Bản án 16/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 về  tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KINH MÔN, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 16/2018/DS- ST NGÀY 23/11/2018 VỀ  TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP TÀI SẢN

Ngày 23/11/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 24/2018/TLST-DS ngày 11 tháng 6 năm 2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 23/2018/QĐXXST-DS ngày 15 tháng 10 năm 2018 và các quyết định hoãn phiên tòa giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP A

Địa chỉ: Số 35 HV, quận H, Thành phố Hà Nội

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đức T, chức vụ: Tổng giám đốc; người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Quang Tr, chức vụ: Giám đốc Chi nhánh TĐ theo Quyết định ủy quyền tham gia tố tụng số 8659 ngày 28 tháng 10 năm 2016; người được ủy quyền lại: Ông Phạm Hải H, chức vụ: Phó giám đốc Chi nhánh TĐ; ông Lê Đình K, chức vụ: Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch KT (thuộc Chi nhánh TĐ); ông Trần Văn K, chức vụ: Cán bộ quản lý khách hàng Phòng giao dịch KT (thuộc Chi nhánh TĐ) theo Giấy ủy quyền số 498 ngày 30 tháng 5 năm 2018; có mặt ông Trần Văn K.

- Bị đơn: Anh Trương Công N, sinh năm 1974 và chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1980;

Địa chỉ: Khu 5, thị trấn P, huyện K, tỉnh Hải Dương. Chị L ủy quyền cho anh N tham gia tố tụng theo Giấy ủy quyền ngày 12 tháng 10 năm 2018; bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Phạm Công Đ, sinh năm 1968 và chị Đinh Thị H, sinh năm 1983;

Địa chỉ: Khu 7, thị trấn P, huyện K, tỉnh Hải Dương. Chị H ủy quyền cho anh Đ tham gia tố tụng theo Giấy ủy quyền ngày 12 tháng 10 năm 2018; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hòa giải và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án đại diện nguyên đơn trình bày: Ngày 13/4/2009, Ngân hàng TMCP B và vợ chồng anh N, chị L ký Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD với các nội dung chính như sau: Ngân hàng TMCP B đồng ý cho anh N, chị L vay số tiền 500.000.000 đồng (Giấy nhận nợ số T.B.0038.09/GNN ngày 13/4/2009); thời hạn vay là 60 tháng kể từ ngày 13/4/2009; lãi suất trong hạn là 0,875%/01 tháng, áp dụng theo hình thức thả nổi và sẽ được điều chỉnh 06 tháng 01 lần; lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn, lãi suất trả 03 tháng 01 lần; nợ gốc được phân kỳ trả 06 tháng một lần, lần đầu vào ngày 15/10/2009, lần sau cùng vào ngày 13/4/2014, mỗi lần trả 50.000.000 đồng. Ngày 13/4/2009, Ngân hàng TMCP B đã giải ngân toàn bộ số tiền 500.000.000 đồng cho anh N và chị L.

Toàn bộ khoản vay của anh N, chị L được bảo đảm bằng các tài sản theo các hợp đồng thế chấp gồm:

Anh N, chị L và Ngân hàng TMCP B đã ký Hợp đồng thế chấp (dùng cho tài sản là các động sản) số TB.0038.09/HĐTC ngày 13/4/2009 có công chứng của Phòng công chứng số 2 tỉnh Hải Dương và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm tại Thành phố Hà Nội, theo đó anh N, chị L đồng ý thế chấp chiếc ô tô Mercedes biển kiểm soát 34L-8591 là tài sản chung của anh N, chị L để đảm bảo một phần nghĩa vụ trả tiền vay là 250.000.000 đồng.

Anh Đ, chị H, anh N, chị L và Ngân hàng TMCP B đã ký Hợp đồng thế chấp (dùng cho thế chấp tài sản là các động sản của bên thứ ba) số TB.0037.09/HĐTC ngày 13/4/2009 có công chứng của Phòng công chứng số 2 tỉnh Hải Dương và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm tại Thành phố Hà Nội, theo đó anh Đ, chị H đồng ý thế chấp chiếc ô tô Toyota biển kiểm soát 34L-1804 là tài sản chung của anh Đ, chị H để đảm bảo một phần nghĩa vụ trả tiền vay cho anh N, chị L theo Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009 là 150.000.000 đồng.

Anh Trương Văn G, sinh năm 1972 và vợ là chị Nguyễn Thị E, sinh năm 1976, địa chỉ: Thị trấn P, huyện K, tỉnh Hải Dương cùng anh N, chị L và Ngân hàng TMCP B đã ký Hợp đồng thế chấp (dùng cho thế chấp tài sản là các động sản của bên thứ ba) số TB.0036.09/HĐTC ngày 13/4/2009 có công chứng của Phòng công chứng số 2 tỉnh Hải Dương và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm tại Thành phố Hà Nội, theo đó anh G và chị E đồng ý thế chấp chiếc ô tô Chiến Thắng biển kiểm soát 34L-2356 là tài sản chung của anh G và chị E để đảm bảo một phần nghĩa vụ trả tiền vay cho anh N, chị L theo Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009 là 200.000.000 đồng.

Theo Quyết định số 589/QĐ-NHNN ngày 25/4/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP B được sáp nhập vào Ngân hàng TMCP A.

Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, anh N và chị L đã trả được 386.812.908 đồng tiền gốc và 152.510.104 đồng tiền lãi. Theo đề nghị của anh G, chị E và anh N, chị L, Ngân hàng và các bên đã thanh lý Hợp đồng thế chấp (dùng cho thế chấp tài sản là các động sản của bên thứ ba) số TB.0036.09/HĐTC ngày 13/4/2009. Chiếc xe ô tô Chiến Thắng biển kiểm soát 34L-2356 không còn là tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của anh N và chị L.

Đến ngày 06/5/2011, anh N và chị L vi phạm nghĩa vụ trả tiền lãi và đến hạn trả nợ gốc theo quy định anh N và chị L không trả tiền cho Ngân hàng. Ngân hàng đã nhiều lần đôn đốc trả nợ nhưng anh N và chị L không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng.

Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc anh N và chị L trả các khoản nợ gốc và lãi theo Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009 tính đến ngày 01/5/2018 tổng số tiền là 216.570.838 đồng. Trong đó nợ gốc là 113.187.092 đồng, lãi trong hạn là 44.657.109 đồng, lãi quá hạn là 58.726.637 đồng. Buộc anh N và chị L phải tiếp tục trả các khoản lãi kể từ sau ngày 01/5/2018 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ nghĩa vụ theo Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu anh N và chị L không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thanh toán, Ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên để thu hồi nợ. Trong trường hợp số tiền phát mại tài sản bảo đảm vẫn không đủ trả nợ cho Ngân hàng thì anh N và chị L phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho đến khi tất toán toàn bộ khoản vay.

Tại các bản tự khai, biên bản hòa giải, bị đơn trình bày về việc ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quá trình thực hiện hợp đồng như nguyên đơn trình bày. Anh N, chị L thừa nhận còn nợ Ngân hàng các khoản nợ gốc và lãi như Ngân hàng yêu cầu nêu trên. Anh N xác định nguyên nhân anh không trả tiền cho Ngân hàng là do Ngân hàng không cấp giấy đi đường cho bên thế chấp làm cho các ô tô thế chấp không hoạt động được, gây khó khăn cho bên thế chấp, hiện tại hai chiếc ô tô thế chấp cho Ngân hàng đã xuống cấp, giá trị còn lại không nhiều. Anh N, chị L đồng ý phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Ngoài giá trị tài sản bảo đảm, anh N và chị L chỉ đồng ý trả thêm cho Ngân hàng số tiền 30.000.000 đồng.

Tại các bản tự khai, biên bản hòa giải người có quyền lợi liên quan là anh Đ và chị H trình bày về việc ký Hợp đồng thế chấp (dùng cho thế chấp tài sản là các động sản của bên thứ ba) số TB.0037.09/HĐTC ngày 13/4/2009 như nguyên đơn trình bày. Anh Đ và chị H xác định chiếc xe ô tô Toyota biển kiểm soát 34L- 1804 hiện xuống cấp nghiêm trọng, anh chị đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng quản lý để thu hồi nợ nhưng Ngân hàng không thực hiện. Nay anh chị đồng ý giao chiếc xe ô tô cho Ngân hàng để phát mại thu hồi nợ và chỉ chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm trong phạm vi giá trị chiếc xe ô tô theo hợp đồng đã ký với Ngân hàng.

Tại phiên tòa:

Đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện như đã nêu trên và xác định tổng số tiền yêu cầu bị đơn trả theo hợp đồng tín dụng đã ký tính đến hết ngày xét xử (23/11/2018) là 223.892.628 đồng. Trong đó, nợ gốc là 113.187.092 đồng, tổng nợ lãi tính đến ngày xét xử (23/11/2018) là 110.705.536 đồng gồm lãi trong hạn cộng dồn là 49.538.302 đồng, lãi quá hạn là 61.167.234 đồng). Đại diện nguyên đơn cũng xác định, lý do Ngân hàng không cấp giấy thông hành cho xe ô tô thế chấp hoạt động là do khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Kinh Môn phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như sau:

Căn cứ Điều 91, 95 Luật các tổ chức tín dụng 2010; Điều 299, 317, 320, 323, 357, 463, 466 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 và Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

Đề nghị Hội đồng xét xử: Xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam. Buộc anh N và chị L phải trả nợ tiền vay cho Ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009 tổng số tiền 223.892.628 đồng, trong đó nợ gốc là 113.187.092 đồng, nợ lãi tính đến ngày xét xử (23/11/2018) là 110.705.536 đồng gồm lãi trong hạn lãi trong hạn cộng dồn là 49.538.302 đồng, lãi quá hạn là 61.167.234 đồng.

Buộc anh N và chị L phải tiếp tục chịu khoản lãi suất theo Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009 kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm đối với khoản nợ gốc cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ.

Đối với số tiền lãi suất 110.705.536 đồng, sau khi án có hiệu lực pháp luật, Ngân hàng có yêu cầu thi hành án mà anh N và chị L không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải chịu lãi suất chậm trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả, mức lãi suất được thực hiện theo Điều 357, 468 Bộ luật dân sự 2015.

Về biện pháp bảo đảm: Sau khi án có hiệu lực pháp luật nếu anh N, chị L không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm của anh N, chị L và anh Đ, chị H để thu hồi nợ theo quy định. Anh Đ, chị H phải trả thay anh N và chị L số tiền gốc trong phạm vi nghĩa vụ bảo đảm và lãi phát sinh kể từ ngày anh N, chị L vi phạm nghĩa vụ trả nợ đến ngày xét xử theo Hợp đồng thế chấp đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật. Trường hợp số tiền thu được từ việc phát mại tài sản bảo đảm thừa thì Ngân hàng phải trả lại cho anh Đ, chị H và anh N, chị L. Trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán các khoản nợ thì anh N, chị L có nghĩa vụ trả nợ tiếp cho Ngân hàng đến khi trả xong khoản nợ.

Về án phí: Buộc bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Theo Quyết định số 589/QĐ-NHNN ngày 25/4/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP B vào Ngân hàng TMCP A, Ngân hàng TMCP A kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng TMCP B sau sáp nhập. Vì vậy, Ngân hàng TMCP A có quyền khởi kiện các khách hàng vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch với Ngân hàng TMCP B. Ngân hàng TMCP A khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản đối với anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L có nơi cư trú tại huyện K, tỉnh Hải Dương nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương theo khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn không có yêu cầu phản tố là anh N, chị L và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Đ, chị H đều đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[2] Về yêu cầu khởi kiện đòi trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng: Hợp đồng tín dụng số T.B.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009, Giấy nhận nợ số T.B.0038.09/GNN ngày 13/4/2009 giữa Ngân hàng TMCP B (nay là Ngân hàng TMCP A) và vợ chồng anh N, chị L được ký kết trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện của các bên, đảm bảo điều kiện về chủ thể tham gia giao kết hợp đồng, nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên là hợp đồng hợp pháp. Ngày 13/4/2009, anh N và chị L đã được giải gân số tiền 500.000.000đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, anh N và chị L đã trả được 386.812.908 đồng tiền gốc theo thỏa thuận và đã trả lãi theo hợp đồng tín dụng đến hết ngày 05/5/2011 là 152.510.104 đồng, từ đó không trả được nợ lãi và đến hạn theo thỏa thuận không trả được nợ gốc là vi phạm nghĩa vụ trả nợ quy định tại điểm 5.3 và 5.4 Điều 5 Hợp đồng tín dụng đã ký. Do vậy, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc anh N và chị L trả 113.187.092 đồng tiền gốc và tiền lãi trong hạn + Lãi quá hạn tính từ ngày 06/5/2011 đến ngày xét xử sơ thẩm theo mức lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng tổng = 223.892.628 đồng là có căn cứ theo quy định tại Điều 91 và Điều 95 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các Điều 463, 466 Bộ luật Dân sự 2015.

[3]. Về yêu cầu thanh toán tiền lãi quá hạn phát sinh trên nợ gốc từ sau ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi bị đơn thanh toán xong khoản nợ: Theo Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/5/2013 và được công bố theo Quyết định số 689/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì: “Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng. Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay”. Tòa án xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, theo quy định của Án lệ số 08/2016/AL, kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, anh N và chị L còn phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng khoản tiền lãi quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng và Giấy nhận nợ đã ký cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Lãi suất mà anh N và chị L phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng sẽ được điều chỉnh phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng.

[4]. Đối với số tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 110.705.536 đồng. Sau khi án có hiệu lực pháp luật, Ngân hàng có đơn yêu cầu thi hành án, nếu anh N và chị L không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì phải trả lãi chậm trả theo quy định tại Điều 357, 468 Bộ luật dân sự 2015.

[5]. Về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:

Hợp đồng thế chấp (dùng cho tài sản là các động sản) số TB.0038.09/HĐTC ngày 13/4/2009 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng TMCP B (nay là Ngân hàng TMCP A) bên thế chấp là vợ chồng anh N, chị L và Hợp đồng thế chấp (dùng cho thế chấp tài sản là các động sản của bên thứ ba) số TB.0037.09/HĐTC ngày 13/4/2009 giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng TMCP B (nay là Ngân hàng TMCP A), bên thế chấp là vợ chồng anh Đ, chị H và bên được thế chấp là vợ chồng anh N, chị L, đều được lập thành văn bản, có công chứng của Phòng công chứng số 2 tỉnh Hải Dương, có đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định, nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên là hợp đồng hợp pháp. Do anh N, chị L vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là có căn cứ theo Điều 7 của các Hợp đồng thế chấp nêu trên và quy định tại các Điều 299, 317, 320, 323 Bộ luật Dân sự 2015.

[6] Về án phí: Toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 91, 95 Luật các tổ chức tín dụng 2010; Điều 299, 317, 320, 323, 357, 463, 466, 468 Bộ luật Dân sự 2015; Án lệ số 08/2016/AL được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/5/2013 và được công bố theo Quyết định số 689/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 và Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

Xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam.

[1]. Về nghĩa vụ trả tiền: Buộc anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L phải trả cho Ngân hàng TMCP A số tiền 223.892.628 đồng, bao gồm số tiền gốc 113.187.092 đồng và 110.705.536 đồng tiền lãi phát sinh đến ngày tuyên án sơ thẩm 23/11/2018 (gồm lãi trong hạn cộng dồn là 49.538.302 đồng, lãi quá hạn là 61.167.234 đồng) theo Hợp đồng tín dụng số TB.0038.09/HĐTD ngày 13/4/2009 và Giấy nhận nợ số TBA.0038.09/GNN ngày 13/4/2009 giữa Ngân hàng TMCP B (nay là Ngân hàng TMCP A) và vợ chồng anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày tuyên án sơ thẩm, anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L còn phải tiếp tục trả cho Ngân hàng TMCP A khoản tiền lãi quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng và Giấy nhận nợ đã ký cho đến khi thanh toán xong nợ gốc. Lãi suất mà anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L phải tiếp tục trả cho Ngân hàng TMCP A sẽ được điều chỉnh phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng TMCP A.

Đối với số tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 110.705.536 đồng, sau khi án có hiệu lực pháp luật, Ngân hàng TMCP A có đơn yêu cầu thi hành án, nếu anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L không trả hoặc trả không đầy đủ thì phải trả lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Mức lãi suất chậm trả xác định theo quy định tại Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự 2015.

[2]. Về xử lý tài sản bảo đảm: Sau khi án có hiệu lực pháp luật, trường hợp anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng TMCP A có quyền yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự hoặc cơ quan khác có thẩm quyền thực hiện các thủ tục để phát mại tài sản bảo đảm gồm:

Chiếc xe ô tô Mercedes biển kiểm soát 34L-8591 là tài sản chung của anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L để thu hồi nợ theo Hợp đồng thế chấp (dùng cho tài sản là các động sản) số TB.0038.09/HĐTC ngày 13/4/2009.

Chiếc xe ô tô Toyota biển kiểm soát 34L-1804 là tài sản chung của anh Phạm Công Đ và chị Đinh Thị H để thu hồi nợ theo Hợp đồng thế chấp (dùng cho thế chấp tài sản là các động sản của bên thứ ba) số TB.0037.09/HĐTC ngày 13/4/2009. Phần giá trị có được do phát mại xe ô tô Toyota biển kiểm soát 34L- 1804 thu được lớn hơn phạm vi giá trị bảo đảm quy định trong hợp đồng thế chấp (nếu có) được trả lại cho anh Đ, chị H.

Trường hợp số tiền thu được từ việc phát mại tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật không đủ trả nợ theo Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp, thì anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L vẫn phải có nghĩa vụ trả hết nợ gốc, nợ lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng và Giấy nhận nợ đã ký cho Ngân hàng TMCP A.

[3] Về án phí: Buộc anh Trương Công N và chị Nguyễn Thị L phải chịu 11.194.632 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả Ngân hàng TMCP A số tiền 5.450.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu số AA/2017/0001671 ngày 07/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Hải Dương.

[4] Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn có mặt, có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Bị đơn vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự 2008, thì người được thi hành dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi thành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6 và 9 Luật thi hành án dân sự năm 2008 và điểm 4, điểm 5 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

691
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2018/DS-ST ngày 23/11/2018 về  tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản

Số hiệu:16/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Kinh Môn - Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về