TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 171/2017/DS-PT NGÀY 23/11/2017 VỀ TRANH CHẤP VỀ TƯỚI NƯỚC, TIÊU NƯỚC TRONG CANH TÁC
Trong các ngày 08, 23 tháng 11 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 110/2017/TLPT-DS, ngày 14 tháng 9 năm 2017 về “Tranh chấp về tưới nước, tiêu nước trong canh tác ".
Do bản dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST, ngày 31/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 199/2017/QĐ-PT ngày 02 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Trần Thanh V, sinh năm 1952.(có mặt) Địa chỉ: ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng.
2. Bị đơn: Bà Tô Thị N, sinh năm 1939.(có mặt) Địa chỉ: ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng
Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn: bà Nguyễn Thị Diệu O, Luật sư Văn phòng luật sư H thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng.(có mặt)
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1 Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1980; (có mặt)
3.2 Bà Nguyễn Thị K (vắng mặt).
Cùng địa chỉ: ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng
4. Người làm chứng: Ông Võ Văn T. Địa chỉ: ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
5. Người kháng cáo: Bị đơn bà Tô Thị N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì nội dung vụ kiện được tóm tắt như sau:
Nguyên đơn ông Trần Thanh V trình bày: Ông có phần đất ruộng được cha mẹ cho với diện tích 6.900m2, tại thửa 258 tọa lạc tại ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng và canh tác từ trước năm 1975 cho đến nay. Phần đất ông canh tác có kênh dẫn nước vào có chiều ngang khoảng 1,2m chiều dài 50m. Ngoài ông sử dụng con kênh này ra thì còn có những người làm ruộng xung quanh sử dụng chung. Sau năm 1976, ông cùng một số người dân như ông Bảy H, ông Chín T và chồng bà N là ông Nguyễn Văn L nạo vết con kênh này để dẫn nước vào ruộng, hiện nay ông H và ông L đều chết. Đến năm 2012, bà N cho rằng con kênh dẫn nước này là của bà, rồi lắp miệng ống bọng không cho nước vào và không cho ông sử dụng nên hai bên xảy ra tranh chấp. chính quyền địa phương có hòa giải nhưng không thành. Vì vậy ông khởi kiện yêu cầu cầu Tòa án giải quyết buộc bà N phải mở đường kênh dẫn nước cho ông sử dụng, theo đo đạc thực tế có tứ cận như sau:
- Hướng đông giáp đất bà N có số đo 01m;
- Hướng tây giáp kênh xáng M có số đo 1,1m;
- Hướng nam giáp đất bà Võ Thị D có số đo 42m;
- Hướng bắc giáp đất bà N có số đo 42m.
Có diện tích 44,2m2, thuộc thửa 261, tờ bản đồ số 08, tọa lạc tại ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng, do chồng bà N là ông L đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện nay bà N đang quản lý.
Bị đơn bà Tô Thị N trình bày: Bà N không đồng ý với yêu cầu của ông V. Bà cho rằng đường kênh dẫn nước đang tranh chấp là do vợ chồng bà tự đào có chiều ngang khoảng 01m, chiều dài hơn một công đất, từ ngoài đầu kênh xáng M đến giáp với phần đất của ông Hai X (cha ông V), thuộc quyền sở hữu của bà và chồng bà là ông Nguyễn Văn L (hiện đã chết) chứ không phải đường kênh dẫn nước chung. Đường kênh này thuộc thửa số 261, tờ bản đồ số 08, tọa lạc tại ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng, được Ủy ban nhân dân huyện M cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 03/01/1996 do chồng bà đứng tên. Trong quá trình sử dụng, ông V bom nước ruộng ra làm cho cá và heo của bà nuôi bị bệnh, bị chết gây thiệt hại cho bà. Vì vậy, bà không đồng ý cho ông V tiếp tục sử dụng con kênh này nữa.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST, ngày 31/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng tuyên xử:
Áp dụng: Khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 253 Bộ luật dân sự năm 2015.
Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miện, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Thanh V. Buộc bà Tô Thị N để cho ông Trần Thanh V một lối dẫn nước phục vụ cho việc tưới, tiêu, thuộc thửa 261, tờ bản đồ số 08, tọa lạc tại ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng, do bà Tô Thị N đang quản lý, có tứ cận như sau:
- Hướng đông giáp đất bà N có số đo 01m;
- Hướng tây giáp kênh xáng M có số đo 1,1m;
- Hướng nam giáp đất bà Võ Thị D có số đo 42m;
- Hướng bắc giáp đất bà N có số đo 42m. Diện tích là 44,2m2.
Bà Tô Thị N không được lắp miệng ống bọng, không được gây khó khăn cho ông Trần Thanh V trong việc dẫn nước tưới, tiêu.
Ngoài ra cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí định giá và quyền kháng cáo theo quy định.
Ngày 15 tháng 8 năm 2017, bị đơn bà Tô Thị N có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số 22/2017/DS-ST, ngày 31/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng. Yêu cầu cấp phúc thẩm giải quyết xét xử lại vụ án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Luật sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Theo Công văn của Ủy ban nhân dân huyện xác định đường nước tranh chấp thuộc thửa 261 của bị đơn bà N. Trong quá trình sử dụng, ông V đã sử dụng thuốc diệt ốc, thuốc trừ sâu gây thiệt hại cho bà N (bút lục 20). Ngoài đường nước tranh chấp, nguyên đơn ông V vẫn còn đường nước khác và đã đặt ống nước trên đất của ông T. Việc cấp sơ thẩm áp dụng Điều 253 Bộ luật Dân sự là không đảm bảo quyền lợi cho bà N mà phải áp dụng các Khoản 1, 2 Điều 248 Bộ luật Dân sự nên khi cấp sơ thẩm tuyên cho ông V tiếp tục sử dụng đường nước thì gây ảnh hưởng đến quyền lợi cho bà N. Do đó, đề nghị Tòa chấp nhận kháng cáo bà N và không chấp nhận khởi kiện của ông V.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát: Trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng chấp hành pháp luật về tố tụng và đề xuất Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy án sơ thẩm do cấp sơ thẩm đưa người tham gia tố tụng thiếu, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp cho đương sự, gây khó khăn thi hành án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Theo đơn kháng cáo của bà Tô Thị N có kháng cáo việc Tòa án cấp sơ thẩm đưa người tham tố tụng thiếu vì thửa đất 261 do hộ chồng bà ông Nguyễn Văn L đứng tên (ông L chết) và hiện bà có hai người con là các bà Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị K ở chung với bà đang canh tác thửa đất này thì thấy với yêu cầu này, Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa các bà T, K vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
[2] Về nội dung: ông Trần Thanh V đang canh tác thửa đất 258, tọa lạc tại ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng. Để sử dụng phần đất này thì ông V có dùng một phần đường kênh dẫn nước có chiều ngang đầu 1,1m và đầu 01m chạy dài 42m nằm trong thửa 261 của bà Tô Thị N lấy nước tưới tiêu. Đường dẫn nước này ông và những người làm ruộng lân cận sử dụng chung. Trong quá trình sử dụng, ông cùng với những làm ruộng xung quanh nạo vét kênh mương. Đến năm 2012, bà N cho rằng đường mương dẫn nước này là của bà nên bà lắp miệng cống lại nên hai bên phát sinh tranh chấp. Ngược lại, bà N cho rằng, đường mương dẫn nước này là thuộc quyền sở hữu của gia đình bà, chứ không phải là đường mương dẫn nước chung và trong quá trình sử dụng đường nước, ông V bơm nước ruộng ra làm ô nhiễm, cá, heo của bà bị bệnh nên bà mới lắp đường mương dẫn nước này lại. Sự việc đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông V, buộc bà N để cho ông V một lối dẫn nước tưới tiêu. Sau khi xét xử sơ thẩm, bà N kháng cáo bản án sơ thẩm.
[3] Xét kháng cáo của bị đơn bà Tô Thị N thì thấy như sau:
[3.1] Phần đất mương dẫn nước mà các bên tranh chấp có diện tích qua đo đạc thực tế là 44,2m2, tọa lạc tại ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng. Đường kênh dẫn nước này dùng để dẫn nước tưới tiêu trong canh tác. Hiện tại bà N là người quản lý sử dụng đường mương nước này. Tại Công văn số 349/UBND-HC, ngày 21/6/2017 của Ủy ban nhân dân huyện M trả lời cho Tòa án xác định con mương dẫn nước mà các bên đang tranh chấp không thuộc đường kênh công cộng do Nhà nước quản lý mà thuộc thửa số 261, tờ bản đồ số 08, tọa lạc tại ấp P, xã M, huyện M, tỉnh Sóc Trăng của bà N. Như vậy có đầy đủ cơ sở để khẳng định đường mương nước đang tranh chấp là thuộc quyền quản lý sử dụng hợp pháp của phía gia đình bà N.
[3.2] Đối với đường mương dẫn nước này dùng để dẫn nước tưới tiêu và vận chuyển lúa ra ngoài cho các hộ dân canh tác lúa lân cận, trong đó có ông V và bà N được thể hiện qua thẩm định tại chỗ ngày 31/10/2017, đường nước này tồn tại từ lâu và hiện do bị đơn bà N và gia đình ngăn không cho nguyên đơn ông V sử dụng nên nguyên đơn ông V có nhờ đất của người khác để đặt ống dẫn nước. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên buộc bà N để cho ông V một lối dẫn nước trong thửa đất 261 do hộ ông Nguyễn Văn L (chết) đứng tên và thửa đất không những bị đơn bà N đang quản lý, sử dụng mà còn các bà T, K là con của bà N cũng đanh canh tác, việc đắp đường nước không cho ông V sử dụng thì ngoài bà N thực hiện mà còn những người con khác của bà N ngăn đắp nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo Khoản 4 Điều 68, Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người này. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có đưa các bà T, K vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng bà T không đồng ý việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiếu người tham gia tố tụng vì không được tham gia từ giai đoạn sơ thẩm. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm cần hủy toàn bộ án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án thì mới đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự như Kiểm sát viên đề nghị.
Do án bị hủy nên yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà N được xem xét khi giải quyết lại vụ án.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: do án sơ thẩm bị hủy nên người kháng cáo là N không phải chịu và được hoàn trả tiền tạm ứng án phí
[5) Về chi phí thẩm định tại chỗ giai đoạn phúc thẩm: Do án sơ thẩm bị hủy nên chi phí này được xem xét khi xét xử sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 3 Điều 308, Khoản 1 Điều 148 và Khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm 22/2017/DS-ST, ngày 31/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng về việc "Tranh chấp về tưới nước, tiêu nước trong canh tác", giữa nguyên đơn ông Trần Thanh V với bị đơn bà Tô Thị N.
Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Sóc Trăng giải quyết lại theo thủ tục chung.
Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà Tô Thị N không phải chịu, bà N được nhận tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0004441, ngày 16/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện M.
Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ phúc thẩm: Bà Tô Thị N đã nộp tạm ứng là 1.620.000 đồng được xem xét khi xét xử sơ thẩm lại.
Bản án phúc thẩm: Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 171/2017/DS-PT ngày 23/11/2017 về tranh chấp tưới nước, tiêu nước trong canh tác
Số hiệu: | 171/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về