Bản án 17/2017/HNGĐ-ST ngày 08/09/2017 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHƯỚC LONG, TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 17/2017/HNGĐ-ST NGÀY 08/09/2017 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN  

Ngày 08 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 66/2017/TLST-HNGĐ ngày 19 tháng 5 năm 2017 về việc “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 22/2017/QĐST-HNGĐ ngày 07 tháng 8 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa số 12/2017/QĐST-HNGĐ ngày 23 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Dương Thị Ngọc H, sinh năm 1988 (có mặt)

Địa chỉ: Thôn 11, xã B, huyện R, tỉnh Bình Phước.

- Bị đơn: Phạm Quốc K, sinh năm 1984 (vắng mặt)

Địa chỉ: Tổ 1, khu phố 2, phường P, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

- Người làm chứng:

1. Ông Dương Văn H1 và bà Lê Thị H2 (vắng mặt)

Địa chỉ: Thôn 11, xã B, huyện R, tỉnh Bình Phước.

2. Bà Nguyễn Thị T (vắng mặt)

Địa chỉ: Tổ 1, khu phố 2, phường P, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ti đơn khởi kiện đề ngày 15/5/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án,nguyên đơn Dương Thị Ngọc H trình bày:

Chị H và anh K từng là vợ chồng nhưng đã được Tòa án nhân dân thị xã Phước Long, tỉnh  BìnhPhước giải quyết cho ly hôn tại bản án số 08/2013/HNGĐ-ST ngày 03/10/2013. Theo bản án, con chung của chị H và anh K là cháu Phạm Quốc H3 – sinh ngày 26/6/2009 được giao cho anh K trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi cháu H3 đủ 18 tuổi. Tuy nhiên đến tháng 4 năm 2015, anh K chở cháu H3 đến gia đình cha mẹ ruột chị H và giao cháu H3 cho ông bà nuôi dưỡng cho đến nay, anh K chỉ ghé lại thăm cháu H3 vài lần và không có ý định đón cháu về tiếp tục nuôi dưỡng. Chị H sau khi ly hôn với anh K thì về chung sống cùng cha mẹ tại thôn 11, xã B, huyện R, tỉnh Bình Phước một thời gian sau đó đi làm tại tỉnh Bình Dương nên không có mặt ở nhà vào thời điểm anh K giao cháu H3 cho cha mẹ chị nuôi dưỡng và cũng do tính chất công việc ở xa nên chị H cũng không có điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng cháu H3, nhưng trong khoảng thời gian cha mẹ chăm sóc cháu H3, chị H có gửi tiền về phụ nuôi dưỡng cháu H3.

Tới thời điểm hiện nay, công việc và thu nhập của chị H cũng đã ổn định, chị H đang làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại sắt thép Ánh Hòa tại  khu công nghiệp  Sóng Thần 3 với mức thu nhập 9.000.000đ/tháng và có ý định đón cháu H3 về Bình Dương sinh sống và học tập nhưng anh K không tạo điều kiện chuyển khẩu cho cháu H3 nhập học, nên chị H làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân thị xã Phước Long thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, giao cháu H3 cho chị trực tiếp nuôi dưỡng và không yêu cầu anh K cấp dưỡng nuôi cháu H3.

Bị đơn Phạm Quốc K đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt không có lý do nên không có ý kiến của anh K.

Ti biên bản lấy lời khai ngày 06/7/2017, ông Dương Văn H1 và bà Lê Thị H2 trình bày:

Ông H1 bà H2 là cha mẹ ruột của chị H. Từ tháng 4/2015 anh K có chở cháu H3 đến nhà và nhờ ông H1 bà H2 nuôi dưỡng, chăm sóc cháu H3 khoảng một tháng và có gửi lại mấy hộp sữa, vì ông bà có thời gian, không vướng bận công việc gì, trong khi đó cả anh K và chị H đều phải đi làm cả ngày và làm xa. Trong vài tháng đầu, anh K còn tới thăm cháu H3, nhưng không chịu đón về, về sau thì không thấy anh K đến thăm nữa, lâu lâu có nhờ chị gái đến chở cháu H3 về nhà nội chơi. Nhưng hơn một năm lại đây thì không hề đến thăm hay rước cháu về chơi.Từ khi anh K giao cháu H3 cho ông H1 bà H2 nuôi dưỡng, anh K chưa hề phụ tiền nuôi dưỡng cháu H3, chỉ khi nào đến thăm thì mua vài hộp sữa. Toàn bộ chi phí nuôi dưỡng cháu H3 từ đó đến nay là do ông H1 bà H2 lo một phần, một phần là chị H là mẹ cháu H3 hàng tháng có gửi về khoảng 2.000.000 đồng để phụ nuôi cháu H3.

Nay trước yêu cầu khởi kiện xin thay đổi người được trực tiếp nuôi cháu H3 của chị H thì ông H1 bà H2 đồng ý, vì lâu nay anh K đã không còn quan tâm và nuôi dưỡng cháu H3 và hiện nay chị H đã có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con do đã có công việc, thu nhập và nơi ở ổn định.

Đối với chi phí nuôi dưỡng cháu H3 từ tháng 4/2015 cho đến nay, ông H1 bà H2 không có yêu cầu gì nên ông bà đề nghị Tòa án không đưa ông bà vào tham gia tố tụng trong vụ án này và cam đoan sẽ không khiếu nại gì về sau.

Ti biên bản lấy lời khai ngày 06/7/2017, người làm chứng Nguyễn Thị T trình bày:

Bà là mẹ ruột của anh K. Sau khi anh K và chị H ly hôn thì cháu H3 được giao cho anh K trực tiếp nuôi dưỡng, do đó anh K cùng cháu H3 về sinh sống cùng bà T tại khu phố 2, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên khi cháu H3 bắt đầu vào lớp 1 thì do bà T không biết đi xe gắn máy, anh K đi làm phụ hồ từ sáng sớm đến tối mới về nên không có điều kiện đưa đón cháu H3 đi học. Do đó, anh K đã giao cháu H3 cho cha mẹ chị H nuôi dưỡng để thuận tiện việc học hành của cháu H3. Anh K lâu lâu có mua quần áo, sách vở và sữa gửi cho cháu H3, chị H thi thoảng có chở cháu H3 về nhà bà T thăm chơi.

Tại phiên tòa, chị H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của mình.

Ý kiến của Viện kiểm sát:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án: Tuân thủ và chấp hành đúng theo quy định của pháp luật.

- Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình; các Điều 28, 35, 39 và Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn từ anh Phạm Quốc K sang chị Dương Thị Ngọc H.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng:

[1] Chị Dương Thị Ngọc H khởi kiện yêu cầu “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” với anh Phạm Quốc K đang cư trú tại tổ 1, khu phố 2, phường P, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã Phước Long theo quy định tại khoản 3 Điều 28 và điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Bị đơn Phạm Quốc K đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Do đó, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về đương sự của vụ án: quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã đưa ông Dương Văn H1 và bà Lê Thị H2 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, do ông H1 bà H2 không có yêu cầu gì trong vụ án nên Hội đồng xét xử xác định ông H1 bà H2 không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà xác định ông H1 bà H2 là người làm chứng trong vụ án.

Về nội dung:

[2] Chị H xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, yêu cầu Tòa án giao con chung giữa chị và anh  K là cháu Phạm Quốc H3 – sinh ngày 26/6/2009 cho chị trực tiếp nuôi dưỡng, anh K đã được Tòa án triệu tập nhiều lần nhưng vắng mặt nên không có ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của chị H.

[3] Xét yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của chị H, Hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được là các biên bản lấy lời khai của ông Dương Văn H1 bà Lê Thị H2, bà Nguyễn Thị T và xác nhận của trưởng thôn 11, xã B có cơ sở xác định do tính chất công việc nên anh K đã không trực tiếp nuôi dưỡng cháu H3 theo như bản án số 08/2013/HNGĐ-ST ngày 03/10/2013 của Tòa án nhân dân thị xã Phước Long đã tuyên, mà giao cháu H3 cho ông H1 bà H2 (ông bà ngoại cháu H3) nuôi dưỡng từ tháng 4/2015 cho đến nay vì không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu H3 nên không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp mọi mặt cho cháu H3. Trong khi đó xét thấy chị H hiện nay đã đáp ứng đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu H3 vì có công việc, nguồn thu nhập và nơi ở ổn định, có điều kiện về thời gian để đưa đón con đi học và trong suốt thời gian qua mặc dù không trực tiếp nuôi dưỡng cháu H3 nhưng chị H vẫn thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình, đồng thời tại biên bản lấy lời khai ngày 19/5/2017 nguyện vọng của cháu H3 là được ở cùng với chị H bởi khi sống cùng anh K hay trong khi đang ở cùng ông bà ngoại được anh K hoặc người nhà anh K đưa về nhà anh K chơi thì anh K đi làm về không dành thời gian để trò chuyện, chăm sóc con mà đi nhậu. Từ những nhận định trên, xét thấy có đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị H theo qui định tại Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình.

Về cấp dưỡng nuôi con chung: Chị H không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4] Về án phí: Do Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39, khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng các điều 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Dương Thị Ngọc H về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn từ anh Phạm Quốc K sang chị Dương Thị Ngọc H.

Giao cháu Phạm Quốc H3 – sinh ngày 26/6/2009 cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi cháu H3 đủ 18 tuổi.

Anh K có quyền, nghĩa vụ thăm nom con chung mà không ai được cản trở.

2. Anh K phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm về hôn nhân gia đình không có giá ngạch. Chị H không phải chịu án phí, hoàn trả cho chị H số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) chị H đã nộp theo biên lai thu tiền số 000xxxx ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

3. Nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án 08/9/2017; Bị đơn có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

“Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1982
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 17/2017/HNGĐ-ST ngày 08/09/2017 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:17/2017/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Phước Long - Bình Phước
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:08/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về