TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 164/2017/HSST NGÀY 21/11/2017 VỀ TỘI LÀM GIẢ TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Ngày 21 tháng 11 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 142/2017/HSST ngày 09 tháng 10 năm 2017, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 154/HSST- QĐXX ngày 07/11/2017 đối với bị cáo:
Nguyễn Sỹ C - Sinh năm: 1987. Nơi cư trú: thôn Kim Đ, xã Kim Ch, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 12/12. Dân tộc: kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không. Con ông: Nguyễn Sỹ Kh – sinh năm 1962, và bà: Ngô Thị L – sinh năm 1964; có vợ là: Nguyễn Thị Thu Th – sinh năm 1988, và 02 con, lớn sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2017. Tiền án, tiền sự: không. Bị cáo được áp dụng biện pháp “Bảo lĩnh” từ ngày 30/5/2017, hiện tại ngoại (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nguyễn Sỹ C làm công nhân Công ty Sam Sung Electronic Việt Nam (gọi tắt là Công ty Sam Sung) ở Khu Công nghiệp Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh từ tháng 12 năm 2013. Trong quá trình làm công nhân tại Công ty Sam Sung, C được biết có nhiều công nhân muốn nghỉ việc một vài ngày để giải quyết công việc cá nhân nhưng theo quy định của công ty phải có giấy ra viện hoặc giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của bệnh viện, còn nếu không có mà tự ý nghỉ việc sẽ bị Công ty đuổi việc. Vào khoảng đầu tháng 9/2015, qua bạn bè làm cùng công ty Sam Sung thì C có quen biết và chơi với Lương Đức T cùng làm công nhân Công ty Sam Sung. Sau đó T trên đường về quê không may bị ngã xe máy dẫn đến gãy chân phải nghỉ ở nhà không đi làm tại Công ty được, nên C đã đến nhà T chơi. T nói với C phải nghỉ ở nhà khoảng 10 ngày, không đi làm được mà nghỉ nhiều như vậy không có giấy ra viện thì sợ Công ty đuổi việc. T đã nhờ C có quen biết ai hay biết ở đâu bán giấy ra viện ở ngoài không thì mua giúp T một giấy ra viện để khi nghỉ xong thì T sử dụng nộp vào Công ty Sam Sung. C đã đồng ý. Sau đó C đã lên mạng xã hội Facebook tìm hiểu để tìm mua giấy ra viện giúp T (vì qua một vài người làm trong Công ty Sam Sung nói có thể tìm mua giấy ra viện trên Facebook). C thấy có một nickname đăng tin bán giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH ở ngoài Hà Nội nhưng không có tên tuổi, địa chỉ, chỉ có số điện thoại di động. C đã vào nickname đó nhắn tin nói chuyện hỏi mua một giấy ra viện của Bệnh viện ở ngoài Hà Nội, thì nickname đó nhắn tin lại đồng ý, hỏi C ở đâu, làm gì, mua giấy ra viện để làm gì, mua cho mình hay cho ai? C đã nhắn tin lại là đang làm công nhân tại Công ty Sam Sung ở Khu Công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh, đang muốn mua giấy ra viện để nghỉ việc tại Công ty một vài hôm. Người đăng nickname đó nhắn tin lại giá 150.000 đồng/01 giấy ra viện, C nhắn tin lại đồng ý. Tiếp đó C và người bán giấy ra viện trên thống nhất hẹn 18 giờ ngày hôm sau người đăng tin bán giấy ra viện sẽ mang ra cổng G2 – Công ty Sam Sung giao giấy ra viện. C đã nhắn tin số điện thoại của C cho người bán giấy ra viện để có gì liên lạc. Như đã hẹn, đúng 18 giờ ngày hôm sau C đi ra cổng G2 – Công ty Sam Sung ngồi đợi. Một lúc sau C thấy có số điện thoại lạ gọi cho C và hỏi C đã đi ra cổng chưa để giao giấy ra viện (hiện C không nhớ số điện thoại), C bảo ra rồi và C mô tả đặc điểm người, quần áo C mặc và vị trí đứng của C ở cổng G2. Khi đó C thấy có một người đàn ông mặc áo dài màu đen, quần bò, đầu đội mũ lưỡi trai màu đen, mặt bịt khẩu trang đi ra gặp C và hỏi “Anh là người mua giấy ra viện đúng không?”. C bảo phải, người đàn ông đó liền đưa cho C 01 giấy ra viện chưa có nội dung, thông tin gì mà chỉ có chữ ký và họ tên của Trưởng Khoa điều trị - Trần Văn N và chữ ký của Trưởng Đoàn khám – Bác sỹ CKI Bùi Ngọc O, cùng dấu tròn đỏ của Bệnh viện Bạch Mai. C cầm giấy ra viện đó và đưa lại cho người đàn ông số tiền 150.000 đồng theo thỏa thuận rồi đi vào Công ty. Còn người đàn ông đi bộ sang bên kia đường và đi bộ tiếp về phía thôn Mẫn Xá – xã Long Châu – huyện Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh, C không biết người đó đi đâu. Khi mua được giấy ra viện xong, C đã điện thoại cho T thông báo đã mua được giấy ra viện với giá 250.000 đồng/01 giấy ra viện, T đồng ý và bảo C mang vào trong Công ty cho T vì T đã đến Công ty để làm việc. Sau đó C đã vào Công ty đưa cho T giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai mà C vừa mua được. Khi cầm giấy ra viện mà C đưa thì T nói không biết ghi nội dung, thông tin như thế nào trên giấy ra viện nên C đã bảo T để C viết nội dung cho, còn T là người đọc thông tin của T để cho C ghi. Khi C viết xong nội dung trên giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai mang tên Lương Đức T thì T cầm giấy ra viện đã có nội dung, số ngày nghỉ, lý do nghỉ và T đưa lại cho C số tiền 250.000 đồng theo thỏa thuận, C cầm tiền và cùng T đi vào xưởng làm việc. T đã nộp giấy ra viện cho Công ty theo quy định.
Đến khoảng đầu tháng 10 năm 2015, khi đó Nguyễn Thị N, Vi Thị U và Đặng Thị M làm cùng xưởng tại Công ty Sam Sung với C và biết được C vừa mua cho bạn C 01 giấy ra viện ở ngoài. Nên N, U và M thấy vậy cũng muốn mua giấy ra viện trước để khi nào có việc cần nghỉ thì sử dụng nộp vào Công ty, không sợ Công ty đuổi việc. Sau đó N, U và M đã gặp C tại Công ty Sam Sung và nhờ C mua giúp họ 04 giấy ra viện. Trong đó U mua 02 giấy (U mua hộ Trương Thị Th 01 giấy), N và M mỗi người mua một giấy. C đồng ý và nói giá tiền là 250.000 đồng/01 giấy ra viện, cả ba đồng ý với giá tiền trên. Sau đó C tiếp tục điện thoại cho người đàn ông lần trước đã bán giấy ra viện cho C và C đã đặt mua tiếp 04 giấy ra viện. Người đàn ông đó đồng ý và cả hai thống nhất 18 giờ ngày hôm sau giao giấy ra viện tại cổng G2 – Công ty Sam Sung, giá tiền vẫn là 150.000 đồng/01 giấy ra viện. Như đã hẹn vẫn người đàn ông lần trước đầu đội mũ lưỡi trai màu đen, mặt bịt khẩu trang, mặc quần bò nhưng mặc áo cộc tay đã mang ra cổng G2 – Công ty Sam Sung đưa cho C 02 giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai, 01 giấy ra viện của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương và 01 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của Bệnh viện Bạch Mai, tất cả đều chưa có nội dung, thông tin gì mà chỉ có chữ ký, họ tên của Trưởng Khoa điều trị (Bác sỹ điều trị), chữ ký, dấu chức danh của Trưởng đoàn khám cùng dấu tròn đỏ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương. C cầm 04 giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH trên và đưa lại cho người đàn ông đó số tiền 600.000 đồng theo thỏa thuận. C đi vào Công ty Sam Sung, còn người đàn ông kia đi bộ sang bên kia đường rồi đi bộ về hướng thôn Mẫn Xá – xã Long Châu – huyện Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh như lần trước. Ngày hôm sau, C gặp N, U và M tại Công ty Sam Sung, C đã đưa cho U 01 giấy ra viện và 01 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó C tiếp tục đưa cho N 01 giấy ra viện của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương và đưa cho M 01 giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai chưa có nội dung thông tin gì. U đã đưa cho C 500.000 đồng, còn N và M mỗi người đưa cho C 250.000 đồng tiền mua giấy ra viện. C cầm tiền, lúc đó U, M đi vào Công ty làm việc, còn N nói không biết ghi nội dung thông tin như thế nào nên C đã hướng dẫn và N đã tự viết nội dung thông tin vào giấy ra viện mà N vừa mua của C. Sau đó N, M, U, Th đã nộp vào Công ty để nghỉ việc theo quy định. Trong tổng số 05 giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH mà C đã bán cho các công nhân cùng Công ty Sam Sung, C đã tự ý viết nội dung, thông tin trên 01 giấy ra viện bán cho Lương Đức T ghi ngày vào viện 14/9/2015, ngày ra viện 25/9/2015. Việc C bán giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả đã hưởng lợi bất chính là 500.000 đồng. C đã tự nguyện nộp số tiền này cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong.
Ngày 30/5/2017 Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong ra Lệnh Khám xét số 09 khám xét nơi ở, đồ vật, tài liệu đối với Nguyễn Sỹ C tại thôn Kim Đôi – xã Kim Chân – thành phố Bắc Ninh – tỉnh Bắc Ninh. Kết quả không thu giữ đồ vật, tài sản gì liên quan đến tội phạm
Ngày 26/4/2016 và 29/4/2016, Bảo hiểm xã hội huyện Yên Phong có công văn đề nghị Công an huyện Yên Phong điều tra làm rõ một số giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương có dấu hiệu bị làm giả.
Ngày 06/7/2016 Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 122 trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh giám định chữ viết, chữ ký, hình dấu trên các “Giấy ra viện của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương.
Tại Bản kết luận giám định số 48/GĐ ngày 19/7/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh Kết luận:
- Hình dấu tròn có nội dung: “Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương” trên các “Giấy ra viện” tài liệu cần giám định (ký hiệu từ: A1 đến A34) so với hình dấu tròn có cùng nội dung trên các tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu từ: M1, M3 đến M12) không phải do cùng một con dấu đóng ra. Các hình dấu này được đóng trực tiếp. (Trừ A16 tài liệu cần giám định là bản Photocopy).
- Chữ ký dưới mục “Trưởng đoàn khám” đứng tên “Phó giám đốc.BSCKI: Tôn Quang N” trên các “Giấy ra viện” (Ký hiệu từ: A1 đến A34) so với chữ ký của “Phó giám đốc.BSCKI: Tôn Quang N” trên các tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu từ: M1 đến M12) không phải do cùng một người ký ra. Những chữ ký này được ký trực tiếp. (Trừ A16 tài liệu cần giám định là bản Photocopy).
Ngày 06/7/2016 Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 123 trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh giám định chữ viết, chữ ký, hình dấu trên các “Giấy ra viện” và 01 “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của Bệnh viện Bạch Mai”.
Tại Bản kết luận giám định số 50/GĐ ngày 10/8/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh Kết luận:
- Chữ viết trên “Giấy ra viện” đứng tên: Lương Đức T, sinh năm 1996, địa chỉ: Dương Đức – Lạng Giang – Bắc Giang tài liệu cần giám định (ký hiệu: A1) so với chữ viết của Nguyễn Sỹ C trên “Bản tường trình” tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu: M1) là do cùng một người viết ra.
- Hình dấu tròn dưới mục “Trưởng đoàn khám” có nội dung: “Bệnh viện Bạch Mai” trên các tài liệu cần giám định (ký hiệu từ: A1 đến A15) so với hình dấu tròn trên tài liệu mẫu so sánh (ký hiệu M2) không phải do cùng một con dấu đóng ra. Các hình dấu này được đóng trực tiếp. (Trừ A3 tài liệu cần giám định là bản Photocopy).
Chữ ký dưới mục “Trưởng đoàn khám” đứng tên “BSCKI: Bùi Ngọc O” trên các tài liệu cần giám định (Ký hiệu từ: A1 đến A15) so với chữ ký của “Bác sỹ: Bùi Ngọc O” Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Bạch Mai trên tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu M3) không phải do cùng một người ký ra. Những chữ ký này không phải là chữ ký trực tiếp.
Ngày 04/9/2017 Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 283 trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh giám định chữ viết trên 03 “Giấy ra viện” và 01 “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH” của Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Bản kết luận giám định số 103/GĐ-PC54 ngày 08/9/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh Kết luận:
- Chữ viết trên “Giấy ra viện” đứng tên: Trương Thị Th, tài liệu cần giám định (ký hiệu: A1) so với chữ viết của Trương Thị Th trên tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu: M1) do cùng một người viết ra.
- Chữ viết trên “Giấy ra viện” đứng tên: Đặng Thị M, tài liệu cần giám định (ký hiệu: A2) so với chữ viết của Đặng Thị M trên tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu: M2) do cùng một người viết ra.
- Chữ viết trên “Giấy ra viện” đứng tên: Nguyễn Thị N, tài liệu cần giám định (ký hiệu: A3) so với chữ viết của Nguyễn Thị N trên tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu: M3) do cùng một người viết ra.
- Chữ viết trên “Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH” đứng tên: Vi Thị U, tài liệu cần giám định (ký hiệu: A4) so với chữ viết của Vi Thị U trên tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu: M4) không phải do cùng một người viết ra.
Công an huyện Yên Phong đã tiến hành làm việc với Công ty Sam Sung Electronic Việt Nam - KCN Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải (trước đây là Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương), Bệnh viện Bạch Mai, Bảo hiểm xã hội huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh, tất cả các đơn vị trên đều khẳng định không bị thiệt hại gì và không yêu cầu bồi thường thiệt hại, đề nghị xử lý những người tham gia mua, bán và sử dụng các Giấy ra viện, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đúng theo quy định của pháp luật.
Tại phiên toà hôm nay bị cáo Nguyễn Sỹ C đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo như nội dung bản cáo trạng đã nêu. Bị cáo thừa nhận trong khoảng thời gian từ tháng 9/2015 đến tháng 10/2015 bị cáo đã 02 lần mua tổng số 04 giấy ra viện và 01 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương với giá 150.000đồng/01 giấy, trên giấy chưa ghi nội dung thông tin gì, chỉ có chữ ký và họ tên của trưởng khoa điều trị, chữ ký và dấu chức danh của Trưởng đoàn khám và dấu tròn đỏ của Bệnh viện, sau đó bị cáo đã bán cho 04 công nhân làm cùng công ty Samsung với bị cáo với giá 250.000đồng/01 giấy và bản thân bị cáo có viết giả nội dung vào 01 giấy ra viện cho Lương Đức T. Bị cáo thừa nhận cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.
Bản cáo trạng số 138/CTr –VKS ngày 06/10/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã truy tố Nguyễn Sỹ C về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận xác định Nguyễn Sỹ C đã 02 lần có hành vi bán 05 giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện giao thông vận tải Trung ương nên hành vi của bị cáo đã phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Dó đó, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Sỹ C phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” đồng thời đề nghị áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt: Nguyễn Sỹ C từ 24 tháng tù đến 26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 tháng đến 52 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo C cho Ủy ban nhan dân xã Kim C, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Về vật chứng vụ án: áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự. Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 500.000 đồng.
Sau khi nghe kết luận, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo không có ý kiến tranh luận.
Trong lời nói sau cùng bị cáo Nguyễn Sỹ C đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức hình phạt thấp nhất.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cở sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Yên Phong, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Phong, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Về lời khai nhận của bị cáo: Xét thấy lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với kết luận giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thấy đã có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Nguyễn Sỹ C phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999.Tại phiên tòa Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị xét xử bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999 là hoàn toàn có căn cứ cần được chấp nhận.
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường và uy tín của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và công dân do đó đối với bị cáo xét thấy cần phải xử lý nghiêm bằng luật hình sự mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Xét tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp nghiêm trọng bởi bản thân bị cáo đều biết số công nhân nhờ bị cáo mua giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội đều không phải nằm viện mà mục đích họ muốn sử dụng các giấy ra viện này để lấy cơ hội xin nghỉ việc tại công ty một thời gian nhất định song với mục đích hám lợi bị cáo đã đi mua của các đối tượng chuyên làm giả giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện giao thông vận tải Trung ương sau đó đem bán lại cho các công nhân cùng làm tại Công ty Samsung.Chỉ trong khoảng thời gian ngắn bị cáo đã 02 lần bán 04 giấy ra viện và 01 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội được làm giả cho 04 công nhân làm việc tại công ty Sam sung và đã được hưởng lợi số tiền là 500.000 đồng vì vậy hành vi phạm tội của bị cáo đã phạm vào tình tiết định khung phạm tội nhiều lần được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, do đó đối với bị cáo xét thấy cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi và hậu quả bị cáo đã gây ra.
Tuy nhiên xem xét về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy, bị cáo không có tiền án, tiền sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Sau khi bị khởi tố bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính 500.000 đồng, đây chính là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, bản thân bị cáo có nơi cư trú rõ ràng do vậy xét thấy không cần thiết phải cho bị cáo cách ly xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo, cải tạo tại địa phương cũng đủ điều kiện để giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt cho xã hội.
Về vật chứng vụ án: Trong quá trình điều tra, Cơ quan Công an có thu giữ của bị cáo C số tiền 500.000 đồng, xét thấy đây là số tiền thu lợi bất chính do bị cáo bán 05 giấy ra viện giả cho các công nhân Công ty Samsung vì vậy nay cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Liên quan trong vụ án này còn có đối tượng bán giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả cho Nguyễn Sỹ C, C chỉ biết là thanh niên khoảng 25 – 30 tuổi, còn tên tuổi, địa chỉ cụ thể ở đâu C không biết, số điện thoại của người này C không lưu, không nhớ nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong không có cơ sở để xác minh làm rõ. Đồng thời cũng không có căn cứ để xác minh làm rõ ai đã làm ra các con dấu giả của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, ai giả chữ ký và làm giả dấu chức danh của Bác sỹ trưởng khoa điều trị (Bác sỹ điều trị), Bác sỹ trưởng đoàn khám của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương để đóng vào 04 giấy ra viện và 01 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả đó. Nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong tách tài liệu để tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau là phù hợp.
Đối với Lương Đức T, Trương Thị Th, Vi Thị U, Đặng Thị M, Nguyễn Thị N là Công nhân làm tại Công ty Sam Sung - KCN Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh là những người có hành vi mua giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương để nộp vào Công ty Sam Sung để nghỉ làm do có việc cá nhân, không có mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Công ty Sam Sung và Bảo hiểm xã hội huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh. Họ đã nhận thức được việc làm của mình là sai, không đúng theo quy định của pháp luật, cam kết sẽ không tái phạm. Thực tế số công nhân này chưa được Bảo hiểm xã hội huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh thanh toán chế độ nghỉ ốm. Công ty Sam Sung, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương (Nay là Công ty Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải) và Bảo hiểm xã hội huyện Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh khẳng định không bị thiệt hại gì và không yêu cầu bồi thường thiệt hại gì. Nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong không xử lý về hình sự mà chỉ gọi hỏi nhắc nhở là phù hợp.
Đối với người phụ nữ tên N1, là người đã viết giả nội dung thông tin trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của Bệnh viện Bạch Mai cho Vi Thị U, nhưng U không biết họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, nơi làm việc của N1 hiện nay ở đâu. Vì N1 đã nghỉ làm tại Công ty Sam Sung khoảng gần 02 năm, nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong không có căn cứ để xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật là phù hợp.
Đối với chiếc điện thoại Sam Sung Note5, màu đen cùng sim mà C dùng để liên lạc, giao dịch về việc mua bán giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả cho 04 Công nhân làm cùng Công ty Sam Sung với C, C đã làm rơi mất trên đường đi làm về vào cuối năm 2016, không biết rơi ở đâu nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong không thu hồi được.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo: Nguyễn Sỹ C phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999.
Xử phạt: Nguyễn Sỹ C 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (21/11/2017).
Giao bị cáo Nguyễn Sỹ C cho Uỷ ban nhân dân xã Kim C – thành phố Bắc Ninh – tỉnh Bắc Ninh giám sát, giáo giục trong thời gian thử thách.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
Về vật chứng vụ án: Áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999. Điều 76 Bộm luật tố tụng hình sự.
Tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng) (Theo giấy nộp tiền vào tài khoản ngày 09/10/2017)Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết 326/NQ-QH14 ngày 30/12/2016 của Quốc hội khóa 14 quy định về án phí, lệ phí tòa án.
Bị cáo Nguyễn Sỹ C phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 164/2017/HSST ngày 21/11/2017 về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức
Số hiệu: | 164/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Yên Phong - Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về