Bản án 154/2017/DS-PT ngày 16/10/2017 về tranh chấp chia thừa kế tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 154/2017/DS-PT NGÀY 16/10/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ TÀI SẢN 

Trong ngày 16 tháng 10 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 106/2017/TLPT-DS ngày 31 tháng 8 năm 2017 về việc “Tranh chấp chia thừa kế tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 46/2017/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 188/2017/QĐPT-DS ngày 12/9/2017 và quyết định hoãn phiên tòa số 151/QĐPT-DS ngày 25-9-2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1- Ông Phạm Văn T, sinh năm 1946. (Có mặt) Địa chỉ: ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

1.2- Bà Phạm Thị N, sinh năm 1963. (Có mặt) Địa chỉ: ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn: Luật sư Trần Phước T, Luật sư của Văn phòng luật sư T, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng. (Có mặt) Địa chỉ: đường L, ấp X, thị trấn L, huyện L, tỉnh Sóc Trăng.

2. Bị đơn: Ông Phạm Văn K, sinh năm 1953. (Có mặt) Địa chỉ: ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Huỳnh Ánh T, Luật sư của Văn phòng Luật sư Huỳnh Ánh T, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng. (Có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1- Bà Trần Thị Kim L, sinh năm 1957. (Vắng mặt)
3.2- Bà Phạm Thị Kiều T, sinh năm 1980. (Vắng mặt)
3.3- Ông Phạm Trọng N, sinh năm 1992. (Có mặt)
3.4- Bà Ngô Thị Y, sinh năm 1940. (Vắng mặt)
3.5- Bà Phạm Thị Đ, sinh năm 1968. (Vắng mặt)
3.6- Ông Phạm Văn G, sinh năm 1972. (Vắng mặt)
3.7- Ông Phạm Văn T. (Vắng mặt)
3.8- Bà Phạm Thị T2. (Vắng mặt)
3.9- Ông Phạm Văn T1. (Vắng mặt)
Cùng địa chỉ: Ấp X, xã T, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
3.10- Ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1946. (Có mặt) Địa chỉ: ấp H, xã X, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
3.11- Ông Phạm Văn K1, sinh năm 1970. (Vắng mặt) Địa chỉ: đường M, phường A, quận N, TP. Cần Thơ.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị N và bị đơn ông Phạm Văn K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

* Nguyên đơn ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị N khởi kiện trình bày: Cha mẹ của ông bà là cụ Phạm Tấn D (sinh năm 1914, chết năm 2002) và cụ Võ Thị C (sinh năm 1920, chết năm 2000). Hai cụ có 08 người con chung là ông Phạm Văn T3 (sinh năm 1941, chết năm 1972 - Ông T3 có vợ là bà Ngô Thị Y và có 06 người con là bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn G, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị T2, ông Phạm Văn T1, ông Phạm Văn K1), bà Phạm Thị H (sinh năm 1943, chết năm 1947), bà Phạm Thị P (sinh năm 1945, chết năm 1947), ông Phạm Văn Đ, ông Phạm Văn T, ông Phạm Văn S (sinh năm 1952, chết năm 1966), ông Phạm Văn K và bà Phạm Thị N. Cụ D có để lại di chúc ngày 09/3/2002 chia phần đất vườn có diện tích 13.497m2 cho các con. Sau khi Cụ D chết thì ông Phạm Văn K quản lý toàn bộ phần di sản trên. Vụ việc phát sinh tranh chấp và được Tòa án nhân dân huyện K giải quyết bằng bản án. Ông K kháng cáo và Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử ngày 28/01/2005 với nội dung chấp nhận kháng cáo của Ông K, sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Hồng N về việc xin hưởng thừa kế tài sản theo di chúc, tuyên bố bản di chúc của ông Phạm Tấn D ngày 09/3/2002 là không hợp pháp.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông T và bà N trình bày thêm rằng sau khi cụ C chết thì Ông K thờ cúng, còn Cụ D chết thì ông T làm ma chay và thờ cúng cho đến nay.

Theo đơn khởi kiện thì bà N và ông T yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế theo pháp luật đối với tài sản mà Cụ D và cụ C để lại gồm: Thửa đất số 271, diện tích 11.997m2 và thửa 273, diện tích 1.500m2, tọa lạc ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng. Căn nhà trên đất và một số vật dụng trong nhà gồm: 01 chiếc ghe trọng tải 01 tấn, 80 cái ghế đẩu, 10 bàn tròn, 01 bàn dài, 06 cái ghế đai, 01 bộ salong, 01 tủ áo, 01 tủ ly, 01 bộ ly quăng, 03 bộ ngựa, 07 cái kiệu, 01 cái máy BS10.

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, các nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, các nguyên đơn chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất 271 và 273, yêu cầu nhận bằng giá trị quyền sử dụng đất, ngoài ra không có yêu cầu nào khác.

Ông Phạm Văn T yêu cầu nếu Hội đồng xét xử có dành kỷ phần dùng vào việc thờ cúng cụ C và Cụ D thì ông yêu cầu được nhận 50% kỷ phần này để thờ cúng Cụ D.

Bị đơn ông Phạm Văn T từ khi tòa án thụ lý, tống đạt niêm yết các văn bản tố tụng theo quy định của pháp luật, Ông K không có ý kiến và cũng không tham gia hòa giải, không dự phiên tòa sơ thẩm. Cho nên, không ghi nhận được ý kiến của Ông K.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà Trần Thị Kim L, bà Phạm Thị Kiều T, ông Phạm Trọng N, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị T2, ông Phạm Văn T1, ông Phạm Văn Đ. Từ khi thụ lý cho đến khi xét xử sơ thẩm không có ý kiến và cũng không tham gia tố tụng. Vì vậy không ghi nhận được ý kiến những người đã nêu.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà Ngô Thị Y, bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn G, ông Phạm Văn K1 đồng ý kiến không tranh chấp chia thừa kế.

Sự việc được Tòa án nhân dân huyện K thụ lý, giải quyết. Tại bản án sơ thẩm số 46/2017/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2017 đã quyết định như sau:

Áp dụng các Điều 26, 35, 147, 227, 228, 244, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Áp dụng các Điều 649, 650, 651, 652 Bộ luật dân sự 2015; Áp dụng Điều 167 Luật đất đai năm 2013;

Áp dụng điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Áp dụng Điều 26 của Luật thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi bổ sung năm 2014;

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị N và ông Phạm Văn T về việc yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế là thửa đất số 271, diện tích 11.997m2 và thửa 273, diện tích 1.500m2, tọa lạc Ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (nay là Ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng) do cụ Phạm Tấn D và cụ Võ Thị C chết để lại, theo Giấy chứng nhận QSD đất số B 652973 do UBND huyện K cấp ngày 26/5/1993.

Buộc ông Phạm Văn K chia thừa kế thửa đất 271, 273 như sau:

Bà Phạm Thị N được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn bằng giá trị quyền sử dụng đất là 92.980.000 đồng.

Ông Phạm Văn T được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn bằng giá trị quyền sử dụng đất là 92.980.000 đồng, và 50% kỷ phần dùng vào việc thờ cúng = 25m2 đất thổ cư và 1.099,75m2 đất vườn bằng giá trị quyền sử dụng đất là 46.490.000 đồng, tổng cộng 139.470.000 đồng.

Ông Phạm Văn Đ hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn.

Các con của ông Phạm Văn T3 gồm bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn G, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị T2, ông Phạm Văn T1, ông Phạm Văn Đ, ông Phạm Văn K1, hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn.

Ông Phạm Văn K hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn và 50% kỷ phần dùng vào việc thờ cúng cụ C là 25m2 đất thổ cư và 1.099,75m2 đất vườn, tổng cộng 75m2 đất thổ cư và 3.299,25m2 đất vườn.

Ông Phạm Văn K có nghĩa vụ trả giá trị quyền sử dụng đất được chia cho ông T 139.470.000 đồng, bà N 92.980.000 đồng. Ông Phạm Văn K được quyền sử dụng phần đất Ông K phải chia thừa kế cho bà N và ông T là 125m2 đất thổ cư và 5498,75m2 đất vườn.

Tạm giao phần đất mà ông Phạm Văn Đ được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn và phần đất mà các con của ông Phạm Văn T3 được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn cho ông Phạm Văn K quản lý sử dụng, Ông K không được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với 02 phần đất này.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án, án phí sơ thẩm, chi phí định giá tài sản và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 30-7-2017, nguyên đơn ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị N có các đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử sửa bản án sơ thẩm, chia lại di sản, xin nhận di sản bằng hiện vật. Với các lý do như sau:

+ Yêu cầu nhập 02 kỷ phần của ông Phạm Văn T3, ông Phạm Văn Đ vào di sản chung và chia thành 04 kỷ phần thừa kế, vì ông Đ, Ông T3 không nhận kỷ phần thừa kế của mình và không tham gia tố tụng.

+ Các kỷ phần thừa kế của các ông bà xin được nhận hiện vật bằng đất, không đồng ý nhận giá trị, do tại Tòa án cấp sơ thẩm Ông K không tham gia tố tụng, trong giai đoạn thi hành án sẽ không thi hành án được thì các ông bà sẽ không nhận được kỷ phần thừa kế.

+ Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đất tranh chấp, trên đất di sản có căn nhà ông T đang ở, ông T không có nơi ở nào khác, Tòa án cấp sơ thẩm chia kỷ phần thừa kế bằng giá trị là thiệt thòi cho ông T.

Ngày 18-8-2017, bị đơn ông Phạm Văn K có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử sửa bản án sơ thẩm, cho ông được 01 kỷ phần thừa kế vì có công gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị tài sản và ông xin được nhận 02 kỷ phần thừa kế của ông Phạm Văn Đ và các con ông Phạm Văn T3. Với các lý do như sau:

+ Tòa án cấp sơ thẩm dùng 01 kỷ phần thừa kế dùng vào việc thờ cúng và chia cho ông T và ông mỗi người được hưởng 50% (là 25m2 đất thổ cư và 1.099,75m2 đất vườn) trị giá là 46.490.000đ là chưa đảm bảo công bằng, vì ông có công sức đóng góp vào tài sản này rất lớn, do tài sản này một mình ông quản lý sử dụng từ trước cho đến nay, tôn tạo từ đất lúa lên đất vườn làm tăng giá trị sử dụng đất. Đồng thời ông chung sống với cha mẹ từ nhỏ nên trực tiếp chăm sóc cha mẹ, hiện ông cũng là người thờ cúng mẹ ông, chăm lo mồ mã ông bà.

+ Đối với 02 kỷ phần thừa kế của ông Đ và các con Ông T3 thì Tòa án sơ thẩm tạm giao ông quản lý, tuy nhiên ông Đ và các con Ông T3 đều đã nhượng quyền hưởng kỷ phần thừa kế này cho ông.

* Tại Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng như trong quá trình xét xử phúc thẩm vụ án thì bị đơn ông Phạm Văn K trình bày:
Cha mẹ của ông là cụ Phạm Tấn D (sinh năm 1914, chết năm 2002) và cụ Võ Thị C (sinh năm 1920, chết năm 2000) có 08 người con chung như các nguyên đơn trình bày. Sự việc tranh chấp theo yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn từ khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết ông có biết nhưng ông không tham gia, do năm 2005 ông T, bà N đã khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo di chúc rồi nhưng bị Tòa án tỉnh Sóc Trăng bác đơn khởi kiện nên ông nghĩ ông T, bà N không có quyền khởi kiện nữa nên ông không tham gia vụ án này. Tòa án cấp sơ thẩm có tiến hành đo đạc, xem xét, thẩm định tại chỗ đất nhưng ông phản đối không cho đo đạc, do trên đất có cây trái của ông trồng nếu đo đạc sẽ hư hại cây. Do ông sống chung với cha mẹ từ nhỏ và đất này do ông trực tiếp quản lý sử dụng nên cha mẹ ông đã nói để đất này lại cho ông. Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm thì đến ngày 8-8-2017 ông nhận được bản án sơ thẩm, không đồng ý với bản án sơ thẩm nên ông có kháng cáo xin nhận phần thừa kế của ông Đ và các con Ông T3 và xin nhận thêm một kỷ phần công sức quản lý di sản thờ cúng, ông không đồng ý chia hiện vật. Còn việc các nguyên đơn kháng cáo xin nhận hiện vật và yêu cầu đo đạc định giá tài sản là ông không đồng ý, do đất ông đã trồng cây trái nếu đo đạc sẽ làm hư hại cây trồng của ông.

* Trong quá trình xét xử phúc thẩm vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Văn Đ có văn bản nhượng quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật ngày 21-8-2017 trình bày:

Ông là người thừa kế hàng thứ nhất của cụ Phạm Tấn D (sinh năm 1914, chết năm 2002) và cụ Võ Thị C (sinh năm 1920, chết năm 2000). Cha mẹ ông có để lại di sản thừa kế là thửa đất số 271 và thửa đất số 273 tọa lạc ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng. Theo quy định pháp luật thì ông được hưởng một kỷ phần thừa kế của cha mẹ ông, nhưng đối với 02 thửa đất trên khi cha mẹ ông còn sống thì cũng do em trai ông là ông Phạm Văn K canh tác, quản lý, sử dụng và cha mẹ ông có nói sau này khi họ qua đời thì Ông K được thừa hưởng, do khi cha mẹ ông còn sống đã chia đất cho các con rồi. Do đó theo di nguyện của cha mẹ ông thì ông xin không nhận kỷ phần thừa kế mà ông được hưởng theo quy định của pháp luật và nhường kỷ phần thừa kế đó lại cho Ông K được toàn quyền sở hữu, định đoạt. Ông cũng cam đoan việc nhượng quyền hưởng di sản trên của ông là tự nguyên và hoàn toàn không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của ông với người thứ ba nào khác.

* Trong quá trình xét xử phúc thẩm vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn G, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị T2, ông Phạm Văn T1, ông Phạm Văn K1 có văn bản nhượng quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật ngày 21-8-2017 trình bày:

Cha các ông bà là ông Phạm Văn T3 là người thừa kế hàng thứ nhất của cụ Phạm Tấn D (sinh năm 1914, chết năm 2002) và cụ Võ Thị C (sinh năm 1920, chết năm 2000). Di sản mà ông bà nội các ông bà để lại là thửa đất số 271 và thửa đất số 273 tọa lạc ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng. Theo quy định của pháp luật thì cha các ông bà được hưởng một kỷ phần thừa kế, hiện nay thì các ông bà là những người được hưởng thừa kế thế vị kỷ phần thừa kế này theo quy định. Tuy nhiên các anh em ông bà thống nhất nhận kỷ phần thừa kế trên và nhường quyền hưởng kỷ phần thừa kế trên cho chú là ông Phạm Văn K toàn quyền sở hữu, định đoạt và canh tác sử dụng. Các ông bà cũng xin cam đoan việc nhượng quyền hưởng di sản trên là tự nguyên và hoàn toàn không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản với người thứ ba nào khác.

* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Kim L, bà Phạm Thị Kiều T, ông Phạm Trọng N từ khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý xét xử phúc thẩm vụ án thì Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho các ông bà theo quy định pháp luật nhưng các ông bà không tham gia tố tụng tại Tòa án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các nguyên đơn không rút lại đơn khởi kiện, các nguyên đơn rút lại một phần đơn kháng cáo về yêu cầu nhập 02 kỷ phần của ông Đ và các con của Ông T3 để chia; bị đơn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo, các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Luật sư bảo vệ các nguyên đơn trình bày và đề nghị: Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, tiến hành đo đạc lại để chia bằng hiện vật; chấp rút một phần đơn kháng cáo về yêu cầu nhập 02 kỷ phần của ông Đ và các con của Ông T3 để chia. Đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn.

Luật sư bảo vệ bị đơn trình bày và đề nghị: Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn được hưởng thêm 02 kỷ phần của ông Đ và của các con Ông T3 đã nhường quyền thừa kế cho Ông K; thêm 01 kỷ phần tôn tạo, bảo quản, quản lý di sản thừa kế; Đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo của các nguyên đơn.

Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng tham gia phiên tòa nhận xét trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân theo pháp luật tố tụng, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của pháp luật; Tuy nhiên, có một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa chấp hành theo giấy triệu tập của Tòa án và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị đơn Khởi, được hưởng 02 kỷ phần thừa kế của ông Đ, các con của Ông T3 đã nhượng quyền thừa kế cho Ông K; Đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan các ông bà Trần Thị Kim L, Phạm Thị Kiều T, Ngô Thị Y, Phạm Thị Đ, Phạm Văn G, Phạm Văn T, Phạm Thị T2, Phạm Văn T1, Phạm Văn K1 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ Khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt các đương sự trên.

[2] Về nội dung vụ án: Cụ Phạm Tấn D (chết năm 2002) và cụ Võ Thị C (chết năm 2000) có 08 người con chung là Ông T3 (chết năm 1972 - các con được thừa kế thế vị gồm bà Đ, bà T2, ông G, ông T, ông T1, ông K1), bà H (chết), bà P (chết ), ông Đ, ông T, ông S (chết), Ông K và bà N. Sinh thời hai cụ có tạo lập được tài sản chung là thửa đất số 271 (diện tích 11.997m2), thửa 273 (diện tích 1.500m2) tọa lạc ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng và 01 căn nhà cùng các tài sản trong nhà. Các nguyên đơn ông T, bà N yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản là thửa đất số 271 và thửa 273. Do tại Tòa án cấp sơ thẩm Ông K phản đối không đồng ý để Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nên căn cứ Quyết định số 35/2014/QĐ- UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng giá đất ở là 100.000 đồng/m2, đất cây hàng năm và cây lâu năm là 40.000 đồng/m2 và chia di sản ra 06 kỷ phần (mỗi kỷ phần là 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn bằng giá trị quyền sử dụng đất là 92.980.000 đồng) cho 05 người là bà N, ông T, ông Đ, Ông K, các con của Ông T3 và dành 01 kỷ phần thờ cúng cho ông T, Ông K. Không đồng ý với bản án sơ thẩm nên bà N, ông T và Ông K kháng cáo.

[3] Xét kháng cáo của các nguyên đơn bà N, ông T yêu cầu chia lại di sản thừa kế, các ông bà xin nhận di sản bằng hiện vật, nhận thấy:

[3.1] Hiện hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cụ Phạm Tấn D và cụ Võ Thị C gồm có 05 người là bà N, ông T, ông Đ, Ông K, Ông T3 (có các con Ông T3 thừa kế thế vị) và không có ai thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định chia di sản thành 06 kỷ phần cho mỗi người thừa kế 01 kỷ phần (trong đó có dành 01 kỷ phần thờ cúng) là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định tại Điều 609, Điều 651, Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015. Các nguyên đơn yêu cầu nhập 02 kỷ phần thừa kế của ông Đ và Ông T3 (có các con Ông T3 thừa kế thế vị) vào di sản chung. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay các nguyên đơn tự nguyện rút lại phần yêu cầu này, căn cứ vào khoản 3 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử chấp nhận. Đồng thời tại Tòa án cấp phúc thẩm, ông Phạm Văn Đ và những người được hưởng thừa kế thế vị của Ông T3 có văn bản nhượng quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, qua đó họ tự nguyện nhường kỷ phần thừa kế họ được nhận lại cho Ông K được toàn quyền sở hữu, định đoạt là có căn cứ theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm ghi nhận, giao cho Ông K được toàn quyền sở hữu, quản lý, sử dụng 02 kỷ phần thừa kế mà ông Đ và những người thừa kế thế vị của Ông T3 được hưởng là hoàn toàn tự nguyện và đúng theo quy định của pháp luật.

[3.2] Đối với thửa đất số 271 và thửa 273 trước giờ do Ông K sống cùng cha mẹ trông coi, quản lý, canh tác và hiện đã trồng các cây trồng trên đất nên việc phân chia hiện vật sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình Ông K. Trong khi đó hiện các nguyên đơn đều đã có chỗ ở và ruộng đất canh tác ổn định cuộc sống. Nên trường hợp này chia di sản cho ông T, bà N nhận giá trị quyền sử dụng đất là phù hợp, đảm bảo ổn định cuộc sống của gia đình Ông K cũng như đảm bảo quyền lợi của ông T, bà N. Đồng thời trong quá trình giải quyết sơ thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm, các nguyên đơn tự nguyện thay đổi yêu cầu khởi kiện là yêu cầu nhận di sản bằng giá trị quyền sử dụng đất, đây là ý chí tự nguyện của các nguyên đơn không có ai ép buộc và được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận chia cho các nguyên đơn kỷ phần thừa kế bằng giá trị quyền sử dụng đất là có cơ sở. Còn việc các nguyên đơn đưa ra lý do không thi hành án được thì các nguyên đơn cũng không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh, đến giai đoạn thi hành án khi các nguyên đơn có đơn yêu cầu thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), nên nội dung kháng cáo này của các nguyên đơn là không có căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[3.3] Về yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản, thì thấy rằng các đương sự đã thống nhất xác định di sản thừa kế là thửa đất số 271 (diện tích 11.997m2), thửa 273 (diện tích 1.500m2) tọa lạc ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện K cấp cho cụ Phạm Tấn D ngày 26/5/1993. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng áp dụng giá đất ở là 100.000 đồng/m2, đất cây hàng năm và cây lâu năm là 40.000 đồng/m2 là hoàn toàn phù hợp. Tại biên bản ghi lời khai của ông Phạm Văn K vào ngày 18/9/2017 và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông Phạm Văn K hoàn toàn không đồng ý cho tòa án cấp phúc thẩm xem xét thẩm định đo đạc lại phần đất chia thừa kế,

Ông K không hợp tác. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm không thể tiến hành đo đạc, thẩm định tại chổ được. Hơn nữa Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định ông T, bà N được nhận kỷ phần thừa kế bằng giá trị quyền sử dụng đất nên việc xem xét, thẩm định tại chỗ lại phần đất chia thừa kế là không cần thiết. Do đó nội dung kháng cáo này của các nguyên đơn bà N, ông T là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Xét kháng cáo của các bị đơn Ông K yêu cầu cho ông được nhận thêm 01 kỷ phần thừa kế vì ông có công gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị di sản và xin được nhận 02 kỷ phần thừa kế của ông Đ và các con Ông T3. Nhận thấy:

[4.1] Như đã phân tích ở mục

[3.1], ông Đ và những người thừa kế thế vị của Ông T3 có văn bản nhượng quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật cho Ông K nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm ghi nhận.

[4.2] Đối với yêu cầu xin nhận thêm 01 kỷ phần thừa kế, do ông có công sức gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị di sản. Xét thấy, Ông K sống cùng cha mẹ từ nhỏ, cùng gìn giữ, cải tạo đất nên ông có công tôn tạo di sản là có căn cứ. Bên cạnh đó ông cũng có công chăm nom phụng dưỡng cha mẹ già. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng đất thì bên cạnh việc tôn tạo đất ông cũng đã sử dụng đất và hưởng hoa lợi trên đất bấy lâu nay, nên ông yêu cầu được nhận thêm 01 kỷ phần thừa kế là không phù hợp. Kháng cáo của bị đơn Ông K đối với nội dung này là không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không đặt ra xem xét lại và có hiệu lực pháp luật.

[6] Qua những phân tích như đã nêu trên, sau khi đã thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, áp dụng Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa một phần bản án sơ thẩm.

[7] Xét đề nghị của Luật sư bảo vệ cho các nguyên đơn là không có cơ sở, đề nghị của Luật sư bảo vệ cho bị đơn là có cơ sở chấp nhận một phần, đề nghị của Kiểm sát viên là có cơ sở chấp nhận.

[8] Do bản án sơ thẩm bị sửa liên quan đến nội dung ghi nhận việc giao 02 kỷ phần thừa kế của ông Đ, các con Ông T3 cho Ông K nên người kháng cáo Ông K không phải chịu án phí phúc thẩm; người kháng cáo ông T, bà N không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Xác định lại án phí dân sự sơ thẩm của mỗi bên đương sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng trong khối di sản thừa kế theo hướng dẫn tại Nghị định 70-CP ngày 12 tháng 6 năm 1997 của Chính phủ quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 308, Khoản 2 Điều 148; Khoản 3 Điều 289 và Khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần rút kháng cáo của các nguyên đơn yêu cầu nhập 02 kỷ phần của ông Đ và các con của Ông T3.

2. Không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị N.

3. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Phạm Văn K.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 46/2017/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng như sau:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị N và ông Phạm Văn T về việc yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế là thửa đất số 271 , diện tích 11.997m2 và thửa 273, diện tích 1.500m2, tọa lạc ấp A, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (nay là ấp X, xã B, huyện K, tỉnh Sóc Trăng) do cụ Phạm Tấn D và cụ Võ Thị C chết để lại, theo Giấy chứng nhận QSD đất số B 652973 do UBND huyện Kcấp ngày 26/5/1993. Xác định và phân chia các kỷ phần thừa kế như sau:

+ Bà Phạm Thị N được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn bằng giá trị quyền sử dụng đất là 92.980.000 đồng.

+ Ông Phạm Văn T được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn bằng giá trị quyền sử dụng đất là 92.980.000 đồng và 50% kỷ phần dùng vào việc thờ cúng = 25m2 đất thổ cư và 1.099,75m2 đất vườn bằng giá trị quyền sử dụng đất là 46.490.000 đồng, tổng cộng 139.470.000 đồng

+ Ông Phạm Văn Đ hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn.

+ Các con của ông Phạm Văn T3 là bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn G, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị T2, ông Phạm Văn T1, ông Phạm Văn Đ, ông Phạm Văn K1 được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn.

+ Ông Phạm Văn K được hưởng 50m2 đất thổ cư và 2.199,5m2 đất vườn và 50% kỷ phần dùng vào việc thờ cúng cụ C là 25m2 đất thổ cư và 1.099,75m2 đất vườn, tổng cộng 75m2 đất thổ cư và 3.299,25m2 đất vườn.

Ghi nhận sự tự nguyện của ông Phạm Văn Đ và các con của ông Phạm Văn T3 (bà Phạm Thị Đ, ông Phạm Văn G, ông Phạm Văn T, bà Phạm Thị T2, ông Phạm Văn T1, ông Phạm Văn K1) về việc nhường quyền hưởng kỷ phần thừa kế cho ông Phạm Văn K. Giao cho ông Phạm Văn K được hưởng 100m2 đất thổ cư và 4.399m2 đất vườn phần 02 kỷ phần của ông Phạm Văn Đ và các con của ông Phạm Văn T3.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bà Phạm Thị N và ông Phạm Văn T có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng ông Phạm Văn K còn phải trả lãi cho bà Phạm Thị N, ông Phạm Văn T theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Phạm Thị N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 4.149.000 đồng, được khấu trừ 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí từ Biên lai thu tạm ứng án phí số 008363 ngày 12-7-2005 do Đội thi hành án huyện K (nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện K) đã thu. Bà N còn phải nộp 4.099.000 đồng tiền án phí.

Ông Phạm Văn T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 5.978.800 đồng, được khấu trừ 50.000 đồng tiền tạm ứng án phí từ Biên lai thu tạm ứng án phí số 008364 ngày 12-7-2005 do Đội thi hành án huyện K (nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện K) đã thu. Ông T còn phải nộp 5.928.800 đồng tiền án phí.

Phạm Văn K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 13.512.900 đồng.

3. Chi phí thẩm định và định giá tài sản là 2.250.000 đồng, bà N, ông T và Ông K mỗi người chịu 750.000 đồng. Do bà N đã nộp xong 2.250.000 đồng nên ông T và Ông K mỗi người phải trả cho bà N 750.000 đồng.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Bà Phạm Thị N, ông Phạm Văn T không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho bà N, ông T đã nộp mỗi người là 300.000 đồng theo các biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0007586 (bà N) và số 0007587 (ông T) cùng ngày 01-8-2017 do Chi cục Thi hành án dân sự huyện K phát hành.

Ông Phạm Văn K không phải chịu án phí phúc thẩm, Ông K được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0007622 ngày 18-8-2017 do Chi cục Thi hành án dân sự huyện K phát hành.

5. Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1018
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 154/2017/DS-PT ngày 16/10/2017 về tranh chấp chia thừa kế tài sản

Số hiệu:154/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:16/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về