Bản án 17/2017/KDTM-ST ngày 06/06/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 11, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 17/2017/KDTM-ST NGÀY 06/06/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA 

Ngày 06 tháng 6 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 11, xét xử sơ thẩm công khai Vụ án thụ lý số 33/2016/TLST-KDTM ngày 12 tháng 10 năm 2016 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 24/2017/QĐXXST-KDTM ngày 05 tháng 5 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa số 20/2017/QĐST-KDTM ngày 26 tháng 5 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn S; địa chỉ: xã T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Văn X - là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 09/UQ-CT ngày 19/5/2016); có mặt tại phiên tòa.

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần A; địa chỉ: đường M, Phường C, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trương Thanh N - Giám đốc Công ty Cổ phần A, là người đại diện theo pháp luật; vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 19 tháng 5 năm 2016, nguyên đơn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn S - và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Trần Văn X đều trình bày:

Ngày 18/3/2016, Công ty Trách nhiệm hữu hạn S (gọi tắt là Công ty S) và Công ty Cổ phần A (gọi tắt là Công ty A) có ký kết với nhau Hợp đồng bán nguyên liệu số 05/2016-HĐMBNL.ABS (gọi tắt là Hợp đồng số 05); theo đó, Công ty A bán cho Công ty S 300.000 kg (± 5%) bắp hạt Brazil với đơn giá là 4.900 đồng/kg, tổng giá trị hợp đồng là 1.470.000.000 đồng, thời gian giao hàng là từ ngày 21/3/2016 đến ngày 10/4/2016. Căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng, từ ngày 23/3/2016 đến ngày 31/3/2016, Công ty S đã chuyển cho Công ty A tổng số tiền là 1.149.400.000 đồng; việc chuyển tiền này tuy có chậm so với thỏa thuận trong Hợp đồng số 05, nhưng được Công ty A đồng ý và tiếp thực hiện hợp đồng. Từ ngày 28/3/2016 đến ngày 04/4/2016, Công ty A có giao cho Công ty S tổng số lượng bắp là 200.900 kg (tương đương với số tiền là 984.410.000 đồng).

Số lượng hàng còn lại của số tiền đã chuyển tương đương với số tiền 164.990.000 đồng thì Công ty A không chịu giao tiếp, mà yêu cầu Công ty S phải chuyển tiền tiếp cho các đợt nhận hàng tiếp theo thì mới được nhận hàng. Vấn đề này được chứng minh bằng 05 trang giấy A4, mà phía nguyên đơn đã nộp cho Tòa án ngày 09/01/2017; trong đó, thể hiện một số nội dung trao đổi qua lại bằng tin nhắn điện thoại di động giữa người phụ trách mua bán bên Công ty S với bà T của Công ty A, thể hiện phía Công ty A không đồng ý giao hàng tiếp cho Công ty S. Việc Công ty A không cho nhận hàng tương đương với số tiền 164.990.000 đồng còn lại là không đúng, vì trong hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận không có quy định về việc đặt cọc hay phải chuyển trước một khoản tiền để thực hiện hợp đồng.

Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc Công ty A phải thanh toán cho Công ty S các khoản tiền sau:

- Số tiền mà Công ty S đã trả trước, nhưng Công ty A chưa giao hàng đủ: 164.990.000 đồng.

- Tiền bồi thường do Công ty A vi phạm hợp đồng: 1.470.000.000 đồng x 8% = 117.600.000 đồng.

- Các khoản tiền bồi thường thiệt hại khác là 200.000.000 đồng, gồm:

+ Tiền công nhân nghỉ 02 ngày: 70.000.000 đồng.

+ Tiền bồi thường xe đến lấy hàng: 80.000.000 đồng.

+ Tiền chênh lệch giá mua nguyên liệu nơi khác về để sản xuất: 50.000.000 đồng.

- Tiền lãi chậm trả của số tiền 164.990.000 đồng, tính từ thời điểm Công ty A vi phạm hợp đồng cho đến phiên tòa sơ thẩm (tính tròn là 13 tháng) theo mức lãi suất 1%/tháng là: 164.990.000 đồng x 1%/tháng x 13 tháng = 21.448.700 đồng.

Đối với yêu cầu phản tố của Công ty A: do Công ty A vi phạm hợp đồng với Công ty S nên yêu cầu này là không có căn cứ, đề nghị Tòa án không chấp nhận.

Trong văn bản phản tố ngày 20 tháng 12 năm 2016 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn - Công ty A - và người người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà Lê T đều trình bày:

Thống nhất về việc giao kết Hợp đồng số 05 giữa hai bên, thừa nhận việc Công ty S có vi phạm thời hạn chuyển tiền nhưng Công ty A vẫn đồng ý và cho Công ty S nhận hàng dần. Không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty S, cho rằng chính Công ty S đã vi phạm Hợp đồng số 05, vì:

- Quy trình giao nhận hàng là: (i) Công ty S chuyển tiền, Công ty A nhận được tiền; (ii) Công ty S đăng ký qua mail hoặc nhắn tin qua điện thoại di động số xe và báo thời gian đến nhận hàng, Công ty A sẽ thông báo cho kho biết để giao hàng. Trong trường hợp này, Công ty S không đăng ký số xe và không cho xe nhận hàng tới; mặt khác, số tiền mà Công ty A giữ lại chỉ khoảng 33 tấn, nhưng thường là Công ty S cho xe khoảng từ 32 tấn - 37 tấn đến nhận hàng nên Công ty A sợ không kiểm soát được số hàng giao.

- Đồng thời, ngày 22/4/2016 Công ty A có Công văn số 22.4/ACT-SX giục Công ty S chuyển tiền, nhận hàng và cho thời hạn đến ngày 23/4/2016 để thực hiện; nhưng Công ty S vẫn không phản hồi, không chuyển tiền và cho xe tới. Do Công ty S không nhận hàng và không phản hồi về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, đồng thời do là kho thuê nên buộc Công ty A phải bán hàng nơi khác với giá thấp hơn để hạn chế thiệt hại.

Do vậy, ngoài việc không đồng ý với yêu cầu khởi kiện, Công ty A còn có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án buộc Công ty S phải trả cho Công ty A các khoản tiền:

+ Phạt 8% tổng giá trị hợp đồng: 1.470.000.000 đồng x 8% = 117.600.000 đồng.

+ Bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá bán giảm 4.000 đồng cho 99 tấn 100 kg là: 89.190.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng:

1.1 Theo nội dung đơn khởi kiện, Công ty S khởi kiện, tranh chấp với Công ty A về việc thực hiện Hợp đồng bán nguyên liệu số 05/2016-HĐMBNL.ABS ngày 18/3/2016 và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, quan hệ pháp luật tranh chấp chính trong vụ kiện này là “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa”, đây là loại tranh chấp được quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; đồng thời, Công ty A có trụ sở tại Quận M. Do vậy, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì vụ kiện này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

1.2 Ngày 20/12/2016, Công ty A có đơn phản tố, yêu cầu Công ty S bồi thường thiệt hại số tiền tổng cộng là 206.790.000 đồng và đã nộp tiền tạm ứng án phí. Bị đơn đã thực hiện quyền yêu cầu phản tố đúng theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên được Tòa án thụ lý xem xét, giải quuyết.

[2] Về nội dung:

2.1 Về việc xét xử vắng mặt và xét yêu cầu phản tố của Công ty A:

Xét thấy, trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hòa giải ngày 24/4/2017 và hai lần Tòa án mở phiên tòa xét xử (lần 1: ngày 26/5/2017, lần 2: ngày 06/6/2017), mặc dù đã được triệu tập hợp lệ nhưng người đại diện hợp pháp của Công ty A vẫn vắng mặt không rõ lý do. Do vậy, căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của Công ty A và xét xử vắng mặt Công ty A.

2.2 Về yêu cầu khởi kiện của Công ty S:

2.2.1 Yêu cầu Công ty A trả lại số tiền 164.990.000 đồng:

Tại các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, những người đại diện theo ủy quyền của Công ty S và Công ty A đều xác nhận số tiền mà Công ty A còn giữ của Công ty S là 164.990.000 đồng. Các bên không thống nhất về lỗi dẫn đến việc Hợp đồng số 05 bị vi phạm.

- Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 09/01/2017, người đại diện theo ủy quyền của Công ty S đã cung cấp cho Tòa án 05 trang giấy A4, thể hiện một số nội dung trao đổi qua lại bằng tin nhắn trong điện thoại di động và cho rằng đây là những tin nhắn qua lại giữa người phụ trách mua bán bên Công ty S với bà T (Công ty A) trong các ngày 04, 05, 08/4/2016; thể hiện phía Công ty A không đồng ý giao hàng cho Công ty S, chỉ đồng ý cho nhận hàng tiếp khi Công ty S chuyển tiền cho các đợt sau. Tại phiên họp, sau khi biết được chứng cứ này, người đại diện theo ủy quyền của Công ty A - bà Lê T - cho biết sẽ có ý kiến ở lần làm việc sau. Tuy nhiên, cho đến nay, cả bà T hay người đại diện hợp pháp của Công ty A đều không phản hồi. Khoản 2 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh: “2. Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”. Như vậy, chứng cứ đã nêu này là hợp pháp và không cần phải chứng minh. Tại các trang 1, 2, 4 của chứng cứ này đều có nội dung thể hiện việc Công ty A yêu cầu Công ty S chuyển tiền tiếp mới giao hàng. Vì vậy, ý kiến mà Công ty A cho rằng Công ty S không đăng ký số xe và không cho xe nhận hàng đến là không đúng.

- Mặt khác, tại Điều 3 của Hợp đồng số 05 các bên đã thỏa thuận: “… Bên mua thanh toán trước cho bên bán tổng giá trị tiền hàng từng đợt mà Bên mua dự kiến nhận trước ngày 25/3/2016 và khi tiến hành nhận hàng”. Nghĩa là các bên mua bán, giao nhận hàng theo từng đợt chuyển tiền của bên mua, không có thỏa thuận phải chuyển hết tiền tổng giá trị hợp đồng hay phải chuyển tiền cho các đợt nhận hàng sau thì mới được nhận hàng của đợt trước. Các bên đều thừa nhận Công ty S chuyển tiền có chậm so với thỏa thuận trong Hợp đồng số 05, nhưng được Công ty A đồng ý và tiếp thực hiện hợp đồng.

Như vậy, việc Công ty A không giao số hàng còn lại tương ứng với số tiền 164.990.000 đồng đã nhận của Công ty S là không có căn cứ, vi phạm Hợp đồng số 05, vi phạm nghĩa vụ giao hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Thương mại năm 2005. Do đó, yêu cầu khởi kiện của Công ty S, buộc Công ty A trả lại số tiền này được chấp nhận.

2.2.2 Yêu cầu phạt vi phạm:

Tại phần “Điều khoản chung” của Hợp đồng số 05, các bên có thỏa thuận mức phạt vi phạm là 8% giá trị hợp đồng. Điều 301 của Luật Thương mại năm 2005 có quy định: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”. Như vậy, mức phạt vi phạm mà các bên thỏa thuận đã vượt quá mức quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Công ty A bị xác định là vi phạm, chưa giao hàng tương ứng với số tiền là 164.990.000 đồng. Do vậy, yêu cầu phạt vi phạm với số tiền 117.600.000 đồng của Công ty S chỉ được chấp nhận một phần là: 164.990.000 đồng x 8% = 13.199.200 đồng.

2.2.3 Các khoản tiền bồi thường thiệt hại khác tổng cộng 200.000.000 đồng; gồm tiền công nhân nghỉ 02 ngày, tiền bồi thường xe đến lấy hàng, tiền chênh lệch giá mua nguyên liệu nơi khác về để sản xuất: Điều 303 của Luật Thương mại năm 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”.

Đồng thời, tại Điều 304 của Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định về nghĩa vụ chứng minh tổn thất như sau: “Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.

Xét thấy, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 07/3/2017, Tòa án đã giải thích cho những người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn lẫn bị đơn biết về nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra, các đương sự đã cam kết sẽ cung cấp cho Tòa án chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày 07/3/2017. Tuy nhiên, cho đến nay Công ty S vẫn chưa cung cấp, do vậy phần yêu cầu bồi thường thiệt hại này của Công ty S không được chấp nhận.

2.2.4 Tiền lãi chậm trả:

Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, yêu cầu này của Công ty S là có căn cứ, nên được chấp nhận.

- Về thời điểm tính lãi: theo như phân tích ở điểm 2.2.1, Công ty A đã vi phạm Hợp đồng số 05 vào tháng 4/2016, nên việc Công ty S yêu cầu tính lãi từ tháng 5/2016 là đúng.

- Về mức lãi suất: mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường là 1,27%/tháng. Như vậy, mức lãi suất mà người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đưa ra là thấp hơn, có lợi cho bị đơn nên được chấp nhận.

Cụ thể, số tiền lãi chậm trả mà Công ty A phải trả là: 164.990.000 đồng x 1%/tháng x 13 tháng = 21.448.700 đồng.

[3] Về án phí:

3.1 Do yêu cầu phản tố của Công ty A bị đình chỉ giải quyết theo điểm c khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên số tiền tạm ứng án phí 5.169.750 đồng đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

3.2 Do yêu cầu khởi kiện được chấp nhận một phần, nên Công ty S phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với số tiền 304.400.800 đồng không được chấp nhận được nêu ở điểm 2.2.2 và 2.2.3, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Còn Công ty A phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với số tiền 199.637.900 đồng mà Công ty S yêu cầu được Tòa án chấp nhận được nêu ở điểm 2.2.1, 2.2.2 và 2.4.4.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 34, 300, 301, 303, 304, 306 của Luật Thương mại 2005; điểm c khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 4 Điều 27 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án được ban hành kèm theo.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của Công ty Cổ phần A về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn S phải trả số tiền tổng cộng là 206.790.000 đồng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn S.

2.1 Buộc Công ty Cổ phần A trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn S số tiền 164.990.000 đồng đã nhận nhưng chưa giao hàng và 21.448.700 đồng tiền lãi chậm trả.

2.2 Buộc Công ty Cổ phần A trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn S khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 13.199.200 đồng. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn S về việc yêu cầu Công ty Cổ phần A chịu phạt vi phạm hợp đồng số tiền 104.400.800 đồng.

2.3 Không chấp nhận yêu cầu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn S về việc yêu cầu Công ty Cổ phần A bồi thường thiệt hại tiền công nhân nghỉ 02 ngày, tiền bồi thường xe đến lấy hàng, tiền chênh lệch giá mua nguyên liệu nơi khác về để sản xuất, với số tiền tổng cộng là 200.000.000 đồng.

Tổng số tiền mà Công ty Cổ phần A phải trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn S là 199.637.900 đồng, việc trả tiền được thực hiện sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền 164.990.000 đồng đã nhận nhưng chưa giao hàng, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền này theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Các quyền và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự được thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

3. Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền tạm ứng án phí 5.169.750 đồng Công ty Cổ phần A đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AG/2014/0003699 ngày 21/12/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Cổ phần A còn phải chịu án phí sơ thẩm là 9.981.895 đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn S phải chịu án phí sơ thẩm là 15.220.040 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 11.684.780 đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AG/2014/0003385 ngày 03/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn S còn phải nộp thêm 3.535.260 đồng.

4. Công ty Trách nhiệm hữu hạn S có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Công ty Cổ phần A vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tạiĐiều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2195
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 17/2017/KDTM-ST ngày 06/06/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:17/2017/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 11 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:06/06/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về