệng bao thành phẩm.

Đối với bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto lại 454g: H sử dụng nguyên liệu là bột ngọt hiệu con tôm 25kg/01 bao, dùng ca nhựa xúc bột ngọt trên bỏ vào bao bì giả nhãn hiệu Ajinomoto sau đó cân đủ trọng lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép để ép miệng bao thành phẩm.

Đối với bột giặt giả nhãn hiệu Omo loại 360g và 720g: H sử dụng nguyên liệu là bột giặt LIX loại 09kg hoặc bột giặt hiệu YES loại 15kg, dùng ca nhựa lấy bột giặt bỏ vào bao bì giả nhãn hiệu Omo sau đó cân đủ trọng lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép để ép miệng bao thành phẩm.

Các loại bao bì giả nhãn hiệu được H mua lại từ K. Tổng cộng số tiền thu lợi bất chính từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm tính đến ngày bị bắt (ngày 15/01/2019) là khoảng 18.000.000 đồng.

Đối với Đoàn Ngọc Nh: Được H thuê vào làm từ tháng 9/2018, nhiệm vụ ban đầu của Nh là soạn hàng theo đơn của khách đặt mua thông qua H như bột ngọt, hạt nêm, bàn chải đánh răng,… bỏ vào thùng giấy carton để Nguyễn Hoài H đem đi giao cho khách. Ngoài ra, Nh còn nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh và được H trả công 200.000 đồng/01 ngày, lúc này Nh chưa biết các mặt hàng trên là giả hay thật.

Đến tháng 12/2018, khi H chuyển đến địa chỉ A28/17E1 ấp 1, xã B, huyện B để hoạt động thì Nh tiếp tục làm thuê cho H. Lúc này, H hướng dẫn cho Nh cách sản xuất, đóng gói các nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, hạt nêm Knorr và bột giặt Omo. Nguyên liệu và vỏ bao bì do H cung cấp. Nh thực hiện theo sự phân công của H và sản xuất theo quy trình mà H đã khai ở trên.Trung bình mỗi ngày làm việc, Nh được Hận trả 200.000đ/01 ngày. Tổng cộng Đoàn Ngọc Nh thu lợi bất chính từ việc sản xuất hàng giả là 10.000.000 đồng. Đến ngày 15/01/2019 khi Nh cùng H đang ngồi sản xuất hàng giả thì bị Công an vào kiểm tra lập hồ sơ xử lý.

Đối với Lê Văn Th: Bắt đầu làm thuê cho Nguyễn Hoài H được khoảng 06 ngày, nhiệm vụ của Th là phụ sản xuất, đóng gói hàng giả nhãn hiệu Omo, Knorr, Ajinomoto cho H theo quy trình trên. Ngoài ra, Th còn chở hàng giao cho khách theo yêu cầu của H, mỗi ngày làm việc H trả tiền công cho Th là 200.000 đồng/01 ngày. Tổng cộng số tiền mà Th được H trả công là 1.200.000 đồng.

Ngày 23/01/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B trưng cầu giám định mẫu bao bì hàng hóa (01 mẫu bột ngọt hàng thật do Công ty TNHH A cung cấp và 05 mẫu hàng thật là hạt nêm Knorr và bột giặt Omo do Công ty TNHH U cung cấp) và các mẫu nghi vấn do H, Nh và Th sản xuất bị tạm giữ.

Ngày 28/01/2019, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thành phố H có kết luận giám định số 385/KLGĐ-TT về mẫu bao bì của 06 mẫu sản phẩm hàng hóa trên là:

1. Bản in bịch bột ngọt Ajinomotoký kiệu A1 (nêu ở mục II.1) so với bản in bịch bột ngọt Ajinomotodùng làm mẫu so sánh ký hiệu M1 (nêu ở mục II.2) không được in ra từ cùng một bộ chế bản.

2. Bản in bịch bột giặt Omo ký kiệu A2, A3 (nêu ở mục II.1) so với bản in 02 bịch bột giặt Omo dùng làm mẫu so sánh ký hiệu M2, M3 (nêu ở mục II.2) không được in ra từ cùng một bộ chế bản.

3. Bản in 03 bịch hạt nêm Knorr ký hiệu A4, A5, A6 ( nêu ở mục II.1) so với bản in 03 bịch hạt nêm Knorr dùng làm mẫu so sánh ký hiệu M4,M5,M6 (nêu ở mục II.2) không được in ra từ một bộ chế bản.

Ngày 23/01/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B trưng cầu giám định tại Trung tâm Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng (Trung tâm III) – Thành phố H để phân tích và so sánh về thành phần, chất lượng (01 mẫu bột ngọt hàng thật do Công ty TNHH A cung cấp và 05 mẫu hàng thật là hạt nêm Knorr và bột Omo do Công ty TNHH U cung cấp) và các mẫu nghi vấn do H, Nh và Th sản xuất bị tạm giữ.

Ngày 15/02/2019, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường và chất lượng 3 (Trung tâm III) có Thông báo số 0020/N3.19/TĐ về kết quả giám định về thành phần và chất lượng các sản phẩm như sau:

Các mẫu bột giặt hiệu OMO: Hai mẫu giám định Bột giặt Omo (loại 360g, 720g) có kết quả kiểm tra bao bì ghi nhãn nêu tạ i mục 7.2b (trang 4/7- phần in đậm) và kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nêu tại mục 7.3 (trang 6/7-phần in đậm) khác với kết quả kiểm tra, thử nghiệm tương ứng của các mẫu so sánh.

Các mẫu hạt nêm Knorr: Ba mẫu giám định hạt nêm Knorr (loại 400g, 900g, 1,8kg) nêu trên có kết quả kiểm tra bao bì ghi nhãn nêu tại mục 7.2b (trang 5/7 –phần in đậm và kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nêu tại 7.3 (trang 6/7 và 7/7 – phần in đậm) khác với kết quả kiểm tra, thử nghiệm tương ứng của các mẫu so sánh.

Mẫu bột ngọt Ajinomoto: Mẫu giám định bột ngọt Ajinomoto (loại 454g) có kết quả kiểm tra bao bì ghi nhãn nêu tại mục 7.2b (trang 5/7 -phần in đậm) và kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nêu tại mục 7.3 (trang 7/7 – phần in đậm) khác với kết quả kiểm tra, thử nghiệm của mẫu so sánh.

Ngày 07/3/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B đã xác minh thông tin về 02 loại hàng hóa bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto và hạt nêm nhãn hiệu Knorr là thực phẩm hay phụ gia thực phẩm tại Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố H.

Ngày 04/04/2019, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố H có Công văn số 711/BQLATTP-TTra về việc cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định về thực phẩm hay phụ gia thực phẩm như sau: “Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm” và “Phụ gia thực phẩm là chất được chỉ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm”. Do vậy, theo quy định nêu trên thì “hạt nêm Knorr là một loại thực phẩm” và “Bột ngọt Ajinomoto là phụ gia thực phẩm”.

Kết luận định giá tài sản số 227/HĐĐGTTHS-TCKH ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện B kết luận:

- 110 bao bột ngọt Ajimonoto loại 454gr giá 3.190.000 đồng:

- 08 bao hạt nêm Knorr loại 400gr giá 264.000 đồng:

- 15 bao hạt nêm Knorr loại 900gr giá 1.110.000 đồng:

- 04 bao hạt nêm Knorr loại 1.800gr giá 448.000 đồng:

- 120 bao bột giặt Omo loại 720gr giá 4.260.000 đồng:

- 30 bao bột gặt Omo loại 360gr giá 540.000 đồng.

Vật chứng vụ án gồm:

Hàng đã thành phẩm gồm: 110 bao bột ngọt mang nhãn hiệu AJINOMOTO loại 454g; 08 bao hạt nêm mang nhãn hiệu Knorr loại 400g; 15 bao hạt nêm mang nhãn hiệu Knorr loại 900g; 04 bao hạt nêm mang nhãn hiệu Knorr loại 1,800g; 120 bao bột giặt mang nhãn hiệu Omo loại 720g; 30 bao bột giặt mang nhãn hiệu Omo loại 360g.

Nguyên liệu, dụng cụ sản xuất gồm: 09 kg bao bì AJINOMOTO các loại:

4,5 kg bao bì Knorr các loại; 05 kg bao bì Omo các loại; 03 bao bột giặt hiệu YES loại 15kg; 07 bao bột giặt hiệu LIX loại 09kg; 02 bao hạt nêm hiệu vị ngon loại 20kg; 01 bao bột ngọt không nhãn hiệu; 02 cân đã qua sử dụng; 02 cái ca:

02 cây kéo; 02 máy ép đã qua sử dụng; 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha biển số: 84D1-00454. Qua xác minh do Lê Văn Th đứng tên chủ sở hữu.

Tất cả các vật chứng trên, đã được giải quyết tại Bản án số 21/2020/HS – ST ngày 20/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, Thành phố H.

Ngày 25/12/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Cáo trạng số 16/CT – VKS truy tố Nguyễn Hoài H, Đoàn Ngọc Nh về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngày 20/02/2020, Tòa án nhân dân huyện B, Thành phố H đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Hoài H 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Đoàn Ngọc Nh 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo theo Bản án số 21/2020/HS – ST.

Đối với bị cáo Lê Văn Th, sau khi phạm tội đã bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B đã ra Quyết định truy nã đối với bị cáo. Đến ngày 28/7/2020, Công an xã Th, huyện Ch, tỉnh Tr đã bắt được bị cáo và chuyển đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B để phục hồi điều tra.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B, Lê Văn Th khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên, phù hợp với lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Tại bản Cáo trạng số 178/CT - VKS ngày 30 tháng 9 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố bị cáo Lê Văn Th về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Lê Văn Th đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình giống như lời khai tại Cơ quan điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Lời nói sau cùng bị cáo phát biểu ăn năn, hối cải và xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Tại phiên tòa, Vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, sau khi nêu tóm tắt nội dung vụ án, phân tích tính chất của vụ án những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị:

Xử phạt bị cáo Lê Văn Th từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Và phạt bổ sung bị cáo.

Tại phiên tòa các nguyên đơn dân sự đều có đơn xin xét xử vắng mặt. Lời khai tại Cơ quan điều tra thể hiện như sau:

Ông Lê Anh Dũng đại diện Công ty TNHH Quốc tế U Việt Nam khai tại Cơ quan Cảnh sát điều tra: Sản phẩm bột giặt nhãn hiệu Omo đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 24327 đến ngày 28/12/2024 và hạt nêm nhãn hiệu Knorr được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 12545 đến ngày 31/8/2023. Công ty không ký kết hợp đồng hay ủy quyền cho phép H, Th và Nh sản xuất, đóng gói sản phẩm bột giặt nhãn hiệu Omo và hạt nêm nhãn hiệu Knorr của công ty. Ông D không yêu cầu bồi thường dân sự mà đề nghị xử lý hành vi của bị cáo theo quy định pháp luật.

Ông Võ Nh đại diện Công ty A Việt Nam khai tại Cơ quan Cảnh sát điều tra: Sản phẩm bột ngọt nhãn hiệu AJNOMOTO đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 168 đến ngày 01/04/2025. Công ty không ký kết hợp đồng hay ủy quyền cho phép H, Th và Nh sản xuất, đóng gói sản phẩm bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO của công ty. Ông Nh không yêu cầu bồi thường về dân sự mà đề nghị xử lý bị cáo theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Bình Chánh, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Tại các bản tự khai, biên bản ghi lời khai, bị cáo trình bày lời khai hoàn toàn tự nguyện, không bị ép cung, nhục hình. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai nhận tội của bị cáo Lê Văn Th tại tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra (BL: 32 – 43); phù hợp với lời khai của người làm chứng Nguyễn Hoài H, Đoàn Ngọc Nh (BL: 236 – 268, 308- 337); phù hợp với lời khai của đại diện nguyên đơn dân sự tại Cơ quan điều tra; phù hợp với các chứng cứ, tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ án. Vụ án còn được chứng minh qua hoạt động điều tra như biên bản lấy lời khai, thu giữ vật chứng, kết quả định giá tài sản, kết luận giám định vật chứng…cùng các chứng cứ tài liệu thu thập có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận:

Bị cáo Lê Văn Th cùng với đồng phạm (Nguyễn Hoài H, Đoàn Ngọc Nh đã bị xét xử) có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia là thực phẩm tại địa chỉ A28/17E1 ấp 1, xã B, huyện H, Thành phố H. Sau đó, bị cáo chở đi tiêu thụ thì bị phát hiện bắt quả tang vào ngày 15/01/2019.

Với quy trình, cách thức làm các mặt hàng giả bị cáo và đồng phạm thực hiện như sau:

Đối với hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr loại 400g, 900g và 1800g, bị cáo sử dụng nguyên liệu là hạt nêm “Vị ngon” loại 10kg/01 bao, bỏ vào bao bì giả nhãn hiệu Knorr sau đó cân đủ trọng lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép để ép miệng bao thành phẩm.

Đối với bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto loại 454g, bị cáo sử dụng nguyên liệu là bột ngọt hiệu con tôm 25kg/01 bao, bỏ vào bao bì giả nhãn hiệu Ajinomoto sau đó cân đủ trọng lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép để ép miệng bao thành phẩm.

Đối với bột giặt giả nhãn hiệu Omo loại 360g và 720g bị cáo sử dụng nguyên liệu là bột giặt LIX loại 09kg hoặc bột giặt hiệu YES loại 15kg, bỏ vào bao bì giả nhãn hiệu Omo sau đó cân đủ trọng lượng ghi trên bao bì, dùng máy ép để ép miệng bao thành phẩm.

Căn cứ vào Kết luận giám định số 385/KLGĐ-TT, ngày 28/01/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thành phố H có kết luận về mẫu bao bì của 06 mẫu sản phẩm hàng hóa trên là: Không được in ra từ cùng một bộ chế bản.

Căn cứ vào Thông báo số 0020/N3.19/TĐ, ngày 15/02/2019, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường và chất lượng 3 (Trung tâm III) về kết quả giám định về thành phần và chất lượng các sản phẩm như sau:

Các mẫu bột giặt hiệu OMO: Hai mẫu giám định bột giặt Omo (loại 360g, 720g) có kết quả kiểm tra bao bì ghi nhãn nêu tạị mục 7.2b (trang 4/7 - phần in đậm) và kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nêu tại mục 7.3 (trang 6/7-phần in đậm) khác với kết quả kiểm tra, thử nghiệm tương ứng của các mẫu so sánh.

Các mẫu Hạt nêm Knorr: Ba mẫu giám định hạt nêm Knorr (loại 400g, 900g, 1,8kg) nêu trên có kết quả kiểm tra bao bì ghi nhãn nêu tại mục 7.2b (trang 5/7 –phần in đậm và kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nêu tại 7.3 (trang 6/7 và 7/7 –phần in đậm) khác với kết quả kiểm tra, thử nghiệm tương ứng của các mẫu so sánh.

Mẫu bột ngọt Ajinomoto: Mẫu giám định bột ngọt Ajinomoto (loại 454g) có kết quả kiểm tra bao bì ghi nhãn nêu tại mục 7.2b (trang 5/7 -phần in đậm) và kết quả thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nêu tại mục 7.3 (trang 7/7 –phần in đậm) khác với kết quả kiểm tra, thử nghiệm của mẫu so sánh.

Căn cứ vào Công văn số 711/BQLATTP-Ttra, ngày 04/04/2019 của Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh về việc cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định về thực phẩm hay phụ gia thực phẩm như sau: “Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm” và “Phụ gia thực phẩm là chất được c hỉ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm”. Do vậy, theo quy định nêu trên thì “hạt nêm Knorr là một loại thực phẩm” và “ Bột ngọt Ajinomoto là phụ gia thực phẩm”.

Với những tình tiết được chứng minh trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận bị cáo Lê Văn Th đã phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, tội phạm và hình phạt được quy định tại Khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); nên Cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố bị cáo với tội danh nêu trên là đúng người, đúng tội.

[3] Bị cáo phạm tội với lỗi cố ý, mục đích phạm tội là muốn có tiền tiêu xài cho bản thân. Khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo là người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc làm của mình là sai trái, là vi phạm pháp luật nhưng bản tính tham lam, động cơ vì vụ lợi nên bị cáo cố ý phạm tội. Tội phạm bị cáo thực hiện là nguy hại cho xã hội, không chỉ xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của Nhà nước, mà còn xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Do đó, khi lượng hình cần cần có mức án tương xứng với hành vi phạm tội, nhân thân, lai lịch của bị cáo thì mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.

[4] Đây là vụ án có đồng phạm nhưng mang tính chất giản đơn, trong đó Hận là người chủ mưu, trực tiếp mua nguyên vật liệu về sản xuất hàng giả. Đối với bị cáo là đồng phạm giúp và được Hận thuê vào khoảng 06 ngày với nhiệm vụ là phụ sản xuất, đóng gói hàng giả nhãn hiệu Omo, Knorr, Ajinomoto giúp Hận. Ngoài ra, bị cáo còn chở hàng giao cho khách theo yêu cầu của Hận; mỗi ngày làm việc bị cáo được Hận trả tiền công là 200.000 đồng/01 ngày. Do đó, khi lượng Hội đồng xét xử căn cứ vào nhân thân, vai trò, hành vi phạm tội của bị cáo mà có mức án phù hợp.

[5] Tuy nhiên, khi lượng hình cũng cần cân nhắc đến các tình tiết bị cáo thành khẩn khai báo và đã tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, hàng hóa làm giả có số lượng không lớn, quy mô nhỏ, lẻ. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự mới phạm tội lần đầu; là thành phần lao động nghèo, gia đình khó khăn, bị cáo chỉ mới làm thuê cho Hận 06 ngày. Xét các tình tiết giảm nhẹ nêu trên để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt được quy định tại điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà lẽ ra bị cáo phải chịu.

[6] Sau khi phạm tội bị cáo đã bỏ trốn, chỉ bắt được bị cáo theo Quyết định truy nã của Cơ quan Cảnh sát sát điều tra; do đó khi lượng hình Hội đồng xét xử lưu ý đến tình tiết này mà có mức án nghiêm đối với bị cáo.

[7] Đối với hành vi sản xuất bột giặt Omo giả của bị cáo, qua định giá là 4.800.000 đồng nên chưa đủ căn cứ xử lý về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hội đồng xét xử không đề cập giải quyết.

[8] Đối với Nguyễn Hoài H, Đoàn Ngọc Nh: Ngày 20/02/2020, Tòa án nhân dân huyện B, Thành phố H đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt H 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nh 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo theo Bản án số 21/2020/HS – ST. Hội đồng xét xử không đề cập giải quyết.

[9] Đối với bà Nguyễn Thị H cho H thuê nhà nhưng không biết hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm của bị cáo nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh không xem xét xử lý.

[10] Đối với người đàn ông tên K (người bán bao bì giả) và D (người tiêu thụ hàng giả) do quá trình điều tra không xác định được nhân thân lai lịch nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh không có cơ sở để xác minh làm rõ.

[11] Vật chứng của vụ án, về dân sự: Đã được giải quyết tại Bản án số 21/2020/HS – ST ngày 20/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử ghi nhận.

[12] Trong thời gian sản xuất, buôn bán hàng giả bị cáo khai có thu nhập bất chính số tiền khoảng 1.200.000 đồng (một triệu hai trăm ngàn đồng), tuy nhiên ngoài lời khai duy nhất của bị cáo thì không có chứng cứ nào khác để chứng minh vấn đề này nghĩ miễn bị cáo nộp lại số tiền thu nhập bất chính nêu trên mà áp dụng Khoản 5 Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phạt bị cáo một số tiền nhất định để nộp vào ngân sách Nhà nước là phù hợp.

[13] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 và Khoản 5 Điều 193; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Căn cứ Khoản 2 Điều 136; Điều 331, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xử phạt bị cáo Lê Văn Th 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày 28/7/2020.

Buộc bị cáo Lê Văn Th nộp phạt số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) nộp vào ngân sách Nhà nước.

Về vật chứng, về dân sự: Ghi nhận đã được giải quyết xong tại Bản án số 21/2020/HS – ST ngày 20/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện B, Thành phố H.

Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu số tiền 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo Bản án trong thời hạn là 15 (mười lăm) ngày tính từ ngày tuyên án; các đương sự vắng mặt tại tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, tính từ ngày nhận Bản án hoặc Bản án được niêm yết theo quy định pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1106
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 175/2020/HS-ST ngày 24/11/2020 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Số hiệu:175/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bình Chánh - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:24/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về