Bản án 159/2020/HS-ST ngày 25/11/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THÁI BÌNH, TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 159/2020/HS-ST NGÀY 25/11/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 25 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 157/2020/HSST ngày 30 tháng 10 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 168/2020/QĐXXST - HS ngày 12 tháng 11 năm 2020, đối với các bị cáo:

1. Phạm Ngọc Đ, sinh ngày 15/6/1993 tại Thái Bình. Nơi cư trú: Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam Trình độ học vấn : 09/12 ; Nghề nghiệp : Lao động tự do Con ông Phạm Ngọc Đ1 (đã chết) và bà Trương Thị G Tiền án, tiền sự : không.

Nhân thân:

- Từ Tháng 9 năm 2012 đến tháng 8 năm 2013 tham gia nghĩa vụ quân sự tại Trung Đoàn 43, huyện H, tỉnh Quảng Ninh.

- Năm 2015, tại Bản án số 26/2015/HSST ngày 20/5/2015 Tòa án nhân dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình xử phạt 02 năm 06 tháng tù về tội „„Tàng trữ trái phép chất ma túy‟‟, chấp hành xong hình phạt tù ngày 19/01/2017, chấp hành xong án phí ngày 26/6/2015.

Bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên tòa.

2. Đặng Xuân T, sinh ngày 03/4/1995 tại Thái Bình Nơi cư trú: Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình.

Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam Trình độ học vấn : 09/12 ; Nghề nghiệp : Lao động tự do Con ông Đặng Văn H và bà Phạm Thị Q.

Tiền án: Không.

Tiền sự : Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc số 72/2017/QĐ – TA ngày 10/11/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình, thời hạn 15 tháng. Chấp hành xong ngày 28/12/2018.

Bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

*Bị hại.

1. Anh Vũ Đình P, sinh năm 1990. Nơi cư trú: Thôn V, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.

2. Anh Vũ Đình P1, sinh năm 1976. Nơi cư trú: Thôn V, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.

*Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 1. Bà Phạm Thị Q, sinh năm 1958. Nơi cư trú: Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.

2. Bà Trương Thị G, sinh năm 1968. Nơi cư trú: Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.

* Người làm chứng:

1. Anh Đặng Tiến T1, sinh năm 1995. Nơi cư trú: Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.

2. Anh Đặng Văn T2, sinh năm 1971. Nơi cư trú: Thôn P, xã Đ, huyện T, tỉnh B. Vắng mặt.

3. Chị Phạm Thị H, sinh năm 1972. Nơi cư trú: Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình. Vắng mặt.

4. Chị Bùi Thị T, sinh năm 1977. Nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện T, tỉnh B. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 13 giờ 15 phút ngày 24/5/2020, anh Vũ Đình P và anh Vũ Đình P1 mỗi người điều khiển một xe điện ba bánh đến đoạn đường khu vực đình H, Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình thì gặp Phạm Ngọc Đ điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave alpha trắng biển số 17B9 – 063.03 đi ngược chiều. Đ cho rằng anh P, anh P1 điều khiển xe đi nhanh gây bụi trên đường bay vào mắt Đ nên Đ chặn đầu xe của anh P nói: “Chúng mày đi kiểu gì thế”. Khi anh P nhìn Đ thì Đ cho rằng anh P nhìn “đểu” nên Đ xuống xe lao vào túm cổ áo anh P lôi khỏi xe điện, dùng chân tay đánh anh P. Anh P ôm cổ, vật Đ xuống đất thì anh P1 đến can ngăn, Đ đứng dậy nói: “chúng mày đợi tao” rồi điều khiển xe đi đến nhà Đặng Xuân T. Tại nhà T lúc này có mẹ T là bà Phạm Thị Q và anh trai T là Đặng Tiến T1, T1 đang ngủ trong phòng. Đ gặp và nói với T là vừa bị hai người đánh và rủ T đi cùng để đánh lại thì T đồng ý. Đ tự vào lấy trên nóc tủ trong phòng ngủ của T 01 thanh đao dài khoảng 1,3m (lưỡi dài khoảng 60 cm, cán dài khoảng 70 cm) đưa cho T cầm, rồi điều khiển xe mô tô chở T đi gặp anh P1, anh P. Khi đến đoạn đường liên thôn thuộc Thôn T, xã V, thành phố B, cách cổng đình H khoảng 150 mét hướng lên đê L thì gặp anh P và anh P1 điều khiển xe điện ba bánh đi đến. Đ điều khiển xe chặn đầu xe của anh P. Anh P xuống xe và bỏ chạy về hướng Trường mầm non B. Khi anh P1 đi tới, Đ nói với T: “Thằng chú nó cũng đánh tao” thì T xuống xe, tay phải cầm đao lao tới chém anh P1 nhưng anh P1 tránh được nên trúng vào thành xe điện ba bánh làm cán đao bị gãy làm hai, đoạn có lưỡi đao rơi xuống thùng xe. Lúc này, anh P1 nhảy xuống xe thì T dùng tay phải cầm cán đao vụt một nhát trúng đỉnh đầu bên trái của anh P1. Đ lên thùng xe nhặt phần đao có lưỡi đao đi xuống thì anh P1 lao vào ôm Đ từ phía sau, T giật đao từ tay Đ, đồng thời Đ giật phần cán đao trên tay T. Do bị anh P1 ôm, Đ dùng tay phải đang cầm cán đao vung ngược về phía sau bên phải trúng đỉnh đầu bên phải của anh P1. Anh P1 buông Đ ra, Đ tiếp tục dùng cán đao vụt vào chân trái của anh P1. Khi anh P1 chạy xuống ruộng cạnh đường thì Đ chạy đuổi theo anh P nhưng không được nên quay lại. Lúc này anh P1 lần theo bờ ruộng lên đường và nói: “Anh em cứ bình tĩnh, đây chỉ là hiểu nhầm thôi” thì Đ dùng tay phải cầm cán đao đến vụt một nhát trúng chân trái, 01 nhát trúng phần sườn của anh P1. Anh P1 bỏ chạy về nhà dân thì Đ đuổi theo. Lúc này, bà Quý thấy T và Đ đi chưa về nên đã bảo T1 (anh em sinh đôi với T) đi ra xem có chuyện gì. T1 điều khiển xe máy Piagio Liberty màu xanh biển số 17N1 – 164.24 đi đến, thấy Đ đang dùng cán đao đánh vào chân, bụng, lưng anh P1, lúc này có một số người dân can ngăn nên Đ không đánh anh P1 nữa mà cùng T đi tìm anh P, còn T1 đi xe về nhà.

Đ và T đến cổng Trường mầm non B thì thấy anh P đang đứng dưới ruộng, Đ xuống xe chạy xuống dùng cán đao vụt hai nhát vào vùng vai và bắp chân của anh P, anh P nói anh là cháu chú K ở Thôn T, xã V, thành phố B thì Đ bảo T chở anh P về nhà anh K để nói chuyện. Cùng lúc đó T1 mang theo một đoạn tuýp sắt có gắn dao bầu dài khoảng 40cm quay lại gặp Đ, thì Đ nói T1 chở anh P về nhà anh Kiêm còn Đ chở T đến khu vực lán để vật liệu xây dựng trước cửa nhà anh K nhưng anh K không có nhà. Tại đây Đ đã dùng cán đao vụt liên tiếp vào người anh P, bị cáo T định dùng đao vụt anh P thì T1 và mọi người can ngăn nên cả Đ và T không đánh anh P nữa. Đ, T, T1 cùng điều khiển xe máy đi về. Đến đoạn sông gần cổng chào Thôn T, xã V, thành phố B thì T1 ném tuýp sắt có gắn dao bầu xuống sông, còn Đ và T lên thành phố B, đến đoạn đê gần nhà máy nước P, thành phố B thì Đ ném phần cán đao và phần cán gắn lưỡi đao xuống sông L. Anh P và anh P1 được đưa đi cấp cứu tại bệnh viên Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Tại bản kết luận giám định về thương tích số 73/20/TgT ngày 15/6/2020 của Trung tâm pháp y – Sở y tế Thái Bình đối với anh Vũ Đình P1 kết luận: Thương tích vùng đầu, vùng chân hai bên do vật tầy cứng tác động làm gãy xương mác trái, rách da và tổ chức dưới da, đã được khâu phục hồi các vết thương vùng đầu, nẹp bất động chân trái, dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc tăng cường tuần hoàn não. Hiện tại còn đau rát các vết thương, toàn bộ cẳng chân trái còn được băng nẹp, đi lại còn phải chống nạng. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 11%.

Tại bản Kết luận giám định về thương tích số 72/20/TgT ngày 12/6/2020 của Trung tâm pháp y – Sở y tế Thái Bình đối với anh Vũ Đình P thể hiện: Thương tích vùng ngực, vùng cánh tay phải, vùng đầu gối phải, vùng gai chậu trái và vùng cẳng chân trái do vật tầy tác động làm bầm tím, tụ máu đã được truyền dịch, dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc tăng cường tuần hoàn não. Hiện tại vùng ngực, vùng đầu gối phải, vùng gai chậu trái và vùng cẳng chân trái không có bầm tím, tụ máu. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 0%.

Tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, các bị cáo đã tác động đến gia đình (cụ thể là mẹ các bị cáo) để bồi thường thiệt hại cho Phấn và anh P mỗi người 5.000.000 đồng.

Về trách nhiệm dân sự: Các bị hại đã nhận số tiền bồi thường 5.000.000 đồng, không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm khoản nào khác đồng thời anh Vũ Đình P1 và anh Vũ Đình P đều có đơn đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố các bị cáo Phạm Ngọc Đ và Phạm Xuân T phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng điểm đ Khoản 2 Điều 134 (thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm i khoản 1 Điều 134) Bộ luật Hình sự; Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 38, Điều 50, Điều 17, Điều 58 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Ngọc Đ từ 02 năm 06 tháng tù đến 02 năm 09 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án. Xử phạt bị cáo Đặng Xuân T từ 02 năm 03 tháng tù đến 02 năm 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự: Bị hại không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thêm khoản tiền nào khác nên không đặt ra giải quyết.

Về xử lý vật chứng: Đối với 01 tuýp sắt có gắn dao bầu, Đặng Tiến T1 đã vứt ở gần cổng chào Thôn T, xã V, thành phố B; đối với chiếc đao và cán đao dùng gây thương tích cho bị hại, bị cáo Phạm Ngọc Đ đã vứt xuống sông L nên không thu được. Đối với 02 xe ba bánh tự chế, không có giấy tờ đăng ký nên Cơ quan Điều tra tiếp tục xác minh để xử lý sau.

Các bị cáo đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình đã truy tố và không có ý kiến tranh luận các vấn đề khác.

Các bị cáo nói lời sau cùng: Xin Hội đồng xét xử cho các bị cáo hưởng mức án thấp nhất để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Trong quá trình điều tra và truy tố cũng như tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không có khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, các bị cáo Phạm Ngọc Đ và bị cáo Đặng Xuân T đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã mô tả. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của bị hại, lời khai của những người làm chứng, bản giám định pháp y về thương tích và còn được chứng minh bằng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy có đủ căn cứ kết luận: Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 24/5/2020, tại khu vực đường liên Thôn T, xã V, thành phố B, tỉnh Thái Bình, Phạm Ngọc Đ và Đặng Xuân T đã có hành vi dùng cán đao, đao và chân tay đấm đá, đánh vào người anh Vũ Đình P và anh Vũ Đình P1, hậu quả làm anh P1 bị thương tích 11%, anh P bị bầm tím, tụ máu vùng ngực, vùng cánh tay phải, vùng đầu gối phải, vùng gai chậu trái và vùng cẳng chân trái, tỉ lệ thương tích 0%. Các bị cáo là người đã thành niên, nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây nên nhưng chỉ vì một lý do hết sức nhỏ nhặt, bị cáo Đ đã không làm chủ được bản thân để lựa chọn cách xử sự phù hợp mà rủ thêm bị cáo T, mang theo hung khí cùng nhau gây thương tích cho anh P1.

[3] Do các bị cáo sử dụng chiếc đao, sau đó đao gẫy nên đã dùng cán đao để gây thương tích, được xác định là dùng hung khí nguy hiểm và thực hiện hành vi mang tính côn đồ nên mặc dù thương tích không vượt quá 30 % nhưng thuộc trường hợp định khung tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự theo quy định tại điểm a và i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình truy tố các bị cáo Phạm Ngọc Đ và Đặng Xuân T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội. Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a, Dùng hung khí nguy hiểm… .........

i, Có tính chất côn đồ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.

...

đ, Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này”.

[4] Xét tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo thấy: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, bị cáo Đ vì một việc rất nhỏ đã không kiềm chế được bản thân, rủ thêm bị cáo T, là người không có bất cứ mâu thuẫn nào với các bị hại cùng nhau dùng hung khí dùng gây thương tích cho anh P1 và có hành vi đánh anh P, mặc dù tỉ lệ tổn thương cơ thể là 0% nhưng việc mang theo hung khí, đuổi đánh công khai người khác giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của nhiều người thể hiện sự hung hăng, côn đồ coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, coi thường và thách thức pháp luật cũng như dư luận, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội do vậy cần phải quyết định hình phạt thật nghiêm khắc đối với các bị cáo mới có tác dụng giáo dục cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung. Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, trong đó bị cáo Đ là người khởi xướng, rủ rê và là người chuẩn bị hung khí đồng thời thực hiện việc đánh anh P1 một cách tích cực nên bị cáo có vai trò cao hơn. Bị cáo T không có mâu thuẫn với bị hại nhưng khi được rủ rê cũng tiếp nhận ý chí ngay tức khắc và tham gia tích cực, do không phải là người khởi xướng nên xếp vai trò sau bị cáo Đ. Thương tích của anh P1 là hậu quả do hành vi của cả hai bị cáo gây nên.

[5] Về nhân thân tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo: Cả hai bị cáo đều có nhân thân xấu, bị cáo Đ đã từng bị kết án nhưng đã không lấy đó làm bài học để tu dưỡng bản thân mà tiếp tục phạm tội tuy được xác định là không có tiền án nhưng cũng thể hiện bị cáo là người khó giáo dục, bị cáo T đã từng bị đưa đi cai nghiện bắt buộc khi thực hiện hành vi phạm tội lần này bị coi là có 01 tiền sự. Các bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự. Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cũng xem xét các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bản thân đã tích cực tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho người bị hại nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự giảm cho các bị cáo một phần hình phạt, ngoài ra các bị cáo còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự do đã ra đầu thú, bị hại có đơn xin giảm hình phạt và miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, bị cáo Đ còn có thời gian tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, đóng góp một phần công sức cho Tổ Quốc.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Gia đình bị cáo Đ, bị cáo T và người bị hại đã thỏa thuận: gia đình hai bị cáo bị cáo bồi thường cho anh Vũ Đình P1 và anh Vũ Đình P mỗi người 5000.000 đồng, người bị hại đã nhận đủ số tiền trên và không yêu cầu các bị cáo bồi thường thêm khoản nào khác. Bà Phạm Thị Q (mẹ bị cáo T) và bà Trương Thị G (mẹ bị cáo Đ) là người bồi thường thay cho các bị cáo nhưng không yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã bồi thường cho bị hại nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

[7] Đối với anh Đặng Tiến T1 khi các bị cáo đánh anh Vũ Đình P1 anh T1 không có mặt, không tham gia đánh. Anh T1 chỉ đi cùng với hai bị cáo khi bị cáo Đ đánh anh P nhưng bản thân anh T1 không tham gia đánh và thương tích của anh P là 0% nên không xử lý trách nhiệm hình sự với anh T1.

[8] Về xử lý vật chứng: Chiếc tuýp sắt có gắn dao bầu, Đặng Tiến T1 đã vứt ở gần cổng chào Thôn T, xã V, thành phố B; chiếc đao và cán đao dùng gây thương tích cho bị hại, bị cáo Phạm Ngọc Đ đã vứt xuống sông L nên không thu được do vậy không đặt ra giải quyết. Đối với 02 xe ba bánh tự chế, không có giấy tờ đăng ký nên Cơ quan Điều tra tiếp tục xác minh xử lý sau.

[9] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[10] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong hạn luật định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm đ Khoản 2 Điều 134; Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điều 38, Điều 50; Điều 17, Điều 58 Bộ luật Hình sự; Điều 136; Điều 331; Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố: Các bị cáo Phạm Ngọc Đ và Đặng Xuân T phạm tội "Cố ý gây thương tích”.

2. Hình phạt: Xử phạt bị cáo Phạm Ngọc Đ 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày thi hành án.

Xử phạt bị cáo Đặng Xuân T 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày thi hành án.

3. Về trách nhiệm dân sự: Không đặt ra giải quyết.

4. Về xử lý vật chứng: Không đặt ra giải quyết.

5. Về án phí: Các Bị cáo Phạm Ngọc Đ và Đặng Xuân T mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

6. Về quyền kháng cáo: Các Bị cáo Phạm Ngọc Đ và Đặng Xuân T, có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm 25/11/2020. Người bị hại anh Vũ Đình P1, Vũ Đình P có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống Đ hợp lệ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Phạm Thị Q, bà Trương Thị G vắng mặt có quyền kháng cáo những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

198
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 159/2020/HS-ST ngày 25/11/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:159/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình - Thái Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về