TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 15/2019/HNGĐ-PT NGÀY 31/07/2019 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG KHI LY HÔN
Trong các ngày từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 7 năm 2019 tại phòng xét xử C-Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án Hôn nhân và gia đình thụ lý số 11/2019/TLPT-HNGĐ ngày 26 tháng 3 năm 2019 về “Ly hôn, tranh chấp tài sản chung khi ly hôn”.
Do Bản án số 01/2019/HNGĐ-ST ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện B bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 15/2019/QĐPT-HNGĐ ngày 24 tháng 4 năm 2019; giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1982.
Trú tại địa chỉ: Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước “Có mặt”.
Đại diện theo ủy quyền của chị H: Anh Bùi Như C, sinh năm 1982
Trú tại địa chỉ: Tổ 1, khu phố P, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước (Theo Văn bản ủy quyền số 0002289 quyền số 01TP/CC-SCC/HĐGD ngày 21 tháng 5 năm 2019) “Có mặt”.
- Bị đơn: Anh Đặng Văn K, sinh năm 1976.
Trú tại địa chỉ: Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước “Có mặt”.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
- Bà Đặng Thị T, sinh năm 1947 (Tên gọi khác: C1; C2)
Trú tại địa chỉ: Ngõ 3, khu phố 3, thị trấn T, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc “Có mặt”.
- Ông Lê Văn T, sinh năm 1964
Trú tại địa chỉ: Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.
- Cháu Đặng Hiển H, sinh ngày 16/4/2002
Trú tại địa chỉ: Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước “Có mặt”.
Người đại diện theo pháp luật của cháu H: Anh Đặng Văn K, chị Nguyễn Thị H (Cha, mẹ của cháu H)
Người kháng cáo: Bị đơn anh Đặng Văn K.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn chị Nguyễn Thị Hoa trình bày:
Về quan hệ hôn nhân: Chị H và anh K kết hôn với nhau vào ngày 14/4/2000, có đăng ký kết hôn tại UBND xã T. Qúa trình chung sống vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã, mâu thuẫn do bất đồng quan điểm sống, nên dẫn đến không hạnh phúc, nên từ năm 2017 đến nay vợ chồng sống ly thân, do vậy chị H xin được ly hôn với anh K.
Về con chung: Vợ chồng có ba người con gồm: Đặng Hiển H, sinh năm 2002; Đặng Thị Tâm N, sinh năm 2007; Đặng Trung H, sinh năm 2009. Từ khi ly thân với anh K hai cháu H, Đặng Trung H sống chung với chị H, còn cháu N sống với anh K Khi ly hôn chị H có nguyện vọng được nuôi cả 03 con, không yêu cầu anh K cấp dưỡng.
Về tài sản chung: Vợ chồng có chung diện tích đất 3,8 ha cùng toàn bộ tài sản trên đất, tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B. Diện tích đất này có nguồn gốc là của mẹ chồng (bà Đặng Thị T), năm 2000 bà T lập Hợp đồng tặng cho anh K và chị H 08 sào và cây trồng điều trên đất, phần đất còn lại là do vợ chồng tiếp tục khai hoang nên mới có diện tích 3,8 ha như bây giờ. Tất cả tài sản trên đất gồm cây trồng trên đất và căn nhà cấp 4 đều là do vợ chồng tạo dựng nên nay ly hôn chị H yêu cầu được chia đôi diện tích đất cùng tài sản trên đất, chị H không có nguyện vọng lấy nhà.
Đối với diện tích đất 02 ha tọa lạc tại thôn 10, xã T, huyện B nhận chuyển nhượng lại của ông Đặng Văn C và Đặng Văn Đ, trước đây chị H có yêu cầu giải quyết nhưng sau đó chị H không yêu cầu Tòa án giải quyết nữa.
Đối với hai chiếc xe máy vợ chồng đã tự giải quyết nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về nợ chung: Vợ chồng không nợ ai và cũng không có ai nợ nên không yêu cầu giải quyết.
Bị đơn anh Đặng Văn K trình bày:
Về quan hệ hôn nhân: Anh K thống nhất với lời trình bày của chị H về kết hôn, tình trạng hôn nhân và đồng ý ly hôn với chị H.
Về con chung: Anh K thống nhất với lời trình bày của chị H, nhưng có yêu cầu khi ly hôn anh K có nguyện vọng được nuôi cháu N, không yêu cầu chị H cấp dưỡng.
Về tài sản chung: Diện tích đất 3,8 ha và tài sản trên đất như chị H yêu cầu chia, là tài sản của mẹ anh K (bà Đặng Thị T (C1, C2) có nguồn gốc bà T từ ngoài Bắc đi kinh tế mới vào xã T, huyện B, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), được Nhà nước cấp cho 50m mặt tiền đường chạy dài xuống đến suối, từ năm 1991 đến năm 1999 thì bà T đã khai phá được tổng diện tích đất hơn 3,8 ha và tiến hành trồng điều trên đất như hiện nay.
Ngày 16/4/2000 anh K kết hôn với chị H đến ngày 20/4/2000 bà T cùng các con trai, con dâu họp gia đình có lập Biên bản thì mới chính thức tạm giao tài sản trên cho vợ chồng anh K, chị H để vợ chồng canh tác, thu hoa lợi, đến nay bà T vẫn chưa cho nên anh K không đồng ý chia tài sản này.
Đối với căn nhà trên đất được vợ chồng xây dựng từ năm 2014, nguồn tiền xây dựng là do vợ chồng tích góp một phần và một phần anh K xin phép bà T được bán diện tích đất khoảng 05 sào đất trồng điều phần đất kế bên diện tích đất 3,8 ha cho ông Đặng Văn M với số tiền 80.000.000đ, tiếp đó năm 2015 anh K xin phép bà T được bán tiếp 1,1 ha đất tại thôn 5, xã T cho bà Lăng Thị M với số tiền 340.000.000đ để trả nợ làm nhà, số còn lại thì mua xe máy và đầu tư cây trồng trên đất, do đó anh K không đồng ý việc chia đôi căn nhà.
Đối với hai chiếc xe máy vợ chồng đã tự thỏa thuận nên không yêu cầu giải quyết.
Về nợ chung: Anh K thống nhất với lời trình bày của chị H.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
Bà Đặng Thị T và người đại diện theo ủy quyền anh Đặng Văn Đ trình bày: Nguồn gốc diện tích đất 3,8 ha là vào năm 1991 bà T đi xây dựng kinh tế mới vào xã T thì được Thôn đội cấp cho 50m chiều dài mặt đường, chiều sâu đến tận suối, đến năm 1992 thì mua thêm của bà Đào Thị X 75m mặt đường. Sau đó đến năm 1993 thì gia đình khai phá được 01 ha. Năm 1996 gia đình khai phá trồng điều được 1,5 ha và đến năm 1999 thì khai phá và trồng điều được 1,3 ha. Ngày 20/4/2000 bà Tụy có tổ chức họp gia đình có Văn bản họp gia đình tạm giao cho anh K và chị H được quản lý, thu hoa lợi đối với 3,8 ha, còn Giấy tặng cho đất năm 2000 là do vợ chồng chị H, anh K tự ý lập và tự ý ký tên bà T vào, bà T không hay biết. Nay chị H yêu cầu chia tài sản này bà T không đồng ý, vì diện tích đất này vẫn là tài sản của bà T chưa cho anh K, chị H. Ngoài ra bà T không có ý kiến nào khác.
Ông Lê Văn T trình bày: Năm 2011, ông T có nhận sang nhượng của anh K, chị H diện tích đất 10m x 50m nằm kế bên diện tích đất 3,8 ha mà chị H, anh K đang tranh chấp. Năm 2012 thì ông T tiến hành xây dựng căn nhà trên đất và sinh sống ổn định cho đến nay. Diện tích đất hiện đã có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện đi làm sổ đỏ. Hiện nay diện tích đất này không có tranh chấp gì với vợ chồng anh K, chị H nên ông T không có ý kiến gì đối với diện tích đất này, đề nghị Tòa án cho ông T được vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
Cháu Đặng Hiển H trình bày tại phiên tòa phúc thẩm: Cháu H là con ruột của anh Đặng Văn K và chị Nguyễn Thị H, từ năm cháu H đủ 16 tuổi đến nay, mỗi ngày, một buổi cháu đi học còn một buổi cháu ở nhà phụ giúp cha mẹ lao động, sản xuất. Nên cháu H đề nghị anh K, chị H tính công sức đóng góp công sức cho cháu H.
Tại bản án sơ thẩm số 01/2019/HNGĐ-ST ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện B quyết định.
Căn cứ vào các Điều 51; Điều 56; Điều 81, 82, 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH16 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án ngày 30/12/2016; Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Về quan hệ hôn nhân:
Ghi nhận sự thuận tình ly hôn giữa các đương sự: Chị Nguyễn Thị H thuận tình ly hôn với anh Đặng Văn K.
Về con chung: Giao cháu Đặng Hiển H, sinh ngày 16/04/2002 và cháu Đặng Trung H, sinh ngày 12/12/2009 cho chị H trực tiếp nuôi dưỡng các cháu cho đến khi đủ 18 tuổi.
Giao cháu Đặng Thị Tâm N sinh ngày 12/12/2007 cho anh K trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi cháu N đủ 18 tuổi.
Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung các đương sự không yêu cầu nên Tòa án không giải quyết.
Sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha mẹ không trực tiếp nuôi con mà lạm dụng việc thăm nom, cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Các bên có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật.
Về tài sản chung:
Chia cho chị H được quyền quản lý, sử dụng, sở hữu diện tích đất 18.101,0m2 cùng toàn bộ tài sản trên đất thuộc thửa đất số 28, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.
Chia cho anh K được quyền quản lý, sử dụng, sở hữu diện tích đất 20.262,3m2 cùng toà bộ tài sản và căn nhà cấp 4 diện tích 67m2 trên đất thuộc thửa đất số 28, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước.
Buộc anh K trả lại cho chị H số tiền chênh lệch 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) giá trị căn nhà.
Các đương sự được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký, kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí sơ thẩm và các chi tố tụng, quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.
Ngày 14 tháng 01 năm 2019 anh Đặng Văn K kháng cáo một phần Bản án số: 01/2019/HNGĐ-ST ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện B. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác yêu cầu chia đôi căn nhà và diện tích đất 3,8 ha đất mà cấp sơ thẩm đã tuyên.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị: Tòa án sơ thẩm có một số sai sót mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được như: Trong quá trình Tòa án sơ thẩm thụ lý giải quyết chị H yêu cầu chia 02 thửa đất, quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm chị H rút yêu cầu khởi kiện 01 thửa có diện tích 02ha nhưng Tòa án sơ thẩm không đình chỉ giải quết đối với phần diện tích đất này là vi phạm thủ tục tố tụng; Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét và làm rõ Giấy tặng cho đất đề năm 2000 có phải do bà Đặng Thị C1 (T, C2) ký cho anh K, chị H hay không. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự hủy Bản án sơ thẩm giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Xét kháng cáo của anh Đặng Văn K yêu cầu sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu chia tài sản của chị Nguyễn Thị H, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Về tố tụng: Cháu Đặng Hiển H, sinh ngày 16/4/2002 là con của anh K và chị H, Tòa án cấp sơ thẩm có hỏi nguyện vọng của cháu H khi cha mẹ ly hôn muốn sống với ai. Cháu H phụ giúp cha mẹ lao động từ khi cháu H 16 tuổi (một buổi đi học, còn một buổi ở nhà phụ giúp cha mẹ) nhưng Tòa án sơ thẩm không hỏi ý kiến của cháu H về công sức đóng góp để xem xét quyền lợi cho cháu H là có thiếu sót. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm cháu H có tham dự phiên tòa và đề nghị đưa cháu H vào tham gia tố tụng, mẹ cháu (chị H) đồng ý làm người đại diện theo pháp luật cho cháu H, cháu H đề nghị cha mẹ tính công sức đóng góp cho cháu H, bản bản không tuyên cụ thể tứ cận diện tích đất chia cho chị H, anh K. Như vậy, cấp sơ thẩm có sai sót, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm cháu H và chị H, anh K đều đồng ý đưa cháu H vào tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm mà không khiếu nại gì, các sai sót khác có thể khắc phục được nêu không cần thiết hủy bản án sơ thẩm mà chỉ nêu ra để Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.
[2]. Về nội dung:
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn chị Nguyễn Thị H trình bày: Do vợ chồng muốn có Giấy chứng nhận QSDĐ để vay vốn làm ăn, nhưng diện tích đất 3,8 ha tại thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước lại chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nên vợ chồng bàn bạc với nhau lập “Giấy tặng cho đất” đề năm 2000 (không đề ngày, tháng) có nội dung bà Đặng Thị C1 (Đặng Thị T) cho vợ chồng diện tích đất 3,8 ha đất nêu trên, để làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, chữ ký trên “Giấy tặng cho đất” là do anh K tự ký tên của bà Đặng Thị C1 chứ không phải chữ ký của bà C1 (T), nhưng sau đó do gia đình bên chồng phát hiện khiếu nại nên vợ chồng chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Chị H cho rằng tuy do anh K ký thay bà T nhưng Giấy tặng cho đất này vẫn có giá trị vì anh K là con của bà T (C1) ký thay mẹ vào Giấy tặng cho đất, ngoài ra chị H còn cho rằng việc bà T tặng cho vợ chồng 3,8 ha đất này còn được thển hiện trong Biên bản họp gia đình ngày 20/4/2000.
Xét, lời trình bày của chị H về “Giấy tặng cho đất” năm 2000 là do anh K ký thay bà T là phù hợp với lời thừa nhận của anh K, phù hợp với lời trình bày của bà Đặng Thị T tại phiên tòa phúc thẩm. Do đó Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự công nhận là sự thật.
Đối với lời trình bày của chị H cho rằng việc bà T tặng cho vợ chồng 3,8 ha đất này còn được thển hiện trong Biên bản họp gia đình ngày 20/4/2000. Đối chiếu lời trình bày này của chị H với Biên bản họp gia đình ngày 20/4/2000 (Bút lục 67) thấy rằng: Nội dung trong Biên bản họp gia đình ngày 20/4/2000 chỉ thể hiện bà Đặng Thị T chỉ giao cho vợ chồng anh K, chị H trông nom, chăm sóc 3,8 ha tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước để phát triển kinh tế gia đình. Không thể hiện nội dung bà T tặng cho anh K, chị H như chị H trình bày.
Như vậy, 3,8 ha tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước có nguồn gốc: Trước khi anh K và chị H lấy nhau thì diện tích đất 3,8 ha tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Đặng Thị T mẹ của anh K. Tuy chị H đưa ra 02 chứng cứ là: Hợp đồng tặng cho đất năm 2000 không phải do bà T ký nên không có giá trị pháp lý và Biên bản họp gia đình ngày 20/4/2000 không thể bà Đặng Thị T đã tặng cho vợ chồng anh K và chị H, nhưng trên thực tế thì khi vợ chồng chị H, anh K làm nhà, thay đổi một số cây trồng trên đất và sử dụng từ năm 2000 đến nay bà T không có ý kiến phản đối gì, như vậy thể hiện ý chí của bà T đã tặng cho anh K và Chị H diện tích 3,8 ha đất nêu trên rồi, nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xác định tài sản chung của vợ chồng là có căn cứ.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chia cho chị H được hưởng giá trị ngang bằng với anh K là chưa xem xét đến công sức đóng góp của anh K trong khối tài sản này (nguồn gốc tài sản này là do mẹ anh K cho), chưa đảm bảo quyền lợi của anh K, nên cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của anh K để chia lại cho anh K được hưởng phần nhiều hơn chị H mới phù hợp, cụ thể: Chia cho anh K diện tích đất 26.254,6m2 cùng toàn bộ cây trồng trên đất, tổng trị giá khoảng 780.000.000đ. Chia cho chị H diện tích đất 12.108,7m2 cùng toàn bộ cây trồng trên đất, tổng trị giá 360.000.000đ.
[3]. Đối với căn nhà cấp 4 diện tích 67m2, do vợ chồng xây dựng năm 2014, hai bên thống nhất giá trị sử dụng còn lại là 200.000.000đ, do căn nhà này nằm trên diện tích đất anh K được chia, hơn nữa chị H không có nguyện vọng lấy nhà để ở, nên Tòa án cấp sơ thẩm giao cho anh K được sở hữu, buộc anh K hoàn trả cho chị H 100.000.000đ là có căn cứ, do đó anh K cho rằng căn nhà là của bà T là không có căn cứ chấp nhận.
[4]. Do diện tích đất nêu trên đã có Văn bản của UBND huyện B xác định đủ điều kiện để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai, nên chị H và anh K được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
[5]. Tại phiên tòa cháu Đặng Hiển H đề nghị cha mẹ tính công sức đóng góp cho cháu H trong thời gian chung sống với cha, mẹ là khoảng 3 năm, cháu không đưa ra con số cụ thể, cháu đề nghị cha mẹ hỗ trợ bao nhiêu là tùy cha mẹ. Tại phiên tòa phúc thẩm anh K, chị H và cháu H thỏa thuận: Anh K, chị H mỗi người tự nguyện trả cho cháu H 15.000.000đ công sức đóng góp. Đây là sự tự nguyện thỏa thuận phù hợp pháp luật nên được ghi nhận.
[6]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Do tài sản được chia lại nên án phí dân sự sơ thẩm được tính lại như sau:
Tổng giá trị tài sản anh K được chia có trị giá: 880.000.000đ + 15.000.000đ (Tiền trả công sức đóng góp của cháu Huy) = 20.000.000đ + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng = 32.600.000đ án phí có giá ngạch;
Tổng giá trị tài sản chị H được chia có trị giá: 460.000.000đ + 15.000.000đ (Tiền trả công sức đóng góp của cháu H) = 20.000.000đ + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng = 23.000.000đ án phí không có giá ngạch.
[7]. Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tại cấp sơ thẩm:
Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ 6.000.000đ, chi phí đo đạc 5.557.000đ, tổng cộng số: 11.557.000đ chị Hoa đã nộp, mỗi người chịu ½, do đó anh K phải hoàn trả lại cho chị Hoa số tiền 5.778.000đ.
Chi phí xem xét thẩm định lại tại cấp phúc thẩm 4.000.000đ do anh K nộp, mỗi người chịu ½, do đó chị H phải hoàn trả lại cho anh K 2.000.000đ.
[8]. Quan điểm của Đại diện viện kiểm sát cho rằng: Trong quá trình thụ lý giải quyết chị H yêu cầu chia khoảng 06 ha đất, quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm chị H rút yêu cầu khởi kiện đối với 02 ha (Còn lại 3,8 ha) nhưng Tòa sơ thẩm không đình chỉ giải quyết đối với phần diện tích đất chị H rút là vi phạm thủ tục tố tụng, là có căn cứ. Tuy nhiên, vi phạm này của Tòa án cấp sơ thẩm tuy nghiêm trọng nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự trong vụ án.
[9]. Xét quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét làm rõ việc bà C2 (T) tạm giao đất cho vợ chồng chị H, anh K quản lý hay đã tặng cho luôn rồi, Giấy tặng đất năm 2000 bà T có ký không. Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm bà T, anh K, chị H đều xác định chữ ký trong “Giấy tặng cho đất” đề năm 2000 không phải do bà T lập và ký tên mà do anh K lập và ký tên bà T (C2) vào, Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định lời thừa nhận của đương sự này thì các đương sự khác không cần phải chứng minh. Do đó, Đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự hủy Bản án sơ thẩm giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại là không có căn cứ chấp nhận.
[10]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, 309 các Điều 148, 217, 294, 357 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
Áp dụng các Điều 51, 55, 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn anh Đặng Văn K.
Sửa Bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số: 01/2019/HNGĐ-ST ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước.
[1] Đình chỉ giải quyết đối với phần nguyên đơn chị Nguyễn Thị H đã rút về yêu cầu chia diện tích đất 02 ha tọa lạc tại thôn 10, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tích Bình Phước. Chị H được quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
[2] Chia cho chị Nguyễn Thị H được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 12.108,7 m2 thuộc tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước, cùng toàn bộ tài sản trên đất gồm: 271 cây cao su trồng năm 2012, 20 cây điều trồng năm 1999, 54 nọc cây hồ tiêu trồng năm 2016.
Đất có tứ cận: Đông giáp với diện tích đất anh K được chia, dài: 319.94 m; Tây giáp với đất của ông Nguyễn Hoàng P và ông Lê Văn T, dài: 50.01 + 236.26 + 66.59; Nam giáp với đường ĐT 755B, Rộng: 33.41m + 10.0; Bắc giáp với suối, rộng: 11.58 + 21.41 + 14.37m (Có sơ đồ đo đạc ngày 19/7/2019 của Công ty THHN đo đạc bản đồ và trắc địa công trình 401).
[3] Chia cho anh Đặng Văn K được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 26.254,6m2 thuộc tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại Thôn 10, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước cùng toàn bộ tài sản trên đất gồm có: 229 cây cao su trồng năm 2012, 200 điều cây trồng năm 1993, 300 cây điều trồng năm 1997, 68 cây điều trồng năm 1999, 400 cây cà phê trồng năm 2014, 23 nọc hồ tiêu trồng năm 2014, 223 nọc hồ tiêu trồng năm 2016 và 01 căn nhà cấp 4 có diện tích 67m2 .
Đất có tứ cận: Đông giáp với diện tích đất chị H được chia, dài: 319.94 + 28.57 + 26.28m; Tây giáp với đất ông Nguyễn Văn T, bà Đào Thị X và ông Nguyễn Đức V, dài: 145.77 + 14.56 + 19.98 + 31.94 + 26.84 + 29.37 + 17.58 + 11.40 + 10.14 + 28.81 + 5.22 + 5.28 + 15.15 + 18.75 + 14.48 + 11.72 + 13.61m; Nam giáp với đường ĐT 755B, rộng: 71.03m; Bắc giáp với suối và đất của ông Đặng Văn M, rộng: 19.16 + 40.14m.
[4] Anh anh Đặng Văn K và chị Nguyễn Thị H được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được chia nêu trên. (Kèm theo Bản án có Sơ đồ đo đạc ngày 19/7/2019 của Công ty THHN đo đạc bản đồ và trắc địa công trình 401).
[5] Buộc anh Đặng Văn K hoàn trả lại cho chị Nguyễn Thị H số tiền 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) (trị giá ½ căn nhà).
[6] Ghi nhận anh Đặng Văn K tự nguyện trả cho con trai là Đặng Hiển H số tiền 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng) công sức đóng góp.
[7] Ghi nhận chị Nguyễn Thị H tự nguyện trả cho con trai là Đặng Hiển H số tiền 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng) công sức đóng góp.
[8] Án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm: Chị Nguyễn Thị H phải nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đ theo Biên lai số 0021592 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.
[9] Án phí dân sự sơ thẩm:
- Chị Nguyễn Thị H phải chịu 23.000.000đ (Hai mươi ba triệu đồng), được khấu trừ vào số tiền 18.487.500đ (Mười tám triệu bốn trăm tám mươi bảy nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 0021592 ngày 27/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.
- Anh Đặng Văn K phải chịu 32.600.000đ (Ba mươi hai triệu sáu trăm nghìn đồng).
[10] Chi phí đo đạc, định giá, xem xét thẩm định tại cấp sơ thẩm: Buộc anh Đặng Văn K trả lại cho chị Nguyễn Thị H số tiền 5.778.000đ (Năm triệu bảy trăm bảy mươi tám nghìn đồng).
[11] Chi phí xem xét thẩm định tại cấp phúc thẩm: Buộc chị Nguyễn Thị H phải trả lại cho anh Đặng Văn K 2.000.000đ (Hai triệu đồng).
[12] Án phí dân sự phúc thẩm: Anh Đặng Văn K không phải chịu, hoàn trả lại cho anh Đặng Văn K 300.000 (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo Biên lai thu số 0009135 ngày 15/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.
[13] Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không có kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra Quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền) nếu bên phải thi hành chậm thi hành thì hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
[14] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 15/2019/HNGĐ-PT ngày 31/07/2019 về ly hôn, tranh chấp tài sản chung khi ly hôn
Số hiệu: | 15/2019/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 31/07/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về