Bản án 154/2017/DS-PT ngày 29/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 154/2017/DS-PT NGÀY 29/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 9 năm 2017 tại Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 82/2017/TLPT-DS ngày 05/7/2017 về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DS-ST ngày 14/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 176/2017/QĐPT-DS ngày 29 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị T

Địa chỉ cư trú: tổ 8, ấp 8, xã T, huyện M, tỉnh Đồng Nai.

- Bị đơn: Ông La Lầm S, sinh năm 1956

Bà Trần Thị P, sinh năm 1957

Cùng địa chỉ cư trú: tổ 6, ấp 6, xã T, huyện M, tỉnh Đồng Nai.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông La Lầm S và bà Trần Thị P: Luật sư Nguyễn Đức Đ thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Đức Đ – Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

- Người kháng cáo: Ông La Lầm S, bà Trần Thị P.

(Các ông bà T, S, P, Đ có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm:

* Nguyên đơn bà Nguyễn Thị T trình bày: Bà T với ông La Lầm S, bà Trần Thị P là hàng xóm quen biết nhau nên từ đầu năm 2010 bà T đã bắt đầu cho ông S, bà P vay mượn tiền nhiều lần. Bà T không nhớ cụ thể vì có những khoản vay ông S, bà P đã trả hết nợ còn có những khoản vay chưa trả. Những khoản vay mà ông S, bà P chưa trả cho bà T bao gồm 3 lần vay như sau:

- Lần thứ nhất: Ngày 10/9/2011, ông S, bà P vay bà 20.000 USD nhưng lúc nhận thì bà giao bằng tiền mặt với số tiền là 450.000.000 đồng. Đôi bên chỉ thỏa thuận lãi suất 2%/tháng. Ông S, bà P mới trả lãi cho bà được 15.000.000 đồng. Khi trả tiền lãi thì giữa đôi bên không lập giấy tờ gì. Trước đây bà có khai lãi suất là 2.000 đồng/ngày/1.000.000 đồng là không chính xác vì do bà đã lớn tuổi, đầu óc không được minh mẫn nên đã bà nhớ nhầm, khai không đúng. Bà xin đính chính phần lãi suất mà các bên đã thỏa thuận là 2%/tháng.

- Lần thứ 2: Ngày 30/12/2013 ông S, bà P vay 300.000.000 đồng, đôi bên thỏa thuận lãi suất là 1%/tháng nhưng ông S, bà P chưa trả bất cứ khoản lãi nào.

- Lần thứ 3: Ngày 28/3/2014 ông S, bà P vay 220.000.000 đồng, đôi bên thỏa thuận lãi suất 1%/tháng, ông S, bà P cũng chưa trả bất cứ khoản lãi nào.

Cả 3 lần vay trên giữa đôi bên không thỏa thuận thời hạn trả nợ cụ thể, chỉ thỏa thuận miệng với nhau khi nào có sẽ trả và cũng không lập giấy tờ gì. Bà T chỉ ghi ngày giờ vay tiền, số tiền đã vay vào sổ của bà T, bà P có ký tên xác nhận vào đó. Người trực tiếp đi vay mượn tiền của bà T là bà P. Khi vay mượn tiền, bà P nói là để lo cho chồng và các cháu ăn học.

Do tin tưởng bà P hứa hẹn xin được tiền của con gái ở nước ngoài sẽ trả nợ cho bà T nên mỗi lần bà P, ông S khất nợ bà T đều đồng ý. Khi thấy đã lâu bà P, ông S không thực hiện nghĩa vụ trả lãi suất như thỏa thuận nên ngày 02/6/2015 bà T đã đến gặp ông S, bà P để đòi nợ. Bà P, ông S có cho bà T biết là bà P vay tiền của bà T để cho người khác vay lại nhằm kiếm tiền lãi suất chênh lệch, những người này không thanh toán nợ cho ông S, bà P, đề nghị bà T lập giấy chốt nợ với ông S, bà P và ông S, bà P sẽ thanh toán dần. Nên bà T, ông S, bà P thống nhất chốt nợ, những giấy tờ mà bà P ký trước đây hủy bỏ, việc thanh toán tiền trước đây xem như xí xóa cho nhau, không tính toán lại mà đôi bên chỉ căn cứ vào việc chốt nợ ngày 02/6/2015 tính số nợ và sau khi chốt, đây được xem là nợ gốc, không phải trả lãi nữa. Việc chốt nợ được lập thành giấy tay và lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản có nội dung giống nhau. Giấy tay ghi rõ ông S, bà P vay tiền bà T 3 lần với tổng số tiền là 970.000.000 đồng, có chữ ký và chữ viết của bà T và ông S, bà P.

Sau khi chốt nợ xong, ông S, bà P có trả thêm được 10.000.000 đồng. Việc trả tiền cũng không lập thành giấy tờ gì. Nay bà T yêu cầu Tòa án buộc vợ chồng ông S, bà P trả cho bà số tiền gốc 960.000.000 đồng, bà T không yêu cầu tiền lãi trong giai đoạn Tòa án thụ lý, giải quyết. Bà T chỉ yêu cầu tính lãi trong giai đoạn thi hành án.

* Bị đơn ông La Lầm S, bà Trần Thị P trình bày: Do ông S bị tật ở chân nên bà P đại diện vợ chồng đi vay tiền bà T nhiều lần. Đây là nợ chung của vợ chồng ông bà. Bắt đầu từ ngày 10/9/2011 bà P đã đi vay tiền đến ngày 02/6/2015 thì chốt nợ. Tuy bà P không nhớ rõ bao nhiêu lần vay và số tiền vay mỗi lần như thế nào nhưng bà xác định lãi suất phải trả cho bà T là 6%/tháng, mỗi lần bà P vay tiền bà T đều viết vào sổ của bà T, còn bà P thì ký xác nhận vào đấy. Bà P vay tiền của bà T xong thì lấy số tiền này đem cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn để kiếm tiền lãi chênh lệch. Do bị những người này giật nợ nên vợ chồng ông S, bà P không có tiền thanh toán cho bà T. Ngày 02/6/2015 bà T có đến đòi nợ, ông bà xin khất và đề nghị được viết giấy chốt nợ. Đôi bên thống nhất sau khi chốt nợ thì những tờ giấy nợ bà P ký trước đây không còn giá trị, chỉ căn cứ vào giấy chốt nợ ngày 02/6/2015 làm cơ sở xác định số tiền ông S, bà P còn nợ và sau khi chốt, đây là tiền gốc, bà T không được tính tiền lãi nữa. Như vậy, ông S, bà P có nợ bà T 970.000.000 đồng. Cụ thể:

- Ngày 10/9/2011: bà P đến vay tiền bà T, bà T nói có 20.000 USD gửi Ngân hàng, sau khi đổi ra tiền mặt thì bà T cho vợ chồng ông S, bà P vay 450.000.000 đồng. Khoản vay này vợ chồng ông đã trả lãi được 30 tháng tương đương 810.000.000 đồng. Khi giao tiền, tin tưởng nhau nên không lập thành giấy tờ gì và cũng không ai chứng kiến việc trả lãi này. Bà T cho rằng ông bà mới trả 15.000.000 đồng tiền lãi là vô lý, ông S, bà P không chấp nhận.

- Ngày 30/12/2013: ông S, bà P vay 300.000.000 đồng. Vợ chồng ông S, bà P cũng trả lãi đầy đủ hàng tháng từ khi vay đến tháng 4/2015 thì không có khả năng trả nên không trả tiền nữa;

- Ngày 28/3/2014: ông S, bà P vay 220.000.000 đồng. Ông S, bà P cũng đã trả lãi đầy đủ từ khi vay cho đến tháng 4/2015 thì không trả lãi nữa.

Cả 3 khoản vay trên, ông S, bà P đã trả được tổng cộng tiền lãi là 810.000.000 đồng. Căn cứ theo lãi suất Ngân hàng nhà nước quy định 9%/năm thì ông S, bà P đã trả dư cho bà T 658.800.000 đồng tiền lãi. Ông S, bà P không có gì chứng minh đã trả cho bà T số tiền lãi 810.000.000 đồng cả.

Ngày 02/6/2015, đôi bên có thống nhất số tiền chốt nợ là 970.000.000 đồng và sẽ không tính tiền lãi kể từ ngày chốt nợ. Sau đó ông S, bà P có trả thêm cho bà T 10.000.000 đồng, khi trả số tiền này cũng không lập giấy tờ gì. Như vậy, số tiền gốc ông S, bà P còn nợ bà T là 960.000.000 đồng.

Ông S, bà P chỉ đồng ý tiếp tục trả cho bà T số tiền 960.000.000 đồng với điều kiện bà T không làm đơn khởi kiện ông S, bà P nữa. Còn bà T tiếp tục khởi kiện thì ông S, bà P yêu cầu bà T phải cấn trừ số tiền lãi đã trả dư 658.800.000 đồng vào số tiền gốc 960.000.000 đồng, cụ thể: 960.000.000 đồng - 658.800.000  đồng = 301.200.000 đồng. Ông S, bà P chỉ chấp nhận trả thêm cho bà T 301.200.000 đồng tiền gốc. Bà T không chấp nhận thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DS-ST ngày 14/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện M tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị T. Buộc ông La Lầm S và bà Trần Thị P có trách nhiệm liên đới trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền 960.000.000 (Chín trăm sáu mươi triệu) đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm trả, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 28/4/2017, ông La Lầm S, bà Trần Thị P kháng cáo toàn bộ bản án với nội dung các khoản nợ đều thể hiện lãi vay là 6%/tháng nhưng nguyên đơn bà T cho rằng ông bà chỉ trả 15.000.000 đồng tiền lãi là không có căn cứ; lời khai của nguyên đơn có nhiều mâu thuẫn về lãi suất vay; ông bà đã phản tố yêu cầu trừ tiền lãi đã trả cho bà T vào tiền gốc còn nợ nhưng chưa được Tòa án M xem xét. Ông bà đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng cấn trừ tiền lãi ông bà đã thực trả cho bà T vào số tiền gốc phải trả cho bà T và miễn giảm án phí cho ông bà do điều kiện ông bà hiện nay rất khó khăn.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Bị đơn thay đổi nội dung kháng cáo từ đề nghị sửa bản án sơ thẩm thành đề nghị hủy bản án sơ thẩm với ngoài các lý do đã nêu trong đơn kháng cáo còn có thêm lý do cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng khi lập biên bản phiên tòa không đúng sự thật và thực tế diễn ra tại phiên tòa, đã có sự thay đổi, thêm bớt vào nội dung biên bản phiên tòa, cũng như chưa thu thập và làm rõ các chứng cứ về khoản tiền lãi bị đơn đã trả cho nguyên đơn và bị đơn đã làm đơn phản tố nhưng tòa không xem xét phản tố của bị đơn nhưng cũng không trả tiền tạm ứng đã nộp cho bị đơn.

Các bên đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án. Không đương sự nào cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ mới.

Ý kiến của luật sư Nguyễn Đức Đ: Về xác định tư cách đương sự, quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết, cấp sơ thẩm xác định đúng quy định. Tuy nhiên sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Biên bản phiên tòa sai sự thật, không thể hiện khách quan diễn biến phiên tòa, không có người làm chứng Trần Văn V tham gia phiên tòa mà vẫn ghi có ông V tham gia phiên tòa, không có sự việc ông là luật sư của bị đơn mà lại đồng ý đưa ông V tham gia phiên tòa như biên bản ghi nhận. Về nội dung vụ án: Nguyên đơn đã thừa nhận tiền lãi bị đơn đã trả từ ngày 10/9/2011 đến tháng 4/2014, đây là tình tiết đã được thừa nhận nên không phải chứng minh nên đã đề nghị công nhận bị đơn có trả lãi cho nguyên đơn và được cấn trừ tiền đã trả vào tiền nợ gốc nhưng cấp sơ thẩm đã không xem xét chứng cứ này. Về tạm ứng án phí phản tố đã không hoàn trả cho bị đơn khi không xem xét phản tố. Do Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giao về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai:

Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Bị đơn làm đơn kháng cáo trong hạn luật định nên được xem xét. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn về việc đề nghị công nhận phần lãi đã trả và cấn trừ vào gốc và đề nghị giảm tiền án phí, thấy rằng yêu cầu được xem xét tiền lãi đã trả của bà P, ông S là có căn cứ chấp nhận do tại Biên bản đối chất và Biên bản hòa giải, bà T đã thừa nhận về tiền lãi do bà P, ông S trả nên cần công nhận tiền lãi bà P, ông S trả là có thật và trừ vào tiền nợ gốc mà bà P, ông S phải có trách nhiệm trả cho bà T. Về án phí, do bà P, ông S đều là người cao tuổi, thuộc diện được miễn án phí nên đề nghị Tòa án xem xét. Đối với yêu cầu kháng cáo bổ sung của bị đơn về việc cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên đề nghị hủy án sơ thẩm, xét thấy bị đơn nêu ra các lý do nhưng không có chứng cứ để chứng minh nên không có căn cứ để xem xét. Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị HĐXX phúc thẩm cấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận tiền lãi bị đơn đã trả để cấn trừ vào tiền gốc và sửa về án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật và tư cách đương sự, cấp sơ thẩm đã xác định đúng theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung: Ngày 02/6/2015, bà Nguyễn Thị T, ông La Lầm S và bà Trần Thị P cùng nhau lập giấy chốt nợ trong đó thể hiện ông S, bà P nợ bà T số tiền 970.000.000đ (Chín trăm bảy mươi triệu đồng), không tính lãi. Sau khi chốt nợ, ông S, bà P có trả cho bà T 10.000.000đ (Mười triệu đồng). Như vậy, căn cứ vào giấy chốt nợ và sự thừa nhận của các bên thấy rằng việc ông S, bà P còn nợ bà T số tiền 960.000.000 đồng là chính xác.

Xét các nội dung kháng cáo của bị đơn:

- Về các vi phạm tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm tại Biên bản phiên tòa: Bị đơn cho rằng biên bản phiên tòa sơ thẩm sai sự thật, không thể hiện khách quan diễn biến phiên tòa, không có người làm chứng Trần Văn V tham gia phiên tòa mà vẫn ghi có ông V tham gia phiên tòa, không có sự việc ông là luật sư của bị đơn mà lại đồng ý đưa ông V tham gia phiên tòa như biên bản ghi nhận nhưng lại không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh cũng như không có bất kỳ ghi âm, ghi hình nào thể hiện cho ý kiến của bị đơn nên Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ xem xét.

- Về số tiền lãi đã trả: Ông S, bà P cho rằng quá trình vay tiền bà T, ông bà đã trả lãi cho bà T được 810.000.000đ (Tám trăm mười triệu đồng), căn cứ theo lãi suất Ngân hàng nhà nước là 9%/năm thì mức lãi suất ông bà phải trả cho bà T không vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tính theo đó thì ông bà đã trả dư cho bà T 658.800.000 đồng tiền lãi. Ông bà đề nghị cấn trừ số tiền này vào số tiền gốc còn phải trả cho bà T.

Xét quá trình giải quyết vụ án thấy rằng, tại Biên bản lấy lời khai đối chất ngày 22/11/2016 (bút lục 29,30) thì nguyên đơn bà Nguyễn Thị T đã trình bày “Phần lãi vay đối với khoản tiền gốc 450.000.000 đồng thì chúng tôi tính lãi 2.000 đồng/ngày/1.000.000 đồng. Đến tháng 4/2014 thì bà P, ông S không trả lãi cho tôi nữa”. Tại Biên bản hòa giải thành ngày 23/11/2016 (bút lục 35) bà Nguyễn Thị T trình bày “Khỏan vay 450.000.000 đồng hai bên cho nhau vay nhiều lần, từ trước năm 2011. Đến năm 2011 mới chốt lại thành 450.000.000 đồng. Lãi suất là 2.000 đồng/ngày/1.000.000 đồng. Ông S, bà P đã trả lãi theo đúng thỏa thuận đến tháng 4/2014 thì không trả nữa”. Như vậy, lời khai nhận của bà T phù hợp với lời khai của bà P, ông S và phù hợp với ý kiến và nội dung kháng cáo của bà P, ông S về việc từ ngày 10/9/2011 đến tháng 4 năm 2014, bà P, ông S đã trả lãi cho bà T đối với khoản nợ 450.000.000 đồng với mức lãi   suất là 2.000 đồng/ngày/1.000.000  đồng (6%/tháng). Việc Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét chứng cứ là sự thừa nhận của bà T mà lại lấy lời khai thay đổi sau đó để làm căn cứ giải quyết vụ án là không đánh giá chính xác chứng cứ trong vụ án. Như vậy, kháng cáo của bà P, ông S về tiền lãi là có căn cứ chấp nhận nên sửa bản án sơ thẩm, xem xét về tiền lãi bà P, ông S đã trả cho bà T, cụ thể như sau:

Các bên đương sự thừa nhận đã trả lãi từ 10/9/2011 đến tháng 4/2014. Như vậy thời gian trả lãi chưa tròn 31 tháng nên bà P tính là 30 tháng. Như vậy số tiền bà P, ông S đã trả cho bà T là: 450.000.000 đồng x 6%/tháng x 30 tháng = 810.000.000 đồng.

Do đây là trường hợp vay có lãi do các bên thỏa thuận nên lãi suất không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng (khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005). Theo quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 thì mức lãi suất cơ bản là 9%/năm nên tiền lãi theo quy định mà bà T được nhận là: 450.000.000 đồng x (9%/năm x 150%) x 30 tháng = 151.875.000 đồng

Tiền lãi bà P, ông S đã trả cho bà T vượt quá quy định: 810.000.000 đồng 151.875.000 đồng = 658.125.000 đồng

Trừ vào 960.000.000 đồng tiền gốc mà bà P, ông S phải trả cho bà T thì số tiền còn lại mà bà P, ông S còn phải trả cho bà T là 301.875.000đ (Ba trăm lẻ một triệu tám trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

- Về yêu cầu phản tố của bị đơn: Thấy rằng, như nhận định của cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy nội dung phản tố của bị đơn thực chất là ý kiến phản bác, không phải là yêu cầu phản tố và ý kiến này cũng đã được xem xét giải quyết trong vụ án ở cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay nên không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bị đơn. Việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn đã được Tòa án sơ thẩm tự nhận thấy là sai sót và tự rút kinh nghiệm.

- Về án phí sơ thẩm: Vụ án này được thụ lý trước ngày 01/01/2017 nhưng đến ngày 14/4/2017, Tòa án mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì án phí được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử thì ông S và bà P đều là người cao tuổi (đủ 60 tuổi trở lên), theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 thì ông S, bà P được miễn nộp tiền án phí nên Tòa án phải áp dụng quy định của Nghị quyết này. Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Pháp lệnh năm 2009 để quyết định án phí ông S, bà P phải chịu là không đúng, cần sửa bản án sơ thẩm về án phí.

Ngoài ra, cần sửa về áp dụng điều luật do Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng không đúng điều luật (Điều 25), thừa điều luật (các Điều 75, 85) của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và thiếu điều luật (Điều 357) của Bộ luật dân sự năm 2015. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015 là không đúng, phải áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết, cụ thể là áp dụng các điều 471, 474, 476 Bộ luật dân sự năm 2005. Đối với nghĩa vụ chậm trả, cấp sơ thẩm tuyên theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 là không đúng, cần áp dụng Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015 để tuyên.

[3] Về án phí: Do bà T thuộc trường hợp người cao tuổi nên được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận. Do sửa bản án sơ thẩm nên ông S, bà P không phải chịu án phí phúc thẩm.

[4] Đối với ý kiến bảo vệ của luật sư tại phiên tòa có một phần phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên xem xét. Đối với ý kiến đề nghị hủy bản án sơ thẩm thì không có căn cứ nên không chấp nhận.

[5] Đối với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai tại phiên tòa, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

Vì những lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Chấp nhận một phần kháng cáo của ông La Lầm S và bà Trần Thị P. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 04/2017/DS-ST ngày 14/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.Căn cứ vào các Điều 35, 39, 91, 92, 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ vào các Điều 471, 474, 476 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị T về Tranh chấp hợp đồng vay tài sản đối với ông La Lầm S và Bà Trần Thị P. Buộc ông La Lầm S và bà Trần Thị P có trách nhiệm liên đới trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền 301.875.000đ (Bằng chữ: Ba trăm lẻ một triệu, tám trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Bà T, ông S, bà P được miễn nộp án phí. Hoàn trả cho bà T số tiền tạm ứng án phí 20.550.000đ (Hai mươi triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng) đã nộp tại biên lai thu tiền số 003674 ngày 02/11/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M. Hoàn trả cho ông S, bà P số tiền tạm ứng án phí 15.176.000đ (Mười lăm triệu một trăm bảy mươi sáu nghìn đồng) đã nộp tại biên lai thu tiền số 003810 ngày 14/12/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện M.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông S, bà P không phải chịu án phí. Hoàn trả cho ông S, bà P tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai thu số 004010 ngày 28/4/2017 của Chi cục thi hành dân sự huyện M.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

675
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 154/2017/DS-PT ngày 29/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:154/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Nai
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:29/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về