Bản án 16/2019/DS-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 16/2019/DS-PT NGÀY 25/04/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong ngày 25 tháng 4 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 14/2019/TLPT-DS ngày 25 tháng 02 năm 2019 về Tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 26/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 36/2019/QĐ-PT ngày 05 tháng 4 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:  Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1958

Địa chỉ: Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

- Bị đơn: Ông Phùng Lê P, sinh năm 1956

Địa chỉ: Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Có ông Bành Đức H - Phó trưởng Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Q tham gia tố tụng theo giấy ủy quyền số 467/GUQ - UBND ngày 24/4/2019.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn Nguyễn Thị H, bị đơn Phùng Lê P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 04/9/2018 và các lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn Nguyễn Thị H trình bày:

Bà có quan hệ với bị đơn là hàng xóm. Bà khởi kiện ông Phùng Lê P để xác định ranh giới giữa hai thửa đất là thửa số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m² do bà H đang có nhà trên đất và thửa số 170, tờ bản đồ 3 do gia đình ông Phùng Lê P cũng có nhà trên đất. Đất đang tranh chấp tọa lạc tại Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Nguồn gốc đất gia đình bà do bố mẹ chồng là Thang Văn S và Phùng Thị L để lại. Năm 1988 bà xây dựng gia đình với ông Thang Đức T thì đã thấy có nhà cột gỗ lợp ngói, theo chú chồng bà kể lại ngôi nhà dựng năm 1965, còn đất thì gia đình đã sử dụng từ trước năm 1954. Năm 1998 mẹ chồng chết, năm 2001 bố chồng bà chết. Ngày 01/6/2003, mấy chị em bên chồng bà đã phân chia tài sản bố, mẹ để lại; theo đó, kỷ phần ông Thang Đức T (chồng bà H) được chia trong đó có ngôi nhà ngói liền đất ở Phố M (cả nhà bếp + công trình phụ). Năm 2003 gia đình bà xây nhà ba tầng trên nền nhà cũ, nhà ông P liền kề nhưng không ai có ý kiến gì. Năm 2010 chồng bà là Thang Đức T chết.

Quá trình Nhà nước có chính sách cấp mới cũng như cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình bà chưa kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần nào, lý do là lúc còn trẻ bận công tác và nghĩ nhà đất không mua bán, nên chưa đến cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, hàng năm gia đình bà vẫn nộp thuế đất nhà ở trên diện tích đất là 121,4m². Đến năm 2012, bà H làm thủ tục xin Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 8, tờ bản đồ 7 thì bị ông Phùng Lê P cản việc xin cấp đất của bà H với lý do gia đình bà H lấn chiếm đất ông P.

Do ngôi nhà bếp cột gỗ lợp Fro xi măng đã xuống cấp, ngày 08/6/2018 bà H cho thợ tháo dỡ bếp cũ để sửa lại nhưng đã bị ông P cản trở không cho thợ làm.

Nay bà H đại diện gia đình khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để xác định lại ranh giới thửa đất số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m². Tại phiên tòa, bà H đã rút yêu cầu ông P bồi thường thiệt hại số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) mà bà đã chi trả cho thợ đến tháo dỡ nhà ngày 08/6/2018; ngoài ra, bà H tự nguyện chịu khoản tiền đi xem xét, thẩm định tại chỗ đất.

Tại Đơn khiếu nại ngày 26/9/2018 và các lời khai tiếp theo ở Tòa án, bị đơn Phùng Lê P trình bày: Ông không viết đơn và làm thủ tục yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn. Gia đình ông có thửa đất số 170, tờ bản đồ số 3, diện tích đất ông không nhớ; đất tọa lạc tại Phố M, thị trấn Q, huyện Q với chiều dài đất khoảng 25,5m, chiều rộng 4,5m. Nguồn gốc đất do ông cha để lại, nhưng không có giấy tờ gì. Đất liền kề bên trái có nhà ông Thang Văn S (bố chồng nguyên đơn); còn liền kề bên phải có nhà ông Nguyễn Ph. Năm 1961 gia đình ông bán khung nhà trên đất cho Vật liệu kiến thiết huyện Q (Vật tư), sau đó gia đình trồng một số cây ngắn ngày trên đất như rau, mía… Khoảng những năm 1964, 1965 gia đình ông Thang Văn S dỡ nhà bếp đi dựng chỗ khác (làm nhà sơ tán chống Mỹ); khoảng năm 1970 gia đình ông S dựng lại nhà bếp mới đã lấn sang đất nhà ông P với chiều rộng 0,3m, chiều dài khoảng 25,5m và lợp mái nhà đua thêm ra đất ông khoảng 0,3m.

Năm 1987, khi gia đình ông dựng nhà 2 tầng đã có ý kiến với gia đình ông S về diện tích đất nói trên, nhưng gia đình ông S không dịch chuyển, tháo dỡ nhà nên gia đình ông P đã có ý kiến với Ủy ban nhân dân thị trấn Q, nhưng Ủy ban trả lời gia đình tự giải quyết. Năm 2003, gia đình bà H làm nhà tiếp tục lấn đất và khoét sâu vào gần chân móng nhà ông khoảng 0,3m, ông P cũng đã có ý kiến với Ủy ban nhân dân thị trấn nhưng cũng được trả lời là gia đình tự giải quyết, hòa giải; cả hai lần Ủy ban nhân dân thị trấn trả lời cho gia đình ông đều không lập văn bản. Năm 1987, gia đình ông P dựng nhà đã xây hàng gạch để giữ đất, nhưng năm 2003 gia đình bà H dựng nhà đã đập hàng gạch đi, lúc đó ông P công tác tại thành phố Cao Bằng, còn vợ là giáo viên dạy ở Q nhưng bận lên lớp nên không biết cản trở.

Quá trình Nhà nước có chính sách cấp mới cũng như cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông không kê khai xin cấp vì lý do đất đang tranh chấp. Hàng năm gia đình có nộp thuế đất.

Vừa qua gia đình bà H cho thợ đến đào móng phần đất phía sau nhà chính, ông P có được cản trở thợ, mục đích là yêu cầu bà H chuyển dịch tài sản trên đất sang phía đất bà H với chiều rộng 0,3m, chiều dài khoảng 25,5m, để nền nhà ông có đủ chiều rộng 4,5m. Ngoài ra, ông P không nhất trí theo yêu cầu của bà H là trả số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) đã thanh toán công thợ ngày 08/6/2018.

Ngày 22/10/2018, Tòa án cấp sơ thẩm cùng các cơ quan chuyên môn đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hai thửa đất gồm: Thửa đất số 8, tờ bản đồ 7 và thửa đất số 170, tờ bản đồ 3 tọa lạc tại Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng có sự chứng kiến của hai bên đương sự (có trích đo bản đồ địa chính kèm theo), đã xác định được:

- Thửa đất bà Nguyễn Thị H đang quản lý, sử dụng ở thửa số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m².

- Thửa đất ông Phùng Lê P đang quản lý, sử dụng ở thửa đất số 170, tờ bản đồ 3, diện tích 106,1m².

Tại phiên hòa giải ngày 21/11/2018 ông P không nhất trí với kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 22//10/2018 đối với hai thửa đất trên với lý do: Các cơ quan chuyên môn đo đạc thửa đất số 170, tờ bản đồ 3 của gia đình ông không đủ chiều rộng đất là 4,5m như ông, cha bị đơn đã để lại; ngoài ra, ông P yêu cầu Nhà nước đi xem xét thẩm định lại đất nhưng ông không viết đơn yêu cầu cũng như từ chối việc nộp tạm ứng xem xét, thẩm định tại chỗ lại các thửa đất.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Bành Đức H là người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Q trình bày, gia đình bà Nguyễn Thị H quản lý sử dụng thửa đất số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m² từ trước năm 1993 cho đến nay. Năm 2012 bà Nguyễn Thị H có đến Ủy ban nhân dân thị trấn Q làm thủ tục kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng xảy ra tranh chấp nên chưa đủ điều kiện cấp đất. Việc gia đình bà Nguyễn Thị H sử dụng thửa đất số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m² không vi phạm quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất của huyện. Còn gia đình ông P quản lý, sử dụng thửa đất thứa số 170, tờ bản đồ 3, diện tích 106,1m² chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do gia đình ông P không đến Ủy ban nhân dân thị trấn Q làm thủ tục kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với lý do cả hai thửa đất gồm: Thửa số 8, tờ bản đồ 7 và thửa số 170, tờ bản đồ 3 sau khi xem xét thẩm định tại chỗ đều thiếu diện tích đất (đất bà H thiếu 0,8m, đất ông P thiếu 2,7m) so với bản đồ mà Nhà nước đã đo vẽ, do năm 1993 đo bằng phương pháp thủ công (đo tay) độ chính xác không cao, sau đó đến năm 2000 đo bằng máy quang học; quá trình đo vẽ có sai số giữa các lần đo, các thiết bị đo và phương pháp đo, do đó hai thửa đất diện tích bị thiếu hụt với số liệu như nêu trên là được phép sai số theo quy định.

Tại bản án sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Q đã:

Áp dụng Điều 5, khoản 1 Điều 26 và Điều 203 Luật đất đai; Điều 175 Bộ luật dân sự; khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Thị H. Giữ nguyên ranh giới giữa hai thửa đất là thửa số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m2  do bà Nguyễn Thị H quản lý và thửa số 170, tờ bản đồ 3, diện tích 106,1m2 do hộ ông Phùng Lê P quản lý.Bà Nguyễn Thị H, trú tại Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng được quản lý, sử dụng thửa số thửa số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m2, thửa đất tọa lạc tại Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng; tứ cận: Phía đông giáp tường chung thửa đất số 11, tờ bản đồ số 7 do Hoàng Văn S, Bế Ích T và Phạm Văn Th đồng sử dụng; phía tây giáp chợ; phía nam giáp tường nhà thửa số 7, tờ bản đồ số 7 của ông Vương Văn C; phía bắc giáp thửa số 170, tờ bản đồ 3 của ông Phùng Lê P (có trích đo bản đồ địa chính ngày 22/10/2018 kèm theo). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị H (người đang trực tiếp quản lý, sử dụng) được thực hiện theo quy định của Luật đất đai năm 2013.

2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Áp dụng Điều 157 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Chấp nhận sự tự nguyện chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ số tiền là 1.500.000đ (Một triệu năm trăm nghìn đồng) của nguyên đơn Nguyễn Thị H. Bà H đã nộp đủ số tiền trên.

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự. Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10 tháng 01 năm 2019, nguyên đơn Nguyễn Thị H có đơn kháng cáo, kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Bà H yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại khoản tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 10 tháng 01 năm 2019, bị đơn Phùng Lê P có đơn kháng cáo không nhất trí với bản án dân sự sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Tại đơn kháng cáo ông P yêu cầu nguyên đơn phải hoàn trả lại diện tích đất đã xây lấn, giải phóng tài sản trên đất mà gia đình nguyên đơn đã lấn chiếm 0,3m x 25,5m. Ngoài ra còn yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại cho gia đình ông.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn Nguyễn Thị H giữ nguyên kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại khoản tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ theo đúng quy định của pháp luật và không nhất trí với kháng cáo của bị đơn về việc hoàn trả lại diện tích đã xây lấn, giải phóng tài sản trên đất.

Bị đơn Phùng Lê P giữ nguyên kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét giải quyết yêu cầu của ông theo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm Hội đồng xét xử, các đương sự đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại phiên tòa phúc thẩm.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Có đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị H, cần buộc ông P phải nộp khoản tiền chi phí thẩm định tại chỗ là 1.500.000đồng ( Một triệu năm trăm nghìn đồng) là phù hợp với quy định của pháp luật. Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của ông Phùng Lê P. Cần sửa một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Từ những phân tích trên đề nghị hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS năm 2015 sửa bản án sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, nghe ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tham gia phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ tranh chấp:  Ông Phùng Lê P có đơn khởi kiện bà Nguyễn Thị H phải trả lại số diện tích lấn chiếm với chiều rộng 0,3m x 25,5m. địa chỉ thửa đất tranh chấp tại: Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp trong vụ án là "Tranh chấp quyền sử dụng đất " là có căn cứ.

[2]  Xét  các nội dung kháng cáo và các căn cứ kháng cáo của ông Phùng Lê P:

[2.1]  Yêu cầu bà H phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm 0,3x25,5m. Hộiđồng xét xử xét thấy tại cấp sơ thẩm ông P và bà H đều thừa nhận trước năm 1970 gia đình bà H đã dựng nhà trên đất. Quá trình xem xét thẩm định tại chỗ cấp sơ thẩm cũng đã xác định được đất của gia đình bà H không tăng về diện tích so với bản đồ giải thửa năm 1998, còn ông P cho rằng đất của ông có chiều rộng là 4,5 m chiều dài 25,5m tuy nhiên ông P không có căn cứ gì để chứng minh việc đất ông cha để lại cho ông có chiều rộng là 4,5m. Hơn nữa phần đất bếp nhà bà H tháo xuống (tiếp giáp đất ông P) có tường bếp, tường cầu thang và một đoạn rào xây gạch chỉ của gia đình ông P ngăn cách đất, phía nhà bà H có các cột nhà bếp còn nguyên đá tảng cũ. Hơn nữa năm 1987 gia đình ông P đã xây nhà 2 tầng trên diện tích đất đang quản lý mà không có ý kiến gì đối với việc đất gia đình bị thiếu, hơn nữa gia đình ông P xây nhà kiên cố trước gia đình bà H. Còn nhà bà H đã xây nhà kiên cố 3 tầng vào năm 2003 trên diện tích đất nhưng gia đình ông P cũng không có ý kiến gì. Mặt khác theo công văn số 1114/UBND-CV ngày 02/11/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Q cho biết: Gia đình bà Nguyễn Thị H quản lý sử dụng thửa đất số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m² từ trước năm 1993 cho đến nay. Năm 2012 bà Nguyễn Thị H có đến Ủy ban nhân dân thị trấn Q làm thủ tục kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng xảy ra tranh chấp nên chưa đủ điều kiện cấp đất. Việc gia đình bà Nguyễn Thị H sử dụng thửa đất số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m² không vi phạm quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất của huyện. Còn gia đình ông P quản lý, sử dụng thửa đất thứa số 170, tờ bản đồ 3, diện tích 106,1m² chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do gia đình ông P không đến Ủy ban nhân dân thị trấn Q làm thủ tục kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với lý do cả hai thửa đất gồm: Thửa số 8, tờ bản đồ 7 và thửa số 170, tờ bản đồ 3 sau khi xem xét thẩm định tại chỗ đều thiếu diện tích đất (đất bà H thiếu 0,8m, đất ông P thiếu 2,7m) so với bản đồ mà Nhà nước đã đo vẽ, do năm 1993 đo bằng phương pháp thủ công (đo tay) độ chính xác không cao, sau đó đến năm 2000 đo bằng máy quang học; quá trình đo vẽ có sai số giữa các lần đo, các thiết bị đo và phương pháp đo, do đó hai thửa đất diện tích bị thiếu hụt với số liệu như nêu trên là được phép sai số theo quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm ông cho rằng việc gia đình bà H xây lấn chiếm sang diện tích đất nhà ông, ông đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên ông cũng không có căn cứ gì để chứng minh. Ông cho rằng diện tích đất theo biên bản thẩm định không đúng với biên bản ông đã ký, cũng như số liệu trong bản án, diện tích đất ông đang sử dụng không được vuông vắn. Hội đồng xét xử xét thấy số liệu tại biên bản thẩm định không có sự thay đổi, không có sự tẩy xóa số liệu, phù hợp với trích lục bản đồ do cơ quan chuyên môn đo vẽ, hơn nữa đất của gia đình ông sử dụng được ông cha để lại, do vậy gia đình ông chỉ được sử dụng diện tích đất thực tế, chứ không thể vuông vắn như Nhà nước cấp tái định cư, ông yêu cầu phải được sử dụng diện tích đất vuông vắn, tuy nhiên cấp phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của ông.

[2.2] Đối với yêu cầu kháng cáo của ông Phùng Lê P về việc yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại. Hội đồng xét xử xét thấy tại cấp sơ thẩm ông không yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên cấp sơ thẩm chưa xem xét đối với yêu cầu này. Do vậy cấp phúc thẩm không thể xem xét những nội dung tranh chấp mà cấp sơ thẩm chưa xem. Từ những phân tích và nhận định nêu trên, không có đủ căn cứ để chấp nhận cả hai nội dung kháng cáo của bị đơn Phùng Lê P,

[3] Xét nội dung kháng cáo và các căn cứ kháng cáo của bà Nguyễn Thị H: Về việc yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại khoản tiền 1.500.000đ (Một triệu năm trăm nghìn đồng) tiền chi phí thẩm định. Hội đồng xét xử xét thấy tại cấp sơ thẩm bà Nguyễn Thị H tự nguyện chịu số tiền chi phí thẩm định tại chỗ. Tuy nhiên ngày 10/01/2019 bà H kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm phải xem xét lại để buộc ông Phùng Lê P phải chịu số tiền chi phí thẩm định tại chỗ. Tại khoản 1 Điều 157 bộ luật tố dụng dân năm 2015 đã quy định rõ “Đương sự phải chịu chi phí thẩm định tại chỗ nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”. Như vậy tại cấp sơ thẩm bà H tự nguyện chịu số tiền chi phí thẩm định thì cấp sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện của bà H đối với số tiền trên là có căn cứ. Nay tại cấp phúc thẩm bà H không nhất trí tự nguyện chịu số tiền thẩm định nữa mà yêu cầu cấp phúc thẩm phải xem xét theo quy định của pháp luật. Việc yêu cầu của bà H là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật nên cần được chấp nhận kháng cáo của bà H và buộc ông P phải chịu số tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 1.500.000đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng) là phù hợp với khoản 1 Điều 157 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử, nên cần chấp nhận sửa bản án sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 26/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng. [4] Về án phí: Do cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bà H, sửa bản án sơ thẩm dân sự nên bà H không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Do kháng cáo của ông Phùng Lê P không được chấp nhận, theo quy định của pháp luật thì ông P phải chịu án phí để sung vào công quỹ nhà nước. Tuy nhiên ông P là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Do vậy cần miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm cho ông Phùng Lê P .

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308; Điều 148 - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166, Điều 203 luật đất đai 2013; điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Phùng Lê P. Chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị H Sửa  bản án dân sự sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 26/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Cao Bằng

Xử: Bà Nguyễn Thị H, trú tại Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng được quản lý, sử dụng thửa số thửa số 8, tờ bản đồ 7, diện tích 120,6m2, thửa đất tọa lạc tại Phố M, thị trấn Q, huyện Q, tỉnh Cao Bằng;

Thửa đất có tứ cận:

- Phía Đông giáp tường chung thửa đất số 11, tờ bản đồ số 7 do Hoàng Văn S, Bế Ích T và Phạm Văn Th đồng sử dụng;

- Phía Tây giáp chợ;

- Phía Nam giáp tường nhà thửa số 7, tờ bản đồ số 7 của ông Vương Văn C;

- Phía Bắc giáp thửa số 170, tờ bản đồ 3 của ông Phùng Lê P (có trích đo bản đồ địa chính ngày 22/10/2018 kèm theo).

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị H (người đang trực tiếp quản lý, sử dụng) ông Phùng Lê P, được thực hiện theo quy định của Luật đất đai năm 2013.

2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Ông Phùng Lê P chịu tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 1.500.000đ (Một triệu năm trăm nghìn đồng) để trả cho bà Nguyễn Thị H.

3. Về án phí: Do kháng cáo của bà Nguyễn Thị H được chấp nhận, nên bà H không phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm để sung công quỹ Nhà nước. Xác nhận bà H đã nộp 300.000đ ( Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai số AA/2016/0000830 ngày 10/01/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Cao Bằng. Nay bà H được hoàn trả lại số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tại chi cục thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Bà Nguyễn Thị H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, hoàn trả lại số tiền 300.000đ (Ba trăn nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí bà Nguyễn Thị H đã nộp theo biên lai số AA/2016/0000821 ngày 07/9/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Cao Bằng.

Bị đơn Phùng Lê P được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm và án phí phúc thẩm dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án đươc thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

641
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2019/DS-PT ngày 25/04/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:16/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cao Bằng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:25/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về