Bản án 162/2018/HS-PT ngày 15/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 162/2018/HS-PT NGÀY 15/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 14 và 15 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnhNghệ An mở phiên toà xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số189/2018/TLPT-HS ngày 26 tháng 9 năm 2018 đối với bị cáo Đoàn Thị K do có kháng cáo của bị cáo, bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 301/2018/HS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Đoàn Thị K; tên gọi khác: Không; sinh năm 1960; nơi cư trú: Khối 14, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: Hưu trí; trình độ văn hoá: 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đoàn V (chết) và bà Phan Thị L (chết); anh chị em ruột: 07 người, bị cáo là con thứ bảy; chồng: Lê Hải T, sinh năm 1959, có 1 con sinh năm 1990; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.

- Bị hại có kháng cáo: Bà Trần Thị L, sinh năm: 1958, trú tại: Khối 14, phường Lê Lợi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Hữu L - Văn phòng Luật sư T,Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt.

- Người làm chứng:

1. Bà Trần Thị T, sinh năm: 1960, trú tại: Khối 14, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An; có mặt.

2. Chị Nguyễn Thị S, sinh năm: 1984, trú tại: Khối 5, phường H, thành phố V,tỉnh Nghệ An; có mặt.

3. Chị Lê Thị Th, sinh năm: 1973, trú tại: Xóm 8, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

4. Bà Phạm Thị Th, sinh năm: 1967, trú tại: Xóm 11, xã Ng, thành phố V,tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

5. Chị Võ Thị H, sinh năm: 1993, trú tại: Xóm 10, xã Ng, thành phố V, tỉnhNghệ An; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên vào khoảng 07 giờ 30 phút ngày09/12/2017, Đoàn Thị K đang đứng trước nhà mình thấy bà Trần Thị L đang ngồi bán hàng, vì cho rằng bà L lấy trộm chiếc đế chân ô của chị Nguyễn Thị S, nên đã chửi bà L “Đồ gian dối thu cái chân ô của con S để bắt tau đền”. Bà L đáp lại “Tau nỏ cần ăn trộm của ai, cái chân ô con S cho tau rồi”, sau đó cả hai người có lời qua tiếng lại, cãi vã nhau một lúc rồi im lặng đi về.

Đến khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, bà L đi bộ từ nhà ở số 34 đến phía nhà số 48 ngõ 278 đường T thuộc khối 14, phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An thì gặp Đoàn Thị K, vì cho rằng bà L đã chặt buồng chuối do bà H trồng nên Đoàn Thị K và bà L cãi nhau, bà L có nói lại: “Đây là hàng rào ông L nhà tau làm, chuối bà H lổ chín tau không thèm chặt” thì Đoàn Thị K đá vào chân trái bà L, bà L có nói: “A, mi đập tau à, tau gọi 113 đến dừ”, hai người lại tiếp tục cãi vã nhau thì Đoàn Thị K giơ tay đánh vào nón bà L đang đội trên đầu, bà L lấy nón đỡ thì Đoàn Thị K dùng hai tay xô bà L ngã ở thềm trước cổng nhà số 48, bà L kêu cứu: “Bay ơi, hắn xô tau ngã gãy tay rồi, gọi 113 cho tau với”, sau đó bà L được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa T để điều trị vết thương.

Bản kết luận giám định số 346/TTPY ngày 18/12/2017 của Trung tâm pháp y sở y tế, tỉnh Nghệ An kết luận: Bà Trần Thị L bị gãy đầu dưới hai xương cẳng tay phải đang cố định xương gãy bằng bột cẳng - bàn tay phải. Tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên đối với bà Trần Thị L tại thời điểm giám định là 16%.

Với nội dung trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 301/2018/HS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Đoàn Thị K phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng khoản 1 Điều 134, điểm i khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự; Điều 2, Điều 6 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018; khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Xử phạt bị cáo Đoàn Thị K 09 tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách18 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (27/7/2018). Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường L, thành phố V, tỉnh Nghệ An theo dõi giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Đoàn Thị K bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Trần Thị L số tiền 33.807.639đ (ba mươi ba triệu, tám trăm linh bảy ngàn, sáu trăm ba mươi chín đồng).

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí, trách nhiệm thi hành án, quyền kháng cáo của bị cáo, bị hại theo quy định của pháp luật.

Ngày 03/8/2018, bị cáo Đoàn Thị K làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơthẩm với nội dung kêu oan.

Ngày 07/8/2018, bị hại bà Trần Thị L làm đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Đoàn Thị K.

Tại phiên tòa, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo; bị hại đề nghị tăng hìnhphạt theo hướng không cho bị cáo hưởng án treo; đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An tham gia phiên toà phúc thẩm đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đoàn Thị K và kháng cáo của bị hại bà Trần Thị L, giữ nguyên án sơ thẩm về phần hình sự. Áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm i khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt Đoàn Thị K 9 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 18 tháng. Về dân sự: Áp dụng Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 589 Bộ luật dân sự, buộc bị cáo Đoàn Thị K phải bồi thường cho bà Trần Thị L khoảng 24.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Người bào chữa cho bị cáo tranh luận: Những người làm chứng chị H, chị S, chị Th, bà Th đều khai có sự việc bị cáo và bà L cãi nhau, nhưng không ai trực tiếp thấy bị cáo xô bà L ngã chỉ có lời khai của bà T là nhìn thấy bị cáo xô bà L ngã. Theo lời khai của bị cáo thì giữa bị cáo và bà T có mâu thuẫn, tại phiên tòa bà T thừa nhận trong quá khứ 2 người có mâu thuẫn, do đó lời khai của bà T là không khách quan. Vụ án xẩy ra ban ngày, người tham gia họp chợ rất đông nhưng không có ai can ngăn, có nhiều nhân chứng nhưng không ai nhìn thấy. Hôm đó trời rét, mưa phùn, giữa thềm và đường có độ dốc, bà L đi trượt ngã là có khả năng. Biên bản ghi lời khai tại Công an phường L không giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị cáo là vi phạm thủ tục tố tụng, bị cáo khai biên bản ghi lời khai ghi sẵn đưa cho bị cáo ký, tại phòng làm việc có camera thì có thể xem lại. Đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập ông Mai Hồng Th – cán bộ Công an phường L đến đối chất nếu không thì không dùng tài liệu này để buộc tội. Bị hại khai có, bị cáo khai không nên không đủ căn cứ buộc tội bị cáo.

Bị cáo đồng ý với quan điểm của Luật sư, không tranh luận gì thêm. Tại lờinói sau cùng, bị cáo vẫn kêu oan.

Bị hại đồng ý với quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát, không tranh luận gì thêm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đối với nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Đoàn Thị K: Tại phiên tòa,bị cáo Đoàn Thị K thừa nhận giữa bị cáo và bà Trần Thị L có mâu thuẫn với nhau từ trước, vào sáng ngày 09/12/2017, hai bên có xẩy ra cãi cọ, chửi bới, xô xát nhau nhưng không thừa nhận dùng tay xô bà L ngã dẫn đến gãy xương đầu dưới hai xương cẳng tay phải, việc bà L bị thương tích là do bà Liễu tự ngã. Bị cáo phủ nhận toàn bộ lời khai của mình tại Công an phường L và cho rằng trong quá trình lấy lời khai bị cáo dùng từ sai, Công an viết sẵn đưa bị cáo ký, không mang kính nên nhìn không rõ và đọc không hết, người làm chứng đều mâu thuẫn với bị cáo nên khai báo không khách quan. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” là oan cho bị cáo. Hội đồng xét xử thấy rằng:

Sau khi xẩy ra việc xô xát giữa bị cáo Đoàn Thị K và bị hại Trần Thị L, Công an phường L đã yêu cầu bị cáo và bà L về trụ sở Công an phường L làm việc. Tại Công an phường L, bị cáo khai: “…Bà L đi lại gần tôi và thách thức tôi thì tôi gạt tay bà L ra. Bà L liền quay sang đánh tôi nhưng tôi đẩy bà L ra và bà L bị ngã”; “Tôi và chị L đứng cãi vã nhau thì chị L đi lại gần tôi và thách thức tôi, sau đó dùng tay định ấn vào mặt tôi thì tôi gạt tay chị L ra. Sau đó chị L quay sang đánh tôi nên tôi đã xô chị L ngã” (Bút lục 30). Tại bản tự khai ngày 09/12/2017, tại Công an phường L, bị cáo khai: “…bà L chửi tôi, tôi chửi lại. Bà bảo tôi sang đây mà đập để tao gọi Công an. Tôi bảo đập làm chi cho bẩn tay. Tôi bảo thế, tôi đi lại cuối đường nhà tôi, bà lại chửi tôi, tôi chửi lại. Bà đấm tôi vào mặt, tôi đẩy ra để phòng vệ, xong bà lại dơ 2 tay bà ra chửi tôi và đòi đấm tôi vào mặt, tôi phòng vệ phải đẩy bà ra chứ tôi có muốn đập bà đâu” (bút lục 35).

Lời khai của bà Trần Thị T tại bút lục số 42 đến 47, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm bà T khẳng định khoảng 08 giờ 30 phút ngày 09/12/2017, bà thấy bà K và bà L to tiếng với nhau trước nhà số 48, ngõ 278 đường T, ở phía bên kia đường. Bà K đứng đối diện với bà L, khua hai tay đánh bà L rồi dùng hai tay xô bà L ngã đến vị trí trước cổng hai nhà số 48, 50.

Lời khai của chị Nguyễn Thị S, chị Lê Thị Th, chị Võ Thị H, bà Phạm Thị Th đều khẳng định sáng ngày 09/12/2017, bị cáo và bà L có xẩy ra chửi bới, xô xát nhau và bà L bị ngã gãy tay trước nhà số 48, ngõ 278 đường T. Ngoài ra chị Võ Thị H và chị Nguyễn Thị S khai còn nghe thấy những người xung quanh nói bị cáo K xô bà L ngã (bút lục 48 đến 61).

Đối với bị hại Trần Thị L, ngay sau khi sự việc xẩy ra và trong suốt quá trình tố tụng của vụ án, bà L khai: Bị cáo dùng chân đá vào người bà và dùng hai tay xô vào phía trước ngực của bà làm bà bị ngã ngữa chống hai tay xuống đất nên bị gãy tay trước nhà số 48, ngõ 278 đường T.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện: “Hiện trường nơi xẩy ra vụ việc là đoạn đường trong ngõ 278, đường T, phía trước số nhà 48 thuộc khối 14, phường L, thành phố V. Đoạn đường có vỉa hè được đổ bê tông từ số nhà 48 xuống mặt đường chiều cao xuống thấp theo hướng Nam Bắc. Phần mặt đường và vỉa hè có điểm giáp bằng nhau”.

Tại biên bản xem xét dấu vết trên thân thể ngày 09/12/2017 do Công an phường L lập thể hiện bà Trần Thị L “Có một vết thương sưng tấy không rõ hình xung quanh cổ tay phải”.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 346/TTPY ngày 18/12/2017 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Nghệ An kết luận: Bà Trần Thị L bị gãy đầu dưới hai xương cẳng tay phải đang cố định xương gãy bằng bột cẳng - bàn tay phải. Tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 16%.

Thấy rằng, tại thời điểm xẩy ra vụ án, bị cáo là một người bình thường, ở độ tuổi chín chắn, có trình độ nhận thức. Sau khi sự việc xẩy ra, bị hại và bị cáo đều được Công an phường L lấy lời khai, việc lấy lời khai của bị cáo và bị hại là do hai cán bộ lấy lời khai, không phải cùng một người. Ngoài nội dung bị cáo khai xô bà L ngã còn có những nội dung khác như: “Khi tôi đang đứng trước nhà tôi trong ngõ 278 đường T thì bà L đi sang ô đất của tôi cho thuê để bán hàng đuổi người thuê đất của tôi. Tôi thấy vậy nên có sang nói bà L là lấy thước ra mà đo lại thì bà L quay sang chửi bới xúc phạm tôi nên tôi có chửi lại…” ; “… sáng nay chị L sang đuổi khách nhà tôi …”; “chị L đi lại gần tôi và thách thức tôi, sau đó dùng tay định ấn vào mặt tôi..” và nội dung khai về lý lịch gia đình của bị cáo, những nội dung này không có trong bản khai của bị hại, bị cáo có khai thì Công an phường L mới biết. Căn cứ Biên bản phiên tòa sơ thẩm, thấy khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Quá trình điều tra bà đã được khai báo nhiều lần bà có ý kiến gì về các lời khai đó không?”, “Chữ ký trong biên bản lấy lời khai tại Công an phường L có phải của bị cáo không? bị cáo có được đọc lại biên bản lấy lời khai không?” và “Công an làm việc có công tâm, khách quan không?” thì bị cáo trả lời: “Bị cáo vẫn giữ nguyên toàn bộ lời khai, không có ý kiến gì.

Chỉ có tại Công an phường L quá trình lấy lời khai tôi có dùng sai từ”, “Tôi đã được đọc lại và ký vào biên bản lấy lời khai” và “Công an làm việc công tâm, khách quan, tôi không có ý kiến gì”; khi Kiểm sát viên hỏi “Tại Công an phường L bị cáo có khai nhận dùng tay xô ngã bà L tại sao sau đó lại thay đổi?” thì bị cáo trả lời: “Tại vì lúc đó cán bộ điều tra viết sẵn, bị cáo dùng từ sai, bị cáo không mang kính nên đọc không rõ” và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai cán bộ Công an phường L viết sẵn đưa bị cáo ký, bị cáo dùng từ sai, bị cáo có mang kính nhưng không đủ độ và khai không nhớ các lời khai khi chủ tọa phiên tòa sơ thẩm hỏi. Lời khai của bị cáo trước sau mâu thuẫn với nhau. Bị cáo khai dùng từ sai, chứng tỏ lời khai đó là của bị cáo và bị cáo đã được đọc biên bản lấy lời khai. Trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo không khiếu nại hành vi của Công an phường L. Ngoài lời khai do Công an phường L lấy ra, bị cáo còn tự viết bản tự khai. Do đó, việc bị cáo cho rằng lời khai của bị cáo tại Công an phường L là do bị cáo dùng từ sai và do bị cáo mang kính nhưng không đủ độ nên không nhìn rõ, đọc không hết và Công an phường L viết sẵn đưa bị cáo ký là không có căn cứ. Tại biên bản ghi lời khai bị cáo có thể hiện nội dung người khai đã được giải thích quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự do đó việc lấy lời khai của Công an phường L là hoàn toàn khách quan và đúng trình tự thủ tục của Bộ luật tố tụng hình sự nên không cần thiết phải triệu tập ông Mai Hồng Th - cán bộ Công an phường L đến phiên tòa.

Tại phiên tòa, bà Trần Thị T thừa nhận trước đây bị cáo và bà có mâu thuẫn nhau nhưng sau đó quan hệ giữa hai người đã trở lại bình thường; những người làm chứng khác đều khai không có mâu thuẫn với bị cáo và đều khẳng định chỉ có bị hại và bị cáo xô xát nhau, ngoài ra không có ai cùng tham gia xô xát hay can ngăn. Vì vậy lời khai của những người làm chứng là hoàn toàn khách quan.

Xét thấy lời khai của bị hại phù hợp với lời khai của những người làm chứng, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định pháp y về thương tích của bị hại và phù hợp với lời khai ban đầu của bị cáo tại Công an phường L. Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án ban đầu của Công anphường L, của Cơ quan cảnh sát điều tra là đúng trình tự Bộ luật tố tụng hình sự, không vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó ý kiến tranh luận của Luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng “Hôm đó trời rét, mưa phùn, giữa thềm và đường có độ dốc, bà L đi trượt ngã là có khả năng” mang tính suy luận không có căn cứ pháp lý.

Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận bị cáo Đoàn Thị K là người trực tiếp gây thương tích cho bà Trần Thị L 16% phải đến Bệnh viện điều trị. Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Đoàn Thị K về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không oan sai. Tuy nhiên, tại thời điểm xẩy ra vụ án, Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, khung hình phạt bị cáo bị truy tố, xét xử của Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 là tương đương nhau, nhưng khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 có mức khởi điểm cao hơn khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 nên Bộ luật hình sự năm 2015 không có lợi cho bị cáo. Do đó căn cứ vào khoản 1 Điều 7 Bộ Luật hình sự năm 2015, phải áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 để xét xử bị cáo là không đúng quy định của pháp luật, cần rút kinh nghiệm.

[2] Xét nội dung kháng cáo đề nghị không cho bị cáo hưởng án treo của bị hại, thấy rằng: Bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng; nhân thân tốt; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; có nơi cư trú rõ ràng, ổn định; bố mẹ bị cáo có công với cách mạng. Căn cứ vào tính chất hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là phù hợp. Do vậy giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm đối với bị cáo.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Hành vi của bị cáo Đoàn Thị K đã gây thương tích cho bà Trần Thị L nên cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà L là đúng pháp luật. Tuy nhiên, bà L yêu cầu bị cáo bồi thường 33.807.639 đồng, bao gồm: Tiền điều trị tại bệnh viện Th: 629.229 đồng; tiềm khám và điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tỉnh Nghệ An 233.000 đồng; tiền chụp xquang tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An: 73.000 đồng; Tiền khám và điều trị tại cơ sở Đông y số 251, đường L, thành phố V: 1.500.000 đồng; tiền khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: 5.254.410 đồng; Tiền chi phí đi lại để khám và điều trị: 2.218.000 đồng; tiền công mất thu nhập 30 ngày x 200.000 đồng = 6.000.000 đồng; tiền công người chăm sóc: 14 ngày x 100.000 đồng = 1.400.000 đồng; tiền ăn bồi dưỡng: 1.500.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất tinh thần: 15.000.000 đồng. Căn cứ vào biên bản xem xét dấu vết trên thân thể của bà L do Công an phường L lập ngày 09/12/2017 và bệnh án của Bệnh viện đa khoa Th thì bà L chỉ bị gãy đầu dưới haixương cẳng tay phải. Do đó trong tổng số tiền bà L yêu cầu có những khoản không hợp lý hoặc quá cao nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của bị hại là không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy chỉ xem xét bồi thường các chi phí hợp lý có hóa đơn chứng từ và chi phí thực tế liên quan đến việc cứu chữa phục hồi sức khỏe đối với vết thương do bị cáo gây ra ở cẳng tay phải của bà L, cụ thể:

- Chi phí điều trị tại bệnh viện Th: 629.229 đồng.

- Chi phí khám, điều trị tại cơ sở Đông y số 251, đường L, thành phố V: 1.500.000 đồng.

- Chi phí chụp Xquang tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An: 73.000 đồng.

- Chi phí điều trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh: 247.000 đồng.

- Chi phí khám bệnh tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tỉnh Nghệ An: 198.000 đồng.

- Chi phí khám chữa bệnh tại Phòng khám bệnh Đa khoa Trường Đại học Y khoa Vinh: 61.000 đồng.

- Tiền xe đi lại khám chữa bệnh tại các Bệnh viện tỉnh Nghệ An và đi giám định: 750.000 đồng.

- Tiền công mất thu nhập 30 ngày x 200.000 đồng = 6.000.000 đồng.

- Tiền công người chăm sóc: 14 ngày x 100.000 đồng = 1.400.000 đồng.

- Tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: 1.500.000 đồng.

Tổng cộng chi phí khám, điều trị, chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe được chấp nhận là 12.358.229 đồng.

- Đối với các chi phí khám và tiền thuốc điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 4.093.410 đồng vào các ngày 27/3/2018 và ngày 14/5/2018, Hội đồng xét xử thấy rằng: Căn cứ vào các hóa đơn chứng từ khám chữa bệnh và đơn thuốc điều trị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với bà Trần Thị L thì thấy khi vào Bệnh viện khám thì Bệnh viện chẩn đoán bà Liễu bị các bệnh về họng, viêm xoang mũi dị ứng, đau khớp vai, thoái hóa khớp gối nguyên phát và tại các chỉ định của Bác sỹ cũng như kết quả xét nghiệm, siêu âm, nội soi … đều thể hiện bà L làm các xét nghiệm, chụp Xquang, nội soi… liên quan đến khớp vai, khớp gối và tai mũi họng; tại các đơn thuốc do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kê đều là các loại thuốc chuyên điều trị các bệnh về đường hô hấp, viêm xoang mũi dị ứng và thoái hóa khớp. Những loại bệnh này không liên quan đến thương tích mà bị cáo gây ra cho bà L nên không có căn cứ chấp nhận. Do đó các khoản chi phí đi lại 1.128.000 đồng để khám bệnh tại Hà Nội không có căn cứ chấp nhận.

- Các khoản thu khám nội 350.000 đồng, khám nội 750.000 đồng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và phiếu thu 35.000 đồng tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An không có hóa đơn chứng từ nên không có cơ sở xem xét.

- Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần, thấy rằng: Bà L chỉ bị thương ở tay, tỷ lệ thương tật và mức độ tổn thất tinh thần không lớn, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường cho bà Liễu 15.000.000 đồng tương đương gần 11 tháng lương cơ bản tại thời điểm xét xử sơ thẩm là quá cao, do đó chỉ xem xét chấp nhận buộc bị cáo phải bồi thưởng tổn thất tinh thần cho bà L 7 tháng lương cơ sở tương ứng với số tiền 9.730.000 đồng là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổng cộng, buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bà Trần Thị Llà 22.088.229 đồng.

Bà Trần Thị L bị thiệt hại về sức khỏe, cần phải áp dụng Điều 584, Điều 590 Bộ luật dân sự để buộc bị cáo bồi thường nhưng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 589 Bộ luật dân sự là áp dụng không đúng và chưa đầy đủ điều luật cần rút kinh nghiệm.

[4] Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356, Điều 357 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đoàn Thị K và kháng cáo của bị hại bà Trần Thị L về phần hình sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh, hình phạt và án phí hình sự sơ thẩm; sửa án sơ thẩm về phần dân sự, điều luật áp dụng và án phí dân sự sơ thẩm.

Tuyên bố bị cáo Đoàn Thị K phạm tội “Cố ý gây thương tích”

Áp dụng Khoản 1 điều 104, điểm h khoản 1, khoản 2 điều 46, điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999:

Xử phạt bị cáo Đoàn Thị K 9 (chín) tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 18 (mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (27/7/2018). Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường Lê Lợi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999; Điều 584, Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015: Buộc bị cáo Đoàn Thị K phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Trần Thị L số tiền 22.088.229 đồng (Hai mươi hai triệu, không trăm tám mươi tám ngàn, hai trăm hai mươi chín ngàn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, nếu người phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại điều 6,7,9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo Đoàn Thị K phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm, 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.104.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

308
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 162/2018/HS-PT ngày 15/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:162/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về