Bản án 17/2020/LĐ-PT ngày 24/06/2020 về tranh chấp bồi thường tiền trợ cấp và trả tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 17/2020/LĐ-PT NGÀY 24/06/2020 VỀ TRANH CHẤP BI THƯỜNG TIỀN TRỢ CẤP VÀ TRẢ TIỀN BẢO HIỂM XÃ HỘI DO TAI NẠN LAO ĐỘNG

Ngày 24 tháng 6 năm 2020, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 10/2020/TLPT-LĐ ngày 14 tháng 02 năm 2020 về việc “Tranh chấp về bồi thường tiền trợ cấp và trả tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 03/2019/LĐ-ST ngày 08/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 16/2020/QĐ-PT ngày 04/5/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 19/2020/QĐ-PT ngày 04/6/2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trương Thị Ng, sinh năm 1978.

Hộ khẩu thường trú: Ấp Nhà Thờ, xã TB, huyện TĐ, tỉnh Sóc Trăng.

Chỗ ở hiện nay: Khu 15, xã LĐ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1955.

Hộ khẩu thường trú: phường Q, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Chỗ ở hiện nay: xã LĐ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

(Văn bản ủy quyền ngày 08/11/2017)

2. Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP.

Địa chỉ trụ sở chính: KP3, thị trấn TB, huyện TB, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Công Th – Chủ Tịch kiêm giám đốc công ty.

Địa chỉ: xã LĐ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

3. Người kháng cáo: Bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP.

(Ông Th có mặt; bà A vắng mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

+ Theo án sơ thẩm, nguyên đơn bà Trương Thị Ng do bà Nguyễn Thị A đại diện trình bày:

Bà Trương Thị Ng là mẹ ruột của anh Trương TA còn cha của anh TA là ai, hiện ở đâu, còn sống hay đã chết bà Ngà không xác định được, theo giấy khai sinh của anh TA không thể hiện họ tên cha và anh TA chưa có vợ, con.

Anh Trương TA bắt đầu làm việc cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP (sau đây gọi tắt là Công ty BDP) từ tháng 8/2016 đến 23/02/2017, thời gian làm việc buổi sáng từ 07 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Giữa Công ty BDP và anh TA không ký hợp đồng lao động bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng, Công ty không đóng tiền bảo hiểm xã hội nhưng vẫn trả lương hàng tháng ổn định cho anh Tuấn Anh, anh TA được phân công công việc là cắt cỏ, tỉa cỏ, chăm sóc, vệ sinh đường trong khu công nghiệp Long Đức. Lương mỗi tháng của TA là 3.250.000 đồng (125.000 đồng/ngày x 26 ngày), Công ty trả tiền lương bằng hình thức giao trực tiếp cho anh Tuấn Anh, không có bản kê lương.

Ngày 23/02/2017, Trương TA được Công ty BDP do ông Nguyễn Công Th là người trực tiếp phân công phụ trách công việc cắt cỏ tại kho ngoại quan khu công nghiệp Long Đức. Lúc 15 giờ cùng ngày, anh TA hết nước uống nên điều khiển xe mô tô để đi mua nước, trên đường D4 thuộc khu công nghiệp Long Đức xe của TA va chạm với xe ô tô của anh Nguyễn Chí Tâm gây tai nạn làm anh TA tử vong. Việc anh TA đi mua nước trong giờ giải lao là do công ty không chuẩn bị nước cho công nhân mà công nhân phải tự mang theo nước để uống.

Sau khi tai nạn xảy ra, tài xế và chủ xe gây tai nạn đã bồi thường cho gia đình Trương TA số tiền là 100.000.000 đồng, vụ tai nạn về dân sự Công an huyện Long Thành đã giải quyết xong.

Phía Công ty BDP do ông Nguyễn Công Th đại diện theo pháp luật có thanh toán cho gia đình Trương TA số tiền lương tháng 02/2017 là 5.000.000 đồng và hỗ trợ tiền mua mộ đá là 10.000.000 đồng. Ngoài ra, ông Th không chi trả cho gia đình TA thêm số tiền nào khác.

Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn bà Nguyễn Thị A đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào mức lương 3.250.000 đồng/tháng và các bản chấm công ngày làm việc của Trương TA do Tòa án thu thập được tại hồ sơ thể hiện TA làm việc từ ngày 23/11/2016 cho đến ngày 23/02/2017 để làm cơ sở giải quyết theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Lời khai tại hồ sơ và tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn bà Nguyễn Thị A đều đưa ra phương án thỏa thuận, chỉ yêu cầu Công ty BDP bồi thường cho nguyên đơn bà Trương Thị Ng số tiền là 50.000.000 đồng nếu bị đơn đồng ý nhưng tại phiên tòa phía bị đơn không đồng ý với thỏa thuận trên. Vì vậy, nguyên đơn bà Ngà vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, cụ thể như sau:

- Buộc Công ty BDP phải bồi thường tiền trợ cấp tai nạn lao động là 12 tháng tiền lương cho bà Trương Thị Ng (mẹ của anh Trương TA), số tiền là: 12 tháng x 3.250.000 đồng/ tháng = 39.000.000 đồng (Ba mươi chín triệu đồng).

- Buộc Công ty BDP thay cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm xã hội do Trương TA bị tai nạn lao động cho bà Trương Thị Ng với số tiền là:

3.250.000 đồng x 36 tháng = 117.000.000 đồng (Một trăm mười bảy triệu đồng).

Tổng số tiền bà Trương Thị Ng yêu cầu Công ty BDP phải bồi thường và chi trả cho bà là 156.000.000 đồng (Một trăm năm mươi sáu triệu đồng).

Đối với số tiền 10.000.000 đồng ông Nguyễn Công Th hỗ trợ để mai táng cho Tuấn Anh, ông Th xác định là tiền cá nhân của ông, không phải của công ty và ông không yêu cầu trả lại nên đề nghị không trừ vào số tiền nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu.

+ Theo án sơ thẩm, bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP do ông Nguyễn Công Th đại diện theo pháp luật trình bày:

Anh Trương TA là người lao động của Công ty BDP do ông là người trực tiếp thuê, TA làm việc cho công ty bắt đầu từ khoảng tháng 7 hay 8 năm 2016 ông không nhớ rõ cho đến ngày 23/02/2017 TA bị tai nạn chết. Trong suốt khoảng thời gian làm việc tại công ty có 01 lần TA có xin nghỉ việc luôn, nghỉ khoảng 01 tháng, sau đó TA lại quay lại làm việc tại công ty. Từ khi TA nghỉ việc cho đến khi quay lại làm việc và tai nạn chết ngày 23/02/2017 là thời gian bao lâu ông không nhớ. Ông xác định các bảng chấm công do Tòa án thu thập trong hồ sơ thể hiện TA làm việc cho Công ty trong thời gian từ ngày 23/11/2016 đến ngày 23/02/2019 là đúng.

Công việc chính của Trương TA là phụ trách tưới nước bằng xe máy cày, thời gian làm việc cố định từ khoảng 18 giờ đến 23 giờ, với hình thức khoán công từ 08 đến 10 bồn nước mỗi lần với mức lương 153.000 đồng/công (hay còn gọi là 01 ngày). TA làm ngày nào được tính công ngày đó. Khu vực làm việc là xung quanh bờ hồ chứa nước khu công nghiệp Long Đức. Công việc tưới nước là không thường xuyên vì trời mưa thì không bắt buộc phải tưới nên Công ty sẽ không thuê TA làm việc.

Ngoài ra, tùy điều kiện công việc và sức khỏe cho phép thì Trương TA có thể tăng ca cắt cỏ ban ngày cũng với mức lương như công việc tưới nước là 153.000 đồng/ngày, ngày nào làm thì công ty tính công ngày đó cho TA nhưng làm việc 08 tiếng/ngày, buổi sáng từ 07 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, công việc cắt cỏ quy định giờ giải lao như sau: buổi sáng được nghỉ 30 phút từ 09 giờ đến 09 giờ 30 phút, buồi chiều được nghỉ 30 phút từ 15 giờ đến 15 giờ 30 phút. Công việc cắt cỏ là không thường xuyên và không bắt buộc.

Thời gian đầu Trương TA vào làm việc là khoảng từ tháng 7, 8/2016 đến trước ngày 23/11/2016 thì công ty không chấm công bằng máy vì máy chấm công bị hư hỏng nên TA hoặc người cùng làm việc với TA tự chấm công và giao lại cho ông để tính toán trả lương.

Kể từ ngày 23/11/2016, công ty bắt đầu chấm công bằng máy, tuy nhiên công việc tưới nước buổi tối của Trương TA đôi khi không được chấm công đầy đủ vì TA làm việc tới khuya nên TA cũng có thể tự chấm công và đưa lại bảng chấm công cho công ty. Công ty sẽ tính lương và trả bằng tiền mặt trực tiếp. Việc trả lương không có bảng lương và cũng không cho TA ký nhận lương.

Từ khi nhận Trương TA vào làm tại công ty, tháng TA làm nhiều nhất là 26 ngày còn tháng ít nhất là 10 ngày, những tháng nào thì ông không nhớ rõ. Công việc chính của TA là tưới nước, TA còn tăng ca cắt cỏ nên lương thu nhập bình quân mỗi tháng của TA dao động từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngày 23/02/2017, Trương TA được ông (Nguyễn Công Th) trực tiếp phân công làm công việc cắt cỏ tại nhà xưởng cho thuê của khu công nghiệp Long Đức. Cùng làm việc cắt cỏ với TA có ông Nguyễn Văn Của. Nước uống công nhân tự mang theo để uống. Vào lúc 15 giờ 10 phút ngày 23/02/2017, ông được thông báo TA điều khiển xe mô tô ra khỏi khu vực làm việc sau đó thì bị tai nạn giao thông chết.

Từ khi thành lập công ty cho đến thời điểm anh Trương TA bị tai nạn Công ty BDP luôn có khoảng từ 26 đến 56 công nhân được thuê làm việc. Trong số công nhân trên chỉ có 01 số ít trường hợp được ký hợp đồng bằng văn bản theo quy định của pháp luật. Riêng đối với TA và số công nhân còn lại do không có ý định làm việc ổn định nên công ty không tiến hành ký hợp đồng lao động và cũng không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà chỉ giao kết hợp đồng bằng hình thức thỏa thuận miệng.

Sau khi Trương TA chết, công ty đã trả tiền lương tháng 02/2017 cho gia đình TA là 5.000.000 đồng. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ tiền mai táng cho gia đình TA là 10.000.000 đồng. Ông Nguyễn Công Th xác định số tiền hỗ trợ 10.000.000 đồng nêu trên là của cá nhân ông, không phải tiền của Công ty nên ông không yêu cầu trả lại và không yêu cầu trừ vào số tiền nguyên đơn khởi kiện đối với Công ty.

Đại diện Công ty- ông Nguyễn Công Th cho rằng tai nạn của Trương TA không phải là tai nạn lao động mà là tai nạn giao thông, lỗi trong vụ tai nạn thuộc về anh Trương TA, nên việc TA chết không liên quan đến công ty. Ngoài ra, hợp đồng lao động giữa công ty với Trương TA là hợp đồng thời vụ, trả lương theo hình thức khoán công hằng ngày nên Công ty không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, phía công ty đã quán triệt quy định hàng tuần cho tất cả các công nhân trong Công ty với nội dung là không được ra khỏi khu vực làm việc được phân công trong giờ giải lao mà chỉ được nghỉ ngơi tại chỗ nên TA tự ý rời khỏi nơi làm việc trong giờ giải lao là lỗi của Tuấn Anh. Việc quy định công nhân chỉ được giải lao tại khu vực làm việc, Công ty BDP không đăng ký trong nội quy lao động với cơ quan có thẩm quyền mà chỉ phổ biến theo hình thức thỏa thuận bằng miệng nhưng không lập biên bản thỏa thuận.

Tại phiên tòa, đại diện bị đơn ông Nguyễn Công Th thống nhất với đề nghị của đại diện nguyên đơn về việc đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào mức lương 3.250.000 đồng/tháng và các bản chấm công ngày làm việc của Trương TA do Tòa án thu thập được tại hồ sơ thể hiện TA làm việc từ ngày 23/11/2016 cho đến ngày 23/02/2017 để làm cơ sở giải quyết theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bị đơn Công ty BDP không đồng ý với yêu cầu thỏa thuận buộc Công ty bồi thường số tiền 50.000.000 đồng cho thân nhân người lao động.

Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty BDP phải bồi thường tiền trợ cấp do tai nạn lao động là 12 tháng tiền lương cho bà Trương Thị Ng (mẹ của anh Trương TA), số tiền là: 12 tháng x 3.250.000 đồng/ tháng = 39.000.000 đồng (Ba mươi chín triệu đồng).

- Buộc Công ty BDP thay cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động cho bà Trương Thị Ng với số tiền là: 3.250.000 đồng x 36 tháng = 117.000.000 đồng (Một trăm mười bảy triệu đồng).

Tổng số tiền bà Trương Thị Ng yêu cầu Công ty BDP phải bồi thường và chi trả cho bà là 156.000.000 đồng (Một trăm năm mươi sáu triệu đồng), Công ty không đồng ý.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 08 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tuyên xử:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, Điều 40, Điều 147, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Áp dụng các Điều 15, 16, 22, 142 và Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Các Điều 38, 39, 40, 45 và Điều 53 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ; Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trương Thị Ng đối với bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP về việc “Tranh chấp về bồi thường tiền trợ cấp và tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động”.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP phải bồi thường, chi trả cho thân nhân của anh Trương TA là bà Trương Thị Ng tổng số tiền 156.000.000 đồng (một trăm năm mươi sáu triệu đồng). Trong đó Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP bồi thường tiền trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động chết là 39.000.000 đồng và thay cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động cho bà Ngà – thân nhân người lao động bị chết số tiền là 117.000.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 22/11/2019, bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các bên đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án. Không đương sự nào cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai:

- Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn làm đơn kháng cáo trong hạn luật định nên được xem xét.

- Về đường lối giải quyết:

Công ty BDP kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty BDP.

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 03/2019/LĐ-ST ngày 08/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP làm trong thời hạn và đúng quy định của pháp luật nên được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về tố tụng: Bà Nguyễn Thị A đã được tống đạt hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa nên căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố Tụng dân sự mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt bà Ánh.

[2] Về quan hệ pháp luật, thẩm quyền giải quyết, đương sự trong vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng và đầy đủ.

[3] Về nội dung kháng cáo: Bị đơn Công ty BDP kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng tai nạn của anh Trương TA không phải là tai nạn lao động mà là tai nạn giao thông, lỗi trong vụ tai nạn thuộc về anh Trương TA, do đó việc anh TA chết không liên quan đến Công ty và hợp đồng lao động giữa Công ty với anh TA là hợp đồng thời vụ, trả lương theo hình thức khoán công hằng ngày nên Công ty không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội nên yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

+ Xét kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy:

Qua chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và lời trình bày của bị đơn tại phiên tòa, xác định anh Trương TA làm việc tại Công ty BDP từ ngày 23/11/2016 đến ngày 23/02/2017, thời gian làm việc buổi sáng từ 07 giờ đến 11 giờ, được nghỉ 30 phút từ 09 giờ đến 09 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, được nghỉ 30 phút từ 15 giờ đến 15 giờ 30 phút và mức lương của anh TA là 3.250.000 đồng/tháng.

Ngày 23/02/2017, anh Trương TA được ông Nguyễn Công Th phân công cắt cỏ tại xưởng cho thuê của khu công nghiệp Long Đức, thời gian làm việc buổi sáng từ 07 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Đến 15 giờ 10 phút cùng ngày, trong thời gian nghỉ giải lao, anh TA điều khiển xe mô tô rời khỏi vị trí làm việc, trên đường đi thì xảy ra tai nạn giao thông do va chạm với xe ô tô tại giao lộ N3 và D4 đường khu công nghiệp Long Đức. Hậu quả anh TA tử vong tại hiện trường.

Như vậy có hậu quả anh TA là người lao động của Công ty Bích Phát Dũng chết. Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Long Thành số 264/CQ.CSĐT-ĐTTH ngày 17/04/2017: Lỗi tai nạn là do nạn nhân gây ra.

Theo quy định tại các Điều 15, 16, 22 Bộ luật lao động năm 2012, hợp đồng lao động giữa Công ty BDP và anh TA là hợp pháp, các bên giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói. Căn cứ các bảng chấm công thể hiện thời gian vào công ty làm việc của anh TA từ ngày 23/11/2016 đến 23/02/2017 là 03 tháng nên xác định đây là loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Căn cứ Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012, Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động. Điều 12 Nghị định 45 quy định:

“1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.

2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.

….”.

Từ phân tích trên, đủ cơ sở xác định trong thời gian giải lao, anh TA bị tai nạn dẫn đến tử vong nên được xác định là tai nạn lao động trong thời gian làm việc, do đó bị đơn cho rằng tai nạn của anh TA không phải là tai nạn lao động, không liên quan đến Công ty BDP là không có cơ sở chấp nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn xác định không thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là anh Trương TA và cho rằng anh TA không thuộc trường hợp Công ty bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội. Xét thấy, theo quy định tại điểm a, khoản 1, khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 43, 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động;

Điều 2, Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ thì anh TA thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do người sử dụng lao động thực hiện, vì vậy kháng cáo phần này của bị đơn là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với phần bồi thường, cấp sơ thẩm căn cứ điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 145 Bộ luật lao động năm 2012; điểm b khoản 4, khoản 5 Điều 38, 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Buộc Công ty BDP bồi thường tiền trợ cấp cho bà Trương Thị Ng do anh TA bị tai nạn lao động chết 12 tháng lương, với số tiền 39.000.000 đồng (12 tháng x 3.250.000 đồng = 39.000.000 đồng) và căn cứ khoản 5 Điều 39, khoản 1 Điều 53 Luật an toàn, vệ sinh lao động buộc Công ty BDP thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho thân nhân của người bị tai nạn lao động chết 36 tháng lương, với số tiền 117.000.000 đồng (36 tháng x 3.250.000 đồng = 117.000.000 đồng). Tổng cộng Công ty BDP phải bồi thường, chi trả cho thân nhân của anh Trương TA là bà Trương Thị Ng tổng số tiền 156.000.000 đồng là có căn cứ và đúng quy định pháp luật.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy cấp sơ thẩm đã giải quyết tranh chấp và xử lý án phí sơ thẩm phù hợp với quy định pháp luật, bị đơn kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận, giữ nguyên án sơ thẩm.

[4] Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Công ty BDP phải chịu 4.680.000 đồng (156.000.000 đồng x 3%) án phí lao động sơ thẩm.

- Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo của Công ty BDP không được chấp nhận nên Công ty BDP phải chịu án phí lao động phúc thẩm theo quy định.

Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

Vì những lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP; Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 03/2019/KDTM-ST ngày 08 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, Điều 40, Điều 147, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Áp dụng các Điều 15, 16, 22, 142 và Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Các Điều 38, 39, 40, 45 và Điều 53 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/05/2013 của Chính phủ; Điều 4 Nghị định 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trương Thị Ng đối với bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP về việc “Tranh chấp về bồi thường tiền trợ cấp và tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động”.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP phải bồi thường, chi trả cho thân nhân của anh Trương TA là bà Trương Thị Ng tổng số tiền 156.000.000 đồng (một trăm năm mươi sáu triệu đồng). Trong đó bồi thường tiền trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động chết là 39.000.000 đồng và thay cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động cho bà Ngà là thân nhân người lao động bị chết số tiền là 117.000.000 đồng.

+ Về án phí:

- Án phí lao động sơ thẩm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP phải chịu 4.680.000 đồng án phí lao động sơ thẩm.

- Án phí lao động phúc thẩm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP phải chịu 300.000 đồng án phí lao động phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0002845 ngày 13/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên BDP đã nộp đủ án phí phúc thẩm.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014).

Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

839
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 17/2020/LĐ-PT ngày 24/06/2020 về tranh chấp bồi thường tiền trợ cấp và trả tiền bảo hiểm xã hội do tai nạn lao động

Số hiệu:17/2020/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 24/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về