Bản án 156/2019/HS-PT ngày 16/05/2019 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 156/2019/HS-PT NGÀY 16/05/2019 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ RỪNG

Ngày 16 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 83/2019/TLPT-HS ngày 21/02/2019 đối với các bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L, do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 47/2018/HSST ngày 27/12/2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

- Các bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị:

1. Họ và tên: Thái Anh D - Sinh ngày 01/02/1957; tại tỉnh Quảng Nam; nơi cư trú: Đường Đ, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 10/12; nghề nghiệp: Kinh doanh; con ông Thái N và bà Trần Thị H (đều đã chết); có vợ là Võ Thị Bích L, sinh năm 1970, đã ly hôn và có 03 con (lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2003); tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh - Có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Nguyễn Phước L, sinh ngày 20/8/1966; tại thành phố Đà Nẵng; nơi cư trú: Thôn A, xã E, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 6/12; nghề nghiệp: Làm nông; con ông Nguyễn N (đã chết) và bà Hồ Thị T, sinh năm 1938, hiện trú tại Thôn A, xã E, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk; Có vợ là Kiều Thị C, sinh năm 1969, đã ly hôn và có 04 con (lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2003); tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh - Có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 09 giờ 30 phút ngày 18/03/2017, trên tuyến đường tỉnh lộ I, địa phận xã C, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, phát hiện xe ô tô tải, biển số 81C-109.xx của Công ty TNHH vận tải G, tỉnh Gia Lai, do lái xe Huỳnh Thế H (Sinh năm 1978, nơi cư trú: Xã C1, huyện P, tỉnh Bình Định) điều khiển, trên xe chở gỗ xẻ thanh các loại khối lượng 21,757 m3, quy tròn bằng 34,811 m3. Tại thời điểm kiểm tra lái xe Huỳnh Thế H không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc gỗ. Qua lời khai của Huỳnh Thế H, khối lượng gỗ xẻ thanh trên xe ô tô tải, biển số 81C-109.xx được H bốc từ xưởng cưa của Công ty Cổ phần Nông lâm sản và xây dựng Đ (Sau đây gọi tắt là Công ty Đ), tại thôn B, xã E, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk, do ông Thái Anh D làm Giám đốc.

Mở rộng phạm vi điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, phối hợp với Công an huyện Ea Súp, Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp và Công an xã E tiến hành kiểm tra phân xưởng II Công ty Đ phát hiện, trong sân của xưởng cưa có 01 xe ô tô tải biển số 47C-097.yy kéo Rơ mooc biển số 47R-001.zz đậu trước khu nhà làm việc được phủ bạt, trên Rơ mooc chứa đầy gỗ xẻ thanh thành phẩm và trong các nhà xưởng, trong khuôn viên xưởng cưa có chứa gỗ xẻ ván, xẻ thanh, gỗ tròn và gỗ đẽo tròn các loại từ nhóm II đến nhóm VIII, tổng khối lượng 262,548 m3 gỗ quy tròn (Toàn bộ gỗ trong khuôn viên phân xưởng Đ).

Thời điểm kiểm tra, ông Thái Anh D là giám đốc Công ty Đ không có mặt tại xưởng cưa. Ngày 23/03/2017, Thái Anh D xuất trình các hóa đơn, chứng từ liên quan đến khối lượng gỗ nói trên cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk. Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chiếu số lượng gỗ còn tồn trên các hóa đơn và số lượng gỗ trong hợp đồng gia công gỗ của Công ty Đ và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tin học N với số gỗ thu được trên xe ô tô tải biển số 81C - 109.xx và khối lượng gỗ cất giữ trong khuôn viên Phân xưởng II – Đ với tổng khối lượng là 297,359 m3 gỗ thì xác định được: 174,585 m3 là gỗ có hóa đơn của Công ty Đ và gỗ gia công cho Công ty N, còn lại khối lượng gỗ không có hóa đơn nguồn gốc hợp pháp, không có dấu búa của Hạt kiểm lâm là 122,774 m3 gỗ quy tròn gồm: 27,550 m3 gỗ (Quy tròn) thu giữ trên xe ô tô tải biển số 81C - 109.56 và 49,262 m3 gỗ (Quy tròn)  đã chế biến, 126 lóng gỗ tròn khối lượng 45,962 m3 tại khuôn viên phân xưởng II Công ty Đ.

Kết luận giám định của Chi cục kiểm lâm và Khoa Nông lâm thuộc Trường Đại học Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk ngày 05/9/2017 như sau: Số lượng và khối lượng gỗ vận chuyển trên xe ô tô tải biển số 81C - 109.56 là: 1.989 thanh gỗ xẻ, khối lượng 21,757m3, quy tròn bằng 34,811m3. Chủng loại gỗ từ nhóm V đến nhóm VII gồm: gỗ Dầu, Thành nghạnh, Chiêu liêu, Cầy, Quao, Cám, Trám. Sau khi đối chiếu với hồ sơ lâm sản mà bị cáo cung cấp thì có 7.261 m3 gỗ (Quy tròn) có trong hồ sơ lâm sản, là gỗ có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Số gỗ còn lại  27,550m3 gỗ (quy tròn) gồm các loài Dầu nhóm V, Chiêu liêu nhóm VI, Cầy nhóm VI, Quao nhóm VI, là gỗ không có hóa đơn nguồn gốc hợp pháp.

Đối với khối lượng gỗ cất giữ trong khuôn viên Phân xưởng II – Đ và trên xe ô tô biển số 47C-097.yy kéo Rơ mooc biển số 47R-001.zz khối lượng 262,548 m3 (đã quy tròn) theo kết luận giám định ngày 24/4/2017 của Chi cục kiểm lâm và Khoa Nông lâm thuộc Trường Đại học Tây Nguyên tỉnh Đắk Lắk gồm: 8.883 thanh gỗ xẻ, 18 hộp, 320 tấm ván, 36 lóng gỗ xẻ tròn (đẽo tròn), khối lượng 141,425 m3, quy tròn bằng 216,586 m3; Gỗ tròn là 126 lóng, khối lượng là 45,962 m3. Chủng loại gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII gồm các loài Sến mũ, Căm xe, Bình Linh, Cà chít, Bằng lăng, Ké, Vên vên, Dầu trà beng, Cồng, Dầu đồng, Giẻ, vừng, Xoài, Chiêu liêu, cầy, Lòng mang, Mít nài, Quao, Râm, thành nghạnh, Trâm, Cám, Gáo, Hồng rừng, Sưng, Trám, Lôi, Sóng rắn.

Qua kết quả điều tra xác định được trong tổng số lượng 262,548 m3  gỗ (đã quy tròn) thì có 167,324 m3 gỗ có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, còn 95,224 m3 gỗ (quy tròn) gỗ không hóa đơn, chứng từ, không có dấu búa của Hạt kiểm lâm, không có trong hồ sơ lâm sản của Công ty Đ. Trong số 95,224 m3 gỗ (quy tròn) thì có 49,262 mgỗ (quy tròn) đã chế biến gồm các loài Dầu trà beng nhóm IV, Giẻ nhóm V, Vừng nhóm V, Dầu đồng nhóm V, Lòng mang nhóm VI, Quao nhóm VI, Mít nài nhóm VI, Râm nhóm VI, Trâm nhóm VI, Lôi nhóm VIII, Sóng rắn nhóm VIII, Thành ngạnh nhóm V,  Xoài nhóm V, Cầy nhóm VI. Số gỗ còn lại gồm 126 lóng gỗ tròn chưa chế biến, khối lượng 45,962 m3, gồm các loài; Chiêu liêu, Cầy, Dầu trà beng, Gáo, Sưng, Ké, Bình linh, Sưng, Sến mũ, Cám, Hồng rừng, Thành nghạnh, Bằng lăng, Vên vên, Quao, Sóng rắn, Lôi, Mít nài, Dầu đồng, Cà chít, Xoài, Giẻ, Lòng mang, Vừng, Trâm, Râm.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2018/HSST ngày 27/12/2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Thái Anh D và Nguyễn Phước L phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

- Áp dụng khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự 1999, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Thái Anh D 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự 1999, điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Phước L 02 (Hai) năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Thái Anh D, về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 05/01/2019, bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L kháng cáo với nội dung xin được hưởng án treo.

Ngày 23/01/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 05/QĐ-VKS-P7 với nội dung: Kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm đã nêu.

Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội của các bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L, về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật. Xét mức hình phạt 02 năm 03 tháng tù đối với bị cáo Thái Anh D, 02 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Phước L là nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra. Bởi lẽ, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999, có mức hình phạt từ 02 năm đến 10 năm tù. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Tăng mức hình phạt đối với các bị cáo. Xử phạt bị cáo Thái Anh D từ 04 năm đến 04 năm 06 tháng tù, về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”; xử phạt bị cáo Nguyễn Phước L từ 03 năm 06 tháng đến 04 năm tù, về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo không tranh luận, bào chữa gì thêm mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là cơ bản phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án.

[1.1] Đối với 27,550 m3 gỗ quy tròn (thu giữ trên xe BKS 81C-109.xx) chủng loại từ nhóm V đến nhóm VI:

Ngày 17/3/2017, bị cáo Thái Anh D đã đại diện cho Công ty Đ ký hợp đồng kinh tế số 01/2017/HĐMB với Chi nhánh Công ty TNHH H E1 về việc mua bán gỗ xẻ xây dựng tạp. Cùng ngày, bị cáo ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Công ty TNHH MTV G Gia Lai để vận chuyển gỗ trên xe ô tô BKS 81C-109.xx. Ngày 18/3/2017, bị cáo ký hóa đơn xuất bán gỗ (bút lục 302-304). Trong quá trình giải quyết vụ án, bị cáo D đều khai nhận rằng việc mua bán số gỗ trên xe ô tô BKS 81C-109.xx là do bị cáo trực tiếp chỉ đạo và thực hiện; bị cáo Nguyễn Phước L không biết nguồn gốc số gỗ trên (các bút lục 185, 191, 193-194). Bị cáo Nguyễn Phước L khai nhận bị cáo chỉ được bị cáo D thuê quản lý, trong coi xưởng cưa, mọi việc mua bán của bị cáo D thì bị cáo không biết (bút lục 219). Ông Đào Nhật K là người làm việc tại xưởng cưa của bị cáo D khai nhận rằng ngày 17/3/2017, ông nhìn thấy bị cáo D đến xưởng chỉ đạo nhân viên xẻ gỗ và bốc xếp gỗ lên xe ô tô BKS 81C-109.xx; sáng 18/3/2017, xe ô tô BKS 81C-109.xx được phủ bạt và rời khỏi xưởng (bút lục 275).

Như vậy, chỉ có bị cáo Thái Anh D là người có hành vi buôn bán trái phép số gỗ trên xe ô tô BKS 81C-109.xx nên cấp sơ thẩm truy tố, xét xử bị cáo Thái Anh D về hành vi buôn bán trái phép số gỗ trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

[1.2] Đối với 49,262 m3 gỗ xẻ thanh quy tròn chủng loại từ nhóm V đến nhóm VIII và 45,962 m3  gỗ tròn chủng loại từ nhóm V đến nhóm VIII (thu giữ trong khuôn viên phân xưởng II Công ty Đ và trên xe ô tô biển số 47C-097.yy kéo Rơ mooc biển số 47R-001.zz):

- Qua xem xét bảng kê Lâm sản kèm theo Kết luận giám định ngày 24/4/2017 của Đoàn giám định (Bút lục 60-64, 69): Trong 49,262 m3 gỗ (đã quy tròn) mà cấp sơ thẩm xác định là gỗ xẻ thanh có 23,710m3 gỗ tròn nằm trong khối lượng 45,962m3 của 126 lóng gỗ tròn. Cụ thể, Dầu trà beng, Giẻ, Vừng, Dầu đồng, Quao, Mít nài, Râm, Trâm, Lôi, Sóng rắn không thuộc các bảng kê gỗ xẻ mà là thuộc bảng kê gỗ tròn. Trong 6,815m3 Lòng mang có 1,679m3 gỗ tròn; 10,919m3 Thành ngạnh có 1,431m3 gỗ tròn; 1,426m3 Xoài có 0,313m3 gỗ tròn; 22,815m3 Cầy có 13,000m3 gỗ tròn. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã tính luôn cả khối lượng gỗ tròn trên vào khối lượng gỗ xẻ, mặc dù đã xác định và tách riêng toàn bộ 126 lóng gỗ tròn không hợp pháp. Do đó, chỉ có 25,552m3 gỗ xẻ (trong số 49,262 m3 bị truy tố, xét xử sơ thẩm) là không có hồ sơ hợp pháp. Trong các biên bản lấy lời khai (từ Bút lục 211-216), bị cáo Nguyễn Phước L khai nhận bị cáo đã mua số gỗ trên của người dân, chế biến để bán; trong đó có 15m3 gỗ bị cáo tự ý mua vào chế biến để bán kiếm lời riêng cho bản thân. Một phần gỗ trên đã được xếp lên xe ô tô biển số 47C-097.yy kéo Rơ mooc biển số 47R-001.zz để chuẩn bị đi tiêu thụ. Do đó, các bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L đã có hành vi buôn bán, vận chuyển đối với 25,552m3 gỗ xẻ (đã quy tròn).

- Đối với 126 lóng gỗ tròn khối lượng 45,962 m3: Các bị cáo khai nhận đây là số gỗ do người dân gửi để nhờ xẻ. Cấp sơ thẩm xác định các bị cáo đã có hành vi tàng trữ số gỗ trên. Tuy nhiên, cấu thành tội phạm của Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 và Thông tư số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số Điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chỉ quy định các hành vi sau đây bị xử lý hình sự: Khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng; Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép. Do đó, hành vi tàng trữ 126 lóng gỗ tròn khối lượng 45,962 m3 không cấu thành tội phạm.

Như vậy, đã có đủ cơ sở để xác định: Vào ngày 18/03/2017, bị cáo Thái Anh D và Nguyễn Phước L có hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép 53,102 m3  gỗ quy tròn, chủng loại từ nhóm V đến nhóm VIII, cụ thể gồm: 27,550 m3 gỗ xẻ thanh quy tròn (thu giữ trên xe BKS 81C-109.xx) chủng loại từ nhóm II đến nhóm VIII;

25,552m3 gỗ xẻ thanh quy tròn chủng loại từ nhóm V đến nhóm VIII; trong đó có 15 m3  gỗ do bị cáo L tự ý mua vào chế biến để bán kiếm lời cho bản thân mà không báo với bị cáo D. Do đó, bị cáo Thái Anh D chỉ phải chịu trách nhiệm đối với 38,102m3  gỗ quy tròn (27,550 m3  gỗ xẻ thanh quy tròn thu giữ trên xe BKS 81C-109.xx và 10,552m3 gỗ xẻ thanh quy tròn thu tại phân xưởng). Bị cáo Nguyễn Phước L phải chịu trách nhiệm đối với 25,552m3 gỗ xẻ thanh quy tròn thu tại phân xưởng.

Hành vi của Thái Anh D, Nguyễn Phước L thuộc trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm a tiểu mục 1.4 khoản 1 Mục IV Thông tư số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số Điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”  theo điểm b khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999. Cấp sơ thẩm truy tố, xét xử các bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 là không đúng và bất lợi đối với các bị cáo.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo là đúng nhưng lại áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là chưa chính xác. Bởi lẽ, theo Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội; Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được  áp  dụng  đối  với  các  hành  vi  phạm  tội  xảy  ra  từ  0  giờ  00  phút  ngày 01/01/2018. Mặt khác, điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không phải là quy định có lợi hơn so với điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo.

Tuy nhiên, việc áp dụng Điều luật không ảnh hưởng đến mức hình phạt của bị cáo nên Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[2] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử xét thấy hành vi của Thái Anh D, Nguyễn Phước L thuộc trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 nên kháng nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo là không có cơ sở chấp nhận.

[3] Xét mức hình phạt 02 năm 03 tháng tù đối với bị cáo Thái Anh D, 02 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Phước L mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo là nghiêm khắc so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Bởi lẽ, hành vi của các bị cáo thuộc trường hợp “gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999; các bị cáo đều là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, ổn định; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; sau khi phạm tội, các bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giảm cho các bị cáo một phần hình phạt và không cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, mà chỉ cần giao các bị cáo cho gia đình và chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo các bị cáo và răn đe phòng ngừa chung trong xã hội.

[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

[1] Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk; chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L – Sửa một phần bản án sơ thẩm số 47/2018/HSST ngày 27/12/2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 175; điểm h, p khoản 1 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự 1999;

- Xử phạt bị cáo Thái Anh D 02 (Hai) năm tù, nhưng cho hưởng án treo, về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Thời gian thử thách là 04 (Bốn) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Phước L 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Thời gian thử thách là 03 (Ba) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Thái Anh D cho Ủy ban nhân dân phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; giao bị cáo Nguyễn Phước L cho Ủy ban nhân dân xã E, huyện E1, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách.

Các bị cáo phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự: Hủy bỏ tất cả các Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với các bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

[2] Về án phí: Các bị cáo Thái Anh D, Nguyễn Phước L không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

392
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 156/2019/HS-PT ngày 16/05/2019 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

Số hiệu:156/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về