TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 162/2019/HC-PT NGÀY 11/04/2019 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ
Ngày 11 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 468/2018/TLPT-HC ngày 10 tháng 9 năm 2018 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư”.
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 1013/2018/HC-ST ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 382/2019/QĐ-PT ngày 22 tháng 3 năm 2019 giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Ông Chu Hoài N, sinh năm 1965 (có mặt);
Địa chỉ: Số 84 đường Đ1, Phường 7, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện: Luật sư Phạm Quang B, sinh năm 1950 – Văn phòng Luật sư Phạm Quang B – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt);
Địa chỉ: Số 820 đường Đ2, Phường 14, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Người bị kiện: Ủy ban nhân dân huyện X, Thành phố Hồ Chí Minh;
Trụ sở: Số 330 đường Đ4, Ấp 1, xã Đ3, huyện X, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn L – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X (vắng mặt).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện:
- Ông Lê Văn H1 – Phó Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện X, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt);
- Ông Huỳnh Văn H2 - Phó Trưởng phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện X, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt);
- Ông Đỗ Văn H3 – Phó trưởng Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện X, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt);
- Bà Hồng Kim H4 – Trưởng phòng Xây dựng dự án - Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng huyện X, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Số 330 đường Đ4, Ấp 1, xã Đ3, huyện X, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người kháng cáo: ông Chu Hoài N, là người khởi kiện.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Theo đơn khởi kiện ngày 01/6/2012; đơn khởi kiện bổ sung ngày 17/9/2015, ngày 24/9/2015; văn bản xác định yêu cầu khởi kiện ngày 31/5/2017; Bản tự khai và biên bản đối thoại, người khởi kiện là ông Chu Hoài N trình bày:
Năm 1999, ông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Đặng Văn E. Ông đã cải tạo đất, dựng nhà ở. Năm 2001, Ủy ban nhân dân huyện X thu hồi toàn bộ diện tích 5.952 m2 đất ông đang sử dụng gồm các thửa số: 56, 57, 59, tờ bản đồ số 1 trong đó có 90 m2 đất thổ lâu năm (T.Ln thuộc thửa 59) giao cho Công an Thành phố để thực hiện xây dựng trại giam T30 tại xã P, huyện X. Trên đất có nhà ở (diện tích là 30,6 m2) bị giải tỏa trắng. Trên Tờ khai mốc thời gian sử dụng đất, Ủy ban nhân dân xã xác nhận nhà xây dựng năm 1999. Biên bản kiểm kê thiệt hại tài sản tại mục 7 ghi “Nhà ở”. Như vậy, đã xác định ông có nhà ở, diện tích là 30,6 m2, có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân xã. Theo sơ đồ đo đạc nhà xưởng và các vật kiến trúc khác: ông có nhà ở, diện tích nhà là 30,6 m2, sơ đồ có đầy đủ chữ ký của các thành phần và có đóng dấu của Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban nhân dân huyện X.
Căn cứ vào quy định pháp luật, Phương án đền bù 18/PAĐB ngày 06/6/2001, ông có đất ở và đất ở do ông sử dụng được đền bù thiệt hại. Chiếu theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Phần II và Khoản 1 Phần VII Phương án đền bù số 18/PAĐB thì ông đương nhiên được đền bù đất ở bị thu hồi bằng 300 m2 đất ở tại khu tái định cư T30. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện X lại đền bù nhà ở của ông thành chòi, đền bù đất ở do ông sử dụng theo giá đất nông nghiệp, không thực hiện việc đền bù đất ở bị thu hồi bằng 300 m2 đất ở tại khu tái định cư T30.
Chủ đầu tư đã chấp nhận dùng 78 lô đất nền biệt thự để đền bù bằng đất ở cho 78 trường hợp bị giải tỏa trắng. Tại Quyết định số 4447/QĐ-UB ngày 17/10/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xác nhận có 78 nền đất biệt thự để phục vụ di dời, giải tỏa các hộ dân của dự án đầu tư xây dựng Trại tạm giam T30 tại xã P huyện X. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện X chỉ cấp nền tái định cư cho 28 hộ (không có ông trong đó).
Khi thu hồi đất, Ủy ban nhân dân huyện X, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện X đã làm trái các quy định của pháp luật đối với các hộ dân thuộc dự án cũng như đối với ông, làm trái quy định pháp luật về trình tự và thủ tục trong thu hồi đất, bồi thường thiệt hại đối với ông, vi phạm chế độ đền bù, đền bù đất ở bằng đất ở khác tại khu tái định cư. Ủy ban nhân dân huyện X cũng không ban hành quyết định thu hồi đất, không ban hành quyết định đền bù thiệt hại đối với ông. Ngoài ra trên nhiều giấy tờ của bộ hồ sơ đền bù do ông Chu Duy C ký tên mà không có sự ủy quyền của ông. Ông cũng không ký vào biên bản hiệp thương đền bù.
Như vậy, trong quá trình đền bù và hỗ trợ thiệt hại, Ủy ban nhân dân huyện X đã thực hiện sai các quy định của pháp luật, thực hiện không đúng theo phương án đền bù giải tỏa như đã cam kết, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông.
Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện - Ủy ban nhân dân huyện X thể hiện ở cấp sơ thẩm như sau:
Căn cứ các văn bản pháp lý theo qui định pháp luật, ngày 06/9/2001, Ủy ban nhân dân huyện X lập hồ sơ đền bù, hỗ trợ cho ông N như sau:
- Ông N bị thu hồi 5.952m2 đất thuộc thửa 56 là 55m2 (NĐ); thửa 57 là 5.807m2 (L); thửa 59 là 90m2 (TV), tờ bản đồ số 1 xã P. Ông N chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc đất là ông N nhận chuyển nhượng từ ông Đặng Văn E ngụ tại số 40, Ấp 2, xã P, huyện X theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 14/04/1999 và được Ủy ban nhân dân xã P xác nhận (ông Chu Duy C là người ký nhận chuyển nhượng theo Văn bản số 01 ngày 02/01/1999 do Ủy ban nhân dân Phường 7, Quận 5 xác nhận).
- Trên khu đất 5.952m2 có cấu trúc xây dựng diện tích 30,6m2 phục vụ cho việc chăn nuôi, trồng hoa màu và nuôi cá, chủ yếu là phục vụ cho việc chăn nuôi, không tạo lập nhà ở ổn định trên phần đất này, nhà không số, không hộ khẩu.
Ông N không đủ điều kiện bồi thường đất ở và tái định cư, do không đủ căn cứ pháp lý chứng minh đã ở ổn định lâu dài. Do vậy, căn cứ pháp lý thực hiện dự án và nguồn gốc sử dụng đất của ông N lúc bấy giờ thì việc lập hồ sơ bồi thường cho ông N là đúng quy định và ông N cũng đã đồng ý nhận tiền đền bù ngày 11/01/2002 (ông Chu Duy C nhận theo ủy quyền). Ủy ban nhân dân huyện X vẫn giữ nguyên việc lập hồ sơ đền bù năm 2001 của ông N và không chấp nhận việc khiếu kiện của ông N, đề nghị Tòa án bác các yêu cầu khởi kiện của ông Chu Hoài N.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 1013/2018/HC-ST ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
Áp dụng:
- Điều 32, Điều 60, Điều 116, Khoản 1 Điều 157, Điều 158, Điều 206 Luật Tố tụng hành chính 2015;
- Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và Thông tư số 145/1998/TT-BTC ngày 04/11/1998 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ.
- Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Chu Hoài N về việc:
- Yêu cầu Tuyên bố hành vi của Ủy ban nhân dân huyện X thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại đối với ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật; Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X thực hiện lại toàn bộ trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.
- Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không tính đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N.
- Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không thực hiện việc đền bù 300m2 đất ở bị thu hồi bằng 300 m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30 cho ông
Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù 300m2 đất ở cho ông Chu Hoài N bằng 300m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo về quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 09/8/2018, người khởi kiện ông Chu Hoài N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện ông Chu Hoài N và Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông N, gồm:
- Tuyên bố hành vi của Ủy ban nhân dân huyện X thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại đối với ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật; Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X thực hiện lại toàn bộ trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại theo đúng quy định pháp luật;
- Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không tính đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N;
- Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không thực hiện việc đền bù 300m2 đất ở bị thu hồi bằng 300 m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30 cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù 300m2 đất ở cho ông Chu Hoài N bằng 300m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30 với các lý do: Toàn bộ khuôn viên đó không ai có điện nước, hộ khẩu; thực tế nhà ông N có nhà ở nên theo Biên bản kiểm kê tại mục 7 ghi “nhà ở”; ông N có đi sang Matxcơva công tác nên cho là ông N không ở Việt Nam là chưa chính xác; phương án đền bù qui định rõ đất ở hộ gia đình thế nào, có nhà thì có đất ở, không nêu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông N có nhà khi thu hồi thì phải xem xét đền bù; Ủy ban thực hiện việc đền bù 300m2 đất ở thực hiện cho ông N trái qui định, ông N không có nơi ở khác, có làm đơn xin tái định cư, đất ông N bị giải tỏa trắng; bản án sơ thẩm không buộc Ủy ban nhân dân huyện X ra quyết định thu hồi đất là trái qui định pháp luật; việc thu hồi đất đều căn cứ vào ủy quyền cho ông Chu Duy C nhưng ủy quyền sau 2 tháng khi làm thủ tục thu hồi đất.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện nêu quan điểm: Ông N không đủ điều kiện bồi thường đất ở và tái định cư, do không đủ căn cứ pháp lý chứng minh đã ở ổn định lâu dài. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện X vẫn dành cho ông quyền được mua một nền đất trong khu tái định cư trong diện được bảo tồn vốn là đã có xem xét đến quyền lợi của ông. Việc thu hồi đất đã đảm bảo quyền lợi của ông N và tuân theo đúng qui định pháp luật. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông N, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa:
Về tố tụng, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính về phiên tòa phúc thẩm. Những người người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Về nội dung, qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có cơ sở xác định việc Ủy ban nhân dân huyện X đền bù và hỗ trợ cho ông Chu Hoài N khi bị thu hồi đất để thực hiện dự án Trại tạm giam T30 tại xã P, huyện X là đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, việc thu hồi từ năm 2001 nên áp dụng Luật đất đai 1993, theo đó không bắt buộc ra quyết định thu hồi riêng lẻ từng hộ gia đình. Thu hồi là có căn cứ và đúng qui định pháp luật, ông N yêu cầu bồi thường đất ở vì trên đất có nhà diện tích 30,6m2, tuy nhiên theo hồ sơ thể hiện cấu trúc nhà vách tôn mái lá nền đất và cũng có các công trình thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt mà thực tế là chòi canh, toàn bộ đất thu hồi là đất nông nghiệp, không hỗ trợ tái định cư là đúng qui định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của ông N, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Hội đồng xét xử căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, có đủ cơ sở để kết luận: Toàn bộ diễn biến vụ án như phần tóm tắt nội dung đã được viện dẫn ở trên, xét kháng cáo của ông Chu Hoài N, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên như sau:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Ngày 05/4/2019, người bị kiện có ông Nguyễn Văn L là đại diện có đơn xin xét xử vắng mặt. Theo khoản 4 Điều 225 Luật tố tụng hành chính Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt đương sự nêu trên.
[1.2] Theo các yêu cầu của ông N tại đơn khởi kiện ngày 01/6/2012, và các đơn khởi kiện bổ sung ngày 17/9/2015, 24/9/2015, 31/5/2017 với các yêu cầu: Tuyên bố hành vi của Ủy ban nhân dân huyện X thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại đối với ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật; Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X thực hiện lại toàn bộ trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại theo đúng quy định pháp luật; Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không tính đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật.
Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N; Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không thực hiện việc đền bù 300m2 đất ở bị thu hồi bằng 300 m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30 cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù 300m2 đất ở cho ông Chu Hoài N bằng 300m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30 thì đối tượng khởi kiện được xác định là hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân huyện X trong lĩnh vực quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật tố tụng hành chính 2010, cũng như quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật tố tụng hành chính 2015.
[1.3] Việc Ủy ban nhân dân huyện X đền bù, hỗ trợ cho ông N do Nhà nước thu hồi đất từ năm 2001 để thực hiện Dự án xây dựng Trại giam T30. Tuy nhiên, ông N không đồng ý và có đơn khiếu nại. Do đó, việc ông N có đơn khởi kiện lần đầu vào ngày 01/6/2012 là còn thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 56/2010/NQ-QH của Quốc hội về hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính 2010. Sau đó, ông N có các đơn khởi kiện bổ sung, đơn khởi kiện bổ sung gần nhất là ngày 31/5/2017. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định yêu cầu khởi kiện của ông N còn trong thời hiệu theo luật định là có căn cứ. Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính 2015.
[2] Về nội dung:
[2.1] Đối yêu cầu tuyên bố hành vi của Ủy ban nhân dân huyện X thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại đối với ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật; Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X thực hiện lại toàn bộ trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 05/12/2000, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 07/CP-NN về việc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và tạm giao 60 ha đất tại xã P, huyện X cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức việc đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng trại tạm giam ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 20/02/2001, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1002/QĐ-UB về việc thu hồi và tạm giao đất cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng trại tạm giam T30 tại xã P, huyện X.
Ngày 15/8/2001, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2870/QĐ-UB về việc điều chỉnh, di chuyển các hộ dân cư, cơ quan, đơn vị, vật kiến trúc khác và đền bù trợ cấp thiệt hại, tái định cư trong dự án đầu tư xây dựng trại tạm giam T30, tại xã P, huyện X.
Tại thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các quyết định thu hồi đất và bồi thường nêu trên thì Luật đất đai năm 1993 đang có hiệu lực pháp luật. Luật đất đai năm 1993 không quy định phải ban hành quyết định thu hồi chi tiết đối với từng hộ dân có đất bị thu hồi. Vì vậy, Ủy ban nhân dân huyện X không ban hành quyết định thu hồi đất đối từng hộ cũng như cá nhân hộ ông N là không trái với quy định của pháp luật đất đai tại thời kỳ này.
Căn cứ vào Quyết định số 1002/QĐ-UBND ngày 20/02/2001 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 4096/QĐ-UBND ngày 05/7/2001 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đính kèm Phương án bồi thường số 18/PAĐB ngày 06/6/2001, Ủy ban nhân dân huyện X đã lập Biên bản hiệp thương đền bù ngày 06/9/2001 và chi trả tiền đền bù, tiến hành họp dân, kiểm kê các vật kiến trúc, cây trồng trên đất, tiến hành hiệp thương với ông N, ông N đã đồng ý và ủy quyền cho cha là ông Chu Duy C ký nhận tiền đền bù. Như vậy, Ủy ban nhân dân huyện X thực hiện theo đúng các quy định mà Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ và Phương án đền bù số 18/PAĐB ngày 06/6/2001 quy định.
Do đó, ông N yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện X thực hiện lại toàn bộ trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại là không có căn cứ để chấp nhận.
[2.2] Đối với yêu cầu tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không tính đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N.
Nguồn gốc diện tích 5.826m2 đất bị thu hồi của ông N là ông N nhận chuyển nhượng lại của ông Đặng Văn E vào năm 1999 được Ủy ban nhân dân xã P, huyện X xác nhận. Tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 420/QSDĐ do Ủy ban nhân nhận huyện X cấp cho ông Đặng Văn E ngày 01/01/1997 thì diện tích 5.862m2 đất gồm các thửa số: 56, 57 tờ bản đồ số 1 tại xã P, huyện X, với mục đích sử dụng là đất “NĐ, Lúa” không có đất ở.
Ông N kháng cáo cho rằng, sau khi nhận chuyển nhượng đất từ ông E, ông có cải tạo đất và làm nhà ở trên diện tích 30,6m2, kết cấu mái tole, vách lá, nền đất, ông có nhu cầu ở thực sự nên phải được bồi thường theo đơn giá đất ở. Xét thấy:
Cho đến thời điểm thu hồi đất thì toàn bộ diện tích đất tại thửa số 56, 57 này vẫn là đất nông nghiệp. Ông N cũng thừa nhận là sau khi nhận chuyển nhượng từ ông E, có làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Tại Biên bản kiểm kê thiệt hại tài sản ngày 25/7/2001 cũng thể hiện: Nhà ở: diện tích 30,6m2, mái tole, vách lá, nền đất. Ông N cũng không đăng ký hộ khẩu thường trú hay tạm trú, không cư trú lâu dài tại căn nhà nêu trên. Điều này được thể hiện tại Giấy ủy quyền lập ngày 01/12/2001 xác định ông N sinh sống, làm việc tại nước ngoài (Matxcơva). Hơn nữa, căn nhà có diện tích 30,6m2 nêu trên được dựng trên nền đất nông nghiệp, không phải là nhà để ở ổn định, không có công trình nào khác, không có hợp đồng mua bán điện, chỉ phục vụ cho việc chăn nuôi, trồng hoa màu và nuôi cá nên không đủ điều kiện xét đền bù, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của phần II Phương án đền bù số 18/PAĐB ngày 06/6/2001 nêu trên. Do vậy, Ủy ban nhân dân huyện X xác định căn nhà không số nêu trên là chòi canh và có mức đền bù, hỗ trợ thiệt hại theo Biên bản hiệp thương ngày 06/9/2001 là có căn cứ.
Vì vậy, yêu cầu kháng cáo này của ông N là không có căn cứ.
[2.3] Đối với yêu cầu tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không thực hiện việc đền bù 300m2 đất ở bị thu hồi bằng 300 m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30 cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù 300m2 đất ở cho ông Chu Hoài N bằng 300m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30.
Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 thì việc tái định cư dùng để đền bù cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi nhà ở, đất ở và phải di chuyển đến nơi ở khác. Toàn bộ diện tích đất bị thu hồi của ông N là đất nông nghiệp. Ủy ban nhân dân xã P xác nhận cấu trúc xây dựng năm 1999 do ông N sử dụng và là nhà không số, không phải có nguồn gốc từ ông E, ông N không tạo lập nhà ở ổn định trên đất bị thu hồi, căn nhà lá 30,6m2 chủ yếu phục vụ việc chăn nuôi, trồng hoa màu và nuôi cá. Do đó, ông N không đủ điều kiện tái định cư theo quy định tại mục 2 phần II Phương án số 18/PAĐB nêu trên. Tuy nhiên, ông N đủ tiêu chuẩn mua nền đất ở theo giá bảo tồn vốn theo Công văn số 334/UBND-PCNC-M ngày 26/7/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố và ông N đã bốc thăm nhận nền đất ở lô A7 là 99,9 m2, C7 là 100,09m2 tại khu tái định T30 xã P vào ngày 17/01/2017.
Như vậy, quyền lợi của ông N đã được đảm bảo. Nên yêu cầu kháng cáo này của ông N là không có cơ sở chấp nhận. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét và không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông N, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
[4] Về án phí hành chính phúc thẩm: Người khởi kiện, ông Chu Hoài N phải chịu do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
Bác kháng cáo của người khởi kiện ông Chu Hoài N; Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 1013/2018/HC-ST ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuyên xử:
1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Chu Hoài N về việc:
- Yêu cầu Tuyên bố hành vi của Ủy ban nhân dân huyện X thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại đối với ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật; Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X thực hiện lại toàn bộ trình tự thủ tục thu hồi đất, đền bù thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.
- Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không tính đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù đất ở cho ông Chu Hoài N.
- Tuyên bố hành vi Ủy ban nhân dân huyện X không thực hiện việc đền bù 300m2 đất ở bị thu hồi bằng 300 m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30 cho ông Chu Hoài N là trái quy định pháp luật. Buộc Uỷ ban nhân dân huyện X phải đền bù 300m2 đất ở cho ông Chu Hoài N bằng 300m2 đất ở khác tại khu tái định cư T30.
2. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Chu Hoài N phải chịu 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai thu số 0049399 ngày 15/8/2018 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 162/2019/HC-PT ngày 11/04/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính trong bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư
Số hiệu: | 162/2019/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 11/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về