Bản án 17/2021/DS-ST ngày 22/04/2021 về tranh chấp hợp đồng hụi

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THẠNH TRỊ, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 17/2021/DS-ST NGÀY 22/04/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỤI 

Ngày 22 tháng 4 năm 2021 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 178/2020/TLST-DS ngày 02 tháng 12 năm 2020 về tranh chấp hợp đồng hụi theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 32/2021/QĐXXST-DS ngày 04 tháng 03 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Kim Đ, sinh năm 1965; địa chỉ nơi cư trú:

Ấp A, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (Có mặt)

- Bị đơn: Bà Huỳnh Ngọc T, sinh năm 1978; địa chỉ nơi cư trú: Ấp C, xã B, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn N (Nguyễn Công N); địa chỉ nơi cư trú: Ấp C, xã B, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt)

- Người làm chứng:

+ Ông NLC1 (NLC1); địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng.

(Vắng mặt) + Bà NLC2; địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt) + Ông NLC3; địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt) + Bà NLC4; địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt) + Ông NLC5; địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt) + Bà NLC6; địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng. (Vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện đề ngày 10-11-2020 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim Đ trình bày:

Ngày 30-12-2009 âm lịch bà có làm chủ hụi dây hụi mùa 3.000.000 đồng, mỗi năm khui 02 lần, có 25 người tham gia, trong đó vợ chồng bà Huỳnh Ngọc T, ông Nguyễn Văn N (Nguyễn Công N) có tham gia 01 chân. Bà T đóng hụi sống đến lần thứ 6 là ngày 10-4-2012 thì hốt được số tiền 24.500.000 đồng. Sau khi hốt hụi xong bà T đóng hụi chết lần thứ 7 thì ngưng đóng hụi chết. Dây hụi khui đến lần thứ 08 thì do có nhiều hụi viên hốt rồi không đóng lại hụi chết cho bà nên bà ngưng khui dây này. Như vậy, ở dây hụi này thì bà T nợ lại bà 01 lần nợ chết là 3.000.000 đồng và 17 lần hụi sống 8.500.000 đồng (17 lần x 500.000 đồng), tổng cộng là 11.500.000 đồng. Đến ngày 10-6-2020, bà T trả trước cho bà số tiền 500.000 đồng, ngày 10-7-2020 trả 500.000 đồng, ngày 10-8-2020 trả 500.000 đồng, ngày 10-9-2020 trả 500.000 đồng, bà T còn nợ lại bà số tiền 9.500.000 đồng.

Nay bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn bà T và chồng là ông N trả cho bà tiền hụi còn nợ là 9.500.000 đồng; tiền lãi suất kể từ ngày 30-6- 2013 đến ngày khởi kiện làm tròn 87 tháng = 9.500.000 đồng x 0,83%/tháng x 87 tháng = 6.859.950 đồng và trả lãi suất đến ngày xét xử sơ thẩm.

- Tại tờ tường trình đề ngày 02-01-2021, biên bản lấy lời khai ngày 06- 01-2021, bị đơn bà Huỳnh Ngọc T trình bày:

Bà T có tham gia dây hụi mùa 3.000.000 đồng mở ngày 30-12-2009 âm lịch có 25 thành viên như bà Đ trình bày. Sau khi bà hốt hụi thì bà Đ lại gom hụi bà có đóng 01 lần cho bà Đ, sau khi hụi bể bà không hay vẫn đóng tiếp 02 lần cho bà Đ, tổng cộng là 9.000.000 đồng. Qua thời gian bà không thấy bà Đ lại gom hụi nữa hỏi ra thì mới biết hụi bể. Nếu tính hụi bể thì chỉ thu lại vốn. Sau khi bà Đ bỏ đi một thời gian thì trở về thỏa thuận với bà và bà đã viết giấy nhận nợ phải trả cho bà Đ số tiền 11.000.000 đồng, bà cũng không hơn thua và chấp nhận trả mỗi tháng 500.000 đồng, bắt đầu trả vào ngày 10-5-2020, đến ngày 10- 8-2020 thì bà đã trả được 2.000.000 đồng. Sang ngày 10-10-2020 bà Đ lại gom tiếp thì bà kẹt tiền xin chậm chậm nhưng bà Đ lại nói đi kiện bà, cuối tháng 10/2020 và ngày 10-11-2020 bà không thấy bà Đ đến lấy tiền nữa và bà được biết bà Đ đã kiện bà.

Tính đúng ra hụi bể thì chỉ trả lại vốn còn 18 người x 500.000 đồng = 9.000.000 đồng, thì bà đã trả được 12 người là 6.000.000 đồng (bà đã đóng sau khi bể hụi), còn lại 06 người bà tiếp tục thừa nhận trả. Bà trả từ tháng 05- 09/2020 được 2.000.000 đồng, trừ qua 06 người bà chưa đóng trước kia thì bà còn nợ lại 02 người 1.000.000 đồng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn N (Nguyễn Công N) không có ý kiến nộp (gửi) đến Tòa án.

Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện, chỉ thay đổi yêu cầu tiền chậm trả với mức lãi suất 0,75%/tháng, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện T phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; người tham gia tố tụng là nguyên đơn đã chấp hành các quy định, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng vắng mặt không lý do, chưa chấp hành theo triệu tập của Tòa án và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan liên đới trả cho nguyên đơn số tiền vốn là 9.500.000 đồng và tiền lãi chậm trả theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Bị đơn bà Huỳnh Ngọc T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên ông N và những người làm chứng NLC1 (NLC1), NLC2, NLC3, NLC4, NLC5, NLC6 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do, căn cứ khoản 2 Điều 227, khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án vắng mặt người người tham gia tố tụng trên; yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là tranh chấp dân sự về“hợp đồng hụi” theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 và bị đơn cư trú ấp C, xã B, huyện T, tỉnh Sóc Trăng nên Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, xét xử sơ thẩm theo quy định điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa nguyên đơn thay đổi yêu cầu tiền chậm trả với mức lãi suất 0,75%/tháng là không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét theo quy định tại khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thấy rằng nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận có tham gia dây hụi mùa 3.000.000 đồng mở ngày 30-12-2009 âm lịch, qua đó bị đơn là hụi viên đã đóng hụi sống đến lần thứ 6 (ngày 10-4-2012) thì hốt hụi và đã được nguyên đơn giao tiền hụi đầy đủ theo thỏa thuận, hụi mở đến lần thứ 9 bị bể (ngưng hụi) thì chủ hụi và các hụi viên thỏa thuận chỉ thu lại vốn, bị đơn đã viết giấy chốt số tiền nợ hụi của nguyên đơn là 11.500.000 đồng, thỏa thuận mỗi tháng trả 500.000 đồng bắt đầu từ ngày 10-5-2020, đến ngày 10-8-2020 thì bị đơn đã trả được 2.000.000 đồng, còn nợ lại số tiền 9.500.000 đồng (bút lục số 25, 32, 50) là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[3] Nhận thấy, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 19/2019/NĐ- CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về hụi, họ biêu, phường (sau đây gọi là Nghị định 19/2019/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp dây họ chấm dứt, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia dây họ được thực hiện theo thỏa thuận về dây họ và quy định tại Bộ luật dân sự”. Như vậy, dây hụi này đã chấm dứt và nguyên đơn, bị đơn đã thỏa thuận chỉ thu lại vốn, bị đơn đã viết giấy chốt số tiền nợ hụi với nguyên đơn, nên bị đơn phải có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn số tiền nợ hụi theo thỏa thuận.

[4] Tuy nhiên, bị đơn cho rằng sau khi bà hốt hụi (lần thứ 6) thì có đóng lại một lần hụi chết (lần thứ 7) số tiền 3.000.000 đồng, lần thứ 8 hụi bể thì bà không hay nên nguyên đơn lại thu tiền thì bà đóng cho nguyên đơn thêm hai lần hụi nữa (lần 8, lần 9) với số tiền 6.000.000 đồng. Nhận thấy, Điều 13 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định: “Khi góp họ […] thì thành viên có quyền yêu cầu chủ họ […] cấp giấy biên nhận về việc đó”. Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó”. Nhưng bị đơn không cung cấp được giấy biên nhận hay tài liệu, chứng cứ chứng minh việc giao tiền hụi chết lần 8, 9 cho nguyên đơn, trong khi nguyên đơn không thừa nhận sự việc trên, nên không có cơ sở chấp nhận phản đối của bị đơn về việc đã đóng cho nguyên đơn 2 lần hụi chết (lần 8, lần 9) với số tiền 6.000.000 đồng. Như đã phân tích ở mục [2], [3], sau khi bể hụi thì nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận và bị đơn đã viết giấy nhận nợ nguyên đơn số tiền 11.500.000 đồng (bút lục số 25, 32) là trong đó gồm 3.000.000 đồng (hụi chết lần thứ 7) + 8.500.000 đồng (17 lần vốn x 500.000 đồng), mỗi tháng trả 500.000 đồng từ ngày 10-5-2020 đến ngày 10-8-2020 bị đơn đã trả cho nguyên đơn được 2.000.000 đồng là đúng với trình bày của nguyên đơn và phù hợp trình bày của bị đơn thừa nhận “[…] tính đúng hụi bể chỉ thu lại vốn […] sau thời gian bà bỏ đi. Khi về bà đã thỏa thuận với tôi. Và tôi đã viết giấy nhận nợ phải trả cho bà với số tiền là 11.000.000đ […] chấp nhận mỗi tháng trả 500.000 đ như đã ký giấy […]” (bút lục số 30). Do đó, nguyên đơn khởi kiện đòi số tiền nợ hụi theo thỏa thuận là 9.500.000 đồng là có cơ sở chấp nhận theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại Điều 11, Điều 16 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[5] Xét yêu cầu của nguyên đơn về tiền lãi đối với tiền chậm trả là có cơ sở chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, nguyên đơn yêu cầu thời gian chậm trả từ ngày 30-12-2013 với mức lãi suất 0,75%/tháng trên số tiền 9.500.000 đồng vì cho rằng có thỏa thuận với các hụi viên nhưng nguyên đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh và tại phiên tòa nguyên đơn không trình bày được cụ thể các mốc thời gian, số tiền lãi chậm trả yêu cầu từng thời gian như thế nào mà yêu cầu tính tiền lãi chậm trả trên hết số tiền 9.500.000 đồng từ thời gian ngày 30-12-2013 (lần khui hụi thứ 9) là không có cơ sở chấp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 19/2019/NĐ-CP. Do sau khi bể hụi (ngày 30-12-2013) thì nguyên đơn là chủ hụi nhưng không đi gom hụi nữa, thời gian sau nguyên đơn và bị đơn mới thỏa thuận bị đơn sẽ trả tiền nợ hụi cho nguyên đơn mỗi tháng 500.000 đồng từ ngày 10-5-2020 và bị đơn đã thực hiện đúng thỏa thuận đến ngày 10-8-2020 trả được số tiền 2.000.000 đồng, sau đó thì phát sinh tranh chấp khởi kiện ra Tòa án nên bị đơn không trả tiền cho nguyên đơn, nên thời gian chậm trả của bị đơn là tính từ ngày bị đơn vi phạm nghĩa vụ trả tiền theo thỏa thuận là ngày 10-9-2020 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 22-4-2021) là phù hợp thỏa thuận các bên và đúng theo quy định tại Điều 280 Bộ luật Dân sự năm 2015. Về lãi suất chậm trả thì do các bên không có thỏa thuận, nguyên đơn yêu cầu 0,75%/tháng (tương đương 09%/năm) là có cơ sở chấp nhận theo khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nên buộc bị đơn có nghĩa vụ trả lãi đối với số tiền chậm trả từ ngày 10-9-2020 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 22-4-2021) là 527.200 đồng (9.500.000 đồng x 07 tháng 12 ngày x 0,75%/tháng). Việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tính tiền lãi chậm trả từ ngày 30-6-2013 đến ngày khởi kiện (87 tháng) trên số tiền 9.500.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận như đã phân tích trên.

[6] Đối với ông N là chồng của bị đơn không trực tiếp giao dịch hụi, nhưng sự việc bị đơn tham gia dây hụi do nguyên đơn tổ chức thì ông N biết và số tiền bị đơn hốt hụi này thì sử dụng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình là cho các con đi học, đầu tư nghề cơ khí (hàn) của ông N (bút lục 29). Nên nguyên đơn yêu cầu buộc vợ, chồng bị đơn bà T, ông N chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch hụi này là có cơ sở chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

[7] Từ những phân tích như đã nêu trên, có căn cứ để chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xét đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ chấp nhận.

[8] Về án phí dân sự sơ thẩm nguyên đơn phải chịu án phí tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải liên đới chịu đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 4 Điều 147, khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 266, Điều 273, Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 471, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim Đ, buộc bị đơn bà Huỳnh Ngọc T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn N (Nguyễn Công N) có trách nhiệm liên đới trả cho nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim Đ số tiền tổng cộng là 10.027.200 đồng (trong đó tiền vốn là 9.500.000 đồng và tiền lãi chậm trả là 527.200 đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền chậm thi hành án.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim Đ đối với bị đơn bà Huỳnh Ngọc T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn N (Nguyễn Công N) về số tiền lãi chậm trả là 5.671.500 đồng.

3. Án phí dân sự sơ thẩm buộc bị đơn bà Huỳnh Ngọc T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn N (Nguyễn Công N) liên đới chịu là 501.300 đồng; buộc nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim Đ phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 409.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003346 ngày 27-11-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, hoàn trả lại cho nguyên đơn bà Nguyễn Thị Kim Đ số tiền tạm ứng còn thừa là 109.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên.

Nguyên đơn được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Riêng đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo nêu trên tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

259
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 17/2021/DS-ST ngày 22/04/2021 về tranh chấp hợp đồng hụi

Số hiệu:17/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thạnh Trị - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về