Bản án 154/2019/HC-PT ngày 12/09/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính thu hồi, bồi thường đất đai

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 154/2019/HC-PT NGÀY 12/09/2019 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH THU HỒI, BỒI THƯỜNG ĐẤT ĐAI

Ngày 12 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 22/2017/TLPT-HC ngày 23 tháng 10 năm 2017 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính thu hồi, bồi thường đất đai”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2017/HC-ST ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1045/2019/QĐPT-HC ngày 26 tháng 8 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Người khởi kiện: Bà Phạm Thị Mỹ L, sinh năm 1964.

Địa chỉ cư trú: Số 11 Đường N, phường P, thành phố T, tỉnh Phú Yên.

2. Người bị kiện:

2.1. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên;

2.2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên: Ông Mai Kim L1, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên.

2.3. Ủy ban nhân dân thành phố T, tỉnh Phú Yên;

2.4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố T, tỉnh Phú Yên

Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố T và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố T: Ông Nguyễn Lê Vi P1, Phó Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh Phú Yên (Được ủy quyền theo Văn bản số 1909/UBND ngày 10/9/2019 của Chủ tịch UBND thành phố T).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân phường P2, thành phố T, tỉnh Phú Yên

Người đại diện theo pháp luật của Ủy ban nhân dân phường P2: Ông Nguyễn Văn H, Chủ tịch UBND phường P2, thành phố T, tỉnh Phú Yên.

3.2. Chi cục thuế thành phố T, tỉnh Phú Yên

Người đại diện theo ủy quyền của Chi cục thuế thành phố T: Ông Đoàn Thạch H1, Phó Chi trưởng Chi cục thuế thành phố T.

3.3. Ông Kiều Văn Đ, sinh năm 1964; địa chỉ cư trú: Số 11 Đường N, phường P, thành phố T, tỉnh Phú Yên.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Kiều Văn Đ: Bà Phạm Thị Mỹ L, là người khởi kiện vụ án (Giấy ủy quyền ngày 04/4/2016).

3.4. Ông Phạm Thành L2, sinh năm 1950; 3.5. Bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1962 Yên.

Cùng địa chỉ cư trú: Số 28 đường N1, phường P3, thành phố T, tỉnh Phú

4. Người kháng cáo: Bà Phạm Thị Mỹ L (là người khởi kiện).

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bà Phạm Thị Mỹ L, ông Mai Kim L1, ông Nguyễn Lê Vi P1 có mặt; ông Kiều Văn Đ, ông Phạm Thành L2, bà Nguyễn Thị H2 vắng mặt; Người đại diện của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Chi cục thuế thành phố T, UBND phường P2 có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện ngày 24/12/2015; đơn khởi kiện bổ sung, các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng tại Tòa án, người khởi kiện là bà Phạm Thị Mỹ L trình bày:

Năm 1990, bà Phạm Thị Mỹ L có nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Phạm Thành L2, bà Nguyễn Thị H2 một ngôi nhà cấp 4 nằm trong vườn cây trên diện tích đất khoảng 5.600 m2 tại khu vực giáp đường sắt - VB, thị trấn P3 (nay là phường P2, thành phố T). Năm 2005, bà L thực hiện việc kê khai thửa đất theo chủ trương chung và thực hiện đóng thuế nhiều năm liền.

Ngày 04/01/2009, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố T lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thi công Công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam thành phố T. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHT&TĐC) thông báo tài sản, đất đai của bà L không được bồi thường, chỉ hỗ trợ 60% giá trị tài sản đối với nhà cửa, vật kiến trúc.

Từ ngày 06/01/2010, bà L liên tục kiến nghị, khiếu nại nhiều lần nhưng Chủ tịch UBND thành phố T và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giải quyết khiếu nại đều không chấp nhận yêu cầu của bà. Do đó, bà L khởi kiện yêu cầu: Tuyên hủy một phần Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 30/6/2009 của UBND tỉnh Phú Yên “V/v Thu hồi để thực hiện Dự án hạ tầng khu đô thị mới Nam T (giai đoạn 1) thuộc dự án hạ tầng Nam T - Vũng R” có liên quan đến diện tích 5.200 m2 của bà L; hủy một phần Quyết định số 5438/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của UBND thành phố T “V/v phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thi công công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam thành phố T - giai đoạn 1”; hủy Quyết định số 2891/QĐ-UBND ngày 14/5/2014 của Chủ tịch UBND thành phố T “Về việc giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị Mỹ L”; hủy Quyết định số 28/QĐ- UBND ngày 08/01/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên “V/v giải quyết nội dung đơn của bà Phạm Thị Mỹ L” và các quyết định khác có liên quan yêu cầu khởi kiện của bà L. Buộc UBND thành phố T công nhận diện tích 5.200 m2 do bà L mua của ông Phạm Thành L2 là hợp pháp để được xem xét bồi thường và hỗ trợ theo quy định; yêu cầu Chi Cục thuế thành phố T xác định lại số tiền thuế đã đóng đối với diện tích 5.200 m2 đất do bà L đang khiếu kiện.

2. Ý kiến của người bị kiện:

2.1. Tại Văn bản số 473/UBND-NC ngày 01/02/2016 và trong quá trình tố tụng tại Tòa án, UBND tỉnh Phú Yên và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có ý kiến như sau:

Ngày 30/6/2007, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 1283/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Đồ án khu đô thị mới Nam thành phố T; ngày 30/6/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1206/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án (giai đoạn 1), tổng diện tích 1.838.002 m2 (183,3ha), trong đó có 5.200 m2 đất bà L đang có khiếu kiện.

Tại hồ sơ của Hội đồng BTHT&TĐC thành phố T (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố T) thể hiện: Tờ khai đất đai, nhà cửa ghi ngày 26/8/2008 có chữ ký của bà L, UBND phường P2 xác nhận Bà L có kê khai nhà cửa, vật kiến trúc, số lượng cây cối hoa màu (không ghi cây trồng mấy năm), không kê khai đất đai. Khi Đoàn xác minh của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Phú Yên tiến hành làm việc với bà L, thì bà L trình bày: Biên bản này do cán bộ thực hiện kiểm đếm ghi, do thiếu kiểm tra nên bà L đã ký vào biên bản. Theo quy định, Tổ kiểm kê xác định cây chưa trái là từ 02 - 05 năm, cây có trái là trên 05 năm để áp giá bồi thường, hỗ trợ.

Trên cơ sở hồ sơ của Hội đồng BTHT&TĐC được Phòng TN&MT thẩm định, ngày 28/12/2009 UBND thành phố T có quyết định số 5438/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án BTHT&TĐC; ngày 28/12/2009 Hội đồng BTHT&TĐC ra thông báo số 90/TB-HĐBT chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu cho bà L tổng số là 41.659.357 đồng, không bồi thường, hỗ trợ về đất. Bà L đang khiếu nại nên chưa nhận số tiền này.

Sau khi nhận được thông báo, ngày 06/01/2010 bà L có đơn đề nghị xem xét. Ngày 20/01/2010, Hội đồng BTHT&TĐC có công văn số 08/HĐBT trả lời cho bà L biết diện tích bà L nhận chuyển nhượng từ ông Phạm Thành L2 là đất hoang bằng do UBND phường P2 quản lý không được bồi thường theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003.

Trong quá trình xem xét giải quyết khiếu nại, UBND phường P2 cung cấp:

- Nguyên khu vực đất phía Đông cầu Bi dọc theo đường sắt là đất cát, thường xuyên bị bồi đắp do lũ lụt hàng năm nên không đưa vào cân đối giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, cũng không giao đất Lâm nghiệp theo chương trình PAM. Thời điểm năm 1993, khu vực phía đông cầu Bi vẫn còn là đất trống nên một số hộ dân tự ra lấn chiếm để trồng cây, trong đó có hộ ông Phạm Thành L2, tất cả đều không được bồi thường về đất (trừ các hộ gia đình thuộc diện giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP).

- Theo bản đồ đo đạc theo Chỉ thị 299/TTg, thửa đất này không thể hiện trên bản đồ; đến năm 1997 đo đạc theo hệ tọa độ quốc gia, diện tích hiện nay bà L đang khiếu nại là một phần của thửa số 5, tờ bản đồ địa chính số 6 (số hiệu mảnh gốc D- 49-99, 304-C) có tổng diện tích 80.765,5 m2 tại sổ dã ngoại là đất trống. Bản đồ này được Giám đốc Sở địa chính ký duyệt ngày 20/12/1997.

Trên cơ sở ý kiến của UBND phường P2; lời trình bày của vợ chồng ông Phạm Thành L2 là người chuyển nhượng đất cho bà L; lời trình bày của những người làm chứng nguyên là cán bộ HTX nông nghiệp thị trấn P3, cán bộ kiểm soát HTXSXNN P3 (cũ); những người dân có đất lân cận khu vực đất bà L có khiếu kiện và các giấy xác nhận của những người dân do bà L cung cấp, có đủ cơ sở xác định: Thửa đất bà L đang khiếu kiện yêu cầu được bồi thường đất với diện tích 5.200 m2 nguyên trước đây là đất trũng thấp. Năm 1979, HTXSXNN P3 thành lập Tổ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý giao khoán cho một số hộ để trồng phi lao nhưng không hiệu quả. Năm 1993 bão lụt làm gãy đổ cây cối nên HTX không tiếp tục sản xuất, không giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP cho hộ gia đình, cá nhân nào. Theo bản đồ đo đạc hệ tọa độ quốc gia năm 1997 thì thửa đất bà L đang khiếu nại là một phần của thửa số 5, tờ bản đồ địa chính số 6 (số hiệu mảnh gốc D-49-99, 304-C), tổng diện tích 80.765,5 m2 do UBND phường quản lý. Khoảng năm 1980 hoặc năm 1985 (vì ông L2 và bà L không khai báo trung thực) gia đình ông L2 (cha ông L2 rồi ông L2) lấn chiếm trồng hoa màu; đến năm 1990 hoặc năm 2005, ông L2 tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà L không được chính quyền địa phương xác nhận là vi phạm pháp luật đất đai: “Nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép”. Do đó, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004; Điều 45 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và khoản 1 Điều 14 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ thì diện tích 5.200 m2 bà L đang khiếu kiện không được bồi thường về đất. Đề nghị Tòa án bác toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Mỹ L.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; UBND tỉnh Phú Yên trình bày: Theo bản đồ đo đạc năm 1992 và bản đồ đo đạc năm 1997 đều thể hiện diện tích 5.200 m2 bà L đang khiếu kiện là đất hoang. Theo quy định của pháp luật đất đai thì đất hoang là do Nhà nước quản lý nên yêu cầu khởi kiện của bà L là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Mỹ L.

2.2. Người bị kiện là UBND thành phố T và Chủ tịch UBND thành phố T trình bày: Thống nhất với ý kiến của đại diện UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; giữ nguyên nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại số 2891/QĐ-UBND ngày 14/5/2014 của Chủ tịch UBND thành phố T và các quyết định khác có liên quan đến yêu cầu khởi kiện của bà L.

3. Ý kiến của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ý kiến của vợ chồng ông Phạm Thành L2, bà Nguyễn Thị H2:

Diện tích đất bà L đang khiếu kiện trước kia là đất hoang, không được đưa vào cân đối, giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và cũng không được giao đất lâm nghiệp theo chương trình PAM. Gia đình ông bà có canh tác trên diện tích đất nêu trên, sau đó thì chuyển nhượng cho bà L.

3.2. Ý kiến của Ủy ban nhân dân phường P2:

Diện tích đất bà L đang khiếu kiện trước kia là đất hoang, không được đưa vào cân đối, giao đất sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và cũng không giao đất lâm nghiệp theo chương trình PAM. UBND phường P2 thống nhất với quan điểm trình bày của UBND thành phố T.

3.3. Ý kiến của Chi cục thuế thành phố T:

Chi cục thuế căn cứ vào tờ khai nộp thuế đất ngày 18/12/2005 của bà L và danh sách đề nghị lập bộ thuế năm 2005 của UBND phường P2 nên tiến hành thu thuế đối với diện tích 5.200 m2 là đúng theo quy định của pháp luật. Đến tháng 12/2011, UBND phường P2 đã lập Tờ trình đề nghị điều chỉnh giảm bộ thuế nhà đất năm 2011 đối với hộ bà L với diện tích 5.200 m2 nên Chi cục thuế điều chỉnh không còn thu thuế đối với hộ bà L nữa.

3.4. Ý kiến của ông Kiều Văn Đ (chồng bà Phạm Thị Mỹ L): Diện tích đất 5.200 m2 đang có khiếu kiện là do vợ ông là Phạm Thị Mỹ L tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ chồng ông L2 bà H2 năm 1990. Vợ ông đã khiếu nại đến UBND các cấp giải quyết, nay do bận công tác không tham gia tố tụng được nên ủy quyền cho bà L.

4. Những người làm chứng (ông Đặng Thủ K, ông Nguyễn Th1, ông Đặng Hữu K1, ông Nguyễn Chí T1, bà Phạm Thị Hường) đều trình bày:

Diện tích đất bà L đang khiếu kiện trước kia do gia đình ông Phạm Thành L2 sử dụng canh tác trồng trọt và sau đó chuyển nhượng lại cho bà L, còn việc gia đình ông L2 sử dụng từ thời điểm năm nào đến năm nào chuyển nhượng cho bà L thì không rõ.

5. Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2017/HC-ST ngày 12 tháng 7 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định:

Căn cứ các Điều 28, Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (nay là Điều 30, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính); điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; Điều 11 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11/02/2000 của Chính phủ; khoản 6 Điều 38, khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 50, khoản 1 Điều 103 của Luật Đất đai 2003; khoản 1 Điều 97 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ; khoản 1, Điều 14 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ; khoản 2 Điều 689 Bộ luật Dân sự 2005; khoản 1 Điều 32 và Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử: Bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện bà Phạm Thị Mỹ L, về việc yêu cầu:

Tuyên hủy Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 08/01/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên “V/v giải quyết nội dung đơn của bà Phạm Thị Mỹ L; trú tại: 11 Đường N, phường P, thành phố T”; một phần quyết định số 1206/QĐ- UBND ngày 30/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên “V/v Thu hồi để thực hiện Dự án hạ tầng khu đô thị mới nam T (giai đoạn 1) thuộc dự án hạ tầng Nam T - Vũng R”; Quyết định 2891/QĐ-UBND ngày 14/5/2014 của Chủ tịch UBND thành phố T “Về việc giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị Mỹ L; cư trú tại 11 Đường N, phường P, thành phố T”; một phần Quyết định số 5438/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của UBND thành phố T “V/v phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thi công công trình hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam thành phố T - giai đoạn 1”; Thông báo số 08/HĐBT ngày 20/01/2010 của Hội đồng BTHT&TĐC thành phố T “V/v Trả lời đơn của công dân”; Công văn số 3228/UBND ngày 05/11/2013 của UBND thành phố T “V/v trả lời đơn của bà Phạm Thị Mỹ L”; Yêu cầu UBND thành phố T lập phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và các công trình xây dựng, cây trồng trên đất bị ảnh hưởng dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam thành phố T (giai đoạn 1) cho người khởi kiện bà Phạm Thị Mỹ L và yêu cầu tính số tiền thuế bà L đã đóng đối với diện tích 5.200 m2 đất đang khiếu kiện. Vì không có căn cứ pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định bà Phạm Thị Mỹ L phải chịu 200.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm, 7.000.000 đồng chi phí giám định và phổ biến quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

6. Kháng cáo:

Ngày 20/7/2017, người khởi kiện là bà Phạm Thị Mỹ L làm đơn kháng cáo toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm; yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án, hủy Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 08/01/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Quyết định số 2891/QĐ-UBND ngày 14/5/2014 của Chủ tịch UBND thành phố T, một phần Quyết định số 5438/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của UBND thành phố T và các văn bản, quyết định khác có liên quan đến việc thu hồi, bồi thường đối với thửa đất 5.200 m2 của bà L.

Lý do kháng cáo, bà L cho rằng: Căn cứ khoản 2 Điều 101 của Luật Đất đai năm 2013 thì thửa đất 5.200 m2 của bà có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đủ điều kiện bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tòa án sơ thẩm xét xử không đúng với sự thật đã được xác minh qua nhiều năm, nhiều cấp và biên bản kiểm kê, giám định tư pháp dẫn đến tuyên án sai, trong khi đã có kết quả làm việc khách quan của Đoàn xác minh Sở TN&MT với ông Phạm Thành L2 vào ngày 07/8/2015 và ngày 18/8/2014.

Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm mở vào ngày 28/3/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án, bà Phạm Thị Mỹ L có đơn bổ sung chứng cứ, cung cấp một số tài liệu chứng cứ mới và giữ nguyên yêu cầu của mình trong đơn kháng cáo.

7. Tại phiên tòa:

7.1. Người khởi kiện giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người bị kiện vẫn giữ nguyên quyết định hành chính; bà Phạm Thị Mỹ L vẫn giữ nguyên kháng cáo; các đương sự không đối thoại, thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án.

7.2. Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và Hội đồng xét xử đã thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho các bên tranh luận và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã thực hiện đúng theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Về nội dung: Trong quá trình tố tụng tại Tòa án cấp phúc thẩm và tại phiên tòa, bà Phạm Thị Mỹ L có giao nộp đơn trình bày và một số bản ảnh chụp các tờ bản đồ quy hoạch có liên quan đến diện tích đất có khiếu kiện. Theo lời trình bày của bà L thì diện tích đất hiện bà đang có khiếu kiện chỉ có một phần (khoảng 1/3 diện tích) nằm trong dự án; ông Mai Kim L1 xác định tờ bản đồ bà L giao nộp chỉ thể hiện giai đoạn 1 của dự án, hiện nay đang triển khai tiếp giai đoạn 2 thì toàn bộ diện tích đất bà L có khiếu kiện nằm trong khu vực đất bị thu hồi; tuy nhiên, tờ bản đồ bà L giao nộp chỉ là bản ảnh chụp, không có cơ sở xác định tính chính xác, hợp pháp. Mặt khác, theo các tài liệu, chứng cứ như các tờ bản đồ qua các thời kỳ; các văn bản cung cấp thông tin và các biên bản làm việc do phía người bị kiện giao nộp có trong hồ sơ vụ án thể hiện có nhiều mâu thuẫn về vị trí, diện tích khu vực đất bà L có khiếu kiện; nhiều nội dung không phù hợp, thiếu chính xác. Những mâu thuẫn nêu trên không thể bổ sung, làm rõ tại phiên tòa được. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án cho đúng quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Bà Phạm Thị Mỹ L khởi kiện vụ án yêu cầu Tòa án hủy các quyết định hành chính về thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất; các văn bản giải quyết khiếu nại và các văn bản hành chính khác có liên quan; đồng thời, yêu cầu UBND thành phố T lập phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và các công trình xây dựng, cây trồng trên đất bị ảnh hưởng dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam thành phố T (giai đoạn 1) cho người khởi kiện bà Phạm Thị Mỹ L và yêu cầu tính số tiền thuế bà L đã đóng đối với diện tích 5.200 m2 đất đang khiếu kiện, vì cho rằng: Diện tích 5.200 m2 đất thu hồi của gia đình bà có nguồn gốc do gia đình ông Phạm Thành L2 khai hoang, sử dụng từ sau ngày giải phóng (năm 1975), sau đó chuyển nhượng lại cho bà có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất nên có đủ điều kiện được bồi thường khi thu hồi đất. Nhưng tại các văn bản hành chính nêu trên, các cơ quan hành chính tỉnh Phú Yên và thành phố T đã quyết định thu hồi của gia đình bà 5.200 m2 đất, nhưng không bồi thường về đất và giá trị bồi thường, hỗ trợ về tài sản, nhà cửa, vật kiến trúc trên đất không đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Phú Yên và UBND thành phố T cho rằng, diện tích 5.200 m2 đất thu hồi mà bà L có khiếu kiện là của UBND phường quản lý, do gia đình ông L2 lấn chiếm trồng hoa màu, sau đó chuyển nhượng trái phép cho bà L nên không đủ điều kiện để được bồi thường về đất khi bị thu hồi.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Tại thời điểm nhà nước thu hồi 5.200 m2 đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất mà bà L có khiếu kiện (năm 2009) là thời điểm Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 đang có hiệu lực thi hành. Theo quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ có nội dung:

“1. Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng có đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, 10 và 11 Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP... và các Điều 44, 45 và 46 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP... thì được bồi thường; trường hợp không đủ điều kiện được bồi thường thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét để hỗ trợ.” Tại Điều 44 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“1. Trường hợp thu hồi đối với đất sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đất đó không có tranh chấp thì việc bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện theo quy định sau:

a) Trường hợp đất đang sử dụng là đất có nhà ở và không thuộc một trong các trường hợp sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì người đang sử dụng đất được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng nhưng diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 83 và khoản 5 Điều 84 của Luật Đất đai tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở và phần diện tích đất vườn, ao trên cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở (nếu có) thì được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư;

b) Trường hợp đất đang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp (không phải đất ở) và không thuộc một trong các trường hợp sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này thì người đang sử dụng đất được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng. Trường hợp trên thửa đất có cả phần diện tích đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì phần diện tích đó được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định đối với đất nông nghiệp;...

4. Hộ gia đình, cá nhân không được cấp GCN đối với phần diện tích đất được sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 trong trường hợp tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất đã có một trong các hành vi vi phạm sau đây (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này):

...đ) Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm.

[2] Xét các nội dung kháng cáo của bà Phạm Thị Mỹ L thì thấy:

[2.1] Tại Điều 3 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ có quy định như sau:

“1. Đất sử dụng ổn định quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật Đất đai là đất đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Đất đã được sử dụng liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận hoặc đến thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận;

b) Trường hợp đất đã được sử dụng liên tục quy định tại điểm a khoản này mà có sự thay đổi về người sử dụng đất và sự thay đổi đó không phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất.

2. Việc xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được căn cứ vào ngày tháng năm sử dụng và mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau:...

h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan (không cần có chứng nhận của cơ quan, tổ chức);...

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất”.

[2.2] Theo bà L trình bày thì trước đây diện tích 5.200 m2 đất gia đình bà sử dụng bị thu hồi (sau đây gọi tắt là 5.200 m2 đất) nằm trong khu vực đất trũng thấp, chưa có người sử dụng. Khoảng năm 1980, diện tích đất này được gia đình ông Phạm Thành L2 khai hoang, tôn tạo, trồng cây, xây dựng công trình, vật kiến trúc; sau đó đến năm 1990, gia đình ông L2 đã chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích đất cùng cây trồng, công trình vật kiến trúc cho gia đình bà. Khi chuyển nhượng đất, vợ chồng ông Phạm Thành L2 và bà Nguyễn Thị H2 đã lập“Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhà ở - hoa màu và cây lâu năm” vào ngày 12/12/1990 (BL.170) nhưng do bà trả tiền làm nhiều đợt nên đến năm 2005 bà có yêu cầu ông L2 viết lại “Giấy chuyển nhượng Nhà và Đất” và “Giấy cam đoan” nhưng vẫn đề ngày 12/12/1990 (BL.172, 173); các Giấy chuyển nhượng này đều không có xác nhận của chính quyền địa phương. Trong quá trình sử dụng đất, gia đình ông L2, bà L đã trồng cây, canh tác, xây dựng công trình, vật kiến trúc trên đất, sử dụng đất có hiệu quả; bà L đã thực hiện việc kê khai đóng thuế cho nhà nước từ năm 2005-2011 (Tuy nhiên, tháng 12/2011 UBND phường P2 đã lập Tờ trình đề nghị điều chỉnh giảm bộ thuế nhà đất năm 2011 đối với hộ bà L với diện tích 5.200 m2 nên Chi cục thuế điều chỉnh không còn thu thuế đối với hộ bà L nữa).

[2.3] Theo ông Phạm Thành L2 trình bày tại “Đơn xác nhận nguồn gốc đất chuyển nhượng” ngày 20/3/2007 do Trong tâm phát triển quỹ đất thành phố T cung cấp (BL.248), “Biên bản lấy lời khai” và “Bản tự khai” ngày 20/4/2016 (BL.79-82) thì diện tích đất này được cha ông khai hoang, sử dụng từ trước ngày giải phóng; khoảng năm 1980, cha ông già yếu nên giao lại cho ông sử dụng, sau đó do hoàn cảnh khó khăn nên ông đã chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích đất này cho bà L. Về thời gian chuyển nhượng đất cho bà L thì trong giai đoạn giải quyết khiếu nại, ông Nguyễn Thành L2 trình bày không thống nhất (khi thì vào năm 1990, khi thì vào năm 2000, 2001, 2005). Tuy nhiên sau khi Tòa án thụ lý vụ án, tại “Biên bản lấy lời khai” và “Bản tự khai” ngày 20/4/2016 ông L2 khẳng định nguồn gốc 5.200 m2 đất đã được gia đình ông sử dụng từ trước ngày giải phóng và đến năm 1990 thì chuyển nhượng lại cho bà L (BL.79-82). Kể từ sau ngày chuyển nhượng đất đến nay, gia đình ông L2 không có khiếu nại, tranh chấp gì đối với bà L.

[2.4] Những người làm chứng gồm ông Nguyễn Chí T1, ông Nguyễn Th1, ông Nguyễn Hữu C tại “Đơn xin xác nhận quyền sử dụng đất” của bà L ngày 01/3/2009 (BL.252, 253) cũng xác nhận nguồn gốc và thời gian bắt đầu sử dụng đất, chuyển nhượng đất giữa gia đình ông L2 và bà L như ông L2 và bà L đã trình bày nêu trên (tuy nhiên tại đơn này, UBND phường P2 có ý kiến: Nguyên là đất do UBND phường quản lý, vợ chồng ông Phạm Thành L2 khai phá trồng trọt và chuyển nhượng lại cho bà L sử dụng. Kết luận đây là đất do UBND phường quản lý không bồi thường về đất đai). Mặt khác, theo kết quả giám định số 174/CNR- KHTC ngày 30/8/2016 của Viện nghiên cứu công nghiệp rừng, thì cây keo lá tràm được trồng trên diện tích 5.200 m2 có tuổi thọ tính đến năm 2016 là 25±2 năm, cây Bạch đàn là 24±2 năm đã chứng minh các cây này đã được gia đình ông L2 trồng trong quá trình sử dụng đất vào khoảng từ năm 1989 đến năm 1994, phù hợp với lời trình bày của bà L là khi nhận chuyển nhượng đất thì trên đất có một số cây ông L2 đã trồng trước đó, sau đó gia đình bà có trồng thêm một số loại cây khác trên diện tích đất này.

[2.5] UBND phường P2 thì cho rằng, diện tích 5.200 m2 đất có khiếu kiện trước đây là đất trống; năm 1979 HTX.SXNN P3 thành lập Tổ Lâm nghiệp trực tiếp quản lý giao khoán cho một số hộ để trồng cây nhưng không hiệu quả. Sau cơn bão lịch sử (tháng 12/1993) một số hộ dân ra tự lấn chiếm để trồng cây, trong đó có hộ ông Phạm Thành L2. Do đó, thời điểm gia đình ông L2 bắt đầu sử dụng đất được xác định là từ năm 1993.

[2.6] Theo các tài liệu do người bị kiện cung cấp thì tại Bản đồ đo đạc theo Chỉ thị 299 không thể hiện thửa đất này; Bản đồ đo đạc hệ tọa độ quốc gia năm 1997 thì diện tích đất này là một phần của thửa số 5, tờ bản đồ địa chính số 6, có tổng diện tích 80.765,5 m2 do UBND phường quản lý, không thấy thể hiện thửa đất mà gia đình ông L2 sử dụng. Tại Văn bản số 473/UBND-NC ngày 01/02/2016, UBND tỉnh Phú Yên (BL.96-99) đã kết luận: “Khoảng năm 1980, năm 1985 (vì ông L2 và bà L không khai báo trung thực nên không xác định được chính xác năm nào) gia đình ông L2 lấn chiếm trồng hoa màu. Năm 1990 hoặc năm 2005 (vì ông L2 và bà L không trung thực khai báo) ông L2 tự ý chuyển nhượng cho bà L không được chính quyền địa phương xác nhận là vi phạm pháp luật về đất đai...”.

[2.7] Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của UBND thành phố T trình bày chỉ biết được diện tích đất này do ông L2 khai hoang từ năm 1980 (theo lời trình bày của ông L2) và đến năm 2005 thì chuyển nhượng lại cho bà L, nhưng bà L yêu cầu ghi lùi lại là năm 1990 (BL.681). Tại phiên tòa phúc thẩm mở ngày 28/3/2018, ông Huỳnh Đức T3 (là người đại diện hợp pháp của UBND phường P2) xác định: Phường P2 rất rộng và khu vực của bà L xa khu trung tâm nên khi người dân không kê khai, phường ít quan tâm, không quản lý được; sau cơn bão năm 1993, toàn bộ khu này bị tàn phá và người dân xuống lấn chiếm canh tác, địa phương không kiểm soát được.

[2.8] Trên cơ sở lời trình bày của các đương sự và các tài liệu, chứng cứ nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy:

(1) Trước khi gia đình ông Phạm Thành L2 khai hoang, sử dụng diện tích 5.200 m2 đất có khiếu kiện thì diện tích đất này nằm trong diện tích 80.765,5 m2 đất do UBND phường quản lý là đúng theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đất đai ngày 02/12/1998 và khoản 1 Điều 103 của Luật Đất đai năm 2003; nhưng trên thực tế thì diện tích đất này không được quản lý chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật và đã được một số hộ dân, trong đó có gia đình ông L2, bà L sử dụng cho đến nay. Tuy nhiên, về thời gian gia đình ông L2 bắt đầu sử dụng đất, mục đích sử dụng đất và thời gian ông L2 chuyển nhượng đất cho bà L thì còn có mâu thuẫn như các nội dung từ mục [2.2] đến [2.7] nêu trên.

(2) Khi xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cũng xác định quá trình giải quyết khiếu nại của UBND thành phố T và UBND tỉnh Phú Yên có sự mâu thuẫn này và không phù hợp với thời điểm Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực nhưng chưa tiến hành đầy đủ các quy định của Luật Tố tụng hành chính về chứng minh và chứng cứ; không căn cứ vào “ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất” theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP nêu trên để làm rõ nguồn gốc, thời gian bắt đầu sử dụng đất của gia đình ông L2, sau này là bà L để xem xét họ có thuộc trường hợp được bồi thường về đất theo các quy định của pháp luật tại mục [1] nêu trên hay không; mà chỉ nhận định theo bản đồ năm 1997 thể hiện diện tích đang có khiếu kiện là đất hoang, không có người sử dụng kê khai đăng ký và năm 2005 ông L2 chuyển nhượng nhà đất cho bà L để làm căn cứ bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà L là thiếu căn cứ, chưa bảo đảm khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác theo quy định tại Điều 95 của Luật Tố tụng hành chính.

[3] Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/3/2018 và thời gian sau này, bà L cung cấp một số bản ảnh chụp tờ bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2018, bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Nam thành phố T và trình bày: Khu dân cư cầu đường gần vị trí khu vườn của gia đình bà, cùng nằm chung một dải đất hành lang lang dự án nhưng Khu dân cư cầu đường không bị giải tỏa, thu hồi đất bởi dự án. Tại phiên tòa hôm nay, bà L khẳng định diện tích đất bà có khiếu kiện chỉ có một phần (1/3 diện tích) bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, phần còn lại là nằm ngoài khu vực đất bị thu hồi; do quá trình giải quyết khiếu nại, các cơ quan nhà nước chỉ căn cứ vào tờ bản đồ năm 1997 có nhiều sai sót và giao cho bà Bùi Thị Thu H3 (là vợ ông Hồ Đức H4 - người ban hành quyết định hành chính) xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại nên thiếu khách quan, nhiều nội dung không đúng sự thật (trong đó có biên bản làm việc ngày 14/02/2014 với ông Nguyễn Th1 và biên bản làm việc ngày 26/2/2014 với ông Nguyễn Văn Tâm có dấu hiệu viết thêm) và hiện nay có nhiều hộ dân trong khu vực sử dụng đất như trường hợp của bà đã được cấp GCNQSD đất. Ông Mai Kim L1 xác định dự án chia làm hai giai đoạn, đất bà L có khiếu kiện bị thu hồi trong quá trình thực hiện dự án giai đoạn 1, hiện nay tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2 thì toàn bộ diện tích đất này thuộc phạm vi bị thu hồi; bản ảnh do bà L giao nộp chỉ là một phần của dự án. Hội đồng xét xử nhận thấy, lời trình bày của bà L tại phiên tòa có một số nội dung mới và các tài liệu do bà L giao nộp thêm là các chứng cứ mới. Để xem xét tính hợp pháp của các chứng cứ này làm căn cứ xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính bị khởi kiện và giải quyết các yêu cầu có liên quan của người khởi kiện thì cần phải thu thập các chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được.

[4] Trên cơ sở kết quả phân tích nêu trên và ý kiến của Kiểm sát viên phát biểu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chưa tiến hành đầy đủ các quy định của pháp luật về thu thập, đánh giá chứng cứ để làm rõ các tình tiết, sự kiện làm căn cứ giải quyết vụ án; đồng thời, quá trình xét xử phúc thẩm người khởi kiện có trình bày một số nội dung mới và cung cấp một số chứng cứ, tài liệu mới nên cần phải thu thập các chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được. Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính, cần phải hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật. Các nội dung khác trong đơn kháng cáo của bà L do có liên quan đến việc thu thập chứng cứ mới nên Tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm xem xét, giải quyết trong quá trình giải quyết lại vụ án.

[5] Về án phí: Căn cứ khoản 3 Điều 349 của Luật Tố tụng Hành chính và khoản 3 Điều 34 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Do bản án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy để xét xử sơ thẩm lại nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính;

1. Hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2017/HC-ST ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên để giải quyết, xét xử lại theo thủ tục chung.

2. Bà Phạm Thị Mỹ L không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm. Hoàn trả lại cho bà Phạm Thị Mỹ L 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0008357 ngày 27 tháng 7 năm 2017.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1266
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 154/2019/HC-PT ngày 12/09/2019 về khiếu kiện quyết định hành chính thu hồi, bồi thường đất đai

Số hiệu:154/2019/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 12/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về