Bản án 163/2019/HS-PT ngày 17/10/2019 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 163/2019/HS-PT NGÀY 17/10/2019 VỀ TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Vào các ngày 11 và 17 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 166/2019/TLPT-HS ngày 28 tháng 8 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn T. Do có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 208/2019/HS-ST ngày 16/7/2019 của Toà án nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Bị cáo bị kháng cáo:

Nguyễn T, sinh năm 1981 tại tỉnh Bình Dương; thường trú: Ô B lô M, khu dân cư N, phường B, thị xã D, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Đ (đã chết) và con bà Trần L, sinh năm 1954; có vợ tên Trần H, sinh năm 1979 và có 03 con; tiền sự, tiền án: Không có; bị tạm giam từ ngày 16/01/2019 đến ngày 02/02/2019 được hủy bỏ tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; hiện đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ - Công an thị xã Dĩ An theo Quyết định thi hành án phạt tù số 206/2019/QĐ-CA ngày 23/8/2019 của Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An, có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có kháng cáo:

Ông Phạm S, sinh năm 1993; thường trú: Số B, khu phố N, phường B, thị xã D, tỉnh Bình Dương (có mặt).

Ngoài ra, trong vụ án còn có 01 người làm chứng Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Đầu tháng 08/2018, ông Phạm S gặp bị cáo Nguyễn T nhờ T vay giúp 150.000.000 đồng. T gặp người tên Kh khùng ở khu vực phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai hỏi vay 150.000.000 đồng với lãi suất 25%/tháng. Ngày 02/08/2018, T gặp Kh nhận 150.000.000 đồng sau đó nhắn S đến lấy tiền, S và T thỏa thuận T cho S vay số tiền 150.000.000 đồng với lãi suất 30%/tháng.

Ngày 01/09/2018, S hỏi T vay 150.000.000 đồng, T tiếp tục gặp Kh khùng hỏi vay 150.000.000 đồng lãi suất 25%/tháng và cho S vay lại với lãi suất 30%/tháng, S trả lãi khoản vay 150.000.000 đồng ngày 02/8/2018 với số tiền lãi 45.000.000 đồng. Ngày 02/10/2018, S trả lãi cho T số tiền 300.000.000 đồng là 90.000.000 đồng.

Ngày 14/10/2018, S hỏi T vay 120.000.000 đồng, T tiếp tục vay Kh khùng 120.000.000 đồng lãi suất 25%/tháng cho S vay lại với lãi suất 30%/tháng. Ngày 15/11/2018, S trả T tiền lãi 420.000.000 đồng là 126.000.000 đồng.

Đến ngày 17/12/2018, ông S và T chốt tiền lãi 126.000.000 đồng, S trả lãi không đúng hạn phải chịu thêm 38.000.000 đồng lãi, tổng số tiền lãi 164.000.000 đồng, tiền gốc 420.000.000 đồng. Tổng gốc và lãi 584.000.000 đồng. S viết giấy hẹn trả T tiền gốc, lãi từ ngày 20/12/2018 đến ngày 30/12/2018. Sau đó, S trả T 32.000.000 đồng còn lại 552.000.000 đồng. Tính đến ngày 05/01/2019, S và gia đình trả cho T tiền gốc 420.000.000 đồng, tiền lãi 293.000.000 đồng. T yêu cầu S trả thêm tiền lãi 132.000.000 đồng. Đến ngày 16/01/2019, T đến nhà S đòi tiền lãi 132.000.000 đồng thì bị bắt giữ điều tra làm rõ.

Vật chứng: 01 giấy nhận tiền ghi ngày 30/12/2018; 01 giấy ghi nợ tiền, 01 giấy đề ngày 20/12/2018 ghi tổng số tiền phải trả có chữ ký của T và S; 01 giấy thỏa thuận vay tiền 584.000.000 đồng, 01 cuốn vở ghi chép (được lưu trong hồ sơ vụ án).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 208/2019/HS-ST ngày 16/7/2019 của Toà án nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

- Tuyên bố bị cáo Nguyễn T phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Căn cứ vào khoản 2 Điều 201, điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự: Xử phạt bị cáo Nguyễn T 07 (bảy) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, bị cáo được tính trừ thời gian tạm giam từ ngày 16/01/2019 đến ngày 02/02/2019.

- Biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 46, điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự: Buộc bị cáo Nguyễn T nộp lại số tiền 188.529.000 đồng (một trăm tám mươi tám triệu, năm trăm hai mươi chín nghìn đồng) sung vào Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo.

Ngày 29/7/2019, người có quyền lợi liên quan ông Phạm S có đơn kháng cáo một phần bản án hình sự sơ thẩm về biện pháp tư pháp; ông S cho rằng số tiền 188.529.000 đồng là số tiền của ông Sơn đóng lãi cho bị cáo Nguyễn T. Do đó, ông S đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm cho ông S được nhận lại số tiền trên.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Vụ án còn nhiều tình tiết cấp sơ thẩm chưa làm rõ, mâu thuẫn, cụ thể:

- Ông S có nhu cầu vay tiền và liên hệ trực tiếp T vay 03 lần với tổng số tiền là 420.000.000 đồng (đồng ý thỏa thuận mức vay với lãi suất 30%/tháng). Đến thời điểm xác lập tin báo thì ông S đã trả tiền gốc đã vay là 420.000.000 đồng và tiền lãi 293.000.000 đồng cho T nhưng cấp sơ thẩm không tuyên buộc bị cáo T nộp vào vào Ngân sách nhà nước số tiền gốc đã cho ông S vay là số tiền dùng vào việc phạm tội và 20%/tháng lãi suất là số tiền phát sinh trong quá trình thực hiện tội phạm là vi phạm Điều 46, 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Cấp sơ thẩm căn cứ Điều 46, điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, tuyên buộc bị cáo Nguyễn T nộp lại số tiền 188.529.000 đồng (một trăm tám mươi tám triệu, năm trăm hai mươi chín nghìn đồng) sung vào Ngân sách nhà nước là không có căn cứ và vi phạm Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể, tổng số tiền mà T thu lợi bất chính là 271.586.000 đồng và số tiền lãi trong mức pháp luật cho phép là 21.414.000 đồng, cấp sơ thẩm xác định tiền thu lợi bất chính là 188.529.000 đồng là chưa đúng quy định.

- Đối với đối tượng tên Kh khùng, cấp sơ thẩm không điều tra xác định rõ nhân thân, hành vi phạm tội để áp dụng các biện pháp tố tụng nhằm đảm bảo cho vụ án được giải quyết toàn diện là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vì theo lời khai bị cáo T, tất cả số tiền gốc 420.000.000 đồng cho ông S vay và ông S đã trả số tiền 293.000.000 đồng là tiền lãi này bị cáo đã đưa hết cho đối tượng tên Kh khùng và Kh khùng cho lại bị cáo số tiền 34.500.000 đồng (chênh lệch 5% từ mức lãi 30%).

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định rõ đối tượng tên Kh khùng đồng thời làm rõ vai trò của bị cáo T trong vụ án này là đồng phạm hay phạm tội độc lập (vay tiền của Kh về cho S vay lại với lãi suất cao hơn), từ đó mới có căn cứ xác định số tiền dùng vào việc phạm tội và số tiền phát sinh trong quá trình thực hiện tội phạm đối với bị cáo.

- Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn có những vi phạm: Chứng minh nhân dân cùng sổ hộ khẩu của bị cáo (BL 38, 40-47) thì tên và năm sinh vợ bị cáo T khác so với lý lịch bị can, danh chỉ bản, yêu cầu tra cứu và thông báo kết quả tra cứu. Trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng lập biên bản đầu thú đối với bị cáo nhưng cấp sơ thẩm không xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự làm ảnh hưởng đến quyền lợi bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355, Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự, hủy toàn bộ bản án của Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An để điều tra xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Phạm S đề nghị Hội đồng xét xử xem xét buộc bị cáo T trả lại số tiền lãi vượt mức pháp luật quy định mà ông S đã đóng cho bị cáo T.

Trong lời nói sau cùng, các bị cáo T đề nghị Hội đồng xem xét bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo chỉ là trung gian vay tiền của Kh khùng giao lại cho S, bị cáo không có tiền để giao nộp lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn T khai nhận:

Từ ngày 02/8/2018 đến ngày 14/10/2018, Nguyễn T cho ông S vay nhiều lần với tổng số tiền 420.000.000 đồng, lãi suất 30%/tháng. Đến khi bị phát hiện bắt giữ ông S đã trả cho T 420.000.000 đồng tiền gốc (đến ngày 05/01/2019 trả hết) và 293.000.000 đồng tiền lãi. Lãi suất T cho ông S vay 30%/tháng tương ứng với 360%/năm, trong khi mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự không được vượt quá 20%/năm. Bị cáo T cũng khai nhận: T và đối tượng tên Kh khùng cùng ở Thành phố B, tỉnh Đồng Nai (không rõ nhân thân, lai lịch) quen biết nhau. Khi ông S đến nhà T bảo vay tiền thì T nhiều lần liên hệ nhận tiền từ Kh khùng đưa cho S vay với lãi suất 30%/tháng, T đã lấy 5%/tháng trên số lãi suất 30%/tháng tương đương số tiền 34.500.000 đồng. Số tiền gốc cũng như lãi phát sinh mà S nộp, T đã giao lại toàn bộ cho Kh khùng.

[2] Xét kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Hội đồng xét xử xét thấy, Nguyễn T cho ông Phạm S vay nhiều lần với tổng số tiền là 420.000.000 đồng, lãi suất 30%/tháng, cụ thể:

- Lần 1: Đầu tháng 8/2018, T cho S vay 150.000.000 đồng, lãi 30%/tháng (là 360%/năm) đã đóng lãi 45.000.000 đồng. Theo lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự (không vượt quá 20%/năm, tính theo tháng là 1,66%/tháng) thì T cho vay vượt quá 18 lần so mức lãi suất cao nhất theo quy định. Theo đó, lãi theo quy định pháp luật cho phép: 150.000.000 đồng x 1,66%/tháng = 2.490.000 đồng. Lãi vượt quá mức quy định cho phép mà bị cáo T đã nhận của S: 45.000.000 - 2.490.000 đồng = 42.510.000 đồng.

- Lần 2: Ngày 01/9/2018, T tiếp tục cho S vay 150.000.000 đồng, lãi 30%/tháng. Cộng với số nợ gốc lần 01 là 150.000.000 đồng, tổng cộng S nợ T 300.000.000 đồng. Ngày 02/10/2019, S đóng lãi tổng cộng là 90.000.000 đồng. Như vậy, lãi theo quy định pháp luật cho phép: 300.000.000 đồng x 1,66%/tháng = 4.980.000 đồng. Lãi vượt quá mức quy định cho phép mà bị cáo T đã nhận của S: 90.000.000 - 4.980.000 đồng = 85.020.000 đồng.

- Lần 3: Ngày 14/10/2018, T tiếp tục cho S vay 120.000.000 đồng, lãi 30%/tháng. Tổng cộng tiền gốc T cho S vay 03 lần là 420.000.000 đồng. Ngày 15/11/2018, S trả T tiền lãi là 126.000.000 đồng. Như vậy, lãi theo quy định pháp luật cho phép: 420.000.000 đồng x 1,66%/tháng = 6.792.000 đồng. Lãi vượt quá mức quy định cho phép mà bị cáo T đã nhận của S: 126.000.000 - 6.792.000 đồng = 119.208.000 đồng. Đến tháng 12/2018, S tiếp tục trả lãi cho Tân 32.000.000 đồng. Ngày 05/01/2019, S và gia đình trả cho T tiền gốc 420.000.000 đồng. Như vậy, tiền lãi theo quy định pháp luật cho phép từ ngày 15/11/2018 đến tháng 12/2019 đối với số tiền 420.000.000 đồng: 420.000.000đồng x 1,66%/tháng = 6.792.000 đồng. Lãi vượt quá mức quy định cho phép mà bị cáo T đã nhận của S: 32.000.000 - 6.792.000 đồng = 25.028.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền T thu lợi bất chính là 271.586.000 đồng, chênh lệch 83.057.000 đồng so với cấp sơ thẩm xác định. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định số tiền thu lợi bất chính của bị cáo T là 188.529.000 đồng (cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định tiền thu lợi bất chính của bị cáo thu được sau khi trừ đi số tiền lãi theo quy định pháp luật là 20%/năm x 5 lần, theo bảng thống kê tiền thu lợi bất chính (BL 71)). Việc xác định tiền thu lợi bất chính làm căn cứ khởi tố, xét xử bị cáo của cấp sơ thẩm là chưa đúng theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự, khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông S (người vay).

Đối với số tiền gốc 420.000.000 đồng bị cáo T đã cho ông S vay là phương tiện phạm tội và số tiền 25.270.000 đồng lãi phát sinh tương ứng với mức lãi suất 20%/năm là khoản tiền phát sinh từ tội phạm nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên buộc bị cáo Nguyễn T nộp lại để sung vào ngân sách nhà nước là không đúng quy định theo Điều 46, 47 Bộ luật Hình sự. Đối với số tiền 271.586.000 đồng tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên cần tuyên trả lại cho người vay. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên buộc bị cáo T nộp lại để sung vào ngân sách nhà nước là không đúng theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, Điều 48 Bộ luật Hình sự, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông S (người vay).

Ngoài ra, tại phiên tòa, bị cáo T khai nhận không biết rõ họ tên, nơi cư trú của đối tượng Kh khùng nhưng khẳng định bị cáo và đối tượng Kh khùng thường xuyên gặp nhau tại quán cà phê trên đường số N, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai, nơi bị cáo nhận và đưa tiền cho Kh khùng. Nếu bị cáo đến quán cà phê này sẽ gặp được đối tượng Kh khùng, do Kh khùng thường xuyên có mặt tại quán. Để đảm bảo vụ án được giải quyết toàn diện, cơ quan điều tra cần thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định đối tượng tên Kh khùng, làm rõ vai trò của bị cáo T trong vụ án này là đồng phạm hay phạm tội độc lập, từ đó mới có căn cứ xác định số tiền dùng vào việc phạm tội và số tiền phát sinh trong quá trình thực hiện tội phạm đối với bị cáo để xử lý đúng quy định. Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng lập biên bản đầu thú đối với bị cáo (BL9) nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là thiếu sót; chưa làm rõ để điều chỉnh phần lý lịch bị cáo (họ tên, năm sinh vợ bị cáo) cho phù hợp.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy, việc điều tra ở cấp sơ thẩm là chưa đầy đủ, Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Để giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan và đảm bảo nguyên tắc chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần thiết phải hủy Bản án số 208/2019/HS-ST ngày 16/7/2019 của Toà án nhân dân thị xã Dĩ An để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.

[3] Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc giải quyết vụ án là phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Về án phí: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phạm S không phải nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355 và Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự;

1. Chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm S; Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 208/2019/HS-ST ngày 16/7/2019 của Toà án nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

2. Giao hồ sơ vụ án về Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để điều tra lại theo thu tục chung.

3. Về án phí: Áp dụng Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phạm S không phải nộp, hoàn trả cho ông S 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm tại các Biên lai thu tiền số 0029167 ngày 26/8/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

683
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 163/2019/HS-PT ngày 17/10/2019 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Số hiệu:163/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:17/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về