TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 168/2018/DS-PT NGÀY 10/10/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM
Ngày 10 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 100/2018/TLPT-DS ngày 18 tháng 7 năm 2018, về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm”; do Bản án dân sự sơ thẩm số 39/2018/DS-ST ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Ta, tỉnh T bị kháng cáo, kháng nghị; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 134/2018/QĐ-PT ngày 04 tháng 9 năm 2018, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Trịnh Văn D, sinh năm 1971; địa chỉ cư trú: Tổ 6, ấp 4, xã S, huyện Ta, tỉnh T; (có mặt).
Bị đơn:
1. Ông Trần Văn L, sinh năm 1966; (vắng mặt);
2. Bà Phạm Ngọc Y, sinh năm 1970; (vắng mặt);
Cùng địa chỉ cư trú: Tổ 4, ấp N, xã B, huyện D, tỉnh T.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1960; địa chỉ cư trú: Số 75, đường Tr, khu phố 4, Phường 2, thành phố T, tỉnh T(theo Văn bản ủy quyền ngày 08-6-2017); bà L có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Hà Nhật D1, sinh năm 1978; địa chỉ cư trú: Tổ 2, ấp N, xã B, huyện D, tỉnh T; (có đơn xin xét xử vắng mặt).
2. Anh Nguyễn Văn L1 (C), sinh năm 1980; địa chỉ cư trú: Tổ 4, ấp P, xã Ph, huyện D, tỉnh T; (vắng mặt).
Người kháng cáo: Ông Trịnh Văn D là nguyên đơn.
Viện kiểm sát nhân dân huyện T: Có kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 09-3-2016 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 30- 5-2017, cùng các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Trịnh ăn D trình bày:
Vào ngày 03-02-2016, ông L thuê người làm công đốt lá, làm vệ sinh vườn cây cao su của ông L tại Tổ 16, ấp 4, xã S, huyện T; do bất cẩn nên để lửa lan sang các vườn cây cao su xung quanh. Trong đó, đã làm cháy khoảng 03 ha cao su của ông; cụ thể làm thiệt hại 1.560 cây cao su trồng từ tháng 6 năm 2009; do bị cháy nên cây cao su bị hư hỏng hết lớp vỏ, không có khả năng phục hồi; gây thiệt hại khoảng 80%.
Khi xảy ra cháy ông có báo với Công an xã S đến kiểm tra hiện trường, lập biên bản ghi nhận sự việc. Do công việc phải đi gấp nên ông không tham gia hết buổi làm việc, không ký tên vào biên bản làm việc của Công an. Sau đó, ông L có thương lượng bồi thường cho ông nhưng ông không đồng ý nên đã khởi kiện. Từ ngày cây cao su bị cháy ông bị mất thu nhập từ vườn cây cao su đang trong giai đoạn khai thác mủ khoảng 10 tháng, ước lượng mỗi ngày bình quân thu được khoảng 25 kg mủ khô X 30.000 đồng/1 kg = 750.000 đồng/1 ngày. Mất thu nhập trong 10 tháng (300 ngày) X 750.000 đồng/1 ngày = 225.000.000 đồng; trừ chi phí, công cạo là 45.000.000 đồng, số tiền ông thu được là 180.000.000 đồng.
Theo đơn khởi kiện ngày 09-3-2016, ông yêu cầu ông L, bà Y có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho ông 510.000.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 (ngày 23-9-2016), ông thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu bồi thường 468.000.000 đồng.
Ngày 30-5-2017 ông làm đơn khởi kiện bổ sung: cụ thể ông yêu cầu bồi thường thiệt hại vườn cây cao su bị cháy là 468.000.000 đồng và ông yêu cầu bồi thường thêm phần thiệt hại do mất thu nhập vì cây cao su bị cháy không còn khả năng khai thác với số tiền 180.000.000 đồng; tổng cộng là 648.000.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 12-6-2018), ông D thay đổi yêu cầu khởi kiện, ông xin rút lại phần yêu cầu khởi kiện bổ sung đối với phần tiền mất thu nhập 180.000.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, ông D chỉ yêu cầu ông L, bà Y cùng có trách nhiệm liên đới bồi thường giá trị thiệt hại 1.560 cây cao su bị cháy với số tiền 468.000.000 đồng. Ngoài ra, ông không còn yêu cầu gì khác.
Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn bà gu ễn Thị L trình bày:
Vào ngày 02-02-2016, ông L có thuê anh L1 và anh D1 đốt lá làm vệ sinh vườn cây cao su trên diện tích khoảng 05 ha (trong tổng diện tích 20 ha của ông L) tọa lạc tại Ấp 4, xã S, huyện T. Diện tích 05 ha cao su nêu trên tiếp giáp với đường xe (về hướng Nam), bên kia đường xe là vườn cây cao su của ông Th, ông S, ông Th1. Công việc đốt lá bắt đầu từ lúc 22 giờ ngày 02-02-2016 đến 02 giờ ngày 03-02-2016; trước khi đốt phải thổi lá từ đầu hàng cây vào khoảng 02 m, đốt từ ngoài đầu hàng đốt vào, vừa đốt vừa kiểm tra cháy lan.
Sau khi đốt xong, anh L1, anh D1 phân công nhau kiểm tra lúc 06 giờ và lúc 10 giờ ngày 03-02-2016, xác định lửa đã tắt để kết thúc, hoàn thành công việc. Đến khoảng 12 giờ ngày 03-02-2016, ông L được ông Th báo tin vườn cao su của ông Th bị cháy. Sau đó, ông L có đến Ủy ban nhân dân xã S, huyện T để làm việc. Do nghĩ là anh L1, anh D1 đốt lá cây cao su của ông gây cháy lan nên ông L đề nghị hỗ trợ tiền phân bón cho các hộ dân có cao su bị cháy gồm ông Chín Đ, bà D2, ông L3, ông S, ông Th, ông Th1, bà Ph và ông D mỗi hộ 6.000.000 đồng/1 ha.
Về Nguyên nhân cháy đối với vườn cao su của các hộ dân nêu trên đến nay ông L hoàn toàn không xác định được. Theo ông L được biết, khi phát hiện vườn cao su của ông Th giáp với đất ông L còn đang cháy; vườn cây cao su của ông Th1 giáp với đất ông L cũng còn đang cháy; vườn cao su của ông D, bà Ph và các hộ còn lại đã cháy xong trước đó cùng ngày. Đồng thời, ngày xảy ra vụ cháy đã thể hiện đất ông L hoàn toàn không cháy.
Nay ông L không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D, vì ông L cho rằng nguyên nhân cháy vườn cao su của ông D không phải do cháy lan từ vườn cao su của ông L gây ra thiệt hại cho ông D.
Do tình làng nghĩa xóm nên ông L giữ nguyên ý kiến sẽ hỗ trợ cho ông D số tiền mua phân bón là 18.000.000 đồng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Hà hật D1 trình bày:
Vào khoảng cuối tháng 12 năm 2015 âm lịch (tháng 02 năm 2016 dương lịch) nhưng anh không nhớ ngày cụ thể, ông L có thuê anh và anh L1 đốt lá làm vệ sinh vườn cây cao su; việc thuê trên chỉ thỏa thuận miệng. Việc đốt lá cây cao su diễn ra trong khoảng 03 ngày, anh có trách nhiệm thổi lá cây cao su vào ban ngày, còn anh L1 thì đốt lá vào ban đêm. Hai ngày đầu chỉ có anh L1 đốt, đến đêm thứ ba thì anh và anh L1 cùng đốt, đến khoảng 23 giờ thì anh L1 đi nghỉ, chỉ còn một mình anh thực hiện công việc còn lại. Do còn hơn 10 hàng cây cao su chưa thổi gom lá nên anh thực hiện tiếp công việc vừa thổi vừa đốt lá, đến khoảng 05 giờ ngày hôm sau thì thực hiện xong.
Anh không xác định được tứ cận đất của ông L mà chỉ định hướng được có hai cạnh giáp đường xe, mặt đường rộng khoảng 6m; bên kia đường là vườn cây cao su của ông Th, ông S và ông Th1; các cạnh còn lại giáp với đất của ai thì anh không biết. Sau khi đốt lá xong thì anh có đi kiểm tra, xác định lửa đã tắt hết. Việc xảy ra cháy vườn cao su của ông D khi nào thì anh hoàn toàn không nghe nói.
Ông L có thỏa thuận hỗ trợ tiền phân bón cho các hộ có cây cao su bị cháy thì anh không biết. Đối với nguyên nhân cháy vườn cây cao su của ông D anh cũng không biết
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Văn L1 trình bày:
Anh là người quản lý vườn cao su cho ông L, bà Y. Trước ngày 02-02- 2016, anh D1 được ông L thuê thổi gom lá vườn cây cao su để đốt. Khoảng 22 giờ ngày 02-02-2016, anh và anh D1 cùng tiến hành đốt lá cao su. Đến khoảng 01 giờ ngày 03-02-2016, khi lá cao su đã cháy xa vào bên trong hàng cao su của ông L thì anh vào chòi rẫy để ngủ. Anh D1 ở lại vừa thổi gom lá, vừa đốt các hàng cao su còn lại và canh lửa đến sáng thì lửa tắt. Anh có đi kiểm tra xung quanh vườn cao su của ông L thì thấy lửa đã tắt hết nên đi đến nhà ông Th để lấy tiền mủ cao su cho ông L. Sau đó, anh đi chợ S gần đó, đến khoảng 10 giờ cùng ngày anh trở về chòi rẫy và không thấy lửa cháy ở khu vực các vườn cao su gần đó.
Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, ông L điện thoại kêu anh kiểm tra xem cao su có cháy lan sang vườn cao su của người khác hay không. Anh vào và phát hiện vườn cây cao su của ông Th đang cháy lan sang vườn cao su của ông Th1, ông C nên anh dùng máy thổi lá để dập lửa, còn vườn cao su của bà D2, ông S và ông D đã cháy xong.
Nguyên nhân tại sao các vườn cao su giáp ranh cao su ông L bị cháy thì anh không biết. Sau khi vườn cao su các hộ lân cận của ông L bị cháy thì ông L, bà Y có đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã S, huyện T làm việc, gặp những hộ có cao su bị cháy giải quyết như thế nào anh cũng không biết. Việc ông D khởi kiện ông L yêu cầu bồi thường thiệt hại thì hai bên giải quyết với nhau, anh không có ý kiến gì về việc tranh chấp này.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 39/2018/DS-ST ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Ta, tỉnh T đã quyết định:
Căn cứ vào Điều 608 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Văn D đối với ông Trần Văn L và bà Phạm Ngọc Y về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm với số tiền 468.000.000 đồng.
Ghi nhận ông Trần Văn L và bà Phạm Ngọc Y tự nguyện hỗ trợ cho ôngTrịnh Văn D số tiền 18.000.000 đồng.
Đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Văn D đối với số tiền 42.000.000 đồng và yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông Trịnh Văn D với số tiền 180.000.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí đo đạc, thẩm định; nghĩa vụ do chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 25-6-2018, ông Trịnh Văn D có đơn kháng cáo, với nội dung: Không đồng ý với bản án sơ thẩm. Ông D yêu cầu cấp phúc thẩm buộc vợ chồng ông Trần Văn L và bà Phạm Ngọc Y bồi thường thiệt hại 1.560 cây cao su của ông D bị cháy với số tiền trị giá là 468.000.000 đồng; vì ông D cho rằng anh D1, anh L1 là người làm công cho ông L do bất cẩn khi đốt lửa đã làm cháy lan sang vườn cao su của ông D nên đã gây ra thiệt hại nêu trên.
Ngày 26-6-2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ta, tỉnh T có Kháng nghị số 03/QĐ/KNPT-VKS-DS, với nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng Điều 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015, chấp nhận yêu cầu ông Trịnh Văn D; buộc ông Trần Văn L và bà Phạm Ngọc Y có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Trịnh Văn D số tiền 468.000.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trịnh Văn D vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhân dân phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng pháp luật về tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử tại phiên tòa. Về nội dung: Kiểm sát viên tham gia phiên tòa xin rút toàn bộ nội dung Kháng nghị số 03/QĐ/KNPT-VKS-DS, ngày 26-6-2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ta.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Trịnh Văn D; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Vào ngày 02 và 03-02-2016, ông L có thuê anh D1, anh L1 làm vệ sinh, đốt rác (lá cây cao su) trong vườn cây cao su của ông L; đến 06 giờ ngày03-02-2016 sau khi làm xong, anh L1 kiểm tra xác định lửa đã tắt.
Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, khi ông L đang ở nhà (huyện D) thì nhận được tin ông Th điện thoại báo cho ông L biết vườn cao su của ông Th bị cháy nên ông L chạy đến Ủy ban nhân dân xã S (huyện T) để giải quyết sự việc; tại đây, ông L nghĩ rằng anh L1, anh D1 đốt lá cây cao su của ông L do bất cẩn, gây ra vụ cháy nêu trên nên ông L tự nguyện hỗ trợ tiền phân bón cho các hộ dân gồm ông Đ, bà D2, ông L3, ông S, ông Th1, ông Th, bà Ph và ông D có cao su bị cháy là 6.000.000 đồng/1 ha; các hộ đã nhận tiền xong, riêng ông D khởi kiện yêu cầu ông L, bà Y có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại 1.560 cây cao su của ông D bị cháy với số tiền trị giá là 468.000.000 đồng. Ông L, bà Y không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D, vì cho rằng nguyên nhân cháy vườn cao su của ông D không phải do cháy lan từ vườn cao su của ông L gây ra thiệt hại cho ông D.
[2] Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, xét thấy: Tại Công văn số 40/ĐKTTVTN ngày 14-8-2017 của Đài khí tượng thủy văn tỉnh T (bút lục 344) xác định trong ngày 03-02-2016 tại khu vực tỉnh T có hướng gió Đông Nam, gió mạnh nhất trong ngày hướng Đông Nam. Đối chiếu với dấu vết còn để lại trên các cây cao su của ông D thì mặt cây phía Tây Nam bị thiệt hại nhiều hơn mặt cây phía Đông Bắc (thể hiện qua các hình ảnh trong hồ sơ từ bút lục 320 đến 341 và biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 23-3-2017 từ bút lục 270 đến 272). Do đó, có căn cứ xác định trong ngày 03-02-2016 hướng gió thổi từ đất ông D qua đất ông L.
[3] Theo anh D1, anh L1 đều xác định việc làm vệ sinh, đốt lá cây cao su trong vườn của ông L kết thúc vào khoảng 04 giờ ngày 03-02-2016, anh L1 kiểm tra xác định lửa đã tắt.
Theo lời trình bày của những người biết được sự việc đều thể hiện: Khi phát hiện cháy vườn cao su của các hộ lân cận giáp với đất ông L về hướng Nam xảy ra cháy vào khoảng 12 giờ ngày 03-02-2016. Như vậy, từ thời điểm anh D1, anh L1 kết thúc việc đốt lá cao su cho ông L đến khi phát hiện xảy ra vụ hỏa hoạn là khoảng 08 giờ.
[4] Qua lời khai, các chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án đều không có chứng cứ xác định được nguyên nhân xảy ra vụ cháy (hỏa hoạn), điểm cháy bắt đầu từ đâu và cháy lan đến đâu, thời điểm bắt đầu xảy ra vụ cháy khi nào. Tuy nhiên, chính ông D và những người chứng kiến đều xác định điểm cháy cuối cùng là trên các thửa đất 04, tờ bản đồ 101 (đất ông Phạm An Th1); thửa đất số 17, tờ bản đồ số 101 (đất ông Nguyễn Văn Th); thửa đất số 18, tờ bản đồ số 101 của ông D đều nằm về hướng Tây Nam so với đất ông L (trong đó thửa đất số 04, tờ bản đồ số 101 của ông Th1 giáp với đất ông L). Ngoài ra, khi phát hiện hỏa hoạn thì lửa vẫn còn đang cháy tại thửa đất số 18, tờ bản đồ số 101 của ông Nguyễn Văn Th giáp với đất ông L về hướng Đông Nam (theo sơ đồ địa chính tại bút lục số 342). Đồng thời, theo ông D trình bày “..... khi phát hiện cao su của mình đang cháy,... định dập lửa nhưng lửa cháy lớn và cháy quá nhanh, không có khả năng dập được.....”; nên có căn cứ xác định sự việc hỏa hoạn, cháy lan diễn ra rất nhanh.
[5] Tại thời điểm phát hiện cháy lan, ngoài một số điểm còn đang cháy nêu trên thì các điểm còn lại đều đã cháy xong, trong đó có thửa đất số 3, tờ bảnđồ số 101 (đất ông C); thửa số 20, tờ bản đồ số 101 (đất ông Phan Đình L) là những thửa đất xa nhất về phía Nam đất ông L cũng đã cháy xong.
[6] Ông D, ông L, ông L3 và Công an xã S đều không trực tiếp chứng kiến việc phát hiện nguyên nhân xảy ra vụ cháy (hỏa hoạn), điểm cháy bắt đầu từ đâu và cháy lan đến đâu, thời điểm bắt đầu xảy ra vụ cháy khi nào; đồng thời vụ hỏa hoạn nêu trên đã có trưng cầu giám định để kết luận nguyên nhân cháy, cơ chế hình thành đám cháy nhưng cơ quan chức năng từ chối giám định, vì vụ việc xảy ra đã lâu (bút lục 448, 455).
[7] Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, ông D trình bày cho rằng: căn cứ vào Biên bản kiểm tra của Công an xã S, ghi nhận hiện trường có nội dung ông L1 đốt lá cẩu thả để cháy lan và việc ông L có thương lượng bồi thường cho những hộ bị cháy lan để xác định phía ông L gây thiệt hại cho ông D. Xét thấy, việc xảy ra hỏa hoạn nêu trên không có ai trực tiếp chứng kiến và cũng không có chứng cứ xác định nguyên nhân cháy; biên bản nêu trên không kết luận được nguyên nhân cháy, ghi nhận diễn biến vụ việc hỏa hoạn chưa rõ nên chứng cứ này chưa đảm bảo tính khách quan của vụ án.
[8] Qua phân tích nêu trên, có cơ sở xác định: Từ thời điểm anh D1, anh L1 đốt lá xong đến khi phát hiện vụ cháy là khoảng 08 giờ; khi phát hiện lửa cháy rất nhanh không có khả năng dập tắt; các thửa đất xa nhất về phía Nam so với đất của ông L đã cháy xong nhưng tại thửa đất số 04, tờ bản đồ số 101 (đất ông Th1) và thửa đất số 18, tờ bản đồ số 101 (đất ông Th) giáp với đất ông L vẫn còn đang cháy; đồng thời hướng gió tại thời điểm ngày xảy ra vụ cháy là hướng Đông Nam (hướng gió đi từ đất ông D qua đất ông L); giữa đất ông L với đất của các hộ liền kề được ngăn cách nhau bởi một con đường rộng khoảng 5 m. Do đó, không có căn cứ xác định lửa cháy lan từ đất ông L sang đất các hộ liền kề, làm gây thiệt hại tài sản của ông D.
[9] Xét kháng cáo và lời trình bày tại phiên tòa, ông Trịnh Văn D yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông; buộc ông L, bà Y có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại 1.560 cây cao su của ông D bị cháy với số tiền trị giá là 468.000.000 đồng; vì ông D cho rằng anh D1, anh L1 là người làm công của ông L đã bất cẩn làm cháy vườn cao su, gây ra thiệt hại cho ông D, nhưng ông D không cung cấp được chứng cứ xác định nguyên nhân cháy vườn cao su của ông D là do bị cháy lan từ đất ông L nhằm chứng minh ông L là người có lỗi, gây ra thiệt hại cho ông D nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông D; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[10] Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh đã rút toàn bộ Kháng nghị số 03/QĐ/KNPT-VKS-DS, ngày 26-6-2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ta. Căn cứ vào Điều 284; Điều 289 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm và không đặt ra xem xét đối với bản kháng nghị nêu trên.
[11] Về án phí: Do không chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Văn D nên ông D phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
2. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Kháng nghị số 03/QĐ/KNPT-VKS- DS, ngày 26-6-2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ta, tỉnh T.
3. Không chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Văn D;
4. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 39/2018/DSST ngày 12 tháng 6 năm 2018, của Tòa án nhân dân huyện Ta, tỉnh T.
5. Căn cứ vào Điều 608 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 147; 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án;
6. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Văn D đối với ông Trần Văn L và bà Phạm Ngọc Y, về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” với số tiền 468.000.000 (bốn trăm sáu mươi tám triệu) đồng.
7. Ghi nhận ông Trần Văn L và bà Phạm Ngọc Y tự nguyện hỗ trợ cho ông Trịnh Văn D số tiền 18.000.000 (mười tám triệu) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại Khoản 2, Điều468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
8. Đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Văn D đối với số tiền 42.000.000 (bốn mươi hai triệu) đồng và yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông Trịnh Văn D với số tiền 180.000.000 (một trăm tám mươi triệu) đồng.
9. Về chi phí thẩm định, định giá tài sản: Ông Trịnh Văn D phải chịu 21.500.000 (hai mươi mốt triệu năm trăm nghìn) đồng. Ghi nhận ông D đã nộp và chi phí xong.
10. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Trịnh Văn D phải chịu 22.720.000 (hai mươi hai triệu, bảy trăm hai mươi nghìn) đồng; được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông D đã nộp 12.200.000 (mười hai triệu, hai trăm nghìn) đồng, theo Biên lai thu số 0023003 ngày 29-4-2016 và 4.500.000 (bốn triệu, năm trăn nghìn) đồng, theo Biên lai thu số 0024293 ngày 30-5-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ta, tỉnh T; tổng cộng là 16.700.000 (mười sáu triệu, bảy trăm nghìn) đồng. Ông Trịnh Văn D còn phải nộp 6.020.000 (sáu triệu, không trăm hai mươi nghìn) đồng.
11. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trịnh Văn D phải chịu 300.000 (batrăm ngàn) đồng, được khấu trừ 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí ông D đã nộp theo Biên lai thu số: 0025648 ngày 25-6-2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Ta, tỉnh T. 12. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Ðiều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Ðiều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
Bản án 168/2018/DS-PT ngày 10/10/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Số hiệu: | 168/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/10/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về