Bản án 168/2020/KDTM-PT ngày 16/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 168/2020/KDTM-PT NGÀY 16/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày mồng 10 và ngày 16 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 132/2020/TLPT-KDTM ngày 28/4/2020 về việc Tranh chấp Hợp đồng tín dụng.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 43/2019/ KDTM-ST ngày 20/12/2019 của Tòa án nhân dân quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 398/2020/QĐ-PT ngày 29 tháng 7 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 464/QĐ –PT ngày 19/8/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:

-Nguyên đơn: Ngân hàng NN VN Trụ sở: Số 2 LH, phường LH, quận BĐ, thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Trịnh Ngọc Kh - Chủ tịch HĐQT Đại diện theo uỷ quyền: Ông Phùng Ngọc Th - Trưởng phường khách hàng HSX&CN Ngân hàng NN VN

- Bị đơn: Bà Vương Thị Ngọc B Hộ khẩu thường trú: Số 08, hẻm 72/73/40 QN, phường NC, quận TX, thành phố Hà Nội Hiện ở tại: Số 12 dãy B khu Tập thể ĐS, phường KH, quận HĐ, thành phố Hà Nội  Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Vương Thị Ngọc B: Ông Lê Đức T - Luật sư văn phòng Luật sư Lê và Đồng Sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Trần Tiến K và bà Vương Thị D Hiện ở tại: Số 12 dãy B khu Tập thể Công an Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội + Ông Trần Văn C Địa chỉ: Số nhà 82 ngõ 4 tổ dân phố 3, phường KH, quận HĐ, thành phố Hà Nội:

 Đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn C là bà Vương Thị Ngọc B Hộ khẩu thường trú: Số 08, hẻm 72/73/40 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội Hiện ở tại: Số 12 dãy B khu Tập thể ĐS, phường KH, quận HĐ, thành phố Hà Nội  Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Trần Văn C: Luật sư Nguyễn Ngọc T - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh Người kháng cáo: Bà Vương Thị Ngọc B, ông Trần Văn C

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 12/12/2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm. Đại diện Ngân hàng NN trình bày:

Ngân hàng NN chi nhánh Hà Tây, thành phố Hà Nội ( sau đây viết tắt là Ngân hàng ) và bà Vương Thị Ngọc B có ký kết 02 hợp đồng tín dụng gồm:

Hợp đồng tín dụng số: 2200LA/HĐTD ngày 30/3/2011 với phương thức cho vay: Theo từng lần; mức dư nợ cao nhất: 1.200.000.000 đồng; mục đích vay: xây dựng nhà xưởng sản xuất và mua máy in phục vụ kinh doanh; lãi suất cho vay:

19%/năm; thời hạn cho vay: 40 tháng, kể từ ngày 30/3/2011. Ngày 26/9/2014 Ngân hàng và bà B đã ký kết phụ lục hợp đồng với các nội dung: Sửa đổi bổ sung nội dung khoản 1 Điều 3 của hợp đồng tín dụng đã ký kết ngày 30/3/2011 về thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay 36 tháng kể từ ngày 25/9/2014. Ngoài ra các nội dung khác của hợp đồng không thay đổi.

Ngân hàng đã giải ngân khoản vay cho bà B theo giấy nhận nợ ngày 30/3/2011 với số tiền là 1.200.000.000 đồng.

Hợp đồng tín dụng số: 2176/HĐTD ngày 18/8/2011; mức dư nợ cao nhất:

2.800.000.000 đồng; mục đích vay: in gia công biển báo, biển quảng cáo; lãi suất cho vay: theo từng lần nhận nợ; thời hạn cho vay: 12 tháng kể từ ngày 18/8/2011.

Kèm theo hợp đồng tín dụng là các phụ lục hợp đồng với mức lãi suất cho vay là 15%.

Ngân hàng đã giải ngân khoản vay cho bà B theo các giấy nhận nợ ngày 12/9/2012; ngày 18/9/2012; ngày 21/9/2012 với số tiền là 2.790.000.000 đồng.

Tài sản đảm bảo cho 02 hợp đồng trên: Bà B đã thế chấp cho Ngân hàng quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất tại địa chỉ: Khu tập thể Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, theo hợp đồng thế chấp tài sản ngày 17/8/2010, hợp đồng bổ sung sửa đổi hợp đồng thế chấp ngày 29/3/2011 được Ngân hàng và bà B lập tại Văn phòng công chứng miền bắc. Nhà đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 163425 do Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cấp ngày 09/8/2010 cho bà Vương Thị Ngọc B, tại thửa đất số: B12, tờ bản đồ số: 00, diện tích 70 m2. Tài sản trên đã được bà B đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 17/8/2010 và được Phòng tài nguyên và môi trường quận Hà Đông chứng nhận ngày 17/8/2010; đăng ký thay đổi nội dung thế chấp ngày 13/4/2011.

Quá trình thực hiện hợp đồng bà B đã thanh toán được cho Ngân hàng số tiền gốc là 470.000.000 đồng và 298.824.633 đồng tiền lãi và bà B đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán kể từ ngày 26/9/2014, toàn bộ dư nợ của bà B đã chuyển sang nợ quá hạn từ ngày 18/6/2015.

Nay Ngân hàng xác định bà B còn nợ Ngân hàng số tiền gốc của 02 hợp đồng là 3.520.000.000 đồng và lãi tính đến ngày 20/12/2019 là 3.736.590.936 đồng trong đó lãi trong hạn 3.032.065.756 đồng và lãi quá hạn 704.525.181 đồng. Tổng cộng là 7.256.590.937 đồng. Ngân hàng đề nghị bà B phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi trên. Bà B phải tiếp tục chịu lãi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến ngày bà B thực tế thanh toán hết nợ cho ngân hàng.

Trường hợp bà B không thanh toán nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng NNchi nhánh Hà Tây có quyền tự bán tài sản bảo đảm hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, phát mại tài sản là: Quyền sử dụng đất và quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số B12, tờ bản đồ số 00 tại địa chỉ: Khu tập thể Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội của bà Vương Thị Ngọc B để thu hồi nợ theo quy định.

Trường hợp sau khi phát mại tài sản vẫn không đủ để thanh toán toàn bộ nợ gốc và nợ lãi thì bà B vẫn phải tiếp tục trả nợ cho Ngân hàng .

Tại bản tự khai ngày 13/5/2019 bị đơn bà Vương Thị Ngọc B trình bày: Bà B xác nhận ngày 30/3/2011có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam để vay số tiền là 1.200.000.000 đồng và ngày 18/8/2011 có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NNViệt Nam để vay số tiền là 2.800.000.000 đồng. Mục đích vay để kinh doanh. Quá trình thực hiện hợp đồng thì bà B đã trả được Ngân hàng khoảng hơn 400.000.000 đồng tiền gốc và lãi.

Để đảm bảo cho khoản vay trên thì bà B đã thế chấp cho Ngân hàng quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất tại thửa đất số: B12 Khu tập thể Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, theo hợp đồng thế chấp tài sản ngày 17/8/2010, hợp đồng bổ sung sửa đổi hợp đồng thế chấp ngày 29/3/2011 được Ngân hàng và bà B lập tại Văn phòng công chứng miền bắc. Tài sản trên chỉ đứng một mình tên bà B là do mẹ đẻ bà B thừa kế để lại cho bà B.

Nay Ngân hàng yêu cầu bà B thanh toán toàn bộ số tiền nợ gốc là 3.520.000.000 đồng và lãi thì bà B đề nghị Ngân hàng cho bà trả toàn bộ tiền gốc và miễn toàn bộ tiền lãi. Do hiện nay kinh tế bà khó khăn nên đề nghị Ngân hàng cho bà thanh toán trả dần.

Ngoài các vấn đề trên bà B không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì khác.

Tại biên bản lấy lời khai người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trần Tiến K và bà Vương Thị D trình bày:

Việc bà B vay nợ Ngân hàng như thế nào thì ông, bà không nắm được. Ông bà chỉ là người ở để trông nhà hộ bà B và không có công sức gì đóng góp đối với tài sản mà bà B đã dùng để thế chấp cho Ngân hàng. Ông K, bà D đề nghị Tòa án cho ông bà được vắng mặt trong quá trình tố tụng giải quyết và xét xử vụ án.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 06/12/2019 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn C trình bày:

Ông C là em trai bà B, nhà đất tại địa chỉ: B12 tập thể Đa Sỹ, tổ 1, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội có nguồn gốc là của bà Vương Thị D. Khoảng tháng 10 năm 2009 ông C và bà B có mượn đất của bà D để mở cửa hàng kinh doanh làm biển quảng cáo. Do lúc đó đất của bà D là đất trống cho nên ông C đã tự bỏ tiền ra để mua nguyên vật liệu như tôn, sắt, nhôm kính và đổ nền bê tông để dựng nhà xưởng kinh doanh. Do lúc đó ông C chỉ dựng nhà tạm lắp ghép chứ không có xây dựng gì nên không xin phép ủy ban. Khi lắp nhà xưởng thì ông C mua nguyên vật liệu nhỏ lẻ chứ không đồng thời cùng 1 lúc nên hiện nay các hóa đơn mua hàng ông C không còn lưu giữ. Số tiền ông C bỏ ra để làm nhà xưởng hết khoảng gần 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Sau khi lắp xong nhà xưởng được khoảng 2 năm thì do công việc của ông C ở đó kinh doanh ồn làm ảnh hưởng đến tổ dân phố nên ông C đã chuyển địa điểm kinh doanh đến chỗ khác.

Đến năm 2010 thì ông C có biết việc bà D đã lập hợp đồng cho bà B toàn bộ nhà đất cùng nhà xưởng mà ông C đã xây lắp nên giữa ông C và bà B đã thống nhất thỏa thuận miệng với nhau với nội dung bà B cho ông C mượn toàn bộ đất trên để làm nhà kho chứa nguyên vật liệu và các hàng hóa để kinh doanh của ông C. Số tiền mà ông C đã bỏ ra để lắp nhà xưởng sẽ được trừ dần vào tiền thuê nhà chứ không quy định cụ thể là bao nhiêu tiền và thời gian trừ là đến khi nào. Do ông C nghĩ giữa ông C và bà B là chị em nên không có ý kiến gì và đồng ý cho bà B trả như thế nào cũng được và không có yêu cầu gì vì thực tế hiện nay ông C cũng không ở đó. Nay ông C xác định việc ông C lắp nhà xưởng thì sẽ yêu cầu bà B thanh toán trả cho ông C, còn việc bà B có trả hay không là thỏa thuận giữa hai chị em ông C. Ông C không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết trong vụ án này và ông xin được vắng mặt trong quá trình tố tụng giải quyết và xét xử vụ án.

Bản án sơ thẩm số 43/2019/KDTM-ST ngày 20/12/2019 của Toà án nhân dân quận Hà Đông đã xử :

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng NNViệt Nam đối với bà Vương Thị Ngọc B: Buộc bà Vương Thị Ngọc B phải thanh toán trả cho Ngân hàng NNViệt Nam số tiền nợ gốc là 3.520.000.000 đồng và lãi tính đến ngày 20/12/2019 là 3.736.590.936 đồng, trong đó lãi trong hạn là 3.032.065.756 đồng, lãi quá hạn là 704.525.181 đồng. Tổng cộng 7.256.590.937 đồng (Bảy tỷ, hai trăm lăm mươi sáu triệu, năm trăm chín mươi nghìn, chín trăm ba mươi bảy đồng).

Trường hợp bà Vương Thị Ngọc B không thanh toán hoặc thanh toán không không đủ số tiền nợ gốc và lãi nói trên cho Ngân hàng NNViệt Nam thì Ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số B12, tờ bản đồ số: 00, địa chỉ: Khu tập thể Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, diện tích: 70 m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 163425 do Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cấp ngày 09/8/2010 đứng tên bà Vương Thị Ngọc B để thu hồi nợ.

Trường hợp sau khi phát mại tài sản thế chấp, số tiền phát mại không đủ thanh toán cho khoản vay được bảo đảm thì bà B vẫn tiếp tục trả số tiền còn nợ cho Ngân hàng NNViệt Nam đến khi thanh toán hết số tiền còn nợ.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự. Sau khi Tòa án nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm, bà Vương Thị Ngọc B và ông Trần Văn C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không đúng sự thật. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung, đúng quy định pháp luật.

Tại cấp phúc thẩm:

Ngân hàng NNViệt Nam: Sau khi Tòa án sơ thẩm xét xử xong, Ngân hàng đã nhiều lần có giấy mời bà B đến ngân hàng để hai bên thương lượng hòa giải để giải quyết khoản nợ của bà Vương Thị Ngọc B. Tuy nhiên bà B không hợp tác nên tại cấp phúc thẩm Ngân hàng xin giữ nguyên các lời khai, tài liệu tại cấp sơ thẩm. Đề nghị bà Vương Thị Ngọc B phải trả Ngân hàng số tiền nợ gốc của 02 hợp đồng là 3.520.000.000 đồng và 3.736.590.936 đồng tiền lãi tính đến ngày 20/12/2019, trong đó lãi trong hạn 3.032.065.756 đồng và lãi quá hạn 704.525.181 đồng, tổng cộng là 7.256.590.937 đồng.

Trường hợp bà Vương Thị Ngọc B không thanh toán nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng NNchi nhánh Hà Tây có quyền tự bán tài sản bảo đảm hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên, phát mại tài sản là nhà đất đã thế chấp để thu hồi nợ theo quy định.

Bà Vương Thị Ngọc B trình bầy: Bà B xác nhận bà và Ngân hàng NNViệt Nam ký 02 hợp đồng tín dụng ngày 30/3/2011và hợp đồng tín dụng ngày 18/8/2011 để kinh doanh. Lãi suất và thời hạn vay đúng như đại diện Ngân hàng trình bầy. Ngân hàng đã giải ngân cho bà vay theo các giấy nhận nợ ngày 30/3/2011 là 1.200.000.000 đồng; giấy nhận nợ ngày 12/9/2012, ngày 18/9/2012 và ngày 21/9/2012 với số tiền là 2.790.000.000 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, bà Vương Thị Ngọc B đã trả được ngân hàng số tiền gốc là 470.000.000 đồng và 298.824.633 đồng tiền lãi. Tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số B12, tờ bản đồ số: 00 tại địa chỉ: Khu tập thể Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội do bà Vương Thị Ngọc B đứng tên sở hữu theo Giấy chứng nhận số BC 163425 do Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cấp ngày 09/8/2010 .

Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: Thẩm phán sơ thẩm không ra Quyết định xem xét thẩm định tại chỗ trước khi xét xử, không xem xét việc bà B đã nộp tiền bảo hiểm khoản vay, không cho bà sao chụp tài liệu hồ sơ vụ án. Ngoài ra, khi bị đơn là bà vắng mặt lần 1, Tòa án sơ thẩm không hoãn phiên tòa mà vẫn xét xử vắng mặt bà là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng….

Bà Vương Thị Ngọc B đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì bản án không thấu tình đạt lý, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây thiệt hại cho bà B.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Tiến K và ông Trần Văn C đã được Tòa án tống đạt các văn ản tố tụng theo quy định pháp luật nhưng vắng mặt tại phiên tòa; bà Vương Thị D có đơn xin xét xử vắng mặt tại Tòa án nhân dân các cấp với lý do tuổi cao, sức yếu, bị tai nạn nên việc đi lại khó khăn và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến:

Đơn kháng cáo trong thời hạn, các đương sự kháng cáo đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là hợp lệ.

Việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm: Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã tiến hành tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử đúng quy định pháp luật.

Về các nội dung kháng cáo của bà Vương Thị Ngọc B và ông Trần Văn C:

+ Bà Vương Thị ngọc B cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ các bước tiến hành tố tụng theo quy định pháp luật và bà B đã được tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng nhưng việc bà B vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm là bà đã tự từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình. Do đó, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo về tố tụng của bà B.

Về hợp đồng tín dụng: Việc các bên ký kết hợp đồng tín dụng trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với qui định của Luật các tổ chức tín dụngBộ luật dân sự. Do đó xác định hợp đồng tín dụng hợp pháp và có hiệu lực thi hành. Do bà Vương Thị Ngọc B vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng khởi kiện là có căn cứ.

Vê hợp đồng thế chấp: Tài sản đảm bảo cho khoản vay thuộc tài sản sở hữu của bà Vương Thị Ngọc B là quyền sử dụng đất nên bà B có quyền định đoạt đối với khối tài sản thế chấp. Việc thế chấp hoàn toàn tự nguyện bên thế chấp đã đăng ký giao dịch đảm bảo. Trường hợp hộ kinh doanh bà B không trả nợ được thì Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mại tài sản để thu hồi nợ.

Đối với yêu cầu tính lãi của Ngân hàng: Trên cơ sở bảng tính lãi của Ngân hàng đối với Hợp đồng tín dụng số 2200LA/HĐTD ngày 30/3/2011 nhận thấy: Trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về mức lãi suất và biểu lãi suất thay đổi theo từng thời kỳ. Ngân hàng đã tính lãi suất đúng theo thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng tín dụng. Do đó, yêu cầu về tính lãi của Ngân hàng là có cơ sở nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

+ Đối với yêu cầu kháng cáo của ông Trần Văn C đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm Ông C cho rằng Tòa án không đưa ông tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 01/10/2019 tòa cấp sơ thẩm ra thông báo số 10b/TB – TLVA bổ sung người tham gia tố tụng, theo đó ông C tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Việc ông C kháng cáo Tòa án không đưa ông tham gia tố tụng là không có căn cứ.

- Ông C cho rằng tại biên bản lấy lời khai ngày 6/12/2019 có nội dung: ông không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết trong vụ án và ông xin vắng mặt trong quá trình tố tụng giải quyết và xét xử vụ án là không đúng sự thật. Nhận thấy: Biên bản lấy lời khai ngày 6/12/2019 do Thẩm phán cấp sơ thẩm lập lấy lời khai ông C có sự chứng kiến của cán bộ phường Kiến Hưng, được UBND phường Kiến Hưng đóng dấu xác nhận. Mặt khác, ông C trực tiếp ký giáp lai vào từng trang biên bản và ký xác nhận biên bản. Biên bản lấy lời khai ngày 6/12/2019 được lập theo đúng quy định tại Điều 98 BLTTDS 2015. Do đó, kháng cáo của ông C không có cơ sở chấp nhận.

Từ phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Vương Thị Ngọc B và kháng cáo của ông Trần Văn C, giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 43/2019/KDTM-ST ngày 20/12/2019 của Tòa án nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập được trong quá trình tố tụng, sau khi đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử XÉT THẤY

1. Về tố tụng:

Đơn kháng cáo của bà Vương Thị Ngọc B và ông Trần Văn C được làm trong thời hạn luật định và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đúng thời gian quy định của pháp luật nên hợp lệ.

Toà án đã tống đạt hợp lệ Quyết định xét xử, quyết định hoãn phiên tòa và các văn bản tố tụng cho tất cả các đương sự trong vụ án. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm chỉ có đại điện theo ủy quyền của Ngân hàng NNViệt Nam, bà Vương Thị Ngọc B. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Trần Tiến K vắng mặt, ông Lê Đức T - luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Vương Thị Ngọc B xin hoãn phiên tòa, bà Vương Thị D có đơn xin xét xử vắng mặt nên Tòa án căn cứ điểm b khoản 1 Điều 238 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để xét xử vắng mặt những người nêu trên.

* Về quan hệ pháp luật: Tranh chấp giữa Ngân hàng NNViệt nam và bà Vương Thị Ngọc B phát sinh từ hợp đồng tín dụng số: 2200LA/HĐTD ngày 30/3/2011 và hợp đồng tín dụng số 2176/HĐTD ngày 18/8/2011 nên được xác định là tranh chấp hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật.

* Về thẩm quyền giải quyết: Bị đơn là bà Vương Thị Ngọc B có địa chỉ Số 12 dãy B khu Tập thể Công an Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng Dân sự thì Tòa án nhân dân quận Hà Đông,Thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

* Về quyền khởi kiện, chủ thể khởi kiện: Phù hợp với quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

2. Về nội dung kháng cáo:

+ Về thủ tục tố tụng: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành các quyết định và văn bản tố tụng khác theo quy định pháp luật tố tụng như Quyết định xem xét thẩm định tại chỗ số 10/2019/QĐ- XXTĐTC, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 27/2019/QĐXXST –KDTM, Quyết định hoãn phiên tòa số 29/2019/QĐST-DS, Thông báo mở lại phiên tòa ngày 20/12/2019… Tòa án cấp sơ thẩm đã tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án cho bà Vương Thị Ngọc B và các đương sự khác theo quy định pháp luật. Việc bà Vương Thị Ngọc B không tham gia phiên tòa sơ thẩm là việc bà tự từ bỏ quyền lợi hợp pháp của bà.

Về nội dung ông Trần Văn C cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa ông vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền liên quan và nội dung ông không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết trong vụ án và ông xin vằng mặt trong quá trình tố tụng giải quyết và xét xử vụ án là không đúng. Tuy nhiên tài liệu trong hồ sơ thể hiện Tòa án cấp sơ thẩm đã có thông báo bổ sung ông Trần Văn C là người tham gia tố tụng trong vụ án. Tại tại biên bản lấy lời khai của ông C ngày 6/12/2019 có có sự chứng kiến của cán bộ phường Kiến Hưng, được UBND phường Kiến Hưng đóng dấu xác nhận. Mặt khác, ông C trực tiếp ký giáp lai vào từng trang biên bản và ký xác nhận biên bản. Do đó, kháng cáo của ông C không có cơ sở chấp nhận.

+Về Hợp đồng tín dụng: Hợp đồng tín dụng được ký giữa nguyên đơn và bị đơn có nội dung và hình thức không trái với quy định của pháp luật, được tự nguyện giao kết nên có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành đối với các bên.

Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn và bị đơn đều xác nhận Ngân hàng NNViệt Nam đã giải ngân cho bà Vương Thị Ngọc B theo từng khế ước nhận nợ gồm: giấy nhận nợ ngày 30/3/2011 với số tiền là 1.200.000.000 đồng, lãi suất cho vay: 19%/năm; thời hạn cho vay: 40 tháng, kể từ ngày 30/3/2011, mục đích vay là xây dựng nhà xưởng sản xuất và mua máy in phục vụ kinh doanh. Ngày 26/9/2014 Ngân hàng và bà B đã ký kết phụ lục hợp đồng với các nội dung: Sửa đổi bổ sung nội dung khoản 1 Điều 3 của hợp đồng tín dụng đã ký kết ngày 30/3/2011 về thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay 36 tháng kể từ ngày 25/9/2014. Ngoài ra các nội dung khác của hợp đồng không thay đổi.

Ngân hàng tiếp tục giải ngân cho bà B vay theo các giấy nhận nợ ngày 12/9/2012; ngày 18/9/2012; ngày 21/9/2012 với số tiền là 2.790.000.000 đồng; lãi suất cho vay: theo từng lần nhận nợ; thời hạn cho vay: 12 tháng kể từ ngày 18/8/2011. Kèm theo hợp đồng tín dụng là các phụ lục hợp đồng với mức lãi suất cho vay là 15%, mục đích vay là in gia công biển báo và biển quảng cáo.

Quá trình thực hiện hợp đồng bà B đã thanh toán được cho Ngân hàng số tiền gốc là 470.000.000 đồng và 298.824.633 đồng tiền lãi và đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán kể từ ngày 26/9/2014, toàn bộ dư nợ của bà B đã chuyển sang nợ quá hạn từ ngày 18/6/2015. Đến nay bà B còn nợ Ngân hàng số tiền gốc của 02 hợp đồng là 3.520.000.000 đồng Việc bị đơn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn trả nợ là vi phạm nghĩa vụ của bị đơn theo các thoả thuận trong hợp đồng tín dụng. Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả nợ số tiền gốc là 3.520.000.000 đồng là có căn cứ.

+ Về lãi suất:

Trong hợp đồng giữa Ngân hàng và bà Vương Thị Ngọc B đã có thỏa thuận về mức lãi suất và biểu lãi suất thay đổi theo từng thời kỳ. Ngân hàng đã tính lãi suất đúng theo thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng tín dụng và có sự điều chỉnh thấp dần đối với từng khế ước nhận nợ được ký giữa hai bên và theo hướng có lợi cho bị đơn. Do đó, yêu cầu về tính lãi của Ngân hàng là có cơ sở chấp nhận.

+Về Hợp đồng thế chấp:

Bà Vương Thị Ngọc B ký Hợp đồng thế chấp là: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa số B12, tờ bản đồ số 00, địa chỉ Khu tập thể Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: CH-00450 do Uỷ ban nhân dân quận Hà Đông cấp ngày 09/8/2010 đứng tên bà Vương Thị Ngọc B. Hợp đồng thế chấp có nội dung và hình thức không trái với quy định pháp luật, được các bên tự nguyện ký kết và đã được đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Do đó, tài sản này là tài sản đảm bảo hợp pháp cho khoản vay của bị đơn, hợp đồng này có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành đối với các bên. Trong trường hợp bị đơn vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng có quyền phát mại đối với các tài sản nói trên để thu hồi nợ. Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phát mại tài sản của Ngân hàng là có căn cứ.

Từ những phân tích nêu trên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà Vương Thị Ngọc B và ông Trần Văn C Kết luận của vị đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên tòa phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

Vì các lẽ trên  

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

- Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 3 Điều 38, Điều 147, Điều 148, khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

- Điều 91; Điều 95 Luật tổ chức tín dụng (Đã được sửa đổi bổ sung năm 2010).

- Điều 342, Điều 343, Điều 355, Điều 471, Điều 474, Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.

- Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo; Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006.

- Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 43/2019/KDTM-ST ngày 20/12/2019 của Tòa án nhân dân quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng NNViệt Nam yêu cầu bà Vương Thị Ngọc B thanh toán trả cho Ngân hàng toàn bộ nợ gốc, lãi trong hạn và lãi quá hạn theo các Hợp đồng tín dụng số: 2200LA/HĐTD ngày 30/3/2011; Hợp đồng tín dụng số: 2176/HĐTD ngày 18/8/2011.

Buộc bà Vương Thị Ngọc B phải thanh toán trả Ngân hàng NNViệt Nam số tiền nợ gốc là 3.520.000.000 đồng và lãi tính đến ngày 20/12/2019 là 3.736.590.936 đồng, trong đó lãi trong hạn là 3.032.065.756 đồng, lãi quá hạn là 704.525.181 đồng.Tổng cộng 7.256.590.937 đồng (Bẩy tỷ, hai trăm lăm mươi sáu triệu, năm trăm chín mươi nghìn, chín trăm ba mươi bảy đồng ).

Trường hợp bà Vương Thị Ngọc B không thanh toán hoặc thanh toán không không đủ số tiền nợ gốc và lãi nói trên cho Ngân hàng NNViệt Nam thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại thửa đất số B12, tờ bản đồ số: 00, địa chỉ: Khu tập thể Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, diện tích: 70 m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BC 163425 do Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cấp ngày 09/8/2010 đứng tên bà Vương Thị Ngọc B để thu hồi nợ.

Trường hợp sau khi phát mại tài sản thế chấp, số tiền phát mại không đủ thanh toán cho khoản vay được bảo đảm thì bà B vẫn tiếp tục trả số tiền còn nợ cho Ngân hàng NNViệt Nam đến khi thanh toán hết số tiền còn nợ.

Kể từ ngày 20/12/2019, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc.

Trường hợp quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

2. Về án phí: Bà Vương Thị Ngọc B phải chịu 115.256.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 2.000.000 đồng án phí phúc thẩm được trừ vào số tiền 2.000.000 đồng đã nộp tại biên lai số AA/2018/0008697 ngày 15/01/2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Hà Đông, thành phố Hà Nội Hà Nội. Ông Trần văn C phải chịu 2.000.000 đồng án phí phúc thẩm được trừ vào số tiền 2.000.000 đồng đã nộp tại biên lai số AA/2018/0008698 ngày 15/01/2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Hà Đông, thành phố Hà Nội Hà Nội Trả lại Ngân hàng NNViệt Nam số tiền 57.000.000 đồng mà Ngân hàng đã nộp tại biên lai thu tiền tạm ứng án phí sơ thẩm số 0002300 ngày 22/01/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Hà Đông, thành phố Hà Nội Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 16/9/2020.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

420
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 168/2020/KDTM-PT ngày 16/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:168/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:16/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về