Bản án 174/2018/HS-PT ngày 30/05/2018 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 174/2018/HS-PT NGÀY 30/05/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 30 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 132/2018/TLPT- HS ngày 20/4/2018 đối với bị cáo P Brung về tội “Hủy hoại rừng”, do có kháng cáo của bị cáo P Brung đối với bản án hình sự sơ thẩm số 01/2018/HS-ST ngày 07/03/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: P Brung (tên gọi khác: Ma H), sinh năm 1980 tại huyện L, tỉnh Đắk Lắk; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Buôn X, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: Không biết chữ; dân tộc: M’ Nông; con ông V Bkrông và bà N Brung; có vợ là D Bdăp và 04 con, lớn sinh năm 2006 nhỏ sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại (Có mặt).

-Người bào chữa cho các bị cáo P Brung: Ông Ngô Đình Kh – Trợ giúp viên pháp lý nhà nước thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

-Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý rừng đặc dụng K;
 
Địa chỉ: Tổ dân phố Z, thị trấn S, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.

- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Ông Nguyễn Đ, sinh năm 1974 – Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng K (Vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh T Bdăp, sinh năm 1999; (Vắng mặt).

2. Chị W Bdăp, sinh năm 1996; (Vắng mặt).

Cùng trú tại: Buôn X, xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lăk.

- Người phiên dịch tiếng M’ Nông: Ông Th BKrông. (Có mặt).

Ngoài ra trong vụ án còn có bị cáo D Bdăp nhưng không có kháng cáo, kháng nghị và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do thiếu đất canh tác nên trong các ngày 10 và 15 tháng 3 năm 2017 P Brung cùng vợ là D Bdăp mang theo 02 con dao phát đi bộ từ nhà mình vào tiểu khu 1296 rừng đặc dụng, nằm trên địa bàn xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk do Ban quản lý rừng đặc dụng K quản lý, để chặt phá rừng lấy đất làm rẫy. Tại đây, P và D đã chọn một mảnh rừng tự nhiên nằm tại vị trí các lô 57, 75, 76, 81 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 1296 rừng tự nhiên, hiện trạng gồm các cây gỗ , tre, lồ ô xen lẫn. Sau đó, P và D sử dụng 02 con dao phát mang theo, đứng dàn hàng ngang và chặt hạ các cây gỗ , tre, lồ ô trong rừng, theo hướng từ chân đồi lên đỉnh đồi. Cả hai chặt phá rừng tại vị trí trên từ sáng đến chiều cùng ngày thì nghỉ và đi về nhà. Đến ngày 20/3/2017, P và D đã nhờ thêm em họ của mình là T Bdăp và W Bdăp, mang theo 04 con dao phát và cùng nhau đi bộ lên vị trí rừng đã chặt phá vào các ngày 10 và 15 tháng 3 năm 2017, nằm tại vị trí các lô 57, 75, 76, 81 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 1296 rừng tự nhiên, hiện trạng gồm các cây gỗ, tre, lồ ô xen lẫn, để tiếp tục chặt phá rừng mở rộng diện tích lấy đất làm nương rẫy, với hình thức đổi công cho gia đình P và D. Tại đây, P, D và T, W sử dụng 04 con dao phát mang theo, đứng dàn hàng ngang và tiếp tục chặt hạ các cây gỗ - tre, lồ ô trong rừng, theo hướng từ chân đồi lên đỉnh đồi. Đến khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, khi P, D và T, W đang thực hiện hành vi chặt phá rừng thì bị cán bộ kiểm lâm Trạm số 7, thuộc Hạt kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng K đi tuần tra phát hiện, T và W đã bỏ chạy, để lại 02 con dao phát. Cán bộ kiểm lâm Trạm số 7 đã đưa P và D về Trạm kiểm lâm số 7 để lập biên bản vụ việc vi phạm và thu giữ vật chứng gồm 04 con dao phát. Tại đây P và D đã khai nhận về hành vi chặt phá rừng trong 03 ngày như đã nêu trên.

Đến ngày 22/3/2017, T và W đã đến Trạm số 7 thuộc Hạt kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng K trình diện và khai nhận về hành vi chặt phá rừng của mình.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 04/04/2017 xác định diện tích rừng bị chặt phá, hủy hoại nằm tại vị trí các lô 57, 75, 76, 81 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 1296 rừng tự nhiên, hiện trạng gồm các cây gỗ , tre, lồ ô xen lẫn, nằm trên địa bàn xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. Tổng diện tích rừng bị chặt phá, hủy hoại là 6.747,71m2, được chia làm hai mảnh gồm: Mảnh B, diện tích rừng bị chặt phá, hủy hoại là 6.131,88m2, nằm tại vị trí các lô 57, 76, 81 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 1296 rừng đặc dụng K. Mảnh A, diện tích rừng bị chặt phá, hủy hoại là 615,83m2, nằm tại vị trí lô 75 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 1296 rừng đặc dụng K.

Tại kết luận giám định ngày 12/5/2017 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Tổng diện tích rừng bị phá tại lô 57, 75, 76 và lô 81 khoảnh 4 tiểu khu 1296 xã K, huyện L, tỉnh Đắk Lắk thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng K quản lý là 6.747,71m2, loại rừng bị phá là rừng đặc dụng. Giá trị thiệt hại về rừng là 65.437.532 đồng.

Tại kết luận định giá tài sản số 20/KL-ĐGTS ngày 31/10/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lắk, kết luận giá trị thiệt hại về rừng trên tổng diện tích 6.747,71m2 là 65.615.000 đồng.

Về vật chứng vụ án: Cơ quan điều tra đã thu giữ 04 con dao phát có đặc điểm: 01 con dao phát, lưỡi dao bằng kim loại, kích thước (25 x 05)cm, cán bằng le, kích thước (68 x 03)cm; 01 con dao phát, lưỡi dao bằng kim loại, kích thước (25 x 05)cm, cán bằng le, kích thước (64 x 03)cm; 01 con dao phát, lưỡi dao bằng kim loại, kích thước (29 x 06)cm, cán bằng le, kích thước (67 x 3,5) cm; 01 con dao phát, lưỡi dao bằng kim loại, kích thước (28 x 6,5)cm, cán bằng le, kích thước (62 x 03)cm.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/2018/HS-ST ngày 07/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo P Brung phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 189; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xử phạt : Bị cáo P Brung 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584; 586; 587; 589; 600 và khoản 2 Điều 357 BLDS năm 2015, buộc các bị cáo P Brung và D Bdăp phải liên đới bồi thường thiệt về rừng cho Ban quản lý rừng đặc dụng K với số tiền là 65.615.000đ

(Sáu mươi lăm triệu, sáu trăm mười lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt đối với bị cáo D Bdăp; quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo của các bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/3/2018, bị cáo P Brung kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo và xin miễn trách nhiệm dân sự đối với bị cáo. Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo P Brung vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Kết quả xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo P Brung đã khai nhận toàn bộ hành vi màcác bị cáo đã thực hiện cơ bản đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát luận tội và tranh luận: Đại điện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo P Brung về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999, là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo P Brung đại diện VKS cho rằng: Mức hình phạt 04 (bốn) năm tù mà cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo P Brung, là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo . Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo P Brung không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Xét kháng cáo xin miễn trách nhiệm dân sự của bị cáo thấy rằng: Không có căn cứ để giảm hoặc miễn trách nhiệm dân sự cho bị cáo .

Do vậy đề nghị HĐXX căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 BLTTHS không chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Trợ giúp viên pháp lý của bị cáo P Brung cho rằng: Viện kiểm sát truy tố , Tòa án xét xử bị cáo về tội “ Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999, là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo 04 năm tù giam là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ, bị cáo là nhân dân lao động, là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở nơi có điều kiện kinh tế quá khó khăn không có đất sản xuất, nhận thức pháp luật hạn chế. Mặc khác, sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, khu rừng mà các bị cáo hủy hoại đã hồi sinh, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt và miễn giảm một phần trách nhiệm bồi thường cho bị cáo.

Bị cáo P Brung không tranh luận, bào chữa gì chỉ đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được hưởng án treo và miễn, giảm trách nhiệm dân sự cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Lời khai nhận tội của P Brung tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo D Bdăp, phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án. Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội đã trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý và bảo vệ môi trường, chế độ bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đặc dụng của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bị cáo biết được rằng hủy hoại rừng mà nhất là rừng đặc dụng sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Nhưng do ý thức coi thường pháp luật mà vào các ngày 10, 15 và ngày 20 tháng 3 năm 2017 các bị cáo P Brung và D Bdăp đã cùng nhau đi vào các lô 57, 75, 76, 81 thuộc khoảnh 4 tiểu khu 1296 rừng đặc dụng K, do Ban quản lý rừng đặc dụng K quản lý chặt hạ cây rừng để lấy đất làm nương rẫy với tổng diện tích rừng bị chặt phá là 6.747,71m2, gây thiệt hại về rừng với giá trị là 65.615.000 đồng.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo P Brung và D Bdăp về tội “Hủy hoại rừng” theo định tại điểm b khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo P Brung thấy rằng: Mức hình phạt 04 (bốn) năm tù mà cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo P Brung là xử dưới mức thấp của khung hình phạt, cũng đã xem xét đến nhân thân , hoàn cảnh và điều kiện phạm tội của bị cáo . Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi quyết định mức hình phạt đối với bị cáo. Sau khi xét xử sơ thẩm xong bị cáo P Brung không cung cấp được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên HĐXX phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.

[3]. Xét kháng cáo xin miễn, giảm trách nhiệm dân sự cho bị cáo HĐXX thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo không có ý kiến gì về kết luận định giá tài sản số 20/KL-ĐGTS ngày 31/10/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện L về giá trị thiệt hại về rừng trên tổng diện tích 6.747,71m2. Đồng thời, phía nguyên đơn dân sự là Ban quản lý rừng đặc dụng K cũng không đồng ý giảm hoặc miễn trách nhiệm dân sự cho bị cáo, đây là bồi thường cho nhà nước nên kháng cáo của bị cáo về giảm hoặc miễn trách nhiệm dân sự là không có căn cứ.

[4]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Do bị cáo thuộc diện hộ nghèo nên bị cáo được miễn án phí hình sự phúc thẩm.

[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo P Brung, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 01/2018/HSST ngày 07/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

[2]. Điều luật áp dụng và mức hình phạt:

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 189; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xử phạt: P Brung 04 (bốn) năm tù về tội Hủy hoại rừng. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584; 586; 587; 589; 600 và khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015, buộc các bị cáo P Brung và D Bdăp phải liên đới bồi thường thiệt về rừng cho Ban quản lý rừng đặc dụng K với số tiền là 65.615.000đ (Sáu mươi lăm triệu, sáu trăm mười lăm nghìn đồng).

[4]. Về án phí: Bị cáo P Brung được miễn án phí hình sự phúc thẩm.
 
[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

[6]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

523
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 174/2018/HS-PT ngày 30/05/2018 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:174/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:30/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về