Bản án 16/2021/DS-ST ngày 29/04/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HIỆP ĐỨC, TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 16/2021/DS-ST NGÀY 29/04/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM

 Ngày 29 tháng 4 năm 2021 tại Hội trường Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 07/2020/TLST-DS ngày 27 tháng 02 năm 2020 về “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2021/QĐXXST-DS ngày 05 tháng 4 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần Văn B, sinh năm: 1965 và bà Nguyễn Thị P, sinh năm: 1958; Có mặt.

- Bị đơn: Bà Lê Thị Kim Th, sinh năm: 1952; Vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Anh Lê Đình G, sinh năm: 1987; Vắng mặt.

+ Anh Lê Đình Ch, sinh năm: 1990; Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Lê Thị Kim Th và anh Lê Đình G là:

Anh Lê Đình Ch, sinh năm: 1990; Có mặt.

+ Lê Đình Th, sinh năm 1964; Có măt.

Các đương sự cùng trú tại: Thôn T, xã Q, huyện H, tỉnh Q.

+ Ủy ban nhân dân xã Q, huyện H, tỉnh Q.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Bùi Thị Bích H – Chức vụ: Chủ tịch. Có đơn xin vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, quá trình giải quyết và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị P khai: Vào năm 1991, vợ chồng tôi có khai phá và sử dụng ổn định diện tích đất tại tổ 10, thôn T, xã Q đến nay. Năm 2008, ông Lê Đình S (chồng bà Lê Thị Kim Th) có trồng thuốc ở phía dưới diện tích đất tranh chấp hiện nay. Thời gian sau, vợ chồng tôi có trồng cây bành làm ranh giới. Sau đó, trên phần đất tranh chấp có mọc 01 cây sầu đông nên chúng tôi dưỡng cây lớn để làm nhà và có trồng mấy cây chuối. Đến năm 2019, gia đình bà Th đã tiến hành chặt phá bờ rào, một cây sầu đông và mấy cây chuối để trồng keo. Trong đơn khởi kiện, chúng tôi yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Lê Thị Kim Th trả lại diện tích đất đã lấn chiếm là 150m2 . Tuy nhiên, qua xem xét, thẩm định tại chỗ xác định diện tích đất tranh chấp là 79m2 . Vì vậy, nay, chúng tôi yêu cầu Tòa án giải quyết buộc buộc bà Lê Thị Kim Th trả lại diện tích đất đã lấn chiếm là 79m2 tại thôn T, xã Q, huyện H và bồi thường thiệt hại 01 cây sầu đông là 8.000.000đ (Tám triệu đồng), 05 cây chuối là 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng), tiền công đi khởi kiện là 1.600.000 (Một triệu, sáu trăm nghìn đồng), tổng cộng là 10.200.000đ (Mười triệu, hai trăm nghìn đồng).

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bà Th và anh Lê Đình G đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê Đình Ch trình bày: Nguồn gốc diện tích đất tranh chấp do gia đình tôi khai hoang và sử dụng từ năm 1980 đến nay. Đến năm 2012, thì gia đình ông B tiến hành trồng cây bành làm bờ rào. Lúc đó, trên phần đất có tự mọc cây sầu đông và vợ chồng ông B có trồng thêm mấy cây chuối. Đến 2019, ông B có trông mấy cây chuối gia đình tôi tiến hành chặt cây sầu đông và 04 cây chuối để trồng keo. Nay gia đình ông B yêu cầu trả đất và bồi thường giá trị 01 cây sầu đông và 05 cây chuối, tiền công đi khởi kiện thì gia đình tôi không đồng ý.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Đình Th trình bày: Nguồn gốc diện tích đất tranh chấp do cha tôi là ông Lê Đình S (nay đã chết) và tôi khai hoang, sử dụng. Sau này, tôi lập gia đình và ở riêng nên giao lại cho mẹ và các em sử dụng. Đến nay, tôi không còn quyền lợi gì, giao cho mẹ là bà Lê Thị Kim Th và các em toàn quyền quyết định.

Quá trình giải quyết vụ án, Ủy ban nhân dân xã Q xác định diện tích đất tranh chấp 79m2 hiện nay chưa có ai đăng ký, kê khai sử dụng, do UBND xã Q quản lý. Vì vậy, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hiệp Đức tham gia phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Thư ký phiên tòa được phân công giải quyết, tiến hành tố tụng vụ án từ khi thụ lý đến khi mở phiên tòa chấp hành đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi bổ sung người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chưa thực hiện việc tiếp cận và công khai chứng cứ là chưa đầy đủ.

Về nội dung vụ án: Đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Bảy và bà Nguyễn Thị Phước. Tạm giao diện tích đất tranh chấp 79m2 cho bà Lê Thị Kim Thắm tiếp tục sử dụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Tòa án xét thấy:

[1] Về tố tụng, căn cứ vào khoản 9 Điều 26, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm b khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, xét thấy các đương sự và diện tích đất tranh chấp đều ở tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.

Tại phiên tòa, anh Lê Đình Ch và đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hiệp Đức yêu cầu bổ sung người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Đình Th, sinh năm 1964, trú tại thôn T, xã Q, huyện H, tỉnh Q tham gia tố tụng. Hội đồng xét xử nhận thấy ông Lê Đình Th là con riêng của ông Lê Đình S (chồng bà Th, nay đã chết) cùng tham gia khai hoang diện tích đất tranh chấp. HĐXX căn cứ khoản 4 Điều 68 BLTTDS bổ sung ông Lê Đình Th vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đồng thời giải thích quyền, nghĩa vụ, ông Th không có ý kiến gì và đề nghị HĐXX cho ông tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, anh Lê Đình Ch yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng là anh Huỳnh Văn T, sinh năm 1970, trú tại thôn T, xã Q, huyện H, tỉnh Q. HĐXX căn cứ Điều 70 BLTT DS đưa anh T tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.

Kiểm sát viên có ý kiến sau khi bổ sung người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chưa thực hiện việc tiếp cận và công khai chứng cứ là chưa đầy đủ. Nhưng tại phiên tòa HĐXX đã công khai toàn bộ tài liệu chứng cứ tại phiên tòa các đương sự không có ý kiến gì. Như vậy đã đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của các đương sự. Đối với đề nghị tạm giao diện tích đất tranh chấp 79m2 cho bà Th sử dụng thì hiện nay diện tích đất này chưa có ai kê khai, đăng ký sử dụng, do UBND xã Q đang quản lý nên chưa có cơ sở để tạm giao cho bà Th.

[2] Xét nguồn gốc, quá trình sử dụng diện tích đất tranh chấp thì thấy:

Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 17/3/2020 xác định diện tích đất tranh chấp là 79m2, loại đất trồng cây hằng năm, tờ bản đồ số 20, thôn T, xã Q, huyện H, tỉnh Q do UBND xã Q quản lý.

Ông B, bà Ph khai rằng diện tích đất tranh chấp trên là do ông bà khai hoang và sử dụng từ năm 1991 và sử dụng diện tích đất này để trồng bắp lúa, thời gian sau đó do trâu bò phá nên bỏ trống nhưng ông, bà không nhớ cụ thể. Đồng thời, ông B cung cấp Giấy xác nhận của bà Nguyễn Thị H xác nhận rằng nguồn gốc đất là do ông Nguyễn S khai hoang, canh tác hoa màu, sau này ông S chuyển lại cho ông B, bà P tiếp tục canh tác. Tuy nhiên, qua xác minh ông Nguyễn S khai rằng ông chỉ chuyển cho vợ chồng ông B, bà P diện tích đất ruộng, còn phần đất nghiêng đang tranh chấp thì trước đây không có ai canh tác gì, sau này có chủ trương trồng keo thì bà Th mới trồng keo. Như vậy, giữa lời khai của vợ chồng ông B, bà P và bà H, ông S là không thống nhất. Ngoài ra, ông B, bà Th không cung cấp tài liệu, chứng cứ gì thêm.

Mặt khác, bà Th khai rằng nguồn gốc diện tích đất tranh chấp do gia đình bà khai hoang và sử dụng từ năm 1980. Sau khi khai hoang, gia đình bà canh tác liên tục trên đất. Đến năm 2012, ông B có trồng cây bành và chuối lấn xuống diện tích đất của bà. Bà nhiều lần nhổ bỏ cây bành nhưng ông B vẫn tiếp tục trồng. Đến năm 2019, gia đình bà mới tiến hành chặt bờ rào bành, cây sầu đông, cây chuối để trồng keo thì mới xảy ra tranh chấp. Bà Th cũng giao nộp đơn xác nhận do các hộ dân ký xác nhận vị trí diện tích đất tranh chấp giáp với ruộng ông Huỳnh Văn T, phía trên giáp với đất bà Đào Thị N, ông Trần Văn B, phía dưới là suối có nguồn gốc do gia đình bà khai hoang, sử dụng từ trước đến nay. Lời khai của bà Th và nội dung đơn xác nhận mà bà Th cung cấp cũng phù hợp với ý kiến của khu dân cư. Tại Công văn số 677/UBND ngày 28/12/2020 của UBND xã Q lấy ý kiến khu dân cư xác định nguồn gốc diện tích đất tranh chấp do gia đình bà Th khai hoang và sử dụng từ khoảng năm 1980 – 1984. Minh chứng là giai đoạn đó có một số tài sản trên đất là các bụi tre mà gia đình bà Th sử dụng, khai thác, sau đó có đổi cho vợ chồng ông Nguyễn Văn B (hiện nay đã chết), bà Đào Thị N canh tác một thời gian. Đồng thời, tại khu vực đất tranh chấp trước đó cũng có vàng sa khoáng, các hộ dân khai thác vàng sa khoáng đều phải được sự đồng ý của gia đình bà Th. Vợ chồng ông B, bà P không có canh tác gì trên phần đất này.

Như đã phân tích ở trên, ý kiến của khu dân cư và qua xác minh ông Nguyễn S xác nhận ông B, bà P hoàn toàn không canh tác gì trên phần đất này. Bà Th chỉ thừa nhận ông B, bà P chỉ trồng cây bành và chuối vào năm 2012 nên lời khai của ông B, bà Ph về việc canh tác trên diện tích đất trên là không có cơ sở.

Như vậy, xem xét toàn bộ các lời khai, chứng cứ có trong vụ án thì thấy lời khai của ông B, bà P là không có cơ sở, hơn nữa, lời khai của những người làm chứng mà ông B, bà P cung cấp cũng không thống nhất với nhau. Trong khi đó, bà Th có lời khai phù hợp với ý kiến khu dân cư. Vì vậy, có cơ sở khẳng định nguồn gốc, quá trình sử dụng diện tích đất tranh chấp 79m2 tại thôn T, xã Q, huyện H, tỉnh Q là do gia đình bà Lê Thị Kim Th khai hoang, sử dụng từ năm 1980 đến nay.

Hơn nữa, ông B, bà P và gia đình bà Th đều thừa nhận đến nay các bên chưa tiến hành kê khai, đăng ký diện tích đất tranh chấp này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Diện tích đất này hiện nay do UBND xã Q quản lý.

Từ những phân tích chứng cứ trên cho thấy ông B, bà P không khai hoang, sử dụng đối với diện tích đất tranh chấp là 79m2, loại đất trồng cây hằng năm, tờ bản đồ số 20, thôn T, xã Q, huyện H, tỉnh Q. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị P buộc bà Lê Thị Kim Th trả lại diện tích đất tranh chấp trên là không có cơ sở chấp nhận.

[3] Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm thì thấy:

Ông B, bà P yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường bồi thường thiệt hại giá trị 01 cây sầu đông là 8.000.000đ (Tám triệu đồng), 05 cây chuối là 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng), tiền công đi khởi kiện là 1.600.000đ (Một triệu, sáu trăm nghìn đồng), tổng cộng là 10.200.000đ (Mười triệu, hai trăm nghìn đồng).

Tuy nhiên, gia đình bà Th không thống nhất vì cho rằng cây sầu đông là tự mọc trên phần đất của gia đình bà, không thuộc quyền sở hữu của ông B, bà Ph.

Ông B, bà P cho rằng cây sầu đông do vợ chồng ông trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, qua xác minh ông Nguyễn S cho rằng cây sầu đông này là tự mọc và lớn lên theo tự nhiên. Việc này cũng phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán trồng cây tại địa phương. Hơn nữa, cây sầu đông này ở phần diện tích đất không thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông B, bà P. Vì vậy, cây sầu đông này không thuộc quyền sở hữu của ông B, bà P nên yêu cầu bồi thường giá trị cây sầu đông là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu bồi thường cây chuối thì anh Ch thừa nhận cây chuối là do ông B, bà P. Ông B, bà P yêu cầu bồi thường giá trị 05 cây chuối nhưng anh Ch chỉ thừa nhận chặt bỏ 04 cây. Đến nay, các bên đều không cung cấp chứng cứ gì để chứng mimh lời khai của mình. Tuy nhiên, tại biên bản hòa giải tại UBND xã Q ngày 24/10/2019, các bên trình bày và đều thừa nhận đã chặt 04 cây chuối. Vì vậy, anh Ch đã chặt 04 cây chuối của ông B, bà P là có cơ sở. Thời điểm ông B, bà P trồng cây chuối thì gia đình bà Th có biết, lẽ ra phải yêu cầu ông B, bà P di dời. Nếu ông B, bà P không di dời thì phải báo cáo với cơ quan chức năng giải quyết nhưng anh Ch tự ý chặt bỏ thì đây là lỗi của anh Ch gây ra nên cá nhân anh Ch phải có nghĩa vụ bồi thường. Nhưng xét về việc ông B, bà Ph tự ý trồng cây chuối trên đất của gia đình anh khai hoang, sử dụng nhưng không được sự đồng ý của gia đình anh nên ông B, bà P cũng có một phần lỗi. Xét về mặt lỗi thì các bên đều có lỗi tương đương nhau. Vì vậy, nên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông B, bà P, buộc anh Ch phải bồi thường giá trị 04 cây chuối cho ông B, bà P tương ứng với mức độ lỗi của mình.

Tại Biên bản định giá ngày 17/3/2020 và Công văn số 213/TCKH ngày 15/4/2020 của Phòng Tài chính kế hoạch huyện Hiệp Đức xác định căn cứ định giá đến nay không thay đổi. Vì vậy, giá trị 04 cây chuối là 04 x 50.000 đồng = 200.000 đồng. Vì vậy, anh Ch phải bồi thường giá trị 04 cây chuối cho ông B, bà P tương ứng với mức độ lỗi của mình là 100.000đ (Một trăm nghìn đồng).

Đối với yêu cầu của ông B, bà P yêu cầu bà Th bồi thường tiền công đi khởi kiện là 1.600.000đ (Một triệu, sáu trăm nghìn đồng). Yêu cầu này vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện trong đơn khởi kiện nên HĐXX không xem xét.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Đối với yêu cầu khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất không được chấp nhận nên ông B, bà P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).

Đối với yêu cầu khởi kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm số tiền 8.500.000đ (Tám triệu, năm trăm nghìn đồng) không được chấp nhận nên ông B, bà P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 425.000đ (Bốn trăm, hai mươi lăm nghìn đồng).

Tuy nhiên, bà Phước là người cao tuổi, có đơn xin miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí nên căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án miễn án phí cho bà P. Vì vậy, ông B phải chịu một nửa số tiền án phí còn lại là 362.500đ (Ba trăm, sáu mươi hai nghìn, năm trăm đồng) nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông B đã nộp là 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) tại biên lai thu số 0005160 ngày 27/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hiệp Đức. Ông B được hoản trả số tiền chênh lệch là 237.500đ (Hai trăm ba mươi bảy nghìn, năm trăm đồng).

Anh Ch phải chịu án phí đối với một phần yêu cầu khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).

Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) ông B, bà P đã tạm nộp đủ. Nhưng xét yêu cầu khởi kiện của ông B bà P không được chấp nhận phần lớn về giá trị nên ông B, bà P phải chi phí thẩm định tương ứng với phần khởi kiện không được chấp nhận là 1.700.000đ (Một triệu, bảy trăm nghìn đồng). Anh Ch phải chịu số tiền chi phí thẩm định tương ứng với yêu cầu khởi kiện của ông B, bà P được Tòa án chấp nhận là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) nên anh Ch phải có nghĩa vụ trả lại cho cho ông B, bà P 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 26, Điều 35, Điều 147, Điều 157, Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 584, Điều 585, Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 12, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị P về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” đối với diện tích đất tranh chấp là 79m2, loại đất trồng cây hằng năm, tờ bản đồ số 20, thôn T, xã Q, huyện H, tỉnh Q đối với bà Lê Thị Kim Th.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị P về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm” đối với anh Lê Đình Ch. Buộc anh Lê Đình Ch bồi thường cho ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị P số tiền 100.000đ (Một trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự.

2. Án phí dân sự sơ thẩm:

Miễn số tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bà Nguyễn Thị Phước.

Ông Trần Văn B phải chịu số tiền án phí dân sự là 362.500đ (Ba trăm, sáu mươi hai nghìn, năm trăm đồng) nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông B đã nộp là 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng) tại biên lai thu số 0005160 ngày 27/02/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hiệp Đức. Ông B được hoản trả số tiền chênh lệch là 237.500đ (Hai trăm ba mươi bảy nghìn, năm trăm đồng).

Buộc anh Lê Đình Ch phải hoàn trả chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản cho ông Trần Văn B, bà Nguyễn Thị P là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Các đương sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày tròn kể từ ngày tuyên án (ngày 29/4/2021). Riêng người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tống đạt hợp lệ ./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

269
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 16/2021/DS-ST ngày 29/04/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Số hiệu:16/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hiệp Đức - Quảng Nam
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:29/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về