Bản án 169/2021/HS-PT ngày 14/04/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 169/2021/HS-PT NGÀY 14/04/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 112/2020/TLPT-HS ngày 24 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Bùi Văn L về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của bị cáo, đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 39/2020/HSST ngày 28/09/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

Bị cáo kháng cáo:

Bùi Văn L - Sinh năm: 1972 tại tỉnh Nam Định; Nơi cư trú: thị xã A, tỉnh Bình Định; Chỗ ở hiện nay: tỉnh Nam Định; Nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH đúc M; Trình độ học vấn: 7/10; Con ông Bùi Văn T và bà Vũ Thị M; Bị cáo có vợ là Nguyễn Thị O và 02 con (con lớn nhất sinh năm 1991, con nhỏ nhất sinh 2002); Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 23/6/2014 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Nam Định xử phạt 03 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Đánh bạc”; Bị cáo tại ngoại cho đến nay. Bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Bùi Văn L: Bà Nguyễn Trần Phương T - Luật sư của Văn phòng luật sư N bào chữa theo chỉ định; Địa chỉ: thị xã A, tỉnh Bình Định, có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ngân hàng TMCP X Việt Nam Người đại diện theo ủy quyền: Ngân hàng TMCP X Việt Nam – chi nhánh P. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Bá D Phó giám đốc phụ trách chi nhánh ủy quyền cho ông Nguyễn Văn H - Phó giám đốc chi nhánh, có mặt.

- Người tham gia tố tụng khác:

Người làm chứng:

+ Bà Lê Thị Thanh H, sinh năm 1981; cư trú tại: thị xã A, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Bùi Văn T, sinh năm 1980; cư trú tại: thị xã A, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1987; cư trú tại: thị xã A, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Hồng C; cư trú tại: thị xã A, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Bà Tăng Thị Ngọc L; sinh năm 1974; cư trú tại: thị xã A, tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Dương Thế H, sinh năm 1968; cư trú tại: tỉnh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1985; cư trú tại: tỉnh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1981; cư trú tại: tỉnh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Hoàng Duy H, sinh năm 1983; cư trú tại: tỉnh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Bùi Văn Đ, sinh năm 1986; cư trú tại: tinh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Bùi Văn H, sinh năm 1972; cư trú tại: tỉnh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1962; cư trú tại: tỉnh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

+ Ông Hồ Lâm S, sinh năm 1983; cư trú tại: tỉnh Bình Định, có đơn xin xét xử mặt.

+ Bà Nguyễn Thị O, sinh năm 1974; cư trú tại: tỉnh Nam Định,vắng mặt.

+ Bà Trần Diệu P, sinh năm 1974; cư trú tại: TP. Hà Nội, vắng mặt.

+ Ông Trương Đình D, sinh năm 1965; cư trú tại: tỉnh Bình Định, vắng mặt.

+ Ông Dương Doãn B, sinh năm 1958; cư trú tại: cư trú tại: thị xã A, tỉnh Bình Định, vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Mạnh T, sinh năm 1983; Cư trú tại: tỉnh Hà Nam, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2004, Bùi Văn L được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cấp giấy phép thành lập Công ty TNHH đúc M, do chính Bùi Văn L làm giám đốc, với ngành nghề kinh doanh: Đúc đồng, gang, nhôm, thép; Cán sắt xây dựng các loại; Mua bán sắt, thép, kinh doanh xuất nhập khẩu sắt, thép, nhôm, đồng và máy móc thiết bị ngành đúc; Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô; có trụ sở tại thị xã A, Bình Định. Trong quá trình kinh doanh, Cty TNHH đúc M đặt quan hệ tín dụng với Ngân hàng X chi nhánh P (sau này là Ngân hàng Thương mại Cổ phần X Việt Nam chi nhánh P – viết tắt là X P). Từ năm 2004 đến tháng 12/2011, tổng số tiền vay lũy kế của Cty đúc M là 413.664.374.471 đồng (đã bao gồm 81.881.991.807 đồng vay được hưởng ưu đãi về lãi suất); Tổng số tiền vay đã trả lũy kế đến tháng 4/2014 là 323.404.483.726 đồng; hiện còn nợ 90.259.890.745 đồng. Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 về việc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Ngày 03/02/2009, Cty đúc M đã ký phụ lục hợp đồng tín dụng với X P về hỗ trợ lãi suất. Lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ lãi suất, trong năm 2009, Bùi Văn L đã chỉ đạo cho bộ phận kế toán, các nhân viên cân xe điện tử, thủ kho hợp lý hóa hồ sơ mua sắt thép phế liệu, như: nhờ người quen đứng tên lập khống hợp đồng mua phế liệu; bảng kê thu mua hàng hóa mua vào không có hóa đơn; giấy bán hàng đề nghị thanh toán; phiếu cân điện tử, phiếu nhập kho... hoàn tất hồ sơ để yêu cầu ngân hàng giải ngân theo hợp đồng mua phế liệu giả này. Do đặc thù là phế liệu, cán bộ tín dụng của X P có kiểm tra nhưng không thể phân biệt được phế liệu nào là mới nhập, nên đã đề xuất cho lãnh đạo tiến hành giải ngân. Sau khi được X P giải ngân, Bùi Văn L yêu cầu những người nhận tiền chuyển lại cho L quản lý, sử dụng. Bằng thủ đoạn gian dối này, trong năm 2009, Bùi Văn L đã nhờ 13 cá nhân là những người thân quen trong gia đình, công nhân Cty đứng tên trong các chứng từ bán phế liệu cho Cty với tổng khối lượng 4.659.102 kg, để Cty đúc M ký 47 hợp đồng tín dụng cụ thể vay vốn với X P, với tổng số tiền 81.881.991.807 đồng. Với hành vi gian dối này, Bùi Văn L đã chiếm đoạt số tiền được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 4%/tổng số tiền vay là 1.158.643.046 đồng. Cụ thể từng cá nhân như sau:

1- Bùi Văn L đã 14 lần lập khống chứng từ lấy tên Nguyễn Văn Q (là công nhân của Cty đúc M) bán 1.274.570 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 16.421.400.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 259.682.354 đồng. (BL 322-338, 218-233) 2- Bùi Văn L đã 13 lần lập khống chứng từ lấy tên Nguyễn Văn C (là công nhân của Cty đúc M) bán 966.676 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 12.786.131.697 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 183.704.991 đồng. (BL 402- 410, 218-233) 3- Bùi Văn L đã 10 lần lập khống chứng từ lấy tên Nguyễn Hồng C (là công nhân của Cty đúc M) bán 834.306 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 19.570.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 221.597.779 đồng. (BL 392-399, 218-233) 4- Bùi Văn L đã 09 lần lập khống chứng từ lấy tên Tăng Thị Ngọc L (là vợ của Nguyễn Hồng C) bán 376.961 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 11.199.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 172.552.998 đồng. (BL 385-389, 218-233) 5- Bùi Văn L đã 07 lần lập khống chứng từ lấy tên Dương Thế H (là công nhân của Cty đúc M) bán 340.837 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 9.727.460.110 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 153.661.752 đồng. (BL 445-449, 218-233) 6- Bùi Văn L đã 02 lần lập khống chứng từ lấy tên Nguyễn Mạnh T (là công nhân của Cty đúc M) bán 222.000 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 2.885.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 57.762.221 đồng. (BL 377-384, 218-233) 7- Bùi Văn L đã 01 lần lập khống chứng từ lấy tên Nguyễn Văn H (là công nhân của Cty đúc M) bán 35.800 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 1.970.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 16.854.444 đồng. (BL 370-374, 218-233) 8- Bùi Văn L đã 02 lần lập khống chứng từ lấy tên Hoàng Duy H (là công nhân của Cty đúc M) bán 308.994 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 1.900.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 14.111.111 đồng. (BL 438-442, 218-233) 9- Bùi Văn L đã 01 lần lập khống chứng từ lấy tên Bùi Văn Đ (là công nhân của Cty đúc M) bán 139.598 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 1.130.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 8.161.111 đồng. (BL 413- 417, 218-233) 10- Bùi Văn L đã 01 lần lập khống chứng từ lấy tên Bùi Văn H (là công nhân của Cty đúc M) bán 98.500 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 503.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 10.115.889 đồng. (BL 420-425, 218-233) 11- Bùi Văn L đã 01 lần lập khống chứng từ lấy tên Nguyễn Văn C (là công nhân của Cty đúc M) bán 14.850 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 890.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 18.239.506 đồng. (BL 428-435, 218-233) 12- Bùi Văn L đã 01 lần lập khống chứng từ lấy tên Trần Diệu P (là người cho L vay tiền) bán 12.000 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 700.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 14.332.223 đồng. (BL 357-369, 218-233) 13- Bùi Văn L đã 01 lần lập khống chứng từ lấy tên Trương Đình D (là người cho L vay tiền) bán 34.010 kg phế liệu cho Cty đúc M để được X P giải ngân là 2.200.000.000 đồng, chiếm đoạt tiền lãi suất được hỗ trợ là 27.866.666 đồng. (BL 341-354, 218-233) Trong quá trình điều tra, Bùi Văn L đã trả đủ toàn bộ số tiền chiếm đoạt là 1.158.664.000 đồng cho Cơ quan điều tra.

Bản cáo trạng số 49/QĐ-KSĐT ngày 28/10/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định đã truy tố bị cáo Bùi Văn L về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 (nay là điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Với nội dung nêu trên tại Bản án hình sự sơ thẩm số 39/2020/HSST ngày 28/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định.

1. Tuyên bố bị cáo Bùi Văn L phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 (nay là điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017); điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52, Điều 54 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Bùi Văn L 09 (chín) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 47, 48 của Bộ luật hình sự; Điều 587, 589 của Bộ luật dân sự 2015. Trả lại cho Ngân hàng TMCP X Việt Nam – Chi nhánh P số tiền 1.158.643.046 đồng (Một tỉ một trăm năm mươi tám triệu sáu trăm bốn mươi ba ngàn không trăm bốn mươi sáu đồng) đã nộp vào số tài khoản 3949.0.1054166.00000 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định.

Trong hạn luật định bị cáo Bùi Văn L làm đơn kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Bùi Văn L có đơn xin xét xử vắng mặt và có bản trình bày ý kiến của bị cáo về nội dung kháng cáo;Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định của pháp luật.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm vì cho rằng, Cơ quan điều tra cũng như tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ và chứng minh được ý thức chủ quan của bị cáo khi trục lợi lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp và có vi phạm thủ tục tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Vụ án liên quan đến hoạt động và các quan hệ tín dụng giữa Cty TNHH đúc M và Ngân hàng X,tuy nhiên bản án sơ thẩm và quá trình tiến hành tố tụng sơ thẩm không đưa Cty TNHH đúc M là một Pháp nhân vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không đúng.(Thiếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan).Điều này liên quan đến việc chứng minh số tiền được hưởng lãi suất ưu đãi là doanh nghiệp có được hưởng hay không? Đồng thời xác minh số tiền lãi suất ưu đãi 1.158.643.046 đồng là số tiền cá nhân bị cáo nộp lại (bị cáo nộp với tư cách cá nhân) hay tiền của doanh nghiệp là Cty TNHH đúc M nộp (Bị cáo nộp với tư cách giám đốc).

[1.2] Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 28/9/2020, là ngày Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lưc pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm xác định Ngân hàng TMCP X Việt Nam là nguyên đơn dân sự, là không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp này phải xác định Ngân hàng TMCP X Việt Nam là bị hại mới đúng với các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo được quyền của bị hại theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự. (Việc xác định tư cách người tham gia tố tụng phải áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đang có hiệu lực tại thời điểm xét xử sơ thẩm).

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1]Tại quyết định của bản án có ghi: Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 47, 48 của bộ luật hình sự; Điều 587, 589 của Bộ luật dân sự 2015. Trả lại cho Ngân hàng TMCP X Việt Nam – Chi nhánh P số tiền 1.158.643.046 đồng (Một tỉ một trăm năm mươi tám triệu sáu trăm bốn mươi ba ngàn không trăm bốn mươi sáu đồng) đã nộp vào số tài khoản 3949.0.1054166.00000 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định.

Xét thấy: Sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự bị cáo L đã nộp tại cơ quan điều tra số tiền Công ty đã được hưởng ưu đãi lãi suất 4% là 1.158.643.046 đồng, thế nhưng trong phần quyết định của Bản án sơ thẩm không quyết định rõ để buộc ai là người phải nộp lại số tiền trên, mà chỉ tuyên “Trả lại cho Ngân hàng TMCP X Việt Nam – Chi nhánh Phú số tiền 1.158.643.046 đồng (Một tỉ một trăm năm mươi tám triệu sáu trăm bốn mươi ba ngàn không trăm bốn mươi sáu đồng) đã nộp vào số tài khoản 3949.0.1054166.00000 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Định tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định” là không rõ ràng và không đúng quy định của pháp luật, trong trường hợp này cần phải quyết định rõ ràng buộc ai phải nộp lại số tiền 1.158.643.046 đồng? Cty TNHH đúc M, hay cá nhân bị cáo Bùi Văn L?

[2.2] Ngày 23/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 về việc hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh, nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, trong điều kiện kinh tế bị tác động khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế Thế giới. Công ty TNHH đúc M được thành lập ngày 10/9/2004 có đủ điều kiện được hưởng lãi suất ưu đãi theo Quyết định 131/QĐ TTg ngày 23/1/2009 của Chính phủ.( Được ngân hàng phân loại khách hàng loại A).

Xét về ý thức chủ quan của bị cáo L trong việc chiếm đoạt số tiền mà Công ty Đúc M được hưởng lãi suất ưu đãi.

- Ngày 23/01/2009 Chính phủ có Quyết định 131/QĐ TTg.

- Ngày 03/02/2009 Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam ra Thông tư số 02/TT –NHNN quy định chi tiết thi hành Quyết định 131/QĐ – TTg.

- Ngày 09/03/2009 Chủ tịch HĐQT Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt nam có công văn số 0216/CV- QLRRTD1 về chỉ đạo bổ sung hướng dẫn quyết định 131 và Thông tư 02.

Về các hợp đồng tín dụng giữa M và Ngân Hàng.

-Ngày 22/01/2009 Công ty M và X P ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn hạn mức số 01/2009/HĐTDHM với nội dung hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng tín dụng theo mức dư nợ tối đa với số tiền 60 tỷ đồng. Mục đích vay bổ sung vốn lưu động,thời hạn vay theo từng hợp đồng tín dụng ngắn hạn cụ thể, thời hạn của hợp đồng đến hết 30/12/2009.( Công ty M có quan hệ tín dụng với Ngân hàng từ trước năm 2009) -Ny 20/7/2009 Công ty M và X P ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn hạn mức số 02/2009/HĐTDHM với nội dung hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng tín dụng theo mức dư nợ tối đa với số tiền 95 tỷ đồng. Mục đích vay bổ sung vốn lưu động, thời hạn vay theo từng hợp đồng tín dụng ngắn hạn cụ thể, thời hạn của hợp đồng đến hết 30/06/2010.

* Trong năm 2009 X đã giải ngân cho M theo 66 khế ước vay với số tiền 146.443.177.144 đồng. Trong đó có 01 khế ước vay trung hạn số tiền giải ngân 3.647.000.000 đồng, còn lại 65 khế ước vay theo hạn mức và theo món số tiền giải ngân 142.769.177.144 đồng.

* Trong 65 khế ước vay theo hạn mức thì có 09 khế ước không được hỗ trợ lãi suất gồm.

- 7 khế ước từ năm 2008 chuyển qua và 02 khế ước năm 2009 gồm 01 khế ước giải ngân vào tháng 01 năm 2009 và 01 khế ước vay theo món.

* Như vậy có 56 khế ước vay được hỗ trợ lãi suất với số tiền giải ngân là 122.045.177.144. đồng. Số tiền được hỗ trợ lãi suất là 1.912.265.518 đồng theo các hợp đồng tín dụng ngắn hạn.

Cụ thể: Hợp đồng số 01 ngày 22/01/2009 có 26 khế ước hỗ trợ lãi suất số tiền giải ngân 54.075.000.000 đồng số tiền được hỗ trợ lãi suất là 1.068.525.833 đồng.

Hợp đồng số 02 ngày 20/7/2009 có 28 khế ước hỗ trợ lãi suất số tiền giải ngân 58.970.177.0144 đồng số tiền được hỗ trợ lãi suất là 713.736.646 đồng.

Theo các hợp đồng ngắn hạn cụ thể cho từng khoản vay có thế chấp tài sản giữa M và X Bình Định đều thể hiện lãi suất mà phía bên vay phải chịu là 10,5%/ năm lãi suất quá hạn là 15,75%/năm.( Không thể hiện việc được hỗ trợ lãi suất).

Tại các phiếu đề xuất giải ngân của cán bộ ngân hàng cũng đều thể hiện mức lãi suất phía bên M phải chịu là 10,5% /năm.

Tại tờ trình duyệt giải ngân của lãnh đạo Ngân hàng cũng thể hiện lãi suất là 10,5%/năm. Ngoài ra tại tờ duyệt giải ngân trên phía ngân hàng có ghi thêm mục (Khoản vay nằm trong đối tượng được cấp bù lãi suất theo quy định).(BL 1285),đối với tở trình duyệt giải ngân này thì phía công ty M không biết, đây là văn bản của cán bộ tín dụng trình giám đốc ký duyệt.

Sau khi giải nhân theo hợp đồng tín dụng và tờ trình duyệt giải ngân thì phía Ngân hàng mời đại diện M ký giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất đối với từng khoản vay, tại giấy xác nhận hỗ trợ lãi suất có nội dung thể hiện “Trường hợp khoản vay không phải là đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131 hoặc bên vay đã nhận số tiền lãi suất hỗ trợ vượt quá số tiền hỗ trợ theo quy định thì Bên vay cam kết hoàn trả lại đầy đủ”.Sau khi khởi tố vụ án phía Công ty M đã nộp đủ số tiền mà Công ty được hưởng lãi suất ưu đãi không đúng quy định là 1.158.643.046 đồng của các khoản vay theo các hợp đồng tín dụng có thế chấp, nên Nhà Nước không còn bị thiệt hại.

*Theo hồ sơ vụ án đều thể hiện đối với số tiền gốc vay được do có thế chấp tài sản thì Công ty M dùng vào việc một phần trả nợ cho ngân hàng, một phần trả tiền cho khách hàng, và mua vật liệu sản xuất, tại phiên tòa hôm nay đại diện Ngân hàng cũng thừa nhận việc vay của Công ty M là sử dụng đúng mục đích vay và các khoản vay đều có thế chấp. Cũng tại phiên Tòa hôm nay đại diện Ngân hàng thừa nhận, mức hỗ trợ lãi suất 4% nêu trên là mức lãi suất Doanh nghiệp bị cáo được Nhà nước hỗ trợ ( Không phải chịu lãi suất theo các hợp đồng đã ký trước đó là 10,5%/năm) chứ bị cáo hoặc Doanh nghệp không nhận tiền ưu đãi 4% từ Ngân hàng.

Từ những dẫn chứng nêu trên thấy rằng.

Bị cáo L khi làm hồ sơ vay vốn đã có việc gian dối khi làm hồ sơ ( Không mua bán hàng hóa nhưng làm hợp đồng mua bán ..).Tuy nhiên bị cáo cho rằng do tính chất đặc thù ngành nghề có liên quan đến việc mua bán, sản xuất là sắt phế liệu, trong đó có mua gom của đại lý và mua lẻ của những cá nhân, do vậy việc có hợp đồng mua bán, có hóa đơn là không thể làm được, đồng thời hồ sơ vay vốn trong thời điểm được hưởng lãi suất ưu đãi đều giống với các hồ sơ vay vốn trước và sau thời điểm được hưởng lãi suất ưu đãi.

Như vậy cần làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo khi ký kết hợp đồng tín dụng bị cáo có ý thức nhằm chiếm đoạt tiền lãi suất được ưu đãi không? Bởi lẽ việc làm hồ sơ không đúng thực tế là nhằm vay tiền theo lãi suất quy định 10,5%/năm và đều giống như các lần vay tiền của các năm trước đó vay có thế chấp. Mặt khác hợp đồng của M và Ngân hàng ký Ngày 22/01/2009 số 01/2009/HĐTDHM với nội dung hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng tín dụng theo mức dư nợ tối đa với số tiền 60 tỷ đồng, là trước ngày Quyết định 131 ban hành, trên cơ sở hợp đồng 01 các khế ước vay sau này kèm với các hồ sơ thế chấp tài sản,hợp đồng mua hàng hóa không có thật... đều thể hiện lãi suất vay là 10,5%/năm. Do các hợp đồng trên vào thời điểm được hỗ trợ lãi suất nên Ngân hàng vẫn duyệt giải ngân với lãi suất 10,5%/năm đồng thời đưa các hợp đồng đó thuộc diện được hỗ trợ lãi suất.

Kể cả hợp đồng tín dụng ngắn hạn hạn mức số 02/2009/HĐTDHM với nội dung hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng tín dụng theo mức dư nợ tối đa với số tiền 95 tỷ đồng. Mục đích vay bổ sung vốn lưu động,thời hạn vay theo từng hợp đồng tín dụng ngắn hạn cụ thể, thời hạn của hợp đồng đến hết 30/06/2010.Là thời điểm sau thời gian được hỗ trợ lãi suất ( Thời gian được hỗ trợ lãi suất là chỉ đến tháng 12 năm 2009) thì các quan hệ tín dụng giữa Công ty M và Ngân hàng vẫn thực hiện bình thường.

Từ nội dung nêu trên thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty M tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xác định sai tư cách tham gia Tố tụng của Ngân Hàng TMCP X Việt Nam. Quyết định về trách nhiêm dân sự trong Bản án không rõ ràng. Đồng thời cần phải làm rõ và chứng minh được ý thức chủ quan của bị cáo về việc chiếm đoạt tiền được hưởng ưu đãi lãi suất, trục lợi lãi suất đối với Công ty TNHH đúc M. Do vậy cần chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, hủy Bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo quy định của Pháp luật.

Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự:

Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số: 39/2020/HSST ngày 28/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định điều tra lại theo thủ tục chung.

Về án phí: Bùi Văn L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

410
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 169/2021/HS-PT ngày 14/04/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:169/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:14/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về