TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MƯỜNG LÁT - TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 16/2017/HS-ST NGÀY 28/09/2017 VỀ TỘI TÀNG TRỮ TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY
Ngày 28/09/2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 08/2017/HSST ngày 02-6-2017, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 16/2017/QĐXXST-HS ngày 14-9-2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Phàng A S - Sinh năm 1966. Nơi sinh: Xã Hồng N, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; Nơi ĐKHKTT: Bản U, xã ML, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Nơi ở hiên nay: Bản U, xã ML, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Mông; Trình độ văn hóa: Không biết chữ; Con ông: Phàng A L, đã chết; Con bà; Giàng Thị P, sinh năm 1923; Có vợ: Giàng Thị M, sinh năm 1968; Có 07 con, con lớn nhất sinh năm 1985, nhỏ nhất sinh năm 1996. Tiền án, Tiền sự: Không;
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 06-3-2017, chuyển tạm giam ngày 09-3-2017 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Ngày 26-6-2017 được Tòa án nhân dân huyện Mường Lát thay thế biện pháp ngăn chặn “Tạm giam” bằng biện pháp “Bảo lĩnh” cho tại ngoại. Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Hà Văn Khôi - Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý số 1, thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa. Có măt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 06 giờ ngày 06-3-2017 Phàng A S một mình đi bộ từ nhà mình qua bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát rồi đến xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La để tìm mua ma túy sử dụng. Đến khoảng 08 giờ, Phàng A S gặp 01 người đàn ông dân tộc Mông không quen biết tại Xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ và hỏi người này “Anh có ma túy bán không? Nếu có thì cho tôi dùng măng rừng để đổi ma túy?”. Sau khi thỏa thuận xong, S lấy 01 bó măng đổi lấy 02 gói nilon màu hồng chứa hêrôin và được người này nói cho biết “01 gói có mười nghìn đồng và 01 gói có giá hai mươi nghìn đồng”. Sau đó Phàng A S xin thêm 01 viên hồng phiến nữa được gói trong túi nilon màu hồng. Nhận được ma túy, Phàng A S bỏ cả 03 gói ma túy vào 01 túi nilon trong suốt, dùng máy lửa dán kín túi nilon và cho vào túi vải đeo ở thắt lưng phía trước và đi bộ theo đường mòn cũ để quay về nhà. Khoảng 17 giờ, cùng ngày khi Phàng A S đi về đến khu vực bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát thì bị tổ tuần tra Đồn Biên phòng Tam Chung đang thực hiện nhiệm vụ phát hiện và bắt quả tang Phàng A S về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, thu giữ toàn bộ số ma túy mà Sềnh đã đổi măng có được trước đó.
Tại bản kết luận giám định số: 744/MT– PC54 ngày 08-3-2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận:
- Cục dạng nén màu trắng ngà dạng vụn của phong bì gửi giám định có tổng trọng lượng là 0,305g (Không phẩy ba trăm linh năm gam), có hêrôin.
- Viên nén màu hồng trên bề mặt có ký hiệu “WY” của phong bì niêm phong gửi giám định có trọng lượng là 0,097g (Không phẩy không chín bảy gam), có Methamphetamine.
Cáo trạng số 12/CTr-VKS-MT ngày 01/6/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Lát truy tố bị cáo Phàng A S về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1 điều 194 BLHS. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu. Cụ thể:
Tỷ lệ % về trọng lượng hêrôin so với mức tối thiểu đối với hêrôin quy định tại điểm h khoản 2 điều 194 BLHS là 6,1% (0,305gam so với 05 gam).
Tỷ lệ % về trọng lượng Methamphetamine so với mức tối thiểu đối với các chất ma túy khác ở thể rắn quy định tại điểm m khoản 2 điều 194 BLHS là 0,485% (0,097 gam so với 20 gam).
Như vậy, tổng tỷ lệ phần trăm về trọng lượng của cả 02 chất ma túy mà Phàng A Sềnh tàng trữ là 6,585%(Sáu phẩy năm trăm tám mươi lăm phần trăm).
Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự theo Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội; khoản 3 điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, để áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo điểm i khoản 1 điều 249 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Nên đề nghị Hội đồng xét xử:
+ Tuyên bị cáo phạm tội “Tàng trữ trái pháp chất ma túy”.
+ Áp dụng: Điều 33; điểm p khoản 1 điều 46; khoản 1 điều 194 Bộ luật hình sự, điểm i khoản 1 điều 249 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo.
+ Về hình phạt: Đề nghị xử phạt bị cáo từ 12 đến 16 tháng tù.
+ Về vật chứng: Đề nghị HĐXX xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo đồng tình với quan điểm truy tố của VKS về tội danh, điều luật áp dụng. Nhưng cho rằng, trong quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải, nên đề nghị HĐXX áp dụng điểm p, khoản 1 điều 46 BLHS cho bị cáo. Ngoài ra, Bị cáo là người dân tộc thiểu số, từ nhỏ sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, việc tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như việc tuyên truyền pháp luật về ma túy chưa đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, gia đình bị cáo là hộ nghèo, bản thân bị cáo chưa có tiền án tiền sự, từ nhỏ không được đi học nên không biết chữ, dẫn đến hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Đồng thời, số ma túy thu giữ của bị cáo khi giám định hàm lượng thì chưa đến mức khởi điểm để phải chịu trách nhiệm hình sự (0.088g Hêrôin và 0,013 gam Methamphetamine).Áp dụng nguyên tắc có lợi cho cáo, đề nghị HĐXX áp dụng Công văn 234/TANDTC-HS ngày 17-9-2014 của Tòa án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; các văn bản hướng dẫn về giải quyết án ma túy của Tòa án nhân dân Tối cao và điều 25 BLHS năm 2009; khoản 3 điều 7 BLHS năm 2015 để xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, vì đây là trường hợp do thay đổi trong quy định của pháp luật dẫn đến hành vi phạm tội không còn nguy hiểm đến mức phải xử lý hình sự.
Tại phiên tòa Bị cáo nhận tội, đồng tình với lời bào chữa của trợ giúp viên pháp lý, không thay đổi, bổ sung thêm gì, không có ý kiến tranh luận với đại diện VKS, lời nói sau cùng bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Mường Lát, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Lát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố; Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký tham gia phiên tòa đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa cho bị cáo, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Hành vi phạm tội của bị cáo và tính chất vụ án: Ngày 06-3-2017, bị cáo đi bộ từ nhà mình sang xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La để mua ma túy sử sụng cho bản thân, tại đây bị cáo không có tiền nên đã đổi măng rừng lấy 03 gói ma túy với mục đích đem về nhà để sử dụng. Trên đường về thì bị Đồn biên phòng Tam Chung bắt giữ, thu giữ toàn bộ ma túy. Cơ quan có thẩm quyền đã giám định số ma túy thu giữ của bị cáo thì: Cục dạng nén màu trắng ngà dạng vụn của phong bì gửi giám định có tổng trọng lượng là 0,305g (Không phẩy ba trăm linh năm gam), có hêrôin. Viên nén màu hồng trên bề mặt có ký hiệu “WY” của phong bì niêm phong gửi giám định có trọng lượng là 0,097g (Không phẩy không chín bảy gam), có Methamphetamine.
Bị cáo tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng cho bản thân đã xâm phạm chính sách quản lý độc quyền của Nhà nước về ma túy; Bị cáo là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, biết rõ việc tàng trữ trái phép chất ma túy là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình thực hiện nhằm mục đích phục phụ nhu cầu của bản thân. Như vậy, với hành vi của bị cáo, tính chất vụ án, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị cáo và trọng lượng ma túy thu giữ của bị cáo sau khi giám định đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tội danh và mức hình phạt được quy định tại khoản 1, điều 194 Bộ luật hình sự, như Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Lát truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tại bản kết luận giám định số 217/C54(TT2) ngày 14-6-2017 của Viện khoa học hình sự - Tổng cục cảnh sát, kết luận:
- Hàm lượng Methamphetamine của mãnh viên nén màu hồng gửi giám định là 14,0% (Mười bốn phần trăm).
- Hàm lượng Hêrôin của cục bột màu trắng ngà gửi giám định là 29,0% (Hai mươi chín phần trăm).
Mặc dù luật không quy định hàm lượng chất ma túy, nhưng Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 có quy định về hàmlượng chất ma túy. Căn cứ vào các kết quả giám định thì xác định Phàng A Sềnh đã thực hiện hành vi tàng trữ trái phép: Hàm lượng Hêrôin có 29% quy đổi ra nguyên chất là 0,088 gam; Hàm lượng Methamphetamine có 14% quy đổi ra nguyên chất là 0,013 gam. Như vậy, hàm lượng chất ma túy thu giữ của bị cáo sau khi giám định có tổng trọng lượng dưới 0,1gam hêrôin và dưới 01gam Methamphetamine.
Do đó theo quy định tại điểm b, điểm e, tiểu mục 3.6, Mục 3, phần II Thông tư số liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên bộ của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “ Các tội phạm về ma túy”, thì không đủ định lượng Hêrôin và Methamphetamine để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phàng A Sềnh.
Hơn nữa, tại điểm a tiểu mục 2.5, Mục 2, phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên bộ của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “ Các tội phạm về ma túy”, thì chỉ hướng dẫn để tính cách quy đổi từ 02 chấy ma túy trở lên, khi quy đổi ra tỷ lệ % mà dưới 100% thì phải chịu trách nhiệm hình sự ở khoản 1 điều 194 BLHS. Nhưng không quy định mức tối thiểu bao nhiêu % là mức khởi điểm để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ: Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009; Khoản 3 điều 7 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017; Công văn 234/TANDTC-HS ngày 17-9-2014 của Tòa án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa 14. Hội đồng xét xử thấy hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội, nên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phàng A Sềnh, vì đây là trường hợp do thay đổi trong quy định của pháp luật dẫn đến hành vi không còn nguy hiểm đến mức phải xử lý hình sự.
Việc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, chứ không phải oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Do đó, bị cáo không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng cho bản thân của bị cáo là vi phạm pháp luật. Do vậy, bị cáo vẫn bị xử phạt hành chính theo điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo hết hiệu lực thi hành.
[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tại các cơ quan tố tụng cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo đã thành khẩn khai báo, thái độ ăn năn hối cải; bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo là người dân tộc thiểu số, từ nhỏ đã sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy chưa được thường xuyên đến đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nên HĐXX thấy hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội, để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, bị cáo chỉ bị xử lý về vi phạm hành chính, để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật và vẫn đủ tính răn đe và phòng ngừa chung.
[4] Vật chứng trong vụ án: 01 phong bì niêm phong ghi số 217/C54(TT2) bên trong là 0,226gam có hêrôin và các vỏ bao gói còn lại sau giám định lần 2, căn cứ điều 41 Bộ luật hình sự; điểm a khoản 2 điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự cần tịch thu hiêu hủy.
[5] Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, nên không phải chịu án phí HSST. Bị cáo có quyền kháng cáo theo quy định.
[6] Các nhận định khác: Đối với người đàn ông đã bán ma túy cho bị cáo, thì Cơ quan CSĐT không thể xác minh làm rõ để xử lý ở vụ án này.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào: Khoản 1 điều 194 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009; Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009; Khoản 3 điều 7 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017; Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20-6-2017 của Quốc hội khóa 14; Công văn 234/TANDTC-HS ngày 17-9-2014 của Tòa án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đối với bị cáo.
Xử: Miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phàng A S, sinh năm 1966. Trú tại: Bản U, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Việc miễn trách nhiệm hình cho bị cáo Phàng A Sềnh là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, không phải oan sai của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Do đó Bị cáo Phàng A Sềnh không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.
Đề nghị Cơ quan Công an huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” của Bị cáo Phàng A Sềnh theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Về biện pháp ngăn chặn: Áp dụng: Điều 94, 177 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuyên: Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn” số 01/2017/QĐ-CA ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa hết hiệu lực thi hành.
Về tang vật: Áp dụng điểm a, điểm b, điểm c, khoản 2 điều 76 Bộ luật hình sự; Điều 41 Bộ luật hình sự. Tịch thu tiêu hủy: 01 phong bì niêm phong số 217/C54(TT2) bên trong là 0,226gam có hêrôin và các vỏ bao gói còn lại sau giám định lần 2. Tất cả được đựng trong 01 phong bì niêm phong do Viện khoa học hình sự - Tổng cục cảnh sát phát hành dán kín, niêm phong bởi chữ ký ghi rõ họ tên Nguyễn Ngọc Phú và 05 hình dấu của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát. Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 22-6-2017 giữa Tòa án nhân dân huyện Mường Lát và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Mường Lát
Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo không phải nộp án phí hình sự sơ thẩm.
Án xử công khai; có mặt bị cáo; người bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Bản án 16/2017/HS-ST ngày 28/09/2017 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy
Số hiệu: | 16/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Mường Lát - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về