Bản án 15/2018/HSST ngày 16/03/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN PHÚ, TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 15/2018/HSST NGÀY 16/03/2018 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Ngày 16 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 04/2018/TLST-HS ngày 11 tháng 01 năm 2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 15/2018/QĐXXST-HS ngày 01 tháng 3 năm 2018, đối với bị cáo:

Đoàn P - sinh năm 1974, tại Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: Thôn L, xã L, huyện Đ, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ học vấn: 02/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Đoàn H (chết) và bà Đặng Thị T (chết); bị cáo là con thứ 9 trong gia đình có 13 anh chị em; có vợ là Văn Thị Thu H- sinh năm 1974; có 03 người con, lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2005;

Tiền án: Không;

Tiền sự: Có 01 tiền sự: Ngày 05/01/2017, bị Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia T - Trạm Kiểm lâm cơ động Số 01 xử phạt hành chính số tiền 1.000.000đ, hình phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm, về hành vi vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 812/QĐ- XPVPHC.

Bị cáo được tại ngoại (có mặt)

- Nguyên đơn dân sự: Vườn Quốc gia T

Địa chỉ: Xã T, huyện, tỉnh Đ.

Người đại diện hợp pháp: Ông Huỳnh Văn T - Chức vụ: Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia T; (Theo Giấy ủy quyền số: 127/GUQ-VQG ngày 09 tháng 3 năm 2018 của Giám đốc Vườn Quốc gia T) (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Anh Nguyễn Xuân V - sinh năm: 1990; nơi cư trú: Thôn L, xã L, huyện Đ, tỉnh Đ (có mặt).

2. Anh Hồ Đình H - sinh năm: 1990; nơi cư trú: Thôn L, xã L, huyện Đ, tỉnh Đ (có mặt).

- Người làm chứng:

Văn Thị Thu H - sinh năm: 1974; nơi cư trú: Thôn L, xã L, huyện Đ, tỉnh Đ (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do trước đó có người hỏi Đoàn P để mua nấm Linh chi nên vào khoảng 07 giờ 00 phút, ngày 08/7/2017, P chuẩn bị 01 chai nước, 01 túi xách bằng vải màu xanh, 01 con dao rựa, P nhờ vợ là Văn Thị Thu H dùng xuồng ba lá của gia đình chở qua sông Đồng Nai, vào Vườn Quốc gia T (sau đây được viết tắt là VQG T), để hái nấm Linh chi mọc trên các thân cây mục. Trên đường đi, P phát hiện một con Kỳ đà vân đã chết, bị mất phần đầu, có trọng lượng 1,4kg, thấy thịt còn sử dụng được nên P nhặt lấy, rồi dùng dao mổ bụng, bỏ hết nội tạng của con Kỳ đà rồi bỏ vào túi xách mang theo. Đến khoảng 13 giờ 00 phút cùng ngày, P phát hiện 01 con Tê tê, trọng lượng 0,4kg đang bò quanh gốc cây Bằng lăng khô, P nảy sinh ý định bắt con Tê tê về nuôi. Thực hiện ý định, P đuổi bắt con Tê tê và bỏ vào túi vải mang theo.

Trên đường đi đến tiểu Khu 4, thuộc xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai thì P gặp người cháu là Hồ Đình H, và người quen là Nguyễn Xuân V đang từ VQG T đi ra, P thấy H và V mang theo 02 bao tải xác rắn.

Đến khoảng 17 giờ 00 phút cùng ngày, do không tìm được nấm nên P cùng với Huy và Vũ đi về nhà, trên đường đi về đến Tiểu khu 4, thuộc xã Đắc Lua, huyện Tân Phú thì bị lực lượng Kiểm lâm VQG T phát hiện, H và V bỏ lại 02 bao tải xác rắn có đựng thú rừng bên trong rồi trốn thoát, riêng P bị bắt giữ quả tang cùng toàn bộ tang vật, gồm có: 01 cá thể Tê tê, trọng lượng 0,4kg; 01 cá thể Kỳ đà vân (đã chết), trọng lượng 1,4kg; 01 cá thể Kỳ đà vân, trọng lượng 2,1kg; 33kg thịt Heo rừng; 02 con dao phát; 01 sợi bẫy cáp lớn; 02 túi cước; 02 bao tải xác rắn; 02 cái túi nải.

Tại Công văn số 79/CV-STHMN ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Viện Sinh thái học Miền nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, kết luận giám định động vật rừng theo Quyết định trưng cầu giám định số 03/QĐ-ĐTHS- KL ngày 09 tháng 7 năm 2017 của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG T có nội dung kết luận như sau:

Cá thể Tê tê được giám định là loài động vật hoang dã thuộc lớp thú, bộ có vảy, họ Tê tê, có tên thông thường là Tê tê Giava (hoặc Tê tê Java), nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam; theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, Tê tê Giava được xếp vào nhóm IIB, theo Nghị định số 160/2013/NĐ CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ nằm trong phụ lục 1, thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Heo rừng thuộc loài động vật hoang dã thuộc lớp thú; Kỳ đà vân theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, xếp vào nhóm IIB.

Tại Kết luận định giá số 76/KL.HĐĐGTS ngày 09 tháng 11 năm 2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự xác định: 01 cá thể Tê tê, trọng lượng 0,4kg có giá trị 1.280.000đ; 1,4kg thịt Kỳ đà vân, có giá trị 350.000đ; 01 cá thể Kỳ đà vân, trọng lượng 2,1kg, còn sống, có giá trị: 525.000đ; 33kg thịt Heo rừng, có giá trị: 6.600.000đ.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, P thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi như đã nêu trên.

Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự VQG T yêu cầu bị cáo Đoàn P, cùng Nguyễn Xuân V, Hồ Đình H liên đới bồi thường cho VQG tổng số tiền 10.030.000đ (Mười triệu không trăm ba mươi nghìn đồng).

Nguyễn Xuân V, Hồ Đình H thừa nhận, sáng ngày 08/7/2017 cùng nhau vào VQG T với mục đích hái Phong lan, nhưng sau đó phát hiện thú rừng dính bẫy nên cả hai cùng bắt 01 con Kỳ đà vân còn sống trọng lượng 2,1kg; 01 con Heo rừng có trọng lượng 33kg. Sau khi dùng cán dao đập chết con Heo rừng, H và V cùng cắt đầu, bỏ nội tạng và xẻ thịt chia làm 02 phần, bỏ vào 02 bao xác rắn chuẩn bị sẵn rồi cùng đi về. Huy và Vũ xác định, không đi cùng P vào VQG, không tham gia bắt 01 con Tê tê và 01 con Kỳ đà vân (đã chết) cùng P, H và V chỉ gặp P trên đường đi về.

Tại phiên tòa, người làm chứng Văn Thị Thu H là vợ của bị cáo xác định, khoảng 07 giờ 00 phút, ngày 08/7/2017, bà chở Đoàn P qua sông Đồng Nai, với mục đích là vào VQG T hái nấm Linh chi. Việc Đoàn P vào VQG săn bắt thú rừng bà Hạnh không biết.

Tại Bản cáo trạng số 77/CT-VKS-HS ngày 21/11/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú truy tố bị cáo Đoàn P về tội: “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo điểm d khoản 2 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm d khoản 2 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Đoàn P mức án từ 06 (sáu) đến 08 (tám) tháng tù. Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo P, cùng H, V liên đới bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của nguyên đơn dân sự, xử lý vật chứng và quyết định về án phí.

Bị cáo nói lời sau cùng như sau: Bị cáo ân hận về hành vi của mình, do hoàn cảnh kinh tế bị cáo quá khó khăn nên bị cáo mới liều lĩnh thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo là lao động chính trong gia đình. Vì vậy, bị cáo mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Hạt Kiểm lâm VQG T, Kiểm lâm viên, Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Phú, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, Hội đồng xét xử xác định các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Bị cáo thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm vào tháng 7/2017, qua so sánh đối chiếu giữa Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có lợi cho bị cáo hơn so với Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội, áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xét xử bị cáo.

[2] Về tội danh và khung hình phạt:

Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận: Khoảng 13 giờ 00 phút, ngày 08/07/2017 tại tiểu Khu 4, VQG T thuộc xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, bị cáo đã có hành vi bắt 01 cá thể Tê tê Giava, có trọng lượng 0,4kg, trị giá: 1.280.000đ là động vật nhóm IIB, thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ (hướng dẫn tại Công văn số 2592/BTNMT-TCMT ngày 29/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng. Từ đó, có đủ cơ sở kế luận, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Bị cáo săn bắt trong khu vực VQG T, đã phạm vào tình tiết định khung hình phạt “săn bắt trong khu vực bị cấm”, được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 4.3 mục 4 phần IV Thông tư số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08 tháng 03 năm 2007. Do đó, Cáo trạng số 77/CT-VKS-HS ngày 21/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú truy tố bị cáo về tội danh và khung hình phạt như trên là đúng người, đúng tội.

Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học, xâm phạm đến môi trường sinh thái tự nhiên, gián tiếp gây ra các hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội. Do đó, cần có mức án đủ nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra, cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhằm cải tạo, giáo dục bị cáo có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.

[3] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo có 01 tiền sự, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.

[4] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa; tại phiên tòa đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự có ý kiến thống nhất với mức hình phạt theo đề xuất của Viện kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo; hoàn cảnh kinh tế gia đình của bị cáo có phần khó khăn, bị cáo là lao động chính (có xác nhận của chính quyền địa phương), đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng theo quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.

[5] Về căn cứ quyết định hình phạt: Tại phiên tòa, bị cáo đã thực sự ăn năn, hối cải, nhận ra lỗi lầm, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Do đó, Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà khoản 2 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định. Xét thấy, mức hình phạt đối với bị cáo mà vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng là có phần tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo nên có cơ sở chấp nhận.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, nguyên đơn dân sự giữ nguyên yêu cầu bị cáo Đoàn P, anh Nguyễn Xuân V, anh Hồ Đình H có trách nhiệm bồi thường các khoản sau: thiệt hại đối với động vật rừng bị chết (33kg thịt Heo rừng và 1,4kg thịt Kỳ đà vân) số tiền 5.230.000đ (1); chi phí giám định 3.300.000đ (2); chi phí cứu hộ động vật trước khi thả về rừng (đối với 01 cá thể Kỳ đà vân, 01 cá thể Tê tê) 1.500.000đ (3). Tổng cộng (1) + (2) + (3) là 10.030.000đ (Mười triệu không trăm ba mươi nghìn đồng). Xét yêu cầu của nguyên đơn dân sự thì thấy, bị cáo P, cùng với Huy và Vũ xâm phạm tài sản của VQG T với lỗi cố ý, gây thiệt hại về tài sản cho nguyên đơn dân sự. Do đó, yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn dân sự là có cơ sở chấp nhận.

Tại phiên tòa, bị cáo P, anh H, anh V đồng ý liên đới bồi thường số tiền 10.030.000đ theo như yêu cầu của nguyên đơn dân sự. Xét thấy, việc bị cáo, anh H, anh V thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trách nhiệm dân sự tại phiên tòa là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không vi phạm đạo đức xã hội, do đó cần ghi nhận sự thỏa thuận: Bị cáo P, anh H, anh V thỏa thuận bồi thường cho VQG T tổng số tiền là: 10.030.000đ, chia theo phần tương ứng với thiệt hại gây ra và mức độ lỗi, cụ thể như sau:

Bị cáo P có nghĩa vụ bồi thường đối với các khoản thiệt hại là 1,4kg thịt Kỳ đà vân (280.000đ); một phần hai chi phí cứu hộ động vật trước khi thả về rừng (750.000đ); một phần ba chi phí giám định (1.100.000đ). Tổng cộng bị cáo phải bồi thường số tiền: 2.130.000đ (Hai triệu một trăm ba mươi nghìn đồng).

Anh H và anh V có nghĩa vụ bồi thường đối với các khoản thiệt hại là 33kg thịt heo rừng (4.950.000đ); một phần hai chi phí cứu hộ động vật trước khi thả về rừng (750.000đ); một phần hai chi phí giám định (2.200.000đ). Tổng cộng anh H, anh V phải bồi thường số tiền 7.900.000đ. Xét mức độ lỗi của anh H, anh V là ngang nhau, nên anh H và anh V mỗi người phải có trách nhiệm bồi thường một phần hai thiệt hại, tương ứng với số tiền 3.950.000đ (Ba triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng) (7.900.000đ : 2) cho nguyên đơn dân sự.

[7] Về xử lý vật chứng: Đối với 01 cá thể Tê tê, 01 cá thể Kỳ đà vân, sau khi tịch thu, Hạt Kiểm lâm đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc VQG T để cứu hộ, sau đó thả về rừng tự nhiên; Đối với 33kg thịt Heo rừng, 01 cá thể Tê tê đã chết, Hạt Kiểm lâm đã tiến hành tiêu hủy là phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và đúng theo quy định của Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi tịch thu.

Đối với 02 con dao phát, 02 túi cước, 02 bao tải xác rắn, 02 túi nải và 01 sợi bẫy (cáp lớn) là công cụ phạm tội của Đoàn P, và công cụ vi phạm của anh H và anh V, vật chứng không còn giá trị sử dụng nên phải tịch thu tiêu hủy theo quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[8] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a, c, g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần buộc bị cáo Đoàn P nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo P không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm do đã tự nguyện nộp đủ tiền bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa; Anh Nguyễn Xuân V và anh Hồ Đình H mỗi người phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

[9] Các vấn đề khác: Hành vi bắt 01 cá thể Kỳ đà vân và 01 con Heo rừng của Huy, Vũ chưa đủ định lượng theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2007/TTLT- BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08 tháng 03 năm 2007, do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Phú không xử lý về mặt hình sự đối với Huy và Vũ là có cơ sở.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Điểm d khoản 2 Điều 190; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 42 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);

- Điểm a, c khoản 2 Điều 106; Điều 109; Điều 113; Điều 119; Điều 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

- Điều 584, 585, 587, 589 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a, c, g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

1. Tuyên bố bị cáo Đoàn P phạm tội: “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

1.1. Xử phạt bị cáo Đoàn P 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù của bị cáo được tính từ tuyên án (ngày 16 tháng 3 năm 2018).

1.2. Quyết định bắt tạm giam bị cáo Đoàn P tại phiên tòa ngay sau khi tuyên án để đảm bảo cho việc thi hành án.

2. Về trách nhiệm dân sự: Công nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo Đoàn P, anh Nguyễn Xuân V, anh Hồ Đình H liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự Vườn Quốc gia T số tiền: 10.030.000đ (Mười triệu không trăm ba mươi nghìn đồng), chia theo phần cụ thể như sau:

2.1. Bị cáo Đoàn P phải bồi thường thiệt hại cho Vườn Quốc gia T số tiền 2.130.000đ (Hai triệu một trăm ba mươi nghìn đồng).

2.2. Anh Nguyễn Xuân V và anh Hồ Đình H, mỗi người phải bồi thường thiệt hại cho Vườn Quốc gia T số tiền 3.950.000đ (Ba triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng).

2.3. Vườn Quốc gia T được nhận số tiền 2.130.000đ (Hai triệu một trăm ba mươi nghìn đồng) do bị cáo Đoàn P bồi thường tại các Biên lai thu tiền số 0003217 ngày 27 tháng 12 năm 2017 và số 0003227 ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phú (tổng số tiền bị cáo đã nộp là 3.000.000đ); bị cáo P đã thực hiện xong trách nhiệm dân sự, hoàn trả lại cho bị cáo P số tiền  870.000đ (Tám trăm bảy mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 02 con dao phát, 02 túi cước, 02 bao tải xác rắn, 02 túi nải và 01 sợi bẫy (cáp lớn) (Vật chứng hiện đang do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phú tạm giữ theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 29/12/2017 giữa Chi cục Thi hành án và Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú)

4. Về án phí: Buộc bị cáo Đoàn P phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm; anh Nguyễn Xuân V và anh Hồ Đình H mỗi người phải nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo P, nguyên đơn dân sự Vườn Quốc gia T, anh H, anh V được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1212
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 15/2018/HSST ngày 16/03/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:15/2018/HSST 
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Phú - Đồng Nai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:16/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về