Bản án 165/2020/HS-PT ngày 15/05/2020 về tội giữ người trái pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 165/2020/HS-PT NGÀY 15/05/2020 VỀ TỘI GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 15 tháng 05 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 91/2020/TLPT-HS ngày 15 tháng 01 năm 2020 đối với bị cáo Trần Ngọc A phạm tội “Giữ người trái pháp luật” do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2019/HS-ST ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

* Bị cáo có kháng cáo:

Trần Ngọc A, sinh năm 1998; nơi cư trú: Thôn SP, xã ĐĐ, huyện TĐ, tỉnh Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn A1 và bà Nguyễn Thị A2; vợ, con: Chưa có; tiền án: Không; tiền sự: Ngày 28/12/2018 bị Công an huyện TĐ ra Quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền 2.500.000đ, về hành vi cố ý gây thương tích, đã chấp hành nộp phạt xong ngày 13/3/2019; nhân thân: Ngày 14/11/2016 bị Công an huyện TĐ ra Quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền 2.500.000đ, về hành vi cố ý gây thương tích, đã chấp hành nộp phạt xong ngày 16/12/2016; Bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra trong vụ án còn có các bị cáo Nguyễn Việt A3, Nguyễn Thị A4 và người bị hại không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ đầu năm 2019, Lò Thị A5 và Quàng Thị A6 cùng sinh năm 2000, Nguyễn Thị Minh A7 (sinh năm 2005), làm nhân viên quán hát ở khu vực huyện HĐ, thành phố Hà Nội có quen biết với Phạm Anh A8 ở phường NV, thành phố PY, tỉnh Vĩnh Phúc. Phạm Anh A8 đã rủ A5, A6, A7 lên tỉnh Vĩnh Phúc để làm nhân viên quán hát karaoke ở nhà người quen của A8, mọi người đều đồng ý. A8 lên mạng, sử dụng địa chỉ Facebook là C Siro (Thất Bại) đăng bài ở chế độ công khai nội dung “có 03 nhân viên muốn làm chung”, thì có Lê Văn A9 ở thôn CL, xã MQ, huyện TĐ, tỉnh Vĩnh Phúc đang làm quản lý tại quán hát karaoke M ở thôn HK, xã HK, huyện ML, thành phố Hà Nội (có địa chỉ Facebook là Chivas Đ, lính thủy đánh bộ) làm quen với A8 và bảo A8 đưa 03 nhân viên đến quán hát chỗ A9 làm. A8 và A9 thỏa thuận nếu A8 đưa người đến sẽ được trả 5.000.000đ.

Khoảng 12h ngày 23/02/2019, A8 đi taxi đến đón A5, A6, A7 tại xã AK, huyện HĐ, thành phố Hà Nội đưa đến quán karaoke M của Nguyễn Văn A10 ở xã HK, huyện ML, thành phố Hà Nội. Tại đây, A8 giao A5, A6, A7 cho A9 và nhận 4.600.000đ, còn 400.000đ A9 hẹn trả sau. Giao người, nhận tiền xong A8 về, còn A5, A6, A7 ở lại quán M làm nhân viên phục vụ khách hát. Đến khoảng 23h cùng ngày A5, A6, A7 không muốn làm nhân viên tại đây và đòi về thì A9 không cho về. A9 nói đã trả cho A8 15.000.000đ tiền công nên A5, A6, A7 phải ở lại quán làm để trả hết số tiền trên mới được về. Nghe nói vậy, A5 đã nhắn tin bảo A8 đến để giải quyết thì A8 không đến và nói với A5 là đã bán A5, A6, A7 với giá 10.000.000đ. Đến khoảng 16h30’ ngày 24/02/2019, A9 cùng với Nguyễn Văn A10 đưa A5, A6, A7 đến quán karaoke VC 999 của anh Phan VC ở thôn 2, xã NH, huyện LG, tỉnh Bắc Giang để làm nhân viên ở đó (theo thỏa thuận của A8 với anh C). A5, A6, A7 làm nhân viên quán karaoke VC 999 được 03 ngày, nhưng do cả 03 người đều không có giấy tờ tùy thân nên đến sáng ngày 27/02/2019 anh C đã đưa 03 người sang khu vực cầu chui xã SL, huyện BX, tỉnh Vĩnh Phúc giao trả lại cho A9. Sau khi nhận lại A5, A6, A7 thì A9 đã thu giữ điện thoại di động của cả 03 người (riêng A5 có 02 chiếc điện thoại, A5 chỉ đưa cho A9 01 chiếc, còn 01 chiếc A5 cất giấu). Sau đó, A9 gọi điện thoại cho Lưu Văn A11 ở xã HK, huyện ML, thành phố Hà Nội và nói với A11: “Em có 3 nhân viên, anh xem có chỗ nào làm giới thiệu cho em”. A11 đồng ý, sau đó, A9 đưa A5, A6, A7 bằng xe taxi từ khu vực cầu chui xã SL, huyện BX, tỉnh Vĩnh Phúc về đến phòng 302 Nhà nghỉ Tuấn Hải ở xã ĐĐ, huyện TĐ, tỉnh Vĩnh Phúc và gặp A11 đang ở đó. A11 đã gọi điện thoại cho Nguyễn Việt A3 là chủ quán karaoke RC và hỏi quán của A3 có cần nhân viên không, có 3 đứa nhân viên đang ở đây muốn đi làm. A3 trả lời là quán có cần nhân viên và sẽ bảo người sang đón về. Sau đó, A3 gọi điện thoại cho Trần Ngọc A (là nhân viên quán RC của A3), bảo A đến gặp A11 đang ở Nhà nghỉ Tuấn Hải đón nhân viên về và đưa cho A11 vay 5.000.000đ, A đồng ý. A bảo Nguyễn Thị A4 là vợ A3 đưa cho A 5.000.000đ, sau đó A đi xe máy đến Nhà nghỉ Tuấn Hải đón nhân viên. Trên đường đi, A gặp Bùi Văn A12 là người ở cùng thôn với A nên rủ A12 đi cùng. Khi đến Nhà nghỉ, A lên phòng 302 gặp A11. Tại đây, A đưa cho A11 5.000.000đ nói là tiền của A3 thì A11 bảo A gặp A9. A gặp A9 trao đổi về việc đón nhân viên về quán hát làm thì A9 đưa cho A 03 chiếc điện thoại của A5, A6, A7 và bảo 03 người cầm đồ đi theo A. Đến khoảng 17h00’ ngày 27/02/2019, A và A12 đi xe máy và taxi đưa A5, A6, A7 về đến quán karaoke RC. Lúc này tại quán có Nguyễn Thị A4, Nguyễn Thị Thúy A13 và Nguyễn Thị A14 (Đều là nhân viên của quán karaoke RC). Trần Ngọc A gọi điện thoại cho Nguyễn Việt A3 thông báo là đã đưa nhân viên về đến quán thì A3 nói với A là: “Hãy canh chừng bọn nó cẩn thận, để ý cẩn thận, lo chỗ ăn, chỗ ở cẩn thận”. A trả lời “vâng” rồi đưa A5, A6, A7 vào phòng nghỉ của nhân viên để quản lý. Đến khoảng 19h00’ cùng ngày, Nguyễn Thị A4, Trần Ngọc A bố trí cho A5, A6, A7 ăn cơm cùng. Khi ăn cơm xong, A5, A6, A7 đến gặp Nguyễn Thị A4 xin về vì không muốn làm nhân viên tại đây thì Nguyễn Thị A4 không đồng ý. Nguyễn Thị A4 đã gọi điện thoại cho A3 nói việc A5, A6, A7 đòi về thì A3 bảo không được cho về và dặn Nguyễn Thị A4 bảo Trần Ngọc A trông coi nhân viên cẩn thận, không cho họ về. Nguyễn Thị A4 bảo với Trần Ngọc A là A3 dặn phải trông nom A5, A6, A7 cẩn thận, không cho họ về. Sau đó A5, A6, A7 tiếp tục đến gặp Trần Ngọc A xin cho về thì Trần Ngọc A không đồng ý và nói “Không được về, anh không giải quyết, đợi anh A3 chủ quán về thì bọn em nói chuyện với anh A3”. A5, A6, A7 tiếp tục bảo Trần Ngọc A cho xin lại điện thoại di động để gọi về gia đình mang tiền đến chuộc thì Trần Ngọc A nói “Giờ có mang đến 50 triệu hay 100 triệu thì cũng không được về’’ và còn dọa “Tao bảo chúng mày không được về, tao nói mà chúng mày không nghe thì chúng mày cứ liệu hồn đấy”. Nguyễn Thị A4 bảo A13 vào ngủ cùng với A5, A6, A7. Do không được về nên A5, A6, A7 phải đi vào nghỉ tại phòng của nhân viên. Đến khoảng 22h cùng ngày,A5 lấy chiếc điện thoại di động cất giấu được lúc trước ra nhắn tin liên lạc với số điện thoại 0903.335.898 của anh Nguyễn Hữu A15, là chủ quán karaoke MT ở xóm 2, xã LY, huyện HĐ, thành phố Hà Nội thông báo cho anh A15 biết là đang bị giữ tại quán karaoke RC ở xã TD, huyện LT, tỉnh Vĩnh Phúc và nhờ anh A15 báo công an đến cứu. Nhận được tin nhắn, anh A15 đã gọi điện thoại báo cho cơ quan công an. Đến 02 giờ 50 phút ngày 28/02/2019, Công an huyện LT phối hợp với các lực lượng đến kiểm tra quán Karaoke RC, thấy A5, A6, A7 đang bị giữ ở đây nên đã đưa những người liên quan về trụ sở để làm việc. Tại cơ quan công an, A5, A6, A7 đã làm đơn trình báo toàn bộ sự việc và đề nghị xử lý các đối tượng giữ người theo quy định pháp luật. Đối với hành vi của Lê Văn A9 và Phạm Anh A8 có dấu hiệu phạm các tội “Mua bán người” và “Mua bán người dưới 16 tuổi”, quy định tại các Điều 150, 151 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên vụ việc xảy ra tại xã HK, huyện ML, thành phố Hà Nội nên thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện ML, thành phố Hà Nội. Ngày 21/6/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản kèm theo toàn bộ tài liệu liên quan chuyển đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện ML để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Đối với hành vi của Lưu Văn A11 đã gọi điện thoại cho A3 để tìm việc cho A5, A6, A7 làm nhân viên là do Lê Văn A9 nhờ, không lấy tiền thù lao. Khoản tiền 5.000.000đ là A3 cho A11 vay. Không có căn cứ chứng minh việc A11 giới thiệu A5, A6, A7 đến làm nhân viên tại quán của A3 để được A3 trả công, Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý.

Đối với Nguyễn Thị Thúy A13, từng là nhân viên tại quán hát karaoke RC của Nguyễn Việt A3 đến khoảng tháng 10/2018 thì nghỉ. Ngày 27/02/2019 A13 đến quán karaoke RC chơi và được Nguyễn Thị A4 bảo ngủ cùng để trông A5, A6, A7. A13 nghe lời A vào ngủ cùng và trông A5, A6, A7 vì A13 hiểu là giúp A trông chừng họ để tránh việc họ lấy tài sản của gia đình A hoặc tự ý đi bán dâm; A13 không biết mục đích của A bảo A13 ngủ cùng là để giữ người trái pháp luật. Bản thân A13 không được tham gia bàn bạc về việc giữ A5, A6, A7 tại quán hát, không biết việc A5, A6, A7 bị ép buộc ở lại quán, Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý.

Về trách nhiệm dân sự: Các chị Lò Thị A5, Quàng Thị A6, Nguyễn Thị Minh A7 không yêu cầu các bị can bồi thường nên không đặt ra xem xét, giải quyết.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2019/HS-ST ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:

Áp dụng Điểm đ, e khoản 2 Điều 157; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Xử phạt:

Trần Ngọc A 03 năm tù về tội “Giữ người trái pháp luật”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo khác; quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/12/2019 bị cáo Trần Ngọc A kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Trần Ngọc A giữ nguyên nội dung kháng cáo; thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân của bị cáo và quyết định mức hình phạt 03 năm tù đối với bị cáo là phù hợp.

Tại cấp phúc thẩm bị cáo A được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm giảm hình phạt cho bị cáo từ 06 tháng đến 09 tháng tù.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận công khai tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về thủ tục tố tụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại gì. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp. Đơn kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc A gửi trong thời hạn luật định, được cấp phúc thẩm chấp nhận.

[2]. Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo Trần Ngọc A đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo đồng phạm, li khai của người bị hại, những người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác đã được cơ quan Cảnh sát điều tra thu thập có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở kết luận: Trần Ngọc A là nhân viên của quán Karaoke RC do Nguyễn Việt A3 làm chủ. Sáng ngày 27/02/2019 A3 chỉ đạo A liên hệ với Lưu Văn A11 để đưa 3 nhân viên là các chị Lò Thị A5, Nguyễn Thị Minh A7 và Quàng Thị A6 về quán Karaoke để làm việc. Khi A đưa các chị A5, A6, A7 về quán, cả 3 chị không đồng ý ở lại và đòi về thì Trần Ngọc A và Nguyễn Thị A4 nghe theo chỉ đạo của A3 đã giữ các chị ở lại. Trần Ngọc A giữ điện thoại, Nguyễn Thị A4 cử người giám sát nhằm giữ người bị hại ở lại quán Karaoke trái ý muốn của họ. Hành vi nêu trên của Trần Ngọc A và đồng phạm đã bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Giữ người trái pháp luật” theo điểm đ, e khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ.

[3]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Trần Ngọc A, hội đồng xét xử thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của công dân được pháp luật bảo vệ, gây dư luận xấu và bất bình trong quần chúng nhân dân. Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo Nguyễn Việt A3 giữ vai trò chính là người chỉ đạo Nguyễn Thị A4 và Trần Ngọc A giữ người trái pháp luật. Bị cáo Trần Ngọc A và Nguyễn Thị A4 cùng giữ vai trò là người thực hành. Trần Ngọc A trực tiếp đi đón người bị hại đưa về quán. Thực hiện sự chỉ đạo của A3 đe dọa, giữ những người bị hại tại quán Karaoke; Nguyễn Thị A4 (vợ A3) trực tiếp nhận chỉ đạo của A3 cử nhân viên của quán lên phòng ngủ cùng ba người bị hại để trông giữ họ. Trần Ngọc A là người có nhân thân xấu, ngày 14/11/2016 bị Công an huyện TĐ ra quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi Cố ý gây thương tích nên không đủ điều kiện để được hưởng án treo. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tù cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian là có căn cứ.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bị cáo Trần Ngọc A đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo Trần Ngọc A xuất trình đơn xin giảm nhẹ hình phạt, trình bầy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ sức khỏe yếu, bị cáo mới kết hôn, ông nội bị cáo là cụ Trần Minh Tiến liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; bà nội bị cáo hiện tuổi cao, sức khỏe yếu hiện đang sống cùng gia đình bị cáo là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Xét bị cáo Trần Ngọc A không giữ vai trò chính trong vụ án, là người làm thuê cho vợ chồng Nguyễn Việt A3 và Nguyễn Thị A4, thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo, điều hành của A3 và A; thời gian bị cáo giữ người ngắn từ 17h ngày 27/02/2019 đến 2h50 phút ngày 28/02/2019. Tại cấp phúc thẩm bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới nên có căn cứ giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Về án phí phúc thẩm: Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí phúc thẩm hình sự.

Vì các lẽ trên, Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc A. Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 69/2019/HS-ST ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Căn cứ điểm đ, e khoản 2 Điều 157, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, 58 của Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt: Bị cáo Trần Ngọc A 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Giữ người trái pháp luật”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành bản án.

2. Về án phí: Bị cáo Trần Ngọc A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật ngay sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

291
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 165/2020/HS-PT ngày 15/05/2020 về tội giữ người trái pháp luật

Số hiệu:165/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về