Bản án 16/2018/HS-PT ngày 07/02/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 16/2018/HS-PT NGÀY 07/02/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 07 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 88/2017/TLPT - HS ngày 03 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo Phạm Trung M do có kháng cáo của ông Phạm Văn B1 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2017/HSST ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Bị cáo bị kháng cáo:

Phạm Trung M, sinh năm 1959 tại Hải Phòng; ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn A, xã B, huyện C, thành phố Hải Phòng; trình độ văn hóa: Lớp 07/10; con ông D (đã chết) và con bà E (đã chết); có vợ là F, sinh năm 1965; có 02 con, con lớn sinh năm 1983, con nhỏ sinh năm 1990; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.

Người kháng cáo: Ông Phạm Văn B1, sinh năm 1966; trú tại: Thôn A, xã B,huyện C, thành phố Hải Phòng. Có mặt

Bị hại không kháng cáo nên Tòa án không triệu tập: Ông Phạm Trí T, sinh năm 1966; trú tại: Thôn A, xã B, huyện C, thành phố Hải Phòng.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án không kháng cáo nên Tòa án không triệu tập: Ông Phạm Bá M1, sinh năm 1938; trú tại: Thôn A, xã B, huyện C, thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và Bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 20/11/2016, Ủy ban nhân dân xã B, huyện C, thành phố Hải Phòng tổ chức bầu cử chức danh trưởng, phó thôn 5. Địa điểm tại sân nhà anh G ở khuôn viên gia đình ông K. Cuộc bầu cử tiến hành từ 07 giờ đến 12 giờ ngày 20/11/2016 do ông Phạm Văn B1 là Bí thư chi bộ thôn 5 làm Trưởng tiểu ban bầu cử và ông Phạm Trí T là Phó bí thư chi bộ làm Phó trưởng tiểu ban, tổ trưởng tổ bầu cử. Trong quá trình tiến hành bỏ phiếu đến 11 giờ 20 phút ngày 20/11/2016 Phạm Trung M là đại biểu HĐND xã B đến bỏ phiếu cho gia đình nhà M thì tổ bầu cử thông báo cho M biết bà I (là chị gái của M) được bà F (là vợ của M) ủy quyền cho bà I bỏ phiếu hộ gia đình M. Do không đồng ý việc tổ bầu cử cho bầu hộ nên M đã gọi điện cho ông V là Chủ tịch HĐND xã B để hỏi về việc bầu cử hộ có được không? Ông V trả lời việc cho bầu hộ hay không được bầu hộ thì ông phải trao đổi với tổ bầu cử. Sau đó, M yêu cầu tổ bầu cử lập biên bản về việc M không được bỏ phiếu bầu cử. Ông T và tổ bầu cử đã mời bà I ra lập biên bản về việc: Vào lúc 08 giờ 20 phút ngày 20/11/2016 chị I có đi bầu cử. Khi đến chị Dâu nói với tổ bầu cử là chị F trực tiếp nhờ chị Y bầu giúp 01 phiếu gia đình chị F, anh M. Do vậy, tổ bầu cử đã phát phiếu gia đình anh M cho chị Dâu bầu. Đến 11 giờ 20 phút anh Mđến bầu, tổ bầu cử trả lời chị Y đã thực hiện ý kiến của chị F. Như vậy, tổ bầu cử không phát phiếu cho anh M lần 2. Tuy nhiên, Phạm Trung M vẫn yêu cầu tổ bầu cử phát phiếu cho mình nhưng ông T không đồng ý phát phiếu cho M dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. M xông vào dùng tay chỉ mặt ông T, chửi ông T và cầm ghế vụt ông T nhiều nhát làm ghế bị gãy chân, ông T dơ tay lên đỡ bị thương tích chảy máu ở bàn tay trái. Thấy vậy, ông B1 can ngăn thì bị M dùng ghế nhựa đập vào trán ông B1 làm ông B1 bị thương chảy máu. M bỏ chạy, thì bị Công an xã B bắt giữ yêu cầu về trụ sở UBND xã để làm việc. Ông Phạm Trí T và ông Phạm Văn B1 được đưa đi sơ cứu và điều trị tại Bệnh viện huyện C. Ông T, ông B1 có đơn đề nghị xử lý Phạm Trung M theo quy định của pháp luật.

Tại bản kết luận giám định pháp y số 558/2016/TgT ngày 19/12/2016 của Trung tâm Giám định pháp y thành phố Hải Phòng đã kết luận về thương tích của ông Phạm Trí T như sau: Nạn nhân bị 02 vết thương phần mềm bàn tay trái đã được điều trị đang dần ổn định, có 01 vết còn nhiễm trùng và còn hạn chế vận động ngón III, IV tay trái. Tỷ lệ phần trăm tổn thương trên cơ thể nạn nhân do thương tích gây nên là 3%. Thương tích trên có đặc điểm do vật có cạnh cứng, có thể tương đối sắc tác động trực tiếp gây nên.

Ông Phạm Văn B1 bị thương điều trị tại Bệnh viện huyện C từ ngày20/11/2017 đến ngày 28/11/2016 xuất viện, tuy nhiên ông B1 từ chối không giám định thương tích và không yêu cầu bồi thường.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2017/HSST ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã quyết định: Áp dụng điểm a, i, k khoản 1 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số12/2017/QH14, điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt: Phạm Trung M 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về dân sự, xử lý vật chứng, ánphí hình sự sơ thẩm và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 10/10/2017 ông Phạm Văn B1 kháng cáo đề nghị xử bị cáo tội “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị xử mức tù giam đối với bị cáo.

Đơn kháng cáo của ông Phạm Văn B1 trong thời hạn luật định nên được Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét.

Tại phiên tòa, ông Phạm Văn B1 vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên thể hiện như sau:

Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Trung M về tội "Cố ý gây thươngtích" theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét kháng cáo của ông Phạm Văn B1: Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm ông B1 bị thương có điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, ông B1 đã từ chối không giám định thương tích và không có yêu cầu bồi thường gì khác, như vậy ông B1 đã từ bỏ quyền của mình. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Phạm Văn B1 là bị hại là không đúng nên cần rút kinh nghiêm trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng. Trong vụ án này, ông B1 là người có quyền có lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nên ông B1 chỉ được quyền kháng cáo về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình nhưng ông B1 cũng không có yêu cầu. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn B1, giữ nguyên bản án sơ thẩm và xác định ông Phạm Văn B1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện: Vào 11 giờ 40 phút ngày 20/11/2016 tại sân nhà anh G tổ chức bầu cử chức danh Trưởng, Phó thôn nhiệm kỳ 2016 – 2019 tại thôn 5, xã B, huyện C, thành phố Hải Phòng. Bị cáo Phạm Trung M có hành vi dùng chiếc ghế nhựa vụt vào người ông Phạm Trí T. Ông Phạm Văn B1 vào can ngăn đẩy M ra thì M tiếp tục dùng ghế nhựa vụt vào đầu ông B1. Hậu quả, làm ông T giảm 3% sức khỏe. Ông Phạm Văn B1 bị tổn thương nông vùng đầu nhưng từ chối không giám định thương tích. Do vậy, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Trung M phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a, i, k khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của ông Phạm Văn B1: Trong vụ án này, ông Phạm VănB1 mặc dù bị thương điều trị tại Bệnh viện huyện C - Hải Phòng từ ngày20/11/2017 đến ngày 28/11/2016 xuất viện. Tuy nhiên ông B1 từ chối không giám định thương tích, cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường; như vậy, ông B1 đã từ bỏ quyền của mình. Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định ông B1 là bị hại trong vụ án là sai tư cách tham gia tố tụng, dẫn đến việc ông Phạm Văn B1 kháng cáo về tội danh và hình phạt đối với bị cáo là không đúng tư cách người tham gia tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong vụ án này, ông B1 chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng ông B1 cũng không yêu cầu bồi thường nên Tòa án cấp sơ thẩm cũng không xem xét; ông Phạm Văn B1 chỉ được kháng cáo về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của mình (điểm g khoản 2 Điều 65 BLTTHS). Do vây, không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn B1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử không xét.

[4] Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn B1 và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

1. Áp dụng điểm a, i, k khoản 1 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số12/2017/QH14, điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, xử phạt: Phạm Trung M 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Phạm Trung M cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện C, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

2. Về án phí: Bị cáo không phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

489
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2018/HS-PT ngày 07/02/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:16/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về