TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Y, TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 15/2019/HS-ST NGÀY 18/11/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 18 tháng 11 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Hà Giang xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 16/2019/TLST-HS ngày 04/10/2019, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 16/2019/QĐXXST-HS ngày 08/11/2019, đối với bị cáo:
Lù Mí M (tên gọi khác: Không có); Sinh ngày: 01/11/1993, tại xã Lao Và C, huyện Y, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn Sủng L, xã Lao Và C, huyện Y, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: 9/12; Dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Lù Chúa P, sinh năm: 1958 và bà Giàng Thị M, sinh năm: 1965; Có vợ: Sùng Thị C, sinh năm 1994 và có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt; bị cáo hiện đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Y, tỉnh Hà Giang. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền là trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang. Có mặt.
- Bị hại: Bà Giàng Thị M, sinh năm 1965; nơi cư trú: Thôn Sủng L, xã Lao Và C, huyện Y, tỉnh Hà Giang (đã chết).
- Người đại diện hợp pháp của bị hại: Anh Lù Mí Q, sinh năm 1995; nơi cư trú: Thôn Sủng L, xã Lao Và C, huyện Y, tỉnh Hà Giang. Là con trai của bà M. Vắng mặt. (Đơn xin xét xử vắng mặt ngày 15/11/2019).
- Người làm chứng:
+ Anh Lù Mí P, sinh năm 1999; Có mặt.
+ Chị Sùng Thị C, sinh năm 1994; Có mặt.
+ Bà Vàng Thị D, sinh năm 1969; Có mặt.
+ Anh Lù Phái V, sinh năm 1982; Có mặt.
+ Ông Lù Chừ N, sinh năm 1969; Có mặt.
+ Anh Lù Chứ Th, sinh năm 1987; Có mặt.
+ Anh Sùng Sáy T, sinh năm 1987; Có mặt.
Những người làm chứng đều có nơi cư trú: Thôn Sủng L, xã Lao Và C, huyện Y, tỉnh Hà Giang.
- Người phiên dịch tiếng dân tộc Mông: Ông Chảo Mí Hồ; nơi cư trú: Tổ 04, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 09 giờ ngày 10/5/2019, Lù Mí M sinh năm 1993, trú tại thôn Sủng L, xã Lao Và C, huyện Y, tỉnh Hà Giang đang chăm sóc con là Lù Thị Thu Tr sinh năm 2013 bị ốm nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Y, tỉnh Hà Giang thì có Lù Phái V, Lù Chừ N, Sùng Sáy T cùng trú tại thôn Sủng L, xã Lao Và C đến thăm nên khoảng 11 giờ cùng ngày M, V, N, T cùng nhau đi về nhà M nấu cơm ăn; trong lúc ăn cơm, uống rượu nghe mọi người nói (không rõ ai nói) là mẹ của M biết làm ma cho người khác ốm; nghe vậy, M có nói “Con em bị ốm là mẹ em thả ma làm cho nó ốm”. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, Lù Mí M đi sang nhà bố mẹ của mình cách đó khoảng 30m còn V, N và T vẫn ngồi uống rượu; đến nơi thì có bố mẹ của M là ông Lù Chúa P, bà Giàng Thị M và em dâu tên là Vừ Thị Th (là vợ của Lù Mí P sinh năm 1999 em trai M ở cùng nhà bố mẹ đang ốm nằm trên giường), M đi vào trong nhà hỏi bà Giàng Thị M là “Mẹ có được thả ma cho con của con bị ốm không?”, bà M trả lời “Mẹ không được làm”, M và bà M có nhiều lời qua tiếng lại với nhau, do bực tức M không kiềm chế được nên đã tiến lại phía bà M, dùng tay trái túm lấy cổ áo bà M, tay phải tát vào mặt bà M 03 phát và nói “Mẹ được làm ma con của con thì thu hồi lại đi”, bà M không nhận; đúng lúc đó thì Lù Mí P về thấy M đang chửi bà M, P tiến đến và hỏi “Sao mẹ thả ma cho con dâu bị ốm?”, nhưng bà M không nhận (lúc đó M đi ra ngoài), P tiến đến tát nhẹ vào mặt bà M 06 đến 07 cái (không nhớ chính xác bao nhiêu cái) thì M quay lại. M và P mỗi người cầm một tay bà M kéo ra ngoài cửa nhà, khi đến ngoài sân thì cho bà M ngồi bệt xuống đất, hai đầu gối chống lên, hai tay đặt trên hai đầu gối (kiểu gần giống tư thế ngồi xổm), M nói “Nếu mẹ có được thả ma thì mẹ thu về để con C đỡ ốm”, nhưng bà M không nhận, do bực tức nên M dùng tay phải tát 01 cái vào mặt bà M rồi đi vào nhà lấy 01 con dao qoắm ra cắt lấy 01 đoạn dây điện dài 01m (loại dây thông tin) dùng làm dây phơi quần áo ra chập đôi lại và vụt nhiều lần vào chân, tay, lưng của bà M; bị đau nên bà M nói “Có treo một cái thìa bằng gỗ và buộc một dây vải màu đỏ để ở trong nhà bên phải dưới bàn thờ, giờ không nhìn thấy đâu nên không thu lại được, một hai ngày nữa nó khắc khỏi”; nghe vậy, M dùng chân phải đá 01 cái vào sườn bên trái của bà M và đạp 01 cái vào ngực bên trái bà M rồi đi về nhà, sau đó đến nhà Lù Mí Q là em trai của M ở sát cạnh đó lấy 01 con dao nhọn đến cắm xuống đất trước mặt bà M (mục đích để bà M lấy dao thu hồi ma) và nói “Mẹ được làm thì phải thu hồi về cho con C khỏi ốm”; lúc đó P lấy 01 que tre rộng 02cm, dài 35cm trên vách nhà vụt nhẹ vào vai và đùi bên phải bà M; Thấy vậy M cầm chiếc dép bên phải đang đi đánh 01 cái vào vai trái, 01 cái vào mặt bên trái của bà M; đúng lúc đó vợ của P nằm trên giường kêu đau nên P cõng vợ đi sang nhà hàng xóm nhờ người chữa bệnh giúp lúc đó khoảng 16 giờ 30 phút. Sau khi P đi thì vợ của M là Sùng Thị C và chị dâu con bác của M là Vàng Thị D , cùng trú tại thôn Sủng L, xã Lao Và C, huyện Y, tỉnh Hà Giang đến, do bực tức nên C dùng tay tát nhẹ hai cái vào mặt bà M, sau đó D nói với bà M là “Chồng tao chết đúng là do bà thả ma nên mới chết”; rồi M đi về nhà mình được khoảng 05 phút thì quay lại thấy bà M kêu đói nên chị Lù Thị D lấy cơm cho bà M ăn, M lấy nước cho bà M uống. Sau khi bà M ăn cơm xong M đi về nhà, khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày P cõng vợ về nhà M cho nằm trên giường ngủ. Khi đó bà M đang ngồi ở nhà thì Vàng Thị D và Sùng Thị C mỗi người cầm một tay đưa bà M đến nhà M để chữa bệnh cho vợ của P, khi bà M sờ tay vào bụng thì vợ P kêu đau và ngất đi (vì nghe và tin rằng người biết làm ma cho người khác ốm nếu dùng tay sờ vào bụng người ốm thì sẽ khỏi), thấy vậy mọi người kéo bà M ra cho ngồi xuống đất dựa lưng vào tường ở dưới bàn thờ cách giường khoảng 02 đến 03m, khi đó bà M nói “Được làm thì mẹ hứa hai đến ba ngày nữa khắc khỏi”; nghe vậy, M bực tức dùng chân phải đá 01 phát vào sườn bên trái và đạp 01 phát vào ngực bên trái bà M làm cho bà M bị ngã về phía sau dựa lưng vào tường và gục xuống không nói gì nữa, lúc này P lại cõng vợ lên nhà hàng xóm là Lù Mí S để chữa trị cho vợ; được khoảng 20 phút sau M cùng bố là Lù Chúa P đưa bà M về nhà cho nằm lên giường ngủ, sau đó M đi về nhà rồi cùng C đến nhà Lù Mí S để xem vợ P. Đến khoảng 06 giờ sáng ngày 11/5/2019 thì ông P phát hiện bà M đã chết, thấy vậy Lù Mí M, Lù Mí P tự nguyện đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y, tỉnh Hà Giang để đầu thú về hành vi cố ý gây thương tích của mình và bị tạm giữ để điều tra. Đối với Lù Mí P, xét thấy chưa đủ căn cứ khởi tố bị can nên tại Quyết định số: 02/QĐ-VKS-YM ngày 21/5/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Y đã quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ Lù Mí P.
Tại bản kết luận giám định pháp y tử thi số: 191/KLPY-PC09 ngày 15/5/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Giang kết luận:
“3. Các kết quả chính
- Trên thân thể bà Giàng Thị M có các tổn thương sưng nề, bầm tụ máu, tập trung ở vùng đầu mặt, ngực trái, hai tay, hai cẳng chân và mặt sau đùi.
- Cơ ngực bên trái có các điểm bầm tụ máu; gãy xương sườn 2, 3, 4, 5, cung trước bên trái; khoang ngực có máu; nhu mô phổi mặt hoành có các vết rách thủng.
V. KẾT LUẬN Nguyên nhân chết của bà Giàng Thị M: Chấn thương ngực, gãy xương sườn, rách thủng nhu mô phổi.” Ngày 11/5/2019, các Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y, tỉnh Hà Giang tiến hành khám nghiệm hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường, chụp ảnh hiện trường. Ngày 26/6/2019, tiến hành cho bị cáo Lù Mí M thực nghiệm điều tra, kết quả Lù Mí M thực hiện lại hành vi cố ý gây thương tích của mình phù hợp với hiện trường cùng các tài liệu, chứng cứ khác thu thập được có lưu trong hồ sơ vụ án.
Tại bản cáo trạng số: 18/CT-VKS-YM ngày 03/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Y đã truy tố bị cáo Lù Mí M về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Lù Mí M, phạm tội “Cố ý gây thương tích” và đề nghị áp dụng điểm a khoản 4 Điều 134, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo từ 7 đến 8 năm tù; Về trách nhiệm dân sự, quá trình điều tra bị cáo đã vận động gia đình bồi thường hỗ trợ mai táng cho gia đình bị hại xong, hiện đại diện hợp pháp của bị hại anh Lù Mí Q không có yêu cầu, đề xuất gì thêm về vấn đề bồi thường thiệt hại, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên không đề cập giải quyết; Về vật chứng của vụ án gồm: 01 đôi dép dạng da màu nâu, mặt trên dưới gót chân có chữ (QUANGDONG), mặt dưới có số 40 đã qua sử dụng; 01 đoạn dây thông tin màu đen đã qua s ử dụng dài 01 mét; 01 thanh tre đã khô kích thước 02x35cm, các vật chứng trên là công cụ dùng vào việc phạm tội, không còn giá trị nên áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tô tụng hình sự đề nghị tịch thu tiêu hủy; Về án phí, bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn do vậy đề nghị Hội đồng xét xử miễn toàn bộ án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ p hí Tòa án.
Đối với Lù Mí P, Sùng Thị C, Vàng Thị D đã có hành vi đánh bà Giàng Thị M, xét thấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên Công an huyện Y, tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với P, C và D là thoả đáng, nên không đề cập xem xét giải quyết.
Người bào chữa cho bị cáo phát biểu quan điểm bào chữa: Tôi đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Y truy tố bị cáo Lù Mí M phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 của Bộ luật Hình sự và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo . Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng thêm Điều 54 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn cũng đủ để bị cáo cải tạo giáo dục thành công dân tốt, biết tuân thủ pháp luật và các quy tắc của đời sống xã hội.
Ý kiến đối đáp của Viện kiểm sát: Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng, nên sau khi cân nhắc xem xét đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của bị cáo đã thực hiện và đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo cùng mức hình phạt là phù hợp. Do đó không chấp nhận ý kiến của người bào chữa cho bị cáo đề nghị áp dụng thêm Điều 54 của Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn, giữ nguyên quan điểm đề nghị.
Bị cáo không có ý kiến đối đáp tranh luận gì, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Quá trình điều tra, đại diện hợp pháp của bị hại trình bày: Bị cáo Lù Mí M là anh trai ruột của tôi, cũng do mê tín dị đoan, nhận thức về pháp luật hạn chế, trong lúc tức giận vì nghĩ mẹ thả ma làm cho con C ốm nên có hành vi đánh mẹ như vậy là vô cùng sai trái, nhưng sau đó bị cáo đã tự nguyện ra đầu thú, nhận thấy bị cáo rất hối hận, ngoài ra bị cáo đã vận động gia đình bồi thường hỗ trợ mai táng gồm: 01 con bò, 04 con gà, 10 sinh ngô tương đương kho ảng 165kg, 04 yến gạo, 15 tập giấy bản, 500.000 đồng, 01 con chó và 01 bộ áo quan, tôi đã nhận được toàn bộ số tài sản trên và không có yêu cầu bồi thường gì thêm, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng không ai có ý kiến gì về quyết định truy tố của Việ n kiểm sát nhân dân huyện Y, tỉnh Hà Giang.
Bị cáo nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án: Bị cáo biết mình đã sai, vi phạm pháp luật, chỉ vì mê tín dị đoan mà đánh mẹ dẫn đến hậu quả làm mẹ bị cáo chết, bị cáo qua thời gian tạm giam đã rất hối hận về hành vi của mình, bị cáo còn hai con nhỏ, vợ hay đau ốm đau, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, để bị cáo sớm có cơ hội quay về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng, trở thành công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Sau khi thẩm tra các chứng cứ có trong hồ sơ, nghe lời khai của bị cáo, những người làm chứng, ý kiến của Kiểm sát viên và ý kiến của người bào chữa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về căn cứ kết tội đối với bị cáo: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo Lù Mí M đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai và lời nhận tội của bị cáo trước tòa phù hợp với các lời khai của bị cáo, đại diện bị hại, những người làm chứng. Ngoài ra còn phù hợp với biên bản xác định hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra, kết luận giám định pháp y về thương tích cùng với toàn bộ chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Tại phiên tòa bị cáo Lù Mí M một lần nữa thừa nhận đã thực hiện hành vi: Khoảng 16 giờ ngày 10/5/2019 tại nhà bà M, bị cáo là con trai bà M ở cùng thôn đã có hành vi dùng tay phải tát vào mặt bà M 04 phát, dùng đoạn dây điện dài 01m chập đôi lại đánh nhiều lần vào tay, lưng, chân; dùng chân phải đá 01 phát vào sườn bên trái và đạp 01 phát vào ngực bên trái, dùng tay phải cầm dép đánh 01 phát vào mặt bên trái, 01 phát vào vai bên trái bà M; cho đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, tại nhà bị cáo lại dùng chân phải đá 01 phát vào sườn bên trái và đạp 01 phát vào ngực bên trái bà M, làm bà M bị ngã về phía sau dựa lưng vào tường và gục xuống, sau đó bị cáo cùng bố là ông P đưa bà M về nhà cho nằm lên giường ngủ đến khoảng 06 giờ ngày 11/5/2019 bà M chết. Hành vi của bị cáo M đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự. Như vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Y truy tố bị cáo về tội danh, điều luật trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, luận tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện Y là có căn cứ, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận bị cáo Lù Mí M phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.
[2] Về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tính mạng của người khác là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp; bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự do vậy phải nhận thức được rằng quyền về thân thể của người khác là bất khả xâm phạm, đặc biệt bị cáo là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam mà lại chỉ vì mê tín dị đoan, nghi ngờ mẹ mình là bà M thả ma làm con dâu và C bị ốm nên đã có hành vi đánh mẹ mình, người đã sinh ra bị cáo một cách không thương tiếc, do vây Hội đồng xét xử thây răng phai xư ly bi cao băng biên phap hinh sư với mức án đủ nghiêm, tương xưng vơi h ành vi mà bị cáo đã gây ra , cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ sức răn đe và giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội đồng thời có tác dụng răn đe, tuyên truyền pháp luật về mê tín dị đoan phòng ngừa tội phạm chung.
[3] Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thấy rằng: Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, quá trình điều tra bị cáo đã cùng gia đình tự nguyện bồi thường thiệt hại xong cho người bị hại, quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình nên cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự cho bị cáo; ngoài ra bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự là người phạm tội đầu thú, là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế.
Đối với đề nghị của người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng thêm Điều 54 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là chưa phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra nên không có căn cứ chấp nhận.
[4] Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra vụ án gia đình bị cáo đã thỏa thuận bồi thường cho gia đình bị hại số tài sản hỗ trợ mai táng gồm: 01 con bò, 04 con gà, 10 sinh ngô tương đương khoảng 165kg, 04 yến gạo, 15 tập giấy bản, 500.000 đồng, 01 con chó và 01 bộ áo quan. Đại diện hợp pháp của bị hại xác nhận đã nhận đủ số tài sản bồi thường thiệt hại không có yêu cầu gì thêm về bồi thường dân sự và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
[5] Về vật chứng của vụ án gồm: 01 đôi dép dạng da màu nâu, mặt trên dưới gót chân có chữ (QUANGDONGS) mặt dưới có số 40, dép đã qua sử dụng; 01 đoạn dây thông tin màu đen dài 01m, dây đã qua sử dụng; 01 thanh tre đã khô có kích thước 02x35cm. Xét thấy các vật chứng trên là công cụ dùng vào việc phạm tội, không còn giá trị sử dụng cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sư tịch thu tiêu hủy.
[6] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không có khiếu nại, tố cáo. Do đó, hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là hợp pháp.
[7] Về án phí: Bị cáo là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sư ; điểm a, c khoản 2 Điều 106; khoản 1, khoản 3 Điều 329; Điều 331; Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Tuyên bố: Bị cáo Lù Mí M, phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Xử phạt bị cáo Lù Mí M 7 (bảy) năm 3 (ba) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam, ngày 12/5/2019;
Quyết định tạm giam bị cáo Lù Mí M 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm để đảm bảo thi hành án.
2. Về vật chứng: Tịch thu tiêu hủy các vật chứng gồm: 01 đôi dép dạng da màu nâu, mặt trên dưới gót chân có chữ (QUANGDONGS) mặt dưới có số 40, dép đã qua sử dụng; 01 đoạn dây thông tin màu đen dài 01m, dây đã qua sử dụng; 01 thanh tre đã khô có kích thước 02x35cm.
(Tình trạng theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản ngày 22/10/2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Y, tỉnh Hà Giang với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh Hà Giang).
3. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Lù Mí M.
4. Quyền kháng cáo: Bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đại diện bị hại vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án 15/2019/HS-ST ngày 18/11/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 15/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Yên Minh - Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về