TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 153/2018/DS-PT NGÀY 16/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 16 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 139/2018/ TLPT-DS ngày 22 tháng 10 năm 2018, về việc “ Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 54A/2018/DS-ST ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Toà án nhân dân thành phố Z, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 194/2018/QĐ-PT ngày 25 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Ngọc A, sinh năm 1992; Địa chỉ: Số 98/21A đường A, phường B, quận C, thành phố CT. Tạm trú: Số 580 đường X, phường Y, quận X, thành phố CT. (Có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nguyên đơn: Luật sư Lê Thị Ngọc Diễm, Văn phòng Luật sư Thanh Liêm, thuộc Đoàn Luật sư thành phố CT. Địa chỉ: Số 580 đường X, phường Y, quận X, thành phố CT.
2. Bị đơn: Bà Trần Huỳnh B, sinh năm 1995; Địa chỉ: Số 55 đường Phạm Ngũ Lão, Khóm 3, Phường 1, thành phố Z, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Trần Việt Hưng, sinh năm 1966; Địa chỉ: LK 02-41 đường C3, Khu dân cư Minh Châu, Khóm 1, Phường 7, thành phố Z, tỉnh Sóc Trăng; Theo Giấy ủy quyền ngày 23-5-2018. (có mặt)
3. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị Ngọc A là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 07-3-2018, trong quá trình giải quyết vụ án ông Trịnh Hoàng Kiên là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Do có sự quen biết, trao đổi qua lại nên chị A đã đồng ý lấy sản phẩm là mỹ phẩm gồm: Thảo dược xông mặt (dạng đóng gói) và mặt nạ collagen (dạng bột đóng gói) từ bà Trần Huỳnh B để bán lại với số lần nhận hàng cụ thể như sau:
- Ngày 26-9-2017: 200 hộp xông mặt thảo mộc;
- Ngày 20-10-2017: 100 hộp xông mặt thảo mộc và 800 gói mặt nạ collagen;
- Ngày 22-10-2017: 1000 hộp xông mặt thảo mộc;
- Ngày 20-11-2017: 1200 hộp xông mặt thảo mộc và 200 gói mặt nạ collagen.
Tổng cộng:
- 2500 hộp xông mặt thảo mộc x 32.000 đồng = 80.000.000 đồng.
- 1000 gói mặt nạ collagen x 14.000 đồng = 14.000.000 đồng.
Tổng số tiền là 94.000.000 đồng, toàn bộ số tiền này chị A đã thanh toán xong cho chị B.
Khi trao đổi mua bán, chị B có cam kết với chị A về chất lượng hành hóa, thời hạn sử dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi lấy hàng về được khoảng 10 ngày thì chị A phát hiện tất cả các sản phẩm mà chị B bán bị lỗi, hư hỏng. Cụ thể, là các hộp xông mặt thảo mộc xuất hiện nhiều côn trùng, chúng đẻ trứng, bò đi bò lại bên trong; các gói mặt nạ collagen thì bột vón cục lại, đổi màu và chị A không thể bán đi được.
Hiện tại số hàng bị hư hỏng mà chị A đã mua của chị B còn lại gồm:
- 600 gói mặt nạ Collagen x 14.000 đồng = 8.400.000 đồng;
- 2450 hộp xông mặt thảo mộc x 32.000 đồng = 78.400.000 đồng. Tổng số tiền sản phẩm hư còn tồn lại là 86.800.000 đồng.
Chị A đã liên hệ rất nhiều lần, yêu cầu chị B phải thu hồi lại số hàng bị lỗi, hư hỏng đã bán cho chị A và hoàn lại số tiền của sản phẩm bị hư hỏng cho chị A. Lúc đầu chị B đồng ý đổi từng đợt nếu chị A phát hiện sản phầm bị lỗi và chị B đồng ý chịu tiền phí vận chuyển. Tuy nhiên, đến cuối tháng 12-2017 bà B không thu hồi lại sản phầm bị hỏng mà còn nói ngang, thiếu trách nhiệm, coi thường pháp luật và quy tắc đạo đức trong kinh doanh.
Nay chị A yêu cầu Tòa án giải quyết:
Buộc chị Trần Huỳnh B có trách nhiệm thu hồi lại toàn bộ số hàng bị lỗi, bị hư hỏng đã bán cho chị A mà hiện tại chị A đang giữ, hoàn trả lại cho chị A số tiền hàng bị hư hỏng cần được thu hồi là 86.800.000 đồng.
Đồng thời, yêu cầu buộc chị B phải thanh toán phần lãi chậm trả 0,8%/tháng tính từ ngày 01-01-2018 đến ngày 30-8-2018, cụ thể: 0,8% x 86.800.000 đồng x 08 tháng = 5.555.200 đồng và tiếp tục tính lãi suất chậm trả cho đến khi chị B thanh toán xong.
Tại đơn tường trình ngày 06-4-2018 và tại phiên hòa giải ngày 09-5-2018 trong quá trình giải quyết vụ án chị Trần Huỳnh B là bị đơn trình bày:
Chị là người bán hàng online các mặt hàng thảo mộc xông mặt và mặt nạ Collagen. Trong thời gian bán hàng chị Nguyễn Thị Ngọc A thấy hàng của chị và có như cầu mua hàng này để bán lại lấy tiền lời. Chị với chị A trao đổi qua mạng và chị A yêu cầu chị nhập hàng về bán cho chị A số lượng hàng như đơn khởi kiện là đúng. Nhưng trước khi nhập hàng chị cùng chị A chỉ trao đổi qua lại trên mạng, không có hợp đồng cụ thể và chị cũng có nói rõ chị không phải là nhà phân phối, mà chỉ nhập hàng về bán lẽ thôi nên sản phẩm của chị sẽ không thu hồi, đổi trả và bà A đã đồng ý.
Khi chị A yêu cầu nhập với số lượng lớn từng mặt hàng Thảo mộc xông mặt và mặt nạ Collagen, vì là số lượng lớn nên chị có nói “chị có chắc chắn bán nổi không? Cho chị suy nghĩ lại đó vì mặt hàng này khó bảo quản nên chị suy nghĩ kỹ đi. Chị có nói với chị A rằng một số bạn đã giảm lại số lượng nhập hàng do thấy sẽ khó bán trên thị trường và khó bảo quản”. Nhưng bà A vẫn cương quyết và khẳng định là sẽ bán được nên chị mới nhập hàng về giao cho chị A.
Trong thời gian mua bán, kể từ ngày nhập hàng về cho đến ngày 22-12- 2017 vào lúc 21 giờ 20 chị A nhắn tin qua Facebook cho chị là hàng có mọt xông với số lượng ít. Sau đó, chị nhắn lại là chị kiểm số lượng hàng hư gửi về cho tôi, tôi chịu tất cả phí chuyển hàng. Chị A cũng đã đồng ý nhưng do mặt hàng xông mặt không chạy trên thị trường nên chị A và một số bạn đã tạo ra nhóm thông đồng với nhau “không gửi hàng cho tôi đổi và cố tình để cho sản phẩm hư nặng nề nhằm mục đích trả hàng cho tôi và lấy tiền lại”.
Đối với yêu cầu khởi kiện của chị A thì chị không đồng ý vì chị chỉ là người bán hàng online, không phải nhà phân phối, việc mua bán là mua đứt bán đoạn, hai bên chỉ trao đổi trên mạng và đồng ý mua bán, việc mua bán không có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm nên chị không chấp nhận trả tiền lấy hàng hóa hư được. Hơn nữa đã bán đến cuối tháng 12 mới báo là hàng có xuất hiện côn trùng.
Đối với yêu cầu tính lãi trả chậm chị cũng không đồng ý, vì đây không phải là việc vay mượn tiền không trả, nên không có việc trả lãi.
- Sự việc được Tòa án nhân dân thành phố Z thụ lý, giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 54A/2018/DS-ST ngày 13 tháng 9 năm 2018 đã quyết định:
“Căn cứ vào Khoản 3 Điều 26; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39; Điều 147; Khoản 2 Điều 228; Điều 271; Khoản 1 Điều 273; Điều 278 và Khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 119; Khoản 1, 3 Điều 432; Điều 447 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ vào Khoản 1, 3 Điều 26 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Ngọc A, yêu cầu bà chị Trần Huỳnh B có trách nhiệm thu hồi lại toàn bộ số hàng bị lỗi, bị hư hỏng đã bán cho chị A mà hiện tại chị A đang giữ, hoàn trả lại cho chị A số tiền hàng bị hư hỏng cần được thu hồi là 86.800.000 đồng và chị B phải thanh toán phần lãi chậm trả 0,8%-tháng tính từ ngày 01-01-2018 đến ngày 30- 8-2018, cụ thể: 0,8% x 86.800.000 đồng x 08 tháng = 5.555.200 đồng. Tổng cộng 92.355.200 đồng và tiếp tục tính lãi suất chậm trả cho đến khi chị B hoàn thành nghĩa vụ theo yêu cầu của chị A;”
- Ngày 18-6-2018, bà Nguyễn Thị Ngọc A kháng cáo và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà về việc yêu cầu bà chị Trần Huỳnh B có trách nhiệm thu hồi lại toàn bộ số hàng bị lỗi, bị hư hỏng đã bán cho chị A mà hiện tại chị A đang giữ, hoàn trả lại cho chị A số tiền hàng bị hư hỏng cần được thu hồi là 86.800.000 đồng và chị B phải thanh toán phần lãi chậm trả 0,8%/tháng tính từ ngày 01-01-2018 đến ngày 30-8-2018, cụ thể: 0,8% x 86.800.000 đồng x 08 tháng = 5.555.200 đồng và tiếp tục tính lãi suất chậm trả cho đến khi chị B hoàn thành nghĩa vụ theo yêu cầu của bà.
- Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn Nguyễn Thị Ngọc A không rút đơn khởi kiện và vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
- Vị Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn và sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án; Thẩm phán đã thực hiện đúng quy định pháp luật tố tụng, đảm bảo thời hạn chuẩn bị xét xử, gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát đảm bảo đúng quy định; Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án đã thực hiện đúng quy định về phiên tòa phúc thẩm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự và xét xử công khai, đúng thời gian, địa điểm; Đối với bị đơn đã có ủy quyền cho người đại diện có mặt và chấp hành đúng quy định pháp luật. Về kháng cáo của bà Nguyễn Thị Ngọc A: Nhận thấy, nội dung kháng cáo là không có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận và áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Đối với trình tự, thủ tục kháng cáo của bà Nguyễn Thị Ngọc A: Xét thấy, việc kháng cáo của nguyên đơn là còn trong thời hạn, bà Nguyễn Thị Ngọc A đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án theo đúng thời hạn được quy định nên Hội đồng xét xử sẽ tiến hành xem xét nội dung, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn theo quy định chung.
[2] Đối với nội dung kháng cáo của bà Nguyễn Thị Ngọc A, Hội đồng xét xử nhận thấy: Các bên có xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa thông qua phương tiện điện tử là mạng xã hội Facebook và Zalo, chất lượng sản phẩm là nội dung quyết định đến việc giao nhận hàng cũng như thanh toán giữa các bên. Tuy nhiên, sản phẩm mỹ phẩm mà các bên mua bán là loại hàng không có ghi thành phần, hướng dẫn sử dụng, chống chỉ định; Không ghi xuất xứ hàng hóa, tên địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa vv.. . Các bên đương sự không cung cấp được giấy tờ chứng minh tiêu chuẩn về chất lượng của hàng hóa được công bố như quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25-01-2011 của Bộ Y tế về về quản lý mỹ phẩm. Lẽ ra, khi mua các sản phẩm nêu trên bà A có quyền yêu cầu bên bán xuất trình nhưng không yêu cầu hay khiếu nại về việc không có các loại giấy tờ này mà vẫn nhận hàng, xem như chấp nhận việc mua hàng, kèm theo đó là rủi ro khi giao kết hợp đồng như quy định tại điều 441 của Bộ luật Dân sự 2015. Bên cạnh đó, tại Khoản 1, 3 Điều 432 của Bộ luật Dân sự quy định về chất lượng của tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán do các bên thỏa thuận; bà A biết hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không giấy tờ chứng minh tiêu chuẩn chất lượng, nhưng vẫn đồng ý mua để bán, đến ngày 22-12-2017 bà A phát hiện sản phẩm bị lỗi thông qua khách hàng phản ảnh và kiểm tra các sản phẩm còn lại tại phòng của bà A là chưa đủ căn cứ để yêu cầu phía bị đơn phải hoàn trả tiền như khởi kiện. Hơn nữa, bị đơn cũng không đồng ý bồi thường số hang hóa mà nguyên đơn cho rằng hư hỏng; Tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài Tờ tường trình, các cảnh chụp màn
hình nhắn tin qua lại với bị đơn thì nguyên đơn cũng không cung cấp được chứng cứ gì mới để cho rằng phía bị đơn vi phạm hợp đồng dẫn đến hàng hóa đã nhận bị hư hỏng không sử dụng được. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu kháng cáo của bà A là không có căn cứ chấp nhận.
[3] Lời đề nghị của vị Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là không có căn cứ, Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[4] Xét phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên có căn cứ, Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Do kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận, nên bà Nguyễn Thị Ngọc A phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308; khoản 1 Điều 148; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[1] Không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Ngọc A.
[2] Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 54A/2018/DS-ST ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Toà án nhân dân thành phố Z, tỉnh Sóc Trăng, như sau:
“Căn cứ vào Khoản 3 Điều 26; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39; Điều 147; Khoản 2 Điều 228; Điều 271; Khoản 1 Điều 273; Điều 278 và Khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 119; Khoản 1, 3 Điều 432; Điều 447 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ vào Khoản 1, 3 Điều 26 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Ngọc A, yêu cầu bà chị Trần Huỳnh B có trách nhiệm thu hồi lại toàn bộ số hàng bị lỗi, bị hư hỏng đã bán cho chị A mà hiện tại chị A đang giữ, hoàn trả lại cho chị A số tiền hàng bị hư hỏng cần được thu hồi là 86.800.000 đồng và chị B phải thanh toán phần lãi chậm trả 0,8%/tháng tính từ ngày 01-01-2018 đến ngày 30-8-2018, cụ thể: 0,8% x 86.800.000 đồng x 08 tháng = 5.555.200 đồng. Tổng cộng 92.355.200 đồng và tiếp tục tính lãi suất chậm trả cho đến khi chị B hoàn thành nghĩa vụ theo yêu cầu của chị A;
2. Về án phí: Chị Nguyễn Thị Ngọc A phải nộp 4.617.760 đồng án phí dân sự sơ thẩm, khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.204.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000278 ngày 13-3-2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự thành phố Z, tỉnh Sóc Trăng. Nên chị Nguyễn Thị A còn phải nộp 2.413.760 đồng án phí dân sự”
[3] Án phí phúc thẩm dân sự: Bà Nguyễn Thị Ngọc A phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Được khấu trừ số tiền 300.000đ bà A đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, theo biên lai thu số 0004659 ngày 08-10-2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Z. Như vậy, bà A đã nộp xong.
[4] Quyền và nghĩa vụ thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và Điều 9 của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
[5] Hiệu lực Bản án phúc thẩm: Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 153/2018/DS-PT ngày 16/11/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 153/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 16/11/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về