TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 153/2017/DS-PT NGÀY 10/10/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM
Trong ngày 09 và ngày 10 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 101/2017/TLPT-DS, ngày 22 tháng 8 năm 2017, về việc: “Tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 23/2017/DS-ST, ngày 10/7/2017 của Tòa án nhân dân huyện T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 177/2017/QĐ-PT, ngày 31 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Thạch Thị N (Mỹ N), sinh năm 1982; Địa chỉ: ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Duy S, sinh năm 1981; Địa chỉ: ấp T, thị trấn C, huyện V, tỉnh Bạc Liêu (có mặt).
2. Bị đơn: Ông Danh S1, sinh năm 1969; Địa chỉ: ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Dương Phấn K, sinh năm 1990; Địa chỉ: đường Dương Minh Q, khóm T, phường B, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Danh Thị T (vắng mặt).
3.2. Ông Danh T1 (vắng mặt);
3.3. Ông Thạch Ư (có mặt);
3.4. Bà Thị L1 (vắng mặt);
3.5. Ông Lâm H1 (vắng mặt);
3.6. Bà Dương Thị Hồng L (vắng mặt);
3.7. Bà Thị L2 (vắng mặt);
3.8. Ông Lâm H2 (vắng mặt);
3.9. Bà Thị D (vắng mặt);
3.10 Ông Thạch Huỳnh N (vắng mặt);
3.11. Ông Danh P1 (có mặt);
3.12. Bà Lâm Thị E (vắng mặt);
3.13. Ông Danh H (vắng mặt);
3.14. Bà Dương Thị Sà V (vắng mặt);
3.15. Ông Trần Văn L (vắng mặt);
3.16. Bà Danh Thị Vol Na R (vắng mặt);
3.17. Ông Từ K (vắng mặt);
3.18. Bà Lý Thị Chành T (vắng mặt);
3.19. Bà Sơn Thị C (vắng mặt)
3.20. Ông Lâm D (có mặt);
3.21. Bà Lâm Thị P (vắng mặt);
3.22. Bà Kim Thị Sô Ry G (vắng mặt);
3.23. Ông Danh Si N (vắng mặt);
3.24. Ông Lâm Thành T (có mặt);
3.25. Bà Nguyễn Thị C (vắng mặt);3.26. Ông Danh D (có mặt);
3.27. Bà Danh Thị Thu S (vắng mặt);
3.28. Ông Lý Xiêu P (có mặt);
3.29. Bà Thạch Thị B (vắng mặt);
3.30. Ông Thạch C (vắng mặt);
3.31. Bà Thạch Thị Thúy H (vắng mặt). Cùng địa chỉ: ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng.
3.32. Ông Danh S2 (vắng mặt);
3.33. Bà Danh Thị V (có mặt);
3.34. Bà Sơn Thị S (vắng mặt);
3.35. Ông Danh T2 (vắng mặt);
3.36. Ông Cao Văn D (vắng mặt);
3.37. Bà Thạch Thị Q (vắng mặt);
3.38. Bà Kim Thị S (vắng mặt);
3.39. Ông Danh K (vắng mặt);
3.40. Ông Danh P2 (có mặt);
3.41. Bà Mai Thanh L (vắng mặt);
3.42. Ông Danh R (vắng mặt);
Cùng địa chỉ: ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng.
3.43. Ông Thạch H (vắng mặt);
3.44. Bà Danh Thị L1 (vắng mặt);
Địa chỉ: ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng.
3.45. Ông Danh C (vắng mặt)
3.46. Bà Danh Thị L2 (vắng mặt).
Cùng địa chỉ: ấp A, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng.
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Thạch Thị N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nội dung vụ án như sau: Theo đơn khởi kiện 21/2/2016, quá trình giải quyết và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của nguyên đơn Thạch Thị N; ông Nguyễn Duy S trình bày như sau:
Vào ngày 25/01/2016, ông Danh S1 có ký hợp đồng với Đại lý Mỹ N bán loại lúa RVT trên diện tích đất là 158 công tầm cấy với sản lượng tạm tính là 158 tấn (158.000 kg), giá 5.200 đồng/1kg. Trước khi thu hoạch lúa, ngày 28/02/2016 ông S1 có báo trước cho bà N để thỏa thuận giá thu mua và thực hiện hợp đồng, nhưng buổi họp ngày 29/02/2016 các bên không thống nhất được giá bán lúa, nguyên nhân do phía bà N đưa ra giá là 6.200 đồng, còn bên ông S1 đưa giá là 6.300 đồng/kg. Sau khi kết thúc phiên họp, tối cùng ngày bà N có cho nhân viên điện thoại báo cho ông Danh S1 đồng ý mua lúa RVT của ông S1 với giá 5.750 đồng/kg lúa (giá thị trường là 6.300đồng/kg lúa), ông S1 không đồng ý nên nguyên đơn có điện thoại cho ông Lý Hòa S là chủ tịch xã T, người xác nhận hợp đồng tham gia giải quyết. Lúa được thu hoạch làm 02 lần, lần đầu là ngày 07/3/2016 và lần hai ngày 08/3/2016, ông Danh S1 không thực hiện hợp đồng cụ thể là vi phạm thời hạn báo trước “ít nhất là 05 ngày trước ngày thu hoạch” và không bán Lúa cho nguyên đơn như đã cam kết là vi phạm Điều 2, Điều 4 Hợp đồng ngày 25/01/2016. Theo Điều 4 quy định “nếu bên bán không bán Lúa như đã cam kết thì bên bán phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên mua 5.000 đồng/1kg” nên nguyên đơn có đơn khởi kiện yêu cầu buộc ông Danh S1 bồi thường tiền vi phạm hợp đồng được tính là 158.000 kg x 5.000 đồng/kg thành tiền buộc bồi thường là 790.000.000 đồng. Tuy nhiên, đây là sản lượng dự đoán trước nên tại Tòa nguyên đơn có thay đổi yêu cầu là buộc bị đơn S1 phải bồi thường trên sản lượng lúa RVT thực tế thu hoạch của diện tích đất đã nhận đầu tư sản suất là 136.675 kg, thành tiền là 683.375.000 đồng và đồng ý giảm 20% trên số tiền yêu cầu, phần còn lại yêu cầu ông S1 phải bồi thường là 546.700.000 đồng. Đối với tiền lúa giống và 50.000.000 đồng, ông S1 đã thanh toán xong.
Quá trình giải quyết, tại phiên tòa bị đơn Danh S1 và người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của bị đơn, ông Dương Phấn K trình bày như sau:
Ông S1 thừa nhận có ký hợp đồng ngày 25/01/2016 với Mỹ N về bao tiêu lúa RVT, nhưng việc ký kết hợp đồng là đại diện cho 22 hộ trong Tổ hợp tác tự phát do ông S1 đứng đầu, tính luôn hộ ông S1 là 23 hộ. Về yêu cầu đòi bồi thường vi phạm hợp đồng bà N đặt ra, ông S1 không đồng ý với lý do là bị đơn đã thực hiện đúng thỏa thuận hợp đồng. Chính xác là vào ngày 28/02/2016, ông S1 đã báo trước thời gian thu hoạch cho bà N theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng ký kết ngày
25/01/2016 và sau khi thông báo 02 bên thương lượng tiến hành thỏa thuận họp vào ngày 29/02/2016, tại cuộc họp bên tổ hợp tác có ông S1 và 22 hộ dân cùng với bà N thương lượng mức giá lúa RVT trên thị trường để chốt giá thu mua của bên A (Mỹ N) đối với sản lượng lúa do bên B (tổ hợp tác của bị đơn Danh S1) sản xuất. Tại thời điểm mở phiên họp thị trường giá lúa là 6.300 đồng/kg lúa tươi nên căn cứ Điều 4 Hợp đồng ngày 25/01/2016 “Nếu giá lúa thị trường cao hơn 5.200 đồng/kg từ 100 đồng thì mức chênh lệch được chia đôi” thì giá nguyên đơn mua sản lượng lúa của bên bị đơn phải là 5.750 đồng (5200 đồng/kg + 550 đồng/kg). Tuy nhiên, tại phiên họp ngày 29/02/2016, bà N chỉ đồng ý thu mua với giá 5.700 đ/kg, bị đơn và các thành viên trong tổ hợp tác yêu cầu bà N định giá thu mua là 5.750 đồng/kg trên cơ sở giá thị trường 6.300 đồng/kg lúa nhưng bà N không đồng ý và nói “bán ai được thì bán”.
Tại phiên họp hai bên thương lượng tiến hành họp lại vào ngày 01/3/2016, đến ngày họp khi các hộ dân tập trung tại nhà ông S1 chờ đợi nhưng không thấy bà N đến. Do đó, bị đơn đã thực hiện đúng nghĩa vụ báo trước nhưng hai bên không thỏa thuận được giá lúa, bà N không thu mua sản lượng lúa thỏa thuận bao tiêu nên các thành viên trong tổ hợp tác của bị đơn tìm thương lái là bà Lê Thị H bán ra với giá 6.400 đồng/kg.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị T trình bày như sau: Bà là một trong những hộ nằm trong Tổ hợp tác của ông Danh S1 và khi ông S1 ký hợp đồng bán lúa cho bà N là đại diện cho tổ, mọi trách nhiệm là của Tổ phải chịu. Ngày 29/02/2016, bà có tham gia họp của Tổ với Mỹ N nhưng trong lúc họp bên Mỹ N đưa ra giá 6.200 đồng/kg còn bên Tổ hợp tác đưa giá là 6.300 đồng/kg, bà N không đồng ý giá lúa 6.300 đồng/kg để chia đôi chênh lệch thành 5.750 đồng/kg. Có hẹn hôm sau họp tiếp nhưng khi bà và mọi người đến nhà ông S1 đợi không thấy bà N đến và lúc họp trước đó bà N có nói “không chịu, bán cho ai thì bán” nên bà không đồng ý tiếp tục bán cho bà N, tìm người mua khác là Lê Thị H bán vào ngày 05/3/2016 với giá 6.400 đ/kg số lúa cắt của 03 công tầm cấy tham gia tổ hợp tác là 2.400 kg.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh T1 vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Việc ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi với bà N là thay mặt cho 22 hộ dân ký kết, không lập bằng văn bản nhưng ông thống nhất để ông S1 làm đại diện ký kết hợp đồng. Các hộ có ký tên vào danh sách nhận lúa giống và tiền đầu tư trước của bà N, từ khi ký hợp đồng ông luôn thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, khi đến thu hoạch thì bà N không đồng ý mua theo giá thị trường và bà chỉ đưa ra giá 6.200 đồng/kg, trong khi đó giá thị trường là 6.400 đồng/kg nên ông không thống nhất và bán lúa ra bên ngoài.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thạch Ư vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tôi có làm tờ tường trình với nội dung có tham gia tổ hợp tác của ông S1 là 04 công, sản lượng thu hoạch là 3.500kg nhưng không có ủy quyền hoặc nhờ ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa với bà N. Thời gian cắt lúa tôi không nhớ chính xác là khoảng ngày 06 hoặc 07/3 gì đó và sau khi cắt quyết định bán lúa cho người khác, ông S1 không có ý kiến còn người mua lúa thì ở Tiền Giang. Trường hợp có trách nhiệm bồi thường hợp đồng xảy ra thì tôi đồng ý, ông S1 không được hưởng lợi từ việc này nên buộc ông S1 bồi thường thì không đúng, trách nhiệm bồi thường là của các hộ dân.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Thị L1 vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi với bà N là thay mặt cho 22 hộ dân ký kết, bà đều thống nhất để ông S1 làm đại diện ký kết hợp đồng và các hộ có ký tên vào danh sách nhận lúa giống, tiền đầu tư trước của bà N. Đến thu hoạch thì bà N không đồng ý mua theo giá thị trường mà chỉ đưa ra giá 6.200 đồng/kg, trong khi đó giá thị trường là 6.400 đồng nên bà không thống nhất và bán lúa ra bên ngoài.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lâm H1 trình bày như sau: Hộ ông có tham gia tổ hợp tác của ông Danh S1 07 công đất nhận giống làm lúa RVT là 07 công và khi thu hoạch được 5.950 kg. Việc nhận lúa giống là do ông biết việc ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi với bà N và đồng ý với việc đó, giữa ông và ông S1 không lập bằng văn bản nhưng có ký tên vào danh sách nhận lúa giống và tiền đầu tư trước của bà N. Gần đến ngày thu hoạch, tổ có mở cuộc họp có bà N để thỏa thuận giá và bà N đưa ra giá 6.200 đồng, còn bên tổ đưa giá 6.300 đồng tính chênh lệch là hơn thua 50 đồng/kg. Hai bên không thỏa thuận được, bà N có nói hôm sau họp lại nhưng ông đến nhà ông S1 đợi không thấy bà N, không thống nhất và bán lúa ra bên ngoài giá 6.400 đồng/kg. Ông tham gia tổ hợp tác, đồng ý ông S1 là tổ trưởng ký hợp đồng với bà N nên có trách nhiệm, đồng ý chịu nhưng phần yêu cầu của bà N, ông không đồng ý do không có làm sai.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị Hồng L vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi với bà N là thay mặt cho 22 hộ dân ký kết và bà thống nhất để ông S làm đại diện, các hộ có ký tên vào danh sách nhận lúa giống và tiền đầu tư trước của bà N. Bà luôn thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng đến thu hoạch thì bà N không đồng ý mua theo giá thị trường và đưa ra giá 6.200 đồng nên bà không thống nhất và bán lúa ra bên ngoài.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Thị L2 trình bày như sau: Hộ của bà tham gia Tổ hợp tác của ông Danh S1 02 công, cắt lúa thu hoạch được 1.600kg. Phần ông S1 ký hợp đồng bán lúa cho bà N thì bà được biết, ông S1 ký cho Tổ nếu có vi phạm đồng ý chịu trách nhiệm bồi thường chung. Còn Mỹ N, khi họp đưa ra giá 6.200 đồng/kg còn bên bà đưa giá là 6.300 đồng/kg, bà N không đồng ý và ngày hôm sau bà N cũng không đến họp nên bà không đồng ý tiếp tục và bán ra ngoài.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lâm H2 vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Vợ ông có nói tham gia tổ hợp tác 02 công đất, làm và cắt lúa được 1.600 kg. Việc cam kết bán lúa cho bà N, ông không biết do vợ đi họp và ông nghe nói không thỏa thuận được giá nên không bán cho bà N, tranh chấp của bà N ông không rõ nên không có ý kiến và cho vợ là Thị L2 quyết định.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Thị D vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tôi có làm tường trình gửi Tòa án nhưng qua lâu quá không nhớ nội dung chính xác. Phần đất tham gia tổ hợp tác ông S1 là 05 công và thu hoạch được 950kg/công. Đối với việc ủy quyền hay nhờ ông S1 đi ký hợp đồng bao tiêu lúa với bà N là không có, còn họp ngày 29/2/2016 tôi không tham gia nhưng khi quyết định bán lúa cho người khác, ông S1 không có ý kiến gì còn việc người mua lúa của tôi thì tôi không nhớ vì họ là người mua dạo. Tôi không đồng ý bồi thường vì do bà N không chịu thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu là chia đôi giá chênh lệch.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thạch Huỳnh N vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Ông S1 ký hợp đồng bao tiêu Lúa tươi với bà N là thay mặt cho 22 hộ dân ký kết, ông thống nhất và có ký tên vào danh sách nhận Lúa giống, tiền đầu tư trước của bà N. Tuy nhiên khi đến thu hoạch thì bà N không đồng ý mua theo giá thị trường nên ông không thống nhất và bán lúa ra bên ngoài.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh P1 và bà Lâm Thị E vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tôi có làm tường trình gửi Tòa án nhưng nội dung thì tôi không nhớ rõ. Nay tôi xác định lại sự việc sau: Tôi và vợ có tham gia tổ hợp tác ông S1 diện tích là 04 công, thu hoạch được là 3.200kg. Đối với việc ủy quyền hay nhờ ông S1 đi ký hợp đồng bao tiêu lúa với bà N là không có và không đồng ý bồi thường vì chúng tôi không có ký hợp đồng với bà N. Nếu bà N đồng ý mua với giá 6.300đ/kg thì chúng tôi đã đồng ý bán.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh H trình bày như sau: Ông có tham gia tổ hợp tác của ông Danh S1 là 2,5 công tầm cấy trồng lúa RVT; có nhận giống và tiền ban đầu để làm ruộng. Với diện tích đất trên ông thu hoạch được 2.250kg, phần ông S1 ký hợp đồng bán lúa của Tổ hợp tác cho bà N thì ông được biết và đồng ý chịu trách nhiệm chung nếu vi phạm hợp đồng. Trước khi cắt lúa họp chốt giá, bà Mỹ N đưa ra giá 6.200 đồng/kg, còn bên Tổ hợp tác đưa giá là 6.300 đồng/kg và cưa đôi bà N phải mua là 5.750 đồng/kg, bà N không đồng ý và hẹn trao đổi lại hôm sau nhưng mọi người đến đợi, bà N không đến, ông bán lúa ra ngoài.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị Sà V vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi với bà N là thay mặt cho 22 hộ dân, bà thống nhất để ông S1 làm đại diện và hộ có ký tên vào danh sách nhận Lúa giống, tiền của bà N. Đến thu hoạch thì bà N không đồng ý mua theo giá thị trường nên bà không thống nhất và bán lúa ra bên ngoài.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn L trình bày như sau: Ông có tham gia Tổ hợp tác của ông Danh S1 để nhận giống và tiền đầu tư của 02 công tầm cấy đất trồng lúa RVT, diện tích này ông thu hoạch được 01 công là 900kg. Còn ông S1 có thay Tổ ký hợp đồng bán lúa cho bà N thì ông được biết và đồng ý chịu trách nhiệm chung nếu vi phạm hợp đồng, nhưng phần yêu cầu của bà N thì ông không đồng ý do khi họp bà Mỹ N đưa ra giá 6.200 đồng/kg thấp hơn giá trị trường bên tổ hợp tác đưa giá là 6.300 đồng/kg và sau đó, bà N hẹn hôm sau đến trao đổi lại nhưng khi mọi người đến đợi, không thấy bà N đến nên ông bán lúa ra ngoài.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị Vol Na R vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tôi và chồng là ông Lượm tham gia vào Tổ hợp tác của ông S1 với diện tích lúa là 2 công, có nhận giống và tiền để trồng lúa RVT thu hoạch khoảng 900kg/công. Gia đình tôi không bán lúa được cho bà N do nghe chồng tôi nói lại là bà N không chọn chia đôi giá tiền chênh lệch như thỏa thuận ban đầu nên không bán lúa cho bà N.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Từ K trình bày như sau: Gia đình ông có 03 công đất tham gia tổ hợp tác của ông Danh S1. Vụ lúa tranh chấp ông có nhận giống, tiền để canh tác và phần đất tham gia Tổ hợp tác này ông thu hoạch được 01 công là 900kg. Chổ ông S1 ký hợp đồng bán lúa cho bà N là ông biết và đồng ý chịu trách nhiệm chung nếu vi phạm hợp đồng, còn bà N yêu cầu thì ông không đồng ý do bà Mỹ N mua giá 6.200 đồng/kg thấp hơn giá trị trường bên tổ hợp tác đưa giá là 6.300 đồng/kg. Sau đó, bà N hẹn hôm sau trao đổi lại nhưng khi mọi người đến đợi thì không thấy bà N đến nên ông mới bán lúa ra ngoài.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lý Thị Chành T vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tôi có tham gia Tổ hợp tác của ông Danh S1 với diện tích là 3 công và sản lượng thực tế khi thu hoạch được là 2.700kg, phần khác là tôi có nhờ ông S1 đại diện đi ký hợp đồng với bà N trong việc bao tiêu lúa và ông S1 có nói cho tôi biết trách nhiệm khi đã ký hợp đồng bao tiêu là nếu vi phạm hợp đồng thì phải bồi thường. Họp ngày 29/2/2016, tôi không nhớ có tham gia hay không? nhưng ông S1 không có báo cho tôi biết việc bà N đồng ý thu mua lúa với giá 6.300đ/kg. Ngày thu hoạch lúa thì không nhớ nhưng tôi là người quyết định bán lúa cho người khác, ông S1 không có ý kiến. Tôi thống nhất với ông S1 nếu vi phạm trách nhiệm bồi thường là của thành viên Tổ hợp tác vì quyết định là của các hộ dân, ông S1 chỉ đứng ra đại diện cho Tổ hợp tác chứ không có quyết định, còn yêu cầu của bà N thì tôi không đồng ý do lỗi là của bà N không phải tôi.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Sơn Thị C trình bày như sau: Bà tham gia tổ hợp tác của ông S1 03 công đất trồng lúa nhưng khi thu hoạch do bị chuột cắn chỉ bán được là 3.300.000 đồng, giá bán là 6.400 đồng/kg. Phần ông S1 ký hợp đồng với Mỹ N, bà đồng ý và chấp nhận chịu trách nhiệm chung nhưng yêu cầu của Mỹ N, bà không đồng ý do Mỹ N trả giá không đúng nên phải bán cho người khác.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lâm D trình bày như sau: Ông có tham gia tổ hợp tác của ông Danh S1 làm ruộng 07 công, cắt được 01 công là 900kg. Về việc ông S1 ký hợp đồng bán lúa cho bà N là đại diện cho Tổ, ông đồng ý việc ông S ký hợp đồng và chịu trách nhiệm chung nếu có vi phạm hợp đồng. Bà N yêu cầu thì ông không đồng ý, lý do là bà Mỹ N mua giá 6.200 đồng/kg thấp hơn giá bên tổ hợp tác đưa giá là 6.300 đồng/kg và việc bà N hẹn hôm sau trao đổi nhưng không đến nên ông mới bán Lúa chổ khác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lâm Thị P vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi với bà N là thay mặt cho 22 hộ dân, bà thống nhất để ông S1 làm đại diện ký hợp đồng. Đến thu hoạch thì bà N không đồng ý mua theo giá thị trường 6.300 đồng mà chỉ đưa ra giá 6.200 đồng nên không thống nhất và bán lúa ra bên ngoài.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Kim Thị Sô Ry G và ông Danh Si N vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tờ tường trình ngày 20/4/2016 là do chúng tôi tự làm nhưng lâu quá tôi không còn nhớ nội dung như thế nào. Chúng tôi xác định có tham gia Tổ hợp tác của ông Danh S1 với diện tích là 2,5 công trồng lúa RVT, sản lượng thu hoạch là 2.250kg lúa nhưng không có ủy quyền cho ông S1 đi ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi. Sau ngày họp 29/02/2016 có việc thỏa thuận giá lúa giữa ông S1 với bà N là 6.300đ/kg thì không nghe nói nhưng nếu được giá lúa 6.300đ/kg thì vợ chồng chúng tôi sẽ bán cho bà N. Chúng tôi là người quyết định bán lúa cho người khác, ông S1 không có ý kiến còn phần ông S1 trình bày về việc nếu có trách nhiệm bồi thường hợp đồng xảy ra thì trách nhiệm bồi thường là của các hộ dân, tôi đồng ý vì ông S1 không có hưởng lợi gì từ việc này. Đối với yêu cầu của bà N, chúng tôi không đồng ý.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lâm Thành T trình bày như sau: Ông tham gia 02 Tổ hợp tác tự phát, tổ của ông S1 tham gia với diện tích 30 công đất thu hoạch được 27.000kg và là thư ký của tổ, ông S1 ký hợp đồng với Mỹ N là đại diện của tổ nên có vi phạm xảy ra ông đồng ý chịu trách nhiệm bồi thường chung. Đối với yêu cầu của bà N, ông không chấp nhận do ngày họp chốt giá bên bà N đưa ra giá thấp hơn giá thị trường, bên tổ có mời người lấy cọc 6.300 đồng/kg RVT làm chứng nhưng bà N không đồng ý và ngày sau bà N không đến họp như đã hẹn nên sau khi thu hoạch có 20 hộ đưa lúa đến nhà ông S1 tập hợp bán cho bà H. Việc bán không lấy cọc trước do trước đó tổ hợp tác khác mà ông tham gia có hợp đồng với bà H 140 công.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị C trình bày như sau: Bà và ông T có tham gia tổ hợp tác của ông S1 nên đồng ý việc ông S1 ký hợp đồng với Mỹ N, đồng ý chịu trách nhiệm nếu có vi phạm hợp đồng nhưng phần bà N yêu cầu thì không đồng ý, nguyên nhân là bà N không chốt giá theo giá thị trường.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị Thu S vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tôi nghe chồng nói là có nhận giống về làm, khi đó thì làm 12 công còn thu hoạch được bao nhiêu thì tôi không nhớ. Chúng tôi không bán lúa cho bà N vì không thỏa thuận được giá.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh D vắng mặt nhưng có lời khai trong quá trình giải quyết như sau: Tôi là hộ nằm trong tổ hợp tác của ông Danh S1. Ngày 29/02/2016, tôi có tham gia họp với Mỹ N nhưng không thống nhất giá mua bán do Mỹ N chỉ đồng ý giá 6.200 đồng/kg, sau đó tôi bán cho bà Lê Thị Hường 12 công được 10.800 đồng/kg với giá 6.400 đồng/kg. Ông S1 ký hợp đồng bao tiêu lúa tươi với bà N là thay mặt cho 22 hộ dân và ông thống nhất để ông S1 làm đại diện.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lý Xiêu P và bà Thạch Thị B vắng mặt nhưng quá trình giải lời trình bày như sau: Tôi có làm tường trình gửi Tòa án nhưng nội dung thì tôi không nhớ rõ. Nay xác định lại chúng tôi có tham gia tổ hợp tác ông S1 diện tích là 07 công và sản lượng thu hoạch được là 5.740kg nhưng chúng tôi không có ủy quyền hay nhờ ông S1 đại diện ký hợp đồng gì với bà N. Sau cuộc họp chốt giá không nghe nói việc ông S với bà N có thỏa thuận lại giá mua lúa là 6.300 đồng, chứ nếu biết thì tôi sẽ bán cho bà N. Tôi không nhớ rõ ngày cắt lúa chỉ nhớ sau ngày 29/2/2016 một tuần và do tôi là người quyết định bán lúa cho người khác, ông S1 không có ý kiến. Chúng tôi đồng ý bồi thường nếu có trách nhiệm bồi thường vì việc bán lúa cho người ngoài là do chúng tôi quyết định. Phần bà N không đồng ý bồi thường do bà N là người không giữ đúng thỏa thuận là chia đôi giá chênh lệch theo giá thị trường.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thạch C và bà Thạch Thị Thúy H vắng mặt nhưng quá trình giải quyết có trình bày như sau: Tôi có làm tường trình vào ngày 20/4/2016 gửi Tòa án và nay xác định lại sự việc chúng tôi có tham gia tổ hợp tác ông S1 diện tích là 08 công, thu hoạch được khoảng 7.200kg nhưng không có ủy quyền hay nhờ ông S1 đi ký hợp đồng bao tiêu lúa với bà N. Riêng việc thỏa thuận được giá lúa 6.300đ/kg giữa ông S1 với bà N không nghe nói, nếu có nghe tôi cũng không bán cho bà N vì càng về sau giá lúa càng lên cao. Tôi là người quyết định bán lúa cho người khác, ông S1 không có ý kiến và tôi thống nhất với ông S1 nếu vi phạm hợp đồng thì thành viên Tổ hợp tác bồi thường vì quyết định là của các hộ dân, ông S1 chỉ đứng ra đại diện cho Tổ hợp tác. Bà N yêu cầu, chúng tôi không đồng ý do lỗi thuộc về bà N không phải chúng tôi.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh S2 vắng mặt nhưng quá trình giải quyết có trình bày như sau: Tôi có làm tường trình gửi Tòa án nhưng nội dung thì tôi không nhớ rõ, nay xác định lại sự việc là tôi và vợ có tham gia Tổ hợp tác ông S1 diện tích là 07 công thu hoạch được là 6.300kg nhưng không ủy quyền hay nhờ ông S1 đại diện ký hợp đồng với bà N. Và sau ngày họp 29/2/2016, tôi không nghe nói bà N đồng ý mua lúa với giá 6.300 đ/kg và ý kiến của ông S1 là nếu có trách nhiệm bồi thường hợp đồng xảy ra thì trách nhiệm thuộc về của các hộ dân, tôi không đồng ý do không có ký hợp đồng với bà N.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị V trình bày như sau: Bà và chồng có tham gia Tổ hợp tác của ông Danh S1 để nhận giống làm lúa RVT là 07 công và cuối vụ thu hoạch được là 6.300kg. Trong tổ hợp tác, ông S1 có ký hợp đồng bao tiêu Lúa tươi với bà N và việc làm của ông S là thay mặt cho mấy hộ dân trong tổ nên bà đông ý việc ký kết này, đồng ý sẽ chịu trách nhiệm bồi thường chung với tổ khi có vi phạm hợp đồng. Chổ bà N yêu cầu, bà không đồng ý do bà N thỏa thuận giá mua chỉ 6.200 đồng thấp hơn giá bên ngoài 6.300 đồng mà tổ đưa ra nên khi cưa đôi lỗ 50 đồng mới không bán lúa.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Sơn Thị S trình bày như sau: Bà và chồng có tham gia tổ hợp tác của ông Danh S1 để nhận giống làm lúa RVT là 02 công và với diện tích này khi thu hoạch được là 1.600kg. Về Tổ hợp tác, ông S1 có ký hợp đồng bao tiêu Lúa tươi với bà N là thay mặt cho mấy hộ dân trong tổ nên bà đồng ý việc ký kết này và sẽ chịu trách nhiệm chung với tổ nếu vi phạm hợp đồng. Đối với yêu cầu của bà N, bà không đồng ý do bà N có lỗi.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh T2 vắng mặt nhưng quá trình giải quyết trình bày như sau: Tôi không có ký tờ tường trình nào và cũng không có gửi cho Tòa án nhưng tôi có tham gia tổ hợp tác của ông S1 với diện khoảng 02 công tầm cấy trồng lúa RVT, có nhận giống và tiền hổ trợ và cuối vụ thu hoạch được khoảng 800kg/công. Sau khi thu hoạch tôi là người quyết định bán lúa cho người khác chứ bán cho bà N do không thòa thuận được giá, ông S1 không có ý kiến còn phần ông S1 trình bày về việc nếu có trách nhiệm bồi thường hợp đồng xảy ra thì trách nhiệm là của các hộ dân, tôi không đồng ý. Do khi tham gia tổ hợp tác vợ chồng tôi không có ủy quyền cho ông S ký kết hợp đồng gì hết.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Cao Văn D và bà Thạch Thị Q vắng mặt nhưng quá trình giải quyết có trình bày như sau: Chúng tôi không nhớ có làm tường trình vào ngày 20/4/2016 gửi Tòa án hay không nhưng nay xác định lại sự việc là chúng tôi có tham gia Tổ hợp tác ông S1 diện tích là 06 công, thu hoạch được khoảng 5.005kg. Tham gia Tổ hợp tác nhưng không ủy quyền hay nhờ ông S1 đi ký hợp đồng bao tiêu lúa với bà N. Sau ngày họp 29/02/1016, tôi không nghe nói việc thỏa thuận lại giá lúa giữa ông S1 với bà N là 6.300đ/kg và từ sau ngày 29/2/2016 vợ chồng tôi không có gặp bà N để thỏa thuận giá mua bán lúa. Tôi là người quyết định bán lúa cho người khác, ông S1 không có ý kiến còn phần ông S1 trình bày nếu có trách nhiệm bồi thường hợp đồng xảy ra thì tôi đồng ý.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Kim Thị S trình bày như sau: Bà đồng ý có tham gia tổ hợp tác ông S1 diện tích là 06 công, sản lượng thu hoạch được là 3.900kg và số lúa này đã bán ra ngoài. Ông S1 ký hợp đồng với Mỹ N để bán lúa là ký cho tổ nên ông S1 nói trách bồi thường do làm sai là của tổ, bà đồng ý chịu trách nhiệm trong trường hợp làm sai hợp đồng. Chổ bà N yêu cầu, bà không đồng ý do người sai là Mỹ N.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh K vắng mặt nhưng quá trình giải quyết có trình bày như sau: Tôi có làm tường trình gửi Tòa án nhưng không nhớ rõ nội dung, nay xác định lại sự việc là tôi và vợ có tham gia tổ hợp tác ông S1 diện tích là 06 công, sản lượng thu hoạch được là 3.900kg. Việc ông S1 ký hợp đồng với Mỹ N, tôi không có ủy quyền hay nhờ ông S1 đại diện và không tham gia họp thỏa thuận giá lúa với bà N vào ngày 29/02/2016. Bản thân tôi nhập viện nên vợ tôi nghe ông S1 nói hợp đồng đã bãi bỏ và bán lúa cho ai thì bán, gia đình cần tiền trị bệnh nên vợ tôi quyết định bán cho người khác. Theo ý kiến của ông S1 là trách nhiệm bồi thường thuộc về các hộ dân, tôi không đồng ý.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Danh P2 trình bày như sau: Ông có tham gia tổ hợp tác ông S1 diện tích là 08 công, có nhận giống và tiền để trồng lúa RVT và đã thu hoạch được khoảng 6.800kg nhưng do bà N và tổ thỏa thuận giá không được, ông quyết định bán lúa cho người khác. Việc ông S1 trình bày về trường hợp có trách nhiệm bồi thường hợp đồng xảy ra là trách nhiệm của các hộ dân, tôi đồng ý nhưng với yêu cầu của bà N, tôi không đồng ý vì lỗi là do bà N không chấp nhận giá thị trường chứ phải chúng tôi.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Mai Thanh L vắng mặt nhưng quá trình giải quyết có trình bày như sau: Tôi và chồng có tham gia tổ hợp tác ông S1 là 08 công đất và hết vụ thu hoạch được khoảng 6.800kg. Gia đình tôi bán cho người khác do bà N không chịu mua đúng giá trên trường hợp còn nếu Tổ hợp tác làm sai theo như ông S1 thì trách nhiệm bồi thường hợp đồng là của hộ dân, tôi đồng ý chịu. Bà N yêu cầu, tôi không đồng ý do bà N có lỗi.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị L1 (vợ ông H) trình bày như sau: Gia đình tôi đăng ký tham gia Tổ hợp tác của ông Danh S là 04 công ruộng nhận giống và tiền làm lúa RVT, mỗi công thu hoạch được 800kg nhưng thực tế của tôi và chồng là 03 công, còn em tôi là 01 công. Đăng ký tham gia, nhận lúa giống và tiền đều do vợ, chồng tôi nhận. Trước khi thu hoạch do bên bà N đưa ra giá thấp hơn giá bên ngoài và sau hẹn lại để thỏa thuận lại không thấy bà N đến, tôi bán lúa cho người khác được giá là 6.400 đồng/kg. Riêng hợp đồng ông S1 ký cho Tổ hợp tác, tôi đồng ý và chấp nhận chịu trách nhiệm nếu làm sai hợp đồng nhưng phần yêu cầu của bà N, tôi không đồng ý do bà N có lỗi.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thạch H vắng mặt nhưng quá trình giải quyết có trình bày như sau: Tôi và vợ có đăng ký tham gia Tổ hợp tác của ông Danh S1 là 04 công ruộng, có nhận lúa giống và tiền để làm lúa RVT, mỗi công thu hoạch được 800kg. Trong 04 công thì có của vợ, chồng tôi là 3 công, còn em tôi Danh C là 01 công nhưng khi đăng ký tham gia, nhận lúa giống và tiền đều do vợ, chồng trực tiếp nhận. Do bàn giá bên bà N đưa ra giá thấp hơn giá bên ngoài và hẹn thỏa thuận lại không thấy bà N đến, gia đình tôi bán lúa cho người khác được giá là 6.400 đồng/kg. Tôi đồng ý với ông S1 là làm sai họp đồng trách nhiệm bồi thường của hộ dân đối với yêu cầu của bà N, tôi không đồng ý do bà N có lỗi.
Các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Danh Thị L2 (vợ ông S1) trình bày: Tôi và chồng là ông S1 có tham gia vào Tổ hợp tác để bán lúa cho bà N nhưng do không thỏa thuận được giá bán nên đã bán lúa cho người khác, phần yêu cầu của bà N tôi không đồng ý. Diện tích 05 công lúa tham gia Tổ hợp tác thu được sản lượng khoảng 800kg/công và chồng tôi trực tiếp bán.
Ông Danh S1 trình bày tại phiên tòa về diện tích tham gia Tổ hợp tác như sau: Theo danh sách giao nộp thì hộ của ông đăng ký tham gia Tổ hợp tác của ông là 10 công nhưng thực tế chỉ có 05 công, phần 05 công còn lại của ông Thái Phước và phần của ông Phước đã bán cho Mỹ N được 6.600đồng/kg lúa. Riêng diện tích 05 công của ông làm lúa thu hoạch được mỗi công là 800kg và đã bán ra ngoài thị trường.
Các lời khai trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Thạch R trình bày như sau:
Tôi tham gia tổ hợp tác của ông S1 với diện tích nhận giống và tiền là 02 công, đến khi thu hoạch được 1.600kg, trước đó tôi có biết việc ông S ký hợp đồng bán lúa cho Mỹ N và đồng ý để ông S1 ký hợp đồng. Do đó, nếu có làm sai hợp đồng và phải bồi thường tôi đồng ý nhưng ở đây bà N đưa ra giá thấp hơn giá thị trường, chúng tôi mới không bán. Sự việc đã được Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án sơ thẩm số: 23/2017/DS-ST, ngày 10/7/2017 đã quyết định như sau:
Căn cứ: Điều 26; Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 122; Điều 402; Điều 418 và Điều 428 Bộ luật dân sự 2005. Khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Thạch Thị N đối với bị đơn Danh S1 về buộc bồi thường do vi phạm hợp đồng là 546.700.000 đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
* Ngày 17/7/2017 nguyên đơn bà Thạch Thị N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 23/DS-ST, ngày 10/7/2017 của tòa án nhân dân huyện T yêu cầu cấp phúc thầm giải quyết: Xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
* Tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu ý kiến: Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã tiến hành các thủ tục tố tụng đúng theo qui định của Bộ luật tố tụng dân sự như: Xác định đúng thẩm quyền thụ lý vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp, xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của các đương sự. Về thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu, việc cấp tống đạt đảm bảo đúng theo qui định của pháp luật. Tại phiên Tòa Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các qui định của pháp luật về phiên tòa phúc thẩm. Đại diện cho nguyên đơn, người kháng cáo chấp hành pháp luật nghiêm túc từ khi thụ lý vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm. Đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là các ông, bà Danh Thị T, Danh T1, Thị L1, Lâm H1, Dương Thị Hồng L, Thị L2, Lâm H2, Thị D, Thạch Huỳnh N, Lâm Thị E, Danh H, Dương Thị Sà V, Trần Văn L, Danh Thị Vol Na R, Từ K, Lý Thị Chành T, Sơn Thị C, Lâm Thị P, Kim Thị Sô Ry G, Danh Si N, Nguyễn Thị C, Danh Thị Thu S, Thạch Thị B, Thạch C, Thạch Thị Thúy H, Danh S, Sơn Thị S, Danh T2, Cao Văn D, Thạch Thị Q, Kim Thị S, Danh K, Mai Thanh L, Danh R, Thạch H, Danh Thị L1, Danh C, Danh Thị L2 chưa chấp hành đúng theo các qui định của pháp luật.
Về nội dung vụ án: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà Thạch Thị N (Mỹ N), đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 23/2017/DS-ST ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định:
[1]. Về tố tụng: Tại phiên tòa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là các ông, bà Danh Thị T, Danh T1, Thị L1, Lâm H1, Dương Thị Hồng L, Thị L2, Lâm H2, Thị D, Thạch Huỳnh N, Lâm Thị E, Danh H, Dương Thị Sà V, Trần Văn L, Danh Thị Vol Na R, Từ K, Lý Thị Chành T, Sơn Thị C, Lâm Thị P, Kim Thị Sô Ry G, Danh Si N, Nguyễn Thị C, Danh Thị Thu S, Thạch Thị B, Thạch C, Thạch Thị Thúy H, Danh S, Sơn Thị S, Danh T2, Cao Văn D, Thạch Thị Q, Kim Thị S, Danh K, Mai Thanh L, Danh R, Thạch H, Danh Thị L1, Danh C, Danh Thị L2 vắng mặt lần thứ 2 không có lý do chính đáng, không có đơn xin xét xử vắng mặt, không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Căn cứ khoản 2 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt của những người này.
[2]. Về nội dung:
Tại phiên tòa người đại diện cho nguyên đơn và người đại diện cho bị đơn đều thừa nhận vào ngày 25/01/2016 bà Thạch Thị N và ông Danh S có ký “Hợp đồng bao tiêu lúa tươi”, loại lúa RVT. Trong hợp đồng các bên có thỏa thuận về số lượng lúa mua và bán, giá cả, trách nhiệm của mỗi bên, tiêu chuẩn thu mua, phương thức thanh toán và cam kết của các bên trong việc thực hiện hợp đồng. Căn cứ vào khoản 2 Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 về những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, Hội đồng xét xử công nhận việc bà Thạch Thị N là đại diện cho Đại lý Vật tư nông nghiệp Mỹ N và ông Danh S1 có ký kết “Hợp đồng bao tiêu lúa tươi” vào ngày 25/01/2016 là sự thật.
Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện cho nguyên đơn có kháng cáo cho rằng: Trong việc thực hiện bản hợp đồng “Hợp đồng bao tiêu lúa tươi” mà hai bên ký kết ngày 25/01/2016 thì phía bị đơn ông Danh S1 là người có lỗi vì đã vi phạm Điều 2 về thông báo ngày cắt lúa (trước 5 ngày) cho bên A và Điều 4 về việc tự ý hủy hợp đồng mà không bán lúa cho bên A (Bên Doanh nghiệp) nên phải bồi thường theo cam kết tại Điều 4. Xét về lỗi trong việc thực hiện bản hợp đồng này của các bên, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Tại Điều 4 của “Hợp đồng bao tiêu lúa tươi” các bên có thỏa thuận “- Nếu giá lúa thị trường chênh lệch với giá lúa bao tiêu trên 100 thì bên A và Bên B sẽ chia đôi giá chênh lệch.”. Sự thỏa thuận này của các bên là dựa trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với thực tế, không trái đạo đức xã hội nên được chấp nhận. Như vậy theo thỏa thuận này thì tại thời điểm trước khi thu hoạch lúa, các bên có trách nhiệm tham khảo giá thị trường bên ngoài để làm căn cứ thỏa thuận giá mua, bán. Vào ngày 28/02/2016, ông Danh S1 đã thông báo cho bà N là chủ Đại lý đến nhà ông cùng tham gia họp với các hộ dân nhằm thỏa thuận và thống nhất về giá mua, bán lúa RVT. Tại cuộc họp vào ngày 29/02/2016, bà N có mặt cùng với ông S1 và các hộ dân trong tổ hợp tác của ông S1, bà N không phản đối gì về sự có mặt của các hộ dân này mà cùng thỏa thuận giá lúa, bà N chỉ đồng ý mua lúa RVT của các hộ dân này với giá 6.200 đồng/kg, ông S1 và các hộ dân yêu cầu bà N mua với giá 6.300 đồng/kg (theo giá thị trường tại thời điểm đó) nhưng bà N không đồng ý nên các bên không thỏa thuận được giá mua, bán loại lúa RVT này. Bà N ra về và hẹn lại ngày hôm sau thỏa thuận lại nhưng ngày hôm sau bà N không đến để tiếp tục thỏa thuận. Như vậy bà N đã không thực hiện theo đúng cam kết của các bên được quy định tại Điều 5 của bản hợp đồng này là: “Nếu có vấn đề gì phát sinh trong khi thực hiện, hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết bằng các phụ kiện hợp đồng”. Do đó trong việc thỏa thuận này bà N là người có lỗi.
Tại phiên tòa người đại diện cho nguyên đơn cho rằng: Vào chiều tối ngày 29/02/2016, bà N cho bà Tống Thị N là người làm giúp việc cho bà N có điện thoại báo cho ông S1 biết là bà N đồng ý mua lúa RVT của các hộ dân với giá 6.300 đồng/kg, nhưng ông S1 và các hộ dân vẫn không bán lúa cho bà N là lỗi của ông S1. Xét phần trình bày này của người đại diện cho nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận bởi lẽ: Tại cuộc họp ngày 29/02/2016, bà N là đại diện cho Doanh nghiệp cùng với ông S1 và các hộ dân đã không thỏa thuận được về giá thu mua lúa RVT và bà N đã hẹn lại ngày hôm sau (tức ngày 01/3/2016) sẽ họp lại nên nếu bà đồng ý thì ngày 01/3/2016 bà có mặt để thống nhất giá với ông S1 và các hộ dân mới đúng; hơn nữa về tư cách của bà Tống Thị N chỉ là người giúp công việc cho gia đình bà N, nên việc bà Tống Thị N thông báo bằng điện thoại cho ông S1 về giá thu mua lúa là sai tư cách vì không được bà N ủy quyền hợp pháp, nên ông S1 có quyền nghi ngờ và không thực hiện theo thông báo của bà Tống Thị N là có cơ sở.
Do đó trong việc thỏa thuận giá mua và bán trong hợp đồng này bà N là người có lỗi vì đã không thực hiện việc thỏa thuận về giá lúa chênh lệch như quy định tại Điều 4 và Điều 5 của bản hợp đồng mà hai bên ký kết vào ngày
25/01/2016.
Việc bà N và người đại diện cho bà N tại phiên tòa cho rằng: Ông S1 đã vi phạm Điều 2 của bản “Hợp đồng bao tiêu lúa tươi” về thông báo thời gian thu hoạch cho bên A ít nhất 05 ngày trước. Nhận thấy: Do các bên không thỏa thuận được về giá mua, bán nên việc thông báo về ngày thu hoạch lúa cho bà N trước 05 ngày như thỏa thuận tại Điều 2 của hợp đồng này không còn giá trị. Do đó phần trình bày này của bà N và người đại diện cho bà N không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Qua nhận định và đánh giá ở trên, Hội đồng xét xử thấy rằng đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát là có cơ sở nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét lại.
[3] Về án phí: Do bản án sơ thẩm được giữ nguyên nên yêu cầu kháng cáo của bà Thạch Thị N không được Hội đồng xét xử chấp nhận, nên bà N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo qui định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 1 Điều 308, Khoản 1 Điều 148 và Khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Tuyên xử:
Không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Thạch Thị N (Mỹ N) về việc xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm số 23/2017/DS-ST, ngày 10-7-2017 của tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng.
Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 23/2017/DS-ST ngày 10-7-2017 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Sóc Trăng. Phần quyết định của bản án sơ thẩm được giữ nguyên như sau: “Căn cứ: Điều 26; Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 122; Điều 402; Điều 418 và Điều 428 Bộ luật dân sự 2005. Khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Thạch Thị N đối với bị đơn Danh S1 về buộc bồi thường do vi phạm hợp đồng là 546.700.000 đồng.
- Bà Thạch Thị N phải chịu là 25.868.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Khấu trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp 17.800.000 đồng theo biên lai thu số 007646 ngày 04/4/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T. Bà N còn phải nộp là 8.068.000 đồng”.
Án phí dân sự phúc thẩm: Buộc nguyên đơn bà Thạch Thị N phải chịu 300.000 đồng, khấu trừ tiền tạm ứng là 300.000 đồng theo Biên lại thu tiền số 0006015 ngày 24/7/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T, bà N đã thực hiện xong; Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 153/2017/DS-PT ngày 10/10/2017 về tranh chấp hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Số hiệu: | 153/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/10/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về