Bản án 17/2017/DS-PT ngày 19/07/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất lối đi

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 17/2017/DS-PT NGÀY 19/07/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LỐI ĐI

Ngày 19 tháng 7 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 10/2017/TLPT-DS ngày 09 tháng 5 năm 2017 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất lối đi”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2017/DS-ST ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Quảng U bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 41/2017/QĐPT-DS ngày 07 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Hoàng Văn T, sinh năm 1988

Địa chỉ: Xóm Khào B, xã Phúc S, huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng.

2. Bị đơn: Hoàng Văn M, sinh năm 1969

Địa chỉ: Xóm Khào B, xã Phúc S, huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Nguyễn Đình, thuộc Văn phòng luật sư Nguyễn Đình, Đoàn luật sư tỉnh Cao Bằng. (Có mặt tại phiên tòa)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Hoàng Văn C, sinh năm 1964 

Địa chỉ: Xóm Khào B, xã Phúc S, huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng. (Các bên đương sự có mặt tại phiên tòa)

4. Người kháng cáo: bị đơn Hoàng Văn M.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 24 tháng 11 năm 2016 và các lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn Hoàng Văn T trình bày:

Anh với bị đơn Hoàng Văn M có quan hệ họ hàng thân thích với nhau. Gia đình anh có ngôi nhà do tổ tiên để lại (không biết dựng từ năm nào) tọa lạc tại Xóm Khào B, xã Phúc S, huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng, hàng ngày gia đình của anh đi lại từ đường liên xóm qua cạnh nhà ông M để vào nhà, từ khi dựng nhà đến nay, đoạn tiếp giáp đường liên xóm có chiều rộng hơn 2 mét, đoạn tiếp giáp đất gia đình anh rộng khoảng 2 mét, mặt đường đất và đá; cùng sử dụng chung đoạn đường trên có ba hộ gia đình, nhưng hiện nay hai hộ khác đã chuyển vào miền Nam sinh sống. Đoạn đường đi chung đã có từ xưa và được thể hiện trên bản đồ địa chính.

Trong cuộc sống hàng ngày giữa hai gia đình không có mâu thuẫn gì, nhưng không biết vì lý do gì ngày 09 tháng 9 năm 2016 ông M đã đào đất phần đường đi qua cạnh nhà ông với chiều dài 0,5 mét, chiều rộng 0,4 mét, độ sâu 0,3 mét làm cản trở việc đi lại của gia đình anh. Cá nhân anh đã trực tiếp trao đổi với ông M cũng như nhờ chính quyền xóm, xã hòa giải nhưng ông M vẫn không đồng ý lấp đất để trả lại nguyên trạng con đường như cũ. Trong khi đang chờ Tòa án giải quyết thì ông M đã xếp hàng rào bằng đá cao lên, chiếm ra phần đường đi chung.

Việc ông M đào đất cũng như xếp đá ra đường đi chung gây cản trở cho việc đi lại của gia đình như chở rơm, đồ cồng kềnh, hoặc khi có việc hiếu, hỷ... mặt khác Nhà nước có chương trình xây dựng nông thôn mới, đường đi lại đều bê tông hóa, gia đình tôi muốn đổ bê tông hóa con đường cũng không thực hiện được. Nay yêu cầu ông Hoàng Văn M lấp phần đất đã đào lên, dọn đá đã xếp ra đường để trả lại nguyên trạng con đường đi chung như ban đầu.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 09 tháng 12 năm 2016 và các lời khai trong quá trình tố tụng, bị đơn Hoàng Văn M trình bày: Ông và anh T có quan hệ họ hàng cách xa  5-6 đời, ngôi nhà hiện gia đình ông đang ở do ông cha dựng từ lâu, đến năm 2003 dựng lại trên nền cũ. Đoạn đường từ đường liên xóm đi qua cạnh nhà có một phần đất là của gia đình ông, mốc ngăn cách có hàng đá cạnh nhà, từ khi anh T đắp đường, phần tiếp giáp đất anh T lên thì khi trời mưa nước từ mặt đường tràn vào chuồng trâu nhà ông, nên ông có được đào rãnh ở cạnh nhà với chiều dài 0,5 mét, chiều rộng 0,4 mét, độ sau 0,3 mét nhằm mục đích thoát nước, sau đó có được xếp đá ra dưới mái nhà. Nay anh T yêu cầu lấp đất để trả lại nguyên trạng con đường ông không nhất trí, bởi lẽ ông đào đất và xếp đá trong phần bìa đỏ mà Nhà nước đã cấp cho ông, bên trong hàng đá và dưới giọt ranh nhà ông.

Tại biên bản lấy lời khai và quá trình tố tụng tại tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Hoàng Văn C trình bày: Anh T là cháu (con anh trai) ông, còn ông với ông M có họ hàng xa với nhau. Ngôi nhà hiện gia đình ông đang ở sát cạnh đoạn đường lên nhà anh T, nhà dựng từ thời ông đến ông C ở là đời thứ 3 sống trong ngôi nhà này, nguồn gốc đất là của gia đình ông và đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông đứng tên. Giọt ranh đất nền nhà phía giáp đường vẫn thuộc đất của ông, đường và nền nhà có mốc ngăn cách chỉ ở đầu và cuối con đường như nguyên trạng hiện nay, còn mái nhà vẫn giữ nguyên như vậy vì từ trước đến nay mọi người vẫn đi lại trên đoạn đường đó và cũng không có ảnh hưởng gì.

Tòa án nhân dân huyện Quảng U tỉnh Cao Bằng đã tiến hành hòa giải nhiều lần tuy nhiên không đạt kết quả.

Tại bản án số 01/2017/DS-ST ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Quảng U tỉnh Cao Bằng đã:

Áp dụng các Điều 175, 176 Bộ luật dân sự 2015; Điều 12 Luật đất đai năm 2013; khoản 1 Điều 147; Điều 157, Điều 158 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 5, khoản 1, 2 Điều 27 Pháp lệnh 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Xử:

Chấp nhận yêu cầu lấp đất và dọn đá trên lối đi chung tại xóm Khào B của anh Hoàng Văn T đối với ông Hoàng Văn M, cùng trú tại Xóm Khào B - Phúc S - Quảng U - Cao Bằng.

Ông Hoàng Văn M phải lấp đất đã đào cạnh nhà có chiều dài 0,5 mét, chiều rộng 0,4 mét, độ sâu 0,3 mét và dọn đá trên lối đi chung đến nhà anh Hoàng Văn T tại Xóm Khào B, xã Phúc S, huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng.

Cụ thể, đoạn đường từ đường liên thôn xóm Khào B đến đất anh Hoàng Văn T được đánh số thứ tự từ điểm 1 đến điểm 6 như sau:

- Điểm 1 cách 2 mét tính từ chân cột điện ra đường liên thôn xóm;

- Điểm 2 cách 1,3 mét tính từ chân hòn đá tảng hiên trước nhà ông M ra phía đường đi;

- Điểm 3 là mép góc hàng rào đá của hộ ông Hoàng Văn Càu (sau nhà ông M, bên cạnh đường);

- Điểm 3a cách điểm 3 là 12,4 mét;

- Điểm 4 tính từ chân hòn đá tảng hiên sau nhà ông Hoàng Văn C;

- Điểm 5 là hòn đá tảng hiên trước nhà ông Hoàng Văn C;

- Điểm 6 là mép hàng rào đá phía trước nhà ông C, cách điểm 1 là 3,99 mét. 

Các điểm nối có kích thước như sau:

- Từ điểm 1 đến điểm 2 dài 5,4 mét;

- Từ điểm 2 đến điểm 3 dài 13,73 mét;

- Từ điểm 2 đến điểm 5 rộng 2,8 mét;

- Từ điểm 3 đến điểm 4 rộng 2 mét;

- Từ điểm 4 đến điểm 5 dài 12,9 mét;

- Từ điểm 5 đến điểm 6 dài 5,6 mét;

- Từ điểm 6 đến điểm 1 rộng 3,99 mét;

- Từ điểm 3 đến điểm 3a rộng 12,4 mét;

Về khoản chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ:

- Ông Hoàng Văn M phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 2.000.000,đ (Hai triệu đồng chẵn). Xác nhận ông M đã nộp 1.000.000,đ (Một triệu đồng chẵn) tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo Giấy biên nhận ngày 11/01/2017 của Tòa án nhân dân huyện Quảng U.

- Anh Hoàng Văn T không phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Ông Hoàng Văn M phải hoàn trả số tiền 1.000.000,đ (Một triệu đồng chẵn) tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định mà Tòa án nhân dân huyện Quảng U đã thu của anh T theo Giấy biên nhận ngày 19/12/2016 cho anh Hoàng Văn T.

Ngoài ra án sơ thẩm đã tuyên về phần án phí và kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 10 tháng 4 năm 2017 bị đơn Hoàng Văn M có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

Trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị đơn ông Hoàng Văn M và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, luật sư Nguyễn Đình trình bày: Không nhất trí với bản án sơ thẩm đã tuyên. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm đi thẩm định lại diện tích đất, theo kích thước thực tế đã sử dụng và kích thước ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông Hoàng Văn T trình bày: Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Quảng U đã giải quyết.

Tại phiên tòa phúc thẩm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày Hoàng Văn C: Nhất trí giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án huyện Quảng U. Việc ông M cho rằng phần đất do ông M đào lên nằm trong diện tích đất trong giấy chứng nhận của ông M là không đúng. Con đường đó đã hình thành từ mấy đời nay, hàng đá ở giữa con đường là dành cho người đi bộ bước đi khi trời mưa chứ không phải ranh giới thửa đất của ông M. Sự việc này UBND xã Phúc S và Tòa án đã đi xem xét.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Về thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo các trình tự thủ tục quy định. Về nội dung vụ án: Đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất lối đi giữa gia đình anh T và anh M. Về con đường đã hình từ mấy đời nay và được thể hiện tại bản đồ đo đạc năm 1999. Việc anh M cho rằng một phần con đường nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh, tuy nhiên tại buổi thẩm định của Tòa án huyện Quảng U ngày 31/12/2016 đã thể hiện diện tích đất của anh T vẫn đủ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại buổi thẩm định anh M cũng có mặt tham gia chứng kiến, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay anh M cũng không có chứng cứ gì thêm để chứng minh nên không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo của ông.

Với những căn cứ nêu trên bản án của Tòa án nhân dân huyện Quảng U tỉnh Cao Bằng đã chấp nhận yêu cầu của ông T là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật. Kháng cáo của ông M không có căn cứ chấp nhận.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 - BLTTDS giữ nguyên án sơ thẩm.

Những yêu cầu, kiến nghị Tòa án cấp sơ thẩm để khắc phục vi phạm ở gia đoạn phúc thẩm: Biên bản thẩm định ngày 30/12/2016 không xác định và đo vẽ phần ông M đào rãnh và xếp đá tại điểm nào từ điểm 1 đến điểm 6. Không có sơ đồ trích đo hiện trạng đoạn đường đang tranh chấp. Tại cấp phúc thẩm những vấn đề nêu trên đã được làm rõ, tuy nhiên cũng cần đưa ra để tổng hợp kiến nghị chung.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên toà, nghe kết quả tranh tụng tại phiên toà, ý kiến của kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về nguồn gốc con đường đi lên lối nhà anh T tại Xóm Khào B, xã Phúc S, huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng: Con đường lối lên nhà anh T đã có từ thời xưa được 3 hộ gia đình cùng sử dụng chung, tuy nhiên hiện nay có 2 hộ đã chuyển vào miền Nam sinh sống, hiện chỉ còn duy nhất một hộ gia đình anh T sử dụng. Ngày 09/9/2016 gia đình ông M đã đào một phần diện tích con đường với chiều dài 0,5m, chiều rộng 0,4m, độ sâu 0,3m làm cản trở việc đi lại của gia đình anh T. Ông M cho rằng lý do ông đào một phần vào con đường đi lên nhà anh T là do anh T đắp đất phần con đường giáp với phần đất nhà anh T dẫn đến mỗi lúc trời mưa dẫn đến nước chảy vào chuồng trâu (dưới sàn nhà) của ông M, hơn nữa phần đất ông M đào nằm trong diện tích đất tại thửa số 68 tờ bản đồ số 5 diện tích 214m2  mà ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V750085 ngày 01/10/2003 do Phó chủ tịch UBND huyện Quảng U ký.

[2] Xét kháng cáo của ông M về việc yêu cầu cấp phúc thẩm, thẩm định lại diện tích đất thực tế: Cấp phúc thẩm xét thấy, tại biên bản hòa giải ngày 24/10/2016 của UBND xã Phúc S, huyện Quảng U, Cao Bằng đã căn cứ vào tờ bản đồ số 5 đo đạc năm 1999 và ý kiến của các cụ lão trong làng và các bên có liên quan kết luận: Ranh giới thửa đất chỉ đến phần hàng rào, đầu trên là 2m (đoạn tranh chấp), đầu dưới là 2,6m. Ông M đã đào rãnh lấn sang lối đi chung là 0,5m rộng 0,4m sâu 0,3m. Cũng tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 30/12/2016  của Tòa án nhân dân huyện Quảng U đã xác định được phần diện tích đất của nhà ông M vẫn có đủ, con đường lối lên nhà anh T không nằm trong diện tích đất của ông M đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003. Về diện tích đất của gia đình ông M tại trích đo bản đồ địa chính ngày 11/7/2017 cũng phù hợp với trích lục bản đồ năm 1999 vẫn đủ kích thước là 12,40m tính từ điểm 3 đến điểm 3a phần tiếp giáp đất ông Thùy (thửa 67). Diện tích đất của gia đình ông M được cấp vào năm 2003, tuy nhiên tại bản đồ số 05 đo vẽ năm 1999 đã thể hiện rõ con đường, phần cuối con đường được thể hiện diện tích là 2 m (phần tranh chấp) như vậy có đủ căn cứ ông M đã đào lấn vào phần lối đi chung lên nhà anh T. Việc thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện Quảng U được thực hiện công khai, có đủ các cơ quan chuyên môn thực hiện, tại buổi thẩm định đều có mặt các bên đương sự ông T và ông M, sau khi xác định được kết quả thẩm định hội đồng thẩm định đã thông qua kết quả, ông M không có ý kiến gì, cũng tại phiên tòa ngày 05/4/2017 ông M cũng thừa nhận diện tích đất của gia đình ông vẫn đủ theo như giấy chứng nhận được cấp và không có ý kiến gì thêm. Do vậy việc ông M yêu cầu cấp phúc thẩm phải đi thẩm định lại diện tích đất thực tế của gia đình ông đang sử dụng là không có căn cứ để xem xét chấp nhận.

Tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách...Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung".

[3] Theo quy định của pháp luật đất đai thì đường đi lại là sử dụng chung trong cộng đồng, xã hội thì Nhà nước không giao quyền sử dụng đất riêng cho cá nhân hoặc hộ gia đình, do vậy con đường đi lên nhà anh T cũng đã được thể hiện tại tờ bản đồ số 5 đo đạc năm 1999, Nhà Nước không giao quyền sử dụng cho một cá nhân nào khác.

Từ những phân tích nêu trên Hội đồng xét xử kết luận đường đi từ đường liên xóm lên nhà anh Hoàng Văn T đã có từ xưa và đã được thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1999, phần đất đường đang tranh chấp nằm ngoài diện tích thửa đất số 68 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003 cho hộ ông M, ông M đào đất cũng như vứt đá ra đường là hành vi lấn chiếm đất đai bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 12 Luật đất đai năm 2013.

Do đó, cần chấp nhận yêu cầu của anh Hoàng Văn T. Buộc ông M phải lấp đất và dọn đá trên lối đi vào nhà của anh Hoàng Văn T. Cụ thể đoạn đường từ đường liên xóm Khào B đến đất anh Hoàng Văn T được đánh số thứ tự từ điểm 1 đến điểm 6 (tại biên bản thẩm định ngày 30/10/2016) như sau:

- Điểm 1 cách 2m tính từ chân cột điện ra đường liên thôn xóm;

- Điểm 2 cách 1,3m tính từ chân hòn đá tảng hiên trước nhà ông M ra phía đường đi;

- Điểm 3 là mép góc hàng rào đá của hộ ông Hoàng Văn Càu (sau nhà ông M, bên cạnh đường);

- Điểm 3a cách điểm 3 là 12,4m;

- Điểm 4 tính từ chân hòn đá tảng hiên sau nhà ông Hoàng Văn C;

- Điểm 5 là hòn đá tảng hiên trước nhà ông Hoàng Văn C;

- Điểm 6 là mép hàng rào đá phía trước nhà ông C, cách điểm 1 là 3,99m.

Các điểm nối có kích thước như sau:

- Từ điểm 1 đến điểm 2 dài 5,4m;

- Từ điểm 2 đến điểm 3 dài 13,73m;

- Từ điểm 2 đến điểm 5 rộng 2,8m;

- Từ điểm 3 đến điểm 4 rộng 2m;

- Từ điểm 4 đến diểm 5 dài 12,9m;

- Từ điểm 5 đến điểm 6 dài 5,6m;

- Từ điểm 6 đến điểm 1 rộng 3,99m;

- Từ điểm 3 đến điểm 3a rộng 12,4m;

(Có trích đo và  trích lục bản đồ kèm theo)

[4] Đối với góc mái nhà sau ông Hoàng Văn M (thửa đất 68) từ móng nhà lợp ra đường 0,8m, chiều cao từ mặt đất lên mái nhà 2,9m, theo Biên bản hòa giải của UBND xã Phúc S thì năm 2003 gia đình ông Hoàng Văn M đã xoay hướng nhà, nhưng gia đình anh T không có ý kiến gì về việc ông M lợp mái nhà ra đường. Do vậy hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết phải buộc ông M tháo gỡ phần mái nhà lợp ra đường là 0,8m, chiều cao từ mặt đất lên mái nhà 2,9m.

[5] Còn đối với góc mái nhà ông Hoàng Văn C (thửa đất 69) từ chân hòn đá tảng lợp ra đường 0,8m, chiều cao từ mặt đất lên mái 2,7m. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay thì cả ông C và anh T cùng thỏa thuận giữ nguyên đoạn đường đi qua cạnh nhà ông C như nguyên trạng và giữ nguyên mái nhà lợp ra đường đi. Xét thấy sự thỏa thuận của ông C và anh T là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật, hơn nữa cũng phù hợp với phong tục tập quán từ trước của các cụ nên cần được ghi nhận và phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất ... và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác".

Từ những đánh giá và phân tích nêu trên có đủ cở sở kết luận ông M đã đào lấn chiếm vào con đường đi lên lối nhà anh T có diện tích với chiều dài 0,5m, chiều rộng 0,4m, độ sâu 0,3m. Tại phiên tòa phúc thẩm anh M cũng không có căn cứ gì thêm để cung cấp cho Hội đồng xét xử. Do vậy cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông M, cần giữ nguyên án sơ thẩm số 01/2017/DS-ST ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng.

[6] Về khoản chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ:

Ông Hoàng Văn M phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ hai lần đoàn đi thẩm định với số tiền là 2.000.000đ theo quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Xác nhận ông M đã nộp 1.000.000đ tại biên bản ngày 11 tháng 01 năm 2017. Nay ông M còn phải  nộp thêm số tiền là 1.000.000,đ (Một triệu đồng) (để trả lại cho anh T). 

Anh Hoàng Văn T được hoàn trả tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 từ số tiền ông M nộp là 1.000.000,đ (Một triệu đồng).

Ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tại phiên tòa là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Do cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm nên ông M phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 1, khoản 2, Điều 175 Bộ luật dân sự 2015; Điều 12 Luật đất đai năm 2013; Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễm, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

1. Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Hoàng Văn M. Giữ nguyên án sơ thẩm dân sự số 01/2017/DS-ST ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng.

Bác đơn kháng cáo của ông Hoàng Văn M về việc đòi quyền sử dụng diện tích đất lối lên nhà anh Hoàng Văn T có diện tích với chiều dài 0,5m, chiều rộng 0,4m, độ sâu 0,3m.

Ông Hoàng Văn M phải lấp đất đã đào cạnh nhà có chiều dài 0,5 mét, chiều rộng 0,4 mét, độ sâu 0,3 mét và dọn đá trên lối đi chung đến nhà anh Hoàng Văn T tại xóm Khào B - Phúc S. Cụ thể đoạn đường từ đường liên  xóm Khào B đến đất anh Hoàng Văn T được đánh số thứ tự từ điểm 1 đến điểm 6 như sau:

- Điểm 1 cách 2 mét tính từ chân cột điện ra đường liên thôn xóm;

- Điểm 2 cách 1,3 mét tính từ chân hòn đá tảng hiên trước nhà ông M ra phía đường đi;

- Điểm 3 là mép góc hàng rào đá của hộ ông Hoàng Văn Càu (sau nhà ông M, bên cạnh đường);

- Điểm 3a cách điểm 3 là 12,4 mét;

- Điểm 4 tính từ chân hòn đá tảng hiên sau nhà ông Hoàng Văn C ;

- Điểm 6 là mép hàng rào đá phía trước nhà ông C, cách điểm 1 là 3,99 mét.

Các điểm nối có kích thước như sau:

- Từ điểm 1 đến điểm 2 dài 5,4 mét;

- Từ điểm 2 đến điểm 3 dài 13,73 mét;

- Từ điểm 2 đến điểm 5 rộng 2,8 mét;

- Từ điểm 3 đến điểm 4 rộng 2 mét;

- Từ điểm 4 đến điểm 5 dài 12,9 mét;

- Từ điểm 5 đến điểm 6 dài 5,6 mét;

- Từ điểm 6 đến điểm 1 rộng 3,99 mét;

- Từ điểm 3 đến điểm 3a rộng 12,4 mét;

Công nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa ông C và anh T đối với góc mái nhà ông Hoàng Văn C cụ thể: Từ chân hòn đá tảng lợp ra đường 0,8m, chiều cao từ mặt đất lên mái 2,7m giữ nguyên mái nhà lợp ra phần đường đi lên nhà anh T.

2. Về số tiền chi phí thẩm định tại chỗ:

Ông Hoàng Văn M phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ hai lần đoàn đi thẩm định với số tiền là 2.000.000,đ (Hai triệu đồng). Xác nhận Ông M đã nộp 1.000.000,đ (Một triệu đồng) tại biên bản ngày 11 tháng 01 năm 2017. Nay ông M còn phải nộp thêm số tiền là 1.000.000,đ (Một triệu đồng) (để trả lại cho anh T). Anh Hoàng Văn T được hoàn trả tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ với số tiền là 1.000.000,đ (Một triệu đồng) (từ số tiền ông M nộp).

3. Về án phí:

Ông Hoàng Văn M phải chịu 300.000,đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm để sung công quỹ Nhà nước. Xác nhận ông Hoàng Văn M đã nộp đủ án phí phúc thẩm theo các biên lai biên lai số AB/2012/01598 ngày 11tháng 4 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quảng U, tỉnh Cao Bằng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

366
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 17/2017/DS-PT ngày 19/07/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất lối đi

Số hiệu:17/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về