Bản án 159/2020/HS-PT ngày 15/06/2020 về tội đưa hối lộ

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 159/2020/HS-PT NGÀY 15/06/2020 VỀ TỘI ĐƯA HỐI LỘ

Vào ngày 15 tháng 6 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 11/2019/TLPT-HS ngày 02 tháng 12 năm 2019 đối với các bị cáo Ngô Văn T, Nguyễn Anh T1 và Đinh Văn N, Nguyễn Duy K. Do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum liên quan đến ông Trần Văn M, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2019/HS-ST ngày 14/10/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Ngô Văn T, sinh ngày 05/4/1964, tại tỉnh Nam Định.

Nơi cư trú: thành phố K, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nghề tự do; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Ngô Văn Đ, sinh năm 1933 và bà Trần Thị N, sinh năm 1935; vợ là Hoàng Thị N, sinh năm 1968; bị cáo có 03 con, con lớn sinh năm 1990, con nhỏ sinh năm 1996.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/12/2014 đến ngày 14/4/2015 thì được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Bị cáo hiện đang được tại ngoại đến nay có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Anh T1, sinh ngày 26/3/1970, tại: tỉnh Bình Thuận

Nơi cư trú: thành phố K, tỉnh Kon Tum; Nghề nghiệp: Cán bộ kiểm lâm - Chi cục kiểm lâm huyện N, tỉnh Kon Tum; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Nguyễn B, sinh năm 1933 (đã mất năm 2001); con bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1940; Vợ là Bùi Thị Đ, sinh năm 1978; bị cáo có 02 con, con lớn sinh năm 2011 và con nhỏ sinh 2014;

Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/12/2014 đến ngày 14/4/2015 thì được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Bị cáo hiện đang được tại ngoại đến nay có mặt tại phiên tòa.

3. Đinh Văn N, sinh ngày 21/9/1982, tại tỉnh Hòa Bình;

Nơi cư trú: huyện N, tỉnh Kon Tum; Nghề nghiệp: Nguyên là phó chủ tịch UBND xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Mường; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 12/12; con ông Đinh Văn M, sinh năm 1946 (đã mất) và bà Đinh Thị L, sinh năm 1950 (đã mất); Vợ là Bùi Thị T, sinh năm 1992; bị cáo có 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2011;

Tiền án, tiền sự: Không.

Ngày 29/11/2012 bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo hiện đang được tại ngoại đến nay có mặt tại phiên tòa.

4. Nguyễn Duy K, sinh ngày 06/7/1972, tại tỉnh Hưng Yên;

Nơi cư trú: thành phố K, tỉnh Kon Tum; Nghề nghiệp: Nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Trường K; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ văn hóa: 12/12; Con ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1950 và bà Đỗ (Đào) Thị H, sinh năm 1952; Vợ là Nguyễn Thị Thục U, sinh năm 1982; bị cáo có 05 con, con lớn sinh năm 1995, con nhỏ sinh năm 2011;

Tiền án, tiền sự: Không

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/5/2012 đến ngày 05/02/2013 thì được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo hiện đang được tại ngoại đến nay vắng mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan liên quan đến kháng nghị:

Ông Trần Văn M; Nơi cư trú: thành phố P, tỉnh Gia Lai. Có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo:

+ Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy K theo yêu cầu của bị cáo: Ông Nguyễn Ngọc L - Luật sư VPLS C. Địa chỉ: 2 thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

+ Người bào chữa cho bị cáo Ngô Văn T theo yêu cầu của bị cáo: Ông Phạm Ngọc Q - Luật sư Công ty Luật TNHH MTV Q. Địa chỉ: tỉnh Gia Lai; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép của Trần Văn M.

Trần Văn M là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân H tại TP P, tỉnh Gia Lai, đồng thời tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH H (Công ty H) do Vương Tấn S làm Giám đốc có địa chỉ tại tỉnh Phú Yên để kinh doanh buôn bán gỗ. Tháng 9/2011, Trần Văn M giao cho Hà Kim T2 (là em vợ) tìm khách hàng mua gỗ của Công ty TNHH H. Hà Kim T2 đã đến huyện Từ S, tỉnh Bắc N liên hệ với Ngô Văn H là Giám đốc Công ty Thương mại và vận tải Vĩnh S (Công ty Vĩnh S) để thống nhất làm hợp đồng kinh tế số 179/HĐ ngày 27/9/2011 với nội dung:..“Công ty TNHH H bán cho Công ty Vĩnh S 156,679 m3 gỗ hương xẻ đẽo và 25,569 tấn gốc rễ cành nhánh trắc đã qua sơ chế, trị giá hợp đồng là 747.543.300 đồng, Công ty H phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ gỗ hợp pháp và chịu trách nhiệm vận chuyển gỗ đến ga Từ S cho Công ty Vinh S…” C Hợp đồng kinh tế được Ngô Văn H ký trước, sau đó Hà Kim T2 mang về cho Trần Văn M để đưa cho Vương Tấn S ký với tư cách là Giám đốc công ty. Trần Văn M là người chịu trách nhiệm toàn bộ việc kiểm đếm, lập lý lịch gỗ, vận chuyển và bàn giao gỗ cho Ngô Văn H.

Sau khi hợp đồng mua bán gỗ được ký, Trần Văn M đã không thực hiện việc cân, đo, kiểm, đếm gỗ để xác định số lượng, khối lượng, kích thước gỗ thực tế làm căn cứ lập lý lịch gỗ và ghi hóa đơn theo quy định tại Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra, kiểm soát lâm sản mà chỉ đạo Hà Kim T2 dựa trên số liệu ghi chép tồn kho của công ty để ghi hóa đơn số 0000043 ngày 29/9/2011, số lượng gỗ 156,679 m3 gỗ hương xẻ, 25,569 tấn gốc rễ, cành, nhánh trắc và đưa cho Vương Tấn S ký; đồng thời yêu cầu Nguyễn Văn Hiếu nhân viên Công ty H sử dụng lý lịch của những lô gỗ khác còn lưu tại công ty, tập hợp thành một tập 403 trang, không đánh số thứ tự gỗ theo quy định, với tổng khối lượng gỗ trong tập lý lịch là 388,096 m3 để sử dụng làm hồ sơ bán, vận chuyển gỗ.

Mặc dù biết lý lịch gỗ không đúng với gỗ thực tế mua bán, vận chuyển, nhưng Trần Văn M vẫn thuê 05 xe ô tô, bốc xếp gỗ từ Công ty H lên các xe và vận chuyển gỗ đến Ga Bình Định. Khi gỗ đến Ga Bình Định, Trần Văn M đã liên hệ với Nguyễn Thanh T3 (Trưởng ga), Trần Ngọc T4 (Thư ký hóa vận) để thuê 06 toa tàu số 131129, 231393, 231518, 231022, 231270, 131238 vận chuyển gỗ từ Ga Bình Định đến Ga Từ S.

Khi 06 toa tàu chở gỗ của Trần Văn M đến ga G và ga Từ S thì bị Đoàn Kiểm tra liên ngành tạm giữ. Trần Văn M đã đưa hồ sơ gỗ gồm: hóa đơn giá trị gia tăng số 0000043 ngày 29/9/2011 và lý lịch gỗ gồm 403 trang nêu trên cho Hà Kim T2 và Trần Văn N (con trai của Trần Văn M) nộp cho Đoàn Kiểm tra liên ngành để chứng minh gỗ hợp pháp.

Kết quả điều tra xác định bộ hồ sơ gỗ buôn bán, vận chuyển nêu trên được Trần Văn M lập không đúng quy định và không đúng số lượng, quy cách, chủng loại gỗ thực tế. Trần Văn M biết bộ hồ sơ này không phù hợp với gỗ thực tế nhưng vẫn sử dụng để làm thủ tục vận chuyển 24.047 kg gỗ trắc hình thù phức tạp, 55,881 m3 gỗ hương tròn, 87,012 m3 gỗ hương xẻ, 0,021 m3 gỗ cà te tròn, 0,019 m3 gỗ cà te xẻ, từ Công ty TNHH H đến Ga Từ S, Tỉnh Bắc N bán cho Ngô Văn H.

Theo kết quả tính toán của Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đối với khối lượng và tổng khối lượng gỗ được quy tròn theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ thì tổng khối lượng gỗ mà Trần Văn M mua bán và vận chuyển trái phép là 219,1984 m3 gỗ nhóm IIA, là vượt mức tối đa xử phạt hành chính.

Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ quy định:

Điều 3. Nguyên tc xử phạt:

7. Những hành vi vi phạm sau đây không xử phạt vi phạm hành chính mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán trái pháp luật đối với cả gỗ quý, hiếm nhóm IIA, gỗ thông thường, tuy khối lượng của mỗi loại gỗ không vượt quá mức tối đa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với mỗi loại gỗ, nhưng tổng khối lượng các loại gỗ bị vi phạm vượt quá mức tối đa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với gỗ thông thường.

Ngày 11/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, quy định:

Điều 22. Vận chuyển lâm sản trái pháp luật;

13. Trường hợp vận chuyển lâm sản đã được xác định có nguồn gốc hợp pháp nhưng hồ sơ lâm sản không thực hiện đúng quy định của pháp luật, bị xử phạt theo Điều 24 của Nghị định này.

Điều 23. Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước.

11. Trường hợp mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản đã được xác định có nguồn gốc hợp pháp nhưng hồ sơ lâm sản không thực hiện đúng quy định của pháp luật, bị xử phạt theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này.

Điều 24. Vi phạm thủ tục hành chính trong quản lý rừng, sử dụng rừng; mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với chủ lâm sản vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh gỗ rừng tự nhiên có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định pháp luật về hồ sơ lâm sản và trình tự, thủ tục quản lý.

6. Hình thức xử phạt bổ sung.

Đình chỉ một phần hoạt động chế biến gỗ hoặc tước giấy chứng nhận về điều kiện chế biến gỗ từ 06 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 5 Điều này.

Điều 31. Hiệu lực thi hành.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2013.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Điều 32. Điều khoản chuyển tiếp.

Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Điều 11 Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN, ngày 10/10/2005 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, về việc ban hành quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản: Thủ tục vận chuyển, cất giữ gỗ xẻ là sản phẩm của cơ sở chế biến gỗ và đồ mộc chưa hoàn chỉnh

1. Đối với tổ chức:

a) Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ T2 chính. Trường hợp vận chuyển nội bộ, thì có phiếu xuất kho vận chuyển nội bộ của tổ chức;

b) Lý lịch hoặc bảng kê gỗ xẻ do tổ chức lập.

Công văn số 402/KL-ĐT, ngày 14/7/2017 của Cục kiểm lâm cho biết: « Kể từ ngày 25/12/2013, người thực hiện hành vi vận chuyển, mua, bán lâm sản có nguồn gốc hợp pháp nhưng không lập bảng kê lâm sản, bị xử phạt theo quy định tại khoản 13, Điều 22 và khoản 11 Điều 23 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013. Việc áp dụng hiệu lực trở về trước của Nghị định số 157/2013/NĐ- CP ngày 11/11/2013 thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này » (B1 8667).

Đối chiếu sổ sách của Công ty TNHH H, Doanh nghiệp tư nhân H, Công ty TNHH MTV Thái S và Hợp đồng kinh tế số 179/HĐ ngày 07/9/2011 nêu trên cùng với sự giải trình của doanh nghiệp, cho thấy: Từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2011, Công ty TNHH H đã mua của Doanh nghiệp tư nhân H 179,566 m3 gỗ xẻ theo các hóa đơn (hóa đơn số 2406 số lượng 11,529 m3; hóa đơn số 2404 số lượng 29,545 m3; hóa đơn số 2410 số lượng 51,551 m3; hóa đơn số 2417 số lượng 42,690 m3; hóa đơn số 2421 số lượng 44,251 m3. Trong số này, Trần Văn M xuất bán cho Ngô Văn H 156,679 m3 gỗ xẻ, bán lẻ cho cá nhân khác 19,766 m3, còn tồn kho 3,121 m3. 179,566 m3 gỗ xẻ theo các hóa đơn nêu trên là sản phẩm chế biến từ 227,878 m3 gỗ tròn do Doanh nghiệp tư nhân H mua từ nhiều cá nhân, đơn vị khác: mua của Công ty TNHH MTV X 40 m3 gỗ xẻ theo hóa đơn số 114677; mua của Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp Đ 24,994 m3 theo hóa đơn số 302; mua của Nguyễn Tùng A 46,355 m3 theo hóa đơn 27472 và 55,967 m3 theo hóa đơn 27473; mua của Nguyễn Văn L 63,191 m3 theo hóa đơn 11815; mua của Nguyễn Thị Thu Huệ 37,331 m3 theo hóa đơn số 46158.

Ngày 22/9/2011, Công ty TNHH H mua 27 tấn gốc, rễ, cành nhánh của Công ty TNHH MTV Thái S theo hóa đơn 08901, xuất bán 25,569 tấn cho Ngô Văn H, còn tồn kho 1,431 tấn.

Như vậy, có cơ sở kết luận số gỗ vận chuyển trên 06 toa tàu của Trần Văn M là có nguồn gốc hợp pháp nhưng hồ sơ lâm sản mua bán không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Do vậy, đối chiếu với các Điều 22, 23, 24, 31, 32 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/12/2013 nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ công an đã căn cứ Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 34; 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 ra quyết định đình chỉ điều tra số 30/ANĐT ngày 07/8/2017 đối với Trần Văn M về “Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo quy định tại Điều 175 BLHS năm 1999.

2. Hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ của Ngô Văn T, Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N và hành vi buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép của Nguyễn Duy K.

Qua điều tra về nguồn gốc lâm sản của các tổ chức, cá nhân có hành vi vận chuyển gỗ trái pháp luật trong vụ án đã phát hiện Công ty TNHH Trường K và Công ty TNHH K Khang ở tỉnh Kon Tum, do Nguyễn Duy K thành lập và điều hành, đã sử dụng hồ sơ giả về việc mua gom lâm sản trên địa bàn xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum để chứng minh nguồn gốc mua bán lâm sản, cụ thể:

- Sử dụng bộ hồ sơ giả đứng tên Nguyễn Văn T5 mua gom gỗ để làm thủ tục bán 15,43 m3 gỗ hương cho Phạm Ngọc Q theo hóa đơn số 0000024 ngày 06/10/2011 và hóa đơn số 00000707 ngày 06/10/2011.

- Sử dụng hồ sơ giả đứng tên Đào Văn C mua gom gỗ để làm thủ tục bán 120 ster gỗ hương cho Công ty TNHH T3 Q theo hóa đơn số 0000059 ngày 21/02/2011.

- Sử dụng hồ sơ giả đứng tên Nguyễn Hữu T1 mua gom gỗ để làm thủ tục bán 52 ster gỗ hương cho Công ty cổ phần Đ theo hóa đơn số 0000521 ngày 08/8/2011.

- Sử dụng hồ sơ giả đứng tên Nguyễn Văn C mua gom gỗ để làm thủ tục bán 20 ster gỗ trắc cho Cơ sở mộc dân dụng Phú C theo hóa đơn số 0000236 ngày 28/4/2011.

Kết quả điều tra đã xác định: Ngô Văn T, trú tại thành phố K, tỉnh Kon Tum là người được Nguyễn Duy K thuê lập báo cáo thuế định kỳ cho Công ty TNHH Trường K và Công ty TNHH K Khang. Từ năm 2007, Ngô Văn T đã liên hệ với Nguyễn Anh T1, trú tại thành phố K, tỉnh Kon Tum, là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum để nhờ T1 làm giả hồ sơ nguồn gốc lâm sản có nội dung gỗ được một số người mua gom hợp pháp trên địa bàn xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum. Ngô Văn T đã cung cấp cho Nguyễn Anh T1 các bộ mẫu hồ sơ mua gom lâm sản được in sẵn có tên người mua là Nguyễn Văn T5 ở phường L, Nguyễn Hữu T1 ở phường N, Nguyễn Văn H ở phường Duy T3, Đào Văn C ở phường N, Nguyễn Duy K ở phường Duy T3, thành phố K. Sau đó, T1 đi gặp một số người dân xã S xin họ ký xác nhận đã bán lâm sản cho T5, T1, H, C, K, nhưng thực tế qua xác minh không có việc mua, bán lâm sản nói trên.

Nguyễn Anh T1 là người lập khống biên bản xác nhận việc mua gom lâm sản hợp pháp rồi đưa hồ sơ mua gom cho Đinh Văn N, Phó Chủ tịch UBND xã S xác nhận...“Đinh Văn N biết việc mua gom không có thật, nhưng vẫn ký, đóng dấu UBND xã S vào biên bản và các tài liệu khác trong hồ sơ mua gom lâm sản này”.

Bằng thủ đoạn trên, trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2009, Ngô Văn T, Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N đã làm giả 15 bộ hồ sơ mua gom lâm sản, gồm:

- 03 bộ hồ sơ đứng tên Nguyễn Văn T5 mua gom lần lượt 104,5 ster; 137 ster, 86 ster gỗ trắc, hương, càte.

- 01 bộ hồ sơ đứng tên Nguyễn Hữu T1 mua gom 76,5 ster gỗ trắc, hương.

- 06 bộ hồ sơ đứng tên Nguyễn Văn H mua gom lần lượt 156,5 ster; 62,0 ster; 94,0 ster; 69,0 ster, 98,5 ster; 118,5 ster gỗ trắc, hương, cà te, cẩm lai.

- 02 bộ hồ sơ đứng tên Nguyễn Văn C mua gom 105 ster, 30.000 kg gỗ trắc, hương, cà te.

- 01 bộ hồ sơ đứng tên Đào Văn C mua gom 172 ster gỗ trắc, hương.

- 02 bộ hồ sơ đứng tên Nguyễn Duy K mua gom 50,5 ster và 76 ster gỗ trắc, hương.

Các bộ hồ sơ giả nêu trên sau đó được Nguyễn Duy K sử dụng làm hồ sơ hợp thức nguồn gốc gỗ đầu vào của Công ty TNHH Trường K và Công ty TNHH K Khang. Khi bán gỗ, Nguyễn Duy K đã sử dụng những bộ hồ sơ lâm sản giả này cung cấp cho khách hàng để chứng minh gỗ có nguồn gốc hợp pháp.

Theo thỏa thuận giữa T1 và T thì chi phí cho mỗi bộ hồ sơ giả là từ 3.000.000đ (ba triệu đồng) đến 5.000.000đ (năm triệu đồng), tổng số T đã đưa 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng) cho T1 để lập 15 bộ hồ sơ giả. T1 đã đưa cho N 3.000.000đ (ba triệu đồng) để N ký, đóng dấu xác nhận trên các bộ hồ sơ.

Ngô Văn T khai việc làm giả hồ sơ hợp thức nguồn gốc lâm sản nêu trên là do Nguyễn Duy K nhờ T và chi tiền để T chi phí làm hồ sơ giả. Từ năm 2007 đến năm 2009, T đã nhiều lần nhận biểu mẫu hồ sơ kèm theo tiền từ những nhân viên kế toán của Công ty Trường K, Công ty K Khang để đưa cho T1 xác nhận, hợp thức. Tuy nhiên, Ngô Văn T không nhớ được cụ thể ai là người đưa tiền cho T. Qua điều tra không xác định được nhân thân, lai lịch những người đã đưa hồ sơ, tiền như T trình bày, nên không có căn cứ để khởi tố Nguyễn Duy K về hành vi đưa hối lộ.

Nguyễn Duy K xác nhận bản thân biết hồ sơ lâm sản nêu trên là hồ sơ được làm giả để hợp thức nguồn gốc gỗ. Nhưng Nguyễn Duy K khai không đưa tiền và không trực tiếp nhờ Ngô Văn T làm giả hồ sơ lâm sản, khi K mua cành, nhánh, gốc, rễ... từ người dân, những người này không có hồ sơ nguồn gốc lâm sản nên K đã yêu cầu họ nhờ Ngô Văn T hợp thức hồ sơ lâm sản, sau đó cung cấp cho K. Chi phí hợp thức hồ sơ lâm sản và cách thức làm hồ sơ lâm sản giả là do những người này tự thỏa thuận với Ngô Văn T. Khi làm hồ sơ giả Ngô Văn T đã tự ý sử dụng tên của K và một số công nhân của Công ty TNHH Trường K (T5, C, C, H) để đưa vào hồ sơ. Thực tế K và những người này không mua gom gỗ tại xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum.

Kết quả điều tra đủ căn cứ kết luận Nguyễn Duy K đã sử dụng hồ sơ lâm sản giả để hợp thức và bán 192 ster và 15,43 m3 gỗ hương, trắc (gỗ nhóm IIA) do Nguyễn Duy K mua không có nguồn gốc là phạm “Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hành vi Nguyễn Duy K đưa tiền cho Ngô Văn T để đưa cho Nguyễn Anh T1 và Đinh Văn N không đủ căn cứ buộc Nguyễn Duy K về hành vi đưa hối lộ.

Hành vi làm giả 15 bộ hồ sơ nguồn gốc gỗ của các bị can đã phạm vào tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 267 BLHS. Tuy nhiên, xét thấy Nguyễn Duy K làm giả hồ sơ là nhàm mục đích buôn bán lâm sản trái phép. Ngô Văn T, Nguyễn Anh T1 và Đinh Văn N làm giả hồ sơ là để thực hiện hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Vì vậy, ngày 30/01/2015, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra các quyết định đình chỉ điều tra bị can số 08/ANĐT đối với Nguyễn Duy K về “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; Ngày 7/8/2017 đình chỉ điều tra bị can số 31/ANĐT; số 32/ANĐT và số 33/ANĐT đối với Đinh Văn N, Nguyễn Anh T1 và Ngô Văn T về “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Việc xử lý vật chứng:

Do việc bảo quản vật chứng gặp nhiều khó khăn nên Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định xử lý vật chứng, tổ chức bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, trong đó tiền thu được từ bán gỗ vi phạm của Trần Văn M là 2.830.343.551 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2019/HS-ST ngày 14/10/2019 Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết định:

1. Về trách nhiệm hình sự:

Tuyên bố: Bị cáo Ngô Văn T phạm tội “Đưa hối lộ”, các bị cáo Nguyễn Anh T1 và Đinh Văn N phạm tội “Nhận hối lộ”.

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 364; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015;

Xử phạt: Bị cáo Ngô Văn T 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ đi số ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/12/2014 đến ngày 14/4/2015.

Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 354; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015;

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Anh T1 30 (ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ đi số ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/12/2014 đến ngày 14/4/2015.

Xử phạt: Bị cáo Đinh Văn N 24 (hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Duy K phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”

Áp dụng: Khoản 2 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999;

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Duy K 30 (ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ đi số ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/5/2012 đến ngày 05/02/2013.

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Vận dụng vào các Điều 22, 23, 24, 31, 32 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ

Hoàn trả lại cho Trần Văn M số tiền 2.468.079.967 đồng (hai tỷ bốn trăm sáu mươi tám triệu, không trăm bảy mươi chín nghìn, chín trăm sáu mươi bảy đồng), tiền bán gỗ của Trần Văn M (đã trừ thuế giá trị gia tăng và trả chi phí bán đấu giá).

Tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 47.000.000 đồng (bốn mươi bảy triệu đồng) nhận hối lộ đã nộp của bị cáo Nguyễn Anh T1 và số tiền 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) nhận hối lộ đã nộp của bị cáo Đinh Văn N.

(Toàn bộ các khoản tiền trên đã được chuyển từ tài khoản tạm giữ số 3949 của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ công an tại kho bạc nhà nước thành phố Hà Nội sang tài khoản số 3949.0.1054193.00000 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum tại kho bạc nhà nước tỉnh Kon Tum, tổng cộng số tiền là 3.157.676.108đ, theo quyết định chuyển vật chứng số 61 ngày 13/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

Tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 4.500.000 đồng (bốn triệu năm trăm nghìn đồng) tiền bất chính của bị cáo Ngô Văn T đã nộp, theo biên lai thu tiền số 0000177 ngày 14/8/2014 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Kon Tum.

Tịch thu tiêu hủy các mẫu vật gỗ giám định theo biên bản lấy mẫu vật của Cơ quan điều tra Bộ công an (Theo quyết định chuyển vật chứng số 61 ngày 13/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định: Về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Trần Ngọc T4, Phạm Huy T1; về án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi án xử sơ thẩm các bị cáo: Ngô Văn T, Đinh Văn N kháng cáo xin được hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Duy K kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Anh T1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum về quyết định xử lý vật chứng đối với số tiền 2.468.079.967 đồng (tiền bán đấu giá gỗ của ông Trần Văn M) theo hướng tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

Tại phiên tòa: Bị cáo Ngô Văn T thay đổi nội dung kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt; các bị cáo Đinh Văn N, Nguyễn Anh T1 vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của các bị cáo Ngô Văn T và Đinh Văn N; Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Anh T1; Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Duy K để cho bị cáo Nguyễn Duy K được hưởng án treo; Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, sửa Bản án sơ thẩm để tịch thu số tiền 2.468.079.967 đồng (tiền bán đấu giá gỗ của ông Trần Văn M) nộp ngân sách nhà nước. Luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Văn T đề nghị Hội đồng xét xử xét giảm án cho bị cáo bằng đúng thời gian mà bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam (04 tháng 12 ngày); Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy K đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Duy K cho bị cáo được hưởng án treo như đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Ông Trần Văn M đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm.

Sau khi nghe: Các bị cáo trình bày nội dung kháng cáo; người liên quan đến kháng nghị có ý kiến về nội dung kháng nghị, quan điểm của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án; lời bào chữa của các Luật sư bào chữa cho các bị cáo và tranh luận tại phiên tòa. Sau khi thảo luận và nghị án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng: Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Duy K vắng mặt. Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy K xuất trình “Phiếu vào viện cấp cứu” bản photo và xin hoãn phiên tòa. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử váng mặt bị cáo Nguyễn Duy K. Hội đồng xét xử xét thấy: Tại phiên tòa lần thứ 2 vào ngày 21/5/2020 bị cáo Nguyễn Duy K cũng xin hoãn phiên tòa vì do Luật sư bào chữa cho bị cáo không có mặt, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của bị cáo cũng như Luật sư bào chữa cho bị cáo để hoãn phiên tòa; Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo K vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự để xét xử vắng mặt bị cáo.

[2]. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, lời khai nhận của các bị cáo, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ để kết luận: Lợi dụng chính sách cho thu gom mua, bán gốc, rễ, cành, nhánh loại cây gỗ trắc theo thời điểm trước ngày 03/02/2007. Sau tháng 12/2007 không được phép thu gom mua bán. Công ty TNHH Trường K và Công ty TNHH K Khang do Nguyễn Duy K thành lập và điều hành đã sử dụng hồ sơ giả về việc mua gom lâm sản trên địa bàn xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum để làm hồ sơ chứng minh nguồn gốc mua bán lâm sản, cụ thể: Sử dụng hồ sơ giả đứng tên Nguyễn Văn T5 mua gom gỗ để bán 15,43 m3 gỗ cho Phạm Ngọc Q theo hóa đơn số 000024 ngày 06/10/2011 và 00000707 ngày 06/10/2011; sử dụng hồ sơ giả đứng tên Đào Văn C mua gom gỗ để làm thủ tục bán 120 ster gỗ hương cho Công ty TNHH T3 Q theo hóa đơn số 000059 ngày 21/2/2011; sử dụng hồ sơ giả đứng tên Nguyễn Hữu T1 mua gom gỗ để làm thủ tục bán 52 ster gỗ hương cho Công ty cổ phần Đ theo hóa đơn số 0000521 ngày 08/8/2011; sử dụng hồ sơ giả đứng tên Nguyễn Văn C mua gom gỗ để làm thủ tục bán 20 ster gỗ trắc cho cơ sở mộc dân dụng Phú C theo hóa đơn số 0000236 ngày 18/4/2011. Những bộ hồ sơ giả trên đều do Nguyễn Duy K nhờ Ngô Văn T là người làm thuê lập báo cáo định kỳ cho Công ty TNHH Trường K, Công ty TNHH K Khang hợp thức hồ sơ gỗ đầu vào để sử dụng bán tổng số là 192 ster (quy thành gỗ tròn là 134,4 m3) và 15,43 m3 gỗ nhóm IIA cho Phạm Ngọc Q, Công ty TNHH T3 Q, Công ty Cổ phần Đ và Cơ sở mộc dân dụng Phú C.

Ngô Văn T đã có hành vi đưa hối lộ 50.000.000đ cho Nguyễn Anh T1 (Kiểm lâm địa bàn xã S) làm giả 15 bộ hồ sơ để hợp thức nguồn gốc lâm sản. Nguyễn Anh T1 đã có hành vi nhận hối lộ 50.000.000đ từ Ngô Văn T, sau đó đưa hồ sơ cho Đinh Văn N, Phó Chủ tịch UBND xã S xác nhận để ký vào biên bản và các tài liệu khác trong hồ sơ mua gom lâm sản, đồng thời đưa 3.000.000đ cho Đinh Văn N để cùng Đinh Văn N làm giả 15 bộ hồ sơ để hợp thức nguồn gốc lâm sản theo yêu cầu của Ngô Văn T.

Với hành vi và hậu quả như trên, Bản án hình sự sơ thẩm 28/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã tuyên bố: Bị cáo Ngô Văn T phạm tội: “Đưa hối lộ”; các bị cáo Nguyễn Anh T1 và Đinh Văn N phạm tội: “Nhận hối lộ”; bị cáo Nguyễn Duy K phạm tội: “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại: khoản 1 Điều 364; khoản 1 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Sau khi án xử sơ thẩm, các bị cáo Ngô Văn T, Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N và Nguyễn Duy K kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin được hưởng án treo.

[3]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của các bị cáo Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N và Nguyễn Duy K thì thấy:

[3.1]. Đối với bị cáo Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N: Nguyễn Anh T1 đã có hành vi nhận hối lộ 50.000.000đ từ Ngô Văn T, sau đó đưa hồ sơ cho Đinh Văn N, Phó Chủ tịch UBND xã S xác nhận để ký vào biên bản và các tài liệu khác trong hồ sơ mua gom lâm sản, đồng thời đưa 3.000.000đ cho Đinh Văn N (Phó Chủ tịch UBND xã S, huyện N, tỉnh Kon Tum) để cùng Đinh Văn N làm giả 15 bộ hồ sơ để hợp thức nguồn gốc lâm sản theo yêu cầu của Ngô Văn T. Các bị cáo bị truy tố và xét xử về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại khoản 1 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Sau khi phạm tội các bị cáo đã khai báo thành khẩn, nộp lai số tiền đã nhận nên án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 để xử phạt bị cáo Nguyễn Anh T1 2 năm 6 tháng tù, bị cáo Đinh Văn N 02 năm tù là những mức hình phạt khởi điểm đầu khung của tội mà các bị cáo bị truy tố và xét xử là không nặng và không cho các bị cáo được hưởng án treo là đúng với tính chất và mức độ phạm tội của các bị cáo.

[3.2]. Đối với bị cáo Nguyễn Duy K: Bị cáo là giám đốc Công ty TNHH K Khang và Công ty TNHH Trường K. Khi mua bán gỗ bị cáo đã không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về mua bán, vận chuyển lâm sản mà ngược lại dùng những hồ sơ giả để hợp thức cho những lô gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp của hai Công ty do bị cáo quản lý để bán 192 ster gỗ (quy thành gỗ tròn là 134,4 m3) và 15,43 m3 gỗ nhóm IIA cho Phạm Ngọc Q, Công ty TNHH T3 Q, Công ty cổ phần Đ và Cơ sở mộc dân dụng Phú c. Hành vi phạm tội của bị cáo bị truy tố và xét xử về tội: “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 10 năm. Sau khi phạm tội, bị cáo đã khai báo thành khẩn nên án sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xử phạt bị cáo Nguyễn Duy K 2 năm 6 tháng tù là mức hình phạt khởi điểm đầu khung của tội mà bị cáo bị truy tố và xét xử là không nặng và không cho bị cáo được hưởng án treo là đúng với tính chất và mức độ phạm tội của các bị cáo. Sau khi án xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo nhưng không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo cũng như đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo.

[4]. Xét kháng cáo của bị cáo Ngô Văn T thì thấy: Bị cáo Ngô Văn T có hành vi đưa cho bị cáo Nguyễn Anh T1 50.000.000 đồng để nhờ Nguyễn Anh T1 hợp thức hóa 15 bộ hồ sơ về nguồn gốc gỗ cho Công ty TNHH K Khang do bị cáo Nguyễn Duy K làm Giám đốc. Hành vi phạm tội của bị cáo bị truy tố và xét xử về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại khoản 1 Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo T chỉ là người làm thuê cho Công ty TNHH K Khang do bị cáo Nguyễn Duy K làm Giám đốc; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có nhân thân tốt, cha của bị cáo là ông Ngô Văn Dạo là người được tặng thưởng huân chương kháng chiến và huân chương chiến sỹ giải phóng, anh bị cáo là thương binh. Với nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng án sơ thẩm xử phạt bị cáo 12 tháng tù là có phần nghiêm khắc nên xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.

[5]. Xét kháng nghị số 01/QĐ-KNPT ngày 24/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum về quyết định xử lý vật chứng đối với số tiền 2.468.079.967 đồng (tiền bán đấu giá gỗ của ông Trần Văn M) theo hướng tịch thu nộp ngân sách nhà nước thì thấy:

Số tiền 2.468.079.976 đồng (đã trừ thuế giá trị gia tăng và trả chi phí bán đấu giá) là số tiền thu được từ việc bán gỗ của Trần Văn M: Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an và Cáo trạng đã căn cứ vào các quy định của Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính Phủ (trong đó có Khoản 11 Điều 23 đã xác định gỗ có nguồn gốc hợp pháp); ngày 07/8/2017 Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra số 30/ANĐT đối với Trần Văn M do chuyển biến tình hình (có quy định mới của pháp luật) nên hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để xử phạt hành chính (Tuy nhiên đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính). Bản án sơ thẩm nhận định: “…trên cơ sở kết quả điều tra và tại phiên tòa cùng với việc giải trình có căn cứ về nguồn gốc gỗ của Trần Văn M có đủ cơ sở xác định số gỗ của Trần Văn M là có nguồn gốc hợp pháp nhưng hồ sơ lâm sản không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc cân, đo, kiểm, đếm thực tế (vi phạm về hồ sơ, không vi phạm về nguồn gốc gỗ); đồng thời đối chiếu và vận dụng vào các Điều 22, 23, 24, 31, 32 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ (có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm) có hiệu lực từ ngày 25/12/2013. Do vậy, Hội đồng xét xử xét trả lại số tiền 2.468.079.976 đồng trên cho Trần Văn M là đúng quy định của pháp luật”. Nhận định và quyết định của Bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật nên kháng nghị số 01/QĐ-KNPT ngày 24/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị tịch thu số tiền 2.468.079.967 đồng (tiền bán đấu giá gỗ của ông Trần Văn M) thu nộp ngân sách nhà nước là không có căn cứ để chấp nhận.

[6]. Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Ngô Văn T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm; do kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N và Nguyễn Duy K phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại các điểm h, b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

[7]. Các quyết định của Bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Trần Ngọc T4, Phạm Huy T1 và Quyết định của Bản án sơ thẩm về xử lý vật chứng; án phí sơ thẩm và quy định về thi hành án không có kháng cáo và không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị và được thi hành theo quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum.

Từ những nhận định trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ: Điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356 và Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.

1. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Văn T. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm 28/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum; Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo: Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N và Nguyễn Duy K và Kháng nghị số 01/QĐ-KNPT ngày 24/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum.

- Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 364; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015:

Xử phạt: Bị cáo Ngô Văn T 06 (sáu) tháng tù về tội: “Đưa hối lộ”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án nhưng được trừ đi số ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/12/2014 đến ngày 14/4/2015.

- Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 354; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015:

+ Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Anh T1 30 (ba mươi) tháng tù về tội: “Nhận hối lộ”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án nhưng được trừ đi số ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 03/12/2014 đến ngày 14/4/2015.

+ Xử phạt: Bị cáo Đinh Văn N 24 (hai mươi bốn) tháng tù về tội: “Nhận hối lộ”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng: Khoản 2 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999:

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Duy K 30 (ba mươi) tháng tù về tội: “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án nhưng được trừ đi số ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 14/5/2012 đến ngày 05/02/2013.

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Vận dụng vào các Điều 22, 23, 24, 31, 32 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ.

Hoàn trả lại cho Trần Văn M số tiền 2.468.079.967 đồng (hai tỷ bốn trăm sáu mươi tám triệu, không trăm bảy mươi chín nghìn, chín trăm sáu mươi bảy đồng), tiền bán gỗ của Trần Văn M.

3. Án phí phúc thẩm:

+ Áp dụng điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Ngô Văn T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

+ Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ- UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc các bị cáo Nguyễn Anh T1, Đinh Văn N và Nguyễn Duy K mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định của Bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Trần Ngọc T4, Phạm Huy T1 và Quyết định của Bản án sơ thẩm về: xử lý vật chứng; án phí sơ thẩm và quy định về thi hành án không có kháng cáo và không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị và được thi hành theo quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

877
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 159/2020/HS-PT ngày 15/06/2020 về tội đưa hối lộ

Số hiệu:159/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về