Bản án 15/2019/HS-PT ngày 12/08/2019 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 15/2019/HS-PT NGÀY 12/08/2019 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Trong các ngày 09, 12 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 31/2019/TLPT-HS ngày 19 tháng 6 năm 2019 đối với bị cáo Lê Quốc K và đồng phạm, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 38/2017/HSST ngày 27/09/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Lê Quốc K (tên gọi khác: Không), sinh ngày 02 tháng 9 năm 1979, tại huyện H, tỉnh Quảng Trị. Nơi cư trú: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Văn T, sinh năm 1958 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1958; có vợ tên là Trần Thị Mỹ H, sinh năm 1984 và có 02 con, lớn nhất sinh năm 2005 và nhỏ nhất sinh năm 2010; tiền sự, tiền án: Không; bị cáo bị tạm giữ từ ngày 12/4/2016 đến ngày 21/4/2016 được hủy bỏ biện pháp tạm giữ. Ngày 25/7/2016 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.

2. Nguyễn Văn B (tên gọi khác: Không), sinh ngày 21 tháng 01 năm 1981, tại huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi cư trú: Thôn 12, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1942 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1946; có vợ tên là Nguyễn Thị L, sinh năm 1990 và có 01 con, sinh năm 2011; tiền sự, tiền án: Không; bị cáo bị tạm giữ từ ngày 12/4/2016 đến ngày 21/4/2016 được hủy bỏ biện pháp tạm giữ. Ngày 25/7/2016 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.

3. Nguyễn Văn T (tên gọi khác: Không), sinh ngày 10 tháng 02 năm 1977, tại huyện V, tỉnh Thanh Hóa. Nơi cư trú: Thôn 2, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1945 và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1946; có vợ tên là Vũ Thị H, sinh năm 1977 và có 03 con, lớn nhất sinh năm 1997 và nhỏ nhất sinh năm 2012; tiền sự, tiền án: Không; bị cáo bị tạm giữ từ ngày 14/4/2016 đến ngày 23/4/2016 được hủy bỏ biện pháp tạm giữ. Ngày 25/7/2016 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.

4. Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), sinh ngày 20 tháng 10 năm 1980, tại huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi cư trú: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Ngọc C, sinh năm 1952 và bà Hoàng Thị M, sinh năm 1955; có vợ tên là Hoàng Thị Hồng T, sinh năm 1983 và có 03 con, lớn nhất sinh năm 2005 và nhỏ nhất sinh năm 2014; tiền sự, tiền án: Không; bị cáo bị tạm giữ từ ngày 12/4/2016 đến ngày 21/4/2016 được hủy bỏ biện pháp tạm giữ. Ngày 25/7/2016 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.

5. Phan Tiến D, (tên gọi khác: Không), sinh ngày 20 tháng 10 năm 1977, tại huyện H, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi cư trú: Khối 3, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Công chức kiểm lâm; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan Thế H, sinh năm 1947 và bà Phạm Thị H, sinh năm 1945; có vợ tên là Nguyễn Thị H, sinh năm 1982 và có 02 con, lớn nhất sinh năm 2006 và nhỏ nhất sinh năm 2007; tiền sự, tiền án: Không. Ngày 12/8/2016 bị cáo bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đăk Hà áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên toà.

* Người bào chữa cho cả 05 bị cáo gồm các luật sư:

1. Bà Nguyễn Thị Kim V - Luật sư Công ty Luật TNHH T, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ: 41E, Đặng Thùy T, phường 13, quận B , thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

2. Ông Lê Văn H - Luật sư Văn phòng Luật sư L thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ: số 14 B đường T, phường B, quận T, thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt).

3. Ông Nguyễn Thành C - Luật sư Công ty luật TNHH Đ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ: số 19B đường C, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

4. Ông Trần Cao Đại Kỳ Quân - Luật sư Công ty TNHH MTV Luật T thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai; Địa chỉ: C35, khu phố 1, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

5. Ông Vũ Phi L - Luật sư Công ty Đ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh; Địa chỉ: số 19B đường C, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

* Nguyên đơn dân sự:

Ban quản lý rừng đặc dụng Đ; Địa chỉ trụ sở: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lương Văn P, chức vụ: Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đ. Ông Lương Văn P ủy quyền cho ông Hồ Thanh V, chức vụ: Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đ, tham gia tố tụng tại Tòa án (Văn bản ủy quyền ngày 19/7/2019) (Có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Nay Y R, sinh năm 1969; Trú tại: số nhà 103 đường Nguyễn Huy L, phường T, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (nguyên giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đ) (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

2. Ông Đoàn Văn L, sinh năm 1978; Trú tại: Tổ dân phố 4B, thị trấn Đ , huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

* Người tham gia t tụng khác:

- Người làm chứng:

1. Anh A M, sinh năm 1993; Trú tại: Thôn K, xã Đ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (Vắng mặt).

2. Anh Lưu Văn Đ, sinh năm 1989; Trú tại: Thôn P, phường Q, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (Vắng mặt).

3. Ông Trần Hồng H, sinh năm 1956; Trú tại: số 33/9 đường p, phường Q, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (vắng mặt).

4. Anh A K, sinh năm 1992; Trú tại: Thôn K, xã Đ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (Vắng mặt).

5. Anh A K, sinh năm 1976; Trú tại: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án).

6. Anh U Đ, sinh năm 1989; Trú tại Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Vắng mặt).

7. Anh Đỗ Xuân T, sinh năm 1989; Trú tại: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

8. Chị Trần Thị T, sinh năm 1990; Trú tại: Thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Đại diện Hội đồng định giá tài sản: Ông Hà Văn K - Chủ tịch Hội đồng định giá công tác tại Phòng Tài chính kế hoạch huyện Đ, tỉnh Kon Tum (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 16 giờ ngày 11/4/2016, Phan Tiến D (Cán bộ kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Đ) điện thoại rủ Lê Quốc K ra quán nước trước cổng Ban quản lý rừng đặc dụng (thuộc thôn 1, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum) để nhờ K tìm thuê người tỉa cành cà phê. Sau khi trao đổi công việc xong, K hỏi D “bữa nay trong lán có gì làm không anh?”, D nói “không có, nếu muốn làm thì vào trạm 1, trong đó có cây khô”, K hỏi “anh có quản lý lán số 3 không?”, D nói “không, bữa nay anh H Đăk T tăng cường”, K hỏi “cho em làm cây khô ở đó được không”, D “được, anh H hay đi tập thể dục buổi sáng”, K nói “có gì sáng mai em vào làm”, rồi cả hai ra về.

Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, K gặp Nguyễn Văn B và rủ B1 đi vào rừng cưa gỗ. Khoảng 04 giờ 10 phút ngày 12/4/2016, B điện thoại cho K, K hỏi có đi làm (cưa gỗ) không thì B nói “vậy tập trung nhà Đ”, rồi B tiếp tục điện thoại cho Nguyễn Ngọc B1 (tức Đ), Nguyễn Văn T rủ vào rừng lấy gỗ trắc, cả hai đồng ý. Đến khoảng 04 giờ 20 phút cùng ngày, bốn người tập trung tại nhà B, mang theo một số công cụ, phương tiện vào rừng đặc dụng Đăk U. Đến khoảng 05 giờ cùng ngày, D đang ở lán bảo vệ tại rừng đặc dụng điện thoại cho K hỏi “em đang ở đâu”, K nói “em đang ở trong rừng, gần trạm I, anh đi thể dục nếu thấy ông H đi ra có gì thì báo cho em với”, rồi D tắt máy. Lúc này, K, B, T, B1 đến vị trí cách lán số 3 khoảng 40m, để xe cộ bên lề đường mòn. T, B1 đứng ở đó đợi, còn K, B đến gần lán số 3 quan sát thì thấy ông Hải đi bộ tập thể dục ra hướng đường nhựa. Tại đây, K phát hiện cây gỗ trắc đã chết khô, không có lá, cách lán số 3 khoảng 25m nên chỉ cho B biết. Cả nhóm tập trung cưa cây gỗ, cưa khoảng 15 phút thì cây trắc đổ xuống đất gây ra một tiếng động lớn. Khi nghe tiếng cây đổ, A M (là nhân viên bảo vệ rừng) đang ở lán số 4 (cách lán số 3 khoảng 120m) chạy về hướng lán số 3 kiểm tra thì thấy K, T, B1, B đang loay hoay cưa phần bám dính chưa đứt sau khi cây gỗ trắc đổ. Thấy vậy, A M truy hô “lâm tặc, lâm tặc” rồi chạy vào trong lán số 3 tìm ông H nhưng không thấy, A M đi ra ngoài lán khoảng 10m theo đường mòn về hướng lán số 2, điện thoại báo cho ông Nay Y R (là Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đ) biết tình hình. Nhận được điện thoại, ông R đang ở Ban quản lý lấy công cụ hỗ trợ và đi xe mô tô vào rừng. Lúc này, K, T, B, B1 đã cưa xong phần bám dính. Khánh và B phụ đưa khúc gỗ trắc dài 2,07m lên vai cho T và B1 vác đưa ra chỗ xe cộ. B1 và T vác gỗ, K cầm cây gậy dài khoảng 60cm, đường kính khoảng 04cm đi trước, B cầm 02 cưa tay đi sau. Khi vác khúc gỗ vòng qua lán số 3, K thấy A M (không biết là ai, do bất ngờ) theo phản xạ K giơ cây gậy lên, A M thấy vậy sợ nên quay người bỏ chạy về hướng lán số 2 và truy hô “lâm tặc, lâm tặc” và đi gọi thêm Lưu Văn Đ, A K (đều là nhân viên bảo vệ rừng) tổ chức truy đuổi theo hướng các đối tượng bỏ chạy khoảng 01 km và nghe tiếng súng nổ thì quay lại. Lúc này, K, B, B1, T đã dùng xe cộ kéo khúc gỗ trắc đã cưa cất giấu cách vị trí gốc cây trắc bị cưa khoảng 700m. Sau đó, T kéo xe cộ chạy trước, còn B1, K, B chạy theo sau ra khỏi rừng đặc dụng Đ, ra gần lô cà phê giáp bìa rừng thì nghe tiếng súng nổ. K nói “chạy nhanh ra ngoài kẻo kiểm lâm vây bắt” rồi K nhận được điện thoại của D hỏi “em có đánh người trong rừng không?”, K nói “không”, D hỏi “em đang ở đâu?”, K nói “em ra đến lô cà phê thì nghe tiếng súng nổ, em về gần tới nhà rồi”, rồi D tắt máy, sau đó ai về nhà nấy.

Trong ngày 12/4/2016, Ban quản lý rừng đặc dụng Đ làm báo cáo gửi Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng vào rừng đặc dụng Đ cưa gỗ trắc. Chiều cùng ngày, Lê Quốc K, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 đến Cơ quan điều tra khai báo về hành vi vào rừng đặc dụng Đ cưa gỗ trắc. Đến sáng ngày 13/4/2016, Nguyễn Văn T đến Cơ quan điều tra khai báo.

Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định vị trí cây gỗ trắc bị cưa hạ nằm tại tọa độ E5450831611604 trong rừng đặc dụng Đăk Uy thuộc thôn 3, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum. Từ vị trí cây gỗ trắc chết khô trên cách lán bảo vệ số 3 là 24m, cách lán bảo vệ số 4 là 104m; lán số 3 và số 4 cách nhau 95m.

Tại Kết luận định giá tài sản số 13/KL-ĐGTS ngày 20/4/2016 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Đ kết luận: Khúc gỗ mà K cùng B, B1, T lấy trộm, khi bị phát hiện truy đuổi đã cất giấu vào bụi cây trong rừng và bỏ chạy là: Gỗ Trắc nhóm IIA, chiều dài 2,07m, đường kính 27,5cm; tổng giá trị bị thiệt hại là 19.680.000 đồng (Mười chín triệu sáu trăm tám mươi nghìn đồng).

Tại Kết quả giám định số 69/CNR-KHTC ngày 26/4/2016 của Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng trực thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam kết luận tên gỗ và nhóm gỗ: Loại gỗ Trắc, nhóm IIA, cây gỗ đã chết trước khi bị cưa hạ vào ngày 12/4/2016.

Tại bản cáo hạng số 34/CT-VKS ngày 10 tháng 8 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đã truy tố các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật bình sự năm 1999.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, đã xét xử và quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, h, o, p khoản 1 Điều 46 (áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 đối với bị cáo Nguyễn Văn T); Điều 18; khoản 1, khoản 3 Điều 52; khoản 1, khoản 2 Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt các bị cáo: Lê Quốc K 14 tháng tù, Nguyễn Văn B 13 tháng tù, Nguyễn Văn T 11 tháng tù, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đấu) 12 tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án và được trừ thời gian mà các bị cáo đã bị tạm giữ.

Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 18; khoản 1 và 3 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt: Bị cáo Phan Tiến D 12 tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử lý trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 27 tháng 9 năm 2017, tất cả 05 bị cáo cùng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, các bị cáo cho rằng cấp sơ thẩm kết tội các bị cáo là oan sai nên yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố các bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 07/2018/HS-PT ngày 01/6/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 355; khoản 1 Điều 359 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên bố các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T không phạm tội “Trộm cắp tài sản”; hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum và đình chỉ vụ án; chuyển toàn bộ vật chứng và số tiền các bị cáo đã nộp theo các biên lai thu tiền số 0005578, 0005579, 0005580; 0005581 cùng ngày 25/8/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho Công an huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum để xử lý theo thủ tục hành chính.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 22/2018/KN-HS ngày 26 tháng 7 năm 2018, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 07/2018/HS-PT ngày 01/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum theo hướng hủy bản án hình sự phúc thẩm và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 24/2019/HS-GĐT ngày 07 tháng 6 năm 2019, ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng: Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 22/2018/KN-HS ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 07/2018/HS-PT ngày 01/6/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, các bị cáo đều thừa nhận đã có hành vi lén lút vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 01 cây gỗ trắc khô và lấy đi một khúc gỗ trắc khô dài 2,07m, đường kính 27,5cm, trị giá 19.680.000 đồng như án sơ thẩm đã nhận định; tuy nhiên, các bị cáo đều cho rằng hành vi của các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Trong thời gian chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, nguyên đơn dân sự đã cung cấp thêm một số tài liệu thể hiện Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kon Tum thành lập rừng đặc dụng Đăk Uy và Ban quản lý rừng đặc dụng vào năm 1993, một số tài liệu thể hiện có sự đầu tư, chăm sóc rừng đặc dụng Đăk Uy.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum thực hành quyền công tố tại phiên toà, sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, tính chất mức độ hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 355; Điều 356, Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HSST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum về phần tội danh đã áp dụng đối với các bị cáo; giữ nguyên phần quyết định hình phạt của bị cáo Lê Quốc K và Phan Tiến D; Sửa một phần bản án sơ thẩm giảm mức hình phạt cho các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1, Nguyễn Văn T và cho các bị cáo hưởng án treo: Đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B mức án 10 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 20 đến 24 tháng, xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc B1 và Nguyễn Văn T mỗi bị cáo mức án từ 08 đến 10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách của mỗi bị cáo là từ 16 đến 20 tháng.

Về trách nhiệm dân sự: Tịch thu, sung quỹ Nhà nước số tiền 4.000.000 đồng mà các bị cáo K, B, B1, Thụ đã tự nguyện nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Đăk Hà mỗi bị cáo 1.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.

Về vật chứng: Đề nghị xử lý như quyết định của bản án sơ thẩm.

Các Luật sư trình bày lời bào chữa cho các bị cáo cho rằng: Về tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, tòa án cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng, cụ thể như: Sai sót trong việc phát hành quyết định khởi tố bị can, chuyển giao bản cáo trạng, sai sót về biên bản định giá tài sản, xác định tư cách nguyên đơn dân sự không đúng, chưa có thiệt hại...; về hành vi của các bị cáo các Luật sư đều cho rằng hành vi của các bị cáo là hành vi khai thác trái phép cây rừng và chỉ ở mức độ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm 1.1 Điều 1 phần IV Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC- TANDTC ngày 08/3/2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, hành vi của các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, bởi lẽ khách thể bị xâm phạm là tài nguyên rừng, không phải là tài sản. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 359 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tuyên các bị cáo không phạm tội “Trộm cắp tài sản”, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Các bị cáo bổ sung ý kiến đều đồng ý như quan điểm của các Luật sư đã bào chữa. Và các bị cáo nói lời sau cùng, mong Hội đồng xét xử xem xét giải quyết vụ án đúng pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của các bị cáo được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nên được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận để xem xét.

[2]. Xét hành vi vi phạm của các bị cáo:

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm hôm nay có đủ cơ sở để xác định: Được Phan Tiến D là cán bộ kiểm lâm thông tin cho bị cáo K biết tại khu vực lán số 3 rừng đặc dụng Đăk Uy có cây gỗ trắc chết khô, K đã rủ B sau đó B điện thoại rủ thêm B1 và T nên khoảng hơn 04 giờ sáng ngày 12/4/2016 các bị cáo phân công nhau mang theo công cụ, phương tiện lén lút vào rừng đặc dụng Đăk Uy, lợi dụng lúc anh H là nhân viên kiểm lâm bảo vệ lán số 3 đi tập thể dục, các bị cáo tìm cây gỗ trắc chết khô mà D đã thông tin để cưa trộm.

Khi vào rừng đặc dụng mục đích của các bị cáo là nhằm cưa trộm cây gỗ trắc chết khô mà D đã chỉ, các bị cáo biết rõ khu vực rừng đặc dụng được canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt nên các bị cáo lén lút, lợi dụng lúc anh H đi tập thể dục, đã cùng nhau cưa cây gỗ trắc, các bị cáo nhận thức được cưa trộm cây gỗ trắc khô là vi phạm pháp luật, nhưng vì biết cây gỗ trắc khô có giá trị kinh tế cao, nhằm mục đích cưa trộm để bán lấy tiền tiêu xài nên các bị cáo vẫn cố tình thực hiện hành vi của mình.

Hành vi trên của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, đặc biệt là gỗ trắc, là loại tài sản quý hiếm được Nhà nước đầu tư, bảo vệ hết sức chặt chẽ.

Tại phiên tòa hôm nay Luật sư và các bị cáo đều thừa nhận hành vi cưa trộm cây gỗ trắc chết khô là vi phạm pháp luật nhưng cho rằng hành vi của các bị cáo không cấu thành tội Trộm cắp tài sản, bởi khách thể xâm phạm là tài nguyên rừng, khúc gỗ các bị cáo cưa trộm 0,123m3 chưa đủ định lượng để xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý hành chính theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 về hành vi khai thác trái phép.

[3] Hội đồng xét xử xem xét về khách thể mà các bị cáo xâm phạm thấy rằng: Rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, có quần thể gỗ trắc là loại thực vật quý, hiếm thuộc nhóm IIA. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 32/2006/NĐ-CP về khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thì cây gỗ trắc là thực vật rừng thuộc nhóm IIA không được phép khai thác và không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác vì mục đích kinh tế.

Rừng đặc dụng Đăk Uy được UBND tỉnh Kon Tum thành lập vào năm 1993 với diện tích 690 ha nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen quí hiếm, tham quan du lịch, giao cho Sở Nông lâm công nghiệp quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển. Sau đó UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy trực thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum. Tại quy chế tổ chức quản lí khu rừng đặc dụng Đăk Uy (kèm theo Quyết định số 641/QĐ-UB ngày 09/11/1993) đã xác định rừng đặc dụng Đăk Uy có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn nguồn gen quí hiếm, cần được bảo vệ, xây dựng và phát triển, nhằm phát huy tốt tiềm năng kinh tế và khoa học.

Căn cứ các tài liệu do nguyên đơn dân sự xuất trình tại phiên tòa hôm nay, thể hiện sau khi thành lập rừng đặc dụng, hàng năm UBND tỉnh đã đầu tư nhiều kinh phí để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cụ thể:

Năm 1994 trồng dưới tán rừng (cây giổi) với diện tích 04ha: 16.142.000 đồng; trồng rừng làm đường băng xanh (Keo lá tràm) với diện tích 07ha: 27.236.000 đồng.

Năm 1995 trồng rừng đặc hữu với diện tích 22ha: 155.924.984 đồng (trồng rừng dưới tán, trồng rừng tập trung) bao gồm các loại: Trắc, Cẩm lai, Hương, Muồng, Gỗ đỏ, Giổi. Chăm sóc rừng trồng với tổng diện tích 33ha (đã trồng năm 1994 và 1995), tu bổ vườn thực vật rừng: 83.710.000 đồng.

Năm 1996: Trồng rừng đặc hữu với diện tích 10ha: 64.070.960 đồng, trồng rừng làm đường băng xanh với diện tích 09ha: 44.375.076 đồng. Chăm sóc lần 1 và lần 2 đối với rừng trồng đặc hữu 22ha (rừng trồng năm 1995) bao gồm: chăm sóc rừng trồng dưới tán rừng với diện tích 12ha: 22.018.000 đồng, chăm sóc rừng trồng tập trung với diện tích 10ha: 22.080.000 đồng. Chăm sóc rừng trồng năm 1996 là 19ha bao gồm: chăm sóc rừng trồng đặc hữu 10ha: 12.240.000 đồng, chăm sóc rừng trồng làm đường băng xanh 09ha: 9.360.000 đồng.

Năm 2012 UBND tỉnh Kon Tum quyết định thành lập lại Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (tại Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 02/6/2012). Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển diện tích rừng trong phạm vi rừng đặc dụng. Tại khoản 5, khoản 7 Điều 2 Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (ban hành kèm theo Quyết định số 61/2014/QĐ-UBND ngày 03/11/2014 của UBND tỉnh Kon Tum), đã quy định: “Bảo vệ diện tích rừng Nhà nước đã giao, xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng, chống chặt phá rừng... ”; “Tổ chức, thực hiện các hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng, cải tạo rừng, sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên trong rừng, nghiên cứu khoa học... ” và tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng “Ban quản lý khu rừng đặc dụng là tổ chức của Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ của chủ rừng và được Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng”.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã bố trí nhiều trạm và lán trại trong khu vực rừng đặc dụng và phân công nhiệm vụ cho nhân viên kiểm lâm canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt cả ngày và đêm. Hàng năm, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho Ban quản lý để đầu tư, xây dựng hàng rào và các công trình bảo vệ gỗ trắc tại rừng đặc dụng Đăk Uy. Năm 2016, UBND tỉnh Kon Tum đầu tư kinh phí hơn 27 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để xây dựng hàng rào bảo vệ quanh rừng đặc dụng Đăk Uy.

Như vậy, rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, tuy nhiên có sự khác biệt cơ bản, không phải là rừng tự nhiên thuần túy do cây rừng tự phát triển, mà do nhà nước thành lập trên diện tích rừng tự nhiên để phục vụ mục đích bảo vệ nguồn gen quý hiếm và phát huy tiềm năng kinh tế. Sau khi thành lập, nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để trồng bổ sung nhiều loại thực vật quý, hiếm và các loại cây lấy gỗ khác. Rừng đặc dụng Đăk Uy cũng là khu rừng duy nhất ở Tây nguyên nói riêng và cả nước nói chung có quần thể gỗ trắc quý, hiếm, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn giống gỗ trắc, có giá trị kinh tế cao dễ bị xâm hại.

Do tính chất đặc thù của rừng đặc dụng Đăk Uy, UBND tỉnh đã thành lập và giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đại diện cho nhà nước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy là tổ chức của Nhà nước, có chức năng nhiệm vụ của chủ rừng, được tổ chức, thực hiện các hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng, sử dụng hợp lý tài nguyên tự nhiên trong rừng. Hàng năm, Ban quản lý rừng đặc dụng được UBND tỉnh Kon Tum đầu tư kinh phí để bảo vệ, phát triển rừng, trồng dặm, đánh dấu bài cây con, chăm sóc, làm cỏ xung quanh cây để cây phát triển, thanh lý cây ngoại lai lấn át để bảo vệ những loại thực vật quý, hiếm và phát triển rừng trong phạm vi rừng đặc dụng. Lâm sản trong rừng đặc dụng Đăk Uy chính là tài sản, bởi có kết tinh của cải, công sức mà nhà nước đã đầu tư từ khi thành lập đến nay. Nếu như nhà nước không quy hoạch thành lập rừng đặc dụng, không quản lý, đầu tư phát triển, bảo vệ nghiêm ngặt thì không còn bảo tồn được giống gỗ trắc hiện nay. Cây gỗ trắc khô mà các bị cáo cưa trộm là tài sản do Nhà nước là chủ sở hữu giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy có trách nhiệm bảo vệ. Hành vi chiếm đoạt khúc gỗ trắc khô giá trị 19.680.000 đồng đã xâm phạm khách thể là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.

Về mặt chủ quan: Các bị cáo nhận thức rõ khu vực rừng đó là rừng gỗ trắc quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt, xung quanh có đào hào, rào chắn để bảo vệ rừng. Mục đích các bị cáo vào rừng là để lấy trộm cây gỗ trắc khô đó. Cây gỗ mà các bị cáo chủ định lấy trộm là gỗ trắc có giá trị. Ý thức và mục đích của các bị cáo vào rừng hôm đó là chặt cây gỗ trắc khô đã được bị cáo D chỉ cho từ trước nên các bị cáo đã có sự bàn bạc, phân công nhau để vào cưa lấy trộm cây gỗ trắc khô đó bán lấy tiền tiêu xài.

Về mặt khách quan: D và K đã có sự bàn bạc vào chiều ngày 11/4/2016, D đồng ý cho K và đồng bọn vào rừng lấy trộm cây gỗ trắc khô. Sau khi rủ được B, B1 và T, đến khoảng 04 giờ 20 phút ngày 12/4/2016 cả nhóm gồm K, B, B1 và T lén lút vào rừng và đợi cho anh H (là người trông coi rừng ở lán số 3) đi tập thể dục, thấy không còn ai trông coi thì cả bọn vào cưa trộm cây gỗ trắc khô. Cây gỗ trắc khô bị cưa trộm này cách vị trí lán số 3 là 24m, cách lán số 4 là 104m. Khi cưa cây gỗ đổ, gây tiếng động lớn nên cán bộ kiểm lâm phát hiện, nhưng K, T, B, B1 vẫn cưa nốt phần bám dính và khiêng khúc gỗ đi cất giấu cách vị trí cưa cây gỗ 700m.

Các bị cáo đã có sự bàn bạc, phân công nhau và bằng thủ đoạn lén lút, đợi đến khi anh H (là nhân viên kiểm lâm bảo vệ tại lán số 3) đi tập thể dục buổi sáng, thấy không còn ai trông coi thì các bị cáo nhanh chóng cưa đổ cây gỗ trắc và mang đi cất giấu. Khi bị cán bộ kiểm lâm bảo vệ khu rừng phát hiện, các bị cáo vẫn cố tình mang khúc gỗ trắc đi cất giấu. Hành vi của các bị cáo phạm tội Trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, nay là Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015.

Về mặt chủ thể: Các bị cáo đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có đầy đủ khả năng nhận thức và năng lực trách nhiệm hình sự.

Với hành vi của các bị cáo như đã nhận định, phân tích ở trên. Hội đồng xét xử xét thấy Bản án số 38/2017/HS-ST ngày 27/9/2017 của Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội, không oan.

Xét hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tài sản Nhà nước được pháp luật bảo vệ, tài sản các bị cáo xâm phạm là loại thực vật quý, hiếm cần được bảo tồn. Nhà nước đã đầu tư nhiều tiền của, công sức bảo vệ chặt chẽ và nghiêm cấm mọi hình thức xâm hại. Hành vi của các bị cáo đã gây dư luận xấu tại địa phương, không ngăn chặn xử lý nghiêm minh, kịp thời sẽ làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước và có thể không còn bảo tồn được giống gỗ trắc, vì các đối tượng lâm tặc luôn lợi dụng sơ hở của công tác bảo vệ, đột nhập vào rừng cưa trộm. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình trạng chặt, phá rừng diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều mức độ khác nhau làm cho rừng ngày càng nghèo kiệt. Vì vậy, việc xử lý bằng hình sự đối với các bị cáo là cần thiết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay đồng thời có tính giáo dục pháp luật nói chung và răn đe, trừng trị pháp luật đối với những hành vi phạm tội nói riêng.

Ý kiến của các luật sư cho rằng rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên vì vậy khách thể bị xâm phạm là tài nguyên rừng, không phải là tài sản là chưa đánh giá đúng sự khác biệt của rừng đặc dụng Đăk Uy có chủ rừng bảo vệ nghiêm ngặt được đầu tư, chăm sóc như đã phân tích ở trên, khác với rừng tự nhiên thuần túy do cây rừng tự phát triển, không có sự đầu tư chăm sóc của con người, từ đó cho rằng khách thể bị xâm phạm không phải là tài sản là không chính xác. Do đó ý kiến của các Luật sư cho rằng hành vi của các bị cáo không cấu thành tội trộm cắp tài sản và đề nghị tuyên bố các bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là không có căn cứ để chấp nhận.

[4] Về phạm vi xét xử phúc thẩm: Ngoài việc xem xét nội dung kháng cáo của các bị cáo Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải xem xét lại các phần khác của bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể về áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với các bị cáo và một số nội dung khác có liên quan Hội đồng xét xử xét thấy:

[4.1] Đối với bị cáo Phan Tiến D là cán bộ kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, đã lợi dụng quyền hạn của mình giúp sức cho các bị cáo khác thông qua việc thông tin về địa điểm cây gỗ trắc đã chết, đi tập thể dục cùng anh H để cảnh giới cho các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, lẽ ra cấp sơ thẩm phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với bị cáo D nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng là thiếu sót. Để đảm bảo nguyên tắc không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo, Hội đồng xét xử không áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999, tuy nhiên cấp sơ thẩm cần phải rút kinh nghiệm trong công tác xét xử. Đối với các tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm đã áp dụng với bị cáo D là phù hợp.

[4.2] Cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự thú” quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các bị cáo K, T, B, B1 là không đúng vì: Ngay sau khi các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã phát hiện nên các bị cáo bỏ chạy, Ban quản lý đã làm báo cáo gửi các cơ quan hữu quan trong đó có cơ quan Công an huyện Đăk Hà để đề nghị làm rõ. Sau đó các bị cáo mới đến cơ quan Công an huyện Đăk Hà để khai báo hành vi phạm tội của mình. Trường hợp này các bị cáo chỉ được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội đầu thú” theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm. Đối với các tình tiết giảm nhẹ khác mà cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với các bị cáo K, B, T, B1 là phù hợp.

[4.3] Về mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đối với các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T, Hội đồng xét xử xét thấy trong quá trình điều tra và tại các phiên tòa các bị cáo đều thành khẩn khai báo, khi phạm tội, các bị cáo K, B, T, B1 đã tự nguyện mỗi bị cáo nộp 1.000.000 đồng (Một triệu đồng) để khắc phục hậu quả, thể hiện phần nào sự ăn năn về hành vi của các bị cáo; các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Do đó, Hội đồng xét xử xem xét vai trò, mức độ phạm tội của từng bị cáo để giảm nhẹ một phần hình phạt cho cả 05 bị cáo vừa đảm bảo tính nghiêm minh và tính khoan hồng của pháp luật.

Đối với bị cáo K là người chủ mưu đặt vấn đề với D về việc vào rừng cưa cây, khi được D cho thông tin về cây gỗ trắc chết khô, bị cáo K đã rủ rê, lôi kéo các bị cáo khác phạm tội và là người thực hành tích cực, nên cần xử bị cáo mức án nghiêm khắc hơn các bị cáo khác. Đối với bị cáo D mặc dù không cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi cưa trộm cây gỗ trắc nhưng đã lợi dụng công việc của mình thông tin địa điểm cây gỗ trắc chết khô, đồng ý cho các bị cáo vào rừng và cảnh giới cho các bị cáo cưa cây gỗ trắc, do đó cần phải có mức án nghiêm khắc hơn các bị cáo còn lại.

Vì vậy, xét vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo K và bị cáo D cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi cộng đồng xã hội một thời gian, nhằm giáo dục, cải tạo các bị cáo chấp hành tốt pháp luật.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn B sau khi được K rủ rê đã điện thoại cho B1 và T cùng mang công cụ, phương tiện vào rừng cưa trộm gỗ. Xét thấy, các bị cáo B, T, B1 là các đồng phạm do K khởi xướng, rủ rê, lôi kéo phạm tội. Trong đó bị cáo B là người rủ rê lôi kéo B1, T và là người thực hành tích cực hơn bị cáo B1, T. Do vậy mức án đối với bị cáo B phải cao hơn, bị cáo T và B1 phạm tội với vai trò thứ yếu mức độ phạm tội như nhau nên mức án của hai bị cáo như nhau là phù hợp.

Xem xét các tình tiết giảm nhẹ, vai trò, mức độ phạm tội của các bị cáo B, B1, T thấy rằng các bị cáo phạm tội do được K rủ rê, tham gia với vai trò thứ yếu, các bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi cộng đồng xã hội mà chỉ cần cải tạo tại địa phương cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo trở thành công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm các Luật sư bào chữa cho các bị cáo có nêu ra một số thiếu sót, vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố; tuy nhiên, các sai sót, vi phạm mà các Luật sư nêu ra không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, việc điều tra, truy tố đúng người, đúng hành vi, không thuộc trường hợp được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đến mức phải hủy án sơ thẩm để xét xử lại nhưng cấp sơ thẩm cũng cần rút kinh nghiệm.

Đối với ý kiến luật sư cho rằng việc xác định nguyên đơn dân sự là chưa đúng và không có thiệt hại xảy ra, thấy rằng, rừng đặc dụng Đăk Uy đã được nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy quản lý và bảo vệ, khi tài sản bị xâm phạm, Ban quản lý rừng đã làm đơn trình báo cơ quan Công an, đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, khúc gỗ có giá trị 19.680.000 đồng, các bị cáo chiếm đoạt đã được thu hồi như vậy không có nghĩa là không có thiệt hại xảy ra. Các bị cáo cưa đổ cây gỗ trắc có xảy ra các thiệt hại khác do nguyên đơn dân sự chưa tính toán được nên bản án sơ thẩm đã tách phần dân sự này ra để giải quyết bằng một vụ án khác là phù hợp. Do đó cấp sơ thẩm xác định Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy là nguyên đơn dân sự là đúng tư cách tố tụng, Ý kiến Luật sư cho rằng chưa có thiệt hại xảy ra là không chính xác.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra các bị cáo Lê Quốc K, Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn T, Nguyễn Ngọc B1 mỗi bị cáo đã tự nguyện nộp 1.000.000 (Một triệu đồng) tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Hà để bồi thường, khắc phục hậu quả cho Nhà nước. Tuy nhiên khúc gỗ Trắc mà các bị cáo đã chiếm đoạt đã được thu hồi và tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm tuyên sung quỹ Nhà nước số tiền các bị cáo đã tự nộp để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đối với các thiệt hại khác do hành vi cưa đổ cây gỗ trắc gây ra, nguyên đơn dân sự chưa xác định được thiệt hại cụ thể, đã được cấp sơ thẩm tách ra để giải quyết bằng vụ án khác, do đó sửa bản án sơ thẩm, trả lại số tiền trên cho các bị cáo, khi nào nguyên đơn dân sự khởi kiện thì các bị cáo bồi thường sau. Việc các bị cáo tự nguyện nộp số tiền trên được xem là tự nguyện khắc phục hậu quả nên vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 mà cấp sơ thẩm đã áp dụng.

[7] Về xử lý vật chứng: Cây gỗ trắc khô mà các bị cáo cưa trộm là tài sản của Nhà nước và Nhà nước đã giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy quản lý, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước toàn bộ số gỗ trắc đã được thu giữ trong vụ án, trong đó có khúc gỗ trắc dài 2,07m, đường kính 27,5cm mà các bị cáo đã chiếm đoạt là chưa phù hợp, lẽ ra cấp sơ thẩm phải tuyên giao lại cho Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, tuy nhiên toàn bộ số gỗ trên là tài sản Nhà nước do Ban quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy quản lý, việc sung quỹ Nhà nước là bảo toàn tài sản của Nhà nước, không làm thiệt hại đến quyền lợi của nguyên đơn dân sự. Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn dân sự đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, nên vẫn giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm sung quỹ Nhà nước số gỗ trên. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm tuyên tịch thu là không đúng.

Đối với việc xử lý vật chứng khác của cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp.

[8] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T; giữ nguyên phần quyết định về tội danh của bản án sơ thẩm đã áp dụng đối với các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T.

Sửa bản án sơ thẩm giảm hình phạt đối với các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T.

[9] Về án phí: Mặc dù đơn kháng cáo của các bị cáo không được chấp nhận nhưng Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T đối với bản án hình sự sơ thẩm số 38/2017/HS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum;

Giữ nguyên phần quyết định về tội danh đối với các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T.

Tuyên bố các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

2. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c, e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Sửa bản án sơ thẩm về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T.

- Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, h, o, p khoản 1 Điều 46; Điều 18; khoản 1, 3 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Lê Quốc K 12 (Mười hai) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án (trừ cho bị cáo thời gian đã bị tạm giữ từ ngày 12/4/2016 đến ngày 21/4/2016).

- Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 18; khoản 1, 3 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Phan Tiến D 10 (Mười) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, h, o, p khoản 1 Điều 46; Điều 18; khoản 1, 3 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 20; Điều 53, Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B 08 (Tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 16 (Mười sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

- Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, h, o, p khoản 1 Điều 46; Điều 18; khoản 1, 3 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 20; Điều 53, Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ) 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

- Áp dụng khoản 1 Điều 138; các điểm b, h, o, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 18; khoản 1, 3 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 20; Điều 53, Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Văn B cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; giao các bị cáo Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ) và Nguyễn Văn T cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện Đ, tỉnh Kon Tum để giám sát và giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp các bị cáo Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 và Nguyễn Văn T thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 688 Bộ luật dân sự 2015, Điều 605, Điều 606, Điều 608 Bộ luật dân sự 2005, sửa bản án sơ thẩm

Trả lại cho bị cáo Nguyễn Văn B 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Hà theo biên lai số AA/2010/0005578 ngày 25/8/2016; Trả lại cho bị cáo Nguyễn Ngọc B1 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Hà theo biên lai số AA/2010/0005579 ngày 25/8/2016; Trả lại cho bị cáo Lê Quốc Khánh 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Hà theo biên lai số AA/2010/0005580 ngày 25/8/2016; Trả lại cho bị cáo Nguyễn Văn T 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Hà theo biên lai số AA/2010/0005581 ngày 25/8/2016.

Về xử lý vật chứng: Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước 01 (một) lóng gỗ Trắc, nhóm IIA, dài 2,07m, đường kính 27,5cm (mặt cắt nơi lớn nhất 42cm, mặt cắt nơi nhỏ nhất là 13cm), khối lượng 0,123m3.

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước 06 (sáu) lóng gỗ Trắc, nhóm IIA gồm: 01 (một) lóng gỗ dài 2,46m, đường kính 25cm, khối lượng 0,121m3; 01 lóng gỗ dài 2,5m, đường kính 24cm, khối lượng 0,113m3; 01 lóng gỗ dài 2,5m, đường kính 22cm, khối lượng 0,095m3; 01 lóng gỗ dài 2,5m, đường kính 20cm, khối lượng 0,079m3; 01 lóng gỗ dài 2,5m, đường kính 19cm, khối lượng 0,071m3; 01 lóng gỗ dài 2,5m, đường kính 16cm, khối lượng 0,050m3.

- Tịch thu, sung quỹ Nhà nước 05 (Năm) điện thoại di động gồm: 01 điện thoại di động hiệu Sam Sung DUOS số IMEL 357932/06/189187/8; 01 điện thoại di động hiệu Nokia, vỏ màu đen, model 105, Tupe RM-908, code 059R488, số IMEL 351831/07/749860/1; 01 điện thoại di động Nokia, vỏ màu đen, số IMEL 356482/062860/9; 01 điện thoại di động Nokia, vỏ màu đen, số IMEL1 358592060694183, số IMEL2 358592060694191; 01 điện thoại di động hiệu Mobell M289, màu đen đỏ.

- Tịch thu và tiêu hủy 02 (hai) cưa tay gồm: 01 cưa tay dài 53cm, lưỡi bằng kim loại, phần lưỡi răng cưa sắc bén, cán bằng kim loại có ốp nhựa màu đen hình vòng cung; 01 cưa tay dài 51 cm, lưỡi bằng kim loại, phần lưỡi răng cưa sắc bén, cán bằng kim loại có ốp nhựa màu đen hình vòng cung; 01 xe cộ kéo, khung bằng kim loại; 01 đèn pin vỏ màu xanh, có dây đeo; 01 mẫu gỗ, có số hiệu 12599; 01 chiếc thang làm bằng cây gồm 02 thanh dài, 02 thanh ngang được buộc bằng dây cao su, dây rừng.

Toàn bộ những vật chứng trên theo như biên bản giao nhận vật chứng ngày 01/9/2016 giữa Cơ quan Điều tra Công an huyện Đăk Hà với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đăk Hà.

Về án phí: Căn cứ Điều 135; Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Các bị cáo Lê Quốc K, Phan Tiến D, Nguyễn Văn B, Nguyễn Ngọc B1 (tên gọi khác: Đ), Nguyễn Văn T mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm. Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 12/8/2019.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1477
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 15/2019/HS-PT ngày 12/08/2019 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:15/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về