TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THANH TRÌ, TP HÀ NỘI
BẢN ÁN 15/2018/KDTM-ST NGÀY 22/08/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN CÁM NGÔ
Ngày 22 tháng 8 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Thanh Trì xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 19/2018/TLST-KDTM ngày 09/4/2018 về việc: "Tranh chấp hợp đồng mua bán cám ngô" theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 50/2018/QĐST-KDTM ngày 01 tháng 8 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần T
Trụ sở chính: cụm công nghiệp Q, xã Q, huyện T, TP Hà Nội
Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Đức T - SN 1975
Chức vụ: Giám đốc Công ty
Đại diện theo ủy quyền: Bà Trần Thị Hồng M - SN 1979
Chức vụ: Phó giám đốc Công ty (Giấy ủy quyền số 0301/2017/GUQ-CT ngày 02/01/2017)
Người được ủy quyền lại: Ông Nguyễn Văn D - SN 1977 (Có mặt)
Cư trú tại: số 5, ngõ 341, ngách 19, hẻm 5, đường X, quận N, TP Hà Nội (Giấy ủy quyền ngày 11/12/2017)
- Bị đơn: Công ty TNHH Phát triển P
Trụ sở chính: thôn L, xã N, huyện T, TP Hà Nội.
Địa chỉ hoạt động: số nhà A6, tập thể Viện K, xã V, huyện T, TP Hà Nội
Đại diện theo pháp luật: Ông Phan Mạnh T - SN 1976
Chức vụ: Giám đốc Công ty
Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Văn M - SN 1977 (Có mặt)
Cư trú tại: số nhà 8, ngõ 12/141, phố P, phường P, quận T, TP Hà Nội (Giấy ủy quyền tham gia tố tụng ngày 28/3/2018)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 11/12/2017 và các văn bản tiếp theo, nguyên đơn là Công ty Cổ phần T do ông Nguyễn Văn D đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ngày 11/7/2017, Công ty Cổ phần T (sau đây được gọi là Công ty T) ký Hợp đồng mua bán số 1107/2017/HĐMB TP-PL với Công ty TNHH Phát triển P (sau đây được gọi là Công ty P) về việc mua bán cám ngô, theo đó Công ty Tt bán cho Công ty P cám ngô. Tên hàng, quy cách phẩm chất, số lượng, đơn giá, phương thức giao nhận, thời hạn thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên đã được quy định cụ thể trong hợp đồng. Ngày 13/7/2017, Công ty T đã chuyển giao số lượng hàng hóa là 26.185 kg cám ngô và đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng đối với số cám ngô này cho Công ty P là 101.205.025 đồng. Tiếp đó, ngày 21/7/2017, Công ty T đã chuyển giao số lượng hàng hóa là 26.245 kg cám ngô và ngày 19/8/2017 Công ty T đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng đối với số cám ngô này cho Công ty P là 101.471.712 đồng. Tổng cộng hai lần bán hàng, Công ty T đã xuất hóa đơn cho Công ty P là 202.676.735 đồng. Công ty P đã nhận đủ số lượng cám ngô nói trên và đã thanh toán cho Công ty T số tiền 100.000.000 đồng; số tiền còn lại là 102.676.735 đồng hai bên đã đối chiếu công nợ và xác nhận vào ngày 04/9/2017 nhưng đến nay Công ty P chưa thanh toán, mặc dù Công ty T đã nhiều lần thông báo nhắc nợ.
Nay Công ty T yêu cầu Công ty P phải thanh toán như sau: số tiền nợ gốc là 102.676.735 đồng; tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày 01/8/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 21/7/2017 hai bên giao nhận hàng đợt 2, theo thỏa thuận tại Điều 2 Hợp đồng thì sau 10 ngày kể từ ngày nhận hàng, bên mua phải thanh toán 100% giá trị hàng hóa); tiền phạt vi phạm hợp đồng là 10.133.837 đồng (bằng 5% giá trị hợp đồng như quy định tại khoản 2 Điều IV Hợp đồng). Ngoài ra, Công ty T không yêu cầu Công ty P phải bồi thường thiệt hại hợp đồng, không có yêu cầu gì khác.
Tại văn bản ngày 19/4/2018 và các văn bản tiếp theo, bị đơn là Công ty TNHH Phát triển P do ông Phạm Văn M đại diện theo ủy quyền trình bày:
Công ty P xác nhận ngày 11/7/2017 có ký Hợp đồng mua bán số 1107/2017/HĐMB TP-PL với Công ty Cổ phần T như nguyên đơn trình bày ở trên là đúng. Sau khi ký hợp
đồng, Công ty T đã hai lần chuyển giao số lượng hàng hóa và đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty P với tổng số tiền là 202.676.735 đồng. Công ty P đã nhận đủ số lượng hàng hóa và ngày 23/8/2017 đã chuyển khoản thanh toán cho Công ty T số tiền 100.000.000 đồng. Sau đó, do Công ty P chưa thanh toán được hết tiền hàng nên ngày 04/9/2017, hai bên đã tiến hành đối chiếu công nợ, theo đó thì Công ty P còn nợ Công ty T số tiền mua hàng là 102.676.735 đồng.
Nay trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có quan điểm như sau: Công ty P chấp nhận thanh toán tiền hàng còn thiếu là 102.676.735 đồng cho Công ty T. Đối với tiền lãi chậm trả thì bị đơn đề nghị tính từ ngày 04/9/2017 là ngày hai bên đối chiếu công nợ đến ngày 09/4/2018 là ngày vụ án được khởi kiện. Đối với yêu phạt vi phạm hợp đồng là 5% giá trị hợp đồng thì bị đơn không chấp nhận vì bị đơn đã nhận hàng đầy đủ, không vi phạm khoản 2 Điều VI của Hợp đồng. Tuy nhiên do làm ăn khó khăn nên Công ty P xin được thanh toán dần cho Công ty T trong hạn 03 năm sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tại phiên tòa hôm nay:
- Ông D đại diện cho nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán ngay số tiền mua bán cám ngô còn thiếu: nợ gốc là 102.676.735 đồng; tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 04/9/2017 cho đến ngày xét xử sơ thẩm là 28.585.203 đồng; tổng số tiền Công ty P phải thanh toán cho Công ty T là 131.261.938 đồng. Công ty Tt không chấp nhận cho Công ty P trả dần như phương án bị đơn đưa ra. Đối với tiền phạt vi phạm hợp đồng thì nguyên đơn tự nguyện xin rút yêu cầu, không có đề nghị gì khác.
- Ông M đại diện cho bị đơn xác nhận Công ty P còn nợ Công ty T tiền gốc và lãi như trên. Tuy nhiên, do làm ăn khó khăn nên Công ty P xin được trả nợ dần trong 3 năm và chia đều cho các năm kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Đối với việc nguyên đơn tự nguyện xin rút yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng thì bị đơn không có ý kiến gì.
- Các bên thừa nhận Hợp đồng mua bán nói trên được tự thỏa thuận, ký kết tự nguyện và không có tranh chấp gì về lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì có quan điểm: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân theo đúng quy định của pháp luật tố tụng; các đương sự chấp hành đúng quy định về pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần T, buộc Công ty TNHH Phát triển P phải thanh toán số tiền mua cám ngô còn thiếu cho Công ty Cổ phần T như sau: nợ gốc là 102.676.735 đồng; tiền lãi chậm trả theo thỏa thuận tại Hợp đồng mua bán số 1107/2017/HĐMB TP-PL ngày 11/7/2017 giữa các bên được tính từ ngày 04/9/2017 đến ngày 22/8/2018 là 28.585.203 đồng; tổng số tiền Công ty P phải thanh toán cho Công ty T là 131.261.938 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của các bên đương sự và của Đại diện Viện Kiểm sát; sau khi nghị án, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định:
[1] Căn cứ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, quan điểm của bị đơn và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án là "Tranh chấp hợp đồng mua bán cám ngô" theo quy định tại khoản 1 Điều 30 - Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
[2] Vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 36; điểm a khoản 1 Điều 39 - Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
[3] Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại Điều 319 - Luật Thương mại 2005 thì đơn khởi kiện của nguyên đơn vẫn còn thời hiệu khởi kiện.
[4] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Ngày 11/7/2017, Công ty Cổ phần T (Bên A) do bà Trần Thị Hồng M (Phó Giám đốc) đại diện ký Hợp đồng mua bán số 1107/2017/HĐMB TP-PL với Công ty TNHH Phát triển P (bên B) do ông Phan Mạnh T (Giám đốc) đại diện, theo đó Bên A bán cho Bên B mặt hàng Gluten ngô (cám ngô); số lượng là 50 tấn (+-5%); chất lượng: Protein 18%, Moisture 12%; đơn giá là 3.865.000 đồng/tấn; thời gian giao hàng là ngày 13/7/2017 - 21/7/2017; phương thức và thời hạn thanh toán là sau 10 ngày kể từ ngày giao nhận hàng thì bên B thanh toán 100% cho bên A. Các điều khoản khác cũng đã được các bên thống nhất trong hợp đồng. Như vậy, Hợp đồng mua bán số 1107/2017/HĐMB TP-PL ký ngày 11/7/2017 nói trên là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên, không trái pháp luật, phù hợp với quy định tại Điều 24 - Luật Thương mại 2005; các bên đã tự nguyện thực hiện hợp đồng; không tranh chấp về hình thức và nội dung hợp đồng nên Hợp đồng này có giá trị pháp lý.
[5] Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên thừa nhận trong hai ngày 13/7/2017 và 21/7/2017 đã giao nhận hàng đầy đủ, cụ thể: ngày 13/7/2017 hai bên đã giao nhận 26.185kg cám ngô với tổng số tiền phải thanh toán là 101.205.025 đồng; ngày 21/7/2017 hai bên đã giao nhận 26.245kg với tổng số tiền thanh toán là 101.471.710 đồng. Tổng cộng hai đợt giao nhận hàng thì tổng số tiền bên B phải trả cho bên A là 202.676.735 đồng. Ngày 23/8/2017, Công ty P đã chuyển khoản trả cho Công ty T 100.000.000 đồng. Ngày 04/9/2017, hai bên tiến hành đối chiếu công nợ, theo đó Công ty P còn nợ Công ty T số tiền hàng là 102.676.735 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, hai bên xác nhận hiện nay Công ty P còn nợ Công ty T số tiền 102.676.735 đồng chưa trả. Như vậy, Hội đồng xét xử xác định hiện nay Công ty P còn nợ Công ty T số tiền hàng là 102.676.735 đồng và buộc công ty Phú Lợi phải trả cho Công ty T số tiền này.
[6] Về mức lãi suất chậm trả: Tại Điều II Hợp đồng, các bên thỏa thuận: "Bên B thanh toán 100% giá trị hàng hóa trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hàng hóa theo từng lần giao nhận. Trường hợp Bên mua chậm thanh toán cho bên bán thì phải chịu lãi suất quá hạn là 0,08%/ngày trên số tiền quá hạn và không được quá 7 ngày". Theo quy định tại Điều 306 - Luật Thương Mại thì đây là trường hợp các bên có thỏa thuận về tiền lãi do chậm thanh toán; việc thỏa thuận này không trai pháp luật, hai bên đều không có tranh chấp gì về điều khoản này nên mức lãi suất quá hạn 0,08%/ngày trên số tiền quá hạn sẽ là căn cứ để tính lãi chậm trả.
[7] Về thời điểm tính lãi: Sau khi giao nhận hàng xong, ngày 23/8/2017, Công ty P đã chuyển khoản trả cho Công ty T 100.000.000 đồng. Ngày 04/9/2017, hai bên tiến hành đối chiếu công nợ, theo đó Công ty P còn nợ Công ty T số tiền hàng là 102.676.735 đồng. Như vậy thời điểm các bên chốt nợ là ngày 04/9/2017 nên tiền lãi do chậm thanh toán mà Công ty P phải trả cho Công ty T sẽ được tính từ ngày 04/9/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm.
[8] Về phạt vi phạm hợp đồng: tại phiên tòa, nguyên đơn tự nguyện xin rút yêu cầu này, xét việc rút yêu cầu của nguyên đơn là tự nguyện, không trái pháp luật nên được chấp nhận
[9] Từ những phân tích trên, có đủ căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T, buộc Công ty P phải thanh toán số tiền mua hàng còn thiếu theo Hợp đồng mua bán số 1107/2017/HĐMB TP-PL ký ngày 11/7/2017 như sau:
- Tiền mua hàng còn thiếu là 102.676.735 đồng
- Tiền lãi phải trả tính từ ngày 04/9/2017 đến ngày 22/8/2018 là: 102.676.735 đồng x 0,08%/ngày x 351 ngày = 28.831.627 đồng
- Tổng số tiền Công ty Phú Lợi phải trả cho Công ty Thuận Phát là: 102.676.735 đồng + 28.831.627 đồng = 131.508.362 đồng
(Một trăm ba mốt triệu năm trăm lẻ tám ngàn ba trăm sáu hai đồng)
* Về án phí: Yêu cầu của Công ty T được Tòa án chấp nhận, do vậy theo quy định tại khoản 2 Điều 26 - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Công ty P phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch là: 131.508.362 đồng x 5% = 6.575.000 đồng. Công ty T không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nên được trả lại tiền tạm ứng án phí đã nộp
* Về quyền kháng cáo: các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định tại các Điều 271, 273 - Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng:
- Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 36; điểm a khoản 1 Điều 39; các Điều 271, 273 - Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Các Điều 24, 50; 306, 319 - Luật Thương mại
- Điều 116 - Luật doanh nghiệp
- Các Điều 357, 468 - Bộ luật dân sự 2015
- Điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 24; khoản 2 Điều 26 - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án
- Điều 26 - Luật Thi hành án dân sự
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần T đối với Công ty TNHH Phát triển P. Buộc Công ty TNHH Phát triển P phải thanh toán cho Công ty Cổ phần T số tiền 131.508.362 đồng (một trăm ba mốt triệu năm trăm lẻ tám ngàn ba trăm sáu hai đồng)
* Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 - Bộ luật Dân sự 2015.
2. Về án phí:
- Công ty TNHH Phát triển P phải nộp 6.575.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch
- Công ty Cổ phần T không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nên được trả lại số tiền tạm ứng án phí 2.800.000 đồng đã nộp tại Biên lai số AA/2012/0880 ngày 06/4/2018 tại Cơ quan Thi hành án dân sự huyện T
3. Về quyền kháng cáo: các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
4. Về việc thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định của tòa án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 15/2018/KDTM-ST ngày 22/08/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán cám ngô
Số hiệu: | 15/2018/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Thanh Trì - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 22/08/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về